Kinh tế VN gặp nhiều trở ngại, chậm lại... trong khi nợ xấu tăng ngập đầu.
Trong khi đó, thế hệ thứ nhất của Việt kiều tuổi càng lúc càng cao, tiền gửi về càng lúc càng đuối...
Thế là, chính phủ Ba Đình liền ra độc chiêu: khuyến khích sinh viên VN du học ở lại hải ngoaị càng nhiều càng tốt. Thế là, nguồn tiền kiều hối từ thế hệ Việt kiều thứ nhì sẽ liên tục nuôi nhà nước. Trong khi đó, không khí chống cộng sẽ loãng dần đi, vì du học sinh trẻ không bận tâm nhiều về quá khứ, và suy nghĩ có thể sẽ quan tâm về dân chủ, nhưng thế hệ trẻ khó bứt phá khỏi khuôn thước “cháu ngoan Bác Hồ”...
Thế là Đảng CSVN trăm đường hưởng lợi.
Báo Dân Trí ghi nhận tình hình kinh tế VN, theo bản phân tích của công ty tài chánh quốc tế HSBC: Kinh tế Việt Nam đang đối mặt hàng loạt thách thức, khó khăn.
Bản tin nói, theo HSBC, các khoản nợ xấu kéo dài, những nguy cơ tiềm ẩn khiến lạm phát tăng, và tốc độ thoái vốn Nhà nước chậm hơn so với kế hoạch là những khó khăn đối với kinh tế Việt Nam hiện nay và trước mắt. Chính vì vậy, tổ chức này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống còn 6,2% cho năm 2016.
Tại báo cáo kinh tế vĩ mô châu Á quý IV/2016 vừa được HSBC phát hành hôm nay (12/10), tổ chức này đánh giá, với việc tăng tốc và đạt mức tăng trưởng 6,6% trong quý III, kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự tiến bộ rõ rệt so với hai quý đầu năm.
Trước đó, trong nửa đầu 2016, theo HSBC, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ chậm đáng thất vọng (đạt 5,6% trong 2 quý đầu). Nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng nông nghiệp giảm. Chính vì vậy, mục tiêu tăng trưởng 6,7% mà Chính phủ đặt ra cho cả năm 2016 là đầy thách thức.
Điểm sáng, theo bản tin Dân Trí, HSBC cũng cho rằng, Việt Nam vẫn duy trì năng lực cạnh tranh cao, đặc biệt là đối với hàng dệt may và sản xuất điện tử và sẽ còn giành thêm thị nhiều phần toàn cầu ngay cả khi thương mại toàn cầu vẫn còn mờ nhạt.
Bi quan là, bản tin viết:
“Tuy nhiên, bản báo cáo này của HSBC cũng lưu ý rằng, các khoản nợ xấu kéo dài, những nguy cơ tiềm ẩn khiến lạm phát tăng, và tốc độ thoái vốn Nhà nước chậm hơn so với kế hoạch là những khó khăn đối với nền kinh tế.”
Nghĩa là, nợ xấu, lạm phát tăng, thoáí vốn nhà nước chậm...
Trong khi đó bản tin VnExpress ghi lời Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước: 'Cần 25 tỷ USD để xử lý nợ xấu'...
Bản tin ghi rằng ông Phước nói, việc xử lý nợ xấu hiện cần các giải pháp, nguồn lực thực chứ không thể "hô khẩu hiệu suông".
Quan điểm trên được ông Trương Văn Phước đưa ra tại Hội thảo Thách thức tái cơ cấu nền kinh tế do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 12/10. Số liệu đến cuối tháng 6/2016 cho thấy tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng khoảng 2,58%. Tuy vậy, nếu tính toán theo chuẩn mực quốc tế, các chuyên gia cho rằng nợ xấu sẽ cao hơn nhiều số báo cáo.
"Việc xử lý nợ xấu vẫn chủ yếu bằng các biện pháp kỹ thuật, bởi với điều kiện như hiện nay, VAMC chưa thể trở thành giải pháp tối ưu để có thể xử lý nợ xấu một cách triệt để”, ông Phước nhận xét.
Hệ quả trực diện là dòng vốn tín dụng ra nền kinh tế bị ”tắc”, khiến lãi suất thực đẩy lên 8-9% một năm trong khi lạm phát chỉ ở mức 0,5-0,6%. Tỷ lệ sinh lời của vốn chủ sở hữu ngân hàng giảm đi tới 3 lần, từ 12% xuống còn 4%. "Chính điều đó làm lan tỏa chi phí vốn lên nền kinh tế. Đó là chi phí rất cao, thiệt hại lớn", Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận xét.
Bản tin VnExpress cũng ghi lời Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.
Ông Du nói, thị trường bị méo mó rồi, nợ xấu cứ phình ra hoài...
Bản tin viết:
“Theo ông Du, 10 năm qua, một lượng tiền khổng lồ đã được đưa ra nền kinh tế nhưng phần lớn lại đổ vào đầu cơ, kinh doanh tài sản, làm méo mó thị trường.
Không ngạc nhiên khi lãi suất trên thị trường là gần 10% một năm nhưng người có vốn gửi ngân hàng đều nhận về khoản lợi thấp hơn nhiều... ông Du cho rằng lý do nằm ở đầu cơ tài sản diễn ra quá dễ dàng. Tiền được đổ vào bất động sản, kinh doanh tài sản với hy vọng thị trường tài chính sẽ "nóng" trong tương lai, nhằm tìm cơ hội làm giàu trở lại... Khi đó nợ xấu sẽ càng phình to. "Nợ xấu lúc này ở các ngân hàng khó mà giải quyết và nguồn lực không được dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự", ông Du nhận xét.”
Trong khi đó, báo VnEconomy cho biết bội chi ngân sách không thoát nổi, VN cứ phải vay nợ: Chính phủ vay nợ khoảng 16 tỷ USD trong 9 tháng.
VnEconomy ghi nhận:
“...Lũy kế 9 tháng, Việt Nam đã ký kết 31 hiệp định vay vốn với tổng trị giá quy đổi khoảng 4,88 tỷ USD.
Như vậy, tính chung cả vay nợ nước ngoài và huy động qua trái phiếu (quy đổi ra USD), 9 tháng Chính phủ đã vay thêm khoảng 16 tỷ USD.”
Mặt khác, bài viết trên VfPress tựa đề “Tạo cung kiều hối” cho thấy thế hệ Việt kiều đầu tiên đang già lão hơn, tiền kiều hối gửi về chậm lại, do vậy chính phủ CSVN nghĩ kế khuyến khích sinh viên du học nên tìm cách ở laị nước ngoài càng lúc càng đông. Như thế, kiều hối gửi về sẽ tăng liên tục nhờ thê hệ Việt kiều mới... và độc chiêu này sẽ làm loãng đi không khí chống cộng...
VfPress viết:
“Kiều hối có yếu tố lịch sử Việt Nam và mấy năm trở lại đây có thêm yếu tố xuất khẩu lao động nhưng tỷ lệ không đáng kể so với lượng tiền của kiều bào gửi về hỗ trợ thân nhân. Tuy nhiên qua thời gian các thế hệ Việt kiều già đi và qua đời không còn liên hệ với thân nhân trong nước sẽ kéo theo một tỷ lệ kiều hối giảm đi trong các năm tới đòi hỏi phải có chính sách mới tạo nguồn cung cho thị trường kiều hối.
TS. Phạm Văn Hùng (Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 140.000 học sinh đang du học nước ngoài. Trước mắt những người đi học nước ngoài bằng vốn ngân sách thì có thể phải trở về phục vụ trong hệ thống cơ quan hành chính công theo cam kết. Tuy nhiên những sinh viên ra nước ngoài bằng tiền gia đình, học bổng và các nguồn khác thì Nhà nước nên có chính sách tạo lập cuộc sống cho họ ở lại nước ngoài. Thậm chí giới thiệu cho các du học sinh Việt Nam ở nước ngoài có thể tiếp cận với các tập đoàn kinh tế đa quốc gia để có việc làm có thu nhập cao.
Theo đó, những sinh viên này có kiến thức, trí tuệ có thể làm thuê cho các công ty lớn ở các quốc gia và có thu nhập cao sẽ chuyển kiều hối về hỗ trợ thân nhân gia đình. Nguồn kiều hối từ lao động chất xám này nếu có một chiến lược lâu dài con số kiều hối đổ vào Việt Nam sẽ rất lớn và có tốc độ tăng trưởng bền vững chứ không phải như lao động phổ thông....”
Tuy nhiên, mặt tích cực của lực lượng du học sinh vẫn nên nhìn thấy: về lâu dài, họ sẽ là những người tỉnh thức sớm nhờ tiếp cận với thế giới tự do, và chính thế hệ trẻ này sẽ khơi nguồn cho cuộc chiến dân chủ hóa quê nhà.
Các nhà dân chủ như Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi... đều đã từng xuất ngoại qua nhiều chương trình khác nhau.
0 comments:
Post a Comment