Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Tuesday 8 December 2015

Nữ Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa và Nữ tù nhân "cải tạo" ở Z30D

Nữ Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa


Mũ Đỏ Võ thị Vui, một trong những Nữ Quân Nhân Việt Nam Cộng Hoà có bằng nhảy dù đầu tiên cuả Quân Đội.

Chân thành cảm ơn Đại tá Cổ Tấn Tinh Châu đã mang đến cho chúng ta bức chân dung tuyệt đẹp đến chạnh lòng của người Nữ Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa, nó phô diễn hầu hết các nỗi đau đứt ruột, lòng hi sinh vô hạn cùng sự chịu đựng phi thường khó mà tưởng tượng nổi

Ngày không xa, lịch sử sẽ phải giành cho các Chị, người Nữ Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa, các Anh thư Việt nữ, một vị trí xứng đáng để cho Dân tộc ghi ơn và Tổ quốc ghi công.


Đoàn Nữ Quân Nhân được thành hình là một sức mạnh lôi cuốn phái nử đứng lên đóng góp cho công cuộc đấu tranh chống cộng sản xâm lăng. Chính vì lòng yêu nước đã hối thúc quý chị đang tuổi thanh xuân với ý chí quật cường đã quyết tâm xa học đường để bước vào quân ngũ cùng nam giới bảo vệ quê hương. Khắp miền đất nước VNCH, từ sông Bến Hải đến vùng đồng bằng Cửu Long tận mũi Cà Mau. Đâu đâu cũng có mặt nữ quân nhân với bộ quân phục tác chiến ở tiền phương hay bộ quân phục màu xanh tại các đơn vị tham mưu, cơ sở trong mọi quân binh chủng và ngành chuyên môn của QLVNCH.

Chúng tôi xin cảm ơn sự quyết định của quý chị đã chấp nhận là một thành phần của QLVNCH. Nói về sự hy sinh và sức chịu đựng của quý chị thì không có lời nào có thể nói hết được. Ngày trước, quý chị vừa làm bổn phận và trách nhiệm trong quân đội lại còn phải lo chăm sóc cho gia đình, có chị còn phải hồi hộp ngày đêm, ôm con lo lắng cho bước đi của chồng trong vùng nguy hiểm, nghe tiếng đạn pháo nổ hay hỏa châu rơi mà suốt đêm không ngủ.


Rồi ngày tang thương của đất nước xẩy đến, là ngày đổ vỡ và chia lìa của dân tộc, tất cả quân cán chính, cảnh sát và luôn cả quý chị cũng bị lùa vào các trại tù dã man của việt cộng. Những người còn lại trong gia đình bị tống đi vào rừng sâu nước độc, phải tự túc mưu sinh, thực chất là để cướp nhà, cướp đất, cướp của cải... Trong ngục tù cộng sản, nhiều đêm quý chị cũng khó tránh được thao thức, trằn trọc, với những tiếng nấc nghẹn ngào, những tiếng thở dài não ruột trong im lặng buồn tênh với sự sống bị bóp nghẹt đến tận cùng của khổ đau. Bờ vai đã ướt lạnh mà sương gió cứ bám theo, chân đã mỏi mà đường về thì vẫn mịt mù.

Đại Tá Trần Cẩm Hương
Trưởng đoàn Nữ Quân Nhân kiêm Chỉ Huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Nữ Quân Nhân


Những giọt lệ rơi xuống không vì thân phận của một ai mà là những giọt lệ dành cho Miền Nam Việt Nam đau thương tang tóc. Bọn cộng sản đã vắt kiệt sức lực các chị, đày đọa, sỉ nhục, đem tuổi trẻ và tài hoa của các chị chôn vùi dưới gốc cây, bụi cỏ. Chính sách bỏ đói mà phải lao động cực khổ là phương cách giết người thâm độc nhứt của bọn cộng sản. Dù bị hành hạ, đói lạnh quý chị vẫn bước qua ngưởng cửa sống và chết để chứng minh được phẩm giá của con người. Quý chị đã gánh trọn nỗi khổ người dân mất tự do: nỗi đau của người vợ xa chồng, người mẹ xa con, vừa nén đau thương, vừa đối diện với bọn cộng sản tàn ác.


Những điều đó không làm quý chị ngã lòng mà càng thôi thúc quý chị phấn đấu, trưởng thành trong kinh nghiệm để vượt qua mọi khổ nạn. Đó là những Nữ Quân Nhân với nghị lực phi thường và sức sống vô cùng mạnh mẽ .


Với lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tung bay phất phới trên khắp phố phường, với tiếng hát Quốc Ca vang rền thôn xóm, đây là tiếng gọi công dân tiến lên cho công cuộc bảo vệ đất nước và nung đúc hào khí Diên Hồng năm xưa? Ai mà chẳng mang trong mình một thứ tình đất nước thiêng liêng sâu nặng. Vì tương lai tươi sáng của đất nước và tinh thần dân tộc đã dẫn dắt quý chị cùng gặp nhau, vì một mục tiêu duy nhất là bảo vệ chủ quyền của quốc gia.


Đoàn Nữ Quân Nhân là nơi mà quý chị đã lựa chọn, đã nổ lực phấn đấu, đã không bỏ cuộc để cùng bước lên con đường hướng tới mục tiêu chung của dân tộc. Quý chị đã không ngại gian nan để góp bàn tay vào công cuộc bảo vệ miền Nam Tự Do. Mảnh đất này đã từng thắm đỏ máu của những anh thư nước Việt khi tuổi đời đang còn tràn đầy nhựa sống. Những cô gái bình thường của ngày xưa đã trở thành những Anh Thư của ngày nay quyết không đứng nhìn đất nước bị xâm lăng, quân thù giết hại đồng bào nên đã cùng nhau đứng lên khi cuộc chiến bắt đầu. Sự dấn thân của quý chị không vì mục đích, quyền lợi cá nhân mà là một sự đóng góp cần thiết cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.


Và từ thời khắc đó, Đoàn Nữ Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa kể từ nay đã lớn mạnh, được người Việt Nam nhắc đến như một biểu tượng của ý chí quyết tâm và bàn tay của niềm hy vọng. Người nữ quân nhân đã  hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp, yểm trợ hữu hiệu cho hậu phương, luôn quyết tâm xây dựng cái đúng, cái hay, đồng thời cũng để loại bỏ cái sai, cái xấu. Quý chị đã để lại những câu chuyện đặc biệt về sức chịu đựng và lòng nhân từ trong chiến tranh. Quý chị thiết tha với đất nước và dân tộc, là những bàn tay êm ấm để xoa dịu phần nào đau khổ của người lính chiến để họ an lòng bước ra tuyến đầu lửa đạn diệt địch bảo vệ Tổ Quốc thân yêu. Mặc dầu nữ quân nhân không phải đương đầu trực tiếp với địch ngoài chiến trường, nhưng phải sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, gian khổ, kể cả sự nguy hiểm trong nhiệm vụ, nhiều chị cũng đã đổ máu trong những chuyến công tác như bị phục kích, giựt mìn, pháo kích ....


Trung tá Hạnh Nhơn khi còn tại ngũ.

Và người nữ quân nhân cũng sẵn sàng nằm gói thân thiên thu trong chiếc poncho. Biết bao nhiêu Việt nữ đã âm thầm hy sinh đóng góp cho công cuộc diệt nội thù và chống ngoại xâm để bảo vệ đất nước. Các chị đã làm những gì mà một Con Người có thể làm để không hổ thẹn với lịch sử của một dân tộc bị chiến tranh triền miên này. Chúng ta có nhiều người chị như vậy lắm cho mãi đến tận bây giờ và ngàn đời sau, dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quên tên quý chị. Suốt cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam, tình cảm của quý chị là ký ức luôn tràn đầy nỗi tiếc thương cho những chiến sĩ đã để lại cuộc đời trên chiến địa, những thương binh đã đem máu thắm vào lòng đất Việt.


Quý chị đã chịu đựng quá nhiều, chỉ vì quyết tâm đóng góp cho một lý tưởng cao đẹp của một dân tộc, quý chị luôn ắp ủ một hoài bảo tự do, dân chủ của đất nước trong tim. Hành động của nữ quân nhân là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ hiểu rằng quý chị luôn tiếp nối con đường của các thế hệ trước đã đi để đấp xây sự thành công tốt đẹp cho đất nước. Quý chị chính là những Anh Thư của QLVNCH, là nguyên khí của đất nước, thể hiện tinh hoa của dân tộc.

Trong nước cũng như ở hải ngoại, người nữ quân nhân vẫn sống với lòng cảm phục của người đời, không hề bị quên lãng theo tháng năm. Hình ảnh kiêu hùng bất khuất của quý chị vẫn tồn tại trong lòng chúng tôi và đồng bào Miền Nam Việt Nam.


Đội Trưởng Biệt Đội Thiên Nga Nguyễn Thanh Thuỷ Khối Đặc Biệt - Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia


Hôm nay, quý chị nên hãnh diện và tự hào vì quý chị đã đi qua quãng đường đầy chông gai trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, với những bước chân can đảm của một con người theo đúng nghĩa cao đẹp nhứt, rất xứng đáng là hiện thân của khí phách Bà Trưng, Bà Triệu, được khắc ghi trong trái tim của người dân Việt Nam.

Hai cánh hoa dù Nguyễn thị Dậu và Phan cẩm Phi đang  biểu diễn kỹ thuật nhảy dù ở khu huấn luyện Tân Sơn Nhứt

Nhớ lại ngày trước, trong chiến tranh, quý chị đã chăm sóc cho thương phế binh, quả phụ và gia đình tử sĩ của QLVNCH. Không phải chỉ có vậy, đôi khi quý chị còn chăm sóc luôn cả cho thương binh và tù binh cộng sản bị chúng ta bắt (Trớ trêu thay: người thương binh đầu tiên được truyền chai nước biển “nóng hổi” vừa được trực thăng mang về là một việt cộng. (Bác Sĩ Nguyễn Sơ Đông ). Còn điều quan trọng hơn nữa là quý chị đã và đang tiếp tục chăm sóc cho thế hệ tương lai. Chúng ta cần khuyến khích và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của các em và các cháu, để cho ngọn lửa đấu tranh của tuổi trẻ bừng sáng lên và tiến tới viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc.


Hiện nay, nhu cầu tối cần thiết của chúng ta ở hải ngoại là nhu cầu đoàn kết, duy trì và phát triển tình huynh đệ chi binh trong các quân binh chủng. Chỉ có đoàn kết thì mới có thành công. Đoàn kết là bài học luôn được biến cải cho thích hợp với hiện tình, là căn bản để hành động. Đoàn kết còn là nguồn gốc của sức mạnh, là động lực, là khát vọng, là niềm tin. Đoàn kết luôn là mục tiêu, là nhiệm vụ hàng đầu để đấu tranh với cộng sản. Nhứt định chúng ta sẽ vươn xa hơn bởi sức mạnh của sự đoàn kết lúc nào cũng tiềm tàng trong tâm khảm người Việt. Chỉ có đoàn kết chúng ta mới có hy vọng diệt được nội thù và đuổi được ngoại xâm.

Trung Úy Trần Huỳnh Mai tại Bình Dương năm 1972


Trong thời chiến, dù là nữ quân nhân đã từng chứng kiến quá nhiều cảnh tượng thương tâm lẫn xót xa của thân nhân tử sĩ, nhưng quý chị cũng không thể đè nén được cảm xúc, đôi mắt của quý chị đã phải rưng rưng lệ ngập lòng uất nghẹn khi đứng trước những quan tài được phủ lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đang ôm lấy hình hài của những chiến sĩ mới hy sinh cho đất nước, bên những người thân đầu vừa chít vội mảnh khăn tang với những giòng lệ tuôn trào trong đau đớn và tiếc thương. Quý chị cũng không làm sao tránh được xốn xang, khi nhìn thấy các anh thương binh VNCH vừa trở về từ chiến trường đã không còn nguyên vẹn hình hài, người không còn tay, kẻ thì mất chân, có người không còn đôi mắt để nhìn lại người thân, những chiến hửu và đồng bào thương mến của mình thì làm sao họ có thể tự mưu sinh được.



Vì nỗi đau mất mát này, nên ngày nay quý chị tuy tuổi đã cao mà lòng vẫn thấy còn nợ điều gì đó với đồng đội, bạn bè, nợ với những anh hùng đã hiến dâng đời mình cho đất nước, nợ những chiến sĩ đã để lại một phần thân thể cho núi sông, nên quý chị cùng đồng đội và đồng bào tỵ nạn cộng sản vẫn tiếp tục chăm sóc cho thương phế binh và quả phụ VNCH còn lại trong nước. Nghĩa cử của quý chị đã làm cho TPB, quả phụ hãnh diện và tự hào vì luôn có những chiến hữu và đồng bào đứng bên cạnh vẫn ghi nhớ công ơn của họ, đó là ý chí quyết tâm, là truyền thống tốt đẹp của QLVNCH.


Hôm nay, tôi xin được nói lời tri ân đến những người chị đã nằm xuống cho công cuộc bảo vệ Miền Nam Việt Nam. Tên quý chị vĩnh viễn đi vào lịch sử, dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ quên ơn quý chị, người người thương tiếc quý chị, vì những gì quý chị đã để lại cho đời.


Sau hết, tôi xin gửi đến những Nữ Quân Nhân QLVNCH lời cảm ơn chân thành và lời chúc tốt đẹp nhứt đến với quý chị cùng gia đình.


Cổ Tấn Tinh Châu


05/12/2015
----


 Nữ tù nhân "cải tạo" ở Z30D

Đã quá lâu chúng tôi không đi xe hơi đường xa, xe Molotova này do tài xế công an CS lái thả giàn, mặc cho chúng tôi ngồi sau thùng xe lắc lư nghiêng ngả, nhất là khi xe rẽ vào đường rừng vừa dốc vừa nhiều ổ gà, quanh co, khúc khuỷu, xe chạy như lăn lộn, ngoằn ngoèo làm cho chúng tôi ngất ngư, choáng váng.
Xe dừng lại khoảng giữa trưa trong một khoảng sân rộng, hai tên công an đàng trước nhảy ra gọi chúng tôi xuống xe, chuyền nhau những giỏ xách xuống theo. Trời nắng gắt, chúng tôi tìm bóng mát trước một gian nhà lợp tranh dài và cao, ngồi bệt xuống đất, dựa vào nền nhà, trong lúc chờ đợi tên công an trưởng xa chạy đi đâu đó, có lẽ đi báo cho văn phòng trưởng trại biết chúng tôi đã đến.
Đang đưa mắt nhìn quang cảnh chung quanh, một bầu trời rộng lớn bao trùm một doanh trại xa lạ, có nhiều dãy nhà tranh ngang dọc, phên là những thân tre đóng sát vào nhau, bỗng nghe trong nhà có những tiếng gọi khẽ tên mỗi chúng tôi. Giật mình xoay vào nhà chúng tôi thấy qua các khe hở lấp lánh những ánh mắt nhìn ra, không thấy được toàn mặt nên không biết là những ai trong đó. Hình như họ đang giới thiệu chúng tôi với nhau. Một toán công an theo nhau xuống nhận chúng tôi. Bọn công an gay gắt và hỗn xược hơn bên bộ đội. Việc đầu tiên là điểm danh, sau đó là lục soát "hành lý" cá nhân chúng tôi đem theo.


- Các chị bày đồ đạc ra để khám xét!
- Ai cho các chị dùng dao găm? Các chị đem theo để làm gì đây?
- Đó là những con dao rỉ sét chúng tôi lượm được ở hố rác các trại cũ dùng để làm cỏ.
- Không được! Ở đây cấm dùng. Để riêng những đồ bằng nhôm, sắt, tôn, thép ra một bên.
Chúng tôi nhìn một cách tiếc rẻ những đồ đạc bị tịch thu, những đồ đạc nghèo nàn thân thuộc đã theo chúng tôi hơn ba năm qua, đã giúp chúng tôi rất nhiều trong lao động ở năm trại trước.
- Các chị nào có dao, kéo, đồng hồ tự giác bỏ ra hết đây, khi nào chuyển trại chúng tôi sẽ trả lại.
Chúng tôi nghe mà rụng rời, thất vọng. Tại sao lại "chuyển trại" nữa mà không nói là "khi nào về"? Mới đến đây, thật là thân gái dặm trường, chẳng biết những gì sẽ chờ đợi chúng tôi, sẽ xảy đến ở nơi khỉ ho cò gáy này...
Lại những câu đón tiếp khô khan, dằn mặt thường lệ:
- Các chị đến đây phải tuyệt đối tuân theo nội quy trại, lao động tích cực, không được có những hành động chống đối, trốn trại sẽ có những biện pháp cứng rắn đối với các chị, v.v... và v.v...
Có tiếng mở khóa và tiếng dây xích rổn rảng ở đầu nhà. Họ chỉ cho chúng tôi đến đàng kia để vào nhà bằng một khung cửa hẹp. Trong nhà có hai tầng sạp toàn bằng tre, một lớp chúng tôi nằm ở sàn trên, một lớp nằm ở dưới. Rất đông người, trong số đó, toán nữ sĩ quan Cảnh Sát VNCH đi trước đều ở đây, gặp lại nhau rất mừng rỡ, lăng xăng lo lắng cho chúng tôi. Các chị sắp chỗ cho chúng tôi để đồ đạc sắp ở đầu nằm và treo lủng lẳng trước mặt móc vào phía dưới của sạp trên. Tôi thiếp đi một lúc lâu, khi tỉnh dậy, tôi mơ màng nghe chung quanh nói chuyện lao xao:
- Chị ấy rất yếu, mỗi lần chuyển trại phải di chuyển bằng xe là chị đều bị ngất xỉu.
- Khuấy cho chị ấy một ly nước chanh đi!
Trên đời có những chuyện rất nhỏ, như ly nước chanh chẳng hạn, mà chúng ta nhớ suốt đời, vì đó là một niềm an ủi thân thương trong những ngày hoạn nạn...
Tôi ngồi dậy cùng với các chị, kể cho nhau nghe về trại cũ, trại mới. Bây giờ mới biết là mình đã được chuyển đến một trại giam có phiên hiệu Z30D cạnh ngọn núi Mây Tào thuộc địa phận Hàm Tân.
Trong nhà này chúng tôi còn ở chung với nhiều chị thuộc thành phần khác, những chị nữ dân biểu, công chức cao cấp của VNCH, các chị vượt biên bị bắt, các chị mang tội phản động, có hành động chống đối, âm mưu lật đổ "Chính Quyền Cách Mạng," và cả các nữ cán bộ, đảng viên CS bị khép tội bội phản hoặc thâm lạm của công... Các chị em phản động là những phụ nữ từng làm những việc rất có lý tưởng, thường tiếp tế vào rừng cho anh em kháng chiến sau 1975, mở quán cà phê chiêu gọi thanh niên tham gia hoạt động trong các mật khu.
Về các chị em cán bộ CS thì thật là buồn cười. Họ đã từng là các mẹ, các chị của "chiến sĩ CS," nuôi ăn, che giấu, làm giao liên, trà trộn trong dân, nằm vùng ở thôn quê, ở thành thị. Trước năm 1975 bị VNCH bắt, túng quá phải khai sự thật, chỉ điểm, làm cho các tên CS bị lùng bắt. Nay "giải phóng" thành công, các con, các em biết được nên bắt các mẹ các chị vào tù lãnh án 10 năm, 15 năm.
Sau 1975, có chị được CS chiếu cố, phân công, cho lên xe Jeep VNCH để lại, oai phong lẫm liệt đến tiếp thu các quận, các tiểu khu, nào ngờ khi giở các hồ sơ còn lưu lại của chế độ cũ, thấy những tờ giấy cam kết do các chị ký tên, chứng tỏ các chị đã được chiêu hồi và hứa hẹn sẽ làm việc cho cả hai phía để cung cấp tin tức của CS, thế là các chị lãnh án vào ở chung với chúng tôi. Bây giờ họ đã mở mắt ra để thấy rõ thế nào là CS nên rất quý mến chúng tôi.
Ba năm trước đây, chúng tôi do bộ đội CS quản lý, nhà giam trống trải vì cửa bị gỡ hết, tuy gió lùa, mưa tạt, nhưng chúng tôi được đi lui đi tới trong khuôn viên trại thoải mái hơn, tuy chung quanh trại đều có vòng đai kẽm gai rất kiên cố.
Nay, lần đầu tiên ở trong nhà tù có cửa khóa, thế là kể từ đây chúng tôi chính thức ở trong chế độ giam cầm của công an CS, tù đày thật sự. Vậy mà sau đó, đến kỳ cho viết thư về nhà, tôi có câu: "Đã mấy tháng nay rồi không nhìn thấy trăng sao, mặc dầu bị tù túng nhưng vẫn cố gắng lao động tốt để được mau về.". Thư đó đã bị giữ lại, và tôi bị gọi lên Ban Chỉ Huy nghe xài xể:
- Nhà Nước nuôi các chị như vậy mà các chị gọi là ở tù à? Giữ các chị để các chị học tập trở thành con người tốt, con người mới Xã Hội Chũ Nghĩa để sống cho hợp với nếp sống văn minh, văn hóa mới mà chị cho là ở tù. Cúp thư kỳ này!"
Tất cả ở Z30D này đều quá mới lạ một cách hãi hùng đối với chúng tôi.
Trong trại không có nước, không có giếng, không có bể nước. Tắm giặt đều ở các khu suối thật xa sau giờ lao động trên đường về. Vì vậy, muốn có nước dùng để rửa mặt đánh răng, vệ sinh, chúng tôi phải đi lao động mỗi ngày, xách theo xô để lấy nước về mà dùng. Những ai bệnh hoạn không đi ra ngoài được, mấy chị em khác về chia xẻ cho một phần nhỏ nước. Chúng tôi có một cách tắm ở nhà rất ư là hà tiện, dùng một cái ly thật nhỏ để dội từng giọt.
Số nữ tù nhân "chính trị" chúng tôi ở đây có 64 người chia làm hai đội để sinh hoạt và lao động. Mỗi sáng, đến giờ kẻng đánh, hai đội nữ sắp hàng hai ra bãi ngồi xổm xuống để đội trưởng điểm danh, báo cáo số hiện diện, số người bệnh, rồi nghe gọi tên đội để lần lượt nối đuôi nhau ra khỏi cổng trại, chia đi các phía rừng để lao động.
Bãi tập hợp rộng bao la, anh em tù từ tứ phía đến hội tụ cả hàng ngàn người. Từ trên một chòi canh cao, một tên cán bộ đứng gọi loa tên từng đội. Gió lồng lộng thổi. Cảnh tượng thật bi hùng. Cả một lực lượng đáng kể tụ họp đây kia, trong chốn đọa đày lao khổ này! Nhìn các đội nam thất thểu đi ra cổng, từng hàng đôi rách rưới, áo quần vá chằng và đụp, người đi những đôi dép mòn, kẻ chân không, đội nón rách bươm, hoặc nón vải bạc thếch, hoặc đầu trần, chúng tôi liên tưởng đến các "Cái Bang"!... Những con người đó trước đây đã từng là các cấp chỉ huy ưu tú, các chiến sĩ từng xông pha chiến trận thật anh dũng hào hùng... Họ đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho tổ quốc, cho quê hương, để đồng bào được sống yên lành trong tự do, no ấm.
Có những người tuổi đã cao, tóc đã bạc muối tiêu, thân thể gầy còm đi thất thểu trong các toán, đôi mắt không còn nét tinh anh!
Về phía chúng tôi, nào có hơn gì! Chắc chắn các anh nhìn chúng tôi cũng có những cảm nghĩ tương tự...
Từ bãi tập họp ra đến bãi lao động phải đi vào rừng sâu, cách nhà giam vài ba cây số. Chúng tôi lại cuốc đất, làm cỏ, đánh vồng trồng khoai, bắp, đậu, mồ hôi nhễ nhại. Chúng tôi lao động giáp ranh với đội nam, do đó lén nghe thì thầm nhiều tin tức mới lạ.
Đặc biệt nhất với chúng tôi là phải tắm suối. Sau giờ lao động, dọn dẹp cuốc xẻng cất vào "nhà lô" để trở về, chúng tôi được dẫn đến một bờ suối để tắm. Đi kèm chúng tôi lúc nào cũng có một nữ quản giáo và một nam cán bộ võ trang. Đến suối, tên võ trang đứng xa hơn, nữ quản giáo đứng trên bờ nhìn xuống chúng tôi để canh giữ. Chúng tôi không được bơi ra xa vì bên kia bờ suối là một gò đất có nhiều bụi cây rậm mà trước đây đã có hai cô trốn trại bơi qua đó, băng vào rừng, nhưng sau đó bị bắt lại.
Lần đầu tiên, cảnh chúng tôi tắm suối thật kinh hãi, không thể tưởng tượng nổi có ngày phải như thế! Toán chị em đã về đây từ trước nhanh nhẹn cởi quần áo để trên bờ đá, trần truồng nhảy xuống thật tự nhiên. Chúng tôi khiếp sợ! Làm sao như vậy được?! Khó quá! Chúng tôi để nguyên quần áo đi xuống nước. Thấy chúng tôi ngần ngại, các chị kêu lên:
- Cởi đại ra đi! Không kịp đâu! Chỉ có mười lăm phút vừa tắm vừa giặt. Lần đầu tụi em cũng như mấy chị, nhưng sau quen đi, không thể làm khác được.
Trời cao trong xanh, những làn mây chiều nhẹ trôi. Suối nước rất đẹp. Có những phiến đá để áo quần. Chúng tôi lúng túng. Thật xấu hổ không chịu được! Phụ nữ VN xưa nay vốn kín đáo, e ấp, thẹn thùng. Thẹn với cả trời, đất, cỏ, cây!...
- Các chị kia nhanh lên, hết giờ rồi, đi về!
Cởi dần ra dưới nước... Ngày đầu tiên tắm và giặt đều không sạch vì chậm chạp quá. Ngày thứ hai thôi đành cởi áo trước để đi xuống nước vậy, nhưng cũng không kịp. Và ngày thứ ba trở đi phải đánh liều, hễ đến suối là phải lo cởi gấp hết, nhảy ùa xuống, vừa tắm vừa giặt gấp rút mới kịp giờ. Chúng tôi có cảm tưởng như một bầy tiên nữ từ trên trời xuống trần gian bị lấy thu mất đôi cánh, như trong thời tiền sử... Thật đáng thương, thật tủi nhục không thể nào chấp nhận được! Càng tệ hại hơn, có đôi khi tắm chưa xong, chợt nhìn lên bờ cao, thấy thấp thoáng người đầu tiên của đám tù nam trên đường về sắp tới.
- Nam, nam! Các chị em la lên.
Thế là nhanh như cắt, chúng tôi nhảy lên bờ vơ vội áo quần để mặc đi về, mặt ai nấy đỏ như gấc.
Đã xong đâu! Trên đường về, đi ngang qua chiếc cầu tre, từ xa đã thấy một toán nam đang tắm dưới cầu, thế là chúng tôi phải ngẩng mặt lên nhìn trời mà đi..
Ôi! Chúng tôi đã đi lui về thời kỳ ăn lông ở lỗ...
Họ đã đối xử với chúng tôi như thế!
Có lần nữ quản giáo bệnh nghỉ, chỉ có tên võ trang đưa đi để canh gác chúng tôi lao động. Khi về đến suối để tắm, tên kia cứ đứng trên bờ cao trân trân nhìn xuống. Làm sao chúng tôi tắm được!
- Anh đi ra xa, đứng vậy làm sao chúng tôi tắm!
- Không! Các chị tắm nhanh lên!
- Thôi chúng tôi không tắm nữa, đi về!
- Có gì đâu mà không tắm? Ngày bữa gì!
- Nhất định chúng tôi không tắm.
- Thế nhỡ các chị trốn đi thì sao?
- Bảo đảm chúng tôi không trốn. Biết đường nào mà trốn?
- Không tin được!
- Đi về! Nhất định phải đi về thôi!
Chúng tôi hăng hái toan bước lên bờ đường. Tên kia nhượng bộ:
- Thôi được rồi, tôi nhìn qua phía kia. Các chị xuống tắm đi!
Tên công an võ trang ngồi xổm xuống nhìn ra phía khác.
Nhỡ anh ta quay lại thì sao?!
Đành phải xuống tắm thật nhanh mà mắt cứ phải coi chừng tên kia quay lại.
Những công việc lao động cực nhọc đến đâu, chúng tôi cũng ráng chịu được, cũng không làm chúng tôi đau khổ, bị chà đạp phẩm giá bằng cách phải đi tắm suối ở Hàm Tân (Z30D).
Thời cuộc đã làm cho chúng tôi là những kẻ sa cơ, gánh chịu vô vàn khổ nhục, nhưng vẫn tin tưởng rằng mọi hoàn cảnh đều sẽ có một lối thoát, nếu ta giữ vững được lòng tin.
Ở mỗi trại tù, mỗi sự hành hạ khác nhau. Và còn biết bao nhiêu mẩu chuyện, giai thoại về những người "Tù Cải Tạo," như những chuyện "Nghìn Lẻ Một Đêm," kể sao cho hết được!

Nguyên Hạnh

------------
  Nước mắt người  nữ Chiến hữu
                                                       *
   (Một buổi sáng mùa thu cuối tháng 8/1978, hôm ấy đội tôi lao động khổ sai gần khu nhà bọn cán bộ công an trại giam Z.30.D. Một tên nữ cán bộ yêu cầu cai tù biệt phái một người tù gánh nước cho các nhà của chúng và tôi bị chỉ định. Nhờ thế, tôi nghe tiếng khóc của một người nữ tù thuộc đội rau xanh khi đang xới đất. Và sau đó tôi biết cô là Nữ Chiến sĩ Phục Quốc.)
                                   
                                                                                
Tôi nhè nhẹ, lắng lòng nghe em khóc,
Mắt u buồn, lệ ướt đẫm bờ mi.
 Suối tóc đen, phủ ôm bờ vai nhỏ,
Lá nghiêng mình nép gọn ở quanh em.

Nghe nho nhỏ tiếng lòng em thổn thức,
Xới đất cầy, chôn giòng lệ chứa chan.
Hai thùng nước, oằn đôi vai rỉ máu,
Cuộc đời tôi, bể trăm mảnh bẻ bàng.

Tôi xót xa, chúng ta cùng cảnh ngộ,
 Kể từ ngày, dạo ấy tháng tư đen.
 Em lạc chồng con trên đường chạy loạn,
 Tôi tan hàng, gảy súng, sống ưu phiền.

  Hận Non Sông, quyết  nối giòng Trưng Triệu
  Em hiên ngang đọ sức với quân thù.
  Rồi một tối, em sa cơ thất thế,
  Trận đòn thù, đầy mối hận thiên thu.

  Lén đến đây, âm thầm nghe tâm sự,
   Chia hận sầu cùng đất cát cỏ cây.
   Tháng Tư ấy, ngày nát tan hoa đá,
   Rừng sâu ơi, có thấu nổi đau nầy.

   Khi Mẹ chết, chân tôi còn cùm xích,
   Vợ con tôi còn lây lất lao tù.
   Cả Quê hương nhuốm một màu tang trắng
   Và Giang sơn chìm đắm giữa sương mù.

    Khóe mắt em, vướng đôi giòng lệ chảy,
    Tim em chờ cuồn cuộn sóng muôn phương
    Ðâu còn thửơ tuổi làm thơ bắt bướm,
    Cài súng gươm, cung nỏ bước lên đường.

     Uất hận ấy, tôi chưa hề phai nhạt,
     Nhớ em hoài, mắt lệ ngấm tim tôi.
     Dù thời gian có làm thay  màu tóc,
     Nhưng tình quê vẫn tha thiết không nguôi.

                                      Tống phước Hiến

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.