Bình luận về cuộc điều trần của bà Hillary Clinton trước Ủy Ban Điều Tra Vụ Benghazi ngày 22/10 vừa qua. Qua phỏng vấn do ông Đoàn Trọng Hiếu, Đài Phát Thanh Việt Nam thực hiện.
1. Ông Hiếu:
Tuần qua, bài phỏng vấn bình luận về cuộc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ đã được quý vị thính giả gửi thư về đài hoan nghênh nhiệt liệt và yêu cầu có thêm những bài bình luận thời sự bổ ích. Vì thế, chúng tôi lại mời ông Đỗ Văn Phúc tiếp chuyện cùng quý vị hôm nay qua đề tài: cuộc điều trần của bà Hillary Clinton trước Úy Ban Điều Tra Biến Cố Benghazi của Quốc Hội ngày 22 tháng 10 vừa qua. Bà Clinton là Bộ Trưởng Ngoại Giao trong giai đoạn xảy ra vụ tấn công, và bị cáo buộc đã có nhiều điều lấp liếm trước dân chúng để giải nguy cho ông Obama khi đó đang tái cử Tổng Thống Mỹ thêm 1 nhiệm kỳ 2012-2016. Chúng tôi là Đoàn Trọng Hiếu cộng tác viên của Đài Phát Thanh Việt Nam xin kính chào ông Đỗ Văn Phúc chủ tịch Hội Đồng Chấp Hành CĐNVQGHK
Trước hết, xin ông cho thính giả biết sơ qua về địa lý, tình hình nước Lybia và vụ tấn công Benghazi xảy ra như thế nào, trong bối cảnh nào?
Ông Phúc:
Lybia là một nước Hồi giáo ở Bắc Phi, phía đông giáp Egypt, tây giáp Algerie và Tunisie, Thủ đô là Tripoli. Đó là một nước lớn, rộng hơn cả Egypt, có nhiều mỏ dầu hoả cung cấp dầu cho các nước kỹ nghệ Tây Phương, và cũng có địa điểm chiến lược quan trọng ở vùng Địa Trung Hải. Năm 1969, Đại Tá Muammar Gaddafi đảo chánh vua Idris 1, mở đầu một chế độ độc tài tàn bạo kéo dài cho đến tháng 10, 2011 khi Gaddafi bị bắt và giết bởi những người nổi loạn trong phong trào mà chúng ta biết qua tên Arab Spring (Mùa Xuân Ả Rập). Liên Hiệp Quốc đã ra Nghị Quyết chống lại Gaddafi và quân đội các nước khối NATO (Minh Ước Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương) đã tích cực yểm trợ để lật đổ Gaddadi. Vì có nhiều quyền lợi về dầu mỏ tại Lybia, nên Hoa Kỳ bất động trong giai đoạn đầu và chỉ can thiệp vào giai đoạn chót của cuộc nổi dậy. Sau đó là một giai đoạn rối loạn giữa các nhóm Hồi Giáo kéo dài đến nay. Lybia đang là một sào huyệt tuyển mộ huấn luyện cho bọn ISIS ở Bắc Phi. Chắc quý vị còn nhớ hình ảnh hàng chục người Thiên Chúa Giáo Bắc Phi bị bọn khủng bố cắt đầu ở một bờ biển Libya mà phía bên kia bờ là nước Italia.Ben6
Sự kiện Benghazi diễn ra như sau:
Ngày 11 tháng 9, 2012, lúc 9:40 tối giờ địa phương (3:40 tối, giờ DC), một nhóm loạn quân Hồi Giáo khoảng từ 120 đến 150 người bất ngờ tấn công vào Toà Lãnh Sự Mỹ tại Benghazi, giết chết Đại sứ Mỹ Christopher Stevens và 3 nhân viên Mỹ khác. Đến 4:30 chiều, Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta mới được Ngũ Giác Đài báo cáo. Ông cho ngay một máy bay không người lái (Drone) lên bao vùng (11:10 tối giờ địa phương). Do đó, họ mới quan sát các diễn biến sau cuộc tấn công. Hơn hai giờ sau, lúc 5:41 pm, bà Clinton mới gọi điện thoại cho Giám Đốc CIA Davis Petraeus để phối hợp. Cần ghi nhớ là nhân viên an ninh địa phương đã báo cáo rằng đây là cuộc “tấn công khủng bố”.
Có tin cho hay một đơn vị Biệt Động Mỹ được gửi đến Căn Cứ Không Lực của Hải Quân Sigonella ở đảo Sicily, Italia, nhưng không nhận được lệnh điều động tiếp cứu Benghazi. Sau này, một nhân viên Mỹ nói rằng đơn vị này chỉ đến căn cứ sau khi vụ Benghazi kết thúc!!!???
Vụ tấn công này là một vết nhơ cho hành pháp Obama và là đầu mối cho những rắc rối xảy ra tại Hoa Kỳ trong mấy năm qua, dẫn đến việc Quốc Hội lập một Ủy Ban đặc biệt để điều tra và mời bà Hillary Clinton ra để cật vấn trong 11 giờ ngày thứ Năm 22 tháng 10 vừa qua.
3. Ông Hiếu:
Tại sao có Ủy Ban Đặc Biệt Điều tra vụ Benghazi? Xin cho biết qua về Ủy ban này? Bà Hillary Clinton bị cáo buộc về tội gì?
Ông Phúc:
Ngày 8 tháng 5, 2014, Hạ Viện Mỹ đã chấp thuận Quyết Nghị số 567 thành lập Ủy Ban về vụ Benghazi, gồm 12 thành viên trong đó: phía Cộng Hoà có bảy Dân Biểu: Trey Gowdy, Chairman (SC) Susan Brooks (IN) Jim Jordan (OH) Mike Pompeo (KS) Martha Roby (AL) Peter Roskam (IL) Lynn Westmoreland (GA). Phía Dân Chủ có 5 vị: Elijah Cummings, (MD) Adam Smith (WA) Adam Schiff (CA) Linda Sanchez (CA) Tammy Duckworth (IL). Ủy Ban này có thẩm quyền điều tra cặn kẽ toàn bộ vụ Benghazi và lập báo cáo về những điều phát hiện để nộp cho Hạ Viện.
Trong những điều tra, các thành viên Cộng Hoà đã phát hiện ra bằng chứng về những lời tuyên bố trái ngược nhau của bà Clinton trước hai đối tượng khác nhau.
Một ngày sau khi vụ tấn công Toà Lãnh Sự Mỹ ở Benghazi xảy ra, bà Hillary Clinton đã tuyên bố là vụ tấn công không phải là khủng bố mà là hậu quả của cuốn phim Innocent of Muslim có nội dung chống lại Hồi Giáo này đã gây căm phẫn trong dân Lybia, và họ đã đánh phá Toà Lãnh Sự Mỹ để trả thù. Chính Tổng Thống Obama và bà Susan Rice, Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cũng tuyên bố tương tự. Nhưng qua điều tra, người ta cho biết vụ tấn công không phải là hậu quả của cuốn phim, mà là một sự tấn công có dự tính từ trước do nhóm khủng bố Hồi cực đoan. Bà Clinton biết rõ điều đó. Theo lời ông Jordan, ngay trong ngày biến động, bà Clinton gọi điện thoại cho Thủ Tướng Egypt và gửi email ra cho gia đình, đã cho biết thủ phạm là nhóm tương tự nhóm Al Queda (AlQueda-like). Chính sự khác biệt giữa hai lời tuyên bố của bà Clinton đã làm các chính trị gia và báo giới lên án bà đã nói láo với quần chúng Mỹ. Bà biết vụ tấn công là do khủng bố Hồi, nhưng đã che đậy, nói láo với đồng bào.
4. Ông Hiếu: Thưa ông, tại sao phải nói láo khi mà các tin tức trướx sau cũng được loan đi đầy đủ do các phương tiện truyền thông tinh vi như hiện nay?
Ông Phúc:
Thưa quý vị, vì đó là thời điểm TT Obama đang vận động tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ. Chúng ta còn nhớ, khi ra tranh cử nhiệm kỳ đầu tiên 2008-2012, Obama đã tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân tại Iraq và Afghanistan. Thời gian gần cuối năm 2012, Obama đã tuyên bố tình hình Iraq và Afghanistan đã yên ổn, loạn quân Hồi cực đoan đã bị vô hiệu. Vì thế, bất cứ tin tức gì xấu về tình hình tại vùng Trung Đông đều đem lại bất lợi cho Obama, chứng tỏ Obama đã không thành công trong việc ổn định tình hình. Là một thành viên nội các, bà Clinton phải nói láo để che chắn cho xếp của mình, và vừa né tránh trách nhiệm trong cái chết của 4 nhân viên Toà Đại Sứ và CIA. Bà Clinton đã biện bạch rằng vì tình hình diễn ra quá nhanh và tin tức dồn dập nên bà mới có các trả lời khác nhau.
Các Dân Biểu Mỹ chắc là giỏi và nhậy bén hơn chúng ta. Nhưng người bàng quan dễ nhìn thấy ưu khuyết của hai kẻ đang đấu đá nhau hơn người trong cuộc. Câu trả lời chạy tội của bà Clinton sẽ giúp cho các ứng cử viên Cộng Hoà đặt câu hỏi với cử tri về tính cách của một Tổng Thống tương lai nếu họ có ý muốn chọn bà Clinton:
1. Nếu bà nói đúng sự thật, thì việc bà tỏ ra thiếu sáng suốt, bối rối đến độ phát biểu tầm bậy khi đối diện với tình huống nghiêm trọng bất ngờ, bà ta không xứng đáng nắm giữ một chức vụ mà có tầm ảnh hưởng lớn đến uy tín và an ninh quốc gia.
2. Còn nếu bà là người bản lãnh (như bà tự chứng minh qua 9 giờ bị “quay” ở Quốc Hội), thì rõ ràng bà đã dối trá khi tuyên bố. Chúng tôi nhớ có nghe bà tuyên bố trong lần gặp cử tri mới đây, rằng bà là người có khả năng làm nhiều việc khác nhau trong cùng một lúc.
Liệu cử tri có nên bỏ phiếu cho một người hoặc (1) gian dối, hoặc (2) thiếu bản lãnh làm Tổng Thống một siêu cường Hoa Kỳ không?
5.- Ông Hiếu:
Xin ông nói rõ hơn về trách nhiệm của bà Clinton?
Ông Phúc:
Chủ tịch Ủy Ban, Dân biểu Gowdy đã hỏi: “Tại sao có quá nhiều yêu cầu về nhân viên an ninh và trang bị phòng thủ cho cơ sở ngoại giao ở Benghazi? Mà những yêu cầu này bị làm ngơ?”
Các tiết lộ ban đầu sau vụ Benghazi đã cho biết bà Clinton từ trước rất lâu, đã không đáp ứng các yêu cầu tăng cường an ninh phòng thủ tại Lãnh Sự Quán ở Benghazi để cứu nguy cho nhân viên của mình. Tình hình Benghazi đã tỏ ra bất ổn từ trước đó rất lâu. Từ tháng 4, 2012 đã có những vụ ném bom vào toà Lãnh Sự Mỹ, vào đoàn convoy chở các Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc, tấn công văn phòng Hồng Thập Tự Quốc Tế, nhưng may mắn không gây ra tử vong. Tháng 5, 2012, nhóm mệnh danh Brigade of the Captive Omar Abdul Rahman phát hành cuốn video về vụ đặt chất nổ ngoài cổng toà Lãnh Sự Mỹ làm thủng một lỗ lớn của bức tường bên ngoài, – lớn đủ cho cả 40 người chui qua một lúc – đồng thời đe doạ sẽ còn nhiều tấn công khác… Ngoài ra, còn những vụ tấn công vào Đại Sứ Anh, Lãnh Sự Tunisie…
Vào ban ngày hôm xẩy ra tấn công Lãnh Sự Quán Beghazi, người canh gác phát hiện một tên khủng bố Hồi giả trang làm cảnh sát dùng cell phone để chụp hình bên ngoài Toà Lãnh Sự
Cơ quan an ninh RSO [Regional Security Officer] ở Libya gom góp được một danh sách gồm 234 biến động lớn nhỏ xảy ra tại Libya từ tháng 6, 2011 đến tháng 7, 2012 trong đó có 50 biến cố ở Benghazi. Theo lời một viên chức an ninh địa phương, họ đã gặp người Mỹ ba ngày trước để cánh báo về tình hình tồi tệ và rất đáng sợ. Chính Đại sứ Stevens cũng viết trong nhật ký mối lo ngại của ông về sự gia tăng hoạt động của Al Queda trong vùng, và lo rằng ông cũng sẽ là một mục tiêu tấn công của chúng.
Sĩ quan an ninh Eric Nordstrom đã 2 lần yêu cầu tăng cường các biện pháp an ninh cho các phái đoàn Mỹ tại Benghazi, nhưng đều bị Bộ Ngoại Giao từ chối.
Bà Clinton khi trả lời các câu hỏi của các Dân Biểu về việc làm ngơ trước các yêu cầu tăng cường an ninh này, đã cho hay bà không hề nhận được các yêu cầu đó.
Ngày 30 tháng 12, 2012, Ủy Ban Nội An Thượng Viện công bố bản báo cáo “Báo Động Đỏ: Báo Cáo Đặc Biệt về Vụ Tấn Công ở Benghazi” cho hay rằng trong nhiều tháng (từ tháng 2 đến tháng 11) đã có khối lượng lớn về bằng chứng chứng tỏ Benghazi trở nên nguy hiểm và bất ổn, có dấu hiệu sẽ có cuộc tấn công vào Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại đây. Trong khi các tin tình báo này lưu hành trong giới tình báo và giới chức cao cấp bộ Ngoại Giao, đã không có những biện pháp tương ứng để tăng cường an ninh cho toà Lãnh Sự Mỹ mà cũng không cho phép đóng của toà lãnh sự để tránh tai hoạ.
Sau này, bà Clinton cũng tuyên bố nhận trách nhiệm về sự thiếu quan tâm đến an ninh toà Lãnh Sự và bày tỏ sự ân hận. Nhưng khi trả lời trước Quốc Hội vào tháng 1, 2013, bà đổ thưa rằng các quyết định về việc an ninh là nhiệm vũ những người khác. Bà nói: “Những yêu cầu đặc biệt về an ninh tại Benghazi được giao cho những chuyên viên về an ninh trong Bộ. Tôi không nhận được những yêu cầu đó. Tôi không chấp thuận, mà cũng không từ chối nó.” (The specific security requests pertaining to Benghazi … were handled by the security professionals in the [State] Department. I didn’t see those requests, I didn’t approve them, I didn’t deny them.)
Nói chung, trong suốt cuộc điều trần, bà Clinton khăng khăng cho rằng bà hoàn toàn không biết đến các văn thư, điện thoại của nhân viên yêu cầu tăng cường an ninh tại Lãnh Sự Benghazi. Lời biện hộ này không thể chấp nhận được. Một người lãnh đạo không phải chỉ biết thực hiện các công tác giao phó, mà còn phải biết theo dõi, quan tâm vấn đề an sinh cho thuộc cấp mình đặc biệt khi họ công tác ở những vùng nguy hiểm, nơi mạng sống như treo trên sợi chỉ mành.
Đặc biệt tên Sidney Blumenthal được nhắc rất nhiều lần trong buổi điều trần. Ông này là ai? Blumenthal từng làm việc trong Toà Bạch Cung thời Tổng Thống Bill Clinton, nhưng dưới thời Obama thì bị cấm không cho làm việc với bà Clinton. Bà Clinton bị cáo buộc đã dành nhiều thì giờ đọc các văn thư cố vấn về an ninh của Blumenthal hơn là lo lắng cho số phận của nhân viên mình. Ngay cả Đại sứ Stevens cũng không có địa chỉ email của bà Ngoại Trưởng! Dân Biểu Pompeo của Kansas đã hỏi: “Tại sao bà không có phản ứng gì trước hơn 600 lời yêu cầu về an ninh của các nhân viên Ngoại giao tại Benghazi? Trong lúc bà lại rất sốt sắng liên lạc với ông Blumenthal? Bộ nhân viên của bà không có ngang tầm quan trọng như Blumenthal?”
Bà Clinton trả lời rằng Blumenthal là bạn của bà ta nên chuyện hỏi ý kiến ông ta về an ninh thì không có gì sai cả.
5. Ông Hiếu:
Theo phe Dân Chủ thì Ủy Ban Điều Tra Benghazi là công cụ của đảng Cộng Hoà nhằm hạ bệ bà Clinton, là một ứng cử viên sang giá phe Dân Chủ. Ông có thấy đúng vậy không?
Ông Phúc:
Chưa bao giờ mà sự phân hoá giữa hai đảng lại trầm trọng như thời gian mấy năm qua kéo dài đến hôm nay. Tôi xin nhắc lời Cựu Thượng Nghị Sĩ Jim Webb tuyên bố khi rút tên khỏi cuộc tranh cử: “Tính chất dân chủ của chúng ta bị bế tắc do cấu trúc về quyền lực và đồng tiền tài trợ cho cả 2 đảng… Các ứng cử viên đã bị lôi kéo về phía cực đoan. Càng ngày họ càng đi xa dân chúng là thành phần mà họ phải phục vụ.”
Trên các đài truyền hình, từ lâu, chúng ta đã nghe than phiền của dân chúng về các dân cử của họ ở Capitol Hill. Trong bất cứ vấn đề gì, hể phe Dân chủ đưa ra thì bị phe Cộng Hoà bác bỏ, và ngược lại. Con số phiếu cho thấy sự phân cực của hai đảng rõ rệt.
Việc điều tra vụ Benghazi là việc đúng để tìm nguyên nhân và có phương cách tránh khỏi tái diễn trong tương lai. Vì cái chết của 4 nhân viên ngoại giao do sự lơ là của cấp lãnh đạo về an ninh, và việc hành pháp Obama đã che đậy sự thật trước dân chúng là một tội lớn. Nhưng phe Cộng Hoà đã có vài lời tuyên bố hớ hênh làm cho người ta coi đây là công cụ của phe Cộng Hoà để đánh bà Clinton. Dân Biểu lãnh tụ khối đa số Kevin McCarthy và Dân Biểu Richard Hana nói rằng cuộc điều tra nhằm làm hạ con số ủng hộ Clinton. Trong suốt một ngày, các dân biểu phe Dân Chủ đã mô tả phe Cộng Hoà như những người dẫn đầu cuộc thập tự chinh để đánh bà Clinton, trong khi phe Cộng Hoà thì giận dữ cho rằng phe Dân Chủ tìm cách ngăn chặn cuộc điều tra về pháp lý trong vụ tình trạng an ninh lỏng lẻo tại một tiền đồn ngoại giao ở nơi hiểm nguy nhất.
Ông Schiff bên Dân Chủ đã tố cáo rằng phe Cộng Hoà đang xử án bà Clinton để gây thiệt hại cho bà trong mùa tranh cử. Trong khi đó, ông Gowdy cãi lại: “Đây đâu phải là sự xử án!” (This isn’t a prosecution, but an interrogation)
Vài phút trước khi nghỉ để ăn trưa, hai bên đã la hét vào mặt nhau (CH Gowdy và DC Schiff và Cummings) khi nhấn mạnh đến chuyện bà Clinton và ông Blumenthal trao đổi email.
Cũng trong buổi điều trần này, phe Cộng Hoà đã né tránh không nhắc đến việc bà Clinton sử dụng email server riêng. Chỉ có một lần, Dân Biểu Jim Jordan có nêu câu hỏi tố cáo bà Clinton đã liên tiếp thay đổi các câu trả lời về việc dùng server cá nhân cũng như lý do mà bà ta sử dụng nó. Bà Clinton vẫn cứ cho rằng mình đã lầm lẫn khi sử dụng server riêng, nhưng khẳng quyết rằng bà không bao giờ nhận hay chuyển các thư có đóng dấu xếp loại (mật, tối mật) và rằng bà ta đã minh bạch bằng cách công bố các email này. Nhưng không thấy ai nhắc rằng bà ta lúc đầu đã tìm cách xoá hết hàng chục ngàn email trong server của bà ta.
Việc Clinton sử dụng email và server riêng cho công việc ngoại giao thì đang nằm trong vòng điều tra của cơ quan FBI nên chúng tôi sẽ bàn trong một dịp khác sau khi có kết quả điều tra.
Ông Hiếu: Hình như buổi điều trần kéo dài 11 giờ, nhưng chỉ có 9 giờ trong phòng họp, vì có hai giờ để giải lao và ăn trưa. Cuối cùng, xin ông cho biết vài nhận xét của riêng ông?
Ông Phúc:
Theo cách suy nghĩ thông thường thì chỉ có kẻ gian mới xoá tang chứng để tránh tội. Luật pháp Hoa Kỳ cũng có khe hở khi không tìm ra đủ tang chứng thì khó buộc tội cho dù biết rằng thủ phạm đã cố tình hủy hoại hết tang chứng. Các vụ giết người, nếu không tìm ra xác nạn nhân, hay không tìm ra vũ khí thì thủ phạm có cơ may thoát nạn. Vì thế, coi như hết 9 giờ trong một ngày mệt mỏi, căng thẳng, bà Clinton đã dựa trên những email đã nộp để đối đáp mà không tiết lộ thêm điều gì mới mẻ và Ủy Ban cũng không kết buộc gì thêm ngoài những điều đã có trong thời gian trước. Phe Dân Chủ thì coi đây là thắng lợi của bà Clinton.
Theo chúng tôi, bà Clinton đã tỏ ra rất khôn khéo né tránh, và đối đáp cương quyết, chứng tỏ một bản lãnh hiếm thấy ở một phụ nữ. Nhưng cũng qua cuộc điều tra, mới thấy hết cái sự phân hoá trầm trọng giữa hai đảng lớn nhất của Hoa Kỳ.
Đảng Cộng Hoà đã mất ghế Tổng thống hai nhiệm kỳ về tay Obama, là một người không kinh nghiệm, thiếu bản lãnh và đã bị đánh giá là Tổng Thống tệ nhất Hoa Kỳ. Nhưng trong mùa bầu cử nhiệm kỳ mới, họ đã không có một ứng cử viên nào có thể ngang tầm với Hillary Clinton, dù bà này bị đa số coi là thiếu thành thật và không đáng tin cậy!
Phiá Dân Chủ có vẻ đoàn kết và biết nhường nhịn; trong khi các ứng cử viên Cộng Hoà đấu đá nhau, tranh hơn thua nhau từng lời nói. Người có tên tuổi kinh nghiệm thì không chứng minh được bản lãnh; người có bản lãnh thì hãy còn yếu thế vì thiếu độ dày hoạt động.
Nếu trong thời gian tới, phe Cộng Hoà không có ngôi sao nào vụt sáng lên, thì ông Clinton lại đạt ước mơ được sống vinh quang trong Toà Bạch Cung cho đến ngày lìa trần!!!
7. – Ông Hiếu: Chương trình phỏng vấn của chúng ta còn một ít thời gian. Tôi muốn nhân đây hỏi them về cuộc tranh luận tối thứ Tư vừa qua giữa các Ứng cử viên Đảng Cộng Hoà. Chắc ông có theo dõi. Xin ông điểm sơ qua các nét chính để thính giả biết được chương trình của các vị ứng cử viên
Ông Phúc:
Buổi tranh luận của các Ứng Cử Viên Cộng Hoà lần thứ ba do đài truyền hình CNBC tổ chức tại Boulder, Colorado. Có 4 vị trong đợt đầu (Lindsey Graham, Bobby Jindal, George Pataki, Rick Santorum) và 10 vị trong đợt 2:
Donald Trump, Jeb Bush, Mike Huckabee, Ben Carson, Ted Cruz, Marco Rubio, Rand Paul, Chris Christie, John Kasich, Carly Fiorina,
Xin nhắc trước rằng đài CNBC cũng theo khuynh hướng Liberal và ủng hộ đảng Dân Chủ như đài CNN. Vì thế, nhiều nhà bình luận, sau khi xem cuộc debate cũng đã kết luận lần debate này không có lợi cho phe Cộng Hoà vì các Điều Hợp Viên cũng khích tướng cho các ứng cử viên đả kích nhau.
Nhưng ít ra, thì lần này chúng ta có nghe những câu hỏi về kinh tế, an sinh xã hội…
Tựu trung có các điểm sau:
1.- Các ứng cử viên đều đồng loạt lên án hành pháp Obama: một chính phủ quá đồ sộ, dành quyền quản lý hết mọi lãnh vực của đời sống (regulations) vừa hao tốn ngân sách. Đây là kiển cấu trúc trong các chế độ độc tài nhằm lấn lướt quyền tự do công dân.
2.- Phê bình giới báo chí Liberal và đảng Dân Chủ. Bà Carli Fiorina thì nói rằng bà Clinton muốn người Mỹ hãy bầu một Nữ Tổng Thống đầu tiên, nhưng trong thời hành pháp Obama mà bà tham chính, hàng chục triệu phụ nữ mất việc làm, và nếu có việc, thì lợi tức thấp so với nam giới.
Bà nói nếu bà được đảng CH chọn, thì bà sẽ là một giấc ác mộng cho bà Clinton.
3.- Các ứng cử viên tấn công nhau
John Kasick: “Chúng ta không thể bầu cho những người không có kinh nghiệm chính trị” (ám chỉ hai ông Trump và Carson), Kasick chê chính sách Thuế má của Carson và dự án xây tường biên giới của Trump là viễn vông.
Jeb Bush bị tụt phiếu ủng hộ qua các thăm dò mới đây, đã họp riêng với những người tài trợ để cam kết sẽ đưa ra kế sách mới mà trong lần tranh luận này, đã thấy tấn công Rubio một cách mạnh bạo.
Jeb Bush chỉ trích Rubio đã vắng mặt trong các cuộc bỏ phiếu ở Thượng Viện. Lập lại lời đả kích của 1 tờ báo ở Florida rằng nếu Rubio không làm việc của mình thì hãy từ chức.
4.- Tấn công luôn những người điều hợp: Những người điều hợp đã đặt những câu hỏi rất thiếu thiện ý, móc lò, có thể nói là không thích hợp trong những cuộc tranh luận đứng đắn.
Như các câu hỏi vớ vẩn, xóc họng: “ông Trump có phải đang tiến hành cuộc vận động kiểu như trong các sách hài hước; ông Huckabee là một nhà truyền giáo, ông có nghĩ rằng ông Trump là người lãnh đạo có đạo đức không?, Ông Carson có biết làm toán không? Ông Rubio, sao không chịu từ chức? Ông Bush, tại sao con số ủng hộ của ông bị tụt dốc?” các câu hỏi này bị Trump phê bình là “Such a nasty question”
Cả hội trường đã vỗ tay nồng nhiệt khi Ted Cruz phản ứng quyết liệt đối với những câu hỏi của các điều hợp viên mà ông cho là “rude” Ông nói ”Những câu hỏi kiểu này là bằng chứng tại sao người dân không tin vào giới truyền thông liberal. Tại sao không đi vào những vấn đề quan yếu mà người dân đang ưu tư?” Cruz cho rằng các Điều hợp viên chỉ muốn các ứng cử viên Cộng Hoà cấu xé nhau.
5.- Các vấn đề kinh tế, thuế má, an sinh…
– Thuế: Khi trả lời các câu hỏi về chính sách về thuế má và các lãnh vực đối nội, các ứng cử viên đều lên án các chính sách của hành pháp Obama. Họ chủ trương giảm bớt các cấp độ để đánh thuế (Tax Brackets), cũng như giảm mức thuế. Được biết chính sách thuế mà hiện nay có 7 cấp độ để đánh thuế; với mức thuế thấp nhất là 10%, cao nhất là 39,6%. Hầu hết các ứng cử viên đều muốn giảm còn chừng 3, 4 cấp độ, và mức thuế cao nhất chỉ khoảng 25%, 28%. Ben Carson thì muốn ấn định mức thuế thấp ở 15% bất luận giàu nghèo. Cả hai ông Trump và Carson bị ông Kasick cho rằng viễn vông.
– Bảo hiểm sức khoẻ: Hầu hết chủ trương hủy bỏ Obamacare.
Trump: chủ trương thay thế bảo hiểm y tế bằng trương mục tiết kiệm cá nhân cho sức khoẻ.
Carson: đề nghị thay thế hết các chương trình Obamacare, Medicare, Medicaid bằng một ngân khoản của chính phủ $2000 mỗi năm cho người thụ hưởng. (Cần biết, mức tốn kém trung bình về y tế của mỗi người hiện nay là $9200)
Bush: Chủ trương lệ thuộc vào một hệ thống tài trợ cho người già. Ông muốn lập một trương mục tiết kiệm cho sức khoẻ miễn thuế cho người già khi cần chi trả những phí tổn mà bảo hiểm không trả.
Rubio: hơi giống của Bush. Ông chủ trương một số tiền cố định cho người già để mua bảo hiểm, hoặc qua Medicare hoặc qua các công ty tư nhân.
Fiorina: chủ trương tài trợ của Liên bang cho các chương trình bảo hiểm Tiểu bang.
– An Sinh Xã Hội:
Trump: Chống cắt giảm trợ cấp an sinh xã hội và gia tăng tuổi hưu.
Carson: đồng ý với vài ứng cử viên trong việc gia tăng tuổi về hưu non lên 66 (cho những người hiện nay ở tuổi 55)
Rubio: đồng ý tăng tuổi về hưu nhưng cắt giảm tài trợ cho những người già có lợi tức cao.
Bush: từ từ tăng tuổi hưu lên 70 (hiện nay là 67). Ông muốn bỏ mức thuế lương bổng 6.2% cho những người già tuy đã hưu (67) nhưng vẫn còn làm việc. Mở trương mục 401K cho người làm việc ở các doanh nghiệp nhỏ.
Gần cuối cuộc debate, điều hợp viên đưa ra những câu hỏi dẫn đến miên man về foot ball đến nỗi ông Christie phải lên tiếng: “Chúng ta đang bị nợ 19 ngàn tỉ, đang có nhiều người thất nghiệp, đang đối đầu với khủng bố ISIS và Al Qaeda, mà lại đứng đây nói chuyện football ư? Dừng lại thôi.”
8. – Ông Hiếu: Ông có nhận xét riêng về các ứng cử viên không?
Ông Phúc:
Thật khó cho tôi để nói lên nhận xét của mình, vì e rằng thính giả sẽ cho rằng tôi cổ động cho một ứng cử viên nào đó chăng. Tuy nhiên, tôi xin thú nhận rằng đã thất vọng về ông Jeb Bush khi ông ta lần trước thì tỏ vẻ yếu trước ông Trump, và lần này thì tấn công ông Rubio với câu hỏi không nên có đối với một người ông ta từng là người hướng dẫn.
Về dư luận qua báo chí, thì sau cuộc tranh luận, nhiều người đã đánh giá Marco Rubio và Ted Cruz, có vẻ trội hơn hết, được nhiều lần vỗ tay hoan nghênh. Carson đã không nói nhiều được về các đường lối của mình, vì điều hợp viên đã cố tình gài những ứng cử viên đối đầu nhau. Các ứng cử viên khác không nỗ lực để thay đổi vị trí trong sự đánh giá.
http://tienggoicongdan.com/2015/10/30/nvdhn-phong-van-ong-do-van-phuc-ve-buoi-dieu-tran-truoc-quoc-hoi-cua-ba-hillary-clinton/
0 comments:
Post a Comment