Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Tuesday 8 September 2015

Tổng thống Pháp ra lệnh chuẩn bị oanh kích IS tại Syria

                                       

media
Tổng thống Pháp François Hollande trong cuộc họp báo ngày 07/09/2015.REUTERS/Charles Platiau
Kể từ ngày thứ ba 08/09/2015, không quân Pháp sẽ thực hiện các phi vụ trinh sát trên bầu trời Syria để chuẩn bị cho những cuộc oanh kích sau đó. Tổng thống Pháp François Hollande thông báo sẽ mở rộng chiến dịch oanh kích từ Irak sang Syria, nhưng loại trừ giải pháp đưa quân can thiệp trực tiếp trên bộ.
Trong cuộc họp báo tại Điện Elysée vào hôm nay 07/08, tổng thống Pháp loan báo nhiều kế hoạch quan trọng liên quan đến thời sự quốc tế .
Liên quan đến cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Syria, tổng thống François Hollande cho biết đã chỉ thị cho bộ trưởng Quốc phòng kể từ ngày mai tiến hành các phi vụ trinh sát trên không phận Syria. Đây là bước thu thập thông tin tình báo để « tấn công Daech », bảo vệ tính độc lập cho quyết định và hành động của Pháp. Lãnh đạo Pháp giải thích là cần phải biết đối phương đang chuẩn bị những gì « để làm hại nước Pháp và nhân dân Syria ».
Trước đó, theo AFP, trong khuôn khổ liên quân quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo, Pháp đã bố trí nhiều máy bay loại Mirage 2000 và Rafale để oanh kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak, nhưng từ chối can thiệp vào Syria cho đến khi quyết định thay đổi chiến lược thông báo hôm nay.
Cũng trong cuộc họp báo, tổng thống Pháp khẳng định sẽ không gửi quân can thiệp trên bộ mà theo ông đó là giải pháp vừa « không thực tế », vừa « bất cẩn ». Không thực tế vì Pháp sẽ chiến đấu một mình, còn « bất cẩn » vì lực lượng tham chiến sẽ biến thành lực lượng chiếm đóng.
Do vậy, theo tổng thống Pháp, vai trò chiến đấu trên bộ tại Irak là của người Irak và ở Syria sẽ do lực lượng nổi dậy người Syria đảm trách, cũng như do quân đội của các quốc gia trong vùng.
Tổng thống Hollande cho biết thêm Paris đang vận động tìm một giải pháp chính trị cho Syria, vì đó là con đường duy nhất. Trong nỗ lực này, phải tránh những hành động củng cố chế độ Bachar al Assad, vì sớm muộn gì vấn đề từ chức của nhà độc tài này phải được đặt ra trong tiến trình chuyển tiếp.

Vì an ninh quốc gia, Pháp oanh kích thánh chiến Hồi giáo tại Syria

Tú Anh                   
media
Một máy bay của liên quân chống Daech tại Kobane, Syria.REUTERS/Kai Pfaffenbach
Trong bối cảnh hàng trăm ngàn người tị nạn tràn về châu Âu, Pháp thay đổi chiến lược chống khủng bố.Tổng thống Pháp François Hollande bật đèn xanh cho không quân can thiệp vào Syria, oanh kích tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ của chế độ al Assad.
Quyết định của tổng thống Pháp François Hollande được xem là « hợp lý » và nhận được sự ủng hộ của đối lập Pháp cũng như công luận. Câu hỏi đặt ra là tại sao Pháp thay đổi chiến lược, mở rộng vùng oanh kích từ Irak sang Syria ?
Theo giới phân tích, không phải chỉ riêng nước Pháp, đã đến lúc liên minh quân sự chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo phải thay đổi chiến lược. Khai diễn từ tháng 8 năm 2014, liên quân Tây phương-Ả Rập do Hoa Kỳ lãnh đạo chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo, quy tụ khoảng 20 nước gồm Hoa Kỳ, Canada, một số quốc gia Tây Âu cột trụ như Anh, Pháp, Đức… và 5 nước Ả Rập.
Chiến thuật oanh kích tại Irak không ngăn được Daech
Trong vòng một năm, lực lượng quốc tế đã thực hiện hơn 5.200 phi vụ tại Irak cũng như tại Syria để ngăn chận đà tiến quân của Daech, tên tiếng Ả Rập của tổ chức cực đoan này, nhưng gần như không chiếm lại được một thành phố nào quan trọng.
Lực lượng không quân của Pháp, trong chiến dịch Chamal (tiếng Ả Rập : "gió phương Bắc") đã thực hiện 200 cuộc oanh kích hoàn toàn trên lãnh thổ Irak.
Pháp từ chối không tấn công vào vị trí của thánh chiến Hồi giáo ở Syria vì không muốn mang tiếng tiếp tay cho tổng thống Bachar Al Assad, nhà lãnh đạo bị tố cáo sử dụng cả bom hóa học và xăng đặt để oanh kích thường dân và cũng là nhân vật bị Pháp đòi phải từ chức.
Thế nhưng, trên chiến trường Syria, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tiếp tục nới rộng vùng kiểm soát. Sau Ramadi ở Irak đến lược Palmyra ở Syria thất thủ. Chiến binh cực đoan, đi đến đâu tàn sát và tàn phá đến đó chỉ còn cách thủ đô Damas có 250 km.
Theo nhận định của cựu tướng Dominique Trinquant, một chuyên gia quân sự Pháp thì ngày nay người ta « mới thấy Daech đã tới cửa Damas và do vậy không thể tiếp tục chính sách quân sự nửa vời » chỉ oanh kích ở Irak .
Lý do thứ hai : bảo vệ an ninh quốc gia
Vào lúc không quân Pháp tham chiến tại Irak thì lãnh thổ của Pháp bị nhiều vụ khủng bố đẫm máu, từ vụ thảm sát tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo tại Paris hồi tháng 1 và vụ tấn công xe lửa cao tốc Thalys trên đường Amsterdam- Paris hồi tháng 8. Đa số các vụ tấn công này, thủ phạm đều đã « lưu trú » tại Syria và có quan hệ trực tiếp với tổ chức Nhà nước Hồi giáo hay với một số thành viên của nhóm khủng bố này.
Một nhà ngoại giao Pháp xin giấu tên tuyên bố với AFP : Syria có vai trò trung tâm đối với tình hình an ninh của Pháp, vì hàng trăm công dân Pháp theo phe thánh chiến tại Syria.
Do vậy, vì nhu cầu an ninh quốc gia, tổng thống François Hollande thay đổi chiến lược, từ nay sẽ can thiệp vào Syria , nơi xuất phát hàng triệu người tị nạn bồng bế vợ con chạy trốn đàn áp, chạy trốn nội chiến.
Bị chấn động và xúc động vì thảm nạn thuyền nhân chết trên biển Địa Trung Hải và từng đoàn người vượt biên giới trên bộ tràn vào Liên Hiệp Châu Âu, đa số công luận Pháp có vẽ nghiêng về giải pháp tấn công trên bộ.
Tuy nhiên, cho dù 61% người được hỏi ý kiến ủng hộ giải pháp Liên quân quốc tế trực tiếp tham chiến tại Syria (theo một kết quả thăm dò được báo chí đăng tải hôm chủ nhật 06/09), chính phủ Pháp không muốn lao vào một cuộc phiêu lưu đầy bất trắc.
Giới lãnh đạo đối lập như cựu thủ tướng Alain Juppé, cũng ủng hộ giải pháp oanh kích Syria, nhưng không muốn Pháp đưa quân vào Syria, để tránh « sa lầy » như trường hợp đã xẩy ra ở Afghanistan.
Nhận định chung của các nhà chiến lược là không để cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo cơ hội tuyên truyền chống « Tây phương xâm lược ». Nhiệm vụ can thiệp bằng lục quân, nếu có, sẽ dành cho các nước Ả Rập trong vùng và Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm lại những vùng lãnh thổ đang bị thánh chiến kiểm soát.

Moscow ủng hộ quân sự Damas chống thánh chiến

Tú Anh
media
Một khu phố Alep, thành phố miền bắc Syria, 29/08/2015.REUTERS/Abdalrhman Ismail
Theo hãng tin Nga Ria, chính quyền Nga không che dấu sự kiện vẫn cung cấp trang thiết bị quân sự cho quân đội Syria để chống khủng bố. Bộ ngoại giao Nga xác định sự kiện này trong bối cảnh Hoa Kỳ quan ngại về thông tin Nga đang chuẩn bị đưa vũ khí mới cho Damas.
Theo một nguồn tin Syria được nhật báo As Safir của Liban trích dẫn, từ nhiều tuần nay tại Syria, các chuyên gia Nga đi thanh tra một số phi trường ở phía bắc và chuẩn bị nới rộng các phi đạo. Phía Syria cho rằng « không có thay đổi cơ bản » trong sự hiện diện của các lực lượng Nga tại Syria. Những đơn vị này tiếp tục hoạt động trong khuôn khổ cấp « chuyên gia, cố vấn và huấn luyện viên ».
Tuy nhiên, theo nhật báo Liban có tiếng thông thạo tình hình ở Syria, lần đầu tiên từ khi nội chiến bùng nổ, Nga chủ động tăng cường « chất lượng » trong quan hệ quân sự với Damas. Cụ thể là thanh tra các phi trường quân sự, nới rộng các đường băng. Matxcơva dường như chưa quyết định sẽ giao các loại vũ khí nào, nhưng quân đội Syria xin khoảng 20 trực thăng võ trang Mi-28.
Ngày thứ bảy 05/09, đích thân Ngoại trường Mỹ John Kerry đã đề cập mối quan ngại của Mỹ với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov về thông tin Nga chuẩn bị tăng cường sức mạnh quân sự quan trọng cho quân đội Syria để giúp tổng thống Bachar al Assad. Chuyện này nếu có thực, sẽ làm gia tăng nguy cơ đụng độ với không lực liên quân oanh kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Nga trả lời là còn « quá sớm » để nói đến một sự tham gia của Nga vào các chiến dịch quân sự tại Syria.
Theo bộ Ngoại giao Hy Lạp, Hoa Kỳ đã yêu cầu Hy Lạp cấm các chuyến bay « nhân đạo » của Nga bay ngang không phận qua Syria. Athens cho biết đang nghiên cứu yêu cầu này, còn hãng Ria của Nga khẳng định Hy lạp đã bác đề nghị của Mỹ.

Syria : Mỹ lo ngại trước khả năng Nga can thiệp quân sự

Thanh Hà                   
media
Hai Ngoại truởng Sergei Lavrov và John Kerry trong lần gặp tại Sotchi tháng 5/2015 - REUTERS /Joshua Roberts
Trong cuộc điện đàm ngày 05/09/2015, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry trực tiếp bày tỏ lo ngại với đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov trước khả năng Matxcơva đang chuẩn bị tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria.
Thông tín viên đài RFI Jean Louis Pourtet từ Washington cho biết thêm chi tiết về căng thẳng mới giữa Hoa Kỳ với Nga :
« Theo cơ quan truyền thông CBS, Washington đề cao cảnh giác sau khi cơ quan tình báo Mỹ phát hiện Nga đã triển khai một hệ thống giám sát không phận Syria gần cảng Lattaquié và đang xây dựng một khu vực có thể đón nhận hàng trăm người.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong cuộc điện đàm hôm qua với đồng nhiệm Sergei Lavrov, ông John Kerry đã cảnh cáo là nếu như các thông tin trên được xác nhận, xung đột tại Syria có nguy cơ gia tăng cường độ, những thiệt hại về nhân mạng có chiều hướng tăng lên và các làn sóng người tỵ nạn sẽ càng dâng cao.
Một mối đe dọa tiềm tàng khác, ngoài ý muốn, là nguy cơ đụng độ giữa Nga và Mỹ trong bối cảnh Hoa Kỳ đang dẫn đầu một liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria. Trong trường hợp xảy ra sự cố, Nga-Mỹ coi như trở lại với thời kỳ chiến tranh lạnh.
Thứ sáu vừa qua -04/09/2015- Tổng thống Vladimir Putin khẳng định : trước mắt, Matxcơva không có ý định đưa quân đến Syria. Theo chủ nhân điện Kremly, còn "quá sớm để cho rằng Nga sẵn sàng tiến tới giải pháp đó ngay tức thời". Có điều, rút tỉa kinh nghiệm từ bài học Ukraina, Mỹ hoài nghi trước những lời tuyên bố của ông Putin.
Hai Ngoại truởng Kerry và Lavrov đồng ý tiếp tục thảo luận về trường hợp Syria bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc được mở ra trong tháng này tại New York. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thì chủ trương gạt Tổng thống Bachar Al Assad ra ngoài tiến trình chuyển tiếp chính trị của Syria. Ngược lại lãnh đạo Nga, Vladimir Putin thì lại muốn bảo vệ vị trí của ông Assad trong liên minh đó ».

Du khách Nga ít còn đi Việt Nam vì đồng rúp mất giá

RFI                   
media
Tại Nha Trang, nhiều cửa hàng buôn bán đều có bảng hiệu chào mời khách bằng tiếng Nga - DR
Hàng năm, có trên dưới 200.000 du khách Nga đến thăm Nha Trang. Nhưng theo những số liệu gần đây nhất, trong ba tháng đầu năm 2015, số khách Nga đã giảm tới 27% so với cùng thời kỳ năm ngoái, chủ yếu cũng vì đồng rúp bị mất giá do lệnh trừng phạt của phương Tây. Đó là nội dung bài viết của phóng viên độc lập Matthew Clayfield đăng trên mạng ABC News của Úc.
Tại Việt Nam, có rất nhiều dịch vụ nói tiếng Anh dành cho du khách : quán bar, nhà hàng, mát xa, taxi, tour tham quan, thuê xe gắn máy ….. Nhưng khi bạn đến Nha Trang, đa phần các dịch vụ này được chào mời bằng tiếng Nga. Đi đâu cũng thấy bảng hiệu viết trong tiếng Nga, thực đơn nhà hàng cũng vậy và các món ăn như pelmeni (một loại há kảo theo kiểu Nga) hay là ragu thịt bò nấu sốt Stroganoff không phải là chuyện lạ ở Nha Trang.
Theo bài báo, các resort xây dọc bãi biển Nha Trang làm cho người ta liên tưởng đến các khu nghỉ mát ở vùng Hắc Hải (Biển Đen), chỉ có điều là trong thời gian qua, lượng khách Nga đã giảm đáng kể, và đó không phải là ‘‘lỗi của Việt Nam’’ mà là hậu quả của cuộc xung đột tại Ukraina. Phương Tây áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế, khiến cho đồng rúp mất giá trong bốn tháng liên tiếp, từ tháng Tư đến tháng Tám.
Theo ông Colin Blackwell, giám đốc công ty Pegas Touristik's, tuy công ty này vẫn tiếp tục bán tour đi du lịch tại Việt Nam, đưa du khách từ 25 thành phố Nga tới Nha Trang, nhưng hiện giờ, Pegas Touristik buộc phải thu nhỏ lại một số dịch vụ của mình để thích ứng với tình huồng đồng rúp đang tuột giá.
Cũng theo ông Colin Blackwell, so với tỷ giá đồng đô la, sức mua trung bình của du khách Nga nay đã giảm đi một nửa. Có lẽ cũng vì thế mà họ chuyển sang đi những nơi khác, chẳng hạn như Ai Cập do chính quyền nước này có hình thức ‘‘trợ giá’’ đặc biệt, qua việc thanh toán chi phí nhiên liệu cho các hãng hàng không Nga chở khách tới Ai Cập.
Về phần mình, Dmitri và Peter làm việc cho một trung tâm hướng dẫn du khách tại Nha Trang, chủ yếu phục vụ khách nói tiếng Nga, chứ không phải là khách Trung Quốc. Theo hai nhân viên này, thành phần du khách Nga ‘‘ít có tiền’’ không còn đến Việt Nam, cấp trung lưu khác với mọi khi thì cân nhắc chi tiêu từng cắc từng đồng, chỉ còn giới khách hàng có tiền thì vẫn tiêu xài thoải mái.
Tuy nhiên, theo Dmitri và Peter, tình hình hiện giờ vẫn còn đở bằng so với cách đây hơn một năm. Lượng du khách Nga tuy có giảm nhưng không mạng bằng số khách Trung Quốc, vào thời có phòng trào biểu tình bài Hoa tại Việt Nam. Họ hy vọng là chính phủ Việt Nam sẽ có biện pháp thu hút khách Nga trở lại Việt Nam.
Ông Colin Blackwell cũng cho rằng tình hình chưa đến nỗi nghiêm trọng, bằng chứng là các dự án xây cất resort và khách sạn tại Nha Trang vẫn tiến tiển, chứ chưa có dấu hiệu giảm xuống. Theo số liệu tập đoàn địa ốc Savills Vietnam, 6 quần thể khách sạn cỡ 4 sao và 5 sao sẽ ra đời từ đây cho tới cuối năm.
Các quần thể này sẽ tạo thêm 3.200 phòng mới để tiếp đón khách nước ngoài, cho dù trong năm qua, lượng du khách đặt phòng khách sạn tại Nha Trang đã giảm đi 6%. Theo ông Colin Blackwell, trường hợp này đã từng xẩy ra trong những năm trước. Khủng hoảng bất chợt ập đến thế nào rồi cũng sẽ qua.

Quân nổi dậy gây thiệt hại lớn cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Anh Vũ                   
media
Xe cảnh sát bị đốt cháy trong cuộc đụng độ với người tranh đấu Kurdistan, Van, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ, 27/08/2015.REUTERS/Bedran Babat
Theo thông báo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, hôm qua 06/09/2015, phe nổi dậy người Kurdistan của đảng Lao động Kurdistan (PKK) đã mở một cuộc tấn công lớn làm thiệt mạng nhiều binh sĩ của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay lập tức, quân đội chính phủ đã mở các đợt không kích đáp trả.
Trong tuyên bố đăng trên internet, đảng PKK xác nhận đã tiêu diệt 15 binh sĩ Thổ Nhĩ kỳ trong các cuộc tấn công hôm qua. Tuy nhiên con số thiệt hại về người của quân đội Thổ có thể còn lớn hơn nhiều, có thể là vài chục người chết và rất nhiều người bị thương. Quân đội Thổ vẫn chưa thông báo chính thức con số thương vong.
Cuộc tấn công nổ ra vào buổi tối qua trong tỉnh Hakkarri, ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thông cáo của quân đôi, lực lượng nổi dậy PKK đã tấn công vào hai xe quân sự tại huyện Daglica. Thông cáo cho biết hai chiếc xe đã bị hư hại nặng vì trúng mìn trên đường và nhiều binh sĩ khác bị chết hoạc bị thương vì vụ phục kích này.
Để trả đũa, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã điều 4 chiến đấu cơ mở các cuộc không kích vào những vị trí của lực lượng nổi dậy PKK trong khu vực đông nam đất nước. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được đặt trong tình trạng chiến tranh.
Cuối tháng 7 vừa qua, sau vụ đánh bom khủng bố tại thành phố Suruc làm 32 người thiệt mạng, Ankara đã mở một chiến dịch "chống khủng bố" lớn, trong đó mục tiêu trấn áp chủ yếu lại nhằm vào lực lượng nổi dậy PKK, cho dù vụ khủng bố được quy trách nhiệm cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Bầu tổng thống Guatemala : Một danh hài dẫn đầu vòng một

Thanh Hà                   
media
Ứng viên tổng thống Guatemala, danh hài Jimmy Morales, Guatemala City, ngày bỏ phiếu 06/09/2015.REUTERS/Jose Cabezas
Bốn ngày sau khi tổng thống Otto Pérez buộc phải từ chức và hiện đang bị tam giam vì nghi vấn tham nhũng, hôm qua 06/09/2015, Guatemala đã tiến hành cuộc tuyển cử bầu các thị trưởng, dân biểu và tổng thống mới. Theo các ước tính sơ bộ, ứng cử viên tổng thống Jimmy Morales, một danh hài truyền hình có thể dẫn đầu bước vào vòng hai.
Theo kết quả thống kê trên 81,52% phiếu bầu đã được kiểm đến sáng nay, danh hài dẫn chương trình truyền hình Jimmy Morales, 46 tuổi, ứng cử viên của đảng cánh hữu FCN-Nacion thu được 25,75% phiếu.
Đối thủ của ứng viên trên ở vòng 2, diễn ra vào ngày 25/10 tới, vẫn chưa được xác định được giữa hai ứng viên : doanh nhân triệu phú Manuel Baldizon, thuộc đảng Tự do dân chủ, ước tính đạt 18,63% và cựu đệ nhất phu nhân (vợ của cựu Tổng thống Alvaro Colom) bà Sandra Torres, 59 tuổi, ra ứng cử dưới sự ủng hộ của liên minh xã hội dân chủ, được 17,91%.
Cuộc bầu cử đã diễn ra trong khí khá yên bình với tỷ lệ tham gia bỏ phiếu khá cao so với những dự đoán trước đó. Tuy nhiên cử chi Guatemala đã bày tỏ nỗi thất vọng và bất mãn bằng cách lựa chọn ứng viên khác đặc biệt là danh hài Jimmy Morales, một người không có một chút kinh nghiệm chính trị, chỉ nổi tiếng với những vai diễn hài ngây ngô trên màn ảnh và thuộc một đảng không phải là mạnh.
Cho dù các cuộc thăm dò dư luận trước đó, ưu thế luôn nghiêng về ứng viên Manuel Baldizon, luật sư, một doanh nhân giàu có trong ngành du lịch, vận tải và bất động sản. Thế nhưng các vụ bê bối tham nhũng dính líu đến 6 dân biểu trong đảng của nhân vật này đã khiến cho cử tri quay lưng lại với ông.
 Tú Anh       

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.