Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Thursday 2 July 2015

Dân Muốn Biết: Phỏng vấn Ông Lê Phụng về Nghị Quyết 36 VC



Cuối tháng 5 và suốt tháng 6.2015, toàn bộ mạng lưới lãnh đạo đảng, chính quyền và truyền thông VC, từ trung ương đến địa phương, trong nước cũng như hải ngoại, đều thi nhau học tập và phổ biến "chỉ thị số 45-CT/TW" do Bộ Chính trị VC ban hành, với nội dung then chốt: "Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị Quyết 36 đối với người Việt ở nước ngoài trong tình hình mới". Để có thể góp phần nhỏ bé trong việc đối phó với âm mưu, thủ đoạn của VC, sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng Quý vị, bài phỏng vấn ông Lê Phụng, đăng trên báo Saigon Times Úc Châu ngày 8.4.2004, ngay sau khi VC ban hành Nghị Quyết 36. Hy vọng, qua bài phỏng vấn cách đây 11 năm, cùng với những gì đã xảy ra trong cộng đồng người Việt hải ngoại suốt thời gian qua, Quý vị sẽ thấy rõ, chính sự thâm độc của VC, ĐÃ VÀ TIẾP TỤC LÀ NGUYÊN NHÂN, gây nên tình trạng bạn thù "sớm nắng chiều mưa", cùng sự phân hoá và băng hoại của một cá nhân, tổ chức, trong cộng đồng người Việt hải ngoại.


LGT: Trước khí thế đấu tranh ngày càng lớn mạnh, cùng những chiến thắng vô cùng ý nghĩa qua chiến dịch Vinh Danh Cờ Vàng của cộng đồng người Việt tại Mỹ, và chiến dịch chống VTV-4 của cộng đồng người Việt tại Úc trong thời gian gần đây [2004], tà quyền VC đã nhận ra sức mạnh to lớn của cộng đồng người Việt hải ngoại, và nguy cơ của chế độ trước làn sóng đấu tranh giành tự do dân chủ đang dồn dập đổ vô VN từ khắp nơi trên thế giới. Nhằm cứu nguy chế độ, ngày 26 tháng 3 vừa qua, VC đã cho công bố Nghị Quyết 36 do Phan Diễn ký. Theo lời ông Lê Phụng, Phan Diễn là một trong hai người con trai của Phan Thanh, người đầu tiên do đảng cộng sản Đông Dương giật dây ra tranh cử và đắc cử Viện dân biểu Trung Kỳ vào năm 1937. Chính thời đó, cụ Ngô Đình Diệm và cụ Ngô Đình Khôi đã nhận ra chân tướng VC của Phan Thanh. Riêng Phan Diễn, người được mô tả là nham hiểm, nét mặt thâm trầm, lông mày cúp, có tướng gian thần. Trước đây Phan Diễn từng là bí thư thành uỷ Đà Nẵng, và hiện y có chân trong Ban bí thư và là Trưởng ban chỉ đạo trung ương đảng VC. Để có thể hiểu được phần nào âm mưu của VC đối với cộng đồng người Việt hải ngoại qua Nghị Quyết 36, Sàigòn Times xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả bài phỏng vấn Ông Lê Phụng, được thực hiện vào tối Thứ Hai, 5.4.2004 [...].

SGT: Kính thưa ông Lê Phụng, ngày 26 tháng 3 vừa qua, Bộ chính trị VC đã cho công bố Nghị Quyết 36 để đặc biệt đối phó với người Việt hải ngoại. Ông đánh giá Nghị Quyết này như thế nào?

Ông L.Phụng: Thưa ông, nguyên văn tên của nghị quyết này là “Nghị quyết số 36-NQ/TƯ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, do Phan Diễn, Uỷ viên bộ chính trị VC ký vào ngày 26/3. Nghị quyết này chỉ là một trong những bước VC đã thông qua trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX và Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành TƯ lần thứ 7 khoá IX. Như vậy có nghĩa, Nghị quyết 36 chỉ là bề nổi, mang nội dung tuyên truyền, mỵ dân, đánh lừa dư luận trong nước cũng như hải ngoại. Còn thực chất bên trong, ta phải hiểu, Nghị quyết 36 là bước đi kế tiếp của VC trên con đường theo đuổi mục tiêu lũng đoạn, thao túng cộng đồng người Việt hải ngoại, để bóc lột tối đa chúng ta trên 3 phương diện chính yếu: Kinh tế, trí tuệ và ảnh hưởng chính trị của chúng ta đối với quốc gia sở tại. Để hiểu rõ hơn điểm này, tôi xin thưa là trong buổi phỏng vấn vào cuối tháng 3 vừa qua, do phóng viên Cẩm Hà của báo Tuổi Trẻ ở Việt Nam thực hiện, Nguyễn Phú Bình, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao VC kiêm chủ tịch cái gọi là “Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài”, cũng đã lên tiếng thú nhận, “đây là lần đầu tiên một nghị quyết toàn diện về công tác người Việt ở nước ngoài được phổ biến công khai”. Qua lời thú nhận của Nguyễn Phú Bình, ta đủ thấy, trước đây, những cái gọi là “nghị quyết về công tác người Việt ở nước ngoài” của bộ chính trị VC đã có, và có rất nhiều, nhưng chúng được phổ biến bí mật. Còn riêng lần này, thì VC cho phổ biến Nghị quyết 36 công khai. Vì vậy, tuy Nghị quyết 36 của VC được “phổ biến công khai lần đầu tiên”, nhưng thực chất, nó là bước tiếp nối của đường lối bành trướng của VC tại hải ngoại. Nói cách khác, trên bề nổi, Nghị quyết 36 có vẻ là bước ngoặt chiến lược của CS. Nhưng bề chìm, ta phải thấy nó chỉ là bước ngoặt chiến thuật nằm trong đường lối chiến lược của VC là nhuộm đỏ cộng đồng người Việt hải ngoại, mà ta đã biết từ lâu. Và trong đấu tranh với CS, tôi nghĩ là chúng ta phải có đủ khả năng, nhìn xuyên qua những gì kẻ thù “phổ biến công khai” để thấy được, những âm mưu mà kẻ thù muốn che giấu, cũng như những gì kẻ thù VC đang âm thầm làm.

SGT: Nếu ông cho đây là bước ngoặt chiến thuật của VC, thì nguyên nhân nào khiến VC phải áp dụng bước ngoặt này?

Ông L.Phụng: Tôi nghĩ nguyên nhân đầu tiên là do lòng tham không đáy của VC. Cụ thể là về kinh tế, VC muốn người Việt hải ngoại phải gửi tiền về Việt Nam nhiều gấp bội so với hiện nay. Như ông đã biết, hiện nay [theo thống kê năm 2003] số tiền người Việt hải ngoại gửi về Việt Nam trung bình mỗi năm trên dưới 3 tỷ Mỹ kim. Đây là số tiền khổng lồ so với ngân sách của VC. Nhưng số tiền này chỉ bằng phần rất nhỏ so với tổng lợi tức trên dưới 50 tỷ của cộng đồng người Việt hải ngoại. VC biết rõ số tiền khổng lồ này nên chúng muốn trong những năm tới, phải tìm mọi cách để gia tăng gấp bội số tiền người Việt hải ngoại gửi về Việt Nam. VC cũng biết là số tiền khổng lồ người Phi Luật Tân ở hải ngoại gửi về nước mỗi năm chiếm 35% tổng số lợi tức của họ, nên VC tính toán phải tìm đủ cách để trung bình mỗi năm người Việt hải ngoại cũng phải gửi về VN từ 20% cho đến 30% tổng số lợi tức 50 tỷ đó. Nghĩa là thay vì VC chỉ nhận được mỗi năm 3 tỷ như hiện nay, VC muốn mỗi năm người Việt hải ngoại phải gửi cho chúng từ 10 tỷ đến 15 tỷ. Còn về đầu tư của người Việt hải ngoại tại Việt Nam thì có thể nói là cho đến nay, con số đó rất ít ỏi, và VC đã nhận ra sự thất bại của họ trong lĩnh vực này nên Nghị quyết 36 của chúng chính là nhằm giải quyết những thất bại của chúng trong đầu tư.

Nguyên nhân kế tiếp là VC muốn thông qua Nghị quyết 36, tạo cho người Việt hải ngoại, nhất là thành phần khoa bảng, trí thức, có ảo tưởng là họ sẽ có được cơ hội đầu tư trí tuệ tại Việt Nam để phụng sự đất nước và dân tộc. Những ai mắc vô ảo tưởng này sẽ bị VC lợi dụng tiền bạc và trí tuệ của họ ngay tại quốc gia sở tại, VC sẽ biến họ trở thành một động lực chính trị, hậu thuẫn cho VC trong các mối bang giao song phương cũng như đa phương trên thị trường quốc tế. Những năm trước đây, VC đặt trọng tâm khai thác người Việt hải ngoại trên phương diện kinh tế thuần tuý và trực tiếp qua việc gửi tiền và đầu tư tại VN. Nhưng trong bối cảnh mở cửa bang giao với quốc tế hiện nay, VC nhận ra sức mạnh vô cùng to lớn của cộng đồng người Việt hải ngoại nếu chúng buộc được cộng đồng đó hậu thuẫn cho chúng. Chính trong phần nhận định về người Việt Nam ở hải ngoại, Nghị quyết 36 đã nêu rõ, tôi xin được trích nguyên văn ở đây: “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có tiềm lực kinh tế nhất định, có mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước ngoài và quốc tế, có khả năng tìm kiếm đối tác và làm cầu nối với các doanh nghiệp, tổ chức trong nước. Nhiều trí thức có trình độ học vấn và chuyên môn cao; một số người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các công ty và tổ chức quốc tế, có khả năng tạo dựng quan hệ với các cơ sở kinh tế, khoa học ở nước sở tại.”

Qua đoạn tôi vừa trích, ta thấy VC đã nhìn thấy sức mạnh chính trị của người Việt hải ngoại, nhất là thành phần trí thức, và VC cũng nhận thấy, nếu để thành phần trí thức này về VN thì không có lợi cho VC bằng để họ lại ở hải ngoại. Nhưng để có thể nắm được thành phần trí thức tại hải ngoại thì VC phải dùng tới miếng mồi quốc gia, dân tộc, tình đồng hương, đồng song, và những đói khổ của người Việt trong nước phải được VC bi thảm hoá tối đa. Có như vậy chúng mới đánh thức được những tấm lòng cao thượng của trí thức VN hải ngoại và lôi kéo được họ. Và nếu để ý một chút, ta sẽ thấy đúng như quý báo đã có lần đề cập cách đây không lâu, là mấy năm gần đây, có một số nhà khoa bảng của người Việt hải ngoại đã viết bài, vận động hành lang, hậu thuẫn cho VC những khi VC có xung đột giao thương với quốc gia nơi có người Việt cư ngụ, tỷ dụ như tranh chấp với Mỹ về cá basa, về tôm đông lạnh, hay VC kiện một số công ty Mỹ đòi “bồi thường về hậu quả” của chất độc da cam (agent orange) trong thời gian gần đây chẳng hạn. Nhưng đó chỉ là hiện tại. Tương lai, VC tính toán một khi chúng nắm được cộng đồng người Việt hải ngoại, chúng sẽ buộc cộng đồng chúng ta phải vận động chính quyền sở tại hậu thuẫn cho những buôn bán có lợi cho VC. Những vận động này sẽ được VC sử dụng qua nhiều hình thức kể cả việc buộc người Việt hải ngoại biểu tình hậu thuẫn cho VC. Tôi nói vậy là có cơ sở vì năm ngoái, ở Mỹ, chính toà đại sứ VC đã có dự tính vận động một số người Việt làm ăn với VC tổ chức cuộc biểu tình chống lại chính quyền Mỹ để bảo vệ thị trường cho cá basa của VC nhập cảng...

Nguyên nhân thứ ba khiến VC phải cho công bố Nghị quyết 36 là do những thất bại của VC trong việc xâm nhập vô cộng đồng người Việt hải ngoại. Nửa thế kỷ trước, ở Việt Nam do trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm, cùng những hậu thuẫn của quốc tế CS, nên VC chỉ mất có 10 năm để cướp Miền Bắc, và 20 năm để cướp Miền Nam. Vậy mà từ 1975 đến nay [2004] đã gần 30 năm, trong khi VC chúng có cả một guồng máy chính quyền, công an, quân đội, tiền bạc bóc lột được của 80 triệu dân, cộng thêm tư thế ngoại giao của VC trên chính trường quốc tế, nhưng cho đến nay VC vẫn bó tay bất lực, chưa thao túng được 3 triệu người Việt hải ngoại. Bằng chứng là bất cứ khi nào, hễ có lãnh đạo VC mon men đến bất cứ quốc gia nào, chúng cũng đều bị người Việt chúng ta biểu tình, chống đối, làm cho chúng phải cắm đầu chui cửa hậu. Rồi điểm quan trọng nữa là chiến thắng ngày càng dồn dập trong chiến dịch vận động Cờ Vàng tại Mỹ, và chiến thắng mới đây của cộng đồng người Việt tự do tại Úc qua cuộc vận động không cho đài SBSTV chiếu chương trình VTV4 của CS. Chính những chiến thắng này đã khiến VC nhận ra lỗi lầm nghiêm trọng của chúng là chúng đã đánh giá nhầm lập trường và sức mạnh chính trị của cộng đồng người Việt yêu nước hải ngoại. Nhận ra nhầm lẫn này nên trong phần II, “Chủ trương và phương hướng công tác đối với người VN ở nước ngoài trong thời gian tới”, Nghị quyết 36 của VC cũng ghi rõ: “Người Việt Nam ở nước ngoài là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.” Nhận định đó chứng tỏ rõ ràng, VC muốn sử dụng sức mạnh chính trị của cộng đồng người Việt hải ngoại hậu thuẫn cho chính sách ngoại giao của VC.

SGT: Theo ông, khả năng VC thực thi Nghị quyết 36 sẽ đến đâu?

Ông L.Phụng: Theo tôi, nếu chúng ta biết cảnh giác và đoàn kết thì khả năng thực thi Nghị quyết 36 của VC rất hạn chế. Lý do là kể từ sau 1975, ngày càng đông người Việt trong nước cũng như hải ngoại hiểu rõ bộ mặt thật của VC. Vì vậy, mọi trò mỵ dân rẻ tiền, hay mua chuộc, dụ dỗ của VC đối với đại đa số người Việt đều không có hiệu quả như trước 1954 ở Miền Bắc, và trước 1975 ở Miền Nam và hải ngoại. Tôi nhớ là trong những năm của thập niên 1960, VC đã dụ dỗ cả chục ngàn Việt kiều ở Pháp, Tân Thế Giới (New Caledonia), bán nhà cửa, gom góp tiền bạc, của cải về Miền Bắc “xây dựng đất nước”, mà thực tế là ai về cũng bị VC cướp trắng tay. Điều này có rất nhiều người Việt tỵ nạn ra đi từ Hà Nội, Hải Phòng biết rõ. Tôi có quen một người bạn, trước làm đầu bếp ở khách sạn Le Meridien Noumea, bên Tân Thế Giới, ông có cả một sản nghiệp vững vàng. Đến khi nghe lời VC về Hải Phòng, bị VC cướp tất cả, mới tỉnh ngộ, sau này lại vượt biên sang Mỹ. Nói chuyện này để quý vị thấy trước đây VC dễ lừa, còn bây giờ thì rất ít người bị VC lừa. Bây giờ, người Việt dù bất cứ ai, ở bất cứ đâu, nếu đã có lòng yêu nước chân thành, cũng đều hiểu rõ, họ luôn luôn là một bộ phận của dân tộc VN, chứ vĩnh viễn không bao giờ là bộ phận của VC. Người Việt hải ngoại có thể gửi tiền về VN giúp đỡ gia đình, sửa sang mồ mả ông cha, giúp đỡ người nghèo khổ, hay chính họ về thăm quê hương, nhưng không khi nào họ bị VC tuyên truyền. Bằng chứng rõ ràng là cuối năm ngoái, chỉ riêng thành phố Sydney đã có 13,000 người đại diện cho cả chục ngàn gia đình người Việt biểu tình chống VTV4 của VC thì ta đủ hiểu, trong thâm tâm, không có người Việt nào ưa chế độ VC. Nói vậy có nghĩa là VC càng ra nghị quyết, càng mưu mô, tung thủ đoạn để tấn công người Việt hải ngoại bao nhiêu, thì người Việt hải ngoại càng cảnh giác, càng tăng cường sức đề kháng, chống đối VC quyết liệt bấy nhiêu.

SGT: Như vậy, bên cạnh dã tâm và tham vọng của VC, ông còn thấy Nghị quyết 36 là bằng chứng cho thấy sự thất bại của CSVN?

Ông L.Phụng: Vâng, trên phương diện nào đó, tôi nghĩ đó là một dấu hiệu chứng tỏ VC đã thất bại trong âm mưu lừa đảo cộng đồng người Việt hải ngoại. Vì thất bại, nên VC phải cho ra đời Nghị quyết 36. Tuy nhiên, những bất lợi này sẽ được ta khai thác đến đâu, còn tuỳ thuộc vào sự cảnh giác, tinh thần đoàn kết và khả năng vận động sức mạnh chống cộng của cộng đồng người Việt hải ngoại. Hay nói đúng hơn, bên cạnh những dấu hiệu cho thấy sự thất bại của CS, Nghị quyết 36 còn báo hiệu những thủ đoạn nguy hiểm mới của VC đối với cộng đồng người Việt hải ngoại. Thường thì sau khi bị thua cuộc, bị thất bại, chắc chắn VC sẽ tàn nhẫn hơn, thủ đoạn hơn, và nguy hiểm hơn. Vì vậy, chúng ta phải cảnh giác và đoàn kết để đối phó với Nghị quyết 36 này của VC.

SGT: Thưa ông, VC sẽ tàn nhẫn hơn, thủ đoạn hơn và nguy hiểm hơn, ở chỗ nào?

Ông L.Phụng: Cảm ơn ông đã hỏi câu hỏi này. Sự thực thì phần lớn những điều được VC đề cập trong Nghị quyết 36 đều là những điều được VC âm thầm thực hiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cũng có những điều ghi trong Nghị quyết 36, VC đã muốn tay chân của chúng ở hải ngoại làm từ lâu nhưng tay sai của chúng không làm được, nên trong giai đoạn tới, VC sẽ tạo nhiều áp lực, đồng thời gia tăng tiền bạc mua chuộc, để buộc họ phải làm. Tôi lấy thí dụ như trong Nghị quyết 36, ở phần II, mục 2, có câu ghi là VC sẽ vận động những thành phần thân cộng “chủ động đấu tranh với các biểu hiện cố tình đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc”. Ở mục 4 phần III, “Nhiệm vụ chủ yếu”, cũng có đoạn ghi là VC sẽ buộc thành phần thân cộng “Chủ động mở rộng tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả với những người còn có định kiến, mặc cảm với Nhà nước và chế độ ta”. Rồi cũng ở phần III, mục 5, có đoạn ghi là VC sẽ “Tích cực đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là cho thế hệ trẻ. Tổ chức trại hè nói tiếng Việt cho thanh, thiếu niên người Việt Nam ở nước ngoài”. Đặc biệc, cũng ở phần III, mục 7, Nghị quyết cũng ghi rõ là VC sẽ “Hỗ trợ việc ra báo viết, mở đài phát thanh, truyền hình ở ngoài nước”...

Như vậy, qua những điểm tôi vừa nêu, ta sẽ thấy, trong giai đoạn tới, cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ phải đối diện với một số khó khăn quan trọng. Thứ nhất, là mức độ trà trộn của thành phần thân cộng trong cộng đồng sẽ gia tăng. Từ giai đoạn ẩn nấp, né tránh cộng đồng trước đây, nay hàng ngũ thân cộng sẽ được lệnh trà trộn, gia tăng sự hiện diện trong các sinh hoạt của cộng đồng, để qua giao tiếp, chúng sẽ khiến ta cả nể, ngại ngùng, thậm chí e sợ, không dám trực tiếp lên tiếng đấu tranh với chúng. Từ những giao tiếp này, chúng sẽ mượn cớ vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc, để lôi kéo người này người nọ đi theo xu hướng xoá bỏ hận thù, quên lãng quá khứ, bắt tay hoà hợp hoà giải với CS. Chúng cũng sẽ mượn bình phong “lợi ích dân tộc”, “bảo vệ sự ổn định của cộng đồng”, “chống gây phân hoá”... để rồi chúng sẽ “chủ động tấn công” công khai với ta trên các cơ quan truyền thông do chúng hỗ trợ, nuôi dưỡng. Thứ hai, VC sẽ chọn người “thích hợp” với từng người để chủ động tiếp xúc, mua chuộc dụ dỗ, hoặc tạo áp lực. Chúng sẽ thực hiện đường lối này đối với những người có lập trường chống cộng kiên định, những người mà Nghị quyết 36 cho là “còn có định kiến, mặc cảm với Nhà nước và chế độ ta”.

Thứ ba, VC tổ chức trại hè nói tiếng Việt cho thanh thiếu niên người Việt ở nước ngoài. Đây cũng là một âm mưu vô cùng nham hiểm của VC, nhằm tạo mối quan hệ “ra vẻ” tình người, tình quê hương đất nước, giữa giới trẻ trong nước với giới trẻ hải ngoại, để qua đó, dần dần đưa giới trẻ hải ngoại vô quỹ đạo của VC. Thứ tư, VC đã biết đưa ra chiêu bài “giúp người Việt hải ngoại hội nhập, thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp sở tại”. Đây là chiến thuật nguy hiểm nhất trong Nghị quyết 36 để VC một mặt tiếm danh đại diện cộng đồng người Việt, mặt khác mua chuộc sự hậu thuẫn từ chính quyền nơi người Việt hải ngoại sinh sống. Để làm điều này, VC sẵn sàng thực hiện những thủ đoạn như bỏ tiền, bỏ của, bỏ công sức để "đóng góp" với chính quyền địa phương, tiểu bang, liên bang... hoặc giả vờ bảo trợ các chiến dịch từ thiện của quốc gia bản xứ, giả vờ thực hiện những chiến dịch “giúp đỡ” người Việt hải ngoại. Đây là sự đầu tư “thả con tôm bắt con cá” của VC. Thông qua những giúp đỡ có vẻ “bất vụ lợi” hoặc làm ra vẻ “thiện nguyện” đó, VC sẽ có được sự hậu thuẫn của chính quyền sở tại. Rồi chúng sẽ dùng uy tín của chính quyền sở tại, tạo sự hiện hữu của chúng trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Kế tiếp, VC sẽ xảo quyệt dùng sức mạnh của cộng đồng người Việt hải ngoại tạo áp lực với dân biểu và chính quyền địa phương, để bảo vệ quyền lợi giao thương cho VC. Khi đó, chính quyền sở tại nhận ra âm mưu của VC thì đã muộn.

Thứ năm, điểm bất lợi quan trọng nữa là, cũng trong phần III, ở điều 5, VC nêu rõ, “Tích cực đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là cho thế hệ trẻ. Xây dựng và hoàn chỉnh sách giáo khoa tiếng Việt cho kiều bào, cải tiến các chương trình dạy tiếng Việt trên vô tuyến truyền hình, đài phát thanh và qua mạng internet. Cử giáo viên dạy tiếng Việt tới những nơi có thể để giúp bà con học tiếng Việt”. Qua điều này ta thấy VC quyết tâm bằng mọi giá, chiếm lĩnh tâm hồn và trí tuệ thế hệ trẻ VN hải ngoại. Đây là điểm đáng lo ngại nhất, nếu cộng đồng chúng ta không có được những đường lối cụ thể và kịp thời, trong việc biên soạn và giảng dậy tiếng Việt cho con em. Và như vậy thì quả thực những người Việt khoa bảng, trí thức cùng các vị lãnh đạo trong cộng đồng người Việt hải ngoại, đã không làm tròn bổn phận đối với lương tâm và lập trường của 3 triệu người Việt tỵ nạn CS tại hải ngoại cũng như 80 triệu người Việt trong nước.

SGT: Xin hỏi ông câu cuối. Từ 1975 đến nay đã gần 30 năm. Trải qua thời gian tương đối dài đó, một số người Việt có ảo tưởng cho rằng VC đã phần nào thay đổi đỡ độc ác hơn. Nhận xét đầy ảo tưởng này sai ở chỗ nào?

Ông L.Phụng: Bề ngoài mà nói, VC tỏ vẻ thay đổi để đánh lừa dư luận, nhưng bản chất vô luân và tàn ác của VC thì chắc chắn là không. Tôi nói vậy có nhiều người cho tôi là cực đoan. Xin thưa, tôi không hề cực đoan chút nào. Là những người tham gia một tổ chức đấu tranh suốt hơn chục năm, chúng tôi luôn luôn mềm mỏng và uyển chuyển trong cuộc đấu tranh với CS. Nhưng khi tôi nói, về bản chất, VC không hề thay đổi, là tôi nói đúng với sự thực về con người CS. Nếu những ai có ảo tưởng cho rằng VC thay đổi, xin những người đó mở to mắt mà nhìn cho kỹ, chịu vểnh tai ra mà nghe cho kỹ, và chịu khó dùng trí khôn của mình mà suy nghĩ cho kỹ, thì họ cũng sẽ đồng ý với tôi, VC không những không bớt độc ác, mà còn độc ác, tàn nhẫn thủ đoạn, phản bội… hơn xưa gấp bội. Chính những người VC cao cấp nhất, như Trần Bạch Đằng, Võ Nguyên Giáp, Mai Chí Thọ, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên... trong giai đoạn gần đây cũng đều thi nhau lên tiếng tố cáo những tội ác của VC. Rồi ngay cả Dương Thu Hương, người đã từng là đảng viên cộng sản, từng xung phong đi theo đảng VC để “giải phóng Miền Nam”, cũng đã tố cáo VC trong bài “Những Tên Tôi Tớ Cho Ngoại Bang” qua những dòng chữ rất nghiêm khắc. Tôi chỉ xin trích một đoạn như sau: “Trong lịch sử bốn ngàn năm, triều đình Cộng sản là triều đình duy nhất dạy cho con gái, con dâu vu khống bố hiếp dâm; dạy con trai, con rể chỉ vào mặt bố "đả đảo thằng bóc lột"; dạy cho láng giềng tố cáo điêu chác, đâm chém, dày xéo mồ mả của nhau... Tất cả những ai chưa hoàn toàn quên lãng, hẳn hiểu rõ điều đó. Khi con người đã đủ can đảm vu khống, nhục mạ ngay bố mẹ đẻ của mình thì họ thừa sự nhẫn tâm để làm những điều ác gấp ngàn lần như thế với tha nhân”.

Đó, nữ đảng viên VC nói về VC như vậy đó. Và tôi biết, bản chất người VC không những tàn ác, bất lương, mà quan trọng hơn nữa là họ không hề biết đến trời đất, Chúa Phật, đến tổ tiên lễ giáo, nên họ chẳng hề ân hận, ăn năn, hối lỗi gì cả. Đã hơn nửa thế kỷ kể từ khi chiếm được Miền Bắc năm 1954, và 30 năm kể từ khi chiếm được Miền Nam, người VC vẫn không có can đảm và lương tâm để ăn năn hối hận về những tội ác hiển nhiên mà họ đã gây ra đối với dân tộc VN. Tội ác thứ nhất là qua bài học thống nhất hai miền Đông và Tây Đức mà không đổ máu, triển vọng sẽ thống nhất Nam Bắc Hàn trong hoà bình, rồi tương lai Đài Loan sẽ hợp nhất với Trung Quốc, ta thấy rõ VC đã sai lầm trong việc xua quân xâm lăng Miền Nam, khiến 4 triệu người Việt bị chết, cả chục triệu người bị thương ở cả hai miền của đất nước suốt mấy chục năm dài. Vậy mà cho đến nay, ta có nghe người VC nào tỏ ra ân hận, xám hối hay không? Rồi tội ác nghiêm trọng thứ hai của CS, là trong cuộc chiến tranh VN, VC đã phạm phải phải nhiều tội ác chiến tranh man rợ, tiêu biểu nhất là thảm sát Huế vào Tết Mậu Thân 1968. Vậy mà cho đến nay, ta có nghe người VC nào tỏ ra ân hận, xám hối hay không? Thứ ba, chính việc VC ngang nhiên chà đạp các quyền tự do, dân chủ và nhân quyền; cùng những tang thương do VC gây ra trong cải cách ruộng đất tại Miền Bắc, trong các đợt đánh tư sản và các đợt cải tạo tại Miền Nam, là những nguyên nhân khiến người dân VN phải bỏ nước vô Nam vào năm 1954, cũng như bỏ nước vượt biên sau tháng 4, 1975. Bao nhiêu người đã chết qua hai cuộc chạy trốn VC đó? Vậy mà cho đến nay, ta có nghe người VC nào tỏ ra ân hận, xám hối hay không?

Trên đây chỉ là mội vài trong số hàng trăm ngàn tội ác do VC gây ra trên quê hương VN. Đó là những thực tế VC không thể nào chối cãi được. Và chỉ khi nào VC CÔNG KHAI VÀ CHÂN THÀNH ĂN NĂN HỐI LỖI, chấp nhận cho người dân VN được tự do bầu cử, lập nên một chế độ dân chủ, khi đó, người Việt trong và ngoài nước, mới chấp nhận tha thứ cho CS. Tôi xin nhấn mạnh ở đây, chúng ta chỉ tha thứ cho VC khi nào VC biết THỰC TÂM ăn năn hối lỗi. Đây là điều kiện tiên quyết và bắt buộc phải có. Cũng giống như tôn giáo, dù Chúa hay Phật có bao dung và giầu lòng tha thứ đến đâu đi nữa thì Chúa Phật cũng chỉ tha thứ người có tội khi nào người đó biết ăn năn hối cải. Hiện tại ở VN cho thấy, VC chẳng những không ăn năn hối cải, mà chúng còn tiếp tục phạm thêm những tội ác mới khiến cả thế giới, trong đó có cả những đảng viên CS cũng lên án; thì không có lý nào, chúng ta là những nạn nhân của CS, lại tự động tha thứ những tội lỗi của CS. Tha thứ như vậy, chúng ta vừa thiếu khôn ngoan, vừa phản bội tổ tiên, dân tộc, vừa tự huỷ sức mạnh và uy tín của chính mình, đồng thời phản bội luôn cả lý tưởng tỵ nạn CS của chúng ta, cũng như phản bội quốc gia đã có lòng cưu mang chúng ta. Làm như vậy, chẳng những người Việt yêu tự do trên khắp thế giới coi khinh chúng ta, mà ngay cả tụi VC chúng cũng coi thường chúng ta.

Hữu Nguyên

huunguyen@saigontimes.org

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.