Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Saturday 25 April 2015

Lão Ngoan Đồng: HÀNH TRÌNH VƯỢT NGỤC VÀ VƯỢT BIÊN


CÂU CHUYỆN HÀNH TRÌNH TÌM ĐẾNTỰ DO CỦA TÔI:
VƯỢT NGỤC VÀ VƯỢT BIÊN (PHẦN 1)






Sau 30 tháng 4 năm 1975, như hàng trăm ngàn quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, tôi bị hai tên công an xã với súng AK lăm lăm trên tay, đến nhà tôi ở một nơi hẻo lánh trên bờ sông Hậu Giang (tôi đang lẩn trốn vì không ra trình diện) bắt đi tù cải tạo. Sau nhiều lần chuyển đổi trại giam, từ khám lớn Vĩnh Long chuyễn đến 4 trại “lao động cải tạo”: Ngã Tư Nhà Đài, xã Hiếu Thành (Thầy Phó Giang), trại cải tạo Cầu Mới Vĩnh Long, Ao Bà Om Trà Vinh, làm những công việc khổ sai, kéo cày, bừa thay trâu, rồi bị nhốt ở khám lớn Trà Vinh để phân loại và tuyển lựa thành phần. Tôi lọt vào nhóm bị chuyển đến Liên Trại 3 tập trung cải tạo Chi Lăng Châu Đốc (trước đây là Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng của Quân Lực VNCH).

Sau một thời gian gần một năm , cùng với hơn trăm anh em tù cải tạo mà việt cộng cho là có “nhiều nợ máu với cách mạng”, bị “cách ly”, đưa đến chốn đồng không mông quạnh tại Mộc Hóa, chung quanh là những cánh đồng hoang ngập phèn, mọc đầy cỏ năng, cỏ bàng (dùng để đan đệm). Và tại đây, vì gốc là Công Binh, biết xử dụng máy phát điện, tôi và một bạn tù cải tạo gốc Phân Chi Khu Trưởng ở Gò Công, được chỉ định điều hành nhà máy điện. Hai đứa chúng tôi được ở riêng tại nhà máy đèn.
Trại cải tạo cách ly Mộc Hóa là 3 dảy trại lợp lá, kích thước vào khoảng 5x15 mét nhốt tù cải tạo, một nhà lá nhỏ khoảng 4x6 mét dùng làm nhà máy đèn, và một dảy riêng biệt rộng hơn, dài hơn, là chổ đồn trú của một trung đôi việt cộng (khoảng 30 tên) cai tù, chỉ huy là một đại úy việt cộng tên Sáu Liệu ở chung với vợ con hắn.

Anh em tù cải tạo chúng tôi không bị bắt làm khổ sai, mà chỉ làm đi làm lại, hết đào mương thì tát mương vét bùn, đấp bờ bao ngạn ngừa lụt. Tại đây có 2 anh bạn tù cải tạo vượt ngục, nhưng khoảng 3 ngày sau bị bắt lại vì các anh ấy không rành địa thế, lẩn quẩn trong đồng cỏ năng, mò vào trong xóm, bị bọn công an địa phương bắt được giao trả về trại. Hai anh bạn nầy đã bị chúng đánh đập rất dã man trước mặt tất cả tù cải tạo. Sau đó hai người nầy bị chúng chuyễn đi, không còn biết tung tích gì nữa.
 
Không biết trại tù cải tạo trong ảnh trên đây ở địa phương nào, nhưng rất giống trại tù “lao động cải tạo” Ngã tư Nhà Đài thuộc Quận Vũng Liêm (Vĩnh Long).
Khoảng đầu năm 1978, vì sợ khơ-me đỏ tấn công qua biên giới Mộc Hóa, bọn chúng tôi lại được chuyển về Liên Trại 3 cải tạo, lúc đó đã di chuyển từ Chi Lăng về Vườn Đào thuộc Quận Cai Lậy. Đến Vườn Đào tôi được sung vào toán “tù hậu cần”, điều hành nhà máy điện và làm tài xế lái xe cho bọn cai tù (xe GMC cũ của quân đội VNCH). Thỉnh thoảng cùng với khoảng 10 anh em trong “toán tù hậu cần” lái xe đi Cần Thơ, làm phu khuân vát với thân thể gầy còm, phải vát những bao gạo nặng gần trăm kí-lô, xương sống thiếu điều phải gãy vụn.

Tại trại tù Vườn Đào, chúng tôi trải qua một mùa lụt lội rất khổ sở (hai tháng 9 và 10 năm 1978). Muốn vào trại chính để sửa đèn hay dây điện, phải dùng bè bằng 3 cây chuối ghép lại. Anh em ở trong trại chính càng bị khổ sở hơn, mỗi ngày phải lặn sâu dưới nước để lấy bùn đấp cao lên chổ ngủ, mong tìm được một chút khô ráo để ngã lưng, vì mỗi ngày mực nước càng dâng cao thêm.
 Sau một thời gian, tôi được cho làm tên lái ghe máy (vì tôi đã khai là có học Trường Việt Nam Hàng Hải Phú Thọ, biết lái tàu) thay thế cho một  người tù cải tạo khác, đã bị chuyển trại vì bị nghi ngờ có âm mưu vượt ngục. Ghe máy nầy trọng tải chừng 6 tấn, được điều hành bởi 2 người tù cải tạo là tôi và anh bạn tù tên Nhơn (thuộc đại đội Chiến Tranh Chánh Trị Tiểu Khu), dùng để chở đồ tiếp tế cho trại (gạo, bo bo, củi, bột mì…) di chuyển từ trại Vườn Đào đến chợ Mỹ Tho và ngược lại. Có một ngày, tên đại úy Ba Minh (dường như tên đầy đủ là Nguyễn Hoàng Minh, người gốc ở quận Bình Minh, Cái Vồn), sĩ quan “quản giáo” của trại tù cải tạo, xuống ghe “ăn cơm ké” với chúng tôi, cho biết là “nhà nước chưa có chánh sách” gì với tù cải tạo chúng tôi, và sẽ được chuyễn giao cho công an quản lý trong tương lai, còn đơn vị bộ đội đang quản lý trại tù sẽ được trả về đơn vị gốc, gởi qua chiến trường ở Cambodia. Trong đầu tôi đã tiềm tàng ý nghĩ vượt ngục, vì biết chắc rằng, bọn “công an bò vàng”, tàn ác gấp bội những tên “bộ đội tai bèo” cai tù.
Ngày qua tháng lại, sau nhiều chuyến đi, mỗi chuyến đi thay đổi tùy nhu cầu, cách nhau một hoặc hai tuần lễ, 3 tên bộ đội (một tên trung sĩ hậu cần) và 2 tên lính cai tù theo canh giữ hai đứa tù cải tạo chúng tôi, đã quen dần với sinh hoạt hằng ngày khi đến chợ Mỹ Tho. Lúc đầu, 2 tên cai tù súng AK kè kè, theo chúng tôi lên chợ để mua thực phẩm đem về ghe nấu nướng cho cả 5 người ăn. Quen dần, chỉ còn một tên đi theo canh giử cho có lệ, mỗi khi chúng tôi đi chợ. Thỉnh thoảng chúng cũng cho chúng tôi đi chợ mà không đi theo canh chừng, nhờ vậy, chúng tôi đã liên lạc được một người bạn đáng tin cậy có nhà ở chợ Mỹ Tho. Anh bạn nầy tên Bình, nguyên là một Sĩ Quan trong Quân Lực VNCH, đã được thả về sau 3 năm bị tù cải tạo.
Khoảng tháng 8 năm 1979, anh Bình dẩn đến một người lạ, gặp chúng tôi trong nhà lồng chợ Mỹ Tho, nói với chúng tôi: “Nếu muốn vượt biên thì sẽ tìm cách giúp chúng tôi trốn trại tù rồi sẽ tìm đường vượt biên sau, mọi việc sẽ có anh bạn nầy lo, chỉ cần tôi nhận lái tàu vượt biển mà thôi”.
Năm 1978, cũng tại Mỹ Tho, tôi nghe được tin là có một nhóm quân nhân VNCH đã bị Việt cộng gài bẩy bằng âm mưu dùng một tổ chức Phục Quốc giả, kêu gọi mọi người gia nhập, và bọn chúng đã bắt trọn ổ. Vì vậy khi nghe đề nghị nầy, chúng tôi chưa thể tin hoàn toàn, nên hẹn chuyến tới sẽ trả lời dứt khoát.
Anh Nhơn và tôi suy nghĩ, đắn đo và cuối cùng đồng ý thử thời vận một lần xem sao, vì nếu bị bắt lại thì cũng vẫn là tù cải tạo, cùng lắm thì bị giết chết sớm cho rảnh nợ, chớ tù cải tạo biết chừng nào ra? Đâu thể tin tưởng vào lời dụ dẩn của việt cộng là “học tập cải tạo tốt được sớm về đoàn tụ với gia đình”. Hơn nữa, anh Bình là một quân nhân trong binh chủng Thủy Quân Lục chiến, đã nhiều lần vào sanh ra tử trong những trận chiến với Việt cộng, đáng được chúng tôi tín nhiệm.
Hai tuần lễ sau, khi gập lại anh Bình, chúng tôi cho anh biết quyết định là chúng tôi sẽ nhờ anh tìm cách cho chúng tôi vượt ngục và sau đó vượt biên. Anh Bình nói với chúng tôi, anh sẽ cho biết chắc chắn ngày vượt ngục trong chuyến  tới, khi chúng tôi đến Mỹ Tho. Cuối cùng, hai tuần sau đó, chúng tôi được anh cho biết là sẽ giúp chúng tôi vượt ngục vào chuyến tới, tức là ngày 23 tháng 9 năm 1979.
Trở về trại tù, chúng tôi vẫn làm việc bình thường là coi nhà máy điện. Trước ngày hẹn một tuần, chị tôi đến thăm nuôi anh rể tôi và tôi (cùng bị tù chung trại với tôi). Tôi báo cho chị tôi biết quyết định vượt ngục, và dặn chị ấy đừng tiết lộ cho ai biết, kể cả vợ tôi, người đang vất vả khổ sở trăm bề để nuôi nấng 3 đứa con nhỏ dại của tôi trong nghèo khổ bần cùng, vì tôi nghĩ rằng người không biết sẽ không bị liên lụy.
Ngày hẹn 23 tháng 9 năm 1979 đã đến, và rất may mắn là chuyến đi nhận đồ tiếp tế cho trại không thay đổi ngày giờ, vì vậy hôm đó chúng tôi đã ra đến bến đậu ghe ở Cầu Quây, bờ đối diện với chợ Mỹ Tho vào khoảng 1 giờ trưa. Sau khi nấu cơm cho cả ghe cùng ăn, rửa chén đủa, tắm rửa xong như thường lệ, hai anh em chúng tôi xin phép 3 tên bộ đội cai tù, cho chúng tôi đi uống cà phê tại quán cà phê bên chợ, và lại thêm may mắn nữa là không tên nào muốn tháp tùng để uống cà phê ké như những lần trước, nên chúng tôi đã đến điểm hẹn không có gì trở ngại.
Đến điểm hẹn trong nhà lồng chợ Mỹ Tho lúc đó là 4 giờ chiều, một người đàn bà đến gập chúng tôi, nói ra mật khẩu để nhận nhau xong, bà ta dẩn chúng tôi đến một ngôi nhà gần đó, phát cho chúng tôi mỗi người một bộ quần áo bà ba đen cũ, một cái khăn rằng để quấn cổ, che bớt đi gương mặt để tránh bị nhận diện.
Sau khi tạm “hóa trang” xong, bà gọi xe lôi đưa chúng tôi ra bến xe về Vĩnh Long. Trên xe bà dặn chúng tôi không được nói năng gì, mọi việc nếu cần, sẽ do bà lảnh phần đối đáp.
Trên xe đò, chúng tôi ngồi yên một chổ, không nói năng, không nhìn ngược ngó xuôi, đã an toàn đến xã “X”, và tại nơi đây, ngụ trong nhà vườn của người thân của anh Bình, với danh nghĩa là người trốn khu kinh tế mới, về đây làm mướn để sinh sống qua ngày. Nhân tiện, nhờ người bà con của anh Bình, mang thư của tôi báo bình an đến vợ tôi, xin đừng đến thăm tôi vì không biết tôi sẽ di chuyễn đi đến địa điểm khác lúc nào. Tôi sẽ thỉnh thoảng nhờ người mang thơ tay về cho vợ tôi để biết tin tức của nhau.
Sau đó một tuần, bọn việt cộng xã tiến hành việc kiểm tra dân số. Chủ nhà giao cho hai anh em chúng tôi một ghe tam bản, có mui cà-rèm và một ít gạo muối cùng với với vật dụng nấu ăn. Hai anh em tù cải tạo vượt ngục chúng tôi chèo ghe ngược xuôi trên dòng sông Tiền Giang, để cho qua thời gian kiểm tra dân số của bọn chúng. Đêm đến thì tấp vào đám bần bên các cồn giữa sông, ban ngày thì chèo lên chèo xuống từ Mỹ Thuận đến Cái Bè, thỉnh thoảng giả bộ giăng lưới cá hay câu tôm, để tránh những ánh mắt tò mò.
Khoảng chừng 10 ngày sau, chấm dứt việc kiểm tra dân số, chúng tôi trở lên bờ, về nơi ẩn náo cũ, chờ anh Bình làm giấy tờ giả để đi lại được dể dàng hơn. Anh Bình cho chúng tôi biết là tên Trần Thâu, thiếu tá việt cộng, chánh ủy của trại tù cải tạo Vườn Đào đã thông báo với cả trại tù là chúng tôi cướp ghe của chúng (có lẽ chúng đã bán ghe, chia chát với nhau rồi đổ tội cho chúng tôi cướp ghe), vượt ngục, nên tuyên án tử hình khiếm diện anh Nhơn và tôi trên loa đài của chúng, vì tội phản cách mạng, đã chống lại “chánh sách nhân đạo của cách mạng, tạo điều kiện cho ăn học cải tạo để trở thành công dân tốt của Xã Hội Chủ Nghĩa” (ai theo chúng hồi nào đâu mà gọi là phản cách mạng ?). Do vậy, chúng tôi càng phải cẩn thận hơn.
Trở lên bờ vào khoảng 10 ngày, người chủ nhà bà con với anh Bình, thấy thường có một người lạ đi qua đi lại trước nhà một ngày vài lần, với cặp mắt láo liên có vẻ muốn dò xét việc gì đó, nghi là công an muốn tìm bắt 2 tên “trốn kinh tế mới” chúng tôi, nên vội vã di chuyễn chúng tôi đến nhà một người bà con khác ở xã kế cận. Tại địa điểm trú ngụ mới nầy, hai an hem chúng tôi được cho ở trong một chòi ruộng vắng vẻ, không có nhà nào gần đó.
Khoảng 2 tuần sau thì anh Bình đem một chiếc ghe cà dom cui mới mua, không có máy dài khoảng 8 mét, đến rước chúng tôi trở về chổ cũ, và ở luôn dưới ghe, chờ làm giấy giả đóng dấu bằng “mộc khoai lang” (dùng củ khoai lang khắc một cái mộc giả giống như một thật của xã). Khi đã có giấy tờ giả (may mắn là thời gian đó, trên “giấy chứng minh nhân dân” chưa có dán hình), chúng tôi về Sài Gòn để tìm mua máy tàu.
Sau khi nhờ người quen ở Sài Gòn chỉ dẩn, chúng tôi mua được một máy Kubota 9 x 12 mã lực (của Nhựt Bổn) chạy dầu diesel và một máy Kohler 10 hp chạy xăng ( của Germany). Đem về xã X, chúng tôi tự gắn máy Kubota vào ghe và làm thêm đuôi tôm cho máy Kholer. Sau khi ráp máy vào ghe xong xuôi, chúng tôi đi một chuyến xuống Gành Hào Cà Mau để dò đường trước, rồi về lại Cần Thơ, đậu ghe bên Cồn Ấu để chờ đợi 12 người đã hùng tiền mua ghe, máy và sắm sửa mọi thứ cần thiết cho chuyến đi nầy vào ngày N.
1/- Chuyến vượt biên bất thành
Ngày N đã tới, chúng tôi rước 12 người bạn nầy tại Bến Ninh Kiều Cần Thơ vào lúc 5 giờ sáng ngày 18 tháng 11 năm 1979 an toàn.
Vì ghe nhỏ, nên chúng tôi (tất cả 15 người) di chuyển không bị trở ngại gì từ  Bến Ninh Kiều dọc theo sông Hậu Giang xuống Cái Côn, qua Ngã Bảy Phụng Hiệp, Ngã Năm Sóc Trăng, Bạc Liêu, qua Giá Rai, đến cửa Gành Hào Cà Mau 2 ngày sau đó.
Đến Gành Hào vào khoảng 12 giờ trưa ngày 20 tháng 11 năm 1979, tôi cho ghe di chuyễn bên bờ hữu ngạn sông Gành Hào (đồn kiểm soát biên phòng cửa biển của việt cộng bên tả ngạn). Lúc đó nước vừa chửng lớn, cho ghe chạy chầm chậm bằng máy đuôi tôm gắn bên ngoài, để không bị nghi ngờ vượt biên.
Khi ra đến cửa biển, tôi quanh phải về hướng Mũi Cà mau. Khoảng nửa giờ sau, khi không còn nhìn thấy đồn kiểm soát nữa, tôi nhắm hướng Mã Lai, với một cái địa bàn của bộ binh và một bản đồ thế giới của học trò (không thể kiếm mua được gì khác hơn, để trợ giúp cho chuyến vượt biên cận duyên), chạy cả 2 máy với tốc độ khoảng chừng 8 hải lý/giờ (1 hải lý=1840 mét) để tránh bọn việt cộng nghi ngờ ghe vượt biên. Trên đường ra hải phận quốc tế khoảng chừng 8 cây số cách bờ, có một ghe đánh cá của việt cộng gắn súng đại liên trước mũi rượt theo ( qua ống dòm, tôi đoán chừng ngoài tầm súng đại liên của chúng), thấy vậy tôi xả hết tốc lực của hai máy với tốc độ trên 15 hải lý/giờ (không chắc chính xác lắm), nhanh hơn ghe đánh cá của việt cộng. Sau chừng 1 tiếng dồng hồ, ghe đánh cá bỏ cuộc vì chúng tôi đã bỏ xa nó.
Chạy đến khoảng 6 giờ 30 tối, ước đoán lúc đó đã cách bờ khoảng 70 hay 80 cây số, và đã ở ngoài hải phận quốc tế, mây đen trùm phủ cả bầu trời, mưa to, gió mạnh tạo nên biển động. Biển động rất mạnh, tuy chưa phải là bảo biển, nhưng những lượn sóng cao khoảng từ 4 đến 5 thước (cao hơn cả nóc nhà). Để tránh ghe bị lật, tôi chỉ cho máy chạy thật chậm để có thể lái được ghe và trượt trên sóng, không bị chui vào lượn sóng sẽ bị chìm trong nước, và chỉ chạy theo lối cấn sóng (tangage) chớ không dám chạy chệch hướng, sẽ bị sóng ngang hông (roulis) lật ngang.
Trong cơn biển động đó, lúc thì gió chướng, lúc gió nồm, lúc cấn sóng trước mũi, lúc sóng đùa sau lái, tôi chỉ biết lái ghe theo chiều gió đưa sóng đùa, chớ không còn giữ đúng phương hướng được nữa. Đến khoảng 12 giờ đêm, tôi nhìn xuống nước thấy nước đục ngầu, mới biết là sóng và gió đã đưa chúng tôi vào gần bờ rồi, nhưng không biết là chổ nào trong bờ, Việt Nam hay Cambodge ? Không thể làm khác hơn được, tôi đành phải cho ghe lủi vào bờ, để chờ hết biển động rồi mới tiếp tục đi.
Rủi thay khi ghe bị sóng đẩy mạnh vào bờ, rướn vào một gốc cây gẫy ngầm dưới mặt nước, ghe bị lủng lổ dưới đáy, nước biển ào ào chảy vào ghe. Tất cả chúng tôi gấp rút nhảy xuống ghe, cố kéo nó lên bờ, buộc ghe vào một gốc cây, chuyễn tất cả vật dụng lên bờ. Lúc đó thấy trên bờ là một rừng vẹt và đước, tôi đoán chắc đây vẫn là bờ biển bùn của Cà Mau.
Sau khi tất cả vật dụng đã được chuyển hết lên bở trong rừng vẹt, chúng tôi lấy lương khô gồm gạo sấy, thịt hộp và nước uống mà chúng tôi đem theo cho chuyến vượt biên ra ăn uống, sau một ngày đói lã vì cầm cự với sóng biển, những món đó cảm thấy rất ngon miệng, nhưng thật tình nuốt không trôi vì ai nấy đều lo lắng, không biết mình đang ở đâu, làm sao tiếp tục đi được vì ghe đã bị hư ngoài khả năng sửa chửa của chúng tôi, và làm sao trở về nhà ? Đêm đó ai cũng thức trắng vì trong lòng có nhiều mối lo.
Tờ mờ sáng hôm sau, gặp hai người đàn ông đốn cây vẹt lậu, cho chúng tôi biết là cửa Hốc Năng, cách nơi đây chừng 300 thước, và ghe chở cây của họ đang đậu ngay cửa sông. Họ dẩn chúng tôi đến nơi, thấy đó là một chiếc ghe cà-dom chở lưng lửng cây đước và vẹt đã được chặt ngọn và cành, chỉ còn lại những thân cây dài và rất suông. Cửa Hốc Năng ở khoảng giữa cửa Bồ Đề (cửa sông Năm Căn) và cửa Rạch Gốc, vì đêm qua trời tối, thật xui xẻo tôi không nhìn thấy được. Bây giờ ghe không thể di chuyển được nữa, chúng tôi nói dối là chúng tôi muốn đi Rạch Giá, nhưng ghe đã bị bể, không thể tiếp tục hành trình, chúng tôi cho họ cả ghe lẫn máy, chỉ xin họ chở chúng tôi về chợ Cà Mau để tìm phương tiện khác về Rạch Giá. Tôi biết chắc là họ biết chúng tôi là những người vượt biên, bị biển động nên phải tấp vào bờ nhưng họ không nói gì. Họ đồng ý với đề nghị của chúng tôi, một người chở chúng tôi về Cà Mau, còn người kia ở lại để vá tạm ghe hư của chúng tôi và sẽ về sau. Vì họ đốn cây lậu trong khu rừng vẹt cấm, nên họ biết rõ lộ trình an toàn, tránh các trạm kiểm soát của việt cộng, nên đã an toàn về đến chợ Cà Mau vào khoảng 5 giờ sáng hôm sau.

Đến Cà Mau, Chúng tôi không có ai còn tiền Việt Nam để đi xe đò, nên phải tản mát qua bến xe bên kia bờ sông chợ Cà Mau, chờ tiệm cầm đồ mở cửa, anh Bình mới có thể đem cầm hay bán chiếc nhẩn vàng, lấy tiền phân phát cho chúng tôi đi xe đò về nhà, và hẹn sẽ cùng nhau tổ chức một cuộc vượt biên khác.
Ngày hôm đó, hai anh em tù cải tạo vượt ngục, cùng với anh Bình về Sài gòn, tạm trú trong nhà của một người bà con với anh Bình, gần xóm lò heo, bên  kia Cầu Chữ Y . Tại đây, chúng tôi bàn kế hoạch để tổ chức cho chuyến vượt biên kế tiếp. Chúng tôi đã đồng ý là phải tìm mua ghe lớn hơn, máy mạnh hơn.
Về phần tài chánh, vì đã mất sạch vốn liếng, đành phải tìm người thân quen đáng tin cậy, cùng nhau gom góp tiền để cùng đi, ba anh em chúng tôi phải tận lực mới có thể thành công trong cuộc hành trình tìm đất sống.

Đầu tiên là việc vận động để tìm người cùng cộng tác bất vụ lợi, để cùng nhau trốn khỏi cái “thiên đường hắc ám” của bọn việt cộng dựng lên tại quê hương Việt Nam.
2/-Vượt biên thành công với nhiều gian nguy kinh hoàng. (còn tiếp)…

Lão Ngoan Đồng
Ghi chú: Trong hồi ký nầy, tên các nhân vật không phải là tên thật, vì lý do an toàn cho người còn kẹt lại Việt Nam



0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.