Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Monday 16 March 2015

Việt Cộng có nhiều mưu mẹo lắm

1* Mở bài

Việt Cộng có nhiều mưu chước lắm. Trong nước đối với nhân dân, ngoài nước đối với Trung Cộng và cả đối với Mỹ nữa.

Mặc dù đã có những đấu đá nhau trong nội bộ để tranh giành quyền lực nhưng điều quan trọng nhất là phải bảo vệ Đảng để bảo vệ tánh mạng và tài sản của cán bộ đảng viên. Đảng Cộng Sản nào cũng vô địch về tham nhũng, từ hổ tới ruồi. Từ cái ghế đầu rồng giống như ngai vàng ở nhà Nông Đức Mạnh đến những dinh thự nguy nga lộng lẫy của các tham quan ở trong nước và ngoại quốc, cho nên cái khẩu hiệu “Bỏ điều 4 HP là tự sát” vẫn là quan điểm chỉ đạo của cán bộ Cộng Sản Việt Nam.

Chiến lược bảo vệ Đảng được thực hiện trên lãnh vực đối nội và đối ngoại.

Về đối nội thì thực hiện những màn lừa bịp nhân dân, để chứng tỏ Đảng cũng có quyết tâm cao độ trong việc giữ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia. Đó là lăng xăng chạy mua vũ khí khắp nơi. Mua ở mỗi nước vài ba thứ gom góp thành kho vũ khí tạp nhạp xà bần được sản xuất từ nhiều quốc gia khác nhau.

Đồng thời rộn rịp hợp tác quân sự với nước nầy, nước nọ, nước kia…

Về đối ngoại. Với Trung Cộng thì im thin thít, mềm nhũng như cái con chi chi trước những đe dọa quân sự và những lời chửi bới tàu xà lúp chở không hết của người đồng chí xã hội chủ nghĩa anh em phương Bắc.

Đối với Mỹ. Trong nước thì làm ngơ, im lặng để cho trí thức và tướng lãnh bắn tiếng kêu gọi liên hiệp với Mỹ.

Nhưng ý đồ của Việt Cộng là muốn tỏ cho Trung Cộng biết là họ có thể bắt tay với Mỹ, làm áp lực để quan thầy nhẹ tay với tôi tớ mà giảm bớt những hành động côn đồ cướp nước ở Biển Đông.

Về phía Mỹ, Tổng Thống Obama nổ lực tấn công ngoại giao, chiêu hồi Việt Cộng với chính sách quen thuộc là “cây gậy và củ cà rốt”. Trước hết dùng tiền bạc mua chuộc, cụ thể là sẽ viện trợ tài chánh để tháo gỡ mìn bẫy và tác hại của chất độc da cam, và quan trọng nhất là có thể được nhận vào Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP=Trans-Pacific Partnership).

Cuối cùng thì Việt Cộng vẫn giữ chính sách ngoại giao đa phương với các nước, vì theo Mỹ thì không thể yên thân được với Trung Cộng.

Việt Cộng cũng mưu mẹo lắm chẳng phải chơi đâu!

blank
VC lắm mưu nhiều kế.

2* Chiến lược bảo vệ Đảng của Cộng Sản Việt Nam

Chiến lược bảo vệ Đảng trên hai lãnh vực, đối nội và đối ngoại. Đối nội thì dùng những màn lừa bịp nhân dân. Đối ngoại thì cho biết muốn ngã theo Mỹ để làm áp lực với Trung Cộng.

2.1. Lừa bịp nhân dân: lăng xăng chạy mua vũ khí

Để lừa bịp nhân dân, CSVN muốn chứng tỏ rằng họ cũng có quyết tâm cao độ trong việc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia. Đó là lăng xăng chạy tới chạy lui tham khảo, quan sát, mua sắm vũ khí từ nước nầy đến nước khác, mỗi nơi mua vài ba thứ, từ Nga đến Mỹ, Pháp, Bỉ, Canada, Do Thái, Ấn Độ…gộp lại thành kho vũ khí xà bần tạp nhạp. Một nhà quan sát cho rằng ít nhất là cần phải có thời gian 10 năm, quân đội CSVN mới có khả năng xử dụng các loại vũ khí tạp nhạp đó một cách thuần thục.

Thiếu Tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến Lược thuộc Bộ Công An VN, nhấn mạnh: “Chúng ta thiếu ý chí, cái nầy mới thật sự là quan trọng, chớ còn chạy đua vũ khí thì 1,000 năm nữa cũng không theo kịp Trung Quốc. Chỉ có mấy chiếc tàu ngầm không đủ sức răn đe. Không ăn thua gì cả. Tàu ngầm tên lửa không có ý nghĩa gì cả”.

Mua vũ khí không phải dùng để giữ nước, mà để mỵ dân.

Lại tuyên bố hợp tác quân sự với nước nầy, nước kia thật ra là nhờ Ấn Độ và Nga huấn luyện cho thủy thủ đoàn của tàu ngầm lớp Kilo. Mua của Ấn Độ vài ba thứ hỏa tiễn… hợp tác với Philippines là nước yếu kém nhất ở châu Á.

2.2. Đối ngoại: dụ khị Hoa Kỳ

Trong nước VC thẳng tay đàn áp những blogger đòi dân chủ, nhân quyền nhưng lại mắt nhắm mắt mở làm ngơ để cho trí thức và tướng lãnh kêu gọi liên minh với Hoa Kỳ. Những lời phê bình chỉ trích nặng nề của các trí thức như TS Trần Công Trục, PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, Thiếu Tướng Lê Văn Cương đã được trang mạng “Nguyễn Tấn Dũng” đăng tải.

Thiếu Tướng Lê Văn Cương công khai kêu gọi “Duy nhất trên hành tinh nầy chỉ có Mỹ mà thôi. Phải tiến tới quan hệ Việt Mỹ mà trên là bạn bè dưới là liên minh. Trên hành tinh nầy Trung Quốc chỉ sợ có Mỹ mà thôi. Bây giờ cho ăn kẹo Trung Quốc cũng không dám đụng tới Mỹ vì đụng tới Mỹ là tự sát. Bản chất của Trung Quốc là chỉ bắt nạt, cưỡng bức những kẻ hèn nhát mà thôi”.

Làm ngơ, để cho trí thức bắn tiếng với Hoa Kỳ về việc liên minh quân sự.

blank
VC lắm mưu nhiều kế.

3* Phản ứng của Trung Cộng

Trung Cộng vừa đe dọa bằng sức mạnh quân sự vừa chửi bới thậm tệ tàu xà lúp chở không hết.

Về quân sự thì khẩn trương dồn dập xây những đảo ngầm thành đảo nổi để làm căn cứ quân sự khống chế Việt Nam và làm chủ Biển Đông.

3.1. Cải tạo đá Huy Cơ

Ngày 23-2-2015, trang mạng Sputnik News đưa ra những hình ảnh phát triển tại Đá Huy Cơ như sau:

Ngày 1-2-2014. Huy Cơ chỉ là một khung bê tông diện tích 380m2.

Ngày 14-8-2014. Khung bê tông được lấp đầy cát.

Ngày 24-1-2015. Huy Cơ xuất hiện là một hòn đảo thật sự diện tích 75,000m2 và các ngôi nhà kiên cố.

Đến mùa xuân hoặc mùa hè năm 2015 công trình nầy có thể trở thành một căn cứ quân sự.

3.2. Tiến trình xây dựng các đảo ở Trường Sa

Tàu nạo vét lớn nhất châu Á Tian Jing Hao* Đảo Phú Lâm có một sân bay, khách sạn, thư viện, năm tuyến đường chính, hệ thống điện thoại di động và một đài truyền hình vệ tinh

Ngày 26-2-2014. Tàu nạo vét Tian Jing hoạt động cải tạo đảo chìm thành đảo nổi ở Gạc Ma.

Ngày 20-3-2014. Tàu Tian Jing hoạt động ở đảo Tư Nghĩa.

Ngày 24-5-2014. Tàu nạo vét nầy hoạt động ở Đá Gaven.

Ngày 28-8-2014. Tàu nầy hoạt động ở đá Chữ Thập (Vĩnh Thử-Fiery Cross Reef)

Mỗi đảo đều có kiến trúc xây dựng giống nhau. Tất cả đều hình vuông mỗi góc có đài radar và giàn hỏa tiễn phòng không bảo vệ đảo. Phi công dễ dàng cho phi cơ đáp xuống và cất cánh vì tất cả đều quen thuộc.

Tuần báo IHS Janes Defence Weekly cho biết, Trung Quốc xây dựng những đảo nầy thành những căn cứ quân sự, làm hậu cần tiếp tế cho tàu chiến, phi cơ chiến đấu và cả tàu cá nữa.

Ông James Hardy, tổng biên tập của tờ Janes Defence khẳng định: “Chúng tôi chắc chắn rằng Trung Quốc đã thiết kế và đang tích cực thực hiện một mạng lưới bố phòng ở giữa quần đảo Trường Sa”.

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên Giới Chính Phủ, xác định: “Tôi muốn nhắc lại đó là những căn cứ quân sự mang tích cách tấn công chớ không phải phòng thủ. Trên thực tế, Trung Quốc đang tiến tới bằng những bước tấn công vào chủ quyền Việt Nam. Theo tôi, tình hình diễn tiến ngày càng xấu đi, và nguy cơ chúng ta mất vùng Biển Đông ngày càng rõ rệt hơn”.

Từ những căn cứ nầy Trung Cộng dùng làm bàn đạp tấn chiếm các đảo khác ở Trường Sa. Đồng thời họ tiến hành “chiến tranh xâm lược mềm” như triển khai các tàu cá, các hoạt động dầu khí và hàng không trên vùng biển của Việt Nam.

3.3. Vấn đề quân sự của đảo Gạc Ma

1). Đảo Gạc Ma ví như một tàu sân bay

Theo thừa nhận của Trung Cộng thì đảo Gạc Ma là một căn cứ Không Quân-Hải Quân. Có cầu cảng cho tàu chiến thả neo đậu để tiếp tế. Cũng có đường băng cho phi cơ chiến đấu hạ cánh, như vậy Gạc Ma có thể làm nhiệm vụ của một tàu sân bay (hàng không mẫu hạm).

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) khẳng định: “Gạc Ma là một tàu sân bay của Trung Quốc không thể bị đánh chìm được ở Biển Đông”. Nhiều học giả Tàu hoan hỉ ra mặt, cho rằng đó là một nước cờ quá đẹp, cho phép các phi đoàn máy bay J-10, J-11 (thế hệ thứ 4) cất cánh hạ cánh như mắc cửi trên căn cứ Gạc Ma ở Biển Đông.

2). Việt Nam bình luận “hoảng”

Trước thái độ đó của Trung Cộng, nhà bình luận quân sự Việt Nam bình luận theo kiểu điếc không sợ súng như sau: “Càng thổi phòng vai trò chiến thuật của đảo Gạc Ma lên cao bao nhiêu thì Trung Quốc càng phơi bày tử huyệt và khả năng hạn chế bấy nhiêu. Không Quân Việt Nam vẫn làm chủ bầu trời trên quần đảo Trường Sa là một thực tế không thể chối cãi được. Đúng là không thể đánh chìm, nhưng đánh sập đảo Gạc Ma không khó khăn gì. Làm cho tàu sân bay Gạc Ma tê liệt cũng cũng dễ thôi, và tàu sân bay Gạc Ma chỉ là con ngáo ộp. Hãy tưởng tượng khi năm bảy chiếc Chengdu J-10, Shenyang J-11 cất cánh lên rồi thì đảo Gạc Ma bị tan tành nên không còn nơi để hạ cánh, thì đừng có mong làm chúa tể Biển Đông”.

Đúng là bình luận ẩu, chỉ để tuyên truyền cho đám dân ngu khu đen mà thôi. Nhà bình luận quân sự nầy không biết được những chiếc J-10, J-11 (thế hệ 4) cất cánh để làm gì? Những giàn hỏa tiễn phòng không bảo vệ đảo để làm gì?

Việt Nam có 42 phi cơ hiện đại thế hệ 4 là Su-30MK2 và 3 tàu ngầm hiện đại nhất là lớp Kilo trong khi đó Trung Cộng có 100 phi cơ thế hệ 4.

Chỉ riêng Hạm Đội Nam Hải, Hải Quân Trung Cộng vó 51 tàu ngầm chiến lược và chiến thuật tại căn cứ Du Lâm ở Tam Á thuộc đảo Hải Nam, cách Đà Nẳng 150 hải lý (277km 800), cách Vịnh Bắc Bộ VN 130 Km. Trong 51 tàu ngầm đó có 12 chiếc lớp Kilo.

Hoa Kỳ đang báo động là số tàu ngầm của Trung Cộng vượt qua số lượng tàu ngầm của Hoa Kỳ.

3). Trung Cộng đưa hỏa tiễn đạn đạo ra Biển Đông.

Tờ Want China Times của Đài Loan đưa tin, đơn vị Pháo Binh Số 2, là lực lượng hỏa tiễn chiến lược của Trung Cộng, đã triển khai hỏa tiễn đạn đạo (Ballistic missile) tại 9 địa điểm di động của tỉnh Quảng Đông và 13 vị trí phóng hỏa tiễn khác nhắm vào Biển Đông.

Tên lửa liên lục địa lợi hại nhất của Trung Cộng là loại Đông Phong 41 (DF-41), tốc độ gấp 6 lần tốc độ của âm thanh (7,428km/h), tầm sát hại xa 15,000km có thể phóng tới thủ đô Washington của Hoa Kỳ.

Tốc độ âm thanh tùy thuộc nhiều vào điều kiện bầu không khí mà nó đi qua, tức là tùy thuộc vào nhiệt độ, sương mù, mây mưa giông bão. Nhiệt độ không khí càng cao thì tốc độ âm thanh càng nhanh hơn. Trung bình ở nhiệt 20 độ C thì vận tốc âm thanh là 1,238km/h. (Tốc độ ánh sang là 300,000km/sec)

3.4. Dự án xây nhà máy khí hóa lỏng

Ngày 18-7-2014, nguồn tin Reuters cho biết, Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia CNOOC (The China National Offshore Oil Corporation) đang nghiên cứu dự án xây dựng một nhà máy nổi, khí hóa lỏng trị giá nhiều tỷ USD để sản xuất khí đốt tại vùng biển nước sâu ở Biển Đông. Nhà máy sẽ chuyển chất khí thành chất lỏng trước khi đưa sang các tàu vận chuyển.

Nhà máy được xây dựng ở vùng nước sâu xa lục địa vì không thể đặt đường ống thật sâu và thật dài ở đáy biển.

3.5. Vô cùng thất vọng chính phủ

PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Chính Sách và Pháp Luật, nguyên Phó Vụ Trưởng Ban Biên Giới Chính Phủ, cho biết: “Rõ ràng đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng nhưng tôi cũng như người dân và các đồng nghiệp cảm thấy vô cùng thất vọng. Đang ngóng chờ xem chính phủ có động thái gì không nhưng cho tới bây giờ chưa thấy có động tịnh gì cả. Điều nầy rất bất thường và rất khó hiểu vì chính phủ có trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia”.

3.6. Việt Cộng bị chửi te tua như cái mền rách

Đồng thời với việc đe dọa bằng sức mạnh quân sự ở Trường Sa, Trung Cộng không tiếc lời chửi rủa người đồng chí tốt Việt Nam một cách thậm tệ.

Ngoài việc hù dọa đánh chiếm Việt Nam chỉ trong một tiếng đồng hồ, còn thêm chửi bới nữa. TS Trần Công Trục cho biết, tuy đó không phải là thông tin chính thức của nhà nước Tàu, nhưng là những lý luận hợp lý, rất logic đúng với thực tế.

“Hãy giết bọn Việt Nam và đánh cho chúng trở tay không kịp. Phải giết bọn giặc cỏ (thảo khấu) Việt Nam để làm lễ tế cờ trong trận chiến thu hồi Nam Sa (Trường Sa). Nguyên văn chữ Hán như sau “Sát Việt khấu vi Nam Sa chi chiến tế kỳ” (Giết giặc Việt làm lễ tế cờ trong trận chiến Nam Sa).

Các cha nội lãnh đạo đâu có phải điếc tất cả mà không nghe. Nghe nhưng không dám ra miệng đó thôi. Khôn nhà dại chợ. Hèn với giặc, ác với dân!

blank
VC lắm mưu nhiều kế.

4* Chính sách “chiêu hồi Việt Cộng của Mỹ

Trong chiến lược xoay trục trở lại châu Á, Hoa Kỳ đang o bế Việt Nam để tiến tới một liên minh quân sự, hay ít ra cũng cần được xử dụng bến cảng và phi trường để Mỹ hoàn tất vòng đai bao vây Trung Cộng, chống lại chiến lược xâu chuỗi ngọc trai (String of Pearls) của Tàu.

Hoa Kỳ được xem là một quốc gia giàu mạnh nhất thế giới cho nên việc đối ngoại Mỹ thường xử dụng chính sách “cây gậy và củ cà rốt”. Trước hết vung tiền ra mua chuộc, khi đối phương đã ngậm củ cà rốt mà không làm được việc mà Mỹ muốn thì bị cho ăn đòn ngay. Ăn cơm chúa phải múa tối ngày là thế.

4.1. Về quân sự

Hoa Kỳ đã tuyên bố bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho VN. Đã đồng ý bán cho VN ba chiếc phi cơ trinh sát tuần tra biển có khả năng chống tàu chiến và chống tàu ngầm. Đó là chiếc Lockheed Martin P-3 Orion sản xuất năm 1962.

Mỹ cũng hỗ trợ cho VN 6 chiếc tàu tuần tra cao tốc, nằm trong lời hứa hỗ trợ 18 triệu USD khi Ngoại Trưởng John Kerry viếng VN năm 2013.

Sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho biết, sau khi hợp đồng hoàn tất thì có thể chuyển giao 6 tàu đó cho VN vào năm 2016.

4.2. Về kinh tế

1). Hỗ trợ tài chánh

Ngày 3-3-2015, Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách về các vấn đề an ninh thế giới và kiểm soát vũ khí, bà Rose Gottemoeller, đã có chuyến viếng thăm và làm việc 3 ngày ở Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm bang giao Việt Mỹ.

Tại tỉnh Quảng Trị, nơi ăn bom nhiều nhất trong chiến tranh Việt Nam, bà Gottemoeller quan sát tại chỗ và thẩm định lại những thiệt hại do bom mìn và chất độc da cam tạo nên.

Chính quyền tỉnh Quảng Trị báo cáo những thiệt hại do bom mìn gây ra như sau: “Tính đến năm 2000, Quảng Trị có hơn 5,000 tai nạn do bom mìn còn sót lại, đã gây ra cái chết của 26,000 người.

Hội Cựu Chiến Binh CSVN cho biết những bộ đội và gia đình họ vẫn còn bị chất độc da cam tác hại.

Chủ tịch UBND Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính, cho biết tỉnh rất cần những máy móc và thiết bị hiện đại để tiếp tục làm sạch sẽ bom mìn và chất nổ còn tồn tại.

Bà Rose Gottemoeller phát biểu, Hoa Kỳ mong rằng việc hợp tác Việt Mỹ được nâng lên ở tầm mức cao hơn và Hoa Kỳ không những hỗ trợ tài chánh mà còn hỗ trợ kinh tế, giáo dục và huấn luyện chuyên viên cho Việt Nam nữa.

2). Về Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương

Ngày 6-3-2015, trong buổi nói chuyện với sinh viên tại Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Đại Sứ Ted Osius cho biết, Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP=Trans-Pacific Partnership) là cơ hội lớn để VN thực hiện những bước tiến hợp lý trong quá trình hội nhập vào kinh tế toàn cầu.

Trong quan hệ Việt Mỹ ông cho biết “Không có điều gì là không có thể, trong quan hệ của hai nước, bởi vì những điều đó là lợi ích của Việt Nam và chúng tôi muốn là đối tác của các bạn. Kim ngạch thương mại giữa hai nước hiện nay là 35 tỷ USD và sẽ gia tăng hơn nữa khi Việt Nam được vào TPP”.

Đại sứ Mỹ cho biết, năm 2015 sẽ có những chuyến viếng thăm Mỹ, trước tiên là Bộ Trưởng Bộ Công An, Đại Tướng Trần Đại Quang sang Mỹ để trao đổi các vấn đề về nhân quyền. Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ để đưa đối tác toàn diện tiến ra phía trước.

Thông thường thì những cuộc viếng thăm như vậy là để ký nháp vào những điều đã được hai bên thỏa thuận.

4.3. Vài nét về Đại Sứ Ted Osius

Ông Ted Osius đã từng phục vụ trong tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Sài Gòn. Đã từng đi xe đạp xuyên Việt, từ Hà Nội vào Sài Gòn đường dài 1930km.

Ông là người kêu gọi bãi bỏ lịnh cấm vận vũ khí sát thương cho VN.

1). Sự nghiệp

Tên đầy đủ là Theodore G. Osius III. Tốt nghiệp Đại Học Harvard và Đại Học Johns Hopkins. Giáo sư giảng dạy tại Học Viện Quân Sự Quốc Gia (National War College).

Đã có 25 năm làm việc trong ngành ngoại giao ở các nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines và Indonesia. Biết các thứ tiếng như Việt Nam, Pháp, Ý, Á Rập, Hindi, Thái Lan, Nhật và Indonesia.

Ngày 18-11-2014 ông Ted Osius được Tổng Thống Obama bổ nhiệm làm đại sứ Việt Nam và sau đó được Quốc Hội phê chuẩn.

2). Gia đình

Ông kết hôn đồng tính với “chồng” là ông Clayton Bond tại Vancouver, Canada. Hai người gặp nhau trong cuộc họp mặt những người đồng tính trong ngành ngoại giao năm 2004. Hai người nhận đứa bé trai một tuổi làm con nuôi.

Hiện tại, gia đình ba người đàn ông nầy đang sống ở Việt Nam.

blank
VC lắm mưu nhiều kế.

5* Mỹ có thể bị cho “leo cây” ở Việt Nam không?

Mỹ không dại gì để cho CSVN xỏ mũi. Việc bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, mới nghe thì thấy ngon lành lắm, nhưng nhìn kỹ lại thì khác hẳn. Đó là việc mua bán loại vũ khí nầy sẽ được xem xét riêng biệt theo từng loại, từng tên chớ không phải có tiền mà muốn mua thứ nào cũng được. Ngoài việc giá cả mua bán ra còn việc cò kè điều kiện quân sự, chính trị của hai bên.

Việc bán chiếc phi cơ trinh sát tuần tra Lockheed Martin P.3 Orion là một điển hình. Đó là, chiếc phi cơ nầy thuộc loại phế thải, quá cũ kỹ vì sản xuất năm 1962. Bị xóa tên trong sổ danh bộ vũ khí quốc phòng và chuyển sang cho lực lượng phòng vệ ven biển của Mỹ (US Coast guard).

Đối với Mỹ, Việt Nam không phải là nhu cầu cần thiết hạng nhất, bởi vì có Cam Ranh hay không có Cam Ranh thì Mỹ cũng không thiệt thòi gì cho lắm. Đã có căn cứ Subic ở Philippines tiện nghi hơn Cam Ranh nhiều. Subic cũng nằm ngang vĩ tuyến với Cam Ranh.

Trái lại, Việt Nam cần Mỹ cho vào tổ chức kinh tế Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương.

blank
VC lắm mưu nhiều kế.

6* Cộng Sản Việt Nam có dám ký hiệp ước liên minh với Mỹ không?

Câu trả lời có thể là không. Vì hai lý do sau đây:

Một là sợ bị Tập Cận Bình dạy cho bài học thứ hai vì sự phản bội. (Bài học thứ nhất do Đặng Tiểu Bình dạy cho vào ngày 17-2-1979)

Hai là bài học kinh nghiệm đau thương về hiệp ước liên minh với Nga vẫn còn nhức nhối.

6.1. Kinh nghiệm đau thương về hiệp ước liên minh quân sự với Liên Xô

Đó là Liên Minh Quân Sự giữa Liên Xô và Cộng Sản Việt Nam.

Trên trận chiến Trường Sa ngày 14-3-1988, trong khi Việt Cộng bị Trung Cộng đánh te tua là bắn chìm hai chiếc tàu và giết chết 64 bộ đội ở đảo Gạc Ma, thế mà đồng chí Liên Xô vẫn điềm nhiên tọa thị, bình thân như vạy ở Cam Ranh.

Người quân tử gặp chuyện bất bình thì rút dao tương trợ thế mà đồng chí anh em Xã Hội Chủ Nghĩa đã có Hiệp Ước Liên Minh Quân Sự ký hồi tháng 11 năm 1978 vẫn làm ngơ. Đúng là bọn tiểu nhân. Đồng chí, kẻ thì cướp nước, kẻ thì phản bội cam kết.

6.2. Chính sách ngoại giao của Mỹ thay đổi luôn

Bị cú đó, CSVN bèn ra NQ ngoại giao đa phương. Một bài học khác là Việt Nam Cộng Hòa bị đồng minh bỏ rơi.

Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ thường thay đổi, cứ 4 năm hoặc 8 năm, tùy theo chính quyền của đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa. Hơn nữa, đối ngoại là cánh tay nối dài của việc nội trị. Nội bộ bất ổn thì ngoại giao bị ảnh hưởng theo, cụ thể là vụ Watergate đã làm cho lá thơ của Tổng Thống Nixon cam kết với Tổng Thống Thiệu không còn giá trị nữa.

Kinh nghiệm lịch sử đau thương là một lý do, nhưng lý do quan trọng nhất là sợ không chịu nổi bài học thứ hai của Tập Cận Bình. Nhìn thấy ông Tập đập các đồng chí của ông ở bên Tàu thì phát ngán rồi.

Việt Nam vẫn còn giữ chính sách ba không: Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của nước nào cả. Không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam. Không dựa vào nước nào để chống lại nước nào.

6.3. Trung Cộng không sợ Mỹ tý nào cả

Mặc dù Trung Cộng chưa đủ sức mạnh so với Mỹ, nhưng họ không sợ Mỹ tý nào cả. Ngày 28-2-2015, Phụ tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, ông Daniel Russell đã lên tiếng thúc giục các quan chức Trung Cộng hãy ngưng các hoạt động xây căn cứ quân sự trên Biển Đông.

Dựa trên nguyên tắc chủ quyền ở Biển Đông, phát ngôn viên Hồng Lỗi thẳng thừng bác bỏ mà còn tố cáo Mỹ xâm phạm vào công việc nội bộ của họ. “Việc xây dựng và bảo quản các rạn san hô và đảo ở Biển Đông là hợp pháp và được thực hiện đúng theo quy định của luật pháp. Các nước khác không có quyền chỉ trích các hoạt động xây dựng đó”.

Ông nói gà, bà nói vịt, cãi chày cãi cối, ai nói nấy nghe. Kể như huề. Vì Tập Cận Bình và Tổng Thống Obama sẽ không đánh nhau trí mạng vì những cái đảo ở Biển Đông.

7* Kết luận

Dân tộc Việt Nam là nạn nhân của những vấn đề “không dễ gì”.

Trung Cộng không dễ gì từ bỏ “chủ quyền” ở Biển Đông, vì đó là chiến lược sống còn của họ.

Việt Cộng không dễ gì dám từ bỏ Trung Cộng để chạy theo Mỹ vì sợ bị ăn đòn của bài học thứ hai. Mưu chước của CSVN cũng không dễ gì lợi dụng Hoa Kỳ làm ô dù để gây áp lực với quan thầy Tập Cận Bình. Hoa Kỳ cũng không dễ gì đánh nhau trí mạng với Trung Cộng chỉ vì mấy cái đảo ở Biển Đông.

Và cuối cùng, dân tộc Việt Nam cũng không dễ gì thoát ra thời kỳ Bắc thuộc lần thứ năm do truyền thống làm tay sai bán nước của đảng CSVN. Trả lời câu hỏi “Việt Nam còn hay mất”, một người trong nước cho biết “Đã mất từ lâu rồi chớ còn gì nữa mà còn hay mất”

Xin mượn lời của nữ đạo diễn Song Chi như sau: “Cái đám lãnh đạo, tướng tá cao cấp trốn ở trong nhà phó mặc cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư phải gồng mình chịu đựng những cú va chạm, đâm húc của tàu Trung Quốc to hơn, mạnh hơn và nhiều hơn. Ngư dân bị đẩy ra biển làm những lá chắn bằng những từ ngữ đẹp đẽ như “ngư dân kiên trì bám biển”, “giữ vững chủ quyền”. Quốc Hội họp trong cảnh dầu sôi lửa bỏng mà không dám đưa ra một nghị quyết nào cả về tình hình Biển Đông”.

Hèn với giặc, ác với dân.

Trúc Giang

Minnesota ngày 13-2015
http://vietbao.com/a234934/viet-cong-co-nhieu-muu-meo-lam

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.