Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Friday 3 October 2014

Tình hình chiến sự :TRẬN CHIẾN KHÔNG KÍCH ISIS RẦM RỘ TẠI SYRIA & IRAQ

  • Tình hình chiến sự tại Syria, Iraq gần 2 tuần qua
    iraq_map_cnn

    TRẬN CHIẾN KHÔNG KÍCH ISIS RẦM RỘ TẠI SYRIA & IRAQ
    Nam Giao,TL tổng hợp
    LTS: Tính đến khi Thế Giới Mới đến tay quý độc giả thì trận chiến không kích rầm rộ vào đám ISSI,– những kẻ tàn bạo cắt cổ giết người còn dễ hơn giết gà vịt –, đã bước qua ngày thứ 10 trên, và vẫn cò tiếp diễn trên chiến trường sôi động Syria và Iraq. Theo các nguồn tin báo chí thì những phi vụ oanh kích của Hoa Kỳ và đồng minh đã đạt được thành quả rất khả quan. Tuy nhiên chiến phí của những trận oanh kích này rất cao, chỉ riêng Hoa Kỳ, phải chi lên tới 1 tỷ rưỡi $US mỗi tháng.

    Trận chiến bằng không lực này sẽ kéo dài bao lâu nữa, chưa có câu trả lời. Thế nhưng, ai cũng có thể hiểu rằng khi nào đám khủng bố ISIS, al-Qaeda, Khorasan v.v… hết đường trốn và quân bộ binh của Liên Minh quân sự, hoặc quân Iraq, Kurds, đủ sức tái chiếm và xóa sổ “nhà nước Hồi Giáo (IS) mới thôi. Nếu không, quân đội Hoa Kỳ, đã lỡ làm “Anh Hai”, sẽ phải tiếp tục gánh vác trọng trách của “anh Hai” trước đại công tác tiêu diệt đám khủng bố “vô tiền khoáng hậu” này mới chấm dứt.

    Xin mời quý độc giả theo dõi bản tin tổng hợp khá dài dưới đây do Nam Giao,TL nhuận sắc từ các nguồn tin đáng tin cậy: CNN, Daily Mail, VOA, USA Today, Daily Beast… trong hơn tuân qua.
    oOo

     Tổng thống Barack Obama đã thực hiện đúng lời cam kết là sẽ không hành động đơn phương trong cuộc chiến chống lại nhóm “ung thư” Nhà nước Hồi giáo ISIS. Hôm thứ ba 2 tuần trước, ông xác nhận rằng các quốc gia Ả Rập trong vùng đã hợp tác với Hoa Kỳ để tiến hành các cuộc oanh kích rầm rộ nhắm vào các đám khủng bố ở Syria.
    693_1_1
    “Sức mạnh của Liên Minh này khẳng định rõ với thế giới rằng đây không phải là cuộc chiến riêng của Hoa Kỳ. Trên hết, người dân và các chính phủ ở Trung Đông đang chống lại ISIS và đã đứng lên vì hoà bình, an ninh, mà thế giới xứng đáng được hưởng thụ.” TT Obama nói với báo chí tại Bạch Ốc.

     Hơn 40 quốc gia đã tham gia nỗ lực chống lại mối đe doạ từ đám ISIS này, kể cả việc triệt hạ các nơi trú ẩn an toàn của các nhóm khủng bố khác. Liên Minh sẽ huấn luyện, trang bị cho lực lượng Iraq và phe đối lập ở Syria, bằng cách cắt nguồn tài trợ của ISIS, và ngăn chặn luồng phiến quân nước ngoài đổ vào, và thoát ra từ khu vực này để thực hiện những vụ khủng bố giết người vô tội.

     Các mục tiêu không kích đợt này còn nhắm vào al-Qaeda, đặc biệt là nhóm của những chiến binh giàu kinh nghiệm có tên là Khorasan. Theo TT Obama, nhóm này đang vạch kế hoạch tấn công Hoa Kỳ và Âu châu: “Tôi phải nói rõ cho bất cứ ai âm mưu tấn công nước Mỹ và gây thiệt hại cho nước Mỹ là chúng tôi sẽ không để yên cho họ đạt mục tiêu đó”.

    Ngũ Giác Đài: Các cuộc không kích ở Syria “rất thành công”

    Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Phó Đề đốc John Kirby, nói chiến dịch bằng không lực tấn công các khu vực miền đông và miền bắc Syria trước rạng sáng 23-9 chỉ mới khởi đầu, nhưng rất thành công. Nỗ lực của Liên Minh chúng tôi, gồm các nước Bahrain, Qatar, Saudi Arabia, Jordan, Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả-rập đã phối hợp với những phi vụ tuyệt vời tại đông Syria.

     Những đợt tấn công này đã làm hư hại, hay phá hủy các trại huấn luyện tại miền đông Syria do ISIS điều hành, gồm căn cứ đóng quân của tổ chức ISIS, nơi đó có một trung tâm tài chánh khá quan trọng. Điều này cho thấy rõ ràng sức mạnh của Liên Minh, nghĩa là Hoa Kỳ không chiến đấu đơn độc.

     Một tổ chức giám sát nói những cuộc tấn công này đã giết chết 120 phần tử ISIS tại Syria. Trong khi ông Rami Abdulrahman, người đứng đầu Đài Quan sát Nhân Quyền Syria có trụ sở tại London, nói có ít nhất 300 tên bỏ xác, trong đó có thành viên ISIS và al-Qaeda thiệt mạng hay bị thương qua những đợt không kích. Cuộc không kích đầu tiên xoáy vào thành trì của ISIS ở thành phố Raqqa, gồm 20 mục tiêu.

    Để hoạt động không kích ISIS đúng theo chiến thuật dự định, Hoa kỳ đã huy động hàng chục chiến đấu cơ đồn trú tại khu vực Trung Đông, gồm có các loại F-15, F-16, F/A-18; chiến đấu cơ tàng hình F-22, máy bay không người lái có vũ trang Reaper, bomber B-1, trực thăng chiến đấu và nhiều máy bay giám sát không phận khác.

     Máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornets hiện đang hoạt động trên Hàng Không Mẫu Hạm USS George H.W. Bush neo tại vùng Vịnh Ba Tư, trong khi các chiến đấu cơ khác cũng dễ dàng huy động từ khu vực phía bắc Iraq. Thêm vào đó, các chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ đang hoạt động ở vùng Vịnh và lân cận, được trang bị hỏa tiễn tầm xa Tomahawk, có thể phóng đi với tốc độ siêu thanh và đạt được mục tiêu cách 2,500km.

     Khi tiến hành cuộc không kích vào các mục tiêu ISIS bên trong lãnh thổ Syria, F-22 chính thức xuất trận đầu tiên, tạo nên một ngạc nhiên lớn đối với nhiều nhân vật trong ngành hàng không quân sự.

    Supper chiến đấu cơ F-22 Raptor
    Một nguồn tin khẳng định với tờ Daily Beast rằng F-22 đã tham gia trận không kích đầu tiên nhằm phá hủy trung tâm chỉ huy và một số cứ điểm quan trọng, rất cần thiết, do ISIS kiểm soát tại Syria. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, F-22 còn hộ tống các phi cơ chiến đấu và máy bay ném bom của không lực Hoa Kỳ cũng như phi cơ các quốc gia Ả Rập bạn tham gia chiến dịch rầm rộ này.

     Mặc dù không có khả năng chiến đấu ưu hạng, nhưng Raptor F-22 gần như “vô hình” đối với chiến đấu cơ của đối phương và hệ thống radar giám sát trên mặt đất. Tốc độ của F-22 cũng thuộc hạng siêu đẳng, vượt qua tốc độ 1.8 mach, gần gấp 2 lần tốc độ âm thanh.

     Nổi bật với khả năng tác chiến điện tử mạnh mẽ, F-22 dễ dàng làm tê liệt hệ thống radar cũng như các thiết bị điện tử liên lạc của địch. Vài chuyên gia quân sự cho rằng không quân Hoa Kỳ chỉ cần 380 chiếc F-22 Raptor, là có thể thay thế các chiến đấu cơ lão làng F-15C Eagle, hành hiệp tuyệt vời trên mọi trận không chiến trong tương lai.
    Về khả năng, Ngũ Giác Đài còn nhấn mạnh sự xuất hiện của “Chim ưng Raptor” khi chụp 2 bức hình trước và sau của một tòa nhà bị F-22 tấn công, dường như Mỹ muốn cho cả thế giới biết đến sức mạnh vượt trội của F-22 trên chiến trường mới.

     Ông Konstantin Sivkov, đặc trách chính trị Liên bang Nga nói rằng, việc Mỹ sử dụng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm, F-22 Raptor, tham gia cuộc không kích, nghĩa là Ngũ Giác Đài thực sự lo ngại sức kháng cự của hệ thống phòng không Syria, một khi rắc rối có thể xảy đến trong quá trình không kích phiến quân ISIS trên lãnh thổ quốc gia này: “Quyết định sử dụng F-22 cho thấy Mỹ cân nhắc kỹ càng lợi thế tàng hình ”, ông Konstantin Sivkov phân tích.
    Cũng theo ông Konstantin Sivkov, tuy nhiên, chiến đấu cơ F-22 trên thực tế không hiệu quả cho các cuộc tấn công vào các mục tiêu dưới đất. Có nghĩa là F-22, trong chiến dịch chống lại phiến quân ISIS tại Syria, khó có thể mang lại những kết quả khả quan.
    Hạ sát Al-Fadhli Lãnh đạo Khorasan
    Song song với cuộc chiến chống ISIS, Chính phủ Hoa Kỳ còn mạnh tay đẩy mạnh chiến dịch khác nhằm “xóa sổ” những mối hiểm họa cực đoan khác có khả năng đe dọa quyền lợi của Mỹ. Một trong những nỗ lực này phải kể đến mặt trận mới chống nhóm Khorasan, một nhóm thánh chiến mới nổi lên tại Syria, quy tụ nhiều chiến binh kỳ cựu của mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

     Theo giới chức Ngũ Giác Đài, trong hàng trăm phi vụ không kích ISIS tại Syria và Iraq tuần vừa qua, Hoa Kỳ và các đồng minh Arab đã tấn công 8 mục tiêu của tổ chức khủng bố Khorasan gần thành phố Aleppo, tây-bắc Syria. Một nguồn tin sơ khởi trên mạng xã hội nói rằng, một phiến quân thuộc al-Qaeda đã gửi một bản tin lên mạng Twitter, chia buồn về cái chết của Muhsin al-Fadhli, tên lãnh đạo của nhóm khủng bố Khorasan, AFP dẫn lời tổ chức giám sát SITE cho biết. Vậy dường như xác nhận nguồn tin các cuộc không kích của Liên Minh tại Syria đã tiêu diệt tên lãnh đạo Khorasan, được cho là nguy hiểm ngang với ISIS.

     Một bản tin khác trên Twitter còn chia buồn về cái chết của Abu Yusuf al-Turki, một lãnh đạo khác của Khorasan. SITE cho biết tên phiến quân này đăng lời nhắn hôm 27-9, than vãn về tình hình trên bộ ở Syria, khi lực lượng Liên Minh do Mỹ dẫn đầu đang tấn công tơi bời phiến quân ISIS.

     Nhóm Khorasan nằm trong tầm ngắm của tình báo Hoa Kỳ CIA nhiều năm nay. Nhóm Khorasan đã có kế hoạch tấn công Hoa Kỳ, các nước châu Âu, và âm mưu đánh bom hàng không dân sự.

    Đại Tướng Dempsey: “Cần Bộ Binh để chiến thắng ISIS”
    demsey
    Phát biểu trong cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài hôm 26-9, tướng Dempsey cho hay các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tạo nên một lỗ hổng trong đám chỉ huy của ISIS vì bị thiệt hại nặng, khiến cho khả năng kiểm soát tiền phương và hậu cứ của nhóm cực đoan này gián đoạn.

     Theo ông, chiến dịch tại Syria sẽ diễn ra tương tự như ở Iraq, với các đợt không kích gần như liên tục. Tuy nhiên, tướng Dempsey cho rằng chỉ tấn công từ trên không là chưa đủ để tiêu diệt. Chúng ta cần từ 12.000 đến 15.000 quân bộ chiến để tái chiếm những vùng lãnh thổ đã mất ở đông Syria trước đây.

     Hiện Mỹ có khoảng 35.000 quân đang đồn trú tại vùng Trung Đông, bên ngoài Iraq, trong đó có 15.000 ở Kuwait, 7.500 ở Qatar, 6.000 ở Bahrain, 5.000 UAE và 1.000 ở Jordan. Ngoài ra còn có nguồn tin cho biết các đặc vụ CIA của Mỹ ở Jordan đang trợ giúp quân nổi dậy Syria cùng một số cơ quan tình báo Ả Rập và phương Tây khác.
    Tại Iraq, số quân nhân Mỹ sắp đạt tới con số 1.600 người, trong đó gồm cả 475 quân nhân do Tổng thống Obama bổ sung vừa qua. Hiện khoảng 600 chuyên gia Mỹ đang hoạt động ở Iraq với vai trò cố vấn cho chính phủ nước này cùng lực lượng dân quân người Kurd. Số còn lại chủ yếu làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho đại sứ quán Mỹ và các viên chức ngoại giao tại Iraq. Như vậy, trong thời gian tới, các lực lượng quân đội Hoa Kỳ, hiện đang đồn trú trong vùng Trung Đông, có thể sẽ được đưa tới tái chiếm các cứ điểm quan trọng. Washington và các đồng minh Arab hôm 27-9 lần đầu mở rộng phạm vi không kích ở Syria ra tỉnh miền trung Homs và thị trấn Minbej, gần phía tây của khu vực mà ISIS kiểm soát. Phóng viên BBC tại thị trấn Kobani, sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, cho hay các phiến quân ISIS đang bao vây khu vực này cũng bị liên quân tấn công. Các phản lực cơ đã vần vũ, xé tan màn đêm ở Kobani trước đó và những tiếng nổ rầm trời vào rạng sáng 27-9. Kobani vốn là điểm nóng trong tuần qua, nơi ước tính 140.000 dân thường đã phải bỏ nhà cửa chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ lánh cư.

    Một nguồn tin quan trọng khác, thêm ba chính phủ châu Âu là Bỉ, Anh và Đan Mạch cũng đã chấp thuận cùng với Pháp và Hoà Lan đưa chiến đấu cơ tham gia chiến dịch tấn công phiến quân ISIS ở Iraq, trong khi Mỹ tập trung vào chiến trường phức tạp hơn ở Syria. Việc phân chia trách nhiệm như vậy rất có lợi thế cho Liên Minh. Đến nay đã có 40 quốc gia, trong đó có nhiều nước Trung Đông, đã đứng vào hàng ngũ Liên Minh chống ISIS do Mỹ dẫn đầu.

    “Tử huyệt” của lực lượng tàn bạo nhất thế giới ISIS nằm ở đâu?

    Một nhà nghiên cứu từng có nhiều năm làm việc tại Iraq cho rằng, phiến quân Hồi giáo ISIS tàn bạo có thể bắt đầu phải chịu thất bại trên chiến trường. Bất ngờ, linh hoạt và tàn nhẫn với đối thủ là những gì mà lực lượng chiến binh Hồi giáo ISIS đã làm suốt vài tháng qua hòng “nuốt chửng” các vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq. Thế nhưng, chuyên gia phân tích Michael Knights, người đã từng làm việc khắp Iraq và nay đang là nhà nghiên cứu tại Viện Chính Sách Cận Đông ở Washington nhận định, “là lực lượng phòng thủ, ISIS có thể sẽ phải chật vật để thủ thế nếu bị tấn công cùng một lúc từ nhiều diện, hoặc nếu các đồng minh ủng hộ chúng đã bắt đầu phản bội”.

    Bài báo của CNN với tiêu đề “Gót chân A-sin của ISIS là bảo vệ những gì giành được” dẫn lời ông Knights cho rằng, ISIS có một đội ngũ gồm nhiều chuyên gia hoạch định quân sự tài năng, đó là những cựu thành viên của lực lượng nổi dậy Iraq trong thời gian Mỹ hiện diện tại đây. Ngoài ra, có một nhà nước nhỏ bên trong Syria, gồm có những phần tử thánh chiến ở nước ngoài, những người từng tham chiến ở Chechnya và vùng Balkans góp sức.

    Xe Tăng, súng hạng nặng sẽ thành bẫy chết người

    Theo CNN, có nguồn tin cho rằng ISIS đang sử dụng xe tăng M-1 Abrams và xe bọc thép Humvee do Mỹ sản xuất sau khi chiếm được từ tay quân đội Iraq. ISIS cũng sở hữu xe tăng T-55 của Iraq, do Liên Xô sản xuất, bằng chứng là lực lượng này đã sử dụng nó trong một cuộc giao tranh nhằm phá vòng vây tại thị trấn Amerli hồi đầu tháng này.
    Tuy nhiên Michael Knights cho rằng: “ISIS chắc chắn đã tịch thu 200-300 chiếc Humvee và có thể sẽ để chúng hoạt động trong nhiều tháng trước khi cần phụ tùng thay thế. Nhưng số lượng các loại phương tiện do Mỹ cung cấp khác đang hiện diện, rất hạn chế ở Iraq. Chỉ rất ít trong số những chiếc bị thu giữ còn hoạt động, bởi ngay cả quân đội Iraq cũng gặp khó khăn trong việc sử dụng chúng”. Michael Knights nhận định, chẳng có bằng chứng nào cho thấy chiến binh ISIS có khả năng sử dụng M-1 Abrams hay các khẩu đại pháo 155mm do Mỹ sản xuất.

     Vẫn theo CNN, ISIS cũng sở hữu nhiều xe bọc thép và súng máy hạng nặng so với thời điểm trước tháng Sáu. Tuy vậy, Michael Knights đã đưa ra sự thua cuộc của lực lượng này tại đập Mosul hồi giữa tháng 8 và cho rằng: “Khi phải đối mặt với không quân Mỹ hoặc thậm chí các lực lượng an ninh Iraq và người Kurd đang dần phục hồi, các phương tiện này sẽ trở thành cái bẫy chết người”. Lực lượng an ninh người Kurds bảo vệ đập Mosul sau khi chiếm lại được từ tay phiến quân ISIS hôm 18-8.

    Giết hại dân thường là con dao hai lưỡi
    Cũng theo chuyên gia này, ISIS có khoảng 15.000 chiến binh đóng tại một khu vực rộng lớn, trải dài từ phía bắc Syria đến giữa Iraq, đó là một con số tương đối ít ỏi. Đây có thể là lý do giải thích vì sao ISIS muốn tiêu diệt dân cư tại một số thị trấn của Iraq. Chiến lược này có thể trở thành con dao hai lưỡi, bởi chính việc sinh sống trong một cộng đồng dân cư đông đúc cũng có thể là cách giúp chúng tự bảo vệ mình. Trong khi đó, trên thực tế, đã có bằng chứng cho rằng lực lượng không quân Iraq sẵn sàng không kích ngay cả khi có dân thường.

    Yếu tố bất ngờ bị vô hiệu hóa

     Việc sử dụng yếu tố bất ngờ sẽ dần dà mất tác dụng, đặc biệt là khi Lực lượng an ninh Iraq ISF và lực lượng an ninh Peshmerga của người Kurd bắt đầu nhận được những tin tức tình báo từ hoạt động do thám của Mỹ cung cấp.
    Trả lời phỏng vấn CNN, ông Michael Knights tiết lộ rằng, theo các nguồn tin từ người Kurd, cách đây 2 tuần, ISIS từng cố gắng xâm nhập thị trấn Tuz Khurmatu vào buổi tối. Nhưng lực lượng phiến quân này đã bị quân đội Mỹ phát hiện và cung cấp các nguồn tin cần thiết về tòa độ, giúp lực lượng pháo binh người Kurd đẩy lùi được nhóm phiến quân này.

     Nhà phân tích Michael Knights cho biết “lực lượng đặc biệt của Mỹ dường như hoạt động dọc tuyến đầu, kiểm tra một cách trực quan và nhận diện mục tiêu. Ông này cho biết thêm, nói về cách phòng thủ, ISIS “sử dụng bom bên vệ đường và xe bom được kích nổ từ xa, nhằm tạo ra chướng ngại vật có thể phát nổ dọc theo các tuyến đường chính và ở các thành phố trọng điểm. Nhưng, Mỹ đã chỉ ra rằng, bên cạnh các nguồn tin, họ có thể phát hiện chúng từ xa và phá hủy từ trên không”.

    “Một ưu tiên quan trọng khác của ISIS là phản công, đây gần như là một phản ứng bản năng đối với các khu vực bị mất kiểm soát. Nhưng những đoàn xe của ISIS tham gia phản công dễ dàng trở thành miếng mồi cho không quân Mỹ và thậm chí là cả phi công Iraq”. Nếu ISIS buộc phải phòng vệ nhiều hơn tấn công, còn người Sunni, nếu gần như chắc chắn hỗ trợ, ủng hộ hoặc ưng thuận hành động này thì họ sẽ phải nghĩ lại.

    Kỳ vọng lớn
    Kỳ vọng của những người ủng hộ ISIS cũng trở thành vấn đề với lực lượng phiến quân Hồi giáo. Chính kỳ vọng lớn lao đó đã khiến cho sự tín nhiệm của ISIS tăng lên, các chiến binh nước ngoài và thanh niên Hồi giáo trẻ tuổi theo dòng Sunni tăng lên đổ xô tới gia nhập lực lượng. Tuy nhiên, việc phiến quân này tuyên bố thành lập một nhà nước riêng, đồng nghĩa với việc chúng phải “chứng minh được thành trì của chúng có khả năng phòng vệ, hoặc ít nhất là ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng quân đội đối thủ”, nhà nghiên cứu Jessica Lewis từ Viện nghiên cứu Chiến tranh nhận định.

     Tuy nhiên, cách mà ISIS đang thể hiện khả năng bảo vệ những gì đã đạt được là theo một cách thô sơ. Lực lượng này đã thành công phục kích quân đội Iraq và lực lượng dân quân Shiitte khi họ cố gắng chiếm lại Tikrit. Tuy nhiên, vị trí phòng thủ và các cuộc phản công có thể dự đoán được, khiến cho lực lượng này dễ bị không kích.

     Các nhà quan sát tin rằng cho tới nay, ISIS vẫn đang trên đà trỗi dậy, và liên tục chứng tỏ khả năng chiến đấu trên nhiều mặt trận cùng một lúc, bình định hoặc kiểm soát thị trấn, làng mạc, trong khi đối thủ của chúng là ISF đã suy yếu sau nhiều năm bị can thiệp chính trị và dưới sự lãnh đạo yếu kém. Đài CNN nhận định, việc ISF có khả năng lấy lại Mosul trong thời gian sớm có vẻ là điều còn xa vời.

     Sự phối hợp tốt hơn giữa các đối thủ, cùng với tác động tâm lý của ISIS trong việc tiếp tục giữ thế phòng thủ, có thể bắt đầu đảo ngược tình thế. Nhưng đa phần các chuyên gia đều cho rằng Iraq vẫn chưa tiến gần tới sự bắt đầu của giai đoạn kết thúc trong cuộc chiến chống lại ISIS, chứ chưa nói tới việc dự đoán của kết thúc.

    Ngân sách kếch-sù cho cuộc chiến chống ISIS
    Chiến dịch quân sự chống Nhà nước Hồi giáo ISIS của Mỹ và đồng minh đã mở rộng sang Syria, hệ quả là chi phí để duy trì hoạt động vì thế cũng tăng theo. Chuyên gia ngân sách quốc phòng nhận định, cuộc chiến của Mỹ ở giai đoạn này có thể tiêu tốn trên 1,5 tỷ $US mỗi tháng.

    “Tôi ước tính chi phí cho chiến dịch này dễ lên đến khoảng 15 đến 20 tỷ USD một năm”, Huffington Post dẫn lời Gordon Adams, giáo sư từ Đại học châu Mỹ, chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại, nói. Dười thời Tổng thống Clinton, Adams từng làm việc tại Văn phòng Quản lý và Ngân sách, nơi ông giám sát các khoản chi cho an ninh quốc gia và vấn đề quốc tế.

    Adams đầu tiên cho rằng phí tổn của chiến dịch chống ISIS chỉ dừng ở mức 10 tỷ đến 15 tỷ $US một năm. Khi Mỹ mở rộng tấn công sang Syria, khởi động bằng cuộc không kích dữ dội hôm 23-9, ước tính ban đầu có sự thay đổi lớn, tăng thêm gần 416 triệu $US mỗi tháng, xấp xỉ 5 tỷ $US một năm.

     Theo ông, các cuộc không kích là nguyên nhân chủ yếu đẩy chi phí lên cao. Tính riêng đợt oanh tạc đầu tiên ở Syria, Mỹ và đồng minh sử dụng 47 hỏa tiễn Tomahawk phóng từ các tàu khu trục và điều động hơn 200 phi vụ không kích bằng máy bay phản lực. Số tiền để tiến hành các nhiệm vụ này lên đến khoảng 8 tỷ $US một năm.
    Để phóng thành công mỗi trái Tomahawk, Washington phải bỏ ra khoảng 1.1 triệu $US, thả một quả bom “thông minh”, có thể tìm mục tiêu nhờ chỉ dẫn từ vệ tinh, tốn 40.000 $US. Trong đợt không kích nhà máy lọc dầu ở đông Syria hôm 24-9, Mỹ dùng 18 quả bom loại này, theo nguồn tin từ Ngũ Giác Đài.

     Huấn luyện và trang bị cho lực lượng bộ binh trong khu vực, thuộc chính phủ Iraq và bộ tộc người Kurd, sẽ tiêu tốn khoảng 3 tỷ $US, đồng thời, việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho phiến quân Syria thân Tây phương tốn thêm khoảng 1 tỷ $US. nữa. Số tiền còn lại dùng chi tiêu cho hoạt động, duy trì và xây dựng liên minh, Adams liệt kê. Tính toán sơ bộ này dựa trên các khoản thực tế từ chiến dịch không kích của Mỹ ở vùng Trung Đông và quá trình hỗ trợ lực lượng bộ binh ở Iraq và Afghanistan.

     Tuy nhiên, Richard Aboulafia, nhà phân tích quân sự đến từ Teal Group, lại khác quan điểm với Adams.Theo ông, phí tổn đáng kể nhất không nằm ở những trái hỏa tiễn hay bom “chính xác” mà từ việc duy trì thời gian bay của phi cơ cũng như hoạt động của các tàu chiến. “Khoản chi làm chúng ta bận tâm trong một thập niên qua không phải từ thu mua vũ khí mà từ việc duy trì hoạt động và bảo dưỡng thiết bị”, nhật báo USA Today dẫn lời Aboulafia nói.
    Một chiếc phi cơ chiến đấu nuốt khoảng 10.000 $US mỗi giờ bay. Đặc biệt, chiếc F-22 tối tân, mệnh danh là “chim ưng” trên bầu trời, Mỹ sử dụng trong ngày đầu không kích Syria, tốn đến 68.000 $US/giờ bay.

     So sánh với chiến dịch oanh tạc của các nước NATO ở Libya năm 2011 mà Mỹ tham gia trong khoảng 7 tháng và chi gần 1 tỷ $US thì con số được tính toán khá lớn. Tại Libya, Mỹ rút khỏi các đợt không kích chỉ sau vài ngày đầu, nhiệm vụ chính của Washington thời gian đó là hỗ trợ đồng minh một số tàu chở dầu tiếp liệu và máy bay giám sát. Cuộc tấn công ISIS lần này, hành động của Mỹ chi phối thành bại của toàn chiến dịch. Do đó, vai trò từng thời điểm có khác biệt rõ rệt.

    Đủ sức để đi đường dài?

     Hôm 25-9, Ngũ Giác Đài ước tính chi phí quân sự ở Iraq và Syria lên tới khoảng 210 triệu đến 300 triệu $US một tháng. Adams cho rằng “đây chắc chắn là một đánh giá không đúng mức vì nó chưa bao gồm tiền hỗ trợ cho lực lượng đối lập ở Iraq và Syria cũng như các khoản để duy trì liên minh”.

    Đến nay, tiền cho công tác chống khủng bố chủ yếu được huy động qua quỹ Chiến dịch Hải Ngoại Bất thường (Overseas Contingency Operation, OCO), một khoản chi tiêu riêng biệt trong ngân sách quốc phòng. Theo nghị quyết được Quốc Hội thông qua hồi đầu tháng, chiến dịch chống ISIS tại Iraq và Syria sẽ vẫn hoạt động dựa vào nguồn của OCO chuyển từ ngân sách năm tài khóa 2014.

     Khi được hỏi liệu tiền trong ngân sách quốc phòng có đủ để Mỹ đi đến cùng và đạt mục tiêu “làm suy yếu và tiêu diệt” ISIS trong khi vẫn duy trì một lực lượng vũ trang hùng hậu không? Nhà kinh tế Eugene Steuerle, chuyên gia ngân sách tại Viện Đô thị, cho rằng điều này rất khó. Mỹ sẽ phải đối mặt với quá trình giảm biên chế trong quân đội, cắt đáng kể ngân quỹ cho các chương trình sức khỏe và hưu trí, hoặc ngân sách sẽ bị thâm hụt nghiêm trọng, ông nhận xét.
    Tòa Bạch Ốc đang tìm kiếm ủng hộ tài chính từ hơn 50 quốc gia đồng ý hỗ trợ chiến dịch do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm đánh bại các tay súng cực đoan ISIS. Theo Adams, “Cơ hội đó luôn tồn tại”, tuy nhiên ông cũng thêm rằng, “Trong lịch sử, ngoài cuộc chiến tranh vùng Vịnh, khi các nước trong Liên Minh đứng cạnh nhau theo cách này, họ thường tự trả phí tổn của riêng mình”. Nếu tiền ai nấy trả, người Mỹ sẽ phải chi nặng trong trận ISIS này. Tiền từ đâu mà có? Tiền thuế! Cái khổ là ngân sách quốc gia cứ tiếp tục đội nợ trần “ai”, mà phải tiếp tục chi như thế này thì … e khổ lắm!

    LIÊN HIỆP QUỐC RA NGHỊ QUYẾT TRỪNG PHẠT KHỦNG BỐ
    Trong một bước đi thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế nhằm tiêu diệt các phần tử thánh chiến Hồi giáo cực đoan, một ủy ban của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua một nghị quyết, liệt nhiều đối tượng và tổ chức thánh chiến nước ngoài tại khu vực Trung Đông vào “danh sách đen”, trong đó có lãnh đạo cao cấp của nhóm Nhà nước Hồi giáo (ISIS).

     Ngày 24-9, Ủy ban Trừng phạt mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda thuộc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bổ sung hơn 10 tay súng, những đối tượng hậu thuẫn của các tổ chức cực đoan dưới hình thức tuyển mộ tân binh và cung cấp tài chánh cho các nhóm phiến quân tại Iraq, Afghanistan, Tunisia và Yemen, trong đó có một thủ lãnh cấp cao của ISIS vào diện nghi vấn đặc biệt.

     Trong số các đối tượng này có nhiều tên là công dân Pháp, Saudi Arabia, Na Uy, Senegal và Kuwait. Các cá nhân trên sẽ bị áp đặt lệnh cấm vận vũ khí, đi lại và phong tỏa tài sản. Trước đó, Pháp đã đệ trình một danh sách gồm 3 cá nhân lên Ủy Ban Trừng Phạt mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, trong khi Mỹ đề nghị 11 danh tánh cùng các nhóm Ansar al-Sharia ở Tunisia và Lữ đoàn Abdallah Azzam có quan hệ với al-Qaeda.

    Đáng chú ý, “danh sách đen” của Hội Đồng Bảo An còn có tên của Abd al-Rahman Muhammad Mustafa al-Qaduli, một thủ lãnh cao cấp ISIS tại Syria, từng là phó chỉ huy của Al-Qaeda tại Iraq.

     Ngoài ra, Hội Đồng Bảo An, cơ quan quyền lực nhất của LHQ, cũng đã đồng thuận với nội dung bản dự thảo nghị quyết do Mỹ đệ trình, theo đó gồm các điều khoản nhằm ngăn chặn và nghiêm cấm việc chiêu mộ, tổ chức, vận chuyển, trang bị, huấn luyện … cho các phần tử cực đoan âm mưu tiến hành khủng bố.

    Đây được cho là một trong những nỗ lực của Washington trước nguy cơ các đối tượng thánh chiến người Mỹ trở về nước, tiềm ẩn các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Dự kiến, Hội Đồng Bảo An đã chính thức phê chuẩn văn kiện này trong phiên họp ngày 24-9.

     Cùng ngày, Mỹ đệ trình một bức thư lên LHQ, trong đó giải thích rằng Washington đã lãnh đạo các cuộc không kích nhằm vào nhóm ISIS tại Syria vì cho rằng Damascus “không thể và sẽ không đương đầu với những nơi ẩn náu an toàn của các phần tử ISIS.

     Trong gửi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power nhấn mạnh sự cần thiết tiến hành các cuộc không kích là để loại bỏ mối đe dọa ISIS với Iraq, Mỹ và các đồng minh. Theo bà, hành động này là chính đáng chiểu theo Điều 51 của Hiến chương LHQ về quyền phòng vệ đơn phương hay tập thể của các nước trước cuộc tấn công vũ trang.

     Phản ứng trước cuộc không kích nói trên, Tổng Thư ký Ban Ki-moon tuyên bố hành động của Washington và các đồng minh Arab hợp lý, nhằm tiêu diệt các phần tử cực đoan, vốn là mối đe dọa nghiêm trọng với hòa bình và an ninh quốc tế.

    Mặc dù chính quyền Damascus đã được thông báo trước về việc này, song không nêu rõ mọi hành động, bao gồm cả quân sự và pháp lý, nhằm chống ISIS ở trong lãnh thổ Syria đều phải nằm trong khuôn khổ Hiến chương LHQ và phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.

    VÌ SAO ISIS CHỐNG MỸ

    ISIS đã và đang gia tăng đe dọa Mỹ và phương Tây trong nhiều tháng qua. Theo Trung tâm chống khủng bố quốc gia, nhóm cực đoan này công khai cảnh báo về “cuộc đối đầu trực tiếp” với Mỹ từ hồi tháng giêng, ISIS cũng “liên tục chế giễu người Mỹ”, đặc biệt, trong những đoạn video quay cảnh hành quyết nhà báo James Foley và Steven Sotloff. Hai vụ hành quyết Foley và Sotloff diễn ra sau khi quân đội Mỹ bắt đầu các cuộc không kích chống lại các cơ sở của ISIS tại Iraq để giúp lực lượng người Kurd và Iraq đáp trả bước tiến nhanh chóng của địch.

    Vì sao ISIS muốn gây chiến với Mỹ?
    I
    SIS tuyên bố việc thành lập một nhà nước Hồi giáo trải dài trên khắp lãnh thổ nhóm này đã chiếm đóng. Một cựu chiến binh ISIS nói với CNN rằng nhóm này muốn xây dựng một nhà nước Hồi giáo bao trùm khắp thế giới Ả Rập. “Và sau đó, chúng tôi sẽ đến các nước khác”, ông ta nói trong một cuộc phỏng vấn tại Thổ Nhĩ Kỳ.

    Với mục tiêu đó, khiêu khích và gây thù địch với thế lực quân sự hàng đầu thế giới có thể không phải là cách khôn ngoan nhất để thủ lãnh của ISIS, Abu Bakr al-Baghdadi, mở rộng và củng cố lãnh thổ của y ở Trung Đông. Nhưng các nhà phân tích cho rằng nhóm này muốn được toàn thế giới chú ý. Và việc đối đầu với Mỹ trong trận chiến là một phương pháp hiệu quả để tập hợp thêm nhiều chiến binh nhằm gây thanh thế cho ISIS.

    “Đối với al-Baghdadi, chống lại Mỹ cùng liên minh 40 quốc gia là một huy chương danh dự, một công cụ tuyển mộ chiến binh có hiệu quả nhất. Nó là bằng chứng cho thấy y và tổ chức của y đã trở thành lãnh đạo của phong trào jihad toàn cầu. Họ đã vượt qua al-Qaeda, đối thủ trong cuộc cạnh tranh”, nhà bình luận vấn đề thế giới Frida Ghitis viết trên CNN.

    Mối de dọa ISIS đặt ra với Mỹ

    Các viên chức cho biết, phiến quân ISIS hiện tại không phải là mối đe dọa trực tiếp đến Mỹ. “Tại thời điểm này, chúng tôi chưa có tin tức về việc ISIS lên kế hoạch tấn công trong nước Mỹ”, Matthew Olsen, giám đốc của Trung tâm chống khủng bố quốc gia, phát biểu trong phiên điều trần trước quốc hội vào tuần trước.

     Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi dẫn nguồn tin tình báo tiết lộ ISIS đang lên kế hoạch tấn công vào hệ thống tàu điện ngầm ở Paris và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông Ben Rhodes, Phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, cho hay Washington không phát hiện đe dọa nào cụ thể vào thời điểm này. “Chúng tôi chắc chắn sẽ tìm hiểu kỹ càng bất cứ nguồn tin nào mà họ biết được”, ông nói.

     Theo các giới chức, ISIS đặt ra mối nguy hiểm với các nhân viên Mỹ và cơ sở hạ tầng tại Iraq. Ngoài ra, các chiến binh có thông hành (Passport) của Mỹ hoặc các nước phương Tây khác có thể về nước và dàn dựng các cuộc tấn công. “Điều làm các giới chức chống khủng bố Mỹ lo lắng là ISIS sẽ ưu tiên phát động các cuộc tấn công chống lại Mỹ, huấn luyện các chiến binh Tây phương chế tạo bom và gửi họ về nước”, nhà phân tích khủng bố của CNN, Paul Cruickshank, nói.

     Theo các giới chức Pháp, nghi phạm trong vụ xả súng chết người tại Bảo tàng Do Thái của Bỉ hồi tháng 5 là một công dân Pháp Hồi giáo cực đoan, đã sống tại Syria khoảng một năm. Các công tố viên cho biết khi cảnh sát bắt giữ người này, họ thu giữ được một khẩu súng trường Kalashnikov bọc trong một lá cờ có biểu tượng của ISIS.
    Theo các nhà phân tích an ninh, những người ủng hộ bị ISIS truyền nhiễm tư tưởng và xúi giục cũng là một mối lo ngại. ISIS mới đây phân tán đoạn ghi âm kêu gọi người ủng hộ giết công dân các nước tham gia Liên Minh chống nhóm này do Mỹ dẫn đầu.

     Các cuộc tấn công của những kẻ khủng bố trong nước không phải là điều mới lạ. Trong những năm gần đây, người Mỹ đã trải qua những nỗi kinh hoàng từ các vụ đánh bom trong giải Marathon ở Boston và vụ xả súng Fort Hood, Texas.

     Những kẻ chủ mưu vụ đánh bom Boston chế tạo thiết bị phát nổ từ nồi áp suất, có thể chúng đã học được qua mạng. Tổ chức al-Qaeda từ lâu đã kêu gọi các phần tử cực đoan ở phương Tây tự tiến hành các cuộc tấn công. Chúng đăng các hướng dẫn cách chế tạo bom trong tạp chí của chúng, tên là Inspire.

     Trung tâm chống khủng bố quốc gia Hoa Kỳ cho biết những kẻ khủng bố trong nước là “mối đe dọa trước mắt với Mỹ”. Trung tâm này ước tính tỷ lệ những vụ khủng bố không có nhiều biến chuyển trong vài năm qua, nhưng ảnh hưởng từ ISIS có thể làm nó gia tăng.

    “Chúng tôi vẫn lưu tâm đến khả năng những người ủng hộ ISIS có thể tiến hành những cuộc tấn công tự phát lẻ tẻ trong nước mà không hề cảnh báo trước”, trung tâm cho biết. Các giới chức cũng lo ngại về chiến dịch tuyên truyền tinh vi của ISIS, đặc biệt là trên mạng xã hội, nhằm tiếp cận những người Tây phương muốn trở thành phiến binh.
    Giới chức Mỹ hồi tháng 5 đã bắt Mufid A. Elfgeeh, một người Yemen nhập quốc tịch Mỹ, với cáo buộc y tài trợ cho ISIS, gửi các chiến binh đến Syria và âm mưu giết lính Mỹ từng tham chiến tại Iraq.

    Quốc gia Úc (Australia), nước cam kết gửi chiến đấu cơ và cố vấn quân sự cho cuộc chiến chống ISIS, cũng phát hiện những phần tử ủng hộ nhóm Hồi giáo trong nước. Thủ tướng Australia, Tony Abbott, cho biết một công dân Australia là thành viên cấp cao của ISIS đã kêu gọi mạng lưới ở nước này thực hiện “giết người thị uy”.

    Truyền thông Úc cũng loan tin những kẻ tấn công bị cáo buộc lên kế hoạch bắt cóc một thường dân, chặt đầu nạn nhân và sau đó quấn thi thể trong là cờ màu của ISIS. Canberra hôm 18-9 mở chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn nhằm đề phòng các công dân bị cực đoan hóa tại Iraq và Syria có thể tiến hành các vụ tấn công khủng bố.

    Mỹ có chậm nắm bắt mối nguy hiểm từ ISIS?

     
    Trong khi ISIS đang khiêu khích Mỹ trong nhiều tháng, gồm cả việc phát hành tạp chí trực tuyến với những bức hình binh sĩ Mỹ bị bao bọc trong biển lửa, một số nhà phê bình nhận định TT Obama ban đầu đã đánh giá thấp nhóm cực đoan này.

     Vài tháng sau, ông Obama ra lệnh tiến hành các cuộc không kích chống lại nhóm. Ông mô tả ISIS như một “căn bệnh ung thư”. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tháng trước cho biết các mối đe dọa từ ISIS “vượt quá bất cứ điều gì chưa từng thấy”.

    Tuy nhiên các giới chức quản trị cao cấp của Tổng thống Obama đã bảo vệ quan điểm trước đó của ông về những kẻ cực đoan. “Tổng thống đã đúng”, Phó cố vấn an ninh quốc gia Tony Blinken nói với CNN hồi tháng trước. “Chúng không đặt ra mối đe dọa trực tiếp với Mỹ như al-Qaeda”.

      TGM tổng hợp & nhuận sắc

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.