Nàng đã trao hồn cho núi sông,
(Thơ Đinh Hùng)
Yêu Cha, vì “Người” đã tạo ra tôi. Mến Mẹ, vì “Người” đã chăm sóc và lo lắng cho tôi.
Tôi là quả ngọt cuối mùa trong tình yêu giữa Cha và Mẹ tôi. Nhưng rất tiếc từ khi mở mắt chào đời, tôi đã không nhìn thấy mặt Cha, không biết hình dáng người cao lớn, mập, ốm thế nào, vì Cha tôi đã sớm từ giã cỏi đời trong cơn bạo bệnh...
Tuy sự trưởng thành của tôi thiếu tình “Phụ tử”, nhưng tôi luôn tự hào về Mẹ của tôi, người góa phụ mới ngoài 30 đã mang gánh nặng oằn vai.
Người ta thường nói: “Trên thế giới có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt sảo nhất... là Trái tim của những bà Mẹ hiền...»
Bà, ban ngày thì sang nhà người bà con, mượn nhờ bàn máy may để may thuê vá mướn cho người ta, chiều cuốc bộ về nhà, tối lại lãnh thêm hạt sen khô về chặt bỏ vỏ cứng bên ngoài và giao lại phần lõi bên trong cho chủ, hầu kiếm thêm thu nhập để bảo vệ đàn con nheo nhóc. (5 đứa,toàn là tuổi ăn chưa no, lo chưa tới.)
Từ khi có sự hiểu biết, tôi thương mẹ tôi vô cùng, vì gánh nặng của bà ngày một nặng, khi các con một ngày một khôn lớn: nào quần áo, sách vở, thuốc men... mỗi khi anh em chúng tôi đau ốm, trái gió trở trời!!!
Đôi lúc nhìn bà ngả nghiêng choáng váng như muốn ngã, tôi quyết tâm tìm hiểu nguyên do, vì đâu đến nỗi???
Sau nhiều ngày năn nỉ, được cậu mợ tôi ở gần cho biết rằng tháng tháng mẹ tôi đã lén mấy anh chị em tôi đi “hiến máu” để lấy tiền đóng học phí cho tôi thi lại mảnh bằng Tú Tài I. Mỗi lần hiến 200cc máu đổi lấy 500 đồng Việt Nam.) Trời ơi! mảnh bằng Tú Tài đối với tôi thật sự quan trọng như vậy, đến nỗi phải đánh đổi bằng mồ hôi và máu của mẹ tôi??? Không, không trăm lần không, ngàn lần không!!! Tôi không thể chấp nhận sự hy sinh vô bờ như vậy của mẹ tôi. Do đó, tôi bỏ dở đường học vấn và quyết định vào “lính”, vừa để thực hiện ước vọng của mình và cũng vừa bớt gánh nặng cho gia đình. Mặc dù tôi bị mẹ tôi đánh nát hai cây chổi lông gà, vậy mà tôi vẫn gan lì hết 6... 7 năm.
Ngày 8/2/1967, với hành lý xách tay gọn nhẹ, là hành trang đưa tôi vào đời, khi ngồi trên chiếc xe lam từ Gò Vấp đến Trung Tâm Nhập Ngũ Trường Nữ Quân Nhân ở đường Nguyễn văn Thoại, lòng tôi mang một cảm giác buồn vui lẫn lộn. Buồn vì tôi đang xa dần thời thơ ấu của tôi, vui vì tôi đã thật sự trưởng thành... Để phá tan bầu không khí yên lặng, chị tôi lên tiếng:
- ”Dừng lại vẫn còn kịp, em trở về chắc Mẹ vui lắm”...
Nhắc đến Mẹ, tôi thấy có chút nao lòng, nhưng nghĩ đến nỗi vất vả của bà, nhìn chị, tôi cương quyết:
- ”Em cũng đi học mà chị”!!!
Rồi thì ba tháng cơ bản thao diễn cũng trôi qua. Những dự lệnh, động lệnh “Đằng trước bước... một, hai, ba, bốn... đứng lại... đứng!” tôi thuộc đến nằm lòng. Hết giai đoạn thụ huấn tại trường NQN, chúng tôi gồm 60 tân binh tí hon được chuyển sang trường Nữ Trợ Tá Xã Hội ở đường Đồn Đất để đào tạo ngành chuyên môn thêm 6 tháng nữa.
Cuối tháng 11/67, khoá học chấm dứt. Chúng tôi là những cánh chim non sắp tung đôi cánh vào khung trời bao la. Tôi ra trường với danh dự đỗ thủ khoa của khóa 2/67 «Đoàn Kết»... Tôi và 2 tân khóa sinh nữa được ưu tiên chọn đơn vị. Đây cũng là một kỷ niệm đặc biệt khiến tôi khó quên. Khi nhìn lên bảng đen ghi tên các đơn vị, tôi đã mạnh dạn chỉ “Trung đoàn 7 bộ binh”, trong khi thí sinh đổ hạng nhì (chị Liễu) chọn Hải quân, kế đến người thứ 3 xin về nguyên quán. Trước khi các khóa sinh khác chuẩn bị lên bắt thăm ra đơn vị, Th/T Thịnh đi xuống bàn của tôi, hỏi:
- ”Con đã chọn kỹ chưa? Tr/đ 7 BB của SĐ5 ở Bình Dương nơi đó VC không hà, chứ không phải là SĐ7 ở Mỹ Tho đâu!!!»
Chới với với sự lầm lẫn nầy, tôi cúi đầu thưa:
- ”Thầy cố gắng giúp con chọn lại được không?”
Thầy đã trao đổi với ban Giám Thị sao đó. Cuối cùng họ cũng đồng ý cho tôi chọn lại nhưng với điều kiện là không được chọn HQ (vì lần đó nhu cầu HQ chỉ cần có 1 chỗ mà thôi). Tôi đã chọn Binh Chủng TQLC để phục vụ. Sau 2 tuần nghỉ phép, tôi đến trình diện Phòng Xã Hội/TQLC, với con chim đầu đàn là Thiếu tá Trần thị Huy Lễ (khóa tôi về trình diện 3 tân binh). Nhìn tôi, chị cười:
- ”Ở trường xã hội, em ngoan lắm hả? Sao ra trường rồi mà còn được giảng viên dạy chính trị ở trường gởi gấm? Chị cho em về TĐ4/ TQLC.”
Xin cám ơn “Thầy Thịnh”. Tôi thầm nghĩ, không phải tôi ngoan gì cả, là vì lính mới tò te, chưa kinh nghiệm chiến trường nên tôi ớn... ớn VC mà thôi.
Là một quân nhân TQLC, tôi luôn tự hào về binh chủng của mình, một binh chủng ưu tú của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với phương châm: “Sống Hùng, Sống Mạnh, nhưng không sống dai.”
Đơn vị đầu tiên tôi đến là TĐ4/TQLC, doanh trại đồn trú ở Vũng Tàu
Trăng, Nước, Gió, Mây, dương rũ bóng.
Tôi hăng say công tác, phục vụ lý tưởng, chăm sóc và lo lắng cho gia đình quân nhân các cấp trong tiểu đoàn, như: trợ cấp khó khăn, sanh đẻ, ốm đau, giúp các em nhỏ đến tuổi cắp sách đến trường, cứu giúp kịp thời mỗi khi gia đình họ cần đến. Tôi đã ý thức được rằng chỉ làm như vậy thì các chiến hữu của chúng tôi mới hăng say tiêu diệt kẻ thù không đội trời chung: bọn VC và bè lũ tay sai của chúng.
Trong đời quân ngũ, tôi cũng có những kỷ niệm buồn vui. Nhưng kỷ niệm mà tôi khó quên nhất là báo tử cho gia đình của cố Thiếu tá Trần văn Lộc, thuộc ĐĐ1/ TĐ4/ TQLC. Thường thì những quân nhân tử trận, Phòng 1 của Sư Đoàn hoặc ban 1 của tiểu đoàn trực thuộc, có nhiệm vụ làm giấy báo tử cho thân nhân của họ. Đơn vị cử một người đại diện đến nghĩa trang Quân Đội, tiếp xúc với người nữ cán bộ xã hội nơi đó để được cấp phát phần ăn, mùng mền, mảnh khăn sô v..v... và đồng thời làm thủ tục mai táng tại nghĩa trang hoặc chuyển xác thân nhân đưa về nguyên quán...
Riêng gia đình cố T/T Lộc, đợi khá lâu mà không thấy thân nhân đến. (Lúc bấy giờ hầu như tôi công tác ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa nhiều hơn là hậu cứ tiểu đoàn). Tôi đã theo lệnh của chỉ huy hậu cứ TĐ4, “Phải tìm cho ra địa chỉ và trực tiếp báo tử cho gia đình... “
Với tuổi 19 còn khá chập chững khi phải đối diện với thực tế của cuộc đời, tôi đã phải nhận nhiệm vụ thật khó khăn này.
Lúc 9 giờ sáng của một ngày đã xa, tôi rời phòng Xã Hội ở số 15 trại Lê thánh Tôn, Saigon, trực chỉ về hướng Long An. Xe càng chạy tới gần chừng nào, lòng tôi càng hồi hộp chừng nấy. “Nói làm sao đây?” Tôi thầm cầu nguyện: ”Lạy Trời Phật, cho con đủ bình tĩnh để báo “Tin Buồn” nầy.”
Đến tỉnh lỵ Long An gần khoảng 12 giờ trưa, xe chạy tới chạy lui hết 30 phút vẫn chưa tìm ra địa chỉ. Đang lúc định trở ra phòng hành chánh tỉnh để hỏi thăm tin tức, tôi thấy hai người đàn ông đang đứng ở đầu ngõ, nên tôi bảo người tài xế:
- ”Hay là chúng ta ghé nhà nầy để hỏi thăm xem sao.
Xe dừng trước cửa. Khi nhìn hai ông nầy thì tôi không lầm vào đâu được nữa, vì họ giốngTh/T Lộc như đúc. Hoá ra đó là hai anh của cố T/T Lộc. Vào bên trong nhà, tôi thấy bác gái đang thắp nhang trên cái thang cao, có lẽ bác cầu xin gia hộ bình an cho người con trai. Thấy chúng tôi với màu áo trận rằn ri, bác gái sinh nghi hỏi:
- ”Có chuyện gì không?”
-”Thưa Bác, không có chuyện gì cả. Tụi cháu nhân chuyến đi công tác nơi đây, nên ghé thăm bác và hai anh mà thôi.»
Như linh tính có chuyện chẳng lành đến với con trai của mình, đứa con mà bà đã 9 tháng cưu mang, 3 năm bồng ẵm, giờ đang xông pha ngoài mặt trận, làm bổn phận người trai thời loạn, bác bảo tôi hãy nói thật,
- ”Nếu không thì không bao giờ bác bước xuống cái thang cao nầy cả.
Đã được sự căn dặn trước của hai anh, tôi đành trấn an:
- ”Thưa Bác, T/T Lộc đã bị thương nhẹ, cháu đến báo tin và hướng dẫn gia đình lên thăm.”
Thế là Bác gái tối sầm mặt mày, ngã từ trên thang cao xuống, bất tỉnh....
Sau một hồi cứu Bác tỉnh lại, chúng tôi vội vã đưa hai anh của Th/T Lộc về Nghĩa Trang Biên Hoà nhận xác. Sáng hôm sau, tôi và một số anh em đại diện làm nghi lễ chào kính và tiễn đưa linh cửu của cố T/T Lộc về cố quán.
Xe đến Phú Lâm, chúng tôi dừng lại, dàn chào hai bên:
“Nghiêm! Bắt súng chào... bắt...”
Kèn truy điệu thổi lên tiễn đưa người con yêu của Tổ Quốc về lòng đất Mẹ. Khi xe tang từ từ lăn bánh, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi nuốt lệ!
“Xin vĩnh biệt anh, cố Thiếu Tá Trần văn Lộc.”
Sau đó một tháng, tôi lại gặp Bác gái và anh Ba ở hậu cứ TĐ4/ TQLC, khi họ đến đây để làm hồ sơ tử tuất... Khi đưa bác ra bến xe đò, tôi chỉ biết nói:
- ”Xin lỗi Bác, tại cháu vụng về, xin bác hãy tha thứ cho cháu.
Thấm thoát cũng gần 40 năm trôi qua, nhìn lại quãng đời thanh xuân, tôi hãnh diện đã đóng góp và chia sẻ những thăng trầm trong giai đoạn lịch sử nầy.
Kể từ ngày miền Nam bị bức tử, rơi vào tay bọn CS khát máu, cả nước đã bị một bức màn sắt bao trùm, một dấu mốc lịch sử mà cả dân tộc VN không bao giờ quên được. Đúng 10:30 sáng ngày 30/4/75, ông Dương văn Minh, vừa mới nhậm chức chưa quá 3 ngày, đã hèn nhát kêu gọi tất cả quân nhân QLVNCH buông súng đầu hàng VC vô điều kiện,
“Mất một người thân, mắt sầu gợn sóng,
Một sự kiện làm kinh hoàng cả dân tộc miền Nam Tự Do. Miền Nam VN không còn nữa, QLVNCH không còn nữa... Đau xót thay cho những Anh Hùng Tử Sĩ đã vì Tổ Quốc mà hy sinh. Người lính VNCH vì lý tưởng mà chiến đấu giờ đây phải buông súng đầu hàng một cách tức tưởi. Nhiều tướng lãnh và anh em binh sỉ, phẫn uất trước nỗi đau thương của đất nước, đã tuẫn tiết. Hành động hy sinh của họ sẽ được đời đời nhớ đến. Xin tưởng nhớ và vinh danh những anh hùng đã nằm xuống cho cuộc chiến quê hương.
Vào ngày 30-4 cách đây gần 40 năm, tôi đã chứng kiến những cảnh đau lòng người. Đó là hình ảnh những anh thương binh, hốt hoảng, vội vã dắt díu nhau rời bỏ quân y viện sang những quán cóc ven đường, chờ đợi người thân đến đón. Có người chờ hoài... chờ mãi mà chẳng thấy!!! Trong thân phận người lính, họ biết rằng họ đã thực sự mất mái ấm riêng tư, trong cuộc đổi đời tàn bạo và khắc nghiệt nầy:
Từ đây lịch sử sang trang
Gia đình tôi cũng cùng chịu chung số phận. Ngày 20/6/75, Anh từ giã Mẹ và tôi để bước vào nhà tù khổng lồ, mà chúng mỵ danh “Tập trung cải tạo”, nhưng chẳng biết ngày về:
Em ơi! vận nước lầm than...
Cũng may, tôi chỉ là HSQ/ NQN nên chỉ «cải tạo» có 3 ngày (sáng đi, chiều về) tại địa phương. Tôi đã gặp tên cán bộ vừa lùn vừa đen, cặp mắt ti hí, môi thâm sì, đưa cho chúng tôi mỗi người một tờ giấy, gọi là lý lịch trích ngang, và ra lịnh một cách hách dịch. Chồng đi tù, Mẹ tôi cũng qua đời trong tức tưởi. Bọn chúng đuổi tôi ra khỏi khu gia binh, tịch thu tài sản. Tôi đành bồng đứa con thơ mới 2 tháng đến tá túc với bạn bè:
Anh đi trong cảnh đau thương,
Ngày nay dù đang sống lưu vong nơi xứ người, tôi vẫn không quên bổn phận của mình, luôn chăm sóc và hướng dẫn con cái, không quên cội nguồn dân tộc. Tôi luôn luôn nhớ rằng quê hương chúng ta đang bị Cộng Ssản tàn phá và làm băng hoại truyền thống đạo đức, chế độ độc tài đảng trị, đang ra sức bóp méo lịch sử. Việt Nam ơi! tôi vẫn nhớ:
Ngày về, tạ với quê hương
Mũ Xanh Thạch Thảo
0 comments:
Post a Comment