Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Monday 16 June 2014

Một cách trả thù hèn hạ: Ls Lê Quốc Quân bị đưa vào trại Quảng Nam


Gia đình LS Lê Quốc Quân
Gia đình LS Lê Quốc Quân
Theo thông tin nhận được, ngày hôm qua, Ls Lê Quốc Quân, một Ls nhân quyền đã gán ghép buộc tội trốn thuế và kết án 30 tháng tù giam đã bị nhà cầm quyền CSVN bí mật đưa đi trại giam thuộc tỉnh Quảng Nam.
Sáng qua, (13/06/2014) Ls Lê Quốc Quân đã bị đưa đi trong một chiếc xe khách kiểu 24 chỗ ngồi, biển số xanh 33A-9999 chở toàn công an và một số xe con đi cùng. Việc đưa Ls Lê Quốc Quân đi trại xa từ Hà Nội vào Quảng Nam đã được đưa đi bí mật. Đến đoạn giáp ranh giữ Quảng Trị vào Huế, đoàn xe này vào nghỉ chân. Khi Ls Lê Quốc Quân hô lên rằng: “Tôi là Ls Lê Quốc Quân bị nhà cầm quyền đưa đi trại giam Quảng Nam” thì lập tức công an đến bịt miệng và đưa vào Toilet cho đến khi các xe nghỉ chân đi hết họ mới đưa Ls Lê Quốc Quân ra. Trước khi các xe rời khỏi nơi nghỉ chân, một người mặc sắc phục công an leo lên các xe khách và nói to: “Đây là tên phản động, ai đã chụp hình thì phải xóa đi” và chiếc xe chở Ls Lê Quốc Quân đã vượt lên đi vào Trại An Điềm, thuộc huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam vào chiều qua.
Hành động này của nhà cầm quyền tỏ ra lén lút và bất minh, đã bị người dân cảnh giác phát hiện. Chiều nay, gia đình vào Trại giam số 1 Hà Nội, nơi vẫn giam giữ Ls Lê Quốc Quân thì mới nghe nói có danh sách di chuyển vào Quảng Nam, dù cách đây 2 hôm, gia đình mới đến thăm nuôi và gặp Ls Lê Quốc Quân nhưng không hề được biết việc di chuyển này.
Luật sư Lê Quốc Quân bị bắt ngày 27/12/2012 tại Hà Nội bằng một cuộc bắt bớ khẩn cấp và rất nhiều tình tiết vi phạm luật tố tụng. Mặc dù đã làm nhiều cách, nhưng cuộc bắt bớ và cả vụ án nói chung được tiến hành bởi nhà cầm quyền CSVN tại Hà Nội đã không thể che giấu được sự thật hèn hạ là sự trả thù chính trị một người dám lên tiếng nói cho đất nước, xã hội và dân tộc. Cái cớ “trốn thuế” chỉ là sự bất đắc dĩ mà nhà cầm quyền buộc phải dùng đến khi muốn trả thù một tiếng nói bất đồng chính kiến mà thôi.
Hơn một năm qua, Ls Lê Quốc Quân bị giam tại trại giam Hỏa Lò, Hà Nội. Hai cái gọi là phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã được nhà cầm quyền biểu diễn hết sức hài hước và lố bịch trước con mắt người dân Hà Nội và cộng đồng quốc tế. Bởi họ đã xét xử kín phiên tòa kinh tế “công khai” – một sự sỉ nhục vào ngôn ngữ Việt Nam dù họ luôn kêu gào học sinh “giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”.
Hàng ngàn người đã đi bộ nhiều km để đến dự cái gọi là “phiên tòa” nhưng đã bị chặn lại bằng nhiều lực lượng công an, công quyền và nhiều trò bẩn thỉu được phô diễn trước cộng đồng dân chúng Hà Nội. Cả hai phiên tòa “Công khai” đã được xử vụng trộm và kết tội nạn nhân bất chấp công lý và sự thật. Bất chấp luật pháp và chứng cứ, nhà cầm quyền CSVN vẫn cố tình vi phạm các nguyên tắc luật pháp để kết tội ông 30 tháng tù.
Cho đến nay, ông đã bị bắt giam 18 tháng. Thời gian qua, ông đã nhiều lần tuyệt thực để phản đối chế độ nhà tù và các cách đối xử với tù nhân ở đây.
Vụ án mà nhà cầm quyền tổ chức cho Ls Lê Quốc Quân, thậm chí đã hết sức công phu để tiến hành cho đến nay vẫn tiếp tục vi phạm nặng nề các điều khoản luật pháp. Ngay cả quyết định của Tòa án cũng không được hệ thống công an, luật pháp chấp hành.
Cụ thể, ngay từ đầu, công an đã thu con dấu của Công ty và giữ cho đến nay cùng với nhiều tài sản cá nhân của ông Quân cũng như của Công ty mà hoàn toàn không liên quan đến vụ án. Thậm chí, Tòa đã tuyên phải trả lại tất cả những gì không liên quan đến vụ án nhưng Công an vẫn tự coi mình có quyền to hơn cả Tòa án và đến nay vẫn giữ trái phép con dấu và các tài sản trên. Mặc dù cơ quan, gia đình đã nhiều lần đưa đơn yêu cầu trả lại, nhưng mọi chuyện vẫn cứ tùy ý thích của công an, bất chấp tất cả.
Việc thu con dấu của một công ty đang hoạt động hoàn toàn trái pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp và đời sống những người khác trong công ty.
Nhưng luật pháp chỉ được coi như chuyện đùa ở đây.
Xã hội hóa nhà tù?
Theo nguyên tắc, khi bắt người đi tù, dù họ có mất quyền công dân, thì họ vẫn là con người và quyền con người vẫn phải đảm bảo cho họ. Quyền đó bao gồm quyền được tôn trọng nhân phẩm, quyền sống. Thế nhưng, mọi người đều biết, các tù nhân trong các trại giam Việt Nam hiện nay, gia đình đều phải thăm nuôi hàng tuần, hàng tháng mới đảm bảo cuộc sống tối thiểu của họ. Mặc dù ở trong tù, họ buộc phải lao động bằng sức của mình mà không được hưởng các thành quả lao động đó.
Trong hoàn cảnh giam cầm đói, rách và thiếu thốn đủ mọi cách, các tù nhân phải trông chờ vào sự giúp đỡ, thăm nuôi của gia đình để tồn tại tối thiểu. Người nhà, thân nhân muốn đến Trại tiếp tế cho các tù nhân phải có sổ đăng ký tên tuổi với các mối quan hệ ruột thịt. Đặc biệt một điều hết sức trớ trêu, là các trại giam làm dịch vụ bán hàng cho tù nhân với giá cắt cổ. Nhiều thân nhân tù nhân cho biết, các trại không cho mang bất cứ đồ ăn uống, đồ dùng gửi vào cho tù nhân, ngược lại gia đình hoặc phải gửi tiền, hoặc mua trực tiếp đồ của Trại làm dịch vụ mới được gửi cho tù nhân. Mà giá cả ở đây có thể đắt gấp đôi, gấp ba ở ngoài thị trường mà thân nhân và tù nhân không dám mở miệng kêu ca, bởi nếu không sẽ không được đến thăm nuôi thân nhân mình.
Điều này vẫn là sự tàn bạo tồn tại khá lâu nhưng ít người dám nói tới vì sợ bị trả thù các thân nhân trong trại. Đó cũng là cách mà các trại cải tạo dùng để ép các tù nhân nhận tội và thuần phục mình theo ý của nhà cầm quyền. Truờng hợp tù nhân Đặng Xuân Diệu bị giam cầm mấy năm nay không hề được gặp gia đình, luật sư vì không chịu nhận tội là một điển hình.
Phải chăng vì thế mà các tù nhân cứ tăng liên tiếp về số lượng, phải chăng đây cũng là một kênh để cho Bộ Công an có thêm thu nhập từ nhân dân?
Phải chăng đây cũng là một cách “xã hội hóa” nhà tù?
Vì sao phải đưa đi trại xa?
Gần đây, những người bất đồng chính kiến, các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị luôn bị nhà cầm quyền CSVN dùng một trò rất bẩn thỉu để hành hạ bản thân họ và gia đình. Đó là di chuyển chéo các tù nhân ở mọi miền đất nước với nhau. Chẳng hạn Điếu Cày Nguyễn Văn Hải có gia đình ở Sài Gòn, thì bị chuyển ra Trại giam số 6 ở Thanh Chương, Nghệ An. Chị Tạ Phong Tần, cư trú ở Sài Gòn, bị đưa ra tận Trại giam số 5 Thanh Hóa. Các tù nhân lương tâm phía Nam mà thuộc loại cứng cổ, không khuất phục đều được chuyển chéo ra phía Bắc và ngược lại, các tù nhân phía Bắc bị chuyển vào miền Trung hoặc miền Nam. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và bây giờ là Ls Lê Quốc Quân đều bị chuyển vào Trại An Điềm, thuộc huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam. Còn các sinh viên và thanh niên Công giáo quê Nghệ An, đều bị chuyển đi các trại như ở Thái Nguyên, gần nhất cũng là Thanh Hóa, Hà Nam.
Mục đích của việc thuyên chuyển bố trí này là gi?
Chắc chắn không thể giải thích rằng đây là sự thuận tiện hoặc buộc phải bố trí như vậy của Bộ Công an mới hợp lý. Bởi chẳng ai lạ gì chế độ giam giữ hiện nay ở các nhà tù Việt Nam. Mới đây, Phạm Thanh Nghiên, một tù nhân lương tâm mới ra tù được một thời gian đã viết bài lên mạng Internet tố cáo chế độ lao tù hiện nay. Đặc biệt việc dùng nhà tù để áp bức các nạn nhân, buộc họ phải nhận tội theo bản án áp đặt của tòa án, những bản án bất chấp tất cả, từ sự thật, công lý, luật pháp và đến cả lương tâm.
Ngoài việc buộc các phạm nhân phải hết sức vất vả để tồn tại trong các điều kiện khắc nghiệt của trại giam, thì việc xa xôi với gia đình, việc tiếp tế không được đều đặn sẽ bào mòn thể xác và tinh thần các nạn nhân. Ngoài ra, đó còn là áp lực tinh thần cho các nạn nhân khi mình là gánh nặng cho gia đình, người thân khi bị nhà cầm quyền bắt bỏ tù. Qua đó, sẽ là những xung đột tâm lý nội tâm nạn nhân dẫn đến dễ đầu hàng.
Một mặt nữa cần lưu ý, là gần đây, người ta phát hiện ra việc các nạn nhân trong các trại cải tạo bị đánh đập, thậm chí là bị tử vong. Nếu là các tội phạm hình sự hoặc các loại tội phạm khác, họ sẽ phải chấp nhận mà im vì chẳng biết kêu, biết kiện vào đâu. Mới năm ngoái đây, một nạn nhân bị chết với nhiều vết bầm trong trại ở Thanh Hóa, gia đình đã tố cáo trước đó công an trại giam đã nhiều lần yêu cầu gia đình nộp tiền vào tài khoản cho anh ta, và lần đó không nộp tiền đã sinh chuyện. Tất nhiên là khi họ tố cáo, có nhân chứng vật chứng thì cuối cùng vấn đề cũng chỉ là khiển trách nội bộ ngành công an. Vì vậy nên họ không biết kêu ai và không dám kêu, nếu có bị chết bị đánh đập trong trại.
Nhưng với các tù nhân lương tâm, chính trị thì khác, họ được sự quan tâm không chỉ của gia đình mà là của toàn xã hội. Do vậy nếu để họ ở gần, nhỡ có cán bộ nào hành hung, hoặc xảy ra vấn đề gì với họ, dư luận sẽ không chìm xuồng.
Phải chăng chỉ cần với các lý do trên, việc di chuyển chéo các nạn nhân từ các vùng miền đổi nhau, là một biện pháp hữu hiệu nhằm đọa đày không chỉ các nạn nhân mà cả các gia đinh, thân nhân của họ?
Thực ra, chưa hẳn đã là hữu hiệu, đã là hay. Các trại cải tạo, các nhà tù, đâu dễ cải hóa con người bằng hình thức giam cầm đánh đập hay áp bức. Mà người ta chỉ cái biến khi được đối xử như với con người, ngoài ra không có gì có thể làm biến đổi họ.
Vì thế, việc dùng các biện pháp trấn áp tinh thần, vật chất đối với những người bị trói tay, bị còng chân là biện pháp không hề có tác dụng tích cực. Nó chỉ có tác dụng cho họ thấy bản chất độc ác, bẩn thỉu và hèn hạ của một chế độ đã dùng nhà tù như một biện pháp trả thù họ mà thôi.
Với những người công chính, người có niềm tin vào sự thật công lý, thì lời Chúa còn đó: ”Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng. Ai gieo trong nước mắt, sẽ về giữa tiếng cười”
Và sự đời thì với những người dù không tin vào tâm linh, thần thánh vẫn phải hiểu rằng, ngay cả Mác – Lênin vẫn phải công nhận cặp phạm trù Nguyên nhân – kết quả.
Và rồi đến ngày họ sẽ được gặt một mùa quả bội thu mà hôm qua, hôm nay họ đang gieo.
Hà Nội, Ngày 14/6/2014
J.B Nguyễn Hữu Vinh (RFA)

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.