Nếu người dân Miền Nam “nhờ” mất nước vào tay CS mới thấm thía “được” thế nào là “trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng” như chuyện Kiều, thì hắn tự cho rằng nhờ sống đến nay để nhìn lại đời mình, hắn mới biết thương tiếc ông Ngô Đình Diệm hơn.
Năm mươi năm trước, đúng ngày này, mùng 2 tháng 11, khi cái radio Ấp Chiến lược mà hắn không chịu rời tai từ khi có tin đảo chánh loan tin TT Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã chết, hắn đã rơm rớm nước mắt.
Hắn khóc thương Ông chẳng phải vì người ta vừa giết đi một vị nguyên thủ quốc gia, nhưng vì người ta giết mất “Cụ Diệm” đang ngự trị thân thương trong lòng hắn từ nhiều năm qua. “Cụ Diệm” đến với hắn khi hắn tuổi mười hai mười ba gì đó tại làng quê mới dựng lên bằng lều bạt giữa núi rừng Cao Nguyên heo hút để cùng đứng với đồng bào trong mưa phùn gió núi để hiệp dâng thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Hắn “ấn tượng” mãi Cụ Diệm với khuôn mặt nhân hậu và mấy tấm ảnh màu do tay Cụ chụp in ra liền sau đó 5 phút cho đồng bào xem thật là “hiện đại”. Rồi mấy năm sau đêm Noel đó, khi thấy nơi trường tư thục hắn đang học ngoài thị xã chưng lên tường cái đồ án ngôi trường mới do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ và một nửa tài khoản để thực hiện do Tổng Thống tặng (đương nhiên là tiền của dân, nhưng thay vì tặng cho bản thân hay cho người thân) hắn lại thêm “ấn tượng” Cụ Diệm...
Ngày Cụ Diệm mất, hắn thương tiếc Cụ chỉ vì bấy nhiêu. Năm mươi năm sau nhìn lại, hắn càng thương tiếc nhiều hơn vị Tổng Thống đầu tiên của nền Cộng hòa Việt Nam vì công ơn Người.
Trước hết hắn là một trong triệu người chạy thoát từ địa ngục trên Đất Bắc được đồng bào Miền Nam cưu mang, và nhờ chính quyền VNCH do Ông lãnh sắp xếp lo toan để từ đó có được một cuộc đời hơn hẳn những người bên kia vĩ tuyến 17 về mọi mặt mà hôm nay đã quá rõ ràng, ai ai có chút thiện tâm thiện ý trước sự thật cũng đều dễ dàng nhìn thấy. Nhưng điều quý báu nhất là hắn đã được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản do TT Diệm chủ trương, trái hẳn với nền giáo dục vô đạo phi nhân ông Hồ du nhập cưỡng chế mà các thế hệ đang phải chịu trận dưới sự cai trị của chế độ CS hôm nay, khiến đạo lý ông cha, văn hóa tổ tiên, truyền thống dân tộc đang bị phá tanh banh tan nát, như mọi người đang than vãn than van.
Đã hơn một lần cùng với cha, anh suýt chết vì máy bay giặc trước Hiệp định Genève nên oán giày đinh của quân Pháp, kinh nghiệm thời CCRĐ thành kỵ dép râu đã đành. Nhưng hắn cũng chẳng ưa gì giày bốt- đờ- xô Mỹ. Giá như TT Ngô Đình Diệm không bị đám tướng phản tặc làm tay sai cho ngoại bang giết, ít ra hắn đã không phải chứng kiến đạo quân viễn chinh mới nghêng ngang đầy phố thị nhìn đám học trò nữ của hắn trên đường đến trường như hạng gái bán hoa. Rồi đồng Đô la đỏ làm xanh mặt đồng bạc Việt Nam vì mất giá khiến đời sống đang êm đềm ổng định dưới thời TT Ngô Đình Diệm nay đảo lộn. Miền Nam bổng lên ngôi giai cấp mới “Me Mỹ”. “Nhất đĩ, nhì sư, tam cha, tứ tướng”...
Thời kỳ hậu “Cách Mạng 1/11”, càng về sau càng vang vọng đâu đó, câu “Giá như còn ông Diệm!”
Giá như còn ông Diệm, chắc hắn đã không phải sống cuộc đời ly hương hiện tại mà hắn luôn luôn thấy cô độc, như lời Cervantès, “L’exité par tout est seul”.
Nguyễn Bá Chổi (Danlambao)
http://danlambaovn.blogspot.
0 comments:
Post a Comment