Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Friday 25 October 2013

Sacramento Tưởng Niệm 50 năm Chí Sĩ Yêu Nước : Lòng Mãi Hoài Ngô






---
 Lòng Mãi Hoài Ngô

  Hoài Ngô - lòng vẫn hoài Ngô

  chín năm ngắn ngủi - cơ đồ khang trang

  chín năm dõng dạc đàng hoàng

  vươn lên từ đống điêu tàn mà nên

  chín năm còn đó tuổi tên

  một nền Đệ Nhất vang rền năm châu

  Cộng Hòa nhân bản thấm sâu

  an cư - quốc sách, hàng đầu chăm lo

  thanh bình vui hưởng tự do

  một nền giáo dục đến cho mọi nhà

  học phí được miễn - quả là

  kỷ nguyên Độc lập mở ra sáng ngời

  y tế chăm sóc tuyệt vời

  người dân bệnh hoạn không lời thở than

  không tiền cũng chữa đàng hoàng

  đó nhà thương thí - chứa chan tình người

  mỗi mùa xuân lại thêm vui

  quê hương rộn rã tiếng cười ấm êm

  thanh bình, bỏ ngõ ngày đêm

  đâu cần rào giậu cho thêm phiền hà

  tư pháp, tòa án, lập ra

  công bằng cho hết mọi nhà, dưới trên

  ai có công, được đáp đền

  cải huấn tội phạm trở nên ngay lành

  quốc phòng - Dân Vệ, gác canh

  câu ca, điệu múa, trăng thanh rộn ràng

  tình làng, nghĩa xóm, chứa chan

  kính trên, nhường dưới, vô vàng thương yêu

  bại không nản, thắng không kiêu

  chín năm đã để lại nhiều công lao

  nội thù - một đám lao xao

  ngoại thù - tráo trở lao vào phân ly

  tứ bề thọ địch hiểm nguy

  chín năm ngắn ngủi so bì được chăng ?

  làm người ai cũng thiện căn

  bìm leo, giậu đổ - nói năng giữ lời

  hoài Ngô, là chuyện đúng thôi

  tư thù, rủa sả là hôi miệng mình

  mộ hoang nằm đó làm thinh

  mộ bia, hai chữ:  Đệ - Huynh - đau lòng !

  nghĩa tử, nghĩa tận - cầu mong

  háo danh chi, nỡ bẻ cong tiết nghì

  trắng đen lịch sử sẽ ghi

  tiếng chì, tiếng bấc, làm gì - cực thân.

Trang Y Hạ
---

  CỐ TỔNG THỐNG VNCH NGÔ ĐÌNH DIỆM
 CHÍ SĨ YÊU NƯỚC


 
Để có cái nhìn xuyên suốt, cộng đồng người Việt thường hay luận bàn theo quan điểm cá nhân công hay tội của vị nguyên thủ quốc gia Ngô Đình Diệm. Điều này, gần đây, các tài liệu mật của Hoa Kỳ đã được giải mã, vén lên cho chúng ta thấy, Tổng Thống Ngô Đình Diệm quả là một chí sĩ yêu nước thà chết hơn qụy lụy ngoại bang. Trong khi thực hiện kế sách quốc gia, Tổng Thống Ngô Đình Diệm không thể tránh khỏi sai sót vì nhân vô thập toàn.
Trong bài này, người viết sẽ tường thuật lại những buổi Lễ Tưởng Niệm nhằm làm sáng danh một lãnh tụ vĩ đại, chẳng may sinh bất phùng thời nên bị chết thảm.
Tại miền Nam Cali và nhiều thành phố lớn có nhiều người Việt cư trú, thường có tổ chức long trọng và trang nghiêm Lễ Tưởng Niệm cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm tại nhiều nơi trong Thánh đường hay các nơi công cộng khác.
Đặc biệt, năm 2007, Ban Tổ Chức Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm được tổ chức tại đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở Nam California. Đây là lễ Tưởng Niệm, một vị Tổng Thống khai sáng nền Đệ Nhất Cộng Hòa, rất quy mô có tầm vóc, đại chúng, quy tụ trên 30 hội đoàn, tổ chức, có hàng ngàn người tham dự.
Từ ngày Tống Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị nhóm tướng lãnh đảo chánh ngày 1.11.1963, đưa hai ông đến cái chết thật dã man trong một chiếc thiết vận xa 113 trên đường đưa về Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH vào sáng ngày 2.11.07.
Cứ đến ngày 2.11 hàng năm hoặc trước hay sau ngày này rơi vào các ngày cuối tuần, tại VN trước năm 1975 và sau này ở hải ngoại, nhiều nhà thờ Công Giao đã tổ chức thánh lễ cầu nguyện và vinh danh vị Tổng Thống anh minh, chống cộng quyết liệt nhứt của nền Cộng Hòa dân chủ pháp trị non trẻ của miền Nam Việt Nam, từ sau Hiệp định Genève 20.7.1954.
Sau năm 1975, Sài Gòn đổi chủ, bị CSBV cưỡng chiếm, những thánh lễ đó vẫn còn tiếp nối trong âm thầm lặng lẽ...
Đặc biệt ở hải ngoại, tại hầu hết các nhà thờ Công Giáo Việt Nam ở khắp mọi nơi trên thế giới đều có tổ chức long trọng hay đơn giản tưởng niệm một vi Tổng Thống đầu tiên khai sáng và xây dựng nền Đệ Nhất Cộng Hòa - Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Đọc lại lịch sử, khi ông Ngô Đình Diệm chấp chánh với chức Thủ Tướng Chánh Phủ do Quốc Trưởng Bảo Đại bổ nhiệm, trong một bối cảnh giặc ngoài thù trong sau Hiệp Định Genève 20.7.1954. Thủ Tướng Ngô Đình Diệm với 2 bàn tay trắng, giải quyết nhiều nan đề nội bộ, bất đồng chính kiến với vị Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Nguyễn Văn Hinh. Bên ngoài - cảnh miền Nam có nhiều Sứ Quân, những lực lượng võ trang như Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo… Thêm vào đó, gánh nặng lên vai người lãnh đạo quốc gia có gần 1 triệu đồng bào miền Bắc ồ ạt di cư vào Nam tránh họa CS, chánh phủ phải ổn định được nơi ăn chỗ ở cấp tốc. Đây quả là một gánh nặng sanh tử, người lãnh đạo thiếu tài đức và cương trực thì không thế nào giải quyết được. (H.Tổng Thống Ngô Đình Diệm)
Vì vậy, năm 1957 sau khi miền Nam đang đi vào cảnh thái bình thịnh trị, Tổng Thống Hoa Kỳ Eisenhower mời Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm sang công du Hoa Kỳ. Tổng Thống Ngô Đình Diệm là vị nguyên thủ quốc gia duy nhất của nước VN kể cả chế độ CS ngày nay, được cả Tổng Thống và Quốc Hội Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ chào đón như là một vị quốc khách vĩ đại. Tổng Thông Eisenhower ra tận phi cơ đón tiếp Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Tổng Thống Eisenhower tuyên bố trước giới truyền thông và thế giới rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một “Micracle Man” một con nguời kỳ lạ như có phép mầu hóa giải được mọi khó khăn trở ngại tại miền Nam VN trong vòng 2 năm, từ năm 1955 – 1957.
Thật là trớ trêu, cũng chính một Tổng Thống Hoa Kỳ, Tổng Thống Kennedy, trực tiếp hay gián tiếp ra lệnh cho phép các tướng lãnh VNCH bất mãn làm cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, đưa đến cái chết tàn ác và dã man, đã giết hai anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, lãnh tụ tài ba nhất của Miền Nam VN từ thời đó cho đến ngày 30.4.1975 - chế độ Việt Nam Cộng bị cộng sản Bắc Việt cưỡng đoạt.
Gần một năm sau 1963, đến cái chết của người em Tổng Thống là ông Ngô Đình Cẩn bị xử tử hình. Cả 3 anh em họ Ngô bị giết chết bởi các tướng lãnh đảo chánh. Các ông tướng này lại không có chủ thuyết chiến tranh chống CSBV như thời Đệ Nhất Cộng Hòa, CSBV xem thường và chiến thắng là điều hiển nhiên, CSBV chỉ chờ có cơ hội và thời gian thuận tiện.
May mắn Việt Nam Cộng Hòa không mất sớm trước ngày 30.4.1975.
Thời Đệ Nhị Cộng Hòa lại có một Tổng Thống, nguyên là một cựu tướng lãnh trong Quân đội có nhận định sáng suốt: Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm nên mới có những chiến thắng oai hùng, lẫy lừng nhất trong quân sử: Bình Long anh dũng - Kontum kiêu hùng - Trị Thiên vùng dậy, làm cho cộng sản Bắc Việt khiếp sợ.
Nếu không có chính quyền phản chiến Mỹ tiếp tay và cắt hết mọi viện trợ kinh tế, quân sự, chặt tay chặt chân quân dân miền Nam thì làm sao có cảnh CSBV cưỡng chiếm được miền Nam Việt Nam ngày 30.04.1975.?
Qua các cuộc chỉnh lý, biểu dương lực lượng và tranh dành quyền lực cuả các tướng lãnh đảo chánh đã đưa miền Nam vào cảnh nhiễu nhương hỗn loạn nhất. Hơn nữa, các ông tướng, chuyên viên đảo chánh, chỉ biết qụy lụy, tuân theo chỉ thị của Mỹ, thiếu tinh thần dân tộc tự chủ, tự cường, độc lập quốc gia như cụ Ngô Đình Diệm nên khi “Đồng Minh
Tháo Chạy” (tựa đề một cuốn sách của TS Nguyễn Tiến Hưng) làm sụp đổ hoàn toàn miền Nam VN từ ngày 30.4.75.
Trước đây, các buổi lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm thường được đồng bào VN tổ chức ở trong khuôn viên nhà thờ Công Giáo.
Có lẽ đây là một việc làm rất nhạy cảm, người ta sợ đụng chạm với một tôn giáo khác mà thời Ngô Tổng Thống được ví là thời pháp nạn của tôn giáo đó. Cũng qua các tài liệu mật vừa được giải mã gần đây, chuyện pháp nạn đó chẳng qua là cái cớ mà cơ quan tình báo Mỹ CIA dựng lên và thổi phòng nhằm lật đổ cho bằng được chế đô Ngô Đình Diệm. Vì, chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm quyết liệt chống việc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, sẽ làm VN mất chủ quyền và mất nước, như chúng ta biết. (Hình: Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu)
Cái vụ pháp nạn đó còn được CSBV và cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) - con đẻ của CSBV, cài người vào hà hơi tiếp sức nhằm phá nát guồng máy cai trị hữu hiệu của chính phủ.
Đang công du tại nước Pháp, Luật Sư Nguyện Hữu Thọ Chủ Tịch cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam khi hay tin anh em TT Ngô Đình Diệm bị sát hại và quân đảo chánh đã giật sập nền Đệ Nhất Cộng Hòa, huỷ bỏ hệ thống Ấp Chiến Lược. LS Nguyễn Hữu Thọ không úp mở, tuyên bố rằng cơ may đã đến với họ và chắc chắn chế độ Cộng Hòa Miền Nam sẽ mất về tay họ.
Tài liệu còn cho biết, trong một buổi nói chuyện với các tướng lãnh tại Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, khoảng tháng 10 năm 1963, trước ngày bị đảo chánh 1.11.63, gần 1 tháng, Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm tuyên bố, đại ý, chế độ này chắc chắn còn có nhiều khuyết điểm, nhưng chế độ này bị sụp đổ thế nào CSBV cũng sẽ nhuộm đỏ miền Nam VN.
Sự tiên đoán của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và của LS Nguyễn Hữu Thọ, phía bên kia, hoàn toàn có cơ sở và chính xác.
Xin nhắc lại, buổi Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ khai diễn vào tối thứ sáu 2.11.07 thành công lớn. Bên cạnh nhiều hội đoàn, tổ chức và đồng hương đông đảo tham dự, còn có 3 tổ chức của giới trẻ, hậu duệ của người Việt tỵ nạn CS, như Tổng Hội Sinh Viên VN miền Nam Cali, Hội Thanh Thiếu Niên Công Giáo miền Nam Cali, Đoàn Thanh Thiếu Niên Phan Bội Châu… tham dự với tấm chân tình để ôn cố tri tân và noi gương anh minh của một vị Tổng Thống lỗi lạc nhất của miền Nam VN.
Đây là buổi tưởng niêm ngoài trời lần thứ hai trong khuôn viên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại miền Nam Cali do cựu Nghị Sĩ Lê Châu Lộc làm Trưởng Ban Tổ Chức.
Được biết, cựu Nghị Sĩ Lê Châu Lộc, nguyên là Đại Úy, sĩ quan tùy viên của cố TT Ngô Đình Diệm. Sau 1.11.1963, ông xin giải ngũ, thi vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, sang du học tại Anh và đậu bằng Cao Học Kinh Tế. Ông Lê Châu Lộc đắc cử Nghị Sị trong liên danh Bông Huệ của LS Nguyễn Văn Huyền. Nghị Sĩ Lê Châu Lộc tỵ nạn CS sớm vào năm 1975. Sang Hoa Kỳ với kiến thức về kinh tế, ông được tuyển dụng làm việc toàn thời gian, công tác ở các nước Âu Châu và Phi Châu. Hiện ông Lê Châu Lộc đã về hưu với tuổi đời trên 81, định cự tại Nam Cali.
Qua 2 lần tổ chức thành công Lễ Tưởng Niệm Chí Sĩ Ngô Đình Diệm tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, ông Lê Châu Lộc đều khẩn khỏan mời cựu Thiếu Tướng Huỳnh Văn Lạc, cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh, nguyên là nhân viên thân cận tại dinh Tổng Thống, lúc bấy giờ ông mang cấp bậc Thiếu Tá phụ trách an ninh nội chính dinh Tổng Thống (dinh Độc Lập và dinh Gia Long).
Tại dinh Tổng Thống, Thiếu Tướng Huỳnh Văn Lạc có cấp bậc và chức vụ cao hơn ông Lê Châu Lộc. Năm 2007, người viết bài này được tháp tùng theo Thiếu Tướng Huỳnh Văn Lạc từ Sacramento lái xe xuôi nam tham dự. Năm đó, ông Trưởng Ban Tổ Chức Lê Châu Lộc ân cần mời tôi tham dự với tư cách là đại diện Hội Người Việt Cao Niên Sacramento, chiến hữu Bùi Văn Hoàn, Hội Trưởng Hội HO Sacramento cùng đi theo Thiếu Tướng Huỳnh Văn Lạc. Đặc biệt, năm 2007, cựu Thiếu Tướng Huỳnh Văn Lạc là chỉ huy danh dự buổi Lễ Tượng Niệm và năm 2006 do cựu Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị chỉ huy. (Hình: Bà Ngô Đình Nhu)
Được biết, theo truyền thống tổ chức Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm thường được tổ chức trong khuôn viên các nhà thờ Công Giáo. Hai năm 2006 và 2007, Lễ Tượng Niệm tôn vinh công đức của Cố Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm được tổ chức ngoài trời. Riêng ở Nam Cali, năm 2007 chỉ có cuối tuần đầu tháng 11 có 3 dịp để tôn vinh công đức một vị Tổng Thống vì quyền lợi dân tộc trên hết mà bị thảm sát. Tối thứ sáu 2.11.07 tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, trưa thứ bảy 3.11 tại một thánh đường lớn ở Little Saigon và trưa chủ nhật 4.11.07 buổi ra mắt sách tại hội trường Nhật Báo Viễn Đông: Sáu Năm Hoạt Động Của Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa (26.10.1954 – 26.10.1960) do chiến hữu Hồ Đắc Huân tái bản với gần 900 trang, in ở Đài Loan, gía ngoài bìa là $25.00 . Đây là cuốn sách quý, một tài liệu mà những thức giả, người nghiên cứu hay độc giả muốn tìm hiểu sự thành công và hiệu quả trong 6 năm đầu tiên của chính phủ Ngô Đình Diệm. Buổi Ra Mắt Sách có Luật Sư Lâm Lễ Trinh trình bày về nội dung cuốn sách và thành quả của Chính Phủ Ngô Đình Diệm mà lúc bấy giờ LS Lâm Lễ Trinh là Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ…
Có dư luận nói rằng Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên tổ chức trong khuôn viên nhà thờ, không nên tổ chức ngoài trời với nhiều lý lẽ biện minh, chống báng này nọ.
Thật ra, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ai cũng biết TT là con chiên Công Giáo ngoan đạo, chuyện cầu nguyện tưởng niệm TT tại các nhà thờ Công Giáo là việc làm hiển nhiên. Những ai là tín hữu Công Giáo hay các tôn giáo khác hoặc đồng bào được chế độ Ngô Đình Diệm chở che cứu giúp như trường hợp gần 1 triệu đồng bào di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 luôn tôn kính Cụ cũng là chuyện thường tình. Còn những người có tín ngưỡng khác, không phải là Công Giáo như Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo… việc vào nhà thờ để cầu nguyện suy tôn TT cũng có thể hòa mình theo tín hữu Công Giáo cũng là điều tốt, quý hóa. Nhưng, tổ chức ở chỗ công cộng vẫn sáng danh Tổng Thống hơn, thuận tiện cho mọi người có tín ngưỡng khác nhau trong cộng đồng đến chiêm bái vinh danh người quá cố.
Cố Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm là một lãnh tụ của quần chúng của đồng bào Việt Nam, một chiến sĩ chống cộng kiên cường nhất của mọi tầng lớp nhân dân, có sách
lược, chủ thuyết rõ ràng để chống cộng làm cho toàn dân miền Nam hưởng được cảnh thanh bình hoan lạc trong nhiều năm, từ năm 1955 đến năm 1963.
Như vậy, việc cựu Nghị Sĩ Lê Châu Lộc đưa Lễ Tưởng Niệm và Vinh Danh Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra một nơi công cộng ngoài trời là một việc làm sáng suốt, chúng ta cần yễm trợ và phát huy cùng lúc với các buổi lễ cầu nguyện trong các nhà thờ.
Một ngày đẹp trời nào đó, các buổi Lễ Tưởng Niệm và Vinh danh Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm được long trọng tổ chức tại các chùa, thánh thất… của mọi tôn giáo thì lúc ấy sự hòa hợp hòa giải về tín ngưỡng mới thật sự có ý nghĩa. Chừng đó, nước Việt Nam chúng ta mới có thể trở thành một nước hùng cường, một con rồng lớn ở Á Châu và thế giới vì mọi người dân Việt chỉ biết đặt quyền quốc gia dân tộc lên trên hết như Cố TT Ngô Đình Diệm đã từng thực thi dù có phải hy sinh đến tính mạng.
Còn ở Thủ Phủ Sacramento, chủ nhật 3.11.2013, Lễ Tưởng Niệm Cố Tống Thống Ngô Đình Diệm cũng được nhiều hội đoàn tồ chức, nhất là các hội đoàn cựu quân nhân cùng hợp sức tổ chức một cách trang nghiêm và quy mô tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Sacramento.
Đây là một việc làm đáng tuyên dương của Ban Tổ Chức, lý do dễ hiểu, Tổng Thống Ngô Đình Diệm là cha đẻ nền dân chủ pháp trị Cộng Hoà - Đệ Nhất Cộng Hòa. Sau này, cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thực thi quyền bính cũng dựa vào mô thức Cộng Hòa tốt đẹp này, gọi là nền dân chủ pháp trị Đệ Nhị Cộng Hòa.
Cái hay nữa của Ban Tổ Chức Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm nay, tổ chức tại một địa điểm công cộng khang trang, to rộng. Đây là một cơ sở mới xây dựng xong và ngày 7 tháng 7 vừa qua với Lễ Khánh Thành thật vĩ đại có hàng ngàn người và hàng trăm các hội đoàn, tổ chức, đại diện ở nhiều tiểu bang xa, Canada và nam bắc California tề tựu đông đủ tham dự gây được tiếng vang khắp thế giới.
Theo chương trình, Lễ Tưởng Niệm được tổ chức tại hội trường của Trung Tâm SHCĐ, từ 11 giờ sáng đến 2 giờ trưa và sau đó, một Thánh lễ cũng được tổ chức tại một nhà thờ Công Giáo ở đường 24. Đó là những gì, đa số người Việt ở Sacramento cùng hiệp ý tổ chức Lễ Tưởng Niệm cố Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 2013, đúng với câu:
Sáng danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Người viết, không phải là tín hữu công Giáo, thời cụ Ngô Đình Diệm mới về nước chấp chánh năm 1954 - 1955, tôi đang là một giáo viên - Hiệu trưởng 1 trường tiểu học cấp xã đã biết một phần nào sự chỉ đạo sáng suốt cụ Diệm, xây dựng được một nền an ninh nội chính toàn hảo trong một thời gian kỷ lục. (Hình: Quốc Trưởng Bảo Đại)
Trong suốt thời gian 9 năm (1954 - 1963) chấp chánh điều hành công việc quốc gia và quốc tế, từ chức Thủ Tướng Chánh Phủ do Quốc Trưởng Bảo Đại bổ nhiệm và qua cuộc phổ thông đầu phiếu, cụ Ngô Đình Diệm trở thành Tổng Thống dân cử đầu tiền trong thể chế dân chủ của nước Việt Nam độc lập tự chủ.
Năm nay, tại Sacramento các hội đoàn cũng đã bầu chọn cựu Thiếu Tướng Huỳnh Văn Lạc làm Trưởng Ban Tổ Chức Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình, đây là một việc làm rất đáng ngưỡng mộ của Ban Tổ Chức vì Cố TT Ngô Đình Diệm, một vị khai sáng chế độ dân chủ pháp trị đầu tiên của nền Đệ
Nhất Cộng Hòa, dù chính phủ của ông còn vấp phải một ít khuyết điểm vì nhân vô thập toàn.
Xin nói thêm, trước và sau cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963, dư luận đồn rùm, bà Ngô Đình Nhu (như là Đệ Nhất Phu Nhân vì TT Ngô Đình Diệm độc thân) là một phụ nữ gần như là có lang chạ với tướng Đôn, hay "ăn nằm" người này người nọ, người ta dựng đứng thêu dệt đủ điều xấu xa cho cá nhân bà Nhu và cả gia đình của của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nhưng, mọi người đều biết, từ ngày chồng chết 2.11.1963 - ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, lúc bà Nhu còn quá trẻ chưa đến 40 tuổi, gần nửa thế kỷ sau, bà Trần Lệ Xuân tức bà Cố Vấn Ngô Đình Nhu luôn là một phụ nữ "tiết hạnh khả phong", sống cô đơn một mình ở Pháp và chuyên tâm làm việc nhà thờ và việc từ thiện, nêu một gương sáng đáng tôn kính vinh danh.
Xin hỏi có mấy bà góa, còn trẻ, có học thức, có điều kiện, giao thiệp rộng rãi khi có chức có quyền mà lại âm thầm chịu đựng được sự cô đơn như bà Ngô Đình Nhu, không bước thêm bước nữa làm lại cuộc đời như bao mệnh phụ phu nhân khác.
Chứng tỏ, cộng sản và những kẻ thù chống đối chế độ luôn tung tin đồn nhảm nhí như vụ bà Nhu lang chạ hay những tin đồn chế độ Ngô Đình Diệm thủ tiêu hàng ngàn người (quốc gia) chống đối ở Huế... đều là những tin đồn ác độc mà cho đến bây giờ, loại tin quái đản, tầm bậy đó lại có người còn mê muội tin mới là lạ.

Sacramento 22.10.2013
Nhà báo Trần Văn
ĐT: 916.519.8961



0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.