Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Friday 25 October 2013

HỮNG NGƯỜI ĐÃ VƯỢT GIỚI TUYẾN

TƯỞNG NHỚ CỐ TỔNG THỐNG GIOAN BAOTIXITA NGÔ ĐÌNH DIỆM
VÀ MỘ ÔNG CỐ VẤN GIACÔBÊ NGÔ ĐÌNH NHU

Bình Dương - Đường từ Sài Gòn về Lái Thiêu giữa trưa cuối thu của Miền Nam thì cũng không khác gì mùa hè. Nắng và nóng. Từ sớm, những người chuyên sống nhờ người chết đã đến nhổ cỏ, quét dọn quanh các ngôi mộ, mà theo kinh nghiệm của họ, ngày hôm nay, 1 tháng 11, thế nào cũng có người đến viếng mộ.
Nghĩa trang Lái Thiêu và nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi đối diện nhau. Thật ra gọi tên là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi là gọi theo cách của những người đến viếng mộ, vì hầu hết các ngôi mộ ở đây đã được cải táng và di dời từ nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, là tiền thân của công viên Lê Văn Tám hiện nay, trước kia ra để cải tạo môi trường.

Chúng tôi đến viếng mộ cụ Gioan Baotixita Ngô Đình Cẩn được cải táng từ nghĩa trang chùa Phổ Quang ra. Và điểm dừng chính là mộ cố tổng thống Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm, và mộ ông cố vấn Giacôbê Ngô Đình Nhu, giữa là phần mộ của thân mẫu hai ông, cụ cố Luxia.
Nhìn tấm bia không hình, không ghi rõ tên, mà chỉ ghi Huynh và Đệ, để ai biết chuyện có thể đoán ai là ngài tổng thống, đâu là ông cố vấn. Cả hai mộ ghi ngày 2 tháng 11 năm 1963. Cả hai người đã bị sát hại vào đúng lễ các linh hồn cách nay đúng 48 năm.

Bà Thịnh đã có 20 năm sống bằng nghề nhổ cỏ nghĩa trang ở đây kể: “Cách đây vài năm có mấy người đến viếng mộ cụ Huynh, cụ Đệ. Những người này đưa tiền cho chồng tôi bảo làm bia mới, ghi rõ “Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu, chồng tôi không dám, nên bảo chỉ có thể ghi tên và họ thôi. Những người khách đồng ý, chồng tôi đã làm và gắn lên. Thời gian sau, chính quyền địa phương đi kiểm tra bắt tháo ra, ném xuống đất rồi họ lấy chân đạp lên!”

Người chết vẫn bị khinh miệt!

Điều này đau, nhưng không đau bằng 48 năm rồi, mà vẫn có những người chấp nhận mình “mù”, không tự tìm sự thật để rồi hành xử không hơn gì loài vật.
Việc tỏ bày sự kính trọng đối với cố tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn là một việc mà nhiều người cho rằng cấm kỵ. Như thế mới biết thời nay còn phong kiến hơn cả các triều phong kiến Việt Nam. Cô Thùy lần đầu tiên đến nghĩa trang này để thắp hương cho cố tổng thống Ngô Đình Diệm, cô rất sợ, nhìn ai cũng nghĩ là công an và lo công an sẽ bắt. Riêng với người viết bài này, trước lúc đi được một người thân lưu ý “take care!”

Chúng tôi những người sinh sau đẻ muộn, chỉ được học sử Việt Nam theo cái nhìn của đảng cộng sản nên đã có những lúc mặc cảm vì người Công giáo mình lại có một vị tổng thống làm chi, để cho người vô thần lên án, bêu rếu. Cũng may, có Chúa quan phòng, Internet được phát minh, những người trẻ bắt đầu biết được nhiều điều thật hơn về lịch sử, rồi lại có cơ hội bàn hỏi với nhiều người am hiểu lịch sử cách đa chiều. Chúng tôi biết nỗi mặc cảm của mình là vô lý, mà ngược lại phải tự hào về ngài tổng thống của nền Đệ Nhất Cộng Hoà, Tổng thống Ngô Đình Diệm. Một người lãnh đạo toàn tâm, toàn ý với dân nước, dứt khoát không cúi đầu lệ thuộc ngoại bang. Cái chết của anh em cụ là kết quả của sự dứt khoát không theo Mỹ, không để người nước ngoài can thiệp quá sâu vào chuyện quốc gia Việt Tổ.
Chúng tôi muốn cầu lễ cho cụ cố tổng thống Gioan Baotixita ngay tại phần mộ của cụ, như lời thì thầm xin lỗi với cụ suốt 48 năm qua, chúng tôi đã không hiểu đúng về cụ, về công lao cụ đã dành cho quê Việt mình, và nhất là cũng vì nỗi sợ hãi bị chụp mũ, bị mắc vạ vẫn còn lăm lăm ăn tươi nuốt sống chúng tôi.

Thánh lễ hôm nay bắt đầu lúc 12:00, ngày 01-11-2011, mộ cụ Tổng thống là bàn thờ. Thánh lễ do cha An Thanh chủ tế cùng với cha Hữu Thoại đồng tế. Cha chủ tế nói lý do của buổi lễ: “chúng ta cầu nguyện cho các lãnh tụ Việt Nam ở mọi phía và các tử sĩ thuộc về các bên. Cầu nguyện cho Tổng thống Ngô Đình Diệm và cả chủ tịch Hồ Chí Minh. Cầu nguyện cho những chiến binh và thường dân chết vào tết Mậu Thân, những người chết vì bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa, những người chết trong cuộc chiến Tây Nam và biên giới phía Bắc năm 1979 và các năm tiếp theo tại Kampuchia, và tất cả những người đã tử trận mà chưa có ai nhớ đến để cầu nguyện. Người chết không còn giới tuyến, nên chúng ta không gây chia rẽ họ nữa”.
30 người chúng tôi không muốn dứt lìa với quá khứ mà nối tiếp với tình yêu thương. Chúng tôi không muốn người một nhà, dân một nước lại đối xử với nhau tồi tệ như những kẻ thù địch với nhau. Hết rồi thời nhân danh ý thức hệ để đổ máu nhau, làm cho huynh đệ tương tàn. Chấm dứt đi sự hận thù giữa người với nhau và với cả người chết nữa.

Trong Chúa Giêsu, chúng tôi thấy những người đã qua đời đã vượt qua được giới tuyến của ý thức hệ để là người trong ngôi nhà Việt Nam và trong làng của Đức Chúa Trời.

Chụp hình lưu niệm, nhưng vẫn có vài người muốn tránh mặt.


Bài: NT
Ảnh: Fx75 và H. Hoà

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.