Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Saturday 1 June 2013

Ở VIỆT NAM CHỐNG THAM NHŨNG LÀ TỰ SÁT


1* Mở bài
Tham nhũng của Việt Nam là quốc nạn, là căn bịnh kinh niên, trầm kha, vô phương cứu chữa, vì nhà dột từ trên nóc dột xuống, đảng là chúng ta cả mà, hy sinh đời bố cũng cố đời con là phương châm phổ biến trong cán bộ lãnh đạo hiện nay.
Ở Hội nghị Ban Chấp hành TW lần thứ tư, ngày 26-12-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chỉnh đốn đảng là việc làm hết sức khó khăn và phức tạp, vì nó đụng chạm đến lợi ích của các lãnh đạo và của các nhóm lợi ích khác”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW, Vũ Quốc Hùng, báo cáo trước Hội nghị: “Sự suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ trong cán bộ lãnh đạo, dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu nhân dân. Lối sống dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền, trước kia mang tính cá thể, nhưng nay thì chặt chẽ hơn, móc nối chằng chịt từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, thông đồng nhau chia chác, thậm chí trong khâu điều tra, truy tố , xét xử, thì lại “ra giá” nữa”.
Vì cán bộ tham nhũng là những người có chức, có quyền, nên chống tham nhũng thì bị trù dập, khủng bố, tù đày, điêu đứng đến thân tàn ma dại, và cũng có thể bị giết chết nữa.
Dưới đây là những trường hợp điển hình bị khốn đốn vì chống tham nhũng.
2* Trường hợp bà Lê Hiền Đức
2.1. Trước khi chống tham nhũng


Bà Lê Hiền Đức được nhắc tới như một đảng viên nổi tiếng về việc chống tham nhũng, bà được tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) trao giải Liêm Chính (Integrity Awards) ngày 5-12-2007. Bà đến Berlin (Đức) nhận giải gồm có một bó hoa và một tấm plắc hình khối thủy tinh nhiều lớp trong suốt xếp chồng lên nhau. Không có tiền.
Trước khi chống tham nhũng, bà được báo chí nhà nước ca tụng là một người tham gia cách mạng yêu nước từ năm 13 tuổi với nhiệm vụ giao liên.
Bà tên thật là Phạm Thị Dung Mỹ, sinh ngày 12-12-1932, có 4 người con và 8 cháu.
Năm 1946, 17 tuổi, được cử làm công tác dịch các tài liệu mật mã rồi đem đến phủ chủ tịch trình cho Hồ Chí Minh. Bí danh là Lê Đức, được bác chiếu cố, ưu ái đặt cho cái tên Lê Hiền Đức cho có vẻ nữ tính, hiền từ đức hạnh.
2.2. Sau khi chống tham nhũng
Lê Hiền Đức bị chảy máu chân trong vụ xô xát hôm 01/6/2012
Sau khi chống tham nhũng thì bị các quan tham và truyền thông nhà nước khủng bố và hạ nhục bằng nhiều hình thức. Từ một nhà cách mạng Hiền Đức trở thành một bà già “Ác Đức”, “Thất Đức”, “Bà Già nhiều chuyện”, “Bà Già lắm chuyện”…
2.3. Việc chống tham nhũng và bị khủng bố của bà Lê Hiền Đức
Nghỉ hưu năm 1984, trong thời bao cấp, sống trong cảnh thiếu thốn, bà giáo già phải bán quà vặt tại nhà trong khu tập thể của trường tiểu học Chu Văn An (Hà Nội). Bị cán bộ thương nghiệp tịch thu hàng, chia nhau xài nên bà tức giận và đó là lý do phát sinh việc chống tiêu cực, tham nhũng.
Với tư cách là một đảng viên có nhiều huy chương, bà giúp dân chúng, chuyển đơn khiếu nại và tố cáo tham nhũng đến những cơ quan liên hệ.
Bà dành hết tiền lương hưu mỗi tháng 1,700.000 đồng để mua bao thơ, tem, 4 điện thoại, trả tiền Internet trong việc chống tham nhũng.
Bọn cán bộ tham nhũng khủng bố bà bằng nhiều hình thức, từ email, gọi phone, gởi thơ tay, thậm chí xông vào ngay giữa nhà.
“Một buổi sáng, tôi bị gọi 50 lần, cứ 5 phút chuông điện thoại reo, nhắc máy lên thì chỉ nghe một câu “Dừng việc chống tham nhũng lại đi, nếu không, ra đường sẽ bị xe đâm”. Email cũng chỉ có một câu “Để dành tiền mà mua quan tài”. Có người mang vòng hoa tang đến tận trước cửa nhà.
Bà Lê Hiền Đức cho biết, họ biến tôi thành trái bóng đá, từ chân người nầy sang chân người khác. Một buổi sáng tôi phải đi đi về về 14 lần, từ cơ quan nầy đến cơ quan khác và cuối cùng không ai chịu tiếp tôi. Họ né tránh, không gặp mặt tôi, nại cớ kêu bận, đã đi công tác, người nọ đùn trách nhiệm cho người kia. Có thủ trưởng hèn đến nổi không dám trả lời điện thoại, bảo rằng “bác kêu nhầm số rồi”.
Bọn quan tham, báo chí và đài truyền hình nhà nước gọi bà là “Ác Đức”, “Thất Đức” “Bà già khó chịu”, “Bà già nhiều chuyện”. Ông Tạ Quang Chiến, một người đã từng làm cận vệ cho bác Hồ, xác nhận rằng không có chuyện bác đặt tên Lê Hiền Đức cho bà, tức là bà bịa chuyện, tự đánh bóng tên tuổi mình.
2.4. Tại sao những cán bộ cách mạng lão thành không có tham nhũng gộc?
Đó là thời kỳ quá độ lên CNXH, nghèo đói không có gì để ăn. Quan tham thì chỉ ăn vài ba ký gạo, thủ trưởng nông trường thì chỉ ăn vài ba ký phân…Toàn cảnh cách mạng XHCN được mô tả như sau:
“Đầu đường đại tá vá xe
Giữa đường thượng tá bán chè đậu đen
Cuối đường trung tá rao kem
Về hưu thiếu tá thổi kèn đám ma
Đại úy ra chợ buôn gà
Trung úy về nhà bám đít con trâu
Hỏi thằng thiếu úy đi đâu
Ba lô lộn ngược xuôi tàu Bắc-Nam. (Buôn chuyến)
Tóm lại việc chống tham nhũng của các “lão thành cách mạng” được cho là “trâu buộc ghét trâu ăn”.
Việc chống tham nhũng của bà Lê Hiền Đức không mang lại một kết quả nào, mà bà bị khủng bố, bôi nhọ thậm chí bị khiêng bà ném ra khỏi cửa cơ quan Thông tin Truyền thông Hà Nội, làm bị thương ở chân, máu chảy không ngừng. Bà không dám ra đường một mình vì sợ bị xe đâm.
Chống tham nhũng là tự sát. Xanh cỏ hơn đỏ ngực là thế.
3* Những trường hợp khác
3.1. Nhà báo chống tham nhũng bị tù 4 năm
Ngày 3-1-2012, hãng tin AP (Associated Press) tường thuật vụ nhà báo chống tham nhũng Hoàng Khương của tờ Tuổi Trẻ, chính thức bị bắt ngày 2-1-2012, bị tố là đã giả dạng làm thân nhân của một người bị cảnh sát tịch thu xe gắn máy, đưa hối lộ 710 đô la để chuộc xe về.
Ngày 7-9-2012, Hoàng Khương bị toà kết án 4 năm tù về tội đưa hối lộ 710 đô la.
ký giả Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ bị tuyên án 4 năm tù về tội hối lộ cho cảnh sát giao thông 710 đôla


3.2. Được tuyên dương chống tham nhũng nhưng bị chém suýt toi mạng
Đầu năm 2011, tỉnh Nghệ An tổ chức tuyên dương cho 18 người có thành tích chống tham nhũng. Sau đó 3 trong số 18, người thì bị chém, bị ném mìn vào nhà. Công an không tìm ra thủ phạm.
Ông Trần Hữu Sơn, xã Hiến Sơn, huyện Đô Dương bị chém. thương tích 25%.
Kỹ sư Phan Cảnh Thành, dự án rừng phòng hộ Tương Dương, bị bầm dập, khốn đốn vì tố giám đốc Chu Văn Hùng đã lập trạm và cột mốc “ma”, khai gian diện tích để rút tiền nhà nước. Sau khi nhận ban khen, kỹ sư Thành bị giám đốc Hùng đưa ra hội đồng kỷ luật 9 lần nhưng việc xử phạt không thành. Sau đó, kỹ sư Thành bị đày đi 6 lần, thuyên chuyển vì công vụ, từ trưởng trạm xuống làm nhân viên cách xa nhà ở huyện 60km.
Ông Dương Đình Dần, phó ban Văn hoá huyện Kỳ Sơn phanh phui vụ chủ tịch huyện lợi dụng việc mở con đường vào rừng để khai thác gỗ lậu. Chủ tịch huyện và một số cán bộ liên hệ bị kỷ luật. Ông Dần thay vì được thưởng, nhưng bị huyện ủy khai trừ ra khỏi đảng với lý do “viết đơn vượt cấp làm mất uy tín lãnh đạo”
Việc tố cáo tham nhũng bị hành hung, khủng bố, trù dập không thể kể ra hết được.
3.3. Phỏng vấn ký giả chống tham nhũng bị tạt acid
Ngày 21-6-2012, bà Trà Mi của đài VOA có cuộc phỏng vấn ông Trần Quang Thành, nhà báo chống tham nhũng bị tạt acid. Ông Thành, hiện đang định cư ở Slovakia, bị tạt acid khiến dung mạo trở thành dị dạng, thân thể bị hũy hoại 81%, mất cả đôi môi và mũi, một mắt bị mù, thị lực chỉ còn 1/10.
Ký giả Trần Quang Thành chống tham nhũng bị tạt acid


Ông Trần Quang Thành đã phanh phui nhiều vụ tham nhũng, những bài viết tố cáo đường dây buôn phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài làm mãi dâm. Hệ thống tội ác bao trùm trên cả nước, từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ, đưa phụ nữ và trẻ em sang Campuchia, Malaysia, Trung Cộng làm mãi dâm.
Ông Thành cho biết, hậu quả của việc tố tham nhũng là cha con ông bị đuổi việc, bị hăm dọa, khủng bố tinh thần và sau cùng là bị tạt acid.
3.3.1. Bị Công An lừa và không được an thân ở nước ngoài
Sau khi bị hại, công an cho biết là sẽ lập ban chuyên án điều tra tìm ra thủ phạm và phá vở đường dây, nhưng chờ đợi suốt hơn một năm mà chẳng thấy động tịnh gì cả, hoá ra công an bịt đầu mối, bởi vì những kẻ phạm pháp được bảo kê, bao che. Ông khiếu nại thì lại bị đe dọa, cho nên phải trốn ra nước ngoài.
Ông đến toà đại sứ Slovakia ở Thái Lan để xin đoàn tụ với người con gái ở quốc gia nầy. Ra nước ngoài tưởng được an thân, nhưng ông lại bị những sức ép khác. Đó là những lãnh đạo Hội người Việt ở Slovakia cũng là tay chân của những người trong nước, và cả sứ quán VN cũng vậy. Họ lại áp lực con tôi.
3.3.2. “Tôi thấy buồn cho báo chí Việt Nam”
“Bây giờ tôi thấy buồn cho báo chí Việt Nam. Họ chỉ đi sâu vào những chuyện vô thưởng vô phạt, như một hoa hậu đi bán dâm, khai thác những chuyện dâm ô, tình dục trong phòng the. Bây giờ chuyện Vinalines có ai dám làm không? Vụ PMU-18 mở ra rồi đóng lại. Mở vụ Năm Cam ra rồi đóng cửa luôn, mặc dù còn biết bao nhiêu vụ Năm Cam và vụ Vinashin khác.
Nhà nước bịt mồm báo chí bằng Chị thị 239, chỉ cho phép báo chí nói đến sau khi vụ án kết thúc và đã được toà xét xử. Về phần các cơ quan, thì chỉ có người phát ngôn chính thức mới được trả lời báo chí mà thôi”.
4* Búa liềm đập nhau
Cười đắc thắng
4.1. Đòn tấn công của Nguyễn Phú Trọng
Trong vụ búa liềm đập nhau, Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang nhắm vào tử huyệt của Nguyễn Tấn Dũng là tham nhũng, cụ thể là những vụ tham nhũng xảy ra trong những tập đoàn và công ty quốc doanh dưới sự quản lý của anh ba y tá.
Đòn tấn công thứ nhất của Nguyễn Phú Trọng là tước đoạt chức Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng của Nguyễn Tấn Dũng. Ban nầy trực thuộc Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Đòn thứ hai là dùng Nguyễn Bá Thanh làm vũ khí đánh vào gót chân Achilles của anh ba y tá. Gót chân Achilles là thành ngữ chỉ điểm yếu của mỗi con người.
4.2. Nguyễn Bá Thanh bị đánh phủ đầu
Chưa kịp ra quân, Nguyễn Bá Thanh bị đánh phủ đầu bằng việc phổ biến tội lãng phí làm mất tiền nhà nước đến 3,400 tỷ đồng trong vụ bán đất đai, khi Nguyễn Bá Thanh làm bí thư kiêm chủ tịch Ủy ban nhân dân Đà Nẳng. Đó là kết luận của Ban Thanh tra chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Khu đất thuộc dự án sân golf Đa Phước là một trong những dự án bị TTCP yêu cầu truy thu tiền đất
Tội lãng phí được xem như tội tham nhũng vì làm mất tiền của nhà nước, chỉ khác là tham nhũng ăn cắp tiền cho bản thân, trái lại, lãng phí là quản lý kém hoặc làm sai chính sách nhà nước.
4.3. Nguyễn Bá Thanh bị trận đòn thứ hai
Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ rớt trong cuộc bỏ phiếu bầu bổ sung Bộ Chính trị
Nguyễn Phú Trọng ra chiêu hai đòn, Ba Dũng cũng trả lại hai đòn, chưa phân thắng bại, nhưng cho thấy Nguyễn Bá Thanh không chiếm được thế thượng phong để diệt trừ tham nhũng. Con đường còn nhiều đấp mô, gập ghềnh. Đó là Nguyễn Bá Thanh không được cho vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành TW Đảng.
Tại Hội nghị TW Đảng lần thứ 7 diễn ra từ ngày 2-5-2013 đến ngày 11-5-2013, con gà của Nguyễn Phú Trọng không được bầu vào Bộ Chính trị khoá XI, có tổng số 16 ủy viên. Như vậy cho thấy tập đoàn tham nhũng vẫn còn ở thế mạnh cho nên không biết việc chống tham nhũng sẽ ra sao?
4.4. Quyền lực của Ban Nội Chính Trung Ương Đảng
4.4.1. Ban Nội Chính
Ban Nội Chính TW Đảng trực thuộc Ban Chấp Hành Trung Ương gồm 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết. Ban nầy được tái lập do Quyết định số 158-QĐ/TW của Bộ Chính Trị, ký ngày 28-12-2012, ban gồm có 108 thành viên.
Trưởng ban: Nguyễn Bá Thanh
4 Phó Trưởng ban: Phan Đình Trạc, Nguyễn Doãn Khánh, Phạm Anh Tuấn, Lê Minh Trí.
4.4.2. Nhiệm vụ của Ban Nội chính
1). Nhiệm vụ 1.
Đề xuất lên Bộ Chính trị, lên Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng:
  • Về việc xây dựng luật pháp chủ yếu là phòng chống tham nhũng.
  • Về việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan được xác định, gồm có: Viện Kiểm Sát Nhân dân tối cao, toà án, tư pháp, công an, quân đội.
Đề xuất là đề nghị chớ không có quyền quyết định. Đề nghị lên Bộ Chính trị gồm 16 ủy viên, mà hiện nay bộ nầy có khuynh hướng không ưa “chuyên gia chống tham nhũng” Nguyễn Bá Thanh, cụ thể là không cho ông ta vào Bộ CT.
2). Nhiệm vụ 2.
Nhiệm vụ thứ hai là: kiểm tra, giám sát, theo dõi các cấp ủy. Chỉ đạo, hướng dẫn, xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, được Ban Bí thư và Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng giao cho.
“Nhiệm vụ xử lý được Bộ Chính trị giao cho”, nhưng Bộ CT gồm 16 ủy viên lại cũng không ưa ông Thanh, cho nên chưa chắc gì họ giao cho xử lý những vụ án có liên đến nhóm tham nhũng gộc.
Bộ Chính trị gồm 16 ủy viên. Hai tân ủy viên là Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thị Kim Ngân.
Ban Bí thư 11 người gồm có: Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư), Trương Tấn Sang, Lê Hồng Anh (Thường trực Ban Bí thư), Tô Huy Rứa, Ngô Văn Dụ, Đinh Thế Huynh, Ngô Xuân Lịch, Trương Hoà Bình, Hà Thị Khiết, Nguyễn Thị Kim Ngân (UV/BCT, Phó Chủ tịch Quốc hội) và Trần Quốc Vượng.
3). Nhiệm vụ 3
Tham gia ý kiến trong việc bổ nhiệm, khen thưởng và kỷ luật về những chức danh thuộc Bộ Chính trị, thuộc Ban Bí thư, các kiểm sát viên thuộc Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao, thẩm phán toà án tối cao. (*Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là cơ quan trực thuộc Quốc hội Việt Nam, có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố Nhà nước)
Xem qua 3 nhiệm vụ nêu trên thì thấy toàn là nhiệm vụ chung chung, quyền hạn không rõ ràng, như đề nghị, kiểm tra theo dõi, tham gia góp ý…mà không thấy có một quyền quyết định nào cả. Do đó, việc chống tham nhũng của Ban Nội chính cũng mù mờ chung chung.
4.4.3. “Hốt hết bầy sâu làm nghèo đất nước”
Ngày 10-1-2013, với tư cách Trưởng Ban Nội Chính TW Đảng, trước hết ông Nguyễn Bá Thanh chiếu cố đến những bê bối rõ ràng của ngành ngân hàng, đã tạo ra những khoản nợ xấu khổng lồ làm mất tiền nhà nước (200,000 tỷ), xuất tiền cho vay mà không đòi lại được. Ông tuyên bố: “Sắp tới tôi sẽ rà vô một số cái ngân hàng, “cho hốt liền, không nói nhiều”.
1). Ngân hàng nâng giá khống
Những bê bối của ngân hàng là “nâng giá khống” các tài sản được dùng để thế chân khi vay tiền, được cố ý nâng lên cao hơn số vốn thật sự, căn cứ vào đó nhận tiền hối lộ, gọi là trả ơn. Ví dụ cụ thể như, một miếng đất hay một công ty có số vốn thật sự là 100 tỷ, thì chỉ được vay 60 tỷ. Nhưng ngân hàng cố tình nâng giá từ 100 tỷ lên thành 500 tỷ để được vay 300 tỷ, và tay tham nhũng của ngân hàng đớp 100 tỷ. Công ty đi vay ký nhận thiếu nợ 300 tỷ nhưng thật sự chỉ nắm trong tay có 200 tỷ mà thôi. Với số vốn thật sự 100 tỷ của công ty, của miếng đất, cho dù ngân hàng có xiết nợ, tịch thu tài sản của công ty, đem ra bán đấu giá thì cũng không thu về đủ số tiền mà ngân hàng đã xuất ra là 300 tỷ. Hơn nữa, lãnh đạo tham nhũng của ngân hàng cũng không dám làm mạnh, vì đã đớp 100 tỷ rồi.
Sâu tàng hình hóa ra muôn ngàn vòi bạch tuộc vào các ngân hàng cuỗm đi hơn 200.000 tỉ nợ xấu
2). “Cho hốt liền” không phải dễ
Tội ngân hàng nâng giá ẩu thì có thật, nhưng muốn hốt không phải dễ, bởi vì muốn bắt bỏ tù một người thì phải theo tiến trình của những bước pháp định. Đó là chỉ có cơ quan điều tra của Bộ Công An mới có quyền điều tra. Sau khi điều tra xong, chuyển hồ sơ qua Viện Kiểm Sát Nhân Dân để viện nầy thực thi quyền pháp định là quyền công tố, (vai trò của biện lý buộc tội) đưa qua tòa án khởi tố những tội do công an điều tra kết luận, để toà xét xử và kết án, có tội hay vô tội.
Cơ quan Điều tra thì thuộc Bộ Công An, toà án thì thuộc Bộ Tư Pháp, mà hai ông bộ trưởng nầy dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ban Nội Chính thuộc về mặt Đảng, nhưng Đảng chỉ lãnh đạo chớ không cai trị. Ban Tổ Chức Đảng có quyền cách chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ đảng viên, nhưng không có quyền xét xử bắt bỏ tù. Trong tình trạng Đảng và Chính phủ đang đối đầu nhau như hiện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không nắm được đa số ủy viên trong Bộ CT cho nên Nguyễn Bá Thanh khó thực hiện được việc “hốt liền, không nói nhiều”.
5* Chủ tịch nước bị tấn công
5.1. Trương Tấn Sang tuyên bố
Nói về tham nhũng, Trương Tấn Sang tuyên bố với cử tri “Một con sâu cũng đủ chết, cả bầy sâu như thế nầy thì dân chịu sao nổi”.
Ngày 18-10-2012, Chủ tịch nước tuyên bố: “Khi thấy mình nhu nhược thì tôi sẽ làm đơn xin nghỉ, thậm chí về quê trả lại nhà cho đảng, nhà tôi nhỏ thôi, chỉ 51 mét vuông. Khi về hưu tôi sẽ không lấy một mét đất nào cả”.
5.2. “Chủ tịch Sang thực sự có bao nhiêu nhà?”
Ngày 2-5-2013, một bài viết ghi tên tác giả là “Hai Hoang Van” với tựa đề là: “Chủ tịch Sang thực sự có bao nhiêu nhà?”.
Trúc Giang MN xin trích các đoạn như sau:
“Bất cứ ai sống ở khu vực Thạch Thị Thanh, phường Tân Định, quận 1 Sài Gòn, đều biết ông Sang có 3 căn nhà và con trai ông là Trương Tấn Sơn có một công ty to đùng cũng nằm trên đường Thạch Thị Thanh.
  1. Căn thứ nhất.
Địa chỉ ở số 60 đường Thạch Thị Thanh. Diện tích 51m2 gồm có tầng trệt, 3 lầu + sân thượng, diện tích xử dụng 255m2. Giá 12 tỷ đồng. Tư Sang, vợ, con và cháu đăng ký hộ khẩu tại nhà nầy. Căn nầy do đảng cấp.
  1. Căn thứ hai
Căn nhà 17/51 Thạch Thị Thanh hiện đang được em gái Trương Tấn Sang cho thuê 2.000 USD/tháng
Địa chỉ số 17/51 đường Thạch Thị Thanh. Diện tích 105m2, gồm 1 hầm, 1 trệt, 1 lửng, 4 lầu + sân thượng. Diện tích xử dụng 720m2. Giá thị trường 21 tỷ đồng. Đây là căn nhà được đảng cấp năm 1979 khi làm giám đốc nông trường Phạm Văn Hai. Năm 1992 khi làm Bí thư thành ủy Sài Gòn, thì ông đột ngột tặng căn nhà nầy cho em gái ruột là Trương Thị Hồng Huệ, làm việc ở Hải quan. Hiện nay không biết căn nhà số 17/51 nầy do ai đứng tên, nhưng em gái ông Sang đang cho thuê 2,000 đô là một tháng.
  1. Căn nhà thứ ba
Căn nhà thứ ba ở địa chỉ 29/5C đường Thạch Thị Thanh. Diện tích 90m2 gồm: tầng trệt, 3 lầu + sân thượng. Diện tích xử dụng 480m2. Giá thị trường là 10 tỷ đồng.
Hai căn nhà số 17/51 và 29/5C nằm liền kề bên nhau và ăn thông nhau thành hình chữ L.
    1. Căn nhà thứ tư


Chung cư cao cấp Imperia An Phú (Quận 2)
Hai căn hộ Penthouse liền kề nhau, số 2201 và 2202 ở tầng thứ 22 của chung cư A2, là chung cư cao cấp tên Imperia An Phú. Diện tích 300m2. Giá thị trường 20 tỷ đồng. Đây là căn hộ siêu sang trọng do vợ chồng đứa con trai tên Trương Tấn Sơn đứng tên. Sơn “Nhớt” vừa du học ở Anh về, chưa làm ra tiền thì lấy tiền ở đâu mà mua căn hộ 20 tỷ như thế?”
Tác giả bài viết đặt câu hỏi: “Ông Trương Tấn Sang có thật sự là liêm khiết như ông đã nói hay không? Hay ông chính là một con sâu cực lớn, giỏi đánh võ mồm, khéo che đậy, và quen thói mị dân, côn đồ, nham hiểm?. Đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, kiểm tra tài sản của Trương Tấn Sang, Trương Tấn Sơn, Trương Thị Hồng Huệ và những người khác trong gia đình để sớm trả lời trước nhân dân”.
Cuối cùng tác giả viết: “Kính thưa Chủ tịch nước, nhân dân không trách ông có nhiều nhà, nhưng nhân dân căm thù và phỉ nhổ ông vì ông quá xảo trá, diễn kịch quá trơ trẻn, chuyên dùng mỹ từ để lừa dối cấp trên, lừa gạt đồng chí, đồng đội, và quen thói mị dân, côn đồ, nham hiểm”. (Hết trích)
Chưa bao giờ thấy một Chủ tịch nước bị chửi nặng nề đến như thế, chưa bao giờ thấy các lãnh đạo đảng CSVN chơi nhau cạn tàu ráo máng đến như thế, điều nầy chứng tỏ đảng CSVN đã đến thời kỳ bệ rạc nhất và mạt rệp như hiện nay.
Sự thật về nhà cửa của Chủ tịch nước chưa rõ trắng đen ra sao, nhưng chắc chắn là người dân vẫn còn nghi ngờ, bởi vì không có tên nào trong cái đảng đã có thành tích cướp của giết người, là tốt đâu.
6* Những vụ tham nhũng động trời của chế độ Cộng Sản VN
6.1. Chủ tịch nước và Thủ tướng tham nhũng
Vì Chủ tịch nước và Thủ tướng tham nhũng, cho nên ai chống tham nhũng là xem như tự sát.
6.1.1. Chủ tịch Trần Đức Lương tham nhũng
Hy sinh đời bố, củng cố đời con.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương lảnh lương tháng 260 đô la mà có khối tài sản khổng lồ.
  • Năm khách sạn 5 sao, từ Hà Nội đến Sài Gòn
  • Sáu hecta đất vàng ở khu du lịch Đồng Mô, Hà Tây
  • 200 mét vuông đất vàng ở khu du lịch Tuần Châu, Quảng Ninh.
  • Hàng triệu đô la ở ngân hàng ngoại quốc.
  • Lấy công quỹ 3 tỷ đồng để sửa nhà riêng.
Cựu Trung tướng Đặng Quốc Bảo công khai chất vấn, thì Chủ tịch nước trả lời tĩnh khô: “Tôi cũng muốn trước khi về hưu, kiếm lấy một chút làm vốn cho vợ con sau nầy. Hy sinh đời bố, củng cố đời con”.
6.1.2. Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham nhũng
Võ Văn Kiệt là nhân vật chánh trong vụ tham nhũng hàng chục triệu đô la trong dự án xây dựng đường dây dẫn điện cao thế 500KV từ Bắc vào Nam, dài 1,487km.
Vợ là bà Phan Lương Cầm cung cấp 4,000 tấn sắt thép dỏm mà tính tiền theo sắt thép “cao cấp” để thu tiền sai biệt 3.1 tỷ đồng. Ngoài ra còn nhiều vụ tham nhũng khác qua việc làm trung gian ăn lời 10% các hợp đồng của các công ty với nhà nước. Người cơn rơi của Thủ tướng Kiệt là Phan Thanh Nam cũng nổi tiếng là trùm Mafia, chuyên áp phe với các công ty ngoại quốc ăn hoa hồng, thu hoạch 30 triệu đô la. Thanh Nam sở hữu công ty Tracodi, đầu tư vào nhiều ngành như giao thông, du lịch, công nghiệp với số vốn hàng triệu đô la. Nam làm chủ khách sạn Plaza, bãi tắm Ty-Tốp Beach.
Cựu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói: “Muốn bài trừ tham nhũng thì phải bài trừ vợ chồng nhà nầy trước”. (Võ Văn Kiệt và vợ là Phan Lương Cầm).
6.2. Những vụ tham nhũng khác
Tổng Bí thư nào cũng tuyên bố quyết tâm diệt trừ tham nhũng, nhưng càng diệt, thì tham nhũng càng tăng. Ngoài những vụ tham nhũng bị phanh phui, còn biết bao nhiêu vụ được ém nhẹm, bưng bít, vì lý do là nếu để lọt vụ việc ra ngoài thì “đảng mất uy tín”. Những vụ tham nhũng nổi tiếng như sau:
Vụ EPCO-Minh Phụng (Tháng 5 năm 1999). Vụ PMU-18 (Project Management Unit số 18). Vụ Huỳnh Ngọc Sỹ nhận hối lộ của công ty Nhật PCI (Pacific Consultants International). Vụ Đề án 112 Tin học hoá hệ thống hành chánh nhà nước từ tháng 7 năm 2001. Vụ tham nhũng ngay tại Văn phòng Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Lâm đi “thu hụi chết” bỏ quên trên phi cơ 10,000 đô la và 20 triệu đồng VN. Lúc đó Nguyễn Tấn Dũng làm Phó Thủ tướng của Phan Văn Khải. Vụ đại tá tình báo Lương Ngọc Anh nhận hối lộ công ty in tiền Polymer ở Úc tên là Securency (tháng 7 năm 2011) trong thời gian Nguyễn Tấn Dũng làm Thống Đốc Ngân hàng nhà nước. Vụ Nexus Technologies ở Mỹ, đưa hối lộ cho cán bộ VC mà bị cáo là 3 anh em nhà họ Nguyễn, Nam Nguyễn, Kim Anh Nguyễn và An Nguyễn, đã đưa 250,000 đô la từ 1999 đến 2008.
7* Việt Nam tham nhũng hơn Trung Cộng
Đài BBC đưa tin, bảng đánh giá mới nhất của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) cho thấy VN tham nhũng hơn Trung Cộng. Việt Nam đứng thứ 123/163 quốc gia. Trung Cộng xếp thứ 72/163.
Mỗi năm tham nhũng ở VN gia tăng như sau: Năm 2010: hạng 112/176. Năm 2011: sụt xuống ở hạng 116/176. Năm 2012: hạng 123/163.
Bảng xếp hạng của một số quốc gia như sau:
Quốc gia ít tham nhũng nhất:
  • Băng Đảo: hạng 1/163 * New Zealand: 1/163 * Singapore: 5/163 * Thụy Điển: 6/163 *Thụy Sĩ: 7/163 * Úc: 9/163.
Những quốc gia tham nhũng nhất thế giới:
  • Campuchia hạng: 157/163 * Miến Điện: 163/163 *
Những quốc gia khác:
  • Hoa Kỳ: 20/163 * Nga: 121/163. (Như vậy, Nga được trên VN 2 bậc)
7.1. Những lãnh đạo Đảng công nhận Việt Nam tham nhũng
- Cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu:“Tham nhũng ở nước ta là do cơ chế và con người”.
-Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ám chỉ Nguyễn Tấn Dũng tham nhũng:“Bản thân mỗi đồng chí và vợ con phải giữ gìn sự trong sạch rồi mới nói tới việc chống tham nhũng được, nếu không, thì nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể chống tham nhũng được”.
-Trương Tấn Sang:“Một con sâu cũng đủ chết, cả bầy sâu như thế nầy thì dân chịu sao nổi?”
-Tướng Nguyễn Chí Vịnh: “Có thể đất nước ta có tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, một bộ phận suy thoái đạo đức, nhưng tuyệt đại đa số nhân dân không ai quên lợi ích quốc gia, dân tộc”.
-Nguyễn Bá Thanh:“Hốt hết bầy sâu làm nghèo đất nước”.
7.2. Cái lý tưởng Cộng Sản thua đồng tiền
Giáo dục CSVN nhồi sọ thế hệ thanh niên, ra sức phấn đấu để được kết nạp vào đảng, thực hiện lý tưởng Cộng Sản, nhưng cái lý tưởng nầy đã bị “tiêu tùng” từ lâu, nó là trừu tượng, mà đồng tiền mới là cụ thể và thực tế. Người dân dưới chế độ Cộng Sản đánh giá sức mạnh của đồng tiền như sau: “Tiền là tiên là Phật* Là sức bật của con người* Là tiếng cười của tuổi trẻ* Là sức khoẻ của tuổi già* Là cái đà của danh vọng* Là cái lộng để che thân* Là cán cân công lý* Là thắm tình đồng chí* Tiền là hết ý!”
10* Kết luận
Ở Việt Nam, chống tham nhũng là tự sát, là xanh cỏ hơn đỏ ngực. Xanh cỏ là mồ xanh cỏ, đỏ ngực là được thưởng huy chương. Vì Chủ tịch nước và Thủ tướng tham nhũng thì có ai dám đụng tới đâu? mà nếu nhắm mắt làm liều thì chỉ lãnh thẹo là cái chắc thôi.
Mỗi quận huyện, tỉnh thành đều có các tổ chức đảng ủy, chi bộ đảng, chỉ đạo bộ máy hành chánh của các ủy ban nhân dân trong hệ thống. Các cấp ủy là những thủ trưởng của các cơ quan như công an, phường đội, viện kiểm sát Nhân dân, và các ban ngành chuyên môn. Họ làm việc tập thể, cùng tham nhũng, đoàn kết lại, bao che và bảo vệ cho nhau, bảo vệ đảng để được an toàn tánh mạng, tài sản được bảo đảm. Tham nhũng bảo vệ đảng là thế. Tham nhũng càng nhiều thì đảng càng tồn tại lâu dài.
Ngày nay, tội phạm tham nhũng tha hồ rỉ tai nhau, cùng nhau làm tới, trời mưa có ô, dù, trời lạnh có áo ấm, đau ốm có thuốc men. Hy sinh đời bố củng cố đời con là phương châm.
Việc Nguyễn Bá Thanh không được cho vào Bộ CT cho thấy tham nhũng đang ở thế mạnh và ông Thanh rất khó diệt được những con hổ, chỉ bứng những con mèo mắc mưa hoặc hạng tôm tép, ruồi muổi thôi.
Vậy có thể nói, chống tham nhũng là tự sát, là xanh cỏ hơn đỏ ngực thì cũng đúng thôi.
Trúc Giang
Minnesota ngày 31-5-2013

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.