Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Tuesday, 16 April 2013

Tháng Tư Dồn Dập


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama Một loạt chuyển biến có tính cách lịch sử trọng đại đã diễn ra dồn dập chỉ trong một ngày, tác động đến bao nhiêu điều người ta tưởng là bế tắc, ngưng đứng muôn thuở, khiến cho người ta chỉ có thể nghĩ đến những mỹ từ như “điên rồ” (crazy), “dơ bẩn” (dirty), “xấu xa” (ugly) khi nói về những người ở Washington, D.C. Nay thì dường như những người lãnh đạo chính trị đất nước trên cả ba ngành lập pháp-hành pháp-tư pháp đều đã hiểu rằng đất nước này cần đi tới, vì đứng yên một chỗ là đi thụt lùi trong thế giới ngày nay. Nước Hoa Kỳ vĩ đại này cần tỏ ra xứng đáng trong vai trò lãnh đạo một thế giới đang tơi tả vì khủng hoảng kinh tế, vì chiến tranh, vì bạo loạn, vì độc tài chuyên chế theo định hướng kinh tế thị trường khắp nơi… Cho nên, những nhà chính trị dân cử trực tiếp hay gián tiếp của chúng ta rõ rệt đang có nhiều hành động nhằm củng cố, tăng cường chế độ, đất nước, xã hội, gia đình, những giá trị truyền thống của nước Mỹ …
Thông qua ngân sách
Tổng thống Barack Obama và phía Cộng Hòa đang nắm đa số tại Hạ Viện đã đạt được một thỏa thuận lịch sử khi hai bên đồng ý thông qua ngân sách cho năm tới 2014, năm tài chánh bắt đầu từ ngày 1-10 năm nay, trong đó có những điều khoản về giảm thuế cho giới doanh nghiệp và thành phần có lợi tức cao, đồng thời tăng chi ngân sách dành cho những khoản phúc lợi xã hội. Ngõ lời với báo chí tại Vườn Hồng trong Nhà Trắng, ông Obama nói: “Thỏa thuận hôm nay chứng tỏ rằng khi đôi bên chia sẻ thiện chí tìm một hướng ra cho đất nước, thế nào cũng có thể có sự thỏa hiệp phù hợp với ý nguyện của đôi bên”.
Theo thỏa thuận này, phía Cộng Hòa đã rút lại đòi hỏi phải cắt 5 ngàn tỷ chi tiêu ngân sách trong thời gian 10 năm tới. Ngược lại, Tổng thống Obama và những người lãnh đạo Dân Chủ tạị lưỡng viện đã rút yêu sách là phải tìm cách tăng thu từ phía những người có lợi tức cao và những doanh nghiệp mà mức thuế hiện nay được xem còn thấp. Bế tắc đã kéo dài trong nhiều năm qua chính là ở chỗ phải giải quyết thế nào tình trạng ngày càng trầm trọng ngân sách thâm hụt, nợ nần liên bang gia tăng. Phía Cộng Hòa chỉ thấy có một con đường, là giảm chi tiêu của chính phủ trong những chương trình được gọi là “quyền phúc lợi”. Trong khi đó, bên Dân Chủ đòi một giải pháp thăng bằng hơn, cứ 1 đồng giảm chi thì phải có 40 xu tăng thu.
Ông Obama nay nhìn nhận rằng nếu giảm thuế cho giới kinh doanh có thể thúc đầy phát triền kinh tế, “đó là điều tôi sẵn sàng làm”. Ông còn nói thêm “Không có ý thức hệ nào lớn hơn là ý thức về lợi ích sống còn của người dân nước Mỹ”. Ông cũng cho biết phía Cộng Hòa đã đồng ý “trên nguyên tắc” chuyện phải tăng chi tiêu ngân sách cho những ngưòi thất nghiệp lâu dài cùng những người gặp cảnh ngộ khó khăn vì tình hình kinh tế, bởi vì “ngoài lý do nhân đạo, hai bên đã đồng ý về tác dụng kích thích kinh tế trong việc giúp đỡ những người không có tiền này”.
Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), ngân sách mới này trước mắt sẽ làm cho thiếu hụt đạt một mức kỷ lục là 2.2 ngàn tỷ trong năm 2014, nhưng sẽ có thể tạo thêm 3 triệu công ăn việc làm trong 5 năm, và “về lâu dài, đến năm 2050, ngân sách có thể được thăng bằng”.
Ông John Boehner, dân biểu Cộng Hòa của tiểu bang Ohio, chủ tich Hạ Viện, nói rằng “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi không còn thấy sự xa cách giữa hai đảng nữa”. Paul Ryan, cũng là dân biểu Cộng Hòa của Wisconsin, chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ Viện, từng ra ứng cử phó tổng thống cho ông Mitt Romney năm ngoái, nói rằng “đây là một bước đi đúng hướng” (a step forward in the right direction), vì nó sẽ đưa đảng Cộng Hòa “đến gần hơn với người dân bình thường ngoài đường phố” (people on the streets).

Phán quyết về hôn nhân đồng tính
Trong khi đó, Tối cao Pháp viện thông báo đã đạt được một phán quyết về hôn nhân đồng tính, nhìn nhận sự “kết hợp gia đình hợp pháp” (legal family partnership) giữa những người đồng tính, nhưng sự kết hợp này không được gọi là hôn nhân (marriage). Theo phán quyết này, được sự đồng ý của năm thẩm phán có khuynh hướng Cộng Hòa và sự chống đối của bốn thành viên được các Tổng thống Dân Chủ bổ nhiệm, những cặp đồng tính “kết hợp gia đình hợp pháp” này được hưởng đủ mọi quyền lợi như những cặp vợ chồng trong hôn nhân, bao gồm việc khai thuế chung, chia sẻ quyền bảo hiểm y tế, quyền thừa kế và hưởng các khoản phúc lợi…
Đây là một quyết định gây ngạc nhiên, bàng hoàng cho dư luận, vì người ta vẫn tưởng rằng phán quyết của tòa án tối cao này sẽ đi theo hướng hủy bỏ Sắc luật Bảo vệ Hôn nhân (Defense of Marriage Act - DOMA) được thông qua và ban hành năm 1996, và đòi hỏi liên bang phải nhìn nhận quyền hôn nhân đồng tính của những cặp đã có được giấy hôn thú từ những tiểu bang cho phép hôn nhân cùng phái này. Trước đó, người ta đã tính rằng phen này những người ủng hộ hôn nhân đồng tính sẽ thắng lớn, vì bốn thành viên Dân Chủ của tòa án này (ông Stephen Breyers, ba bà Elena Kagan, Sonia Sotomayor, Ruth Bader Ginsburg) nhận được sự ủng hộ của một thẩm phán từ bên phía Cộng Hòa là ông Anthony Kennedy. Tuy nhiên, trong những phiên họp kín, ông Kennedy lại đi tìm một giải pháp mới, và cùng với bốn thẩm phán còn lại là John Roberts, Antonin Scalia, Clarence Thomas và Samuel Alito đưa ra chữ mới là “kết hợp gia đình” thay cho chữ “hôn nhân”. Điều đặc biệt là chính thẩm phán Clarence Thomas, người da đen, nhân vật nổi tiếng trong bao lâu nay đã thủ khẩu như bình, không viết, không nói, nay lại là người viết bản luận chứng cho quyết định này.
Quyết định này trong thực tế đã không bác bỏ luật DOMA mà cũng không phải không nhìn nhận hôn nhân đồng tính – dù được gọi dưới một tên khác. Nói một cách khác, người ta vẫn dành chữ “hôn nhân” đề chỉ cho những cặp khác giới tính, và ngay cả chữ vợ hay chồng cũng chỉ dành cho những trường hợp được gọi là hôn nhân. Trong trường hợp “kết hợp gia đình” này, người ta phải dùng chữ “bạn đời” (life partners) để chỉ sự bình đẳng giữa hai người, không như vợ chồng người dưới người trên. Những qui định về ly dị, cấm đa phu hay đa thê, áp dụng cho hôn nhân đều áp dụng cho trưòng hợp kết hợp gia đình này.
Theo những nhà phân tích chính trị tại Washington, sau khi tính rằng không thề thoái thác được chuyện phải có phán quyết trong vụ án này, Tối cao Pháp viện đã tìm cách thỏa hiệp để cho tất cả những phía đối nghịch trong vụ án hôn nhân đồng tính này đều có lý do đề nói rằng mình đã chiến thắng và đối phương đã thất bại. Người ta cho rằng quyết định của tòa án này nhằm tránh sự khó xử cho phía Gíáo hội La Mã nhưng trong thực chất chẳng làm suy yếu mục đích của những ngưòi ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Kiểm soát súng
Và quyền có súng
Trong khi đó, một nhóm gồm 10 thượng nghị sĩ được gọi là Thập Nhân Bang (Gang of Ten) gồm năm người Cộng Hòa, năm người Dân Chủ, đã tìm cách tháo gỡ sự căng thẳng, bế tắc trong cuộc tranh cãi về “kiểm soát súng” và “quyền có súng” hiện nay tại cả hai viện của Quốc Hội bằng cách đưa ra một dự luật mang tính thỏa hiệp mang tên là “Tăng cường An toàn Xã hội và Bảo vệ Quyền Có Súng” (Strengthening Social Safety and Protecting Gun Rights Bill). Thượng nghị sĩ Paul Rand, người Cộng Hòa tiểu bang Kentucky, nói rằng ông hy vọng dự luật sẽ được thông qua và ban hành nhanh chóng như một hành động bước đầu trong công cuộc cải tổ luật pháp về kiểm soát súng và bảo vệ quyền có súng, “một giá trị dân tộc truyền thống của nước Mỹ”.
Then chốt của dự luật là chuyện tăng cường an ninh tại các trường học bằng một chương trình “quân sự hóa học đường” gần giống như đề nghị của Hiệp hội Súng Quốc gia (NRA) mà ông phó chủ tịch của hiệp hội Wayne LaPierre đưa ra gần đây. Theo kế hoạch này, việc trang bị vũ khí cho người trong trường sẽ được mở rộng, không chỉ dành cho nhân viên an ninh, mà còn cho các viên chức hành chánh cùng giáo viên. Những người này sẽ được thụ huấn quân sự về cách sử dụng những loại súng cá nhân có thể giữ trong người mà không bị phát hiện. Ngoài ra, các trường học từ mẫu giáo đến đại hoc đều có thể được trang bị máy điện tử phát hiện người bên ngoài vào trường có mang vũ khí (theo đề nghị này, người trong trường chỉ được nhận vũ khí phòng vệ từ kho súng của trường sau khi vào trường). Thượng nghị sĩ Harry Reid, người đảng Dân Chủ của Las Vegas, nói rằng “Đây cũng là một cách nhắc nhở học sinh nước Mỹ về lich sử oai hùng một thời của đất nước chúng ta”.
Một phần khác của dự luật này liên quan đến loại vũ khí tấn công (assault weapons). Những người bảo trợ dự luật này đề nghị rằng phải giới hạn chuyện mua và sở hữu vũ khí này chỉ trong mục đích tự vệ (self-defense), cấm tuyệt đối chuyện thủ đắc vào mục đích khác. Ý kiến này có thể vừa nhằm giải quyết một phần những đòi hỏi của một số nhà dân cử phải cấm tuyệt đối vũ khí tấn công, tức súng bán tự động với những dây đạn có cả trăm viên, vừa làm hài lòng những người buôn bán không muốn hạn chế chuyện mua bán súng. Cũng theo dự luật này, do đó, súng tấn công dùng trong mục đích tự vệ phải được cất giữ tại những nhà kho chứa súng do chính quyền quản lý (?).
Bà Diane Fenstein, thượng nghị sĩ Dân Chủ của tiểu bang California, người từng bảo trợ một dự luật nay bị xếp xó chống lưu hành vũ khí tấn công, đã từ chối tham gia nhóm này và gọi đây là những ý kiến “điên rồ, ngu xuẩn”. Bà Gabrielle Giffords, cựu dân biểu đảng Dân Chủ của thành phố Tucson, Arizona, từng bị một tên điên bắn vào đầu, đã lắc đầu nói “Nếu còn ở Hạ Viện, chắc tôi phát điên mất”.

Cải tổ chế độ di dân
Cuối cùng là chuyện “Bát Nhân Bang” – nhóm tám thượng nghị sĩ bốn Cộng hòa bốn Dân Chủ - đã hoàn thành dự thảo một đạo luật về cải tổ chế độ di dân. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người Cộng Hòa tiểu bang Florida, nói rằng tám người trong nhóm này đã tranh luận với nhau “tới nơi tới chốn” trước khi đồng ý “từng câu từng chữ” dự luật này. Ông Jeff Flake, người Cộng Hòa từ Arizona, nói rằng dự luật đã tìm cách thỏa hiệp ý muốn của cả hai đảng: không nhanh quá như Cộng Hòa muốn, không chậm quá như Dân Chủ đòi hỏi; chú trọng về chuyện ưu tiên cho người có trình độ tay nghề nhưng không cạnh tranh công việc với người Mỹ đang thất nghiệp, và cũng không quên những người đang được chờ đoàn tụ gia đình một cách hợp pháp. Ưu tiên cũng dành cho những người không nói được tiếng Mễ, để làm giảm bớt áp lực của người Latino hay Hispanic trong đám di dân mới.
Theo dự thảo, dựa trên ước tính hiện có khoảng 4.3 triệu người đã nộp đơn xin nhập cảnh vào nước Mỹ theo diện thân nhân bảo lãnh và 12 triệu di dân bất hợp pháp, tỷ lệ giải quyết hàng năm sẽ là một thân nhân và ba người lậu. Tuy nhiên, những người lậu sẽ chỉ được xét sau khi đã qua một sát hạch tay nghề và chứng tỏ được có kỹ năng lao động cao trong các ngành như thu hoạch nông phẩm, phục vụ tại khách sạn, nhà hàng, xây dựng, làm đường… là những việc làm vẫn được xem ngoài tầm mắt của những người da trắng – cho dù một số những người này có thể thất nghiệp, không có mấy tay nghề và học thức, và đang nhận trợ cấp xã hội của chính phủ.

Trước những chuyện xảy ra dồn dập như thế trong ngày đầu tháng, dư luận xôn xao, bàn tán, sôi nổi, người thì hy vọng, lạc quan, tin tưởng, người thì nghi ngại, phân vân, lo âu. Đến mức có những chuyện quan trọng cùng ngày người ta không đề ý đến, chẳng hạn như lời tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư của Đảng Cộng Sản Việt Nam: “Mọi thay đổi trong Hiến Pháp hiện hành của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phải bắt đầu bằng việc duy trì Điều 4 của Hiến Pháp này”. Hay một tin sét đánh ngang tai, được tiết lộ đúng ngày 1-4: “Cô đào Lindsay Lohan có bầu” – đúng là một vụ án không có thủ phạm!
HOÀNG NGỌC NGUYÊN

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.