50 năm sau “Sổ tay” viết lại
Người Việt tàn sát Người Việt (Bài 3)
Ký giả quân đội Phạm Huấn (Hình PH)
Ký giả dân sự Nguyễn Tú (Hình BBC)
21-3-75: Thiệt hại về người và võ khí
Theo ghi nhận của Phạm Huấn vào ngày thứ 5 của cuộc di tản trên Liên Tỉnh Lộ số 7: “80%
lực lượng chiến xa nặng M-48, M-41 và những khẩu đại bác khổng lồ 175
ly của Quân Đoàn II bị tiêu huỷ. Hàng trăm ngàn tấn chiến cụ trở thành
tro bụi. Đoàn quân tinh nhuệ mũ nâu Biệt Động Quân, với 7 Liên Đoàn,
quân số khoảng 10 ngàn, bị thiệt hại gần một nửa. Đa số, nếu không muốn
nói là hầu hết, không được chiến đấu trực diện với quân thù trong trận
cuối cùng. Họ chết tức tưởi, oan nghiệt bởi những trận mưa pháo của Bắc
quân!”
17 giờ 30: “4 trái bom của Không
Quân (VNCH) thả trúng vị trí phòng thủ của 2 Tiểu Đoàn BĐQ có chiến xa
bảo vệ – 4 chiến xa M-48 bị cháy. BĐQ thiệt hại rất nặng.”
22-3-75: Mặt trận Khánh Dương bùng nổ. Khánh
Dương là một quận ở phía Đông Ban Mê Thuột, phía Nam Phú Yên, và Tây
Bắc Nha Trang, thuộc tỉnh Khánh Hoà. Kế hoạch của Tổng Thống Thiệu là
rút từ Cao Nguyên Kontum-Pleiku ở phía Bắc xuống duyên hải, đánh chiếm
lại Ban Mê Thuột, rồi cố giữ từ Tuy Hoà, xuống phía Nam. Lãnh thổ VNCH
sẽ còn khoảng từ Vĩ Tuyến 12 tới Cà Mâu. Nhưng Bắc quân đã dốc toàn lực,
mở mặt trận Khánh Dương, tiến thẳng xuống Nha Trang.
Theo Phạm Huấn: “22-3-75, ba Sư
Đoàn chính quy Cộng Sản Bắc Việt kéo về Khánh Dương, với ý đồ tiến thẳng
xuống miền Duyên Hải, và đánh chiếm Nha Trang. Nha Trang mất, đương
nhiên Bình Định Phú Yên mất theo”.
“Đúng 7 giờ 30 sáng, một “trận địa
chấn” kinh hồn. Hàng ngàn trái đại bác của địch nã vào trên tuyến phòng
thủ. Sau đó là chiến xa, và biển người”.
“9 giờ 05, Cộng quân bắn đại bác
122 ly vào Chi Khu Khánh Dương. Có báo cáo 12 chiến xa BV xuất hiện gần
Khánh Dương. Địch không nguỵ trang, tiếp tục tiến về Khánh Dương”.
10 giờ, Lực lượng Chi Khu Khánh Dương bỏ chạy.
11 giờ 45: Nhẩy Dù yêu cầu Không Quân đánh một đoàn chiến xa BV, khoảng 20 chiếc, đang tiến về phía đèo M’Drak.
14 giờ 00: Một phản lực cơ rớt tại mặt trận Khánh Dương.
14 giờ 15: Thêm 7 chiến xa BV xuất hiện tại Bắc Khánh Dương.
16 giờ 00: Tại mặt trận Khánh Dương,
có rất nhiều chiến xa đủ loại của BV xuất hiện. Phía ta, chỉ có Thiết
Vận Xa M-113 chở quân; không có chiến xa nào thuộc loại M-48, M-41.
Ghi nhận vào cuối ngày:
- Đoàn quân di chuyển về Phú Yên vẫn ngưng tại chỗ.
- Địa Phương Quân Ninh Thuận và Khánh Hoà bị thiệt hại nặng.
- Mặt trận Khánh Dương nặng nề. Chiến
xa và những đoàn xe chở Cộng quân tiến tới từ khắp hướng: Bắc, Đông và
Tây. Nhờ các phi công phản lực A-37 đã chặn được sức tiến quân vũ bão
của địch.
Cùng ngày 22 tháng 3, Nguyễn Tú ghi
lại tình cảnh của hàng ngàn người dân khốn khổ, đi theo đoàn quân di tản
từ Cao Nguyên xuống Duyên Hải. Qua bài báo 3 cột trang nhất, tựa đề Cả
trăm ngàn người kẹt lại Cung Sơn đang đỏ mắt nhìn về phía biển, trên
Chính Luận , số báo đề ngày 25-3-75, nguyên văn như sau:
CUNG SƠN, 22-3.- Đoàn quân xa và
dân xa di tản từ Kontum, Pleiku, Phú Bổn từ Chủ Nhật 16-3 đã tới địa
phận Sơn Hoà thuộc tỉnh Phú Yên. Quận lỵ quận Sơn Hoà mang tên Cung Sơn,
cách Tây tỉnh lỵ Tuy Hoà khoảng 60cs. Hiện còn ba đoàn gồm hàng ngàn
quân và dân xa đậu tại ba đoạn khác nhau trên Tỉnh Lộ 7, giữa khoảng
Cung Sơn và Tuy Hoà.
Các đoàn xe đã phải đổ hai cái dốc
trước khi tới bờ Sông Ba để qua sông sang Quận Hiếu Xương, cũng thuộc
tỉnh Phú Yên. Hai cái dốc đó, một cái dốc tới 60 độ, một cái tới 45 độ,
đã gây cho một vài chiếc quân xa và dân xa khi đổ dốc mất thăng bằng lâm
nạn, do đó cảnh kẹt xe thêm trầm trọng. Nhưng rồi những chiếc xe lâm
nạm đã tự gây thêm chết chóc đó cũng được kéo qua bên để các đoàn xe sau
từ từ đổ hai dốc.
Hiện Công Binh của ta đang trải những
vỉ sắt trên khúc Sông Ba nơi nước tương đối cạn. May là mùa khô nước
cạn, nếu gặp mùa mưa thì đoàn xe khó có lối thoát. Một số gia đình binh
sĩ và các thương binh khoảng 500 người đã được trực thăng cấp cứu di tản
về Tuy Hoà.
Cả trăm ngàn người, hàng ngàn quân xa
và dân xa vẫn còn bị kẹt bên bờ Sông Ba, trong khi quân tỉnh đội Cộng
Sản tại Phú Yên phục kích một quãng đường dài 10cs cách Tây Tuy Hoà
khoảng 15 cs. Thành phần Cộng Sản phục kích tại đoạn đường này gồm hai
tiểu đoàn địa phương K13 và 96 thuộc lực lượng tỉnh đội Cộng Sản. Địa
Phương Quân của ta tại Phú Yên được phi pháo yểm trợ đang gắng sức đánh
bật các chốt phục kích này để mở đường cho đoàn quân và dân xa chạy được
về Tuy Hoà. Cho tới hôm nay, các chốt của địch quân vẫn chưa thanh toán
được hết. Trong khi đó, Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất đã tổ chức phòng tuyến
ở đoạn hậu gồm có các chiến sĩ BĐQ và Thiết Kỵ để bảo vệ cho đoàn xe an
toàn trong lúc chờ khúc dưới được giải toả chốt của Cộng quân.
Trục giao thông từ Cung Sơn tới bờ
Sông Ba sang Quận Hiếu Xương đã được các chiến sĩ BĐQ và Thiết Kỵ giữ an
ninh cho các đoàn xe và đồng bào vượt lên trước. Đoạn hậu của lực lượng
BĐQ thuộc Liên Đoàn 22 đi bộ từ Kontum qua Pleiku, Phú Bổn, sau bảy
ngày đi bộ băng rừng, thành phần tiền phong đã bắt tay được với một đơn
vị BĐQ tại Sơn Hoà. Sư Đoàn 22 BĐQ đã băng rừng hơn 300cs dẫn dắt một số
đồng bào đông đảo chưa thể ước lượng được là bao nhiêu. Trong khi đó,
nhiều thành phần của SĐ 320 chính quy BV đang cố gắng từ Ban Mê Thuột
thốc lên bôn tập đoạn hậu, quân của Tướng Tất có nhiệm vụ trì hoãn chiến
với địch khi chúng xuất hiện. Đó là Liên Đoàn 22 BĐQ của ta như đã nói
trên. Tính tới hôm nay, vào khoảng 50 chiến sĩ của LĐ này đã hy sinh khi
chạm súng với địch quân trong cuộc băng rừng dài hơn 300cs và thi hài
họ đã được chôn cất trong rừng. Khoảng 50 chiến sĩ khác bị thương. Liên
lạc vô tuyến cho biết, tất cả 50 chiến sĩ bị thương này được các chiến
hữu dìu, cõng, cáng, không bỏ lại một ai. Do đó cuộc Đông tiến của LĐ 22
BĐQ đi hậu tập để trì hoãn chiến với địch quân đang gặp khó khăn. Cuộc
giải toả 10cs chót của Cộng quân gần thị xã Tuy Hoà phải gấp rút thanh
toán trong một hai ngày, nếu không, ta e ngại có thể bị Cộng quân pháo
kích vào các đoàn xe. Dù chỉ với cối nhẹ 60 hay 82 ly, cuộc pháo kích
này, tới nay chưa xẩy ra, có thể gây hỗn loạn và chết thảm của đám đồng
bào đã cố lết về được ranh giới miền “Tự do Dân chủ” là thị xã Tuy Hoà.
Những người không có xe, đi bộ bằng phương tiện thiên nhiên là đôi chân
của họ, vợ chồng bồng bế dắt diu con thơ cùng các ông già bô lão đã lội
qua những chỗ khúc sông cạn nước tiếp tục thất thểu, ngác ngơ hy vọng
lết được đến Tuy Hoà.
23-3-75: Chặn Cộng quân bằng bom CBU
10 giờ 30: Tướng Phú bay đến Phú Yên. “Đại
Tá Tỉnh Trưởng vẫn quần áo đẹp, giầy ‘láng cóong’ tường trình các
‘chốt’ gần Tuy Hoà…cực kỳ nan giải . Tiểu Đoàn Địa Phương Quân Phú Yên
bị thiệt hại khá nặng. Tinh thần xuống dốc. Bi thảm!”
12 giờ 15, Tướng Phú bay trên vùng
Cung Sơn quan sát đoàn xe di tản. Trở ngại quan trọng cho cuộc rút quân,
cây cầu dài 300 thước trên Sông Ba, hy vọng xong đêm nay.
14 giờ 00, xe kéo pháo và chiến xa địch kéo về Tây Bắc Khánh Dương.
14 giờ 30, Sư Đoàn 23 và Bộ Chỉ Huy các Tiểu Đoàn Địa Phương Quân rút khỏi mặt trận Khánh Dương, làm Tướng Phú nổi giận.
16 giờ 05: 8 quả bom CBU (Cluster Bomb
Unit – Đơn vị Bom Chùm) vừa được thả xuống các “chốt” quan trọng của
Cộng quân, cách 5 phút một quả. Đây là loại bom mới, cực mạnh, đắt tiền,
và “vô cùng … hữu hiệu”, giúp các lực lượng đánh chốt lên tinh thần.
24-3-75: Qua cầu và phá Chốt 42
9 giờ 30: Cây cầu dài nhất trên Liên Tỉnh Lộ 7 đã làm xong. Hy vọng đoàn xe về tới Phú Yên hôm nay.
9 giờ 45: Thời tiết xấu. Phi tuần đánh
bom CBU trước 10 giờ không thực hiện được. Chốt gai góc nhất còn lại,
là “chốt 42”, Đồn Đại Hàn cũ, có giao thông hào và kiên cố.
“Đặc công Việt Cộng tới sát đoàn xe, ném lựu đạn và bắn súng nhỏ vào đồng bào. Thương vong gần 100 người”.
13 giờ 30: Đích thân Tướng Phú gọi cho
Đại Tá Thảo, Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Không Quân Phan Rang, khẩn thiết yêu
cầu cho 10 phi tuần A.37 đánh Chốt 42, để đoàn xe có thể đi qua, trước
khi Cộng quân kéo tới đánh phá.
15 giờ 45: Tin vui, phi tuần CBU 55
chuẩn bị cất cánh tại Phan Rang. Sau đó là những phi tuần bom lửa
(Napalm), dẹp chốt 42 để đoàn xe qua.
16 giờ 03: Tin sét đánh! Đang đợi
A-37, Tướng Cầm, Phụ Tá Tướng Phú thất thanh báo cáo: “Chiến xa Cộng Sản
BV… bôn tập phía sau đoàn xe”!
Điều lo sợ mà Nguyễn Tú viết ngày 22-3 là nó chưa xẩy ra, bây giờ, nó bắt đầu xẩy ra vào chiều 24-3.
Lời Phạm Huấn: “Bắc quân từ khắp
ngả kéo tới, sau những trận pháo như mưa vào đoàn người, đoàn xe. Lực
lượng địch hôm nay thật hùng hậu. Có ít nhất là hai Trung Đoàn của SĐ
320 Cộng Sản BV, và những đơn vị pháo, đã bám sát đoàn xe, từ ngày thứ
ba của cuộc rút quân. Sự hiện diện của SĐ 320 tại Khánh Dương, chỉ là
một phần của SĐ này; cùng với các SĐ F10 và 316 Cộng Sản BV.
“15 phút đầu của trận tấn công ban
ngày này, Bắc quân cắt đoàn xe thành ba khúc. Bốn chiến xa M-41 còn lại
bị bắn cháy, làm tắc nghẽn đường rút quân. Phía sau, và Bộ Chỉ Huy Hành
Quân BĐQ bị đánh nặng nhất. Chỉ huy cuộc rút quân, Tướng Phạm Duy Tất,
bây giờ là …Tiểu Đoàn Trưởng. Ông và Đại Tá Cao Văn Uỷ (Phụ Tá Tướng
Tất), cùng chỉ huy một Tiểu Đoàn BĐQ và Bộ Tham Mưu vừa đánh, vừa chạy.
Kinh hoàng và hỗn loạn. Tiếng kêu khóc, rên xiết, thảm thương…vang động
một góc trời, tạo thành một thứ âm thanh ai oán, chết chóc.
17 giờ 01: Tiếng phản lực cơ gầm thét. Hai cánh đại bàng xuất hiện. Cứu tinh tới! “Những
người dân khốn khổ, những quân nhân tài xế quân xa, và những người lính
đi với gia đình, quên cả nguy hiểm, ngẩng đầu lên nhìn đoàn chim cánh
thép. Lẫn trong tiếng than khóc kinh hoàng, còn có cả những tiếng hò
hét, hô hoán, vang lừng…”
Mục tiêu chính là chốt 42, và phi tuần
đầu là đánh CBU, nhưng qua máy truyền tin, hai phi công biết quân dân
bạn đang gặp nạn phía dưới, đã áp dụng kỹ thuật “dương Đông kích Tây”,
nhào lên lộn xuống nhiều lần, làm Bắc quân hoang mang. Lợi dụng tình
thế, BĐQ chỉnh đốn lại hàng ngũ. Trước khi 8 trái CBU đánh thẳng vào mục
tiêu chốt 42. Tiếp theo là những phi tuần bom thường và bom lửa, giúp
các chiến sĩ BĐQ chặn được cuộc tàn sát tập hậu của Cộng quân. Nhưng một
trái bom đã rơi trúng vị trí một Đại Đội quân bạn. Thương vong, đau
đớn!
Khi đoàn chim sắt đã bay đi, anh em BĐQ vẫn giao chiến với Bắc quân ở một làng phía Nam Cung Sơn.
19 giờ 00: Đoàn xe mới sang sông khoảng 1.000 cái. Chưa biết rõ kết quả đánh chốt 42. Trời tối. Chuẩn bị chiến đấu tại chỗ.
20 giờ 00: Tướng Phú than “Đau đớn, thất bại”. Đồng bào tràn đi …vô tổ chức, không giữ được trật tự, kỷ luật.
24 giờ 00: Tướng Tất cho biết, hy vọng cả đêm sẽ sang sông được 2.000 xe.
25-3-75: Tả tơi tới đích Tuy Hoà! Sáng 25-3, ngày thứ chín của cuộc di tản, vẫn chưa biết rõ kết quả vụ đánh bom chốt 42 hôm trước.
10 giờ 00: Đại Tá Cao Văn Uỷ, Phụ Tá
Tướng Tất tường trình: Hầu hết xe quân đội đã sang sông, khoảng 2.000
cái. Tướng Tất ra lệnh: “Mở đường máu” để tiến vào Phú Yên.
11 giờ 00: Tất cả xe quân đội đã qua sông, chỉ còn xe dân sự.
13 giờ 00: Lực lượng chiến xa dẫn đầu
đoàn xe, đoàn quân về tới Tuy Hoà! Hò hét, reo mừng. Hân hoan lộ trên
nét mặt mọi người. Tuy nhiên, đây mới chỉ là lực lượng chiến xa dẫn đầu
đoàn xe về tới Tuy Hoà. Đoàn xe vẫn còn kẹt chốt ở Phú Thứ. Những chiếc
đầu tiên chỉ về tới Tuy Hoà vào lúc 17:30. Rồi xe, quân và dân, tiếp tục
tiến về suốt đêm, cho đến sáng hôm sau.
- “Đại Lộ Kinh Hoàng” ngoài Huế: 2 ngày, 15 cây số.
- “Liên Tỉnh Lộ Máu 7” Pleiku-Phú Yên: 9 ngày, 9 đêm, 300 cây số!
Kiểm điểm thiệt hại về chiến xa, theo
Phạm Huấn: Khi rút khỏi Pleiku sáng 17-3-75, Lữ Đoàn II Thiết Kỵ QĐ II
có hơn 100 chiến xa đủ loại, với những chiến xa nặng tối tân, như M-48
và M-41. Trưa 25-3, về tới Phú Yên, chỉ còn 13 Thiết Vận Xa M-113. Về
người, hàng trăm ngàn dân, tuy đã bị Chính Quyền Trung Ương định “cho
‘thằng’ Cộng Sản”, không biết chắc có bao nhiêu ngàn đã tự ý ra đi với
đoàn quân, và bao nhiêu người đã thiệt mạng trong chín ngày đêm trên
Tỉnh Lộ Máu và núi rừng lân cận.
1-4-75: Quân Đoàn II… không còn nữa! Tuy
đoàn di tản, sau bao cực khổ và chết chóc, cuối cùng đã về tới đích Tuy
Hoà. Nhưng nơi đây không còn là đích an toàn như dự kiến. Khắp nơi, từ
Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, đến Đà Lạt, Nha Trang, nơi nào cũng đã, hoặc
đang bỏ chạy. Thành ra, di tản cũng như không!
Suốt một tuần sau khi đoàn di tản về
tới Tuy Hoà, theo Phạm Huấn, “Tướng Phú như một người bị… rối loạn!!!”
Ông không biết làm gì, cư xử ra sao, cho đến chiều ngày 1 tháng 4, 1975.
17giờ 50: Tướng Phú tới Bộ Tư Lệnh Sư
Đoàn 2 Không Quân, gần Phi Trường Nha Trang. Tuy có báo trước, nhưng
không thấy ai chờ đợi hay đón tiếp như thường lệ. Vào văn phòng, Tướng
Phú hất hàm hỏi:
- Có chuyện gì xẩy ra?
Tướng Nguyễn Văn Oánh, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang, đáp:
- Tôi muốn thưa với Thiếu Tướng, tôi được chỉ định làm Tư Lệnh Mặt Trận Nha Trang, vì Quân Đoàn II… không còn nữa!
Vẫn theo Phạm Huấn: Phần còn lại của
Quân Đoàn II được sát nhập vào Quân Đoàn III trong một lễ bàn giao tại
Phan Thiết, giữa Tướng Phú và Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lệnh Phó Quân
Đoàn III, vào sau 2 giờ chiều, ngày 2-4-75, kết thúc đời binh nghiệp của
Thiếu Tướng Phạm Văn Phú.
Tướng Phú đã tự tử chết tại Sài Gòn, trưa 30-4-1975, sau khi nghe Trung Tướng Dương Văn Minh đầu hàng Cộng Sản.
Trong bài gửi đi từ Quận Hiếu Xương
ngày 25-3, đăng trên Chính Luận, số báo đề ngày 27-3-75, với tựa lớn ba
cột trang nhất, 100 NGÀN NGƯỜI ĐÃ VỀ TUY HOÀ, và đoạn cuối bài, với tựa
nhỏ “Địch ‘thắng’ lớn”, Nguyễn Tú viết: “Trong khi chốt cuối cùng của
địch bị tiêu diệt vào ngày 25 tháng 3, dù đã được khuyên “không nên mạo
hiểm, phải chờ giải toả”, một số đồng bào khoảng 100 người, gồm già trẻ
lớn bé, đi bộ hoặc đi xe 2 bánh, sau khi qua được cầu nổi để tới hữu
ngạn Sông Ba, đã theo lộ 436 đi luôn. Tới núi Hương, tức cách ngã ba
Quốc Lộ 1 và lộ 436 vài cây số, đoàn người đã bị đại liên địch của chốt
chót này quạt liên hồi. Dường như tất cả đã bị tàn sát. Có lẽ không ai
chạy thoát”.
Vào lúc 20 giờ ngày 21 tháng 3, 1975, là ngày thứ năm của cuộc di tản, Phạm Huấn viết về Nguyễn Tú:
“Những bài báo ký giả Nguyễn Tú
viết về Đoàn Quân triệt thoái đăng trên báo Chính Luận, được Đài Phát
Thanh Hà Nội và Đài Phát Thanh Giải Phóng đọc nguyên văn. Tướng Phú gọi
tôi khiển trách: “Tôi bị phiền nhiều quá vì báo chí… các Anh!”
“Tôi yên lặng chịu trận, Ký giả lão
thành Nguyễn Tú là người tôi rất kính trọng – Mùa Xuân vừa rồi, ông đã
ăn Tết với anh em Biệt Động Quân cả … tuần lễ tại Mặt Trận Bắc Kontum
–Khi đoàn quân tăng viện xuống Phứơc An, Ông yêu cầu được nhảy theo đơn
vị đầu tiên.
“Hôm rời Pleiku, tôi “gởi” Ông… bay
theo Tướng Tất. Nhưng sau đó, ông đã xin đi theo đường bộ với Đoàn Xe,
và những đơn vị Biệt Động Quân.
“Những bài báo ông viết rất có giá
trị. Đó cũng chỉ là một phần của đau thương, kinh hoàng… đã xẩy ra trong
cuộc rút quân, trên con đường của Tử Thần: Liên Tỉnh Lộ 7 !!!
Tại sao Đài Hà Nội và Đài Giải Phóng cho đọc nguyên văn những bài của Nguyễn Tú?
- Vì họ nghĩ rằng nội dung những bài
đó có lợi cho họ. Lợi ở chỗ nào? - Nêu cao được chiến công của họ trong
sứ mạng giải phóng Miền Nam. Chiến công gì?- Giết được nhiều quân dân
địch. Đúng với chủ trương đường lối của Đảng:
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”
Tố Hữu
Không phải Quân Nguyên, Quân Thanh
đánh Quân Nam. Sau Hiệp Định Genève 1954, không còn Quân Pháp đánh Việt
Minh. Sau Hiệp Định Paris 1973, không còn Quân Mỹ đánh Việt Cộng. Năm
1975, chỉ có người Việt giết người Việt. Chính xác hơn: Cộng Sản Việt
giết dân Việt, từ cả hai phía, Bắc và Nam. Dân Bắc bị đẩy ra trận, giết
dân Nam. Đảng là “Bên Thắng Cuộc”. Dân là bên thua cuộc, là “thế lực thù
địch”. “Công An Nhân Dân chỉ biết còn Đảng còn mình”.
1975: Bên thua cuộc, ai chưa chết, đi tù. 2025: Tác gỉa “Bên Thắng Cuộc”, cũng ở tù!
Hầu hết Tướng Bắc, Tướng Nam không còn nữa. Chỉ còn Đảng!
50 năm, mỗi 30 tháng Tư, Kỷ niệm tưng bừng! “Không thấy phố, thấy nhà, Chỉ thấy mầu Cờ Đỏ!” Mầu máu!
(Còn tiếp)
– Đinh Từ Thức
https://vietbao.com/a321982/50-nam-sau-so-tay-viet-lai-nguoi-viet-tan-sat-nguoi-viet-bai-3-
0 comments:
Post a Comment