CHUYỆN NƯỚC PHÁP
Láng giềng Anh quốc: mạnh hơn Tây gần đây vì sao?
Lâu quá rồi, tôi chỉ còn nhớ mang máng diện tích nước Anh và hình
dạng giống chữ L viết hoa của nó từ khi học Sử ở trường. Đại khái cũng
vài trăm ngàn cây số vuông, thuộc hạng quốc gia kha khá trên thế giới về
diện tích và dân số, điều chắc chắn hơn nữa là nó nhỏ hơn nước Pháp.
Mấy cú chuột chạy trên bàn làm việc là rõ ngay sự tình. Những gì tôi đã
học ngày xưa dần dần hiện ra nhưng xin lỗi nền giáo dục cũ đã bị qua mặt
vù vù hàng ngàn dậm vì nhiều chi tiết phong phú hằng hà sa số ghi trên
máy điện tử. Máy không quên như người và trí nhớ của nó tỷ lệ thuận với
kích thước cái kho chứa data.
Anh quốc là một tập hợp của bốn
phần đất khác nhau cộng với 14 thuộc địa cũ hải ngoại. Ôi chao!, đây
cũng là một đế quốc xa xưa hùng mạnh trên thế giới. Gộp lại như sau:
Ecosse với thủ đô Edimbourg, Pays de Galles với Cardiff, Bắc Ái Nhĩ Lan
với Belfast hợp với vương thổ Angleterre-Londres thành quốc gia Anh hiện
nay. Trên bảng sắp hạng tính theo thu nhập kinh tế hàng năm dùng làm
thước đo sự tiến triển khả quan hay thụt lùi bi quan, PIB – produit brut
intérieur, Anh quốc đứng hạng năm với $2,610 tỷ đồng và Pháp là thứ sáu
với $2,570 tỷ. Nhật (khoảng $5,000 tỷ) và Đức (cũng như Nhật ít hơn
chút) sắp thứ ba và thứ tư sau Hoa Kỳ số một (hơn $17,000 tỷ) và Trung
Hoa số hai (hơn $12,000 tỷ).
Với diện tích tổng cộng 242,495 cây
số vuông và hơn 65 triệu dân so với Pháp 643,801 cây số vuông và 67
triệu dân thì nữ hoàng Anh Elizabeth đã qua mặt vua cha Napoléon Pháp
cái vù kể từ mấy năm gần đây. Anh quốc là quốc gia rộng lớn đứng hàng 80
trên thế giới và hạng 11 so với lục địa cũ Châu Âu so với Pháp là hạng
43 và hạng ba trong cùng lục địa nhưng hạng nhất trong EU (Anh sắp thứ
8).
Vậy là chúng ta có cái nhìn khái quát về vị trí hùng mạnh
của Anh và Pháp trong Liên Hiệp Châu Âu - EU viết tắt theo Mỹ. Hiện giờ
EU được sắp hạng số một thế giới qua mặt cả Hoa Kỳ, Trung Hoa, Nhật là
top 3 về PIB như ta đã thấy bên trên với $18,400 tỷ đô-la. Thành thử
Londres rộng lớn không bằng Paris (12 triệu dân) với dân số 10.5 triệu
nhưng sức sống hùng hục và kiến trúc đa dạng với biết bao dinh thự và
nhất là những cao ốc sừng sững dài rộng thoáng mát đã làm nên chuyện về
kinh tế. Nó là nơi chốn thiên đường đang thu hút người di dân đổ vào tìm
đất sống hơn là qua Pháp. Phạm vi bài viết này chưa kể tới Đức, cũng là
nước đang được dân di cư ào ạt tràn vào và được đón nhận hậu hỹ vì cần
lắm.
Chúng tôi đi đường xe buýt (bus) từ thành phố số 54 của Tây
để qua thủ đô nước Anh cư ngụ trong vòng một tuần lễ xem sao. Xe lửa,
xe hơi nhà, máy bay gì đó đều có thử qua rồi (trừ đường thủy và đường
bộ) nên lần này hành trình gian khổ một chút. Nhân vật cùng đi với tôi
là công dân trẻ trung thế giới của thế kỷ thứ 21, còn tôi là thế kỷ 20
nên quyền chỉ huy địa lý và phương thức di chuyển là do ai bạn đọc biết
ngay. Chiếc smartphone hiệu Samsung được cô bé con cháu Nã Phá Luân cầm
tay liên miên và rút ra từ túi quần y hệt thiên hạ chung quanh bất kể
màu da hay tuổi tác cũng như là giới tính.
Ảnh minh họa trên Internet về điện thoại thông minh cầm tay.
Với dụng cụ tối tân này của thế kỷ 21, giới trẻ có thể du lịch vòng quanh thế giới không hề lạc đường trừ phi phiêu lưu mạo hiểm vào những vùng chó ăn đá gà mổ muối chưa có phủ sóng văn minh truyền tin và thông tin. Internet là cây đèn thần chỉ bảo soi sáng đường xá tìm ra cho đúng phóc không sai, con người núp bóng ông thần làm ra chứ có gì đâu. Cách nói cho bóng bẩy và hợp gu viết lách, ngoài ra mọi chuyện đều do chính Người tạo ra Nhân và hứng Quả tốt xấu tùy theo.
Những chuyến đi đều tạo ra sự háo hức và hấp dẫn cho bọn trẻ, ngày xưa trong đó có chúng tôi. Ngày nay, công dân 21 và bà-bà 20 lên đường với hai tâm trạng khác nhau rất xa nhưng nơi đến là một. Hành lý khá đơn sơ và giản lược tối đa vì chúng tôi biết trước sẽ phải đi bộ rất nhiều để khám phá thủ đô Luân Đôn. Tuy vậy, cuối cùng cũng hơi rườm rà và sẽ phải ký thác chúng trong căn phòng tạm giữ cho đến 10 giờ khuya (left bagage). Bởi vì tôi khuân theo cái máy đấm bóp Shiatsu phòng ngừa mỏi mệt tay chân đầu cổ với tám quả đấm tí hon sưởi ấm được. Ố, ăn nhầm gì so với cái ghế bành tổ bố ở phi trường lần nào tôi cũng nhào zô bỏ xu cho nó gạt bỏ hết bụi phong trần bám đầy thân thể nương tử mình hạc chân nai.
Không ngờ cái máy nhỏ rất hữu ích và tôi chỉ đắn đo chọn lựa tới lui xuôi ngược thật lâu trên Internet rồi mới còm-măng vài hôm trước khi đi. Hết biết luôn những tiện nghi đời sống hữu cơ của người sáng chế ra cho người, giống như bài viết của Phúc Quỳnh/Viễn Đông nói về máy tụng kinh đặt trong nghĩa trang làm chúng ta tròn mắt ra. Thời nào, phát minh đó đã đành nhưng quả thật trí tuệ con người là không có biên giới khi ta chỉ nhìn trên phương diện hữu dụng tốt đẹp, đừng nhìn vô viện bảo tàng Chiến Tranh mà tôi sẽ kể ra trong bài viết sau là ngược lại rất nhiều.
Chiếc xe buýt đưa chúng tôi đi sang Anh còn được gọi nôm na là xe đò bên mình nhưng là hạng sang vì ở nước tân tiến nó được trang bị tối đa tiện dụng cho khách hàng có màu sơn và logo đặc biệt kèm theo tên cho khác hẳn xe buýt thông thường chỉ chạy trong thành phố. Số là chính phủ Macron cũng rất muốn bắt chước hai “chị” láng giềng Đức số bốn thế giới và Anh số năm để vươn lên cao thêm nữa chứ bị tụt hạng rồi thì có thể sẽ tiếp tục xuống nữa dài dài mà không cố gắng làm ăn thì văng khỏi Tóp Mười mấy hồi!
Đã vậy, về diện tích nói riêng, Pháp là nước rộng lớn hơn nửa triệu cây số vuông rất đáng nể còn hai chị kia đất đai chật hẹp mà vẫn hùng cường trong Tóp Năm. Để cố gắng bắt kịp, một trong những biện pháp của chính phủ là cho phép tư nhân cạnh tranh với các guồng máy kinh tế công cộng như xe lửa và xe buýt độc quyền cầm. Thế là hệ thống xe đò hạng sang mang tên Flixbus ra đời, còn gọi là buýt Macron và có màu xanh lá cây rất dễ nhận ra.
Ghế ngồi trong xe giống hệt ghế ngồi trên máy bay trang bị seat belt, chỉ có 10 hàng ghế song song nhau với hai chỗ ngồi mỗi bên nên số khách tối đa là 40 người tính luôn trẻ em. Lối đi chính giữa khá hẹp bé như trong máy bay low cost đi lọt một người và hành lý giữ tay. Bên trên cũng có hai hành lang nhỏ dài theo xe để chứa đồ đạc và cũng áp dụng như máy bay về số hành lý cho phép. Bụng xe buýt rộng rãi chứa đồ đạc còn dư chỗ dù xe thường chở đủ số người tối đa là 40. (nd)
(Còn tiếp)
Xe đò hạng sang từ Đức chạy qua, hiệu Mercedes-Benz (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)
Chúng tôi đi lúc hoàng hôn xuống nơi chân trời còn le lói ánh dương (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)
-------
(kỳ 2)
Hai bên hông xe dọc theo các hàng ghế phía bên cửa sổ nhìn ra ngoài có gắn các ổ điện để cắm dây sạc smartphone hay mấy cái labtop – máy tính cỡ nhỏ đem theo khắp nơi. Có chiếc chỉ trang bị đúng một ổ điện có khe nhỏ đủ cho khóa USB cắm vào ở mỗi ghế ngồi bên trong. Người bên cạnh phải chia sẻ thế nào đó với người kia, tôi đem theo một cái ổ cắm nhiều đầu ra thì bị kẹt vì không đúng kiểu. Chỉ là chỗ dùng điện duy nhất một vào một ra mà thôi. Nhờ thông tin trên mạng, tôi đã sắm một cái adaptator bán trong siêu thị để dùng khi qua Anh made in China tiện lợi với ba chĩa nhọn để xài dụng cụ cần điện. Chỉ khác về hình dạng chứ dòng điện và hiệu thế giống nhau là 230 V, 50 Hz. Đây là tiện nghi cần thiết để dùng máy móc thường ngày. Nếu không mua cái biến đổi điện Anh-Pháp, thì tôi phải xếp xó cái máy “bóp cổ” Shiatsu cũng như quân sư 21 sẽ mù tịt đường đi nước bước vì cái smartphone hết xài.
Có một cách xoay sở hợp pháp là dùng một nắp đậy bút viết bằng chất dẻo để cạy cái dải nhỏ hình chữ nhật trên ổ điện bật lên rồi cắm dây Pháp vào xong hạ xuống cũng được không cần adaptator. Chịu thôi vì phải đè xuống khá mạnh lỡ gẫy chân răng thì nguy to. Điện thế và hình dạng các ổ cắm điện khác nhau bên Mỹ và lân cận so với các nước Châu Âu. Lý do là vì Thomas Edison, nhà phát minh ra điện, đã ấn định dùng dòng điện 110 volts lúc đầu. Vào thế kỷ đó, thì dùng vậy là tốt nhất, Pháp và Châu Âu cũng tuân theo. Qua Thế Chiến Thứ Hai, sự đổ nát hoang tàn do chiến tranh để lại làm Châu Âu ngã về dòng điện 220 volts vì nó ít tốn kém hơn 110. Hoa Kỳ không bị tổn thất tại chỗ bởi chiến tranh nên vẫn giữ nguyên hệ thống đường dây điện như cũ.
Xe buýt có hệ thống tư nhân Internet phục vụ khách hàng thật tiện lợi. Trước khi xe lên đường, bỗng nhiên một xe cảnh sát từ đâu không rõ chạy tới đậu ngay đầu xe buýt. Thế là có một màn kiểm soát giấy tờ diễn ra lần nữa sau khi viên tài xế kiêm nhiệm đủ thứ đã làm xong chuyện này. Tôi hỏi nhỏ khách hàng mới biết xe từ Đức qua và driver nói tiếng Đức đi có mình ên không phụ tá. Chà, hơi mệt đa. Ông ấy dừng xe lại xong là mở cửa hông để khách xuống trạm lấy hành lý ra hết, rồi đón khách mới đi Paris và xem giấy tờ cá nhân cùng với code-barres trên smartphone (e-ticket) thay vé giấy. Mọi vụ diễn ra cũng khoảng nửa giờ vì trạm lớn Đức-Pháp. Tưởng đã xong, thì cảnh sát tới và lên xe xem giấy tờ từng người một. Điểm son đáng kể của cơ quan công lực địa phương.
Xe hơi của nhân viên công lực đến kiểm soát giấy tờ khách đi Flixbus.
Xe chạy một lúc lâu thì đến nơi có lệ phí cho xa lộ và phải ngừng lại. Tài xế xuống làm thủ tục, thanh sắt chận đường ngóc lên cao cho xe qua. Rồi nó vào bãi đậu và tài xế tắt máy đứng lên nhìn về phía hành khách nói vỏn vẹn “Forty five minutes”. Tôi đã nghe ông nói tiếng Đức không thôi, té ra cũng biết nói tiếng Anh ngắn gọn khi cần. Mọi người lục tục xuống xe vào gian phòng thương mại nghỉ tạm.
Tiệm bánh hấp dẫn bên trong cơ sở thương mại ở nơi trục xa lộ thu phí.
Một chỗ bán đồ kỷ niệm tiêu biểu của thủ đô Paris là tháp Ép-Phen.
Tôi bất ngờ quá vì bị dựng cổ dậy ra khỏi xe để vào trạm kiểm soát trước khi lên ferry sang sông, à quên, sang biển. Bên ngoài khá lạnh, phải mặc thêm áo ấm. Chuyện khí hậu ngày đêm mưa gió đã được biết trước qua mạng nên khỏi lo trúng bệnh cảm cúm. Ôi trời, có mấy chục mạng mà cũng bị check in nghiêm cẩn như đi máy bay. Sắp hàng qua hai nơi có nhân viên người Anh đứng xét passeport, trước đó chỉ cần thẻ căn cước nội địa.
Chiếc ferry khổng lồ đưa mấy xe buýt và nhiều xe hơi nhà tư nhân sang đất Anh. Chúng tôi thấy mọi người trưng dụng ghế làm giường ngủ tạm và ngáy khò khò. Ban đêm nên nhìn ra ngoài tối thui, thất vọng quá vì chẳng thấy gì nên cả bọn cũng gục ngã như vậy sau khi làm một vòng xem xét có gì nơi tầng này. Chỗ chơi games điện tử, sòng bài Casino cũng thế, nhiều tranh ảnh treo tường có chân dung ngài Churchil…
Nó lớn đến đỗi êm ru bà rù không như 20 năm trước chúng tôi đi Hovercraft chạy nửa giờ tung sóng lắc lư rất mạnh qua biển. Tiến bộ văn minh thật quá rõ! Năm 2016 có hai chiếc hovercraft sống sót cuối cùng có thể sẽ bị phá huỷ luôn.
Sơ đồ chiếc tàu đi từ Calais Pháp sang Dover harbour thuộc đất Anh.
Chiếc tàu Pride of Canterbury (tên cũ là European Pathway thời kỳ 1991-2003) do Đức sản xuất dài 180 mét nặng 30 tấn vượt biển Manche với vận tốc 21 nơ hay 24 mph tức là 39 cây số giờ. Hèn gì chúng tôi ngủ gà ngủ gật vì êm ru bà rù, chỉ cảm nhận chút xíu lắc lư rất là nhẹ không đáng kể. Bọn con nít trái giờ giấc lại thức đêm như cú, đòi ăn uống ríu rít như chim non chung quanh mấy quầy hàng bánh còn mở cửa. Chúng nó đến từ các gia đình tư nhân Anh khác xe đò Macron. Thời gian qua biển kéo dài khoảng một giờ rưỡi cho đến hai giờ.
Ngoài chiếc Canterbury, còn có Burgundy, Kent và Spirit of Britain, of France; tổng cộng là năm chiếc cạnh tranh nhau khai thác đường biển. Hải cảng Calais chỉ lớn thứ tư trong nước Pháp nhưng lại quan trọng nhất về số hành khách chuyên chở qua lại. Thật bất ngờ khi chúng ta biết rằng bên kia bờ là Dover harbour (Pháp gọi là Douvres) vốn là nơi phố cảng nối liền Anh-Pháp, chỗ eo ếch chật hẹp nhất của biển Manche, được sắp số một thế giới về lượng người và xe hàng năm qua đây. Có 16 triệu du khách đi trong 3 triệu xe hơi, xe mô tô và 86 ngàn xe đò hạng sang; số xe cam-nhông chở hàng hoá là 2 triệu. (nd)
(kỳ 3)
Qua đến bên kia bờ vĩ tuyến… à, không phải thế, Dover Harbour kia rồi. Từ Pháp đến Anh, tiếp theo chuyến đi đường bộ bằng đoạn cuối băng qua biển. Vách núi dựng đứng bên lề phía đất liền trắng toát giống như trên mạng có nói dù mới sáu giờ sáng, trời hãy còn mờ mờ tối. Xe chạy nhanh nhanh, biển lùi dần ra xa nhường chỗ cho cây cối xanh tươi che khuất. Chúng tôi trực chỉ Luân Đôn. Tới bến Victoria Coach Station dành riêng cho xe đò vào lúc tám giờ rưỡi đúng y lộ trình đã tính.Lục đục lấy hành lý và đi ký thác cho phòng giữ đồ lữ khách đường xa. Cứ một gói đồ bất kể hình dạng là năm bảng Anh với tờ vé nhỏ ghi ký hiệu giữ thật kỹ để còn lấy lại. Chúng tôi để hai va ly nặng nhất nằm đó, thật ra là loại kéo tay standard nặng tối đa chừng 15 ký hay nằm trong khoang hành khách máy bay. Đi tay không khoẻ ru với mấy cái túi nhỏ đựng giấy tờ và máy chụp hình. Thời gian kéo đồ từ bến đến chỗ gửi không bao lâu, thật tiện lợi.
Vừa thò đầu ra đến đường cái là thấy ngay mấy quái tượng buýt hai tầng sơn màu đỏ chói chạy giáp vòng chung quanh mấy đại lộ.
Kịch viện Royal Court ở Sloane Square, Chelsea, đang diễn vở Road. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)
Chúng tôi đi một đoạn đường từ nhà ga Victoria xe lửa cho đến nơi có hý viện kịch nói Royal Court ở quảng trường Sloane (ông là chủ đất thế kỷ 17-18) thuộc quận Chelsea dài hơn ba cây số. Bên ngoài trông cổ kính nhưng bên trong hình chụp trên mạng cho thấy khá đẹp và tân thời. Vở kịch Road (Con đường) còn đang tiếp diễn cho đến hiện giờ, hàng chữ đèn neon đỏ bên trên ghi Road và phía dưới là Jim Cartwright. Đại khái, kịch sĩ Jim kể lại những nỗi bất bình của dân chúng đã 30 năm nay từ 1986 trở đi khi phải đối phó với sự cắt giảm trợ cấp và sự nghèo khó dần dần xảy ra trong vùng đất Lancashire dưới thời bà Margaret Thatcher.
Vở kịch tuy bi quan nhưng đầy hóm hĩnh được nhiều giải thưởng và Kịch Viện Hoàng Gia tổ chức bầu là vở kịch thứ 36 hay nhất thế kỷ 20 ở Anh. Vở được diễn ở Hoa Kỳ tại New York bởi Trung Tâm Kịch Lincoln mang tên La Mama E.T.C. năm 1988. Trip Advisor sắp La Mama hạng 500 trên 1000 nơi đến thăm tại NY.
Dọc đường đi, tôi thấy vài tiệm đổi tiền quốc tế và ghi nhận đồng Bảng vẫn còn cao hơn đồng Euro chút xíu (thường khi họ mua vào 1 Âu kim giá 0,89 và bán ra 1,15 đổi lấy 1 Bảng). Du khách có thẻ tín dụng quốc tế thì tiện lợi khi rút tiền từ quầy ATM hoặc trả trực tiếp bấm pin (code, mật mã) nơi siêu thị, hàng quán, chợ búa lẻ tẻ. Tuy vậy, tiền hoa hồng cũng khá đắt, cứ mỗi khi chúng tôi móc thẻ ra là bị chạc thêm một đồng Tây bất kể xài bao nhiêu. Còn tiền phát từ máy thì tùy vào con số mà chém, khoảng bốn hay năm phần trăm trở lên.
Từ khi Anh quyết định ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (nay còn lại 27 nước kết khối thêm vững chắc) thì đồng Bảng Anh đang dần dần xuống dốc và càng lúc càng tiệm cận đồng Euro. Trên thực tế, tuần lễ chúng tôi ở Luân Đôn thì hao tốn nhiều vì hoa hồng và tỷ lệ đổi tiền Anh/Pháp vẫn có lợi hơn cho chủ nhà phớt tỉnh Ăng-Lê không hổ danh.
Đại lộ một chiều duy nhất với phố xá cao rộng đông đúc người-xe rất sinh động (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)
Xe cảnh sát Ăng-Lê với hai màu đặc biệt chữ in và hình xanh dương đậm, vàng (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)
Trong lúc chúng tôi đi bộ, lâu lâu lại thấy xe cảnh sát chạy vù qua thật nhanh với tiếng còi hú rất lớn điếc tai. Vài lần thì quen luôn, vào ngày cuối tuần trước khi về cũng y vậy tại điện hoàng gia Buckingham lúc xế trưa. Thì ra một người cầm dao muốn tấn công cảnh sát, chúng tôi đã đi qua lúc sáng sớm nên không hay biết gì. Hắn bị bắt ngay tại chỗ và không kịp gây thương tích cho ai cả. Khi đi đứng tại chỗ như mọi người chung quanh, dân thủ đô và du khách…, tôi nhận thấy họ rất bình thản. Hoàn toàn không ghi nhận được một sự cảnh giác nào đó như trước khi đi Luân Đôn người nhà căn dặn dòm trước ngó sau, ló liên đôi mắt để kịp… tránh xe khủng bố đụng cố ý.
Nhờ sự bình tĩnh chung nổi bật rất tự nhiên của đám đông mà chúng tôi cũng hoà mình theo và hoàn toàn quên mất đại họa ISIS nguy hiểm hơn cả bọn Al Qaeda hiện nay tại mấy xứ lớn Châu Âu. Những lúc ngồi trong xe buýt hai tầng, leo tuốt lên cao ngắm phố lớn giống như mình đang lái xe rất ngộ nghĩnh vì ông tài ngồi bên mặt ngay phía dưới ghế hành khách và tuân theo lề trái; hoặc trong xe điện ngầm tôi nghĩ thầm nếu có tấn công khủng bố thì chịu thôi!
Bởi lẽ cuộc sống đang diễn ra linh hoạt và tự nhiên, thông thường hàng ngày như cơm bữa. Đã thế, thiên hình vạn trạng màu sắc và dân chúng tứ xứ Đen Trắng Vàng Đỏ gì đều có thấy mặt nơi đây. Xe cộ chạy liên miên, người băng qua đường tuân theo đèn xanh lá cây hình người kèm theo lời dặn “nhìn bên trái” rất chí lý vì chúng tôi quen nhìn bên phải là sai rồi. Phải mất chút thời gian thích ứng, thật là một cảm giác ngược lại lúc ở bên Tây. Xe ta có tay lái bên trái nhưng ta giữ lề mặt, còn Luân Đôn (dân “londoner”) thì tay lái bên mặt nhưng chạy bên trái!
Ngày đầu tiên qua nhanh sau khi chúng tôi viếng thăm công trường Buckingham Palace và nơi phụ cận như London Eye và Scotland Yard quen thuộc cho du khách thế giới. Đông đảo nhất vẫn là Nhật và Trung Hoa đi thành đoàn cả chục người hay lẻ tẻ. Cháu gái tôi nghe tiếng nói biết là Nhật vì cô bé đi học mấy năm có vốn kha khá. Lại bảo nhỏ vào tai rằng họ ăn mặc sang hơn đám khách Trung Hoa xuềnh xoàng. Tôi nhìn lại thấy nhóm Tây nói chung lẫn lộn với người bình dân không có gì lạ. Và điều nổi bật lại xảy ra.
Phụ nữ Anh gốc Trung Đông che mặt cho phép tại Luân Đôn. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)
Trong khi đó, người Pháp cấm hẳn cách ăn mặc chỉ chừa ra đôi mắt mà thôi còn từ dưới lên trên kín mít màu vải đen tuyền trông thật bí mật. Tên gọi của thứ áo váy dài lê thê vướng bận bậc nhất tên là Burqa, phụ nữ trùm kín cả đầu chỉ chừa đôi mắt thấy đường qua một tấm lưới thưa sáu cạnh. Thứ áo tên là Niqab chừa ra đôi mắt (hình trên), còn lại nhẹ hơn là khăn lụa quấn trên đầu che kín mái tóc, cổ và tai (hijab). Ngoài ra còn có loại áo tên tchador do phụ nữ theo đạo chiite ở xứ Iran mặc. Gần đây có loại burkini áo tắm bị cấm tùy theo vùng trên đất Pháp.
Suốt trong tuần lễ chúng tôi biến thành dân Luân Đôn la cà khắp nơi đi xem nhiều Bảo Tàng Viện như British Museum (lớn như Louvre của Pháp, cái của Sài Gòn thời VNCH giống thế nhưng nhỏ hơn), London Transport, National Army, War I & II, Madame Tussauds… thì cháu tôi đếm được cả thảy 14 phụ nữ mặc Niqab chừa ra đôi mắt. Chúng tôi thấy đa số phụ nữ gốc Trung Đông đều quàng khăn, mặc nicab rất hiếm hoi. Chính một bà mẹ trẻ như vậy với đôi mắt đẹp bí ẩn nhờ trang điểm đã chỉ cách cho chúng tôi lấy train (xe điện ngầm) đến nhanh hơn đi buýt. Bị ảnh hưởng, tôi đã tò mò chụp ngay tấm bích chương dán trong tiệm sách. Thì ra nữ tác giả gốc Trung Đông theo Hồi giáo thuộc phe tiến bộ sinh sống và làm việc tại Luân Đôn với nghề vẽ biểu tượng tranh ảnh qua máy điện toán. Cô tốt nghiệp đại học Kingston năm 2014, có tổ chức trò chuyện thường xuyên về cuộc sống xã hội ngoài các đóng góp cho vài viện Bảo Tàng Luân Đôn đề tài di dân.
Danh từ Intersectionality được dùng bởi nhà đấu tranh bênh vực phụ nữ Hoa Kỳ Kimberlé Crenshaw năm 1989 chỉ định nhóm người bị đè bẹp hay bị kỳ thị trong xã hội liên quan tới chính trị. Tiệm Gosh chuyên bán sách truyện qua tranh vẽ biểu tượng, kể cả sách vẽ loại Manga của Nhật.
Vào tháng Bảy năm nay, ở Luân Đôn đã xảy ra chuyện một phụ nữ Anh xì nẹt vì thấy người mang niqab xuất hiện ngay trong quầy hàng trả tiền bên người chồng và lớn tiếng mắng rằng ăn mặc gì thấy ớn quá (disgusting), phải cấm đi mà. Bà này tếu ví von người mặc giống cái thùng thư vì chỉ có một cái khe hở chừa ra. Ông chồng bênh vợ lên tiếng yêu cầu bà ta về học lại phép lịch sự. Rồi thôi coi như huề. Cuối tháng Tám, khi chúng tôi ở đây không có gì xảy ra khi cô gái ni-cáp duy nhất xuất hiện trong viện Bảo Tàng.
Một phụ nữ trẻ đẹp mang khăn quàng chỉ chừa ra đôi mắt trong viện Bảo Tàng Mme Tussauds. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)
Công trường Buckingham, Luân Đôn, đông người sáng thứ Bảy 27/8. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)
Xe của phóng viên truyền hình bị đạn làm hư hại tại Irak, bảo tàng viện Chiến Tranh. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)
Trong cuộc du lịch tại Luân Đôn dù chỉ bề ngoài, tôi thấy nhiều sắc dân xuất hiện khắp nơi và sức sống mãnh liệt với đủ loại cao ốc chọc trời mới cũ thay phiên lẫn nhau. Anh quốc chỉ bằng một nửa xứ Pháp nên đất chật người đông và dân da trắng thấy tương đương với da màu. Người Ấn Độ cũng có rất nhiều nơi đây dĩ nhiên. Sự bảo thủ của Pháp không chịu nhận lãnh thêm nhiều di dân làm cho kinh tế tiến chậm hơn Anh. Tấm ảnh dưới đây cho thấy sự khác biệt rất nhiều giữa thủ đô Luân Đôn và Paris khi tôi trở về tại bờ sông Seine chụp ảnh ghi nhận. (nd)
Một bên nhiều cao ốc chọc trời vì dân số gia tăng và bên kia lèo tèo dù thanh lịch hơn
Ngọc Diễm
0 comments:
Post a Comment