Chuyện về “Chiếc Ruy-băng Vàng” vòng thế giới
Chiếc ruy-băng vàng
Ngày 28/9/2014 người ta thấy xuất hiện hàng trăm ngàn chiếc ruy-băng màu vàng trên đường phố Hồng Kông sau khi sinh viên bãi khóa. Hàng ngàn người đã xuống đường tại khu vực trung tâm kinh tế, tài chính và cũng là nơi tập trung các văn phòng chính quyền ở Hồng Kông.
Sau đó, biểu tình lan qua khu mua sắm ở Causeway Bay và cả ở khu vực Mong Kok ở khu lục địa của Trung Quốc làm cho phần lớn việc lưu thông trong thành phố bị tê liệt. Cảnh sát Hồng Kông đã phải dùng gậy gộc và lựu đạn cay để giải tán đám đông phản đối chính sách mới của Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông.
Trước khi Hồng Kông được người Anh trả về cho Trung Quốc vào năm 1997 theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, chính quyền Bắc Kinh đã cam kết quyền tự trị và tự do chính trị cho Hồng Kông.
Tuy nhiên, vào ngày 21/9/2014 Quốc hội Trung Quốc lại khẳng định người dân Hồng Kông chỉ được quyền bầu Đặc khu trưởng vào năm 2017 theo danh sách ứng cử viên phải được ủy ban bầu cử chấp thuận. Tuyên bố này đã đẩy mạnh lên làn sóng biểu tình phản đối, đòi bầu cử tự do.
Biểu tình tại Hồng Kông
Báo New York Times mô tả cuộc biểu tình ở Hồng Kông dù không có một nhà lãnh đạo chính thức nào nhưng có tính tổ chức “cực kỳ chuyên nghiệp”. Người biểu tình hành xử rất lịch thiệp trong hòa bình và bất bạo động. Hoàn toàn không có hiện tượng đập phá, hôi của, xả rác… như thường thấy ở nhiều nơi khác.
Báo Slate Magazine gọi họ là "những người biểu tình lịch sự nhất thế giới". Báo này còn cho rằng, đây không phải chỉ là những người có lý tưởng mà họ còn là những người hoạt động chính trị rất hiểu biết qua cuộc đầu tranh bất bạo động.
Người biểu tình Hồng Kông còn chọn bài hát "Do you hear the people sing" (Bạn có nghe mọi người hát) trong vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” (Les Miserables) dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Victor Hugo làm bài hát tượng trưng cho phong trào đấu tranh. Trong vở nhạc kịch, đây là bài hát mà các nhà cách mạng Paris đã cất tiếng ca khi chuẩn bị cuộc nổi dậy chống Chính phủ Pháp.
Ban đầu người Hồng Kông sử dụng chiếc dù để che mưa, nắng khi biểu tình, nhưng khi cảnh sát dùng đạn cay, chiếc dù được dùng để bảo vệ bản thân. Cuộc biểu tình tại Hồng Kông từ đó còn được gọi là “Cách mạng dù” (Umbrella Revolution).
Mặt khác, những dải ruy-băng màu vàng được cột vào hàng rào, cài trên áo của người biểu tình và còn xuất hiện trên các trang mạng xã hội tại Hồng Kông. Người biểu tình ở Hồng Kông coi dải ruy băng vàng là biểu tượng của khát vọng dân chủ.
“Umbrella Revolution” & “Occupy Hong Kong”
Trước đó, ngày 16/4/2014, chiếc phà Sewol của Hàn Quốc bị chìm, trên phà chở 450 hành khách, phần đông là học sinh Trường Trung học Danwon đang trên đường từ thành phố Incheon đến đảo Jeju, một thắng cảnh của Đại Hàn Dân Quốc.
Các báo cáo ban đầu cho hay đã cứu được 179 người, đa số là học sinh, tuy nhiên báo cáo của Chính phủ Hàn Quốc đã đính chính lại tin này, nói rằng hiện vẫn còn 295 người mất tích.
Trong khi việc tìm kiếm những người sống sót được tiến hành, người ta thấy xuất hiện tại nhiều nơi trên khắp đất nước Đại Hàn những chiếc ruy-băng màu vàng để biểu thị niềm hy vọng, dù là mong manh, sẽ còn nhiều nạn nhân nữa được cứu vớt.
Những chiếc ruy-băng vàng trên đường phố Hàn Quốc
Trong chuyến đi thăm Hàn Quốc kéo dài 5 ngày, Đức Giáo Hoàng Francis, người đứng đầu Tòa thánh Vatican, đã dành thời gian gặp gỡ các học sinh sống sót trong thảm họa phà Sewol.
Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Giáo hoàng đã tế nhị đeo một chiếc ruy-băng vàng rất nhỏ trên áo để tưởng niệm nạn nhân vụ chìm tàu. Chiếc ruy-băng tuy nhỏ nhưng quả thật nói lên sự quan tâm lớn lao của người lãnh đạo tinh thần Vatican trước sự mất mát mà người Hàn Quốc phải gánh chịu.
Đức Giáo hoàng Francis đeo miếng ruy-băng vàng
khi thăm Đại Hàn năm 2014
Vào thập niên 80 tại Phi Luật Tân nổi lên chiến dịch ruy-băng vàng trong thời kỳ thiết quân luật để ủng hộ nghị sĩ đối lập Benigno Aquino, Jr. Trên đường phố tại thủ đô Manila tràn ngập màu vàng để chào đón ông Aquino trên đường về nước sau khi bị lưu vong tại Hoa Kỳ.
Điều trớ trêu là ông Aquino không có cơ hội nhìn thấy những giải ruy-băng vàng dành cho ông vì ngay khi xuống máy bay tại Phi trường Quốc tế Manila ngày 21/8/1983 ông đã bị ám sát. Biến cố này dẫn đến phong trào chống đối Tổng thống đương nhiệm Ferdinand Marcos. Cuối cùng Marcos bị lật đổ và bà quả phụ của ông Aquino, Corazón Aquino, lên nắm quyền.
Một lần nữa, ruy-băng vàng lại xuất hiện tại Phi Luật Tân năm 2009 để cầu nguyện cho bà Tổng thống Corazón Aquino lúc bà lâm trọng bệnh. Khi bà mất vào ngày 1/8/2009, nhiều người Phi mặc áo vàng, buộc ruy-băng vàng trên các đường phố và trên các mạng xã hội cũng xuất hiện biểu tượng ruy-băng vàng như là một hình thức để tang cho người quá cố.
Ruy-băng Vàng và Chim bồ câu tại Phi Luật Tân
Tại Mã Lai, ruy-băng vàng là biểu tượng của những người cổ súy tự do báo chí trong khi đó ở Nam Dương người ta dùng ruy-băng vàng để tưởng niệm các nạn nhân của vụ bạo động từ ngày 13 đến 15/5/1998. Hầu hết những người thiệt mạng trong một chuỗi các vụ bạo động này là người Indonesia gốc Hoa.
Một nước khác trong khu vực Đông Nam Á là Tân Gia Ba dùng ruy-băng vàng để ủng hộ cho chiến dịch tạo điều kiện giúp những tội phạm có cơ hội làm lại cuộc đời. Đây là sáng kiến của chính phủ Singapore được tổ chức hàng năm vào tháng 9, những người ủng hộ “Chiến dịch Ruy-băng Vàng” cài lên áo của mình để khuyến khích những những cựu tù nhân có cơ hội hoàn lương.
Ruy-băng Vàng tại Singapore
Ý tưởng dùng giải ruy-băng vàng làm biểu tượng cho sự tha thứ của xã hội đối với những người phạm tội tại Singapore lại xuất phát từ Hoa Kỳ vào thập niên 70 với bài hát "Tie a Yellow Ribbon Round the Ole Oak Tree".
Bản nhạc đồng quê (country music) dựa theo cốt truyện một tù nhân trong thời gian trong tù đã yêu cầu người thân nếu tha thứ cho dĩ vãng xấu xa của mình thì hãy buộc giải ruy-băng vàng trên cây sồi già vào ngày anh ra khỏi tù. Vào ngày đó, nếu anh không thấy giải ruy-băng vàng trên cây sồi, anh sẽ ngồi trên xe buýt tiếp tục cuộc hành trình đến một nơi xa lạ chứ không xuống xe để về nhà. Đoạn kết của bài hát rất có hậu: khi xe gần đến nhà anh thấy xuất hiện giải ruy-băng vàng trên cây và mọi chuyện của quá khứ đã được thân nhân tha thứ!
Bài hát ruy-băng vàng trên cây sồi già đã được bán ra 3 triệu đĩa hát trong vòng 3 tuần lễ vào tháng 5/1973. Các đài phát thanh tại Mỹ trong suốt 17 năm đã liên tục phát sóng, tính ra có đến hơn 3 triệu lần. Trên YouTube, bản nhạc này đã có đến hơn 6 triệu người nghe: https://www.youtube.com/watch?v=7NCZ4l8FCFc.
Ruy-băng Vàng trên cây sồi già
Tại Úc, những người phản đối việc biến Công viên Albert thành trường đua Grand Prix tại Melbourne năm 1996 lại dùng biểu tượng ruy-băng vàng để bày tỏ sự chống đối. Khi đó, cây cối trong công viên được tổ chức “Save Albert Park” gắn lên những chiếc ruy-băng vàng, tượng trưng cho sự phản đối việc đốn hạ cây trong công viên.
Cuộc phản đối cuối cùng cũng đi đến thất bại nhưng kể từ năm 1996 những giải ruy-băng vàng vẫn thấy xuất hiện trên cây khi cuộc đua xe diễn ra tại đây mỗi năm. Một lần nữa, ruy-băng vàng lại xuất hiện năm 2009 tại Úc để tưởng niệm những nạn nhân của vụ cháy rừng (bushfires) tại bang Victoria.
Cả hai sự kiện tại Úc cho thấy việc sử dụng những chiếc ruy-băng vàng có những mục đích khác nhau nhưng tựu chung chiếc ruy-băng vàng là một biểu tượng kêu gọi sự chú ý của mọi người đến những vấn đề thời sự của từng thời kỳ.
Tại Tân Tây Lan, nước láng giềng thân cận của Úc, ruy-băng vàng lại được sử dụng như điều nhắc nhở về tình trạng thanh niên tại nước này có tỷ lệ người tự tử cao nhất thế giới. Tại Hoa Kỳ cũng vậy. "The Yellow Ribbon Suicide Prevention Program" (Ruy-băng Vàng - Chương trình Ngăn ngừa Tự tử) được nhắm vào các đối tượng thanh thiếu niên từ 10 đến 25 tuổi. Chiến dịch được khởi đầu từ tháng 9/1994 sau khi Mike Emme, 17 tuổi, tự sát.
Tại Âu châu, ngày 13/5/2011, Tổng thống Estonia, Toomas Hendrik Ilves, đã viết trên trang Facebook của mình: “Gia đình của 7 công dân Estonia bị bắt giữ làm con tin tại Liban cần sự quan tâm của toàn xã hội. Sự ủng hộ thầm lặng của chúng ta sẽ nói lên mối quan tâm không phải của riêng ai và chúng ta hy vọng cũng như tin tưởng mọi người sẽ luôn ở bên những người kém may mắn. Ngày hôm nay, để bày tỏ mối quan tâm này, tôi sẽ cài một chiếc ruy-băng vàng trên áo”.
Bảy công dân Estonia bị bắt làm con tin ngày 23/3/2011 tại phía Đông Liban khi họ đang thực hiện một chuyến dã ngoại bằng xe đạp. Mãi cho đến ngày 14/7/2011 những người Estonia mới được trả tự do.
Tháng 8/2008 ruy-băng vàng được buộc trên kính chiếu hậu phía bên trái xe cộ lưu thông trong thành phố The Galil ở Do Thái để yêu cầu thả một binh sĩ người Do Thái bị Hamas bắt giữ tại Giải Gaza. Quân nhân Gilad Shalit vốn sinh trưởng tại The Galil và cuối cùng cũng được Hamas trả tự do và trở về Israeli một cách an toàn.
Một số quốc gia ở Châu âu thường dùng ruy-băng vàng để bày tỏ sự hậu thuẫn các lực lượng vũ trang đã chiến đấu để bảo vệ tổ quốc. Tại Ý, người dân đeo ruy-băng vàng để bày tỏ sự ủng hộ và tri ân những “tù nhân chiến tranh” (POWs) trong các cuộc chiến đã qua. Ở Đức, Thụy Điển và Đan Mạch ruy-băng vàng tượng trưng cho lòng biết ơn các chiến sĩ đã bỏ mình trong các cuộc chiến tranh.
Ruy-băng Vàng tại Đan Mạch
Tại Hoa Kỳ, ngay từ thế kỷ thứ 19, khăn quàng cổ màu vàng đã là một trong những nét đặc thù của các kỵ binh Mỹ mà chúng ta thường thấy trong phim ảnh Holloywood. Trong chuyện tranh Lucky Luke mô tả những nhân vật huyền thoại của thời Wild Wild West (Miền Tây Hoang giã) cũng xuất hiện những kỵ binh trên lưng ngựa, họ thắt những chiếc khăn quàng cổ màu vàng nhưng riêng anh chàng cao bồi Lucky Luke lại có khăn màu đỏ.
Thật ra, nếu tham khảo các luật lệ của quân đội Hoa Kỳ về quân phục thời kỳ 1872 -1898, sẽ không có điều khoản nào quy định khăn quàng cổ màu vàng là một trong những điều bắt buộc của người lính kỵ binh. Người ta giải thích, khăn quàng cổ chỉ là hình thức thích nghi với môi trường hoạt động khắc nghiệt của nắng và gió tại miền Tây hoang giã.
Tuy nhiên, Quân đội Hoa Kỳ có dùng hình tượng chiếc ruy-băng vàng trong một khúc quân hành mang tên “Round Her Neck She Wears a Yeller Ribbon" được George A. Norton sáng tác vào năm 1917. Cũng như tại một số quốc gia châu Âu, tại Mỹ, chiếc ruy-băng vàng với dòng chữ “Support Our Troops” là biểu tượng của tình quân-dân như cá với nước!
Người ta thấy miếng ruy-băng vàng không những được đeo trên áo của mỗi cá nhân để bày tỏ mối quan tâm trong cuộc sống hàng ngày mà còn được Facebook tạo điều kiện để những thành viên của mạng xã hội này có thể chọn là hình biểu tượng (profile picture). Kể từ ngày 14/7/2011 trên mạng Facebook đã có 12.671 thành viên chọn ruy-băng vàng làm hình biểu tượng.
Gần đây các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter xuất hiện ngày càng nhiều “Yellow Ribbon” như là một hình thức ủng hộ cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ. Các bloggers người Việt ở trong nước cũng như hải ngoại cũng đã nhập cuộc. Sự nhạy bén về thời sự của các bloggers đã cho thấy sự đồng cảm của “thế giới phẳng”, bất chấp mọi ranh giới địa lý cũng như chính trị ngày nay.
Riêng đối với cộng đồng mạng tại Việt Nam, đã có những avatar được thiết kế rất công phu và mang dòng chữ “Vietnamese Activists Support Hong Kong Democracy” để nói lên sự ủng hộ của các nhà hoạt động xã hội người Việt đối với phong trào dân chủ tại Hồng Kông.
“Vietnamese Activists Support Hong Kong Democracy”
Còn mạnh bạo hơn thế nữa, những người tranh đấu cho tự do, dân chủ tại Việt Nam truyền đi một bức thông điệp khẳng định “Hong Kong today, Viet Nam tomorrow…” qua avatar dưới đây:
“Hong Kong today, Viet Nam tomorrow…”
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người)
0 comments:
Post a Comment