Ba tuần sau kết quả bầu cử, tổng thống đắc cử Donald Trump đang lập
nội các với đòn phép chính trị để đối thủ suy đoán những bước sắp đến,
dùng tay trong Hoa Thịnh Ðốn làm “cách mạng” chống nền tảng Hoa Thịnh
Ðốn sẵn có, dùng bộ hạ thân tín có tiếng tham nhũng trong quá khứ để
chống tham nhũng, đưa tất cả bầu đoàn thê tử vào dinh tổng thống để lập
triều đình mới thay cho hai triều đại Bush và Clinton.
Trong khi đó, đảng viên đảng Dân Chủ đang bước vào giai
đoạn chót trong 4 giai đoạn của một người đau khổ sau mất mát lớn của
người thua cuộc hay khi trong gia đình có tin một người mới qua đời đó
là “chấp nhận!”
Cứ mỗi lần thay đổi tổng thống, dân Mỹ phải đối phó với những thay
đổi sắp đến trong cuộc hành trình vào tương lai nhưng lần này họ cảm
thấy tương lai Hoa Kỳ như những câu chuyện khoa học giả tưởng, thay đổi
chóng mặt với hy vọng và sợ hãi đi đôi. Xã hội Hoa Kỳ luôn luôn thay đổi
nhưng vẫn ổn định so với xã hội ở các quốc gia khác khiến dân chúng
quên đi một điều không đổi trong đời người: điều chắc chắn sẽ xảy đến là
không ai đoán được tương lai và những điều sẽ đến trong đời sống.
Ðối diện với thực tế dân Mỹ, nhất là các cử tri đảng Dân Chủ, trong 4
năm sắp đến phải chấp nhận tinh thần của đảng Cộng Hòa với triết lý
sống và triết lý chính trị nằm trong tinh thần cuốn truyện “Căn Nhà Nhỏ
Trên Cánh Ðồng Cỏ” (Little house on the prairie) của bà Laura Ingalls
Wilder.
Trong hai thập niên 1970 và 1980, người Việt tị nạn mới đến Mỹ làm
lại cuộc đời trên đất mới mỗi đêm đã được xem chương trình truyền hình:
“Căn nhà nhỏ trên cánh đồng cỏ” một chương trình truyền hình ăn khách
nhất qua 9 mùa từ 1974 đến 1983 với tài tử Michael Brandon đẹp trai (còn
đóng vai chính trong Bonanza một chuyện phiêu lưu miền viễn Tây) đóng
vai ông bố “Pa” Charles, chở vợ Caroline và gia đình trên chiếc xe thổ
mộ đi trên những con đường làng quê từ tiểu bang này qua tiểu bang khác
đến các thành phố nhỏ để định cư. Ðời sống nhọc nhằn như đời sống của
những người tị nạn nhưng “nghèo mà vui,” cuộc đời đầy tương lai và hy
vọng.
Chương trình truyền hình của đài NBC thực hiện từ cuốn truyện viết
lại cuộc đời có thật của gia đình Ingalls. TT Ronald Reagan ái mộ chương
trình truyền hình này, xem câu chuyện “Căn Nhà Nhỏ Trên Cánh Ðồng Cỏ”
tượng trưng cho tinh thần Cộng Hòa. Câu chuyện được viết qua 9 cuốn sách
trong 9 năm. Vài tháng sau khi thị trường chứng khoán sụp năm 1930,
nước Mỹ bước vào thời kỳ đại khủng hoảng, bà Laura Ingalls Wilder trong
mùa Ðông giá lạnh đã ngồi viết lại câu chuyện đời có thật của gia đình
bà trong thời kỳ tiên phong với dòng mở đầu như truyện cổ tích: “Ngày
xửa ngày xưa, nhiều năm… nhiều năm trước, “Pa” dừng ngựa và chuyến xe
lại, chúng chở gia đình đến cánh đồng cỏ trong vùng da đỏ.” Viết như
chuyện cổ tích cho trẻ em về đời sống tiên phong xuất bản năm 1932, đến
năm 1937 câu chuyện đã được các thầy cô dùng để dạy học sinh “Những
người Mỹ tiên phong đã xây dựng đất nước như thế nào? Ðời sống của họ là
bằng chứng của giá trị Mỹ quốc.” Bà Laura Elizabeth Ingalls, năm ấy
ngoài 60 sống trong cảnh nghèo, kinh tế khó khăn từ trong gia đình đến
ngoài xã hội, đã cho các trẻ em thấy “lao động và tự cải tiến không chỉ
về vật chất mà cả đến tinh thần là chìa khóa của hạnh phúc trong cuộc
đời.”
Câu chuyện bắt đầu năm 1871, cô bé Laura 4 tuổi người nhỏ bé, (đến
tuổi trưởng thành chỉ cao hơn 1 thước 45), con gái cưng của “Pa,” trong
gia đình 6 người, mẹ là Caroline, hai chị Mary và Carrie, và cậu em trai
mất sớm, sống trong căn nhà gỗ nhỏ trong cánh rừng lớn ở Wisconsin qua
vùng đất da đỏ Kansas đến Minnesota lạnh lẽo cuối cùng đến Dakota năm
1883 bên bờ Plumber Creek, gia đình Ingalls xây nhà bên suối trong khung
cảnh thiên nhiên trải qua bao cuộc phiêu lưu, nuôi bò, câu cá, trồng
cây, gieo mạ, đối phó với lụt lội, sống sót sau nạn dịch cào cào phá hủy
mùa màng.
Laura đã ngưỡng phục “Pa,” ông bố đã từng đi bộ lang thang từ năm
1869-1870 trên những cánh đồng vùng Bắc Wisconsin, với óc phiêu lưu “Pa”
dẫn gia đình đi qua dòng sông Mississippi vào mùa Ðông lạnh giá, sông
đóng băng, đến Minnesota định cư, dọn qua Iowa năm 1880. Dưới cặp mắt
của cô bé Laura, trong cuộc sống tiên phong, giữa những người xa lạ,
không người đàn ông nào làm rẫy, cất nhà hơn “Pa,” không người mẹ nào
nấu ăn, lo chuyện gia đình con cái giỏi hơn “Ma” gia đình sống gần gũi
như những gia đình Á Ðông, nhờ tình yêu gia đình Ingalls qua được những
khó khăn. Mary bị mù sau bệnh sốt não (có lẽ bị ban đỏ hay viêm màng
óc), cậu em trai mất sớm vì bệnh, và cô em gái Carrie ốm o gầy mòn nên
Laura lúc nào cũng quanh quẩn bên ông bố Charles, cương nghị, tháo vát
như con trai.
Bà mẹ Caroline Ingalls là cô giáo làng, làm tròn bổn phận của một bà
nội trợ đảm đang: dậy sớm trước khi mặt trời mọc, may vá quần áo, nấu ăn
giặt giũ, làm bánh mì, ngay cả khi trời mùa Ðông giá nhiệt độ <20 độ
F bà vẫn giặt quần áo cho 6 người, khi chồng đi xa phấn đấu trên cánh
đồng cỏ gặt hái, săn bắn, bà chẻ củi, cho ngựa ăn trong khi con cái giúp
mẹ không ngại chó sói, bão tuyết, bệnh sốt rét hay dân da đỏ bên ngoài
hàng rào.
Gia đình Laura định cư trong vùng dân da đỏ Dakota, bộ lạc Osage.
Cũng như ngôi nhà đầu tiên trong khu rừng Wisconsin, qua đến Kansas,
“Pa” Charles luôn luôn tìm được vùng đất tốt để xây một căn nhà nhỏ,
trồng trọt, săn vịt trời, gà tây,và nuôi bò. Ðời sống khó khăn, luôn
luôn bận bịu nhưng hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ. Ở Dakota, mùa Ðông dài
gặp cơn bão tuyết, gia đình Ingalls suýt phải lâm vào cảnh đói vì xe lửa
không đem được thực phẩm đến ngôi làng nhỏ. Trong cảnh khốn cùng cả nhà
ôm nhau ngồi bó trong tấm chăn, trong bóng tối để tiết kiệm dầu
kerosene, giữ vững tinh thần bằng cách kể chuyện, những câu chuyện từ bà
mẹ và tiếng đàn vĩ cầm của “Pa” Charles. Tiếng đàn vĩ cầm vang lên mỗi
đêm trong căn nhà nhỏ của “Pa” đã làm căn nhà thêm ấm cúng. Vào đêm Ðông
dài năm 1881, tiếng vĩ cầm vang lên trong đêm Giáng Sinh. Bên ngọn lửa
ngoài vườn khi mùa Xuân đến, tiếng vĩ cầm khiến bọn trẻ lên tinh thần,
phấn khởi khi cào cỏ trồng trọt. Tiếng vĩ cầm của “Pa” là âm thanh hạnh
phúc của cô bé Laura khi nhớ về ông “Pa” trong những năm kinh tế suy
thoái ngày bà ngoài 60.
Trong cảnh mùa Ðông năm 81, gia đình Ingalls và ngôi làng nhỏ đã sống
sót được nhờ hai anh hùng. Almanzo Wilder trước sống ở trang trại lớn ở
Nữu Ước và anh bạn trẻ đã đi trên chiếc xe trượt tuyết trên nước đá đi
hàng trăm dặm để đem về lúa mì cho cả làng, nhờ vậy cả làng thoát cảnh
đói. Những ổ bánh mì năm đó được làm ra bởi chính bàn tay của các cô cậu
trong những ngôi nhà nhỏ trong làng. Người hùng Almanzo sau này trở
thành chồng của cô bé Laura.
Người da trắng, như gia đình của Charles Ingalls, đã chiếm đất của
dân da đỏ nhưng xem da đỏ như kẻ thù trừ “Pa” Charles. Ông có tinh thần
cấp tiến, kính trọng người da đỏ và tìm hiểu phong tục văn hóa của họ.
Ông “Pa” Charles dạy con gái không nên sợ và hận thù người da đỏ chỉ vì
màu da và tiếng nói. Nhờ sự hiểu biết của “Pa,” mà người da đỏ bộ lạc
Osage cũng biết ân oán nhân nghĩa. Tù trưởng Osage đã có cử chỉ anh
hùng, ông đã ngăn dân da đỏ hung hăng, không cho họ nổi loạn đốt nhà bắn
tên vào những người da trắng định cư bất hợp pháp trên lãnh thổ của
người da đỏ. Một lần khác, những người da đỏ đoán được thời tiết nhờ
sống với thiên nhiên đã báo cho dân da trắng định cư biết trước mùa Ðông
khắc nghiệt sắp đến để họ chuẩn bị tránh, gia đình Charles Ingalls nhờ
vậy di chuyển trên xe ngựa về hướng Nam an toàn trong mùa Ðông năm ấy.
Gia đình Ingalls, cũng giống như dân định cư, có tinh thần tự lập,
xây nhà, xây cuộc đời bằng chính đôi tay của họ không cần đến chính
quyền. Thực phẩm cũng do bàn tay của “Pa,” làm ra. Những con chim đen
phá hoại mùa màng đã bị chính tay “Pa” giết bằng súng và “Ma” làm những
chiếc bánh pie bằng thịt chim đen trước khi làm những chiếc bánh pie
thịt gà.
Có bàn tay tự lập nhưng “không ai là hoang đảo,” tình hàng xóm láng
giềng cần thiết, mối tình ấy có trong những ngôi làng tiên phong không
khác gì tình hàng xóm láng giềng ở các nước như Việt Nam. Giúp đỡ nhau
là “mật mã thiêng liêng” giữa hàng xóm láng giềng như cậu Almanzo Wilder
đã giúp dân làng De Smet đi tìm lúa mì cách hàng trăm dặm trong chuyến
đi “thập tử nhất sinh.” Một lần khác, cháy rừng đã lan đến làng đe dọa
ngôi nhà của Charles Ingalls, “Pa” đi xa không ở nhà, ông hàng xóm
Nelson đã cỡi ngựa đến trại để giúp “Ma” dập tắt ngọn lửa, “Ma” đã dạy
Laura “trên đời này không gì quí hơn hàng xóm láng giềng con à!”
Những giá trị gia đình cổ điển vĩnh cửu đã giúp gia đình Ingalls vượt
qua mọi khó khăn trở ngại. Những tiếng vĩ cầm trầm bổng của “Pa” trầm
bổng theo thời vận của gia đình. Những tiếng nhạc của các bài hát trong
chương trình truyền hình với hình ảnh của “Pa” Charles qua các bài “Hoa
Hướng Dương” “Cao Nguyên Ðất Lành” bên cạnh ngọn lửa cháy bừng như lửa
trại Hướng Ðạo ngoài vườn của căn nhà nhỏ đã để lại trong lòng khán giả
tinh thần tiên phong về miền biên thùy. Một gia đình tụ họp bên ngọn lửa
nghe “Pa” chơi những bản nhạc cổ điển của người Mỹ từ ngày lập quốc với
truyền thống gia đình không khác gì gia đình Á Ðông cha làm chủ gia
đình đi ra ngoài xông xáo, mẹ làm nội trợ dạy con những bài học vâng lời
hiếu thảo, làm việc chăm chỉ, giúp người qua những việc từ thiện, theo
đuổi những niềm vui giản dị, cuộc đời bám vào mảnh đất. “Pa” và “Ma” đã
dạy Laura tinh thần trách nhiệm khi ông bà mượn các dụng cụ xây cất của
ông hàng xóm Edward: “Các con phải trả lại đủ, không thiếu một cái
đinh.” Nợ quốc gia trong thời kỳ kinh tế suy thoái cũng như nợ gia đình
phải trả đủ, không quỵt nợ không khai phá sản.
Câu chuyện của bà Laura từ một cô gái đến khi trưởng thành cũng như
câu chuyện của nước Mỹ về miền Tây, nước Mỹ tự chủ, tự lập, trách nhiệm
đi đôi với tự do đó là ý nghĩa làm người Mỹ. Trong thời kỳ suy thoái giữ
thói quen tự lập của người có học là giữ giá trị cuộc đời, không nhờ vả
ỷ lại vào sự trợ giúp của chính quyền.
Cô Laura yêu Almanzo năm 15 tuổi nhưng đợi đến 18 tuổi mới lập gia
đình và đã thực hành những điều dạy của “Pa.” Năm 15 tuổi, Laura tự lập,
xa gia đình, nhớ nhà, đến 18 tuổi cô đi dạy thêm lấy tiền để giúp đỡ
cha mẹ trả tiền học cho Mary khi cô chị đi học trường mù. Nghỉ hè, cô
Laura về nhà giúp đỡ cha mẹ trong lúc đó tình yêu với cậu Almanzo đậm
đà. Mười năm đầu cuộc sống lứa đôi của Laura là những năm hạnh phúc
nhưng cũng như cha mẹ, vợ chồng Laura cũng phải trải qua những cơn khủng
hoảng, hạn hán, thất mùa, nhà bị cháy, trả nợ nhà khó khăn.
Bảy tháng sau khi viết cuốn truyện đầu “Ngôi Nhà Nhỏ Trong Cánh
Rừng,” Tổng Thống F.D.R. (Franklin Roosevelt) đánh bại TT Hebert Hoover
của đảng Cộng Hòa. Gia đình Ingalls đã gọi FDR là nhà độc tài với chương
trình New Deal. Cũng như những người Mỹ trắng miền quê năm 2016, Laura
đổ tội nghèo lên đầu đảng Dân Chủ chỉ lo ủng hộ kỹ nghệ ở thành phố quên
lãng nền nông nghiệp ở các làng quê. Gia đình Laura Ingalls Wilder
tượng trưng cho “Giá Trị Cộng Hòa,” những người Thiên Chúa Giáo (Ingalls
theo Thánh Giáo Puritan) yêu nước, lòng tin đã giúp họ có kỷ luật.
Gia đình Ingalls đổ lỗi cho chính quyền Hoa Thịnh Ðốn can thiệp vào
đời sống dân, một chính quyền Dân Chủ bất lực với các chương trình xã
hội, chính trị gia bắt dân đóng thuế rồi tiêu xài hoang phí quên đi tinh
thần của những người Mỹ tiên phong, những người được kính trọng như
“Pa” hay hàng xóm của Laura không bao giờ cầu cứu van nài chính quyền
giúp đỡ.
Hậu quả chính trị của cuốn truyện “Căn Nhà Nhỏ Trên Cánh Ðồng Cỏ” rất
lớn. Tổng Thống Ronald Reagan yêu cuốn truyện, tài tử Reagan yêu chương
trình truyền hình, không đồng ý với chương trình New Deal của Tổng
Thống Dân Chủ F. D. Roosevelt áp dụng vào thập niên 1929-1939 cho thời
kinh tế suy thoái. Ðắc cử, TT Reagan đảng Cộng Hòa chỉ trích chương
trình xã hội Welfare của đảng Dân Chủ, ông cải tổ hệ thống welfare, cắt
chi tiêu, cắt welfare qua đạo luật OBRA về ngân sách và bắt những người
nhận trợ cấp chính phủ phải đi làm. Những sửa đổi này được hoàn chỉnh
năm 1996 với đạo luật welfare được ký bởi TT Dân Chủ Bill Clinton.
Cuốn truyện của bà Laura Ingalls Wilder là một cuốn truyện hay nhưng
xã hội nào cũng thay đổi theo chu kỳ lịch sử. Xã hội Hoa Kỳ ở thế kỷ thứ
21 khác với xã hội Hoa Kỳ thế kỷ thứ 19 của bà Laura. Trong thế kỷ thứ
21, đọc lại truyện của bà để nhớ đến những giá trị vĩnh cửu nhưng những
người Cộng Hòa cực đoan nếu cố áp dụng cứng nhắc những cái đẹp của thế
kỷ thứ 19, họ sẽ đi tìm về một “thiên đường đã mất” không hợp với xã hội
đa dạng hiện nay.
Việt Nguyên
0 comments:
Post a Comment