Nạn nhân có thể là thủ tướng Đức, và cứu tinh là Donald Trump?
Khi quân khủng bố dùng xe vận tải đâm vào ngôi chợ Giáng Sinh tại thủ
đô Berlin của Đức, Thủ Tướng Angela Merkel sẽ bị thiệt hại chính trị
trong cuộc bầu cử năm tới. Hậu quả kinh tế lại gây khó cho Tổng thống
Donald Trump, trừ phi ông ta nhìn lại và tính chuyện khác…
Tối Thứ Hai, 19 Tháng Mười Hai, khoảng tám giờ rưỡi, kẻ
gian cướp xe vận tải của một doanh nghiệp Ba Lan và tông vào đám đông
trong chợ cho mùa Giáng Sinh tại Berlin. Hung thủ còn tại đào nhưng
phương pháp khủng bố bằng xe vận tải tấn công vào các “mục tiêu mềm,”
tương tự như vụ tàn sát tại Nice của Pháp ngày 14 Tháng Bảy 2016, mang
dấu ấn của lực lượng khủng bố ISIS. Lực lượng Hồi Giáo này từng tuyên
truyền và khích động các phần tử cuồng tín cướp xe vận tải lao vào
thường dân để giết hại tối đa. Tại Nice, 86 người thiệt mạng, 434 người
bị thương. Tại Berlin, ít nhất có 12 người chết và 48 người bị thương.
Hôm sau, một viên chức cao cấp tại Berlin tuyên bố là nước Đức đang ở
trong thời chiến và lực lượng ISIS nhận công trạng về vụ khủng bố
Berlin là do “một chiến binh của Nhà Nước Hồi Giáo ISIS.” Cho tới nay,
giới chức an ninh Đức chưa bắt được hung thủ, hai hôm sau thì truy lùng
một nghi can là một người xin tị nạn gốc Tunisia để điều tra.
Ngoài khía cạnh nhân đạo – thường dân bị sát hại trong một mùa lễ
trọng của Thiên Chúa Giáo – vụ khủng bố Berlin còn gây hậu quả chính trị
trầm trọng hơn vậy: cùng ngày hôm đó, đại sứ liên bang Nga bị hạ sát
tại thủ đô Ankara của Turkey và một ngôi đền trong thành phố Zurich của
xứ Thụy Sĩ hiền hòa cũng bị tấn công làm ba người dự thánh lễ bị thương.
Đây là một trung tâm lai vãng của di dân Hồi Giáo gốc Somalia, người bị
giết tại hiện trường có thể là hung thủ, một di dân gốc Ghana…
Sau bài “Liên Âu Trên Đôi Vai Angela Merkel – Sau bầu cử tổng thống
Hoa Kỳ năm nay, hãy nhìn vào cuộc bầu cử tại Đức năm tới…” cách nay một
tháng, sẽ tìm hiểu về hậu quả chính trị của những vụ
này, nhưng không quên chúc quý độc giả một mùa Giáng Sinh yên bình hạnh
phúc.
“Một giải pháp khách cho Đức”
Với sản lượng kinh tế dẫn đầu khối tiền tệ thống nhất Euro, nước Đức
nằm giữa Âu Châu cũng là cột trụ chính trị của Liên Hiệp Âu Châu. Năm
tới, Đức có tổng tuyển cử vào Tháng Chín và Tháng Mười và sau hàng loạt
những vụ khủng bố tại Âu Châu (kể cả việc một người tị nạn gốc Pakistan
dùng ríu chém hánh khánh trong một chuyến xe lửa Đức vào Tháng Bảy vừa
qua), Thủ Tướng Merkel sẽ bị oán trách vì chánh sách rộng rãi tiếp nhận
nạn dân đến từ Trung Đông.
Từ phía cực hữu, đảng AfD (một Giải pháp khác cho nước Đức –
Alternative for Germany) đã từng đả kích chánh sách di dân của Thủ Tướng
Merkel. Khi vụ Berlin xảy ra, lãnh tụ AfD là Frauke Petry lập tức khai
triển lý luận tranh cử: Quyết định mở rộng biên cương của thủ tướng
phương hại tới an ninh quốc gia.
Trên chính trường Đức, ảnh hưởng của đảng AfD đã lan rộng kể từ Tháng
Tám 2015 khi bà Merkel quyết định đón nhận nạn dân từ Syria: từ 4%, tỉ
lệ ủng hộ đảng AfD tăng liên tục và lên tới 12-13%. Chẳng những vậy,
trong các cuộc bầu cử hội đồng hàng tỉnh tại các địa phương, AfD chiếm
thêm ghế, nhất là tại miền Đông. Và đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU thì
sa sút liên tục. Từ vài tháng nay vì nội bộ AfD lủng củng và không khai
triển dược một chương trình hành động bao trùm lên các lãnh vực khác
ngoài bài toán di dân nên đảng này chưa khai thác thêm hậu quả từ vụ
khủng bố tại Berlin. Nhưng trong 10 tháng tới, nếu nước Đức lại bị khủng
bố tấn công, đảng AfD sẽ có thêm cơ hội. Và dù AfD lên hay xuống trong
kỳ bầu cử tới, lập trường cứng rắn của đảng này, là ưu tiên bảo vệ quyền
lợi và an ninh quốc gia, cũng chi phối chủ trương của các chính đảng
khác.
Chẳng lẽ ai ai cũng nghĩ đến một giải pháp khác cho nước Đức?
Hoài nghi trong nội bộ
Nhưng Angela Merkel không chỉ bị AfD tấn công từ cánh hữu.
Trong đảng CDU và đảng chị em của CDU tại vùng Bavarian là Xã Hội
Thiên Chúa Giáo (CSU, Christian Social Union) với khuynh hướng còn quốc
gia và bảo thủ hơn, đã có lời kêu gọi kiểm soát việc tiếp nhận di dân
bằng luật lệ hạn chế hơn. Dù bà Merkel chiều theo áp lực đó – như giới
hạn trợ cấp an sinh cho dân tị nạn, trục xuất những ai không được quy
chế tị nạn và chống việc phụ nữ phải trùm đầu che mạng theo phong tục
Hồi Giáo – đảng CSU vẫn đòi thiết lập chế độ hạn ngạch cho nạn dân, một
năm chỉ nhận tối đa một số nhất định.
Tới nay Thủ Tướng Merkel chưa đáp ứng đòi hỏi đó, nhưng CSU còn yêu
cầu thêm, rằng phải tăng cường kiểm soát biên giới và lập ra khu tạm cư
tại vùng biên vực để thanh lọc nạn dân trước khi nhận. Ngay sau khi
Berlin bị khủng bố, thủ lãnh CSU là Horst Seehofer cho rằng nước Đức
phải quan niệm lại chánh sách di dân và bảo vệ an ninh của mình.
Trong khung cảnh bị chỉ trích từ trong ra ngoài, bà Merkel chỉ còn hy vọng từ cánh tả.
Trên chính trường Đức, đảng Dân Chủ Xã Hội SPD thuộc khuynh hướng
trung tả từng là một chính đảng lớn và cũng có chủ trương tiếp nhận di
dân, nhưng từ vài năm nay nay lại mất dần thế mạnh trước các đảng thiên
tả khác, kể cả đảng Xanh. Và y như bà Merkel, các đảng khuynh tả này khó
thuyết phục được dân Đức rằng quốc gia vẫn an toàn khi rộng cửa đón
nhận di dân. Đâm ra hai đảng trung hữu CDU và trung tả SPD đều lâm thế
kẹt.
Cả nước Đức cũng vậy, ở giữa một Âu Châu lầm than về kinh tế và hoang
mang vì khủng bố trước làn sóng di dân tràn lên từ miền Nam. Thủ Tướng
Merkel có thể phải trả giá cho vụ hoang mang này, nhưng vấn đề không còn
rắc rối hơn thế.
Qua hàng loạt hành vi khủng bố, phong trào cuồng tín muốn gây phản
ứng chống Hồi Giáo trên thế giới để cô lập cộng đồng những người theo
Hồi Giáo và làm các nước Tây phương Thiên Chúa Giáo thêm phân hóa bên
trong vì Liên Âu không thể chi phối nội tình từng quốc gia thành viên
tiếp nhận di dân hoặc lãnh thổ là vùng quá cảnh của di dân. Vụ Đại sứ
Nga bị bắn hạ tại Turkey càng gây khó cho Âu Châu vì Turkey là thành
viên Hồi Giáo của Minh ước NATO và là một trong những cửa ngõ chính của
làn sóng di dân vào Âu Châu.
Khủng bố, kinh tế Đức, và Donald Trump
Nói về bối cảnh, vốn dĩ là mục tiêu của Hồ Sơ Người Việt, chúng ta cần mở tầm nhìn từ nội tình Âu Châu ra thế giới bên ngoài.
Tại Âu Châu, khối Euro đang gặp nhiều vấn đề kinh tế và tài chánh
chưa thể giải quyết từ năm 2010. Trong khu vực này, hệ thống ngân hàng
của Ý còn bị nguy cơ khủng hoảng và ngân hàng Đức cũng rung rinh. Sau
cuộc trưng cầu dân ý hôm mùng năm tại Ý, đa số tới hơn 60% bác bỏ đề
nghị tu chỉnh Hiến Pháp của Thủ tướng Matteo Renzi, nên ông phải từ chức
và chính quyền lâm thời đang cố gắng giải quyết khó khăn kinh tế trước
khi nước Ý lại có tổng tuyển cử vào năm tới. Việc giải quyết các khó
khăn này gây mâu thuẫn trong quan hệ giữa Ý và Đức.
Tức là trước khi bị vụ khủng bố tại Berlin, lãnh đạo Berlin đã gặp
nan đề kinh tế và chính trị bên trong khối Euro, lần này không phải là
với Hy Lạp mà là nước Ý, cường quốc có nền kinh tế đứng hạng thứ ba sau
Đức và Pháp.
Trong khi đó, năm tới, chính nền kinh tế Đức còn bị nguy cơ suy trầm
khi xuất cảng sụt mạnh. Quá lệ thuộc vào xuất cảng, Đức phải duy trì
khối Euro bằng mọi giá và gây mâu thuẫn với nhiều nước tại miền Nam. Nếu
kinh tế Đức bị suy trầm, các nước Đông Âu sống nhờ giao dịch với Đức
cũng bị ảnh hưởng nặng. Nghĩa là cột trụ của Âu Châu là Đức sẽ phải khắc
phục khó khăn này trong khi bên trong lại bất định về chánh sách di dân
và bảo vệ an ninh.
Đấy là lúc ta cần nhìn qua Hoa Kỳ, với tổng thống tân cử Donald Trump.
Ngoài các vấn đề đối ngoại đang gây lo ngại cho Âu Châu, như vai trò
của Nga hay gánh nặng của NATO, chiến lược kinh tế của ông Trump đang
thành hình. Nó dựa trên kế hoạch đầu tư vào hạ tầng cơ sở, cải cách thuế
khóa, giản lược kiểm soát hành chánh để hỗ trợ doanh nghiệp hầu có sức
tăng trưởng cao hơn. Sau khi ông thắng cử, thị trường cổ phiếu lạc quan
tăng giá, phân lời trái phiếu cũng tăng, đồng đô la lên tới mức kỷ lục.
Việc Ngân hàng Trung ương vừa quyết định tăng lãi suất và dự trù tăng
thêm ba lần nữa trong năm tới càng khiến đô la lên giá và mặc nhiên hút
hết tư bản về thị trường Mỹ.
Khi ấy, người ta mới thấy ra mối nguy bất ngờ của kinh tế Hoa Kỳ, được gán cho ông Trump!
Ba khối kinh tế Âu, Nhật, Hoa đều chưa khởi sắc như Hoa Kỳ và các
nước duy trì chánh sách tiền rẻ, lãi suất thấp và tăng chi để kích cầu.
Khi ấy, tư bản khắp nơi sẽ lại chảy về Mỹ với đô la lên giá làm hàng Mỹ
đắt hơn, khó cạnh tranh hơn. Gặp cảnh huống đó, phản ứng bảo hộ mậu dịch
lại có vẻ thuận lý và Đức hay Tầu đều nghẹn vì quá lệ thuộc vào xuất
cảng.
Thay vì giữ lấy quan điểm bảo hộ – để bảo vệ quyền lợi Hoa Kỳ – chính
quyền Trump có thể nghĩ xa hơn và tìm cách phối hợp chánh sách với ba
nền kinh tế đi sau là Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, để tránh một trận
chiến mậu dịch sẽ lan ra toàn cầu. Vì vậy mà người ta theo dõi kỹ việc
Tổng thống Tân cử bổ nhiệm các chức vụ liên quan tới thương mại, kinh tế
và ngoại giao theo tinh thần “chiến” hay “hòa.” Nếu ông không khéo, có
khi Thủ Tướng Merkel thất cử và khối Euro cùng Liên Âu bị loạn to. Quân
khủng bố khi ấy sẽ reo hò đại thắng!
Và Donald Trump bị trách cứ là gây chiến!
Kết luận ở đây là gì?
Từ nhiều năm nay, nạn khủng bố Hồi Giáo chẳng còn làm ai ngạc nhiên.
Nhưng khi Berlin bị tấn công thì cột trụ Âu Châu là nước Đức phải lung
lay. Qua năm nay, người ta gặp nhiều ngạc nhiên chính trị, việc Donald
Trump đắc cử là bất ngờ nhất. Qua năm tới, nên theo dõi chuyện bất ngờ
khác, là xem Hoa Kỳ sẽ làm những gì để Âu Châu khỏi suy sụp về kinh tế
và bị khủng bố phá cho tan hoang.
Hùng Tâm
0 comments:
Post a Comment