Có sự đe dọa, khủng bố nào đáng ghê sợ bằng những hình ảnh
được in trên bưu thiếp của thực dân Pháp vào những năm 1908? Đó là tấm
hình đầu các nghĩa quân bị chặt, bỏ rọ treo lơ lửng trên các cành cây ở
đầu làng.
Thực dân gọi họ là “bọn cướp”, chúng mô tả các nghĩa quân như sau:
“mặc áo vá nhiều mảnh, bằng đủ mọi thứ vải, rách rưới, râu tóc lù xù, ốm
yếu lòi xương …” có người còn phải đóng khố vì không có đến một manh
quần để mặc. Thế nhưng, những con người rách rưới, ốm yếu đó chưa bao
giờ cho phép thực dân được ngon giấc trên đất nước của họ. Cái chết còn
chưa ngăn nổi bước chân của những con người không chấp nhận làm nô lệ;
vậy thì, Ai đã phải sợ Ai trong cuộc đấu cân não ấy ?
***
Phải công nhận về thủ thuật hù dọa, khủng bố, gây sợ hãi thì thực dân
còn thua xa cộng sản. Chỉ có cộng sản mới có đủ sức làm cho xã hội điêu
đứng vì sợ. Chỉ có cộng sản mới đủ xảo quyệt để biến tất cả, từ người
dân thường cho đến những nhân cách trí thức, những nhà văn, nhà thơ phải
khuất phục, phải thú nhận mình đã sống hèn chỉ vì sợ.
Và ở bất cứ nơi đâu, bất cứ quốc gia nào, khi cộng sản xuất hiện, sự
khủng bố xuất hiện đầu tiên. Anna Akhmatova, thi sĩ người Nga đã diễn tả
nỗi sợ của nhân dân Sô Viết trước cộng sản như sau:“… những ngôi sao
chết chóc trên đầu ta / và nước Nga vô tội co rúm lại / Dưới những đế
giày thấm máu…”
Nhưng cái thời tắm máu nhân dân qua các chiến dịch “Cải Cách Ruộng
Đất”, “Nhân Văn Giai Phẩm”… thời cộng sản nắm trong tay quyền sinh sát
đã qua. Khả năng sinh tồn, khả năng sống còn của con người mạnh hơn tất
cả. Đó là lý do mà sự sụp đổ hàng loạt của các quốc gia cộng sản ở Đông
Âu nhanh hơn một cơn gió. Những thành trì bảy, tám mươi năm được khởi
công xây dựng bằng những cuộc thanh trừng tắm máu thi nhau ngã đổ hàng
loạt, dù trong tay các chính quyền này còn nguyên vẹn quân đội, đạn
pháo, xe tăng…
Bản năng sống còn khiến người ta vượt qua sự sợ hãi cố hữu để dành
lại quyền sống chính đáng cho mình và các thế hệ tương lai. Nên nhớ cuộc
biểu tình ôn hòa ngày 2 tháng 10 trước cổng Formosa đâu phải không có
sự đàn áp của công an. Đã có lúc những dùi cui của đám cảnh vệ đã hung
hãn vung lên, vụt thẳng vào người biểu tình như chúng vẫn thường làm.
Thế nhưng, sự kiên định, ôn hòa nhưng quyết liệt của người dân đã khiến
chính bọn chúng sau đó đã phải trút vội quần áo để tháo chạy.
Đây là điểm then chốt, điểm son của cuộc biểu tình ngày 2 tháng 10,
mà cả lãnh đạo CS và người dân VN, những người đang đấu tranh cho quyền
lợi chính đáng của mình cần ghi nhớ. Ngày nào dân ta biết đoàn kết để
tạo thành số đông, ngày nào dân ta nhận rõ ra rằng quyền lực nằm trong
chính tay mình – ngày đó là ngày tàn của lãnh đạo cộng sản.
Ngay sau cuộc biểu tình, lãnh đạo CS lập tức vu vạ cho người dân là
bị Việt Tân xúi giục và Bộ Công an cuống cuồng ra thông báo: “việt tân
là tổ chức khủng bố; do đó, người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền …
sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Trong đoạn trích dẫn
này, tôi không muốn viết hoa hai chữ “việt tân” vì đó là chiêu trò
thường xuyên của lãnh đạo CS luôn gán ghép các lý do phi lý nhằm chia
rẽ, hăm doạ hoặc đánh lạc hướng các sức mạnh đang ngăn trở mưu đồ đen
tối của họ. Trên thực tế, CSVN đã nhận ra và hết sức kiêng dè trước sức
bật của nhân dân Nghệ Tĩnh. Những ngư dân đến từ những vùng biển mà
nguồn sống của họ đã khô cạn… những con người không còn gì để mất.
Tuy đổ tội cho Việt Tân, nhưng chỉ ít ngày sau đó những động thái của
công an như vây bắt, đàn áp thành viên của một nhóm XHDS nhóm họp ở
Vũng Tàu; đánh đập, nhũng nhiễu, bắt bớ những người chẳng có liên quan
gì đến Việt Tân như Ls Lê Công Định, chị Nguyễn Thúy Quỳnh, blogger Mẹ
Nấm, … rồi tiếp đến ông Lưu Văn Vịnh, bác sĩ Hồ Hải, … đã cho thấy lãnh
đạo CS đang rất lo sợ trước ý chí mạnh mẽ của người dân. Chúng lo sợ
trước đường lối đấu tranh ôn hòa bất bạo động, một phương pháp đã giật
sập hàng loạt những chế độ độc tài trên thế giới.
Điều còn lại là sự sáng suốt, kiên định của người dân VN. Tại thời
điểm này, không còn nghi ngờ gì nữa, chấm dứt chế độ cộng sản là sự sống
còn của dân tộc. Chấm dứt chế độ cộng sản để thoát ra được tình trạng
lệ thuộc ngoại bang; để chấm dứt tình trạng tham nhũng, thối nát, tụt
hậu và chấm dứt sự nô lệ của chính mình. Nhà thơ Bùi Minh Quốc bảo cộng
sản là “tên gọi của một thế lực quỷ dữ, một thế lực kết xoắn mọi độc ác
và dối trá, một thiết chế của chế độ nô lệ mới”. Dưới thể chế này, dân
ta sống chẳng khác nào như những kẻ nô lệ: bị bóc lột đến tận cùng, bị
cướp nhà, cướp đất, cướp mất nguồn sống… Tệ hơn nữa là sống với một tư
duy nô lệ: chúng ta sợ hãi, thấp hèn, cô đơn, đánh mất cả nhân phẩm và
cả danh dự của dân tộc.
Chuyện lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa lùa dân ra phất cờ đón rước binh lính
Trung Quốc cùng chiếc Tương Đàm, tên của chiến hạm đã xả xúng giết chết
64 chiến sĩ ở Gạc Ma có để lại trong lòng chúng ta những cay đắng? Tôi
tin rằng chuyện các thiếu nhi VN cầm “lá cờ sáu sao” đón rước Tập Cận
Bình hay việc bố trí chiếc Tương Đàm dẫn đầu hai chiến hạm ghé cảng Cam
Ranh đều ngầm mang chủ ý của Trung Quốc. Liệu nhân dân VN có tiếp tục cố
tình làm ngơ trước những chỉ dấu và vận mạng đen tối của đất nước mình?
Hình đầu của các nghĩa quân trên tấm bưu thiếp nhắc nhở chúng ta
những hy sinh vô bờ bến của các thế hệ đi trước. Nó cũng nhắc nhở chúng
ta lời miệt thị của viên tướng thực dân E. Diguet dành cho người Việt:
“…Để có được một huân chương, một mảnh bằng với con dấu đỏ, một chức
quan tước huênh hoang, một địa vị làm cho chúng trở thành ngôi sao,
chúng sẽ sẵn sàng phát huy cống hiến tất cả mọi tiềm lực và sức kiên trì
dai dẳng trong nhiều tháng, nhiều năm. Vậy thì chúng ta có gì đâu phải
than van ? Cái khuyết điểm đó của bọn bị bảo hộ giao trong tay chúng ta
một công cụ đô hộ tuyệt vời…”
Không ai có thể giải thoát cho mình ngoại trừ chính mình. Dân tộc
Việt Nam đang đứng bên bờ vực thẳm. Niềm tự tôn dân tộc trong từng cá
nhân của chúng ta đang đối mặt với thử thách: hoặc tiếp tục chấp nhận
làm nô lệ cho một thể chế thối nát; hoặc đoàn kết, sát vai nhau khiến
chúng phải tháo chạy như đám cảnh sát cơ động trong cuộc biểu tình lịch
sử ngày 2 tháng 10 trước cổng Formosa.
Ai sẽ sợ Ai? Tất cả là cách nhìn và là quyết định lựa chọn của mỗi người dân Việt Nam.
***
Nhân nhắc đến lời miệt thị của viên Tướng E. Diguet, tôi cũng muốn
nhắc lại câu ca dao mà thời ấy các trẻ em Việt Nam vẫn hát ví với nhau.
Thực dân Pháp chỉ khống chế dân ta được là nhờ vào vũ khí văn minh và sự
hợp tác trung thành của bọn Việt gian bán nước cầu vinh. Thời ấy, chúng
vẫn mất ăn, mất ngủ về cái biệt danh “Hùm Thiêng Yên Thế” của lãnh tụ
nghĩa quân và những vùng đất hoang vu còn lưu dấu trong ca dao cho mãi
đến tận giờ:
“Ở đây là đất ông Đề
Tây vô thì có Tây về thì không”
Nguyệt Quỳnh
0 comments:
Post a Comment