Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Tuesday 18 October 2016

Trump, Clinton và tiên đoán của Karl Marx

Hai ứng cử viên Trump và Clinton sắp bước vào cuộc tranh luận lần thứ 3 và cũng là cuộc tranh luận cuối cùng trước ngày tổng tuyển cử. (Hình: Getty Images)Buổi tranh luận kỳ hai giữa hai ứng cử viên tổng thống Donald Trump và Hillary Clinton đã kết thúc tốt đẹp nhờ một “người hùng” bất ngờ, Kenneth Bone một người Mỹ thuộc giai cấp công nhân, đặt câu hỏi: “Quí vị có thấy điểm tốt nào của đối thủ?” Câu hỏi đã đưa cả hai ứng cử viên về lại con đường chính sau hơn một tiếng “đấm đá, bôi lọ” cá nhân quên đi hai bộ mặt đại diện hai đảng và đại diện nền dân chủ Mỹ.
Câu hỏi về chính sách năng lượng đã dẫn hai ứng cử viên về lại chương trình đối nội, chính sách thuế, chương trình sau 8 năm Obama với nền kinh tế không phát triển nhưng không xuống đến mức năm 1929 như ông Donald Trump nói. Trong 8 năm, giai cấp trung lưu và công nhân phải sống với đồng lương cố định, không tăng lương trong khi giá nhà, giá thuê nhà và chi phí bảo hiểm y tế gia tăng. Hai ứng cử viên với hai chương trình thuế nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Theo cơ quan nghiên cứu thuế, chương trình thuế của ông Trump sẽ tăng lợi tức sau khi đóng thuế của thành phần lợi tức cao nhất 1% lên từ 10% đến 16%, giảm thuế gia sản cho người giàu (tài sản trên 5 triệu) giảm thuế công ty hơn 50% trong khi lợi tức giới bình thường chỉ tăng lên từ 0.08% đến 1.9%. Mô hình của ông Trump bắt chước chương trình của TT Reagan, giảm thuế người giàu và công ty để thúc đẩy nền kinh tế như khẩu hiệu của đảng Cộng Hòa năm 2012 “Thuế làm giảm tự do của người dân.” Chính sách ngược với thống kê cho thấy 60% người Mỹ muốn người giàu phải đóng thêm thuế.
Chương trình của bà Hillary Clinton tăng thuế các dịch vụ thương mại nhằm tăng 498 tỷ ngân sách trong 10 năm, giới hạn tiền khấu trừ thuế mỗi năm như lời khuyên của nhà tỷ phú Warren Buffett, bắt những người có lợi tức mỗi năm trên 5 triệu phải đóng thêm 4% và tăng thuế trên lợi tức đầu tư dài hạn của cổ phiếu. Nghe thêm lời của Bernie Sanders, bà Clinton đã bị chỉ trích là đi theo con đường xã hội chủ nghĩa lấy tiền người giàu chia cho người nghèo. Giới trẻ trái lại đã ủng hộ cựu ứng cử viên dân chủ Bernie Sanders vì cái nhìn của họ khác với cái nhìn của giới tư bản Mỹ trong xã hội năm 2016 với hiện tượng bất bình đẳng lợi tức.
Lịch sử tái diễn, tình hình kinh tế xã hội năm 2016 giống như 1848, năm Âu Châu tự hào đã sống trong thời kỳ cách mạng kỹ nghệ và kỹ thuật vượt qua tất cả những tiến bộ của các nền văn minh nhân loại trong quá khứ. Các phát minh mới từ xe hỏa, tàu chạy bằng hơi nước, điện thoại, điện tín, tự do giao thương, đã giúp thế giới không biên cương, hàng hóa rẻ và ý tưởng mới lan tràn khắp nơi. Con người không tin vào tôn giáo tuyệt đối, giai cấp trong xã hội không còn bị định đoạt vì dòng dõi, mọi người bình đẳng. Hệ thống sản xuất dây chuyền tăng gia sản xuất nhưng cuối cùng lại tạo ra sự bất bình đẳng lợi tức. Giai cấp chủ nhân 10% nắm hết tài sản 90%, còn lại vô sản nhất là ở các thành phố kỹ nghệ hóa, người giàu càng giàu, giới trung lưu đi xuống. Cách mạng vô sản bùng nổ với “tuyên ngôn cộng sản” của Karl Marx.
Năm 2016, thế giới tiến bộ với truyền thông, mạng lưới thông tin, Facebook, Twitter đem đến cách mạng toàn cầu, thay đổi đời sống thường nhật, con người lệ thuộc vào thông minh của máy điện toán (AI), xe hỏa xuyên tốc, xe hơi không người lái, phi cơ phản lực, phi thuyền không gian lên mặt trăng, hỏa tinh. Tự do giao thương với TPP, NAFTA. Về quân sự: Vũ khí nguyên tử, hỏa tiễn nguyên tử, Tiềm thủy đĩnh gây ra lo lắng sợ hãi về chiến tranh thế giới thứ ba.
Bất bình đẳng lợi tức không khác gì năm 1848. Ở Hoa Kỳ, 1% người giàu làm chủ 42% tài sản. Ở Trung Hoa, 1% người giàu nhất làm chủ 1/3 tài sản quốc gia còn 25% những người nghèo nhất làm chủ 1% tài sản quốc gia. Ở Nga 35% tài sản quốc gia nằm trong tay 110 nhà tỷ phú.
Giống như tiên đoán của Karl Marx hơn 150 năm trước khi 1% những người giàu nhất ở Anh và Pháp nắm hết tài sản quốc gia, lương công nhân không tăng. Năm 1969, lương công nhân trung bình là 1.6 Mỹ kim tương đương 10.49 Mỹ kim hiện nay, trong khi năm nay 2016 lương trung bình giới công nhân là 7.25 Mỹ kim, mọi người làm hơn một việc vì đời sống đắt đỏ. Thomas Picketty viết cuốn “tư bản thế kỷ 21” năm 2013, nhận xét tài sản đa số nằm trong tay tư bản ở các nước Âu Châu và Nhật phản ảnh ý tưởng của Marx.
Sự bất bình đẳng lợi tức này không thể kéo dài được nhưng khác với Marx, Thomas Picketty không tiên đoán sẽ có cuộc cách mạng ở Mỹ. Cách mạng đổ máu không xảy ra ở Mỹ vì nước Mỹ có tự do. Cách mạng không xảy ra ở Nga và Trung Cộng vì các nước ấy có chế độ độc tài đàn áp với bộ máy công an quân đội trong chế độ xã hội khác với những tư tưởng thật của Marx. Johnathan Sperbu trong “Karl Marx, cuộc đời ở thế kỷ 19” năm 2013 và “Karl Marx” của Stedman Jones cho thấy con người thật của Marx khác với Marx của cộng sản Nga, Tàu và Việt Nam vẽ ra.
Marx là người cách mạng viết “tuyên ngôn cộng sản” nhưng đã nói “tôi không phải là con người Mác Xít,” không thích chủ thuyết mù quáng. Marx chủ trương lý thuyết phải đi đôi với thực hành để làm thay đổi thế giới vì ông ta đã tiên đoán kinh tế thị trường đưa đến bất bình đẳng nhưng cách mạng Cộng Sản ở thế kỷ 20 đã làm nhơ tên tuổi của ông. Marx chết năm 1883, 64 tuổi, đám tang chỉ có 11 người, ít người biết đến Karl Marx trừ Engel học trò của ông. Cuốn “Tuyên Ngôn Cộng Sản” sau khi ông mất không còn in, dịch ra tiếng Anh năm 1886 chỉ bán được 1,000 cuốn. Sở dĩ Marx nổi tiếng là nhờ cách mạng đẫm máu ở Nga năm 1917 do Vladimir Lenin.
Hồi nhỏ Marx học triết mặc dù ông bố muốn ông học luật, ông ở trong nhóm trẻ Hegel, sau này nhóm giải tán ông đi làm ký giả, viết báo kiếm cơm, chuyên viết chính trị cho các báo Âu Châu và nhật báo New York Tribune tờ báo phát hành nhiều nhất trên thế giới thời ấy.
Marx nghèo, sống nhờ hưởng gia tài của gia đình Engels, chấp nhận sống nghèo vì nghèo là điều kiện cần thiết để làm chính trị khác với các lãnh tụ Cộng Sản thời nay. Sau đó Marx lưu vong qua sống ở Cologne, Ðức viết báo, rồi qua Paris sống, Marx và Engels trở thành bạn. Engels tiên đoán cách mạng Cộng Sản sẽ xảy ra dựa vào những điều kiện sống của công nhân ở Anh. Năm 1845, Marx bị đuổi ra khỏi Pháp, qua Bỉ ở, 3 năm sau cách mạng bùng nổ khắp Âu Châu, nguyên nhân vẫn không rõ. Cách mạng ở Pháp, Ý, Ðức, Áo xảy ra khi Marx viết tuyên ngôn Cộng Sản chứ cách mạng không bùng nổ vì cuốn sách của Marx.
Mời độc giả xem video: Văn phòng Cộng Hòa ở North Carolina bị đốt trong vụ “khủng bố chính trị”
Cuối năm 1848, cách mạng ở Pháp bị đàn áp, sự kiện phản cách mạng đã xảy ra khi Louis Napoleon Bonaparte lên làm tổng thống Cộng Hòa Pháp rồi tự nhận là hoàng đế cho đến năm 1870 chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ. Công Xã Paris là sản phẩm của chiến tranh Pháp-Phổ là ngẫu hứng của Lenin, Stalin. Năm 1849, Marx chạy qua Luân Ðôn sống tị nạn đến cuối đời. Ðời sống của Marx là “cái máy sống với sách vở, viết sách để thay đổi, để làm lịch sử” chứ không dùng vũ lực. Marx viết suốt đêm, hút thuốc khói đầy phòng, sách và giấy chồng đầy bàn viết. Sách là nô lệ phục vụ cho Marx. Các công nhân công đoàn Anh đầu tiên thấy Marx đen đúa, tóc đen, mắt đen gọi Marx là dân mọi (Moor), họ thấy ông là người điềm đạm, bản chất hiền lành. Stalin, Lenin, Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh thực hành “chủ thuyết Marx” khác với “triết lý của Marx.”
Marx không chủ trương bạo động, chủ trương chính trị trong sáng không bí mật mập mờ như các chế độ cộng sản từ Âu sang Á!. Nền chính trị hợp lý để giải phóng con người ra khỏi những ràng buộc và chi phối bởi quyền lực. Marx và Hegel với biện chứng lịch sử lý luận “lịch sử nhân loại từ từ dẫn đến tự do thực sự, con người tự do tự hiểu và tự giải phóng không còn bị những ảo ảnh do con người tạo ra.” Marx là triết gia và triết không lệ thuộc chủ thuyết. Giống như tam đoạn luận của Socrate, Triết không lệ thuộc chủ thuyết, Marx theo triết nên Marx không lệ thuộc chủ thuyết như ông đã nói “ tôi không phải là chủ nghĩa Marx.”
Cùng thời với Marx, triết gia Fuerbach cũng nói “mục đích của triết lý là tìm hiểu điều kiện xã hội để thay đổi, triết không nhằm mục đích lý luận vẩn vơ.” Chính Marx đã nghĩ tư bản được tạo ra với ý tốt: Tăng gia sản xuất, nhưng hậu quả là chủ nhân bóc lột công nhân. Hậu quả này không phải vì giới tư bản tạo ra hay vì họ tham lam hay tàn ác như Stalin, Lenin và Mao Trạch Ðông đã nhồi sọ để Hồ Chí Minh bắt chước theo.
Theo Marx, sự bóc lột của chủ nhân là hậu quả của sự cạnh tranh. Kỹ nghệ tư bản như con ác quỷ Frankeinstein do con người tạo ra rồi nó lại kiểm soát con người. Marx, khác với các lãnh tụ Cộng Sản đã lợi dụng danh nghĩa của ông, có tư tưởng nhân bản tin rằng con người sẽ thay đổi được hệ thống để đến mục đích có lợi ích cho mọi người, giai cấp tư bản sẽ tự hủy diệt dẫn đến giai đoạn cộng sản với công nhân làm chủ nhưng không bạo động với “chuyên chính vô sản” của Lenin. Marx có lỗi lầm lớn là đã bỏ thời giờ nghiên cứu điều kiện làm việc trong các hãng xưởng nhưng Marx không nói gì về tổ chức xã hội và đời sống trong xã hội Cộng Sản như thế nào.
Marx chỉ có cái nhìn là xã hội Cộng Sản sẽ không giai cấp, không tài sản tư hữu, không còn quốc gia. Quốc gia là quan điểm của tư sản thế kỷ thứ 20. Marx xem hệ thống sản xuất dây chuyền mà Adam Smith cổ võ là “quỷ” của thời đại tân tiến khiến đời sống công nhân phải lệ thuộc vào máy móc giống như Charlie Chaplin qua cuốn phim “Le temp modern” thời buổi tân tiến máy làm chủ con người như thế kỷ 21, máy điện toán và thông minh nhân tạo AI điều khiển con người và đời sống con người không còn tự do thư thả “sáng đi săn, chiều đi câu, tối ngồi bàn luận sau bữa ăn chiều.”
Trọng tâm của ý tưởng Marx là con người, “con người với óc sáng tạo sống trong xã hội bình đẳng.” Xã hội Cộng Sản của Lenin, Stalin, Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh đi ngược lại khiến con người sống trong xã hội đỏ vừa thành nô lệ của máy móc vừa là nô lệ của đảng.
Biện pháp của Bernie Sanders để sang bằng bất bình đẳng lợi tức bằng cách tăng thuế bị xem là biện pháp xã hội chủ nghĩa. Biện pháp kinh tế của Donald Trump là ủng hộ tự do mậu dịch, chỉ trích bà Clinton đã chống hiệp thương TPP, ông phản đối NAFTA, nhưng vô tình Trump cũng cùng tư tưởng với Karl Marx. Ở thế kỷ 19, Marx ủng hộ tự do mậu dịch cuối cùng đưa đến lương công nhân giảm và cách mạng vô sản.
Marx và Engel tiên đoán nhiều điều đúng xảy ra trong thế kỷ 21 nhưng các ông không tiên đoán được phong trào quốc gia quá khích. Các quốc gia vẫn còn đó, các nước Cộng Sản mang tên chủ nghĩa Marx từ Nga qua Tàu nay nặng tinh thần quốc gia quá khích từ Putin cho đến Tập Cận Bình với “tân chủ nghĩa Marx-China.”
Tư bản chủ nghĩa không biến mất. Các chế độ Cộng Sản Nga, Trung Hoa, Việt Nam bây giờ lại sợ cách mạng vì cách mạng xảy ra đồng nghĩa với “mất,” mất tất cả từ quyền lực đến tài sản. “Không gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chí Minh nay thành cơn ác mộng vô sản của đảng viên Cộng Sản Việt Nam!
 Việt Nguyên

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.