Trong
mỗi chúng ta ai cũng có một người mẹ, để được yêu thương, chăm sóc và
dạy dỗ. Sự hy sinh cao quý của mẹ cho chồng con đã được vinh danh nhiều
qua thi ca Việt Nam. Nhưng sự hy sinh của các bà mẹ, những người vợ lính
Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), thì không có bút mực nào viết ra hết. Là một
người con có mẹ là vợ lính VNCH, tôi đã trải qua nhiều kinh nghiệm về sự
hy sinh của mẹ tôi và nhìn thấy sự hy sinh của các bà mẹ, của các bạn
đồng cảnh. Với lòng thương yêu và trân quý sự hy sinh của mẹ, tôi đã ôm
ấp trong lòng một bài viết về mẹ từ lâu. Sau khi ba tôi mất, nhìn thấy
nỗi cô đơn và thương nhớ của mẹ đã thôi thúc tôi phải viết bài về mẹ.
Bài
viết này chỉ là câu chuyện nhỏ trong vô số những câu chuyện về các mẹ,
vợ lính VNCH. Xin được dùng bài viết như một món quà gởi đến mẹ tôi
trong ngày lễ Hiền Mẫu (Mother Day) của năm 2014. Xin cám ơn mẹ cho tất
cả những gì mẹ đã đem lại cho ba và anh em tụi con. Qua bài viết này,
tôi xin gởi một thông điệp đến các em tôi, các bạn tôi và các thế trẻ về
hình ảnh của một người mẹ trong vô số những người mẹ, vợ lính VNCH, đã
hy sinh cả cuộc đời cho chồng con. Cuộc đời của mẹ tôi đã gắn liền với
thời chinh chiến ly loạn của dân tộc Việt Nam.
Mẹ
sinh ra tại làng Tân Phú Thượng, quận Đức Hòa, tỉnh Hậu Nghĩa (nay
thuộc tỉnh Long An) vào năm 1945. Theo lời bà ngoại tôi kể, ngôi làng
nằm ngoài vùng kiểm soát của thực dân Pháp và trong vùng mà Việt Minh
Cộng Sản (VMCS) hàng đêm đến cướp bóc. Quân Pháp thường xuyên mở các
cuộc hành quân bố ráp, đốt nhà, và tàn phá mọi thứ.
Mỗi
lần như thế, ông bà ngoại phải dẫn mẹ và các dì chạy trốn trong lằn tên
lửa đạn. Người dân trong làng bám đất không vì yêu thích Cộng Sản (CS),
mà vì là nơi chôn nhau cắt rốn và đất đai mồ mả ông bà bao đời để lại.
Nhiều người đã bỏ làng, trốn ra ngoài vùng Pháp kiểm soát, thì bị VMCS
ban đêm tìm bắt, giết và treo cổ ở đầu làng để răn đe thị chúng. VMCS sợ
dân bỏ làng đi hết thì bọn chúng sẽ đói vì không còn gì để cướp. Không
thể sống trong cảnh bất an, ông bà ngoại tôi đã dẫn gia đình chạy trốn,
đi thật xa, và lên lập nghiệp tại vùng Gia Định, thành đô.
Mẹ
tôi đã trưởng thành trong nền giáo dục nhân bản của Miền Nam Việt Nam
(MNVN). Sau khi hoàn tất trung học, mẹ đã vào làm thư ký cho hãng tàu
thủy xuất nhập cảng hàng hóa. Đó là công ty Khánh Phát tại Sài Gòn. Mẹ,
cũng như các thanh thiếu nữ khác, đã trải qua tuổi thanh xuân đẹp đẽ của
mình với những tình bạn và tình yêu chân thành. Nhưng chiến tranh khốc
liệt ngày một lan tràn khắp nơi trên quê hương Miền Nam, bao lớp trai
trẻ phải xếp bút nghiên, rời bỏ công sở và gạt qua những ước mơ riêng,
lên đường nhập ngũ, cầm súng bảo vệ sự thanh bình và tự do của MNVN. Mẹ
đã chứng kiến những cảnh chia tay của những người bạn, người yêu, và
người thân. Thiếu nữ thời mẹ đã sớm trở thành những người bạn, người
yêu, và người vợ của lính. Mẹ cũng thế.
Theo
lời mẹ kể, vào một ngày thứ bảy của năm 1966, mẹ và người bạn gái tên
Xuyến vào Tổng Y Viện Cộng Hòa thăm một người bạn đang nằm trị thương.
Đến nơi, mẹ và dì Xuyến được biết là người bạn đã ra ngoài bệnh viện dạo
phố. Mẹ và dì đang cất bước ra về thì cơn mưa ào xuống để níu chân mẹ
và dì ở lại. Hai người chạy vô tránh mưa ở hàng hiên, bên trong là dãy
phòng trị thương.
Bên trong phòng, một thương binh lên tiếng:
- Ê tụi bây, bên ngoài có hai thiếu nữ đang đứng tránh mưa kìa.
- Để tao ra mời các cô ấy vào đây nói chuyện cho vui. Một người thương binh khác lên tiếng.
Mẹ
kể, một người thương binh băng bó ở cổ đã bước ra khỏi phòng trị
thương, mời mẹ và dì bước vào trong phòng. Khi bước vào trong thì mẹ gặp
thêm hai thương binh nữa, một người bị thương băng bó ở tay và người
kia thì băng bó ở chân. Mẹ và dì đã có dịp trò chuyện vui vẻ với họ,
nhưng với mẹ tôi thì nhớ nhất câu trả lời, khi bà hỏi:
- Làm sao các anh bị thương vậy?
Người sĩ quan trẻ bị thương băng ở cổ trả lời:
- Anh đi hành quân thì bị trâu chém.
Trước
khi chia tay ra về, mẹ và dì đã trao đổi địa chỉ với ba thương binh, có
tên là: Đường, Đăng và Quyền, để liên lạc sau này trong tình quân dân:
em hậu phương anh tiền tuyến.
Nào
ngờ, ngày Chủ Nhật hôm sau, một chiếc xích lô máy đậu bên ngoài nhà ông
bà ngoại. Bước trên xe xuống là ba thương binh chống nạng dìu nhau. Mẹ
kể, tiếng nổ inh ỏi của xe xích lô máy cộng với hình ảnh của các thương
binh khoác trên người những áo trận hoa rừng đã thu hút sự chú ý của khu
xóm, vốn thường ngày yên tĩnh. Sau lần gặp lại đó, mẹ thường gặp lại
người chiến binh bị thương ở cổ khi ông về phép. Tình yêu của mẹ từ từ
chớm nở với người lính trận này, có họ tên là Nguyễn minh Đường, sĩ quan
của binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt, QLVNCH. Mẹ đã trở thành người
yêu của lính. Ba năm sau, mẹ trở thành người vợ lính. Sau khi lập gia
đình, ba mẹ tôi mua nhà ra ở tại quận 8 một thời gian. Nhưng vì ba tôi
là lính tác chiến qua các binh chủng thiện chiến: Lực Lượng Đặc Biệt rồi
Biệt Động Quân của QLVNCH, quanh năm hành quân ở biên thùy, một mình mẹ
phải sống quạnh hiu với đàn con nhỏ, nên ba mẹ đồng ý bán căn nhà và mẹ
dọn về ở với ông bà ngoại.
Như
các người yêu và các người vợ lính khác, mẹ đã sống trong nỗi thấp thỏm
lo âu về sự an nguy của chồng, trong niềm thương nhớ, và mong chờ cho
ngày chồng về phép. Mẹ thay ba tôi, chăm sóc và nuôi dạy anh em tôi. Mẹ
lặn lội lên những tiền đồn xa xôi thăm chồng và có khi mẹ dẫn tôi đi
cùng. Có những lần đi thăm, mẹ phải lo âu chờ đợi trong tiền đồn, khi
chồng vẫn còn đang hành quân giao tranh với quân thù. Mẹ đã hòa nhịp thở
của mình với nỗi thăng trầm của cuộc chiến VN. Mẹ vui với những tin vui
chiến thắng và được biết chồng bình an trở về sau một trận đánh và mẹ
lo sợ khi biết chồng mình bị thương. Mẹ đã là chỗ dựa cho ba tôi trong
việc quán xuyến gia đình, để ông an tâm, kìm chắc tay súng chống lại xâm
lăng của CSBV. Ngoài chăm sóc gia đình, mẹ thay ba làm bổn phận người
con đến song thân của hai bên.
Trong
thời chiến, hạnh phúc của người vợ lính quá mong manh và nhỏ bé, nhưng
sự hy sinh của người vợ lính cho chồng con và người thân thì vô cùng to
lớn. Sau khi CS xâm chiếm MN, sự hy sinh đó còn tăng lên gấp bội.
Sau
ngày đen tối 30-4-1975 của dân tộc VN chừng một tháng, mẹ tôi hạ sanh
đứa em gái út. Khi em vừa tròn 1 tháng tuổi thì ba tôi phải ra trình
diện đi tù CS. Ba đi tù, để lại cho mẹ năm đứa con thơ: 5, 4, 3, 1 tuổi
và một bé sơ sinh. Trong cảnh nước mất nhà tan, gia đình ly tán, ba tôi,
các bác tôi, anh họ tôi lần lượt đi tù CS, và cậu tôi tử trận trong
những ngày cuối của cuộc chiến. Còn cảnh thương tâm nào hơn, già khóc và
trẻ khóc cho một viễn cảnh đen tối của người dân MN, chết chóc và chia
lìa. Vì quá thương con, thương cháu trong ngục tù CS, bà nội tôi lâm
bệnh và mất vài tháng sau đó. Trong đám tang nội, không có người con
ruột nào có mặt để đưa tang. Từ một phụ nữ chân yếu tay mềm, mẹ đã nén
những đau thương, bước ra ngoài xã hội bương chải để kiếm sống cho gia
đình.
Sau
khi cưỡng chiếm MN, CSBV đã vơ vét, tịch thu tài sản và cơ sở làm ăn
của người dân. Mọi công việc, hãng xưởng lớn nhỏ điều tùy thuộc vào sự
ban phát của chúng. Chúng thi hành chính sách kỳ thị và phân biệt đối xử
lên người dân MN, nhất là với những gia đình có dính líu đến chế độ
VNCH. Mẹ tôi đã không thể xin được một công việc hãng xưởng, vì bị liệt
kê có chồng là sĩ quan cao cấp của QLVNCH. Mẹ đã làm nhiều công việc
buôn bán như xe trái cây, xe thuốc lá, bán bánh kẹo, khoai, bán củi
bó... vv và vv. Mẹ phải làm nhiều việc ngõ hầu kiếm đủ tiền lo ăn mặc và
những nhu cầu học đường cho anh em chúng tôi. Có những lúc mẹ đi sớm về
khua, anh em chúng tôi côi cút trong sự thiếu vắng cả cha lẫn mẹ. Có
những lúc buôn bán ế ẩm, mẹ phải bán đi những vật dụng có giá trị trong
nhà và ngay cả những nữ trang của mẹ để có tiền trang trải gia đình. Mẹ
tần tiện từng ngày để đủ tiền mua quà gởi cho ba tôi, nơi ngục tù CS.
Tuổi ấu thơ, anh em tôi quá quen thuộc với những món quà, mẹ gởi cho ba,
như: mắm ruốc, muối đậu, thịt chà bông, đường, và khô.
Vào một ngày của năm 1979, mẹ cho tôi biết là mẹ và tôi sẽ đi thăm ba tôi ở trại tù ngoài Bắc. Với tôi, đó là một tin vui
không sau tả nổi. Mẹ phải làm nhiều hơn và phải bán đi chiếc Honda Dam
hầu có đủ tiền mua vé xe lửa, mua thực phẩm để đóng quà, và làm lộ phí
dọc đường. Hành trình đi thăm tù thật là gian nan, với nhiều bất trắc và
nguy hiểm. Sau 3 ngày 3 đêm ngồi trên xe lửa, gần một ngày đứng trên xe
đò, và gần một buổi đi bộ, mẹ với những gói quà trĩu nặng đôi tay dẫn
tôi tới căn nhà trọ thăm tù, nằm chơi vơi giữa vùng đất hoang vắng với
những ngọn núi cao bao quanh. Ba tôi bị nhốt tại trại tù K3, Tân Kỳ,
Nghệ Tĩnh. Qua chuyến thăm ba này, rất nhiều hình ảnh, nhiều kỷ niệm và
nhiều nhận thức đã ghi lại trong tôi, một đứa bé 9 tuổi, về nỗi nhục
nhằn của người tù khổ sai, về sự vất vả của vợ con thăm tù, về sự nghèo
nàn lạc hậu và bần cùng của người dân miền Bắc, và về sự dối trá và dốt
nát của chế độ CS. Những nhận xét ấy đã mãi theo tôi, đã làm động lực
thúc đẩy tôi tìm hiểu về thể chế Quốc Gia và Cộng Sản và giúp tôi tự
vươn lên sau này.
Sau
khi thăm ba về, mẹ tôi lại tiếp tục buôn bán và làm nhiều hơn mới có
thể sống được trong xã hội mà CS chỉ biết lo cho riêng chúng ăn no, mặc
ấm, bằng cách cướp bóc và đàn áp người dân, mặc kệ cho sự nghèo khó và
lam lũ của người dân. Người dân thì bị thiếu ăn nhất là bị chúng bắt ăn
độn khoai và bo bo. Một năm, trừ ba ngày Tết, mẹ làm đủ 362 ngày. Làm
việc quá cơ cực, ngày một mẹ càng gầy hơn. Đến một hôm mẹ tôi ngã bệnh
vì lao phổi, do lao lực mà ra. Dù bệnh, mẹ không nghỉ, vẫn phải tiếp tục
buôn bán hàng ngày. Không biết còn có bao gia đình khác vì quá nghèo
khổ, khiến con cái phải bỏ học đi làm hoặc phụ giúp buôn bán để sinh
nhai? Còn mẹ tôi, dù cơ cực đến mấy, vẫn gồng gánh, tần tảo làm việc sớm
hôm cho chúng tôi được cắp sách đến trường.
Ngoài
việc thay chồng, nuôi dạy một đàn con nhỏ, mẹ còn phụng dưỡng ông bà
ngoại và giúp đỡ anh chị em và những người thân thương của mẹ.
Anh
em chúng tôi ngày một khôn lớn trong vòng tay yêu thương và chăm sóc
của mẹ và thiếu vắng hình bóng của ba. Chúng tôi sớm phụ giúp mẹ trong
công việc bếp núc và buôn bán. Thương mẹ, anh em chúng tôi sống cần kiệm
với những gì mẹ cho, dẹp qua những khao khát mơ ước của tuổi thơ và
vươn lên trong học đường. Từ buôn bán nhỏ, mẹ hùn vốn với gia đình anh
họ, mở gian hàng bán quần áo may sẵn tại chợ Bà Chiểu.
Sau
10 năm tù, ba tôi được thả về sum họp với gia đình. Ngày ba về là ngày
ngạc nhiên và vui mừng nhất cho mẹ và anh em chúng tôi, vì là ngày gia
đình tôi mòn mỏi mong chờ và không được biết trước. Từ ngày đó, anh em
chúng tôi thật sự biết và sống bên cạnh tình yêu thương và dạy dỗ của
ba. Mẹ đã chu tất lo cho ba mọi thứ và nhất là lo cho ba điều trị những
căn bệnh hậu chứng của những năm tù CS như: phù thũng, đau bao tử, và
gai xương sống. Mẹ còn an ủi và tạo điều kiện cho ba vui với gia đình,
bạn tù, và người thân. Ba tôi đã phụ giúp mẹ trong việc buôn bán như đi
bổ hàng từ các chợ lớn, như chợ Tân Bình hoăc chợ An Đông. Ngoài ra, ba
tôi còn làm thêm việc bán lẻ và bỏ mối bia và nước ngọt đến các tiệm và
quán ăn.
Không
có sự hy sinh của mẹ, chắc tôi đã không đạt được những thành quả trong
học vấn. Năm 1988, tôi thi đậu vào khoa cơ khí, Đại Học Bách Khoa Sài
Gòn, trong tổng số 140 thí sinh đậu “chính quy” (hệ A) bên cạnh 310 thí
sinh đậu hệ mở rộng (hệ B, phải đóng học phí). Khi nhập học, tôi mới
biết là số sinh viên có cha là cựu tù CS như tôi chỉ đếm trên đầu ngón
tay. Trong hệ thống thi cử vào đại học (ĐH) của chế độ CS, chúng tôi bị
phân loại vào nhóm 4, nhóm chót, nhóm cho những gia đình có dính líu đến
chế độ VNCH, có cha mẹ đang bị tù chính trị, hoặc người thân vượt biên.
Vì thế, chúng tôi phải đậu điểm thật cao và chỉ được nhận đậu với con
số nhỏ, tượng trưng.
CS
nhận chúng tôi vào ĐH cũng nằm trong mưu đồ chiến lược của họ, nhằm
chứng tỏ với thế giới bên ngoài là họ có thay đổi trong chiều hướng mở
cửa kinh tế, để qua đó, họ đón nhận trợ cấp và đầu tư từ các nước, nhất
là các nước tư bản giàu có, mà chế độ CS luôn tuyên truyền chê bai. Việc
thi đậu ĐH của chúng tôi đã ít nhiều đem lại niềm vui và hãnh diện cho
ba mẹ, cho thế hệ chúng tôi, thế hệ con em của chế độ VNCH. Chúng tôi đã
đạt những điểm cao và xếp hạng cao sau các kỳ thi ở ĐH, cho dù tình
trạng lộ đề cho “con ông cháu cha” của CS xảy ra ở mỗi kỳ thi.
Để
đỡ bớt gánh nặng cho mẹ, tôi đã đăng quảng cáo trên báo nhận dạy kèm và
luyện thi ĐH qua các môn toán, lý và hoá. Tôi đã đi dạy học tại gia từ
năm 1989 đến khi gia đình đi tỵ nạn CS vào năm 1995. Tôi rất vui là đã
làm ra tiền phụ giúp mẹ và đã giới thiệu nhiều mối dạy học cho các bạn
sinh viên đồng cảnh.
Ngày
gia đình tôi rời VN đi tỵ nạn CS là ngày vui lớn vì từ ngày hôm đó gia
đình tôi sẽ thoát khỏi ngục tù lớn của CS, thoát khỏi cái chủ nghĩa xã
hội (vốn là chủ nghĩa cộng sản, được đổi tên hầu lường gạt những người
nhẹ dạ) đầy hận thù, phân biệt giai cấp, và kỳ thị. Hơn hết, tôi mừng là
ba mẹ sẽ không còn phải vất vả bương chải trong cuộc sống và anh em tôi
sẽ có điều kiện thăng tiến trong xã hội mới, tự do và dân chủ.
Trong
những năm dài tha phương nơi đất khách, mẹ vẫn luôn là chỗ dựa chính
cho ba và anh em tôi. Ngoài việc quán xuyến gia đình, mẹ luôn đi bên
cạnh ba tôi trong các sinh hoạt Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia (CĐNVQG).
Mẹ song
hành với ba trong các buổi tiệc vui cưới hỏi, các buổi họp mặt hội đoàn
và đồng hương, các buổi lễ tưởng niệm của VNCH và các Đại Hội Biệt Động
Quân hàng năm. Mẹ góp phần công sức cho các lễ hội và tưởng niệm của
các hội đoàn và CĐNVQG. Mẹ luôn ở bên cạnh chăm sóc cho ba qua những
cuộc giải phẩu, luôn thương yêu và chăm lo một đàn cháu nội ngoại.
Cuộc
đời của mẹ tôi là một trong vô số những cảnh đời bi thương của người
mẹ, vợ lính VNCH. Đó là những cảnh đời của những người vợ lính: là góa
phụ trong cuộc chiến, là vợ thương binh VNCH, hay là vợ người tù “cải
tạo”. Cho dù ở cảnh đời nào, các mẹ đã son sắt thủy chung với chồng,
thương yêu và chăm sóc chồng con, thay chồng tần tảo sớm hôm nuôi dạy
các con và trang bị cho các con một hành trang vào đời. Không biết có
bao nhiêu người mẹ đã ngã xuống trên đường đi thăm chồng trong ngục tù
CS, trên đường vượt biên tìm tự do, hoặc ngay trên quê hương VN khi mòn
mỏi trông chờ ngày đoàn tụ chồng về từ các trại tù CS? Thương quá các
mẹ, vợ lính VNCH.
Dòng
lịch sử VN sẽ sang trang, ngoài những trang sử nói lên hào khí anh dũng
của cả dân tộc VN và nhất là Quân-Dân-Cán-Chính MNVN đã, đang, và sẽ
còn tiếp tục đứng lên chống lại chế độ vô thần phi nhân CS, tôi tin chắc
rằng sẽ có nhiều trang sử ghi đậm những nét hy sinh cao quý của các mẹ,
vợ lính VNCH.
Sự
hy sinh của mẹ tôi cũng như vô số các mẹ, vợ lính VNCH, đã là tấm gương
tiêu biểu cho thế hệ chúng tôi và hậu thế noi theo, đó là sự thủy
chung, sự cam chịu những bất công, vượt lên những gian truân, tần tảo
làm việc, chăm lo cho chồng con và nuôi dạy con cháu nên người.
Không có sự hy sinh của mẹ, anh em tôi đã không có những gì mình có được ngày nay. Con xin đại diện các em cảm ơn mẹ.
Không
có sự hy sinh của các mẹ, vợ lính VNCH, thế hệ chúng tôi sẽ không có
được những thành đạt ngày nay trên đất khách quê người, đó là những kỷ
sư, bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, nhà giáo, khoa học gia, chính trị gia,
thương gia, nghiệp chủ… vv và vv. Nếu được, xin các bạn trẻ đồng cảnh
hãy cùng tôi, nghiêng mình cảm kích và tri ân đến mẹ mình và tất cả các
mẹ, vợ lính VNCH. Chúng ta hãy cùng hoài niệm về những hy sinh của mẹ,
để càng yêu thương và chăm sóc mẹ trong tuổi xế chiều, bạn nhé!
Hùng
Biên
0 comments:
Post a Comment