Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Wednesday 16 September 2015

Thế Giới Mới: Châu Âu Đối Mặt Với Dân Tỵ Nạn




Châu Âu đang đối mặt với làn sóng tỵ nạn lớn nhất kể từ sau Thế Chiến thứ II, trong bối cảnh người dân tìm cách trốn chạy chiến tranh, xung đột và bạo lực ở Syria, Afghanistan, Iraq, những nơi khác ở Trung Đông, và ở Bắc Phi, Libya.

 Tính đến năm nay 2015, gần 500,000 dân di cư, trong đó có người tị nạn từ Syria và Iraq, Libya đã vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu, mưu tìm một cuộc sống bình yên hơn. Tổ chức Di trú Quốc Tế nói rằng hơn 3.000 người đã thiệt mạng qua những cuộc hành trình gian khổ bằng đường bộ và đường biển. Con số người thiệt mạng đang gia tăng hàng ngày, mới nhất là 28 thuyền nhân đã bị chết đuối ở ngoài khơi Hy Lạp sau khi tàu chở họ bị lật. Trước đây vài hôm, những hình ảnh hàng trăm người chết trên biển trôi dạt vào bờ, nhất là hình một bé trai nằm chết phơi xác ở bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, đã làm cho nhân loại rung động.

 Nặng nề nhất, đông nhất, là dân tỵ nạn từ Syria, họ là nạn nhân trốn chạy cuộc nội chiến giữa hai phe Tự Do và bạo quyền của TT Assad, xảy ra từ năm 2011, chìm ngập trong máu lửa hận thù hơn 4 năm qua, vì bom đạn đã và đang cày nát đất nước có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng ở Trung Đông. Những hình ảnh kinh hoàng về sự tàn phá bởi chiến tranh ở Syria đã làm cho thế giới kinh sợ, lo lắng vì nạn diệt chủng. Hơn 250,000 quân dân thiệt mạng, hàng vạn người bị thương và hơn 4 triệu người dân phải lánh cư qua các nước láng giềng. Khổ thay! Cuộc nội chiến ấy kéo dài chưa giải quyết được, thì tổ chức khủng bố ISIS, lợi dụng thời cơ, trỗi dậy chiếm vùng đất rộng lớn ở Syria và lập nên Nhà Nước Hồi Giáo.

 Cuối tuần qua, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại châu Âu về cuộc khủng hoảng di dân, chỉ trong năm 2015 mà đã có khoảng 500.000 di dân và người tị nạn tìm cách định cư tại các nước thuộc Liên hiệp Châu Âu (EU).

BIỂU TÌNH ỦNG HỘ/CHỐNG DÂN TỴ NẠN

 Hàng chục ngàn người đã đổ xô đến trung tâm London để phản đối lập trường của chính phủ Anh quốc về cuộc khủng hoảng người tị nạn đang leo thang hiện nay. Các nhà hoạt động nhân quyền, chính trị gia cũng như người dân, tuần hành đến Quảng trường Quốc hội để tỏ tình đoàn kết với các người tị nạn đang tìm cách thoát khỏi những cuộc xung đột vũ trang, đặc biệt là tại Trung Đông.

 Người biểu tình cầm các biểu ngữ “Hãy mở cửa biên giới” và “để người tị nạn vào, các đảng viên đảng Tory hãy ra đi,” ám chỉ đảng của Thủ tướng David Cameron. Tuần trước ông Cameron đồng ý nhận 20,000 người tị nạn trong vòng 5 năm.
Cuối tuần qua, đám đông khoảng 30, 000 người tụ tập tại Copenhagen, Đan Mạch, ủng hộ việc nhận hàng chục ngàn người đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn tại châu Âu.
Truyền thông địa phương loan tin là các người biểu tình cầm bích chương ghi: “Chào mừng người tị nạn” và “Châu Âu là láng giềng gần nhất của Syria.”

Tại Stockholm, Thụy Điển, khoảng 1.000 người tụ tập xuống đường để bày tỏ sự ủng hộ về chính sách rộng lượng hơn của chính phủ trong việc đón người tị nạn. Tuy nhiên, cùng thời gian, có khoảng 5.000 người tham dự một cuộc biểu tình chống di dân tại Warsaw, thủ đô Ba Lan, trong lúc chính phủ nước này chống lại người tỵ nạn do EU đề nghị.
Truyền thông loan tin là nhiều người hô to các khẩu hiệu chống Hồi Giáo, trong khi một con số nhỏ hơn, khoảng 1.000 người tụ tập ủng hộ việc nhận di dân vào Ba Lan.
Khi phát biểu tại Berlin, Thủ tướng Đức, Angela Merkel thúc đẩy các nước thành viên EU chia sẻ tránh nhiệm nhận người tỵ nạn. Đức dự trù nhận 800.000 di dân và người tỵ nạn trong năm nay.
Đặc biệt các quốc gia Đông Âu, Hoa Kỳ và những nước giàu Vùng Vịnh Ba Tư bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ vì không đủ nỗ lực để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di dân Trung Đông.

 Vì sao cuộc khủng hoảng di dân hiện nay không tạo nên được một làn sóng tương trợ như đối với cả triệu thuyền nhân Việt Nam đầu thập niên 80? Cô Thụy My (IFI) nói rằng bên cạnh nguyên nhân kinh tế và văn hóa, còn có nhiều lý do khác…
Đợt sóng thuyền nhân Việt Nam mang tính cách giai đoạn, trong khi áp lực dân số ở Phi châu, sự phức tạp của những cuộc xung đột ở lục địa đen và Syria, quân thánh chiến Al Qaeda, ISIS và đủ các phe nhóm quá khích khác có thể tạo nên những cuộc di dân hàng loạt kéo dài.

CAO ỦY TỴ NẠN LHQ

 GENEVA—Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Ra’ad al Hussein, lên án sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ hàng trăm ngàn người Syria và người tỵ nạn từ các nước khác đi tìm nơi trú thân ở châu Âu để thoát khỏi chiến tranh và ngược đãi. Cao Ủy Nhân quyền đã khai mạc phiên họp 3 tuần của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bằng một giọng điệu u buồn.

 Cao Ủy Nhân Quyền chỉ trích thái độ đạo đức giả của một thế giới vẫn tự nhận là ủng hộ và bảo vệ nhân quyền cho những người yếu đuối nhất, bằng cách nêu ra hình ảnh bi thảm và đau lòng của bé Aylan Al Kurdi. Đây là cậu bé mà thi thể bất động đã dạt vào bờ ở Thổ Nhĩ Kỳ trong khi tìm cách đến châu Âu để trốn bạo lực ở Syria.

“Nó làm chúng ta nghẹn ngào. Hổ thẹn và mất mặt. Thế giới khóc trước xác chết của bé trai này và những hình ảnh đau khổ, động tâm khác. Những bài diễn văn này, những phiên họp này, những cuộc biểu tình này, do nhiều trong chúng ta ở đây ủng hộ một thế giới nhân đạo hơn và xứng đáng hơn với những quyền lực của tất cả mọi người, chúng có ích gì, khi sự việc này xảy ra?”
Cao Ủy Zeid Ra’ad al Hussein khen ngợi Jordan, Libang và Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông, Đức và Thụy Điển ở Châu Âu, đã tiếp nhận những người tỵ nạn và di trú vì họ cần sự bảo vệ. Ông cảm tạ hàng triệu người dân bình thường đã mở cửa đón nhận người tỵ nạn, nhưng lên án điều ông gọi là tinh thần nhỏ mọn của một số người thực hiện mưu đồ, nghi kỵ, khơi động sự hận thù phân biệt chủng tộc.

 Ông hoan nghênh một đề nghị của Liên hiệp châu Âu tái định cư 120.000 người tỵ nạn tại các quốc gia thành viên và hối thúc châu Âu, củng cố luồng sóng cảm nghĩ nhân đạo này. “Chúng ta cần mở rộng việc di trú và tái định cư thường xuyên – hai biện pháp có thể ngăn chặn những cái chết và cắt giảm việc đưa người nhập cư lậu. Trong khi giam giữ người tỵ nạn, nhất là đối với trẻ em, và tất cả những hình thức đối xử tàn tệ phải chấm dứt ở các biên giới và những nơi khác.”

Vị Cao Ủy LHQ cũng nêu ra rằng tất cả các khu vực trên thế giới đều có những vi phạm nhân quyền trắng trợn bằng những hành vi tàn ác. Ở châu Phi, châu Á, Trung Đông, châu Mỹ – đã vi phạm tội ác chống lại người dân một cách vô can bởi lẽ không có ai nhận trách nhiệm.
Riêng vùng châu Phi, nam sa mạc Sahara, ông bày tỏ sự quan ngại đặc biệt về tình trạng ở 7 nước, Cộng hòa Trung Phi, Sudan, Nam Sudan, Somalia, Mali, Eritrea, và Burundi. Trong khi tình cảnh có khác nhau, nhưng nhận thấy các hành động bạo tàn và vô lương tâm xảy ra ở tất cả các nước này đã đưa đến hậu quả vô số những cái chết của hàng triệu người, bị thất tán ngay nơi quốc gia họ đang sinh sống, hoặc trong lúc đi tỵ nạn.

BỘ QUỐC PHÒNG HOA KỲ

Tướng hàng đầu của Hoa Kỳ cho rằng vụ khủng hoảng người tị nạn Syria có phần chắc sẽ khích động thêm các biện pháp của châu Âu nhằm chấm dứt cuộc chiến đẫm máu tại Syria. Tướng Dempsey, Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, nói rằng “Liệu có một lúc nào đó châu Âu sẽ phải can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột Syria vì những tác động lan tỏa ảnh hưởng? Tôi nghĩ câu trả lời có lẽ là có.” Tướng Dempsey phát biểu.

 Theo Tướng Dempsey, làn sóng người tỵ nạn trong cuộc chiến ấy đã “khiến giới lãnh đạo chính trị của châu Âu nhận ra rằng không chỉ phải giải quyết hậu quả từ tình trạng bất ổn tại khu vực Balkan, tức vấn đề người tỵ nạn, mà họ còn phải giải quyết nguồn gốc gây ra thực trạng đó.” Và đó cũng chính là lý do mà NATO rốt cuộc đã can dự vào khu vực Balkan,” Tướng Dempsey nói.

 Ông giải thích nếu châu Âu quyết định giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tận gốc rễ của nó, mọi việc sẽ không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát biên giới và vấn đề nhân đạo, mà là một vấn đề quân sự phải được bàn thảo bởi các nhà lãnh đạo quốc phòng NATO. Tướng Dempsey nhấn mạnh “Chúng ta phải thảo luận về việc này.”
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng can thiệp quân sự mà không có một đối tác đáng tin cậy tại Syria có thể tạo ra một “nhà nước thất bại”, biến các lực lượng vũ trang thành công cụ duy nhất của quyền lực.

HỖN LOẠN TRONG TRẠI TỴ NẠN Ở HUNGARY

 Xuất hiện đoạn phim cho thấy các túi thực phẩm được ném vào di dân tại một trại trú tạm ở Hungary, gần biên giới với Serbia. Một phụ nữ Áo quay video nói di dân đang bị đối xử như “thú vật” và kêu gọi các nước châu Âu mở cửa biên giới.
Các bộ trưởng Trung Âu một lần nữa bác bỏ hệ thống “quota” bắt buộc họ chia sẻ số di dân nhập cư. Ủy ban châu Âu, được Đức ủng hộ, đang đề nghị 23 trong số 28 nước của EU chia sẻ 160.000 người xin tị nạn mỗi năm. Nhưng các nước Trung Âu vẫn bác bỏ đề nghị này.
Hungary đang trở thành điểm đến quan trọng trong hành trình của di dân, chủ yếu từ Syria và Lybia. Đoạn phim quay cảnh ném túi thức ăn được quay ở trại tại Roszke.
Bà Michaela Spritzendorfer, vợ một chính khách người Áo, đã quay cảnh này cùng với nhà báo Klaus Kufner. Bà kêu gọi: “Các chính khách châu Âu có trách nhiệm mở cửa biên giới.” Hôm cuối tuần trước, quân đội Hungary đã bắt đầu tập luyện chuẩn bị can thiệp để canh gác biên giới và cản dòng người.

NGA TIẾP TỤC HIỆN DIỆN Ở SYRIA

 Hai máy bay vận tải của Nga chở 80 tấn hàng cứu trợ nhân đạo đã tới Syria. Trong khi đó có tin Nga đang tăng cường hỗ trợ quân sự cho chính phủ nước này. Những chiếc phi cơ vận tải hạ cánh tại một căn cứ không quân ở thành phố duyên hải Latakia, nơi quân của Tổng thống Bashar al-Assad hiện diện khá mạnh, mang theo vật liệu để dựng trại tạm trú cho người tỵ nạn, theo phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov. Ông nói trong đó có giường, nệm, bếp nấu, thùng chứa nước và lương thực.

 Nga vẫn được cho là đồng minh chủ chốt của Tổng thống Assad trong bốn năm nội chiến vừa qua. Các phân tích gia nói rằng nếu không có trợ giúp của Điện Kremlin, Tổng thống Assad có thể đã bị lật đổ lâu rồi. Một nguồn tin khác cho rằng, Nga đang ủng hộ người tỵ nạn Syria tràn ngập châu Âu để mở một mặt trận khác, đó là tạo khó khăn cho châu Âu, dĩ nhiên là gây chia rẽ khối EU.

CHÂU ÂU TÌM CÁCH NGĂN CHẶN NGƯỜI TỊ NẠN TỪ PHÍA ĐÔNG

REFUGEE__immigration_HIHOA.0
Bộ trưởng nội vụ các quốc gia thuộc Liên hiệp Châu Âu (EU) hôm nay nhóm họp tại Brussels để bàn về cách thức chia sẻ trách nhiệm đối với dòng người tị nạn không ngừng đổ vào Châu Âu. Nhiều di dân không muốn định cư ở bất cứ kỳ quốc gia nào, mà chỉ muốn tới Đức. Cuộc di cư ồ ạt đã buộc Berlin phải tạm thời khôi phục việc kiểm soát thông hành trên vùng biên giới với quốc gia láng giềng nước Áo nhằm giới hạn dòng người tị nạn và di dân.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere: “Biện pháp này đã trở nên cần thiết. Sự nhiệt tình giúp đỡ mà Đức thể hiện trong những tuần qua, bởi các nhân viên làm việc toàn thời gian, và đặc biệt là hàng ngàn tình nguyện viên, không thể kéo dài mãi. Các biện pháp tiến hành cũng là một tín hiệu gửi tới Châu Âu. Đức đã nhận lãnh trách nhiệm nhân đạo, nhưng gánh nặng gây ra bởi con số người tị nạn lớn cần phải được chia sẻ trong tinh thần đoàn kết ở châu Âu.”

Đức và Úc mới đây đã đồng ý cho phép người tị nạn vào nước này để giảm bớt số di dân tập trung tại Hungary. Giới hữu trách Hungary đang cố gắng mở rộng cũng như tăng cường hàng rào trên biên giới với Serbia bằng cách đặt dây thép gai phía trên hàng rào.

 Một phát ngôn viên không rõ danh tính của Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc nói: “Tình hình không mấy tốt đẹp, và đó là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi Hungary cải thiện các cơ sở tiếp nhận. Nhiều phụ nữ và trẻ em cùng với gia đình đã phải đi bộ nhiều ngày từ Hungary tới. Trên hết, họ cũng là con người, và đã phải chạy trốn vì chiến tranh và xung đột. Họ cần phải được chăm sóc chu đáo.”

Kết:
Những khúc phim sống nói về làn sóng người tỵ nạn chiến tranh đi tìm đất sống ở châu Âu, được chiếu liên tiếp trên màn ảnh TV trong tháng qua; những con tàu nhỏ bé lênh đênh trên biển cả, thi gan với nỗi chết của thuyền nhân. Đâu đó trên những con lộ lồi lõm nối dài qua vùng đất khô cháy, hay núi rừng trùng trùng chướng ngại, hàng vạn đôi chân của những con người, trong tận cùng của khổ đau, tay xách nách mang con trẻ, ngày đêm quyết chí đi tìm một nơi không có chiến tranh, không có hận thù máu lửa, để được hít thở không khí an toàn, được tự do sinh sống mà không lo sợ bom rơi súng nổ ngập trời.

 Người Việt chúng ta, hơn 40 năm trước, biến cố 30 tháng 4 năm 1975, khởi đầu cho những cuộc bỏ phiếu bằng chân, bằng thuyền của hàng triệu người Việt ra biển Đông, vào rừng để tìm tự do trong đường tơ kẽ tóc. Chúng ta chính là những thuyền nhân “boat people” liều chết và gan lì ấy đã may mắn được sống sót bởi lòng từ bi, nhân ái của cộng đồng thế giới. Nhiều năm trôi qua, ai đã từng lênh đênh trên những chiếc ghe đò mong manh để vượt đại đương đi tìm tự do, chắc chắn không thể nào quên được những giây phút hiểm nghèo nếu họ may mắn sống sót sau cuộc vượt biển lịch sử ấy .
Trước mắt chúng ta bây giờ là người Syria, người Libya, người Iraq, người Afghanistan v.v… tất cả đều là nạn nhân của thế lực chiến tranh. Họ rất cần được giúp đỡ, cưu mang, được quyền sống trong tự do như nhân loại đang được sống trong Tự Do hàng ngày.

Thế Giới Mới

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.