Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Thursday 17 April 2014

Mũ Xanh : Nghĩa cử cao quý trong trại tù “cải tạo” của Việt cộng

Nghĩa cử cao quý trong trại tù “cải tạo” của Việt cộng
      


Thảo co mình sát bên bức vách, gió đang thổi những hạt mưa hắt mạnh vào trong nhà (lán) dành riêng cho người bệnh. Trời Cam Lộ vào Tiết Đông. Chỉ có gió Bấc nên không khí mát lạnh, buổi sáng sương mù là đà dưới vùng đất thấp, nhiều hôm mưa rỉ rả suốt mấy ngày. Hôm nào mưa nặng hột, trại có lệnh nghỉ ra ngoài làm việc, mọi người nằm trên sạp lắng nghe âm thanh khua trên mái lá, dõi mắt nhìn nước mưa đổ xuống từ hiên nhà giống như màn thủy tinh bao bọc bốn phía, cám cảnh người tù buồn da diết cho thân phận của mình.     

Thời gian bình thản trôi qua, ban ngày người tù làm việc mệt nhọc, tối về khi có tiếng kẻng, tất cả phải ngồi quay quần giữa nhà cố gắng tìm kiếm ưu cũng như khuyết điểm trong mấy ngày vừa qua. Về việc làm phải nêu tên những ai không siêng năng mà theo quan niệm của người cộng sản là biếng nhác không thực hiện đúng những quy định mà họ bắt buộc về số lượng cùng thời gian trong lao động khổ sai. Về tư tưởng cũng phải nói hết về cá nhân mình, những gì đã làm cùng với những ai, trong thời gian phục vụ cho quân đội và chính quyền VNCH. Chỉ có vài anh rất hăng hái trong sinh hoạt kiểu đấu tố này, hầu hết đều giữ sự im lặng, nếu bị bắt buộc phài lên tiếng thì chỉ nói chung chung, bâng quơ có lệ, dĩ nhiên người cộng sản kiểm soát trại tù không thu thập được những gì mà họ mong muốn, họ gọi thái độ ù lì của số người này là nín thở trầm mình dưới nước để đi qua sông.




Một hôm Thảo cảm thấy bụng oặn đau, không thể nào cầm lại được và chất bài tiết ra từ đường tiêu hóa chỉ có tí nước sềnh sệch giống như bọt. Buổi sáng khai bệnh với cái lá cây dùng chùi chất thải, Thảo được lệnh về đội thu dọn và mang tất cả vật dụng của mình vào nhà dành cho người bệnh, tránh tiếp xúc với người khỏe mạnh.



Nghĩ lại lúc ở trong đội, mặc dù bóng đêm dày đặc, bên ngoài tiếng côn trùng rĩ rã, vẳng vào tai còn có tiếng trở mình cùng hơi thở của trên ba chục người tù, thân nhiệt của họ tỏa ra tạo nên không khí linh hoạt của sự sống. Bây giờ lẻ loi trong căn nhà trống vắng, Thảo phải thu mình vào một góc nhà, sát bức vách về hướng Bắc để tránh gió, nằm co ro cố gom lại hơi ấm, đêm về thì chỉ nghe nhịp tim đập yếu ớt, đôi khi chợt tỉnh dậy vì cảm thấy hơi thở bị nghẽn nơi cổ, hoặc lúc bụng oặn đau không thể nào cưỡng lại được, nhìn chung quanh cảnh vật chìm trong bóng tối, âm u, lạnh lẽo.



Rễ và thân cây Hoàng Đằng phơi khô, được cho vào nồi nước đun sôi trở thành màu vàng, vị đắng giống như quinine trị bệnh sốt rét, thuốc được giữ ấm trên bếp cho dễ uống, ngày ba lần vào buổi sáng, buổi chiều và trước khi đi ngủ.Thực phẩm là chén cháo lỏng hòa tí muối được cấp phát vào buổi trưa và tối. Người bệnh trong hoàn cảnh này, dù thuốc khó nuốt, cũng phải cố gắng uống theo bản năng sinh tồn của con người. Căn bệnh khởi đầu với sự bài tiết năm lần một ngày, dần dần tăng lên mười lần thêm lợn cợn màu đỏ của máu, rồi mười lăm lần và bây giờ nhẩm tính cũng hơn hai mươi bận. Thảo cảm thấy cơ thể yếu đi, sức lực như mất dần và giấc ngủ luôn luôn bị ngắt đoạn. Những lúc oặn đau, Thảo có cảm giác khúc ruột là miếng khăn ướt, hai đầu khăn được xoắn lại để vắt khô nước, mỗi lần như vậy, Thảo phải tức tốc chạy ra ngoài, tấm nhựa nhỏ để che mưa là bao đựng gạo của Trung Cộng. Những bụi sim bị tướt trụi lá bởi cơn bệnh đang đi lần vào ngõ cụt.



Ánh nắng ban mai mang sinh khí tươi mát, nhìn bầu trời Thảo mơ màng nhớ lại cảnh thanh bình ở miền Nam trong những năm đầu của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cảnh thương đau của chiến tranh từ năm 1960 do đảng Cộng Sản gieo rắc, mong sớm nhuộm đỏ Miền Nam tự do. Sinh viên, học sinh xếp bút nghiên, rời học đường, thanh niên giã từ nếp sống dân sự để tòng quân diệt giặc. Thảo hình dung ánh mắt các bà Mẹ hiền trong lần tiển đưa con mình lên đường làm nhiệm vụ, tâm tình người mẹ đã hun đúc ý chí cho con trẻ làm tròn trọng trách bảo vệ quê hương. Tuy nhiên lòng Mẹ muôn nỗi xót xa mỗi khi nhìn thấy xe chở thương binh từ mặt trận, sự bồn chồn, lo âu với tin chiến sự khốc liệt nơi con mình hành quân.



Tiếng đạn nổ phá tan cảnh an bình, không khí vui Xuân của mấy ngày Tết Mậu Thân, 1968. Từng cụm khói đen bốc lên cao trong khu vực Bàn Cờ, vùng này dân cư đông đúc nên Việt Cộng đốt nhà để dễ dàng trà trộn tìm đường tẩu thoát. Bên cạnh người quân nhân QLVNCH và Cảnh Sát Quốc Gia, có những bà mẹ, các em trai, cháu gái, mang thực phẩm, nước uống, họ dũng cảm trước lằn đạn của Việt Cộng, thể hiện tình hậu phương gắn bó, cùng chung ý chí diệt địch.



Cơn oặn đau cắt ngang dòng tư tưởng, rồi nối tiếp xen kẻ với những hình ảnh đứt đoạn. Sống trong đội mộc, ngoài việc, dựng nhà, đi rừng chặc cột, rút mây, chặc tre chẻ lạt cũng như làm hom đánh tranh, Thảo còn phải đi cuốc đất trồng khoai mì, khoai lang. Mùa này khoai mì trơ lá, củ bị sượng và tinh bột biến thành đường. Nhiều hôm cuốc đất gặp củ khoai mì còn sót lại, người tù mừng rỡ, chùi mạnh vào quần qua loa cho sạch bụi đất rồi ăn ngấu nghiến, chất ngọt tan biến ra từng sớ thịt. Thân xác người tù bị dày vò với cơn đói và lao động khổ sai, tâm trí thường xuyên bị nhồi nhét qua các buổi học chánh trị, có tính cách đe doạ bằng bạo lực của người cộng sản.



Hạ Sĩ I Can (lùn) tu một hơi cho cạn rồi để chai xuống bàn, hớp bia cuối cùng anh để dành trong miệng, rồi phun mạnh bia vào mũ beret xanh, bàn tay vỗ đều đặn trên nón. Cái mũ xanh nhỏ, rất đẹp được anh Tiểu Đội Trưởng tưng tiu, gói ghém cẩn thận, nó đã theo anh khắp bốn vùng chiến thuật. Từ một tân binh trong trại Yết Kiêu cho đến Hạ Sĩ Nhất, nhiều bạn đồng ngũ cùng sống chết bên nhau đã an nghỉ, tình cảm thiêng liêng thể hiện qua hình ảnh người Tiểu Đội Trưởng anh dũng bò lên kéo người khinh binh bị thương trước phòng tuyến địch về phía sau an toàn trong cuộc hành quân vùng Tây Ninh, Bình Long năm 1969. Anh chấp nhận có thể hy sinh mạng sống của mình để cứu đồng đội.

Người quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đầy lòng nhân ái, tòng quân chiến đấu trong bản năng tự vệ, không vướng bận hận thù, chính sách “Chiêu Hồi” luôn luôn mở rộng vòng tay đón người bên kia chiến tuyến chan chứa tình người.

Cuộc chiến đang tiếp diễn vùng ấp Đại Phú quận Phong Điền Huế năm 1972, Hạ Sĩ Nguyễn Văn Yên Tiểu Đội Phó dẫn người tù binh về gặp Đại Đội Trưởng, gương mặt u buồn anh cho biết, tên việt cộng này đã bắn chết Trung Sĩ Đạt Tiểu Đội Trưởng từ phia sau lưng. Anh em muốn giết hắn tại chiến trường trả thù cho bạn, nhưng không ai nở lòng vì hắn còn con nít (chỉ mười lăm tuổi), Yên thân tình mời thuốc hút, thương hại nhìn hắn rồi trở lại trận tuyến tiếp tục chiến đấu. Người tù binh được đưa về hậu phương an toàn, Hạ Sĩ Yên thì hình hài gói kín trong poncho khi đại đội thanh toán xong mục tiêu.

Tình cảm của người lính VNCH bộc phát một cách tự nhiên, đầy nhân ái trong mọi hoàn cảnh. Giữa bóng đêm ánh sáng lóe lên, do tiếng nổ của lựu đạn và các loại vũ khí, Binh I Y Tá Nguyễn Đăng Thâu, sau khi chích thuốc ngừa phong đòn gánh, anh cặm cụi rửa vết thương, ba cán binh CSBV này đã ném bê ta mong giết chết anh cùng BCH đại đội để tẩu thoát, may mắn Thâu bị xước da mặt, và băng bó cẩn thận cho anh thương binh CSBV giống như anh phục vụ cho các đồng đội của mình., mặc dù mấy lần anh thương binh CSBV đã vô tình (hay cố ý) làm băng vết thương trụt xuống, nhưng Thâu vẫn tiếp tục băng bó lại chu đáo và chích thuốc giảm đau theo đúng liều lượng và ghi rõ ràng trên phiếu tản thương. Ba cán binh suy nghĩ gì về cách đối xử của đơn vị mà họ gọi là lính Ngụy?

Trong thời gian trại tù ở vùng biên giới Lào, những lúc vác cuốc hay mang rựa vội vã đi làm xuyên qua đám tre xen lẫn bụi chồi họ thấy nhấp nhô những nấm đất nhỏ, lúc trở về con đường củ, mọi người đều mệt mỏi, mong mau tới suối để tâm hồn cảm thấy chút tươi mát trước khi vào chổ ở ngả lưng xuống sạp. Một ngày vì lòn người qua các nhánh tre, anh tù vô tình để rớt cái rựa bên cạnh nấm đất, gập người xuống anh phát hiện một miếng cây mục nhỏ và có dấu khắc tên đã mờ, thì ra đây là nghĩa địa chôn những người tù xấu số. Từ đó về sau mỗi khi đi ngang khu vực này, anh em thầm cầu nguyện cho người yên nghỉ, nhìn hoàn cảnh thực tại để tự nghĩ cho bản thân trong những ngày sắp tới.

Lúc còn tạm trú trong xóm làng ở cây số 23, một số anh em được gia đình đến thăm đem thực phẩm, thuốc trụ sinh, thuốc sốt rét, tất cả rất thừa thải khi xưa nhưng bây giờ được gìn giử như bảo vật vô giá, có thể ví như bùa hộ mạng cho người tù giữa hoàn cảnh ngặt nghèo.

Cuộc sống tù “cải tạo” ngày ngày tiếp nối, phải làm việc theo định mức, lương thực thiếu thốn mặc dù người tù làm ra rất nhiều. Sự dinh dưởng không đủ nên sức đề kháng của cơ thể chống vi trùng xâm nhập yếu đi và dễ bị bệnh, trại không có thuốc để điều trị, dùng toàn thuốc Nam và điều chế theo hướng dẫn của y tá Việt Cộng (vài tháng sau trở thành bác sĩ). Họ quảng bá cây “Xuyên Tâm Liên là vị thuốc trị bá bệnh”, cũng như “giá trị về dinh dưỡng của năm ký lô rau muống tương đương với một ký thịt bò…” Với chủ trương “giá trị về chất đạm, tinh bột của khoai mì khô và gạo đều bằng nhau”, chúng cho người tù ăn bằng những lát khoai mì khô, có mọt và mốc xanh.

Sau một tuần lễ điều trị, thuốc Hoàng Đằng không có chút hiệu quả nào với căn bệnh kiết lỵ của Thảo. Cái cảm giác nôn nóng chờ đợi tàu Hải Quân vào bốc ở bãi biển Thuận An và ý nghĩ sẽ ra nghĩa địa hoàn toàn trái ngược, nhưng lại giống nhau là phải cầu mong vào một tác động bên ngoài để cứu thoát trong tình huống đó.

Như thường lệ, nhà bếp đưa Thảo ca cháo lỏng, hôm nay bạn Đỗ Văn Chánh nấu cháo đặc hơn, anh mang tận tay cho Thảo.

- Trông mi tiều tụy quá, hôm nay tau (*) trực bếp nên thêm tí gạo cho mi (**). À tau lục trong túi xách tìm được vỏn vẹn một viên thuốc Typhomicine, mi uống thử xem, ráng nuốt cháo cho có sức.

Chánh là bạn cùng khóa, chung đại đội D. Khi kết thúc 8 tuần lễ huấn nhục Tân Khóa Sinh, theo truyền thống khóa phải chinh phục đỉnh núi Lâm Viên, và tối hôm đó sẽ có nghi thức trao găng tay và mũ cùng lễ gắn Alpha tại Vũ Đình Trường Lê Lợi. Chánh là người đầu tiên đặt chân lên đỉnh núi và trở thành Vua Lâm Viên của khoá 22. Phục vụ trong toán nấu bếp, hôm nào có độn khoai với gạo, anh cố gom ít cơm cháy vụn dính chảo cho bạn, trong hoàn cảnh mới thấm thía được việc làm này.

Đêm hôm đó bụng Thảo bớt oặn đau, giấc ngủ tuy bị ngắt đoạn đôi ba lần, thời gian cách khoảng dài hơn và không phải chạy hối hả như những ngày trước đó. Hai hôm sau Thảo trở về đội và tiếp tục làm công việc người tù.

Những ngày sống trong mái ấm gia đình được Cha Mẹ đùm bọc. Thời gian quân ngũ tiểu trừ địch quân vì tự vệ cho bản thân cùng cuộc sống yên lành tự do và hạnh phúc của miền Nam Việt Nam. Cuộc sống người tù không bản án trong chế độ cộng sản, mọi thiếu thốn đưa đến phản bội đồng đội và của thiểu số đi ngược lại đạo lý làm người. Trong mọi hoàn cảnh sống ở miền Nam Việt Nam (VNCH) nghĩa cử cao quý đã thể hiện, bộc phát một cách tự nhiên, trong khi “chủ nghĩa xã hội”, sự đố kỵ, dò xét, chỉ nghe và tuyệt đối làm theo những gì đảng cộng sản đưa ra, dàn dựng và tuyên truyền.

Thảo nhìn bầu trời xanh, với niềm tin mọi người nhận rõ sự thật và chế độ cộng sản sẽ sụp đổ tại Việt Nam, ngày đó sẽ đến trong tương lai.


Mũ Xanh Giang Văn Nhân


* người Huế nói “tau”, người miền Nam là “tao”

** “mi”, người miên Nam là: mày”

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.