Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Monday 14 April 2014

Giáo dục Việt Nam: cố sửa hay trở về gốc?


Trước tình trạng khủng hoảng giáo dục, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN, ông Nguyễn Phú Trọng từng hỏi “Chúng ta đã ba lần cải cách giáo dục, vì sao lần này không đặt vấn đề cải cách mà là đổi mới căn bản, toàn diện?”
Rồi ông Trọng đặt câu hỏi tại Bộ Giáo dục và Đào tạo từ hồi tháng 8/2012: “Việt Nam đã có triết lý về giáo dục chưa, hay là người học ở Anh về bảo phải như thế này, người học ở Mỹ bảo thế kia.".
Cho đến nay, công tác 'cải cách' vẫn không có gì tiến triển và câu trả lời ngắn gọn là trước đây tại miền Nam nền giáo dục đã dựa trên ba triết lý căn bản: dân tộc, khai phóng và nhân bản.
Cũng cần biết trong năm học tới 2014-15 nước Mỹ sẽ bước vào một cuộc cải cách giáo dục quan trọng nhất từ trước đến nay. Họ sẽ áp dụng phương cách giảng dạy và học tập mới, trở lại căn bản lấy nhân bản và khai phóng làm triết lý giáo dục.

Triết lý giáo dục Miền Nam

Năm 1958, một Đại hội Giáo dục quy tụ phụ huynh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện quân đội, chính quyền, các tổ chức quần chúng và cơ quan văn hóa giáo dục đã được tổ chức tại Sài Gòn nhằm đề ra một triết lý giáo dục cho miền Nam.

Đại hội đồng thuận chọn ba nguyên tắc dân tộc, khai phóng và nhân bản làm căn bản.
Đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa, năm 1964, một Đại Hội khác lại được tổ chức tại Sài Gòn nhằm xem xét lại triết lý nói trên. Kết quả Đại Hội tiếp tục nhìn nhận ba nguyên tắc.
Sau đó ba nguyên tắc đã được Quốc Hội Lập Hiến đưa vào Điều 11.1 Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967: “Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản.”
Theo nguyên tắc, nền giáo dục dân tộc chủ trương tôn trọng, bảo tồn và phát huy những bản sắn và giá trị tốt đẹp của dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác.
"Miền Nam coi trọng giáo dục nhân bản chủ trương lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người làm căn bản, không xem con người như một phương tiện hay công cụ "
Nền giáo dục khai phóng chủ trương lấy tinh thần dân tộc làm gốc nhưng mở rộng tiếp nhận văn hóa văn minh nhân lọai. Sẵn sàng tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần hiện đại hóa quốc gia, làm cho xã hội tiến bộ để tiếp cận với văn minh thế giới.
Còn giáo dục nhân bản chủ trương lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người làm căn bản, không xem con người như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng hay tổ chức nào.
Triết lý nhân bản chấp nhận sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng khác biệt đó để đánh giá con người, cũng không chấp nhận kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc, chính kiến. Mọi người đều có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội bình đẳng về giáo dục.

Mục tiêu giáo dục Miền Nam
Từ triết lý căn bản chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đề ra ba mục tiêu cho giáo dục như sau:
Giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính và quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý của mỗi người. Nhân cách và khả năng riêng của học sinh phải được lưu ý đúng mức, cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện để học sinh tự phán đoán và lựa chọn. Không che giấu thông tin hay chỉ cung cấp những thông tin chọn lọc thiếu trung thực theo một chủ trương, một định hướng định sẵn.
Giáo dục giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống và phương cách sống của người dân; hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, biết tinh thần tranh đấu chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; những phong tục tập quán có giá trị của quốc gia; tạo cho học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.
Giáo dục giúp học sinh tổ chức những nhóm làm việc độc lập qua đó phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; phát triển óc phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; tính tò mò và tinh thần khoa học; qua đó học sinh phát triển khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa văn minh của nhân loại.
Giáo dục giúp học sinh biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc
Nền giáo dục miền Nam không phải là một nền giáo dục thực dụng hướng nghiệp.
Mà dựa trên tinh thần khai phóng và nhân bản để đào tạo những con người biết suy nghĩ độc lập và có khả năng cần thiết để có thể tham gia vào sinh họat xã hội với tư cách là một con người tự do và tự lập.
Nó giúp cho học sinh biết rõ bản sắc dân tộc nhưng giải phóng họ thóat khỏi những trói buộc của tinh thần nô lệ do những định kiến, những suy nghĩ hay những phương cách giải quyết vấn đề có sẵn không còn phù hợp với hòan cảnh và thời đại.
Nói chung giáo dục miền Nam giúp học sinh năng lực cơ bản và tổng quát để khi cần có khả năng tham gia vào các sinh họat xã hội trong mọi tình huống và mọi ngành nghề.

Cải cách giáo dục ở Hoa Kỳ
Tác giả Hà Giang trong bài viết tháng 3/2014 trên báo Người Việt ở California viết: “Tiêu chuẩn giảng dạy mới cho từng lớp được đặt ra với mục đích tối hậu là đào tạo được một lớp trẻ có khả năng suy luận sắc bén, nắm vững được các khái niệm tổng quát, biết cách diễn đạt và giải thích quyết định hay lựa chọn của mình, vì đây là vốn liếng cần có để chuẩn bị cho đại học, hay trở thành một nhân viên giàu khả năng.”
Trả lời phỏng vấn báo Người Việt, bà Sandra Gephart, hiệu trưởng trường trung học Arleta High School, giải thích: “Sự thay đổi này đòi hỏi chúng tôi từ giờ sẽ không còn dạy học sinh những điều phải học thuộc lòng, học sinh sẽ không được chỉ hiểu qua loa một vấn đề, một bài học, mà phải hiểu một cách thấu đáo, và áp dụng những khái niệm mình đang học vào đời sống thực tiễn.”
Ông David Nguyễn, giáo viên Toán thuộc ABC Unified School District được trích lời nói: “Chúng tôi phải dạy các học sinh cách biết nhận định, phân tích, tạo ra giả thuyết, và tự mình kiểm chứng những giả thuyết đó. Các em sẽ được đào tạo để suy nghĩ như một nhà toán học thay vì chỉ biết làm toán, để phát triển nhận thức nhạy bén nhằm phân tích những vấn đề mà sẽ phải đối diện trong thế kỷ 21.”
Thời đại đã thay đổi, nước Mỹ đang mất dần khả năng thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới.
Trọng tinh thần thực dụng và muốn tiếp tục giữ địa vị cường quốc số một trên thế giới người Mỹ đã quay lại với căn bản giáo dục khai phóng và nhân bản.
Trở về căn bản
Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia vừa thu hồi độc lập, nghèo, lại chiến tranh, nên nền giáo dục tại miền Nam khó có thể so sánh được với nền giáo dục tại Mỹ và các quốc gia Tây Phương.
Nhưng chính nhờ được đào tạo căn bản nên sau 30/4 năm 1975 ngay thế hệ đầu tiên nhiều người Việt đã nhanh chóng xây dựng được sự nghiệp vững chắc trên đất Mỹ hay tại các quốc gia họ định cư.

Cũng nhờ được giáo dục lấy dân tộc làm gốc, đa số người Việt cũng luôn hướng về đất nước vận động cho nhân quyền tự do và dân chủ. Họ cũng ước mong một ngày không xa sẽ mang những kiến thức tân tiến và thực tiễn về phụng sự dân tộc.

Từ kết quả của nền giáo dục miền Nam và trong tình trạng khủng hoảng xã hội hiện nay, Việt Nam cần quay lại với triết lý giáo dục lấy dân tộc, khai phóng và nhân bản làm căn bản, để từng bước thoát khỏi khủng hoảng, đưa đất nước đi lên hòa nhập cùng văn minh nhân loại.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, nguyên chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Canberra và phó chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu.

VICTORIA ÚC CHÂU – KỶ NIỆM TÁM NĂM THÀNH LẬP KHỐI 8406

Chủ nhật 06-04-2014 tại Đền thờ Quốc Tổ, tiểu bang Victoria, Khối 8406 đã tổ chức buổi lễ kỷ niệm 8 năm ngày thành lập. Buổi lễ có sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Bon, chủ tịch CĐNVTD/Victoria, chức sắc các tôn giáo, đại diện các hội đoàn và khoảng hai trăm đồng hương. Chương trình bắt đầu vào lúc 1 giờ trưa, chương trình do hai chiến hữu Hoàng Phương và Uyên Di điều khiển.


Mở đầu chương trình là phần chào quốc kỳ và một phút mặc niệm tưởng nhớ đến các anh hùng tử sĩ và đồng bào đã hy sinh cho Tổ Quốc. Kế tiếp chiến hữu Hòang Phương cho biết hôm nay đúng là ngày giỗ Tổ Hùng Vương nên mời mọi người tham dự thắp nhang cầu Quốc Tổ cho quê hương sớm được tự do.

Trong diễn văn chào mừng, chiến hữu Nguyễn Quang Duy, đại diện Khối 8406 Úc Châu, nhắc đến cương lĩnh và đường lối của Khối 8406 là dùng phương tiện truyền thông tự do đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá đất nước. Ông cho biết Khối rất vui mừng được sát cánh cùng các tổ chức, đồng bào trong và ngoài nước đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam. 



Ông chính thức loan báo đến quan khách về chuyến thăm Úc châu của Bà Trần Ngọc Minh, mẹ của tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh một thành viên Khối 8406 đang bị án 7 năm tù. Sắp tới đây 10 giờ 30 sáng ngày Chủ Nhật 18-5-2014, cũng tại Đền Thờ Quốc Tổ, bà Minh sẽ gặp gỡ cộng đồng Victoria cám ơn sự hỗ trợ của đồng hương và chia sẻ những khó khăn mà cô Đỗ Thị Minh Hạnh cũng như người đấu tranh trong nước đang gánh chịu. Bà cũng sẽ có những buổi gặp gỡ cộng đồng tại các thành phố Brisbane, Sydney, Adlaide, Perth và thủ đô Canberra. Chi tiết sẽ do các Ban Tổ Chức địa phương thông báo trong những ngày sắp tới.

Ông Nguyễn Quang Duy cũng đã tường trình một số sinh họat của Khối tại Úc Châu trong năm qua và mời qúy vị quan khách xem một đọan video về sinh họat của Khối tại Victoria do Viễn Trình biên sọan.
Sau đó là phần phát biểu của linh mục Phan Văn Lợi từ trong nước gởi ra. Linh mục cám ơn đồng bào tại Úc châu, và tóm tắt quá trình hoạt động liên tục của Khối trong 8 năm qua và sự ra đời của nhiều tổ chức dân sự với những phương cách đấu tranh đa dạng nhưng cùng một mục đích là mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam. Cuối cùng Linh mục Lợi thay mặt Khối mong ước đồng bào hải ngoại tiếp tục là hậu phương vững mạnh để tiền tuyến quốc nội an tâm, toàn thể dân Việt chúng ta cũng không bao giờ ngưng nghỉ trong nỗ lực đem lại công lý, tình thương, tự do và dân chủ cho Quê Mẹ. 

Trong phần chia sẻ của ông Nguyễn Văn Bon, chủ tịch CĐNVTD/Victoria, nhận xét thời gian qua tại Victoria có hai hội đòan được hình thành là Khối 8406 và Quỹ Tù Nhân Lương Tâm, cả hai đã làm rất tốt vai trò của một hậu phương yểm trợ cho phong trào dân chủ quốc nội. Bác sĩ Thái Thị Thu Nguyệt một quan khách tham dự cũng đã lên phát biểu kêu gọi đồng bào hải ngọai nỗ lực yểm trợ cả vật chất lẫn tinh thần thì mới mong Việt Nam sớm có tự do dân chủ.


Tiếp tục chương trình là phần văn nghệ do MC Uyên Di giới thiệu và Bảo Kim thu xếp với bé Huy Bảo Trả Lại Cho Dân, Minh Hiếu ngâm Bài thơ cho Đỗ Thị Minh Hạnh của tác giả Trần Trung Đạo, Ánh sáng không lụi tàn, Nhạc Tây Tạng (Never lose the Light) và trình bày bởi chính người dịch Bảo Kim, cuối cùng là bài Oan khúc người tù Kiên Giang, của chiến sĩ tự do Nguyễn Hữu Cầu được ca sỹ Băng Châu trình diễn.

Phần đấu giá do ông Lê Bình đảm trách. Món quà đầu tiên là bức chân dung chiến sĩ tự do Nguyễn Hữu Cầu của họa sĩ Trần Thúc Lân đã đựơc nhiều ngừơi cho giá và cuối cùng được $1,000. Số tiền này sau đó đã được ông Nguyễn Quang Duy chính thức trao cho ông Phùng Mai để chuyển vào Quỹ giúp chiến sĩ Nguyễn Hữu Cầu. Buổi đấu giá tiếp tục với với 2 món quà do Hội Thương Gia Footscray tặng và món quà khác do Cô Nguyễn Nữ Công tặng. Đến phút cuối cô Thụy Kim cũng tặng 3 bức tranh nhưng vì thời gian có giới hạn nên Ban Tổ Chức không thể tiến hành việc đấu giá.

Sau cuộc đấu giá bức chân dung Nguyễn Hữu Cầu, MC Uyên Di đã mời bà con ngồi tại chỗ để Ban Ẩm Thực mang những phần ăn đến tận chỗ quan khách có thể vừa thưởng thức món ăn vừa tiếp tục tham gia đấu giá và xổ số trên vé bán ra. Bé Huy Bảo rút số còn Chiến hữu Hòang Phương xướng tên nhịp nhàng tạo một không khí vô cùng vui nhộn. 


Đặc biệt lần này cô Kymlee VEDUCCI DESIGNS một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng tại Úc tham dự và tặng nhiều trang phục phụ nữ đắt tiền giúp phần xổ số. Nhiều quan khách có vé mang số trúng đã rất vui vẻ nhận những món quà và trang phục do ông Hòang Phương trao lại.

6-4-2014 cũng trùng với ngày sinh nhật của MC Uyên Di. Ca sĩ Bảo Kim tạo bất ngờ hát bài chúc mừng sinh nhật và Huy Bảo trao cho Uyên Di một bó hoa kỷ niệm. Uyên Di hết sức ngạc nhiên cho biết cô nhớ lại tuổi thiếu niên lần đầu tiên được tặng hoa trong ngày sinh nhật.

Sau đó ông Nguyễn Quang Duy lên trao quà cho Quỹ Tù Luật Sư Nhân Quyền Lương Tâm để xung vào quỹ giúp ông Nguyễn Hữu Cầu. Ông Duy cám ơn tất cả mọi người tham dự buổi lễ và mọi sự đóng góp. Ông cho biết tất cả phần thu nhập sẽ được xung quỹ hỗ trợ cho quốc nội. Được biết trong những năm qua vào dịp giáng sinh Khối tại Victoria đều tổ chức 1 buổi họp thường niên tường trình sinh họat, thu chi trong năm, rút tỉa kinh nghiệm và đề ra các sinh họat cho năm tới. Cũng chính vì vậy Khối đã không biết nên chọn tổ chức Mừng Sinh Nhật ngày 6-4-2014 trùng hợp với ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Chương trình lễ kỷ niệm 8 năm thành lập Khối 8406 được tiếp tục với phần văn nghệ và kết thúc vào lúc 5.00pm với hằng trăm quan khách vẫn ngồi lại đến phút cuối.
Mặc dầu buổi lễ đã kết thúc Ban Tổ Chức tiếp tục nhận được nhiều đóng góp cả vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt nhiều người đã khen ngợi các món ăn “cây nhà lá vườn” cả chay lẫn mặn và phong cách phục vụ của Ban Ẩm Thực. 

Trong tinh thần phục vụ đấu tranh, Khối 8406 thân mời mọi ngừơi tham dự buổi nói chuyện của Bà Trần Ngọc Minh, mẹ của tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh, vào 10 giờ 30 sáng ngày Chủ Nhật 18-5-2014 cũng tại Đền Thờ Quốc Tổ tiểu bang Victoria. Tại các tiểu bang khác Ban Tổ Chức sẽ có Thông Báo trong những ngày sắp tới.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
13-4-2014

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.