Chợ Bến Thành thời bao cấp |
Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa
Wednesday 5 February 2014
Home »
Dân Muốn Biết
» Dân Muốn Biết: Sự khác biệt thời bao cấp và 39 năm ảo tưởng xhcn !!!
Dân Muốn Biết: Sự khác biệt thời bao cấp và 39 năm ảo tưởng xhcn !!!
Wednesday, February 05, 2014
No comments
Góp nhặt vui buồn, điêu linh: Thời Bao cấp...
Cho may-ô mới được phần may-ô
Bắt ở trần phải ở trần
Hai
câu 'lẩy Kiều' vừa dẫn là một trong những bức biếm họa xác thực nhất vẽ
lại hình ảnh của thời bao cấp. Đối với những người đã sống qua thời kỳ
này, tưởng không cần phải giải thích loại ca dao ‘tức cảnh sinh thời’
đại loại như trên. Tuy nhiên, đối với các thế hệ sau, con cháu của chúng
ta, không thể nào tưởng tượng được áo may-ô, một loại áo lót dùng cho
đàn ông, cũng thuộc một trong số hàng chục mặt hàng do nhà nước sản xuất
và cung cấp cho nhân dân. Vì thế mới gọi là… bao cấp.
Từ điển tiếng Việt xuất bản trước thời bao cấp hoàn toàn không có mục từ Bao cấp. Phải đến Từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê (1), bao cấp mới được chính thức xuất hiện trên sách vở. Từ điển giải thích: “Bao cấp là cấp phát phân phối, trả công bằng hiện vật và tiền mà không tính toán hoặc không đòi hỏi hiệu quả kinh tế tương ứng”.
Đối
với người dân bình thường, đó là một định nghĩa rườm rà, khó hiểu với
những từ ngữ ‘dao to búa lớn’. Người dân chỉ cần hiểu một cách đơn
giản: Bao cấp là tất cả đều do nhà nước đứng ra bao hết, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm cho đến lương thực hàng ngày…
Trên
thực tế, thời bao cấp kéo dài từ năm 1954 đến 1986 tại miền Bắc và từ
năm 1975-1986 tại miền Nam. Theo cách gọi của tôi, một người miền Nam,
đó là thời kỳ điêu linh sau khi Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ.
Đường phố Hà Nội năm 1973
Tại miền Bắc, trước khi bước vào thời kỳ bao cấp, Hà Nội đã sống trong ‘ảo giác no đủ’ của những ngày đầu tiếp quản từ tay thực dân Pháp. Nhà văn Tô Hoài (2) kể lại trong hồi ký Cát bụi chân ai:
“Chín
năm ở rừng, không có lương, quần áo phát theo mùa, xà phòng tắm và giặt
cũng lấy ở kho từng miếng, cơ quan sắm dao kéo húi đầu cho nhau. Trở
lại thành phố, khó đâu chưa biết, nhưng thức ăn hàng hóa ê hề. Chiều
chiều, uống bia Đức chai lùn bên gốc liễu nhà Thủy Tạ. Nhà hàng Phú Gia
vang đỏ, vang hồng, vang trắng… vỏ còn dính rơm như vừa lấy ở dưới hầm
lên. Áo khoác da lông cừu Mông Cổ ấm rực, người ta mua về phá ra làm đệm
ghế. Hàng Trung quốc thôi thì thượng vàng hạ cám. Kim sào, kim khâu,
chỉ mầu, củ cải, ca la thầu, sắng xấu, mỳ chính, xe đạp cái xe trâu cao
ngồng. Ca xi-rô ngọt pha vào bia cho những người mới tập tọng uống bia.
Bắt đầu được lĩnh lương tháng. Không
nhớ bao nhiêu, nhưng tối nào cũng la cà hàng quán được. Có cảm tưởng cả
loài người tiến bộ đổ của đến mừng Việt Nam Điện Biên Phủ”.
Cái cảm tưởng ‘cả loài người tiến bộ ‘đổ của’ đến mừng Việt Nam Điện Biên Phủ’
chỉ là một giấc ngủ ngày, bất ngờ thiếp đi trong khoảnh khắc để rồi
bừng con mắt dậy với thực tế phũ phàng của đêm đen. Hàng hóa nhiều như
Tô Hoài liệt kê không phải do Hà Nội sản xuất mà vì mới tiếp quản thành
phố nên có sẵn trong kho của thực dân. Thế cho nên, nguồn hàng không
phải tự mình làm ra ấy cạn kiệt một cách nhanh chóng. Đó cũng là lý do
của sự khởi đầu một thời kỳ trì trệ kéo dài hơn 30 năm tại miền Bắc và
hơn 10 năm tại miền Nam.
Cửa hàng mậu dịch thời bao cấp
Ngay
từ năm 1955, công báo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa tin: công nhân
viên, trên nguyên tắc, mỗi năm được cấp từ 5 đến 7 mét vải, khi sinh đẻ
được cấp thêm 5 mét ‘diềm bâu’ khổ 7 tấc. Bình quân cứ 10 người người
dân đọc một tờ báo Nhân dân và Cứu quốc. Các quan chức từ
cấp Thường vụ Ban thường trực Quốc Hội, Bộ trưởng, Thứ trưởng, các
chuyên gia nước ngoài, các đoàn ngoại giao được hưởng tiêu chuẩn nua
quạt điện.
Tất
cả mọi hình thức kinh doanh đều được quản lý theo ‘mô hình xã hội chủ
nghĩa’, hoàn toàn do nhà nước nắm giữ. Nhân viên làm việc trong các cơ
quan hay người lao động trong các doanh nghiệp quốc doanh sẽ chỉ được
nhận một phần lương rất nhỏ bằng tiền mặt, số tiền còn lại sẽ được quy
ra tem phiếu, riêng gạo được mua bằng sổ.
Sổ đăng ký mua lương thực
Theo Kinh tế Việt Nam 1955-2000,
nhà xuất bản Thống kê, so với năm 1978, mức lương năm 1980 chỉ bằng
51,1% và năm 1984 chỉ còn 32,7%. Một sự tụt hậu đáng kể về giá-lương-tiền của thời bao cấp.
Về kinh tế, sách đã dẫn mô tả: “Thời bao cấp không có thị trường tự do về buôn bán cũng như về trao đổi các mặt hàng, cụ thể như lạc [đậu phụng] chỉ
để lại vừa đủ làm giống cho vụ sau. Người sản xuất không tiêu dùng là
tốt, người trồng lạc không ăn lạc, không dùng lạc để làm kẹo hay luộc để
bán … Đối với nông sản dùng để chế biến thực phẩm cho nhân dân thì nhà
nước phải quản lý chặt chẽ trên thị trường, không để ai buôn bán kiếm
lời”.
Cái
gì cũng có thể và cần phải quản lý chặt chẽ. Tư tưởng chính làm nền
tảng cho sự quản lý này đã biến cả xã hội lẫn con người thành một thứ
đất sét, muốn nhào nặn thế nào cũng được. Nhà nước phân phối vài chục
mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống như gạo, thực phẩm, chất đốt, vải vóc
cho đến các tiêu chuẩn phân phối được mua bổ sung như xà phòng giặt,
giấy dầu, xi măng, khung, săm, lốp xe đạp…
Giấy chứng nhận sở hữu xe đạp
Mỗi
hộ gia đình công nhân viên được cấp 1 sổ mua gạo có số lượng hàng tháng
tương đương với tiêu chuẩn của các cá nhân từ 16 đến 21 kg mỗi tháng
đối với người lớn, tùy theo mức độ lao động, lao động nặng thì được
hưởng nhiều gạo hơn. Cán bộ có chức tước thì phiếu gạo ít vì lao động
nhẹ hơn nhưng lại được cấp phiếu mua các mặt hàng thiết yếu nhiều hơn.
Trẻ em ngày ấy được gọi là ‘hộ ăn theo’,
căn cứ theo tiêu chuẩn của bố mẹ, sẽ được hưởng khoảng từ 10-14
kg/tháng. Để mua được gạo cũng là cả một vấn đề. Mỗi khu vực dân cư sẽ
được quy định mua gạo tại 1 cửa hàng lương thực, cửa hàng lại phân lịch
bán cho từng tổ theo lịch bán luân phiên. Hình ảnh thường thấy là người
lớn, trẻ em đi xếp hàng mua gạo từ 3, 4 giờ sáng để giữ chỗ, phòng khi
cửa hàng bán nửa chừng hết gạo. Người ta dùng những cục gạch, chiếc dép,
mảnh gỗ để ‘xí chỗ’ khi cửa hàng chưa mở cửa và người thật sẽ đứng vào
hàng khi mở cửa.
Dù
xếp hàng đầu nhưng cũng không bảo đảm là sẽ được mua trước nếu có những
sổ thuộc dạng ‘ưu tiên’ hoặc ‘chen ngang’ do có móc ngoặc với nhân viên
thương nghiệp. Thời bao cấp người ta chỉ nghĩ đến miếng ăn nên việc
quản lý của nhà nước theo hộ khẩu và sổ gạo là chính sách rất hữu hiệu.
Thuật ngữ ‘buồn như mất sổ gạo’ xuất hiện trong thời kỳ này: mất
sổ gạo còn quan trọng hơn cả việc mất tiền vì có tiền cũng không mua
được gạo, dù là gạo đỏ, đầy thóc và sạn!
Chưa
hết, gạo đỏ lại được thường xuyên được thay thế bằng những loại lương
thực khác như bột mì tồn kho (viện trợ từ Liên Xô), sắn khô sắt lát, ngô
(bắp), bo bo (hạt lúa mì) hay gạo tấm. Tấm là thứ gạo nhỏ xíu bung ra
từ những đầu khuyết của hạt gạo, ăn rất hay bị đầy bụng và "tốn" vì gạo
tấm nấu không nở, khi thành cơm thì 1 lon tấm chỉ bằng 1/3 lon gạo
thường!
Phiếu mua đường, loại 500 gam/tháng, năm 1979
Những câu vè dưới đây nói lên giá trị của những mặt hàng trong thời bao cấp:
Nhất gạo nhì rau
Tam dầu tứ muối
Thịt thì đuôi đuối
Cá biển mất mùa
Đậu phụ chua chua
Nước chấm nhạt thếch
Mì chính có đếch
Vải sợi chưa về
Săm lớp thiếu ghê
Cái gì cũng thiếu
Phiếu cung cấp thịt ‘cơ động’ (?) dành cho bộ đội
Mậu dịch viên bán thịt
Chế độ bao cấp ngoài việc khiến người dân lúc nào cũng đói còn hủy hoại những giá trị đạo đức căn bản của con người. Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài kể lại: “Ở
một cửa hàng ăn rất sang hồi ấy, những chiếc đĩa đựng bánh ngọt phải
bắt vít xuống mặt bàn. Một sự thực nhiều người tuổi tôi còn nhớ: các
quán mậu dịch giải khát (kể cả cà phê) loại tầm tầm cũng “thống nhất”
đục một lỗ thủng các thìa nhôm để đánh dấu. Vì sao ư, đơn giản lắm, vì
sợ ăn cắp…”
Quả
thật, trong xã hội bao cấp, càng ngày nạn ăn cắp càng phổ biến, dù chỉ
là ăn cắp vặt. Ăn cắp bởi quá thiếu thốn và cũng bởi ăn cắp quá nhiều
nên không bị coi là hành động xấu nữa. ‘Cái khó không bó cái khôn’, nhưng chỉ là ‘khôn vặt’ theo kiểu ‘đói ăn vụng, túng làm liều’:
Chính sách em học đã thông
Chỉ vì túng thiếu xin ông ít nhiều
Thời bao cấp, xã hội bị phân hóa. Đó là điều nghịch lý trong xã hội chủ nghĩa vốn hướng đến một Thế giới Đại đồng. Số liệu ghi trong cuốn Kinh tế Việt nam 1945-2000:
“Trong
khi người dân thường mỗi tháng chỉ được 150 gram thịt, thì cán bộ cao
cấp được 6kg, tức là bốn chục lần nhiều hơn. Và tính ra chênh lệch là
100 đồng. Ngoài ra còn thuốc lá, chè, đường, sữa, len dạ, cũng tạo ra
khoản chênh lệch khoảng 100 đồng nữa”.
Nhiệt
tình cách mạng của cán bộ thời kháng chiến ngày nào giờ chỉ xoay quanh
vấn đề… ăn. ‘Ăn’ được hiểu theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, người ta
‘ăn’ theo nhiều kiểu, tùy vào cấp bậc, địa vị:
Cán bộ cao ăn cung cấp
Cán bộ thấp ăn chợ đen
Cán bộ quen ăn cổng hậu
Thời
bao cấp, xe hơi ở Hà Nội rất hiếm, nên chỉ cần nhìn một chiếc ‘xe con’
đi qua người ta biết ngay cán bộ cấp nào ngồi trong đó. Xe Pobeda, và
sau này là Vonga màu đen, dành cho cấp bộ trưởng trở lên. Các thứ
trưởng và cấp tương đương đi những chiếc nhỏ hơn, loại Moskovits. Có
người ‘sành điệu’ còn quả quyết: chỉ cần nhìn cách trang trí xe cũng có
thể thấy được vai vế của người chủ.
Cán
bộ cấp càng cao càng có dịp đi công tác ở các nước Đông Âu và con cái
họ, những ‘cậu ấm, cô chiêu’, được đi lao động hoặc đi học tập bên Tây
(hiểu theo nghĩa các nước XHCN Đông Âu). Đến khi về nước họ rước về
những mặt hàng của các nước anh em như Liên Xô thì có tủ lạnh Saratov,
xe Minsk, đồng hồ Pôljot, nồi áp suất… Đông Đức thì có xe máy SimSon, xe
đạp Dianond, Mifa; Tiệp Khắc có xe gắn máy Bebetta, xe đạp Favorit…
Tầng lớp ‘tinh hoa’ của chế độ tạo thành một nhóm đặc quyền, đặc lợi
trong thời kỳ bao cấp.
Một gia đình cán bộ thời bao cấp
Bàn về con người và tư tưởng thời bao cấp, Vương Trí Nhàn (3) phân tích: “Cái
hèn mà ta vốn khinh ghét, cái hèn đó ngấm ngầm ăn vào máu ta. Hèn theo
nhiều nghĩa. Lúc nào cũng lo lắng, sợ sệt. Và chỉ có những niềm vui tầm
thường. Mua được cân gạo không bị mốc: vui. Cưới cho con trai cô vợ làm ở
cửa hàng lương thực nên cả họ mua bán dễ dàng: quá vui. Đi bộ mấy cây
để đến nghe nhờ đài[radio] ở một nhà bạn, cũng đã… vui lắm. Vui
đấy rồi thấy sự khốn khổ của mình ngay đấy, và ngày mai, lại vẫn tiếp
tục cái tầm thường dễ thương đó”.
Tôi trích đoạn văn trên qua một bài viết nhan đề Nhân cuộc trưng bày về cuộc sống Hà Nội 1975-1986.
Cuộc trưng bày này được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học, tập trung vào
các tư liệu, hiện vật của Hà Nội trong khoảng thời gian từ 1975-1986.
Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đứng ra tổ chức nhưng điều khá thú vị là
được sự tài trợ của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Quỹ
SIDA (Thụy Điển), Quỹ Ford (Hoa Kỳ).
Cuộc
trưng bày sử dựng đồng thời các hiện vật gốc do người dân hiến tặng,
được kết hợp với việc tái tạo và phục dựng một số bối cảnh của cuộc sống
thời bao cấp. Trọng tâm của cuộc trưng bày nói lên tiếng nói của cộng
đồng thông qua những câu chuyện, những ký ức những suy nghĩ, đánh giá
của người dân về cuộc sống của mình trong thời kỳ ‘đêm trước’ Đổi mới.
Theo
tôi, thiếu thốn về cái ăn, cái mặc chỉ là phần nổi của tảng băng chìm,
điều quan trọng hơn cả là không gian sống của các gia đình. Ký ức của
một người ở Nam Định về thời bao cấp:
“Mẹ
tôi phải tính đến chuyện làm thêm, tăng gia sản xuất, cắt gốc rau
muống, rau khoai trước ruộng muống nuôi lợn, bóc lạc thuê cho Ngoại
thương. Bốn mẹ con chỉ có một cái giường để ngủ. Lạc chất trong nhà hàng
bao cao đến nóc, lợn hai con ăn ở với người ngay dưới gầm giường. Mỗi
một trận mưa to, một trận bão, giấy dầu lợp mái, ngói vỡ bay tứ tung ...
bốn mẹ con và lợn ngồi ôm nhau, vài cái xô đặt để hứng nước, nước dưới
chân giường chảy qua như suối, cá rô đi hàng đàn, ba ba bò lổm ngổm. Mỗi
một lần như vậy chỉ thấy mẹ khóc và rồi cả ba anh em khóc theo. Lo
lắng, sợ nước ngấm vào lạc làm lạc mốc thành thành phẩm loại B loại C và
phải đền. Sợ hai con lợn lăn
ra ốm thì không biết cuối năm bấu víu vào đâu mà trả nợ...”.
Gian bếp kiêm chuồng lợn
Tại
miền Nam, đồng bằng sông Cửu Long vốn là vựa thóc nhưng trong thời bao
cấp chính sách ‘ngăn sông cấm chợ’ không cho phép nông sản được xuất tự
do ra khỏi địa phương. Tất cả đều được nhà nước ‘thu mua’ với hàm ý ‘vừa
tịch thu, vừa mua lại’.
Dưới
mắt người nông dân đó là hình thức ‘mua như cướp’ theo ‘giá nghĩa vụ’
hoặc ‘giá khuyến khích’… Ngược lại, đến khi nhà nước bán cho người tiêu
dùng, họ ‘bán như cho’, người mua có cảm tưởng được cửa hàng… bố thí chứ
không thực sự là đi mua với đồng tiền của mình!
Thu
mua lúa hay thu mua các mặt hàng khác đều giống nhau. Năm 1978, giá
thành 1m2 vải ‘calicot’ sản xuất tại Công ty Dệt Thành Công là 1,5 đồng
nhưng phải bán cho nhà nước với giá 1,2đ/m2. Giá thành 1m2 vải dệt theo
kiểu oxford tính ra hết 10đ nhưng công ty phải bán cho Nhà nước giá 9đ.
Nhìn cảnh đóng hàng xuất cho nội thương với giá thấp hơn thực tế, người
công nhân phải rơi nước mắt.
Giá
của hai thứ vải trên nếu bán ở thị trường tự do thì cao gấp 10-12 lần.
Cũng vì thế, người dân và cả cơ quan nhà nước cũng chạy theo thị trường
tự do để hình thành một nền kinh tế ‘ngầm’ song hành cùng nền kinh tế do
nhà nước quản lý. Người dân buôn gạo từ địa phương này sang địa phương
khác, chỉ vài ký mỗi chuyến nhưng cũng hưởng chênh lệch để ‘cải thiện’
cuộc sống gia đình.
Tại
Sài Gòn, một số cơ quan, xí nghiệp ‘lách’ luật, bung ra trong việc ‘đi
đêm’ với xí nghiệp bạn hoặc với tư thương, Công ty Kinh doanh Lương thực
của bà Ba Thi (Nguyễn Thị Ráo) là một trường hợp điển hình của một
‘huyền thoại’. Năm 1980, với trình độ lớp 4 trường làng, bà Ba Thi được
bổ nhiệm làm giám đốc công ty để lo cung cấp lương thực cho gần 4 triệu
dân với ‘giá kinh doanh’ không ‘bù lỗ’ nhưng cũng không nhằm thu lãi
cao.
Có
thể đó là cách giải quyết của những lãnh đạo có ‘tâm’ trước sự thiếu
thốn trong đời sống của nhân dân nhưng cũng không loại trừ những ‘phi
vụ’ chạy vào túi riêng của những người trong cùng băng nhóm. Xã hội bắt
đầu hình thành những ‘Mafia kinh tế’ để sau này tạo ra một giai cấp mới
là ‘tư sản đỏ’.
Năm 2006, báo Tiền Phong dùng cụm từ Màu thời gian xám ngắt (nhại chữ của Đoàn Phú Tứ Màu thời gian tím ngát trong bài thơ Hương thời gian) để nhắc lại cái bóng kinh hoàng của thời bao cấp.
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Đối với người miền Nam vốn đã quen sống trong nền kinh tế tư bản, thời bao cấp chắc không ‘xám ngắt’ mà phải là ‘xám xịt”. Cũng may, người ta ngộ ra đó là một sai lầm chết người nên mới có… thời kỳ ‘đổi mới tư duy kinh tế’.
===
Chú thích:
(1)
Giáo sư Hoàng Phê sinh tại làng Bảo An, phủ Điện Bàn, tỉnh
Quảng Nam nay là xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Cháu đời thứ 11 của
Tổng đốc Hoàng Diệu. Thuở thiếu thời, ông học tại quê nhà rồi theo học ở
Hội An, Huế, Sài Gòn. Sau cách mạng tháng 8/1945, ông tham gia kháng
chiến chống Pháp ở Hà Nội, Việt Bắc. Năm 1954, ông làm cán bộ nghiên cứu
ở Viện Ngôn ngữ học, và tạp chí Ngôn ngữ học, giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hoàng Phê (1919 - 2005) là một nhà từ điển học, chuyên gia về chính tả tiếng Việt. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1998.
(2)
Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại quê nội ở Thanh Oai,
Hà Đông trong một gia đình thợ thủ công. Bút danh Tô Hoài gắn với hai
địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức. Đến với văn chương ông nhanh
chóng được người đọc chú ý, nhất là với truyện Dế Mèn phiêu lưu ký. Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa Cứu quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như Truyện Tây Bắc.
Tính đến nay, sau hơn sáu mươi năm lao động nghệ thuật, ông đã có hơn
100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ,
hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng
tác.
(3):
Vương Trí Nhàn là một nhà nghiên cứu văn hóa, văn học đồng thời là nhà
phê bình văn học. Các bài viết của ông xuất hiện trên báo Văn Nghệ từ tháng 3/1965, sau đó ông viết đều đều trên các báoVăn Nghệ, Văn Nghệ quân đội.
Lúc đầu VTN chỉ tập trung về mảng văn học đương đại cho đến đầu thập
niên 1980, ông có ý thức dần dần trở lại với văn học sử, nhất là giai
đoạn nửa đầu thế kỷ 20 và đã viết một số bài nghiên cứu về các nhà văn
tiền chiến như Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng...
Nguyễn Ngọc Chính
Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!
.
.
0 comments:
Post a Comment