Obama hoàn toàn ý thức được điều này. Từ cả năm nay nhiều áp lực thôi thúc ông trang bị vũ khí cho quân nổi dậy Syria, nhưng ông chỉ giúp thực phẩm, thuốc men, không giúp vũ khí, không trao vào tay những tên quá khích này những khẩu súng phòng không, súng chống chiến xa để súng Mỹ không bị sử dụng bắn máy bay dân sự Mỹ, bắn chiến hạm Mỹ.
Thứ trưởng tài chánh Trung Cộng Zhu Guangyao nói, “Hành động quân sự sẽ tạo ảnh hưởng xấu trên nền kinh tế toàn cầu. Giá nhiên liệu sẽ tăng lên, và hoạt động thương mại sẽ giảm xuống.”
Các lãnh tụ Liên Âu -thường khi vẫn đồng minh với Hoa Kỳ- tỏ ra ngần ngại; họ cũng đồng ý với ông Obama về tính chất gớm ghiếc của việc sử dụng VKHH hôm 8/21, nhưng họ lại cho là “cuộc tấn công của Mỹ không giải quyết được chiến tranh Syria.”
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố, “Mỹ không tấn công, Assad không thương thuyết với lực lượng nổi dậy.”
Phụ tá cố vấn an ninh Hoa Kỳ, ông Ben Rhodes, tuyên bố với phóng viên truyền thông, “Chúng tôi không chờ đợi việc cả 19 quốc gia khác đồng ý với chúng tôi; Nga đã là một nước không đồng ý rồi.” Rhodes nói Obama sẽ đích thân trình bầy việc làm của Hoa Kỳ với đại diện các quốc gia tham dự Hội Nghị G 20 và trình bầy với mọi người những điều họ có thể làm để giúp làm nhẹ bớt hiểm họa VKHH.
Nhưng cuộc hành quân trừng phạt Syria, dù không có trong nghị trình, lại chiếm nhiều thì giờ trên diễn đàn G 20.
Giám đốc Kế Hoạch Âu Châu của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược, bà Heather Conley nhận định là phải “tài ba” lắm, Obama mới thuyết phục được các quốc gia ủng hộ cuộc tấn công Syria mà ông chủ trương.
Tiểu ban ngoại giao Thượng Viện với 17 thành viên -10 nghị sĩ Dân Chủ và 7 nghị sĩ Cộng Hòa- đã nhanh chóng chấp thuận dự án hành quân trừng phạt Assad với tỉ lệ 10 chống 7; những người chống lại dự án này gồm 4 nghị sĩ Cộng Hòa và 3 nghị sĩ Dân Chủ.
Những con số này đưa đến cái bách phân tỉ lệ 70% nghị sĩ Dân Chủ và 42% nghị sĩ Cộng Hòa chấp thuận cuộc trừng phạt. Nếu tỉ lệ này không thay đổi nhiều trong cuộc biểu quyết tại Hạ Viện, thì 200 dân biểu Dân Chủ sẽ bỏ 140 phiếu thuận (200 x .7) cho phép tổng thống Obama thực hiện cuộc hành quân trừng phạt Bashar al-Assad, và 233 dân biểu Cộng Hòa cũng sẽ bỏ 135 phiếu thuận, để đạt tới kết quả 275 thuận, 158 chống.
Dân Biểu Ed Royce, chủ tịch tiểu ban Ngoại Giao Hạ Viện nêu lên nhiều thắc mắc ngay trong bài diễn văn khai mạc buổi điều trần của 3 viên chức hành pháp -Kerry, Hagel, và Dempsey. Ông hỏi, “Chúng ta chỉ trừng phạt al-Assad bằng hỏa lực thôi; bắn xong, thả bom xong, chúng ta yên ổn ra khỏi Địa Trung Hải, Assad ngồi yên đó, không phản ứng gì cả? Nhưng nếu hắn phản công, chống trả bằng loại hỏa tiễn diệt hạm của Trung Cộng, có tầm bắn 3,000 cây số, xa gấp đôi tầm bắn của hỏa tiễn Tomahawk của chúng ta thì sao?”
Dân Biểu Dân Chủ tiểu bang New York, ông Eliot Engel, bênh vực quan điểm của hành pháp; ông nói, “Tôi đồng ý với tổng thống là Hoa Kỳ phải 'có thái độ' đối với việc Assad sử dụng VKHH. Nếu chúng ta không làm gì cả thì có ai còn nghĩ là Hoa Kỳ là một quyền lực bênh vực tự do và nhân quyền?”
Đánh Syria, Hoa Kỳ không chỉ bênh vực nhân quyền mà còn bênh vực nhân loại, bảo vệ sinh mạng của công dân Mỹ đang sống tại Hoa Kỳ và hiện diện tại khắp nơi trên thế giới; ông chấp nhận việc phải đánh Syria mà không được sự đồng ý của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, vì Nga và Trung Cộng là 2 cường quốc thành viên có quyền biểu quyết.
Tại Hội Nghị G 20, Obama đã trực tiếp vận động nhiều nguyên thủ quốc gia để họ lên tiếng ủng hộ cuộc chinh phạt của Hoa Kỳ, trong quốc nội ông cũng đang vận động từng nghị sĩ, từng dân biểu để họ biểu quyết đồng ý với nhu cầu trừng phạt Syria để ngăn chặn không cho việc sử dụng VKHH tái diễn.
0 comments:
Post a Comment