Cơn mưa đột ngột ào xuống đúng lúc đòan người vừa vào trọn trong khoang tàu. Một thanh niên kéo vội tấm cửa ngăn để chắn lối những hạt mưa đang độ tầm tả. Tất cả hành khách thu mình rất thú vị bên trong, đăm chiêu lắng nghe âm thanh gió vi vút bên ngoài cùng những hạt mưa búng tí tách bên khung cửa gỗ. Đêm tối bao la, thỉnh thoảng vài ánh chớp lòe sáng nền trời, soi rõ nét đồ sộ ngôi chợ Đông Ba và khu phố cổ Trần Hưng Đạo, Huế… Từ bến sông, Huế thu mình hiện rõ vẻ đìu hiu trong cơn mưa bảo đầu mùa.
Hương Giang đã đổi sắc, không hiền hòa và lãng mạn như khi nào –Quanh tôi, những đợt sóng đang cuồng dâng,. Không gian chỉ còn tiếng rít cuồng loạn của cơn gió chướng trên những cành phượng vỹ, dọc theo bờ Gia Hội… Cả mấy mươi hành khách hầu như âm thầm ủy thác mọi việc cho tôi, người tài công của chiếc thuyền vận tải khách đường sông.
Bên ngoài khoang lái, tôi neo đuôi tàu để giữ điểm cố định, dùng sào kềm, chống giữ sức dạt do gió mạnh trong khi người tài phụ dồn sức xoay mũi ra khỏi bãi và khi thân tàu nằm gọn trong lòng sông, tôi thâu neo lái, cài số, tăng tốc độ . Con tàu vẫy vùng một hồi trước những đợt sóng đập nghịch do sức gió – Sau đó mới chịu ngoan ngoãn chém sóng và cuốn hút vào màn đêm.
Đang miên man đấu vật với trời mây gió nước, tôi chợt thấy một cái đầu thò ra phía tôi đang đứng lái, rồi cánh tay chìa ra với năm ngón bụm lại, che chở bên trong một điếu thuốc đã mồi sẵn. Tôi gật đầu hiểu ý thầm nghĩ ai đó quá thông cảm và kẹp vội điếu thuốc vừa được đưa, tôi đưa lên môi, rít một hơi dài, vội vã đầy thú vị . Đồng lúc, một loạt mưa hắt qua theo cơn gió cuốn. Điếu thuốc ướt sũng và tắt lịm, tôi ra dấu cám ơn và bảo người bạn vừa xuất hiện hãy trở về bên trong khoang tàu kẻo mưa lạnh…
Ra đến Bao Vinh, tôi nhẹ người vì hành trình bớt vất vã nhờ sông rộng và đường dài, lại ít chướng ngại vật. Hơn nữa, vừa thoát được chiếc cầu Bãi Dâu.
Vào năm 1968, một đơn vị Tiếp Vận của Hoa Kỳ đồn trú tại đây và xây dựng cây cầu đen này để tiếp tế lương thực, đạn dược vùng Quãng Trị, Đông Hà. Trụ cầu rất lớn, có chừa khoảng cách cho tàu bè, ghe thuyền qua lại. Chân cầu lại bắt chéo với nguồn nước chạy thẳng nên vào mùa lũ lụt, tàu bè chạy trên dòng nước chảy xiết này mà vận tốc quá chậm, sẽ không lòn lách kịp, rất dể va vào trụ cầu .Nhiều tai nạn đã xảy ra nơi đây.
Đôi mắt hướng vào vùng tối thăm thẳm đằng trước để định vị con đường đi an toàn và đề phòng va chạm, có đôi lúc, tôi nhoài người lên, mở to đôi mắt, điều tiết cực độ về phía trước, dùng chân kẹp tay lái, phút chốc lại tụt người xuống, tay cầm chặt lại tay lái để chém sóng và chế gió. Nếu sơ sẩy một vài giây để con sóng và thân tàu nằm song song thì cả một khối lượng nặng nề này sẽ bị hất tung lên cao và thả xuống như chiếc lá giữa dòng, hành khách sẽ bị ói mửa… đầu óc tôi rất bận rộn trong việc tránh gió, nương sóng, chuyển đường.Người Pháp đã để lại một câu nói bất hủ cho người tài công: “Sau Thượng Đế Là Tôi”-Apres Dieu,C’est moi!
Đây là chuyến tàu chở bao của một chiếc thuyền có trọng tải chừng 10 tấn, đáy bằng vỏ nhôm chống rĩ sét . Tàu được trang bị máy Kubota thủy động cơ hai lốc dầu xanh, kèm những thiết bị an toàn và pháo cứu sinh, chuyên phục vụ tuyến hành khách từ thành phố Huế và các quận lỵ xa xôi, nơi không có đường ô tô. Chuyến hành trình hôm nay đặc biệt hơn mọi khi vì thời tiết rất xấu, lại vận hành về đêm mà hành khách có một số từ nước ngoài về, nghe đâu từ Đức quốc. Gia đình tôi cha truyền con nối, sống bằng nghề vận tải hành khách trên các tuyến đường dọc từ thành phố Huế phát ra… Cũng ở khoang lái này vào sau tháng 4 năm 1975, khi về quê cũ, tôi giúp đỡ cha mẹ phụ lái tàu để chờ ngày đi vô trại cải tạo… Một đêm kia khi chở trả đoàn người đi đưa dâu về của một đám cưới đường xa, một người con gái tuổi học trò trong đoàn, cũng như chàng trai vừa rồi, chui ra khỏi lòng tàu rồi ra phía sau khoang lái; cô mĩm cười nhìn tôi và trao vội hai chiếc bánh phu thê cất giữ từ tiệc cưới . Qua giây lát, cô gái về trong khoang cũ, tôi nghe lòng bâng khuâng trong đêm vắng, ngây ngất với nụ cười này và cất giữ đến ngày nay.
Khi đang ở tâm trạng thoải mái nhờ đoạn đường trơn tru trước mặt, tôi móc thuốc ra, che gió bật lửa hút và chợt thấy người thanh niên ban nãy ra hẳn ngoài này với tôi . Lúc này cơn mưa hầu như dứt hẳn, trời trong dần và con tàu đều đặn chẻ sóng, âm thanh rền vang trong đêm vắng… Tôi nhìn kỹ lại, thấy anh ta có một gương mặt sáng sủa, đôi mắt tinh anh, nhưng bộ đồ anh mặc trông có vẽ nhà quê quá: áo vạt hò, màu trắng ngà, có hai túi lớn, phía dưới, chiếc quần được cuốn lên thắt lưng. Ở làng quê, các cụ thường hay mặc khi có việc làng, lễ lạc… Với đôi chân trần và chiếc nón lá Huế, thoạt nhìn, cứ ngỡ cậu trai làng quê đi đón người thân trên phố. Anh giới thiệu: Thấy anh đứng lái thuyền bên ngoài mưa gió một mình, tôi ra đứng chơi với anh cho vui. Tôi tên là Lành, Nguyễn Thanh Lành, mới từ Tây Đức về, thăm ba tôi đang cải tạo ngoài miền Bắc, trại Hoàng Liên Sơn và bây giờ ghé thăm quê cũ, nơi tôi được ghé lại nhiều lần hồi còn bé, nay mới có dịp trở lại.
Tôi thoáng sững sốt, với bề ngoài quê mùa bình dị như thế thì ai cũng nhầm. Lanh cười thân thiện, đưa tay bắt làm quen và nói tiếp:
-Phú Thanh quê tôi được nhắc nhở hoài trong gia đình, theo ba tôi nói, là nơi có long mạch, tức lá máu Rồng, có” kết “con cháu làm quan. Vị trí làng có hình thể con rồng nằm, đầu gối phương Nam tức Hoành Sơn, chân gác phương Bắc, tức biển Nam Hải. Theo kể thì địa lý quê tôi “thịnh quân”, tức có hướng thăng tiến về đường quan quyền. Thời tôi bắt đầu khôn lớn là lúc ba tôi đang phục vụ quân đội VNCH ở miền Đông Nam Phần – Củ Chi, Hậu Nghĩa. Tôi thường thấy ba tôi đem cả gia đình về quê trong những ngày kỵ ngài khai canh để nhớ ơn tiên tổ dày công khai phá, mở đường cho hậu thế.
-Thế mẹ anh có về không?
Tôi nghĩ vợ một ông tướng ngày nào chắc cũng ít nhiều còn nét phong độ lắm. Nghe bà con kể lại, bà Mỹ Lệ, phu nhân vị tướng lãnh này, đã có một cuộc đời vất vã tinh thần vì chất phong kiến của gia nương chồng. Ngày ông thương bà và quyết định cưới làm vợ là cái thời bà là một ca sĩ ả đào, bà con họ tộc phản đối cuộc hôn nhân mà họ cho là không cân xứng, nhất là với quan niệm xướng ca vô loại. Ông tướng đã vượt dư luận, nề nếp cũ, bỏ quan niệm thủ cựu và chung sống hạnh phúc với người ca sĩ ngày xưa từ đó cho đến nay.
-Mẹ tôi không về thăm quê trong chuyến đi này. Bà không được khỏe vì hành trình từ miền Bắc về sau khi đi thăm ba tôi. Chỉ có năm anh em chúng tôi về quê cũ trên chuyến tàu này. Cả hết anh em chúng tôi đều từ Tây Đức về.
Bỗng nhiên một chút cay đắng dâng lên trong lòng. Lành trạc tuổi tôi, thời hai mươi tuổi tôi giã từ tuổi trẻ không nuối tiếc, lên đường nhập cuộc với đoàn người hiên ngang vào quân ngũ trong đợt động viên 1972. Cái thời được mô tả là tổ quốc lâm nguy; có những người đã bỏ hết để nhập cuộc. Trong khi có những người như Lành, đủ cánh thế, dựa uy quyền cũng lên đường, nhưng xuất… ngoại ; để rồi, ở một nơi thật xa, nghe và nhìn quê hương Việt Nam qua những trang báo hoặc truyền hình, và không thiếu những bài viết, phóng sự, thiếu lương tâm thường hay vo tròn, bóp méo… hoặc đối diện cuộc chiến với một băng nhạc cassette khi ngồi trong một căn phòng ấm cúng nào đó để nghe… đại bác đêm đêm dội về, hoặc mai xa lắm trên đồn biên giới, còn một chút gì để nhớ để thương..
Con tàu sắp chạy qua làng Sình, nơi có truyền thống hội “Vật” hằng năm vào ngày mồng mười Tết. Tục lệ Vật Sình ngày nay rất phổ thông, hầu như ai cũng biết tới . Dân làng quan niệm không có lễ Vật Sình,sẽ làm ăn không lên và con cháu không có hướng tiến. Năm 1968, khi quân Cọng Sản Bắc Việt đánh vào thành phố Huế, ngã ba Thanh Phước và làng Sình mất an ninh trầm trọng vì Cộng quân tạo áp lực chận yết hầu tiếp tế vào thành phố bằng đường thủy vận.Dân làng tin vào cổ lệ,vẫn bày ra một võ đài dã chiến mặc dầu tiếng súng giao tranh đang còn căng thẳng rồi cho hai người trai làng ra vật lộn nhau và rút lẹ. Niềm tin đã trở thành nguồn sinh khí của họ là thế.
Càng về khuya cơn mưa đã dứt hẳn và nguồn gió đã nhẹ lại . Ngôi giáo đường Lại Ân Sình cao sừng sững, in rõ nét trên nền trời nhờ ánh trăng non vừa hé lên sau những làn mây phiêu bồng. Đối diện tháp chuông nhà thờ là đình làng Thủy Tú, nơi giao lưu hai nguồn nước là Hương Giang và sông Bồ. Ban ngày khi vận chuyển hành khách qua đây, thỉnh thoảng thấy mấy anh bạn tù cải tạo mới được thả đứng câu cá dưới chân cầu trước đình làng Thanh Phước . Họ đứng yên lặng, dáng cô đơn kiên nhẫn trước dòng nước chảy xiết, đôi mắt anh đăm chiêu, nhìn xa xăm và cũng đôi khi thấy trên những chiếc đò ngang sang sông nơi đây, một vài anh khác đứng khép mình bên chiếc xe đạp, cái túi xách đeo vai và chiếc máy ảnh treo tong teng trước ngực trong nghề chụp ảnh dạo, hoặc bên thùng cà rem hay túi đồ cũ mua đi bán lại. Qua chuyến đò này là tới làng Sình, các anh thong thả đạp sau vào các làng quê xa xăm như Hòa An, Vĩnh Lại, Mậu Tài, Quy Lai để tìm khách kiếm sống. Cuộc sống thăng trầm của các anh cùng tùy theo cơn lúa đồng quê, được mùa thì trả tiền, mất mùa thì chạy nợ.
Lành mời tôi hút thuốc, loại có cán lọc. Cơn gió làm tôi lạnh, thuốc lá gắn liền với sự miệt mài đơn độc và là người bạn đường thủy chung ở những bước gian nan trong đời sống. Vì sợ ướt, tôi đẩy sâu gói Đà Lạt vào túi, rất cẩn thận và trân quí.
Vui vẻ,tôi thân mật hỏi:
-Ngày xưa học Việt Ngữ Tân Thư có đoạn kể một người du lịch khắp nơi, khi về quê cũ, có người hỏi là nơi nào đẹp nhất, anh ta trả lời là không có nơi nào đẹp bằng quê hương cả, anh nghĩ sao?
Suy nghĩ giây lát, Lành nói:
-Có lẽ chưa phải là trường hợp của tôi, con đường khoa học còn nhiều khám phá mới làm tôi chưa đủ thư thả. Qua tới xứ người mới thấy trời cao đất rộng. Tôi tự nguyện cố tạo dựng cho mình một con đường để đi để rồi một lúc nào đó, đem kiến thức mình thu góp được, về phục vụ trên chính quê hương mình. Có lẽ anh cũng biết ở Tây Đức, ngành khoa học cơ khí rất tinh vi và tiến bộ, bao nhiêu thời gian tôi nghiên cứu, học hỏi mà vẫn cảm thấy bản thân chưa được gì? Càng đi sâu, thấy mình càng nhỏ bé.
Tôi đưa tay chỉ vào ngôi làng bên tay trái và nói:
-Chỉ thật sự trong một hoàn cảnh đúng nghĩa vđôi lúc do thôi thúc sự sáng tạo để mưu sinh và trường tồn . Con người lúc đó sẽ có những bước tiến bộ thật xa, ngoài trừ sự yêu mến và khám phá tìm tòi, hoặc phát minh để đóng góp cho xã hội về kiến thức của mình. Tôi có người anh khóa trước ở quân trường ở gần đây và trí óc tôi chỉ biết nhớ anh qua sự hô hoán điều quân, huấn luyện thể lực, quân kỷ đời lính. Thế mà về sau, khi ra trại sau năm năm bị giam giữ, do sự kiên trì và nhẫn nại với thời gian và chính mình, anh trở thành một thợ mộc chuyên nghiệp .Sản phẩm của anh là làm ra chiếc tủ thờ, có chạm trổ tinh vi, in hình long, lân, quy, phụng ,mặt trước gắn cẩn xà cừ và lộng hình mai, lan, cúc, trúc v.v… Thành phẩm rất có giá trị và là mặt hàng hiện thuộc loại cao cấp đang hấp dẫn thị trường. Nhờ đó anh đưa gia đình lên một mức sống rất khá, mặc dù chính quyền cố tình bao vây, triệt hạ đời sống kinh tế gia đình khi ra trại cải tạo… Và anh đang sống tại đây, làng Triều Sơn.
Riêng anh, sau bao ngày xa quê, anh cho biết những đổi thay ở trước đó và sau này ở chính anh?
-Ra tới xứ người, màu da cái tóc vẫn là cái vóc con người. Yếu tố ngoại hình da vàng mũi tẹt là thứ pháp luật vô hình để mình biết gìn giữ con người mình. Sau nét căn bản phẩm giá đó là sự vươn dậy do sự thôi thúc nguồn tự ái dân tộc khi có sự chung đụng học hành với các sắc dân khác trên thế giới… nhờ đó mà tôi tốt nghiệp ngành bách khoa sớm hơn dự liệu và đang có việc làm tốt. Sự thích nghi đời sống thường gọi là hội nhập, lâu ngày rồi cũng quen dần. Mới bắt đầu khá vất vã, hai nét Đông và Tây phương có sự giao thoa và chưa có hướng đi rõ rệt trong tôi. Một đôi lần tôi có tâm sự với những người bạn nước ngoài rằng: “Cái kín của các anh là cái hở của chúng tôi và cái kín của chúng tôi là cái hở của các anh.”
Thú vị, tôi cướp lời:
-Anh nói rõ hơn đi!
-Bên Tây phương những vấn đề như vệ sinh cá nhân, tôn giáo, tuổi tác, việc làm, trình độ bản thân… là “kín” đối với họ. Những vấn đề này tuyệt đối tôn trọng và không đụng chạm. Trong khi ở bên mình, muốn đi tiểu chỉ cần ra ngoài bụi cây, xe dừng bên lề đường, bà con tự nhiên xả xú ; gặp nhau chào hỏi thông thường thì năm nay anh chị bao nghiêu tuổi, đã cưới vợ chưa? Có đi chùa hay nhà thờ không? Lương tiền ở bậc mấy rồi, ơi! Sao không tiếp tục học để có một cái bằng…cho đẹp mặt họ hàng.
Mặt khác, cái hở của Tây phương như khi họ biểu lộ sự yêu thương tự nhiên: bên góc đường, ghế công viên, trong thang máy, bên sân ga, bến cảng, phi trường, bên hè nhà trước một cuộc ra đi, ở lúc vui hay khi buồn, trong nhà quàn hay ngoài nghĩa trang… họ ôm nhau tỉnh bơ, ve vuốt yêu thương nhau trước mọi người một cách tự nhiên, y như chỗ không người… Trong khi ở xứ mình là cái rất kín: Bẻn lẽn yêu thương nhau bằng nụ hôn cũng phải nhìn trước nhìn sau, chuyện này chuyện kia lãng mạn, tỏ tình cũng phải trong phòng đóng kín hay bằng một bức thư tình lén gởi cho nhau cũng sợ sệt có ai đó đang rình mò…Khía cạnh khoa học và đời sống cũng hấp dẫn tôi khá nhiều: Khi mới chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa đại học, người ta cho tôi một cái nhìn bất ngờ về sự đóng góp của phát minh vào ngay chính đời sống. Một hôm tôi và các bạn được ăn một bữa thịt và thịt bò nhân tạo. Tôi tận dụng mọi tinh tế về khứu giác, vị giác và sự nhạy cảm thường tình để định vị. Món ăn rất ngon, tự nhiên, đầy mùi vị tươi mới nấu và họ không cho biết kết quả. Chỉ nói với chúng tôi rằng: Vạn vật khi được phân tích đều được thể hiện qua các đơn chất, ví dụ như C, H, O, N. Một mặt, khi tổng họp các đơn chất này với hóa trị cân đối, ta sẽ có được sản phẩm, chỉ them vào nhu liệu, hương vị là có thành phẩm ngay. Từ nguồn rong tảo đại dương bao la, các đơn chất được khai thác và phân tích kỹ lưỡng, sau đó sẽ theo quy trình tổng họp từ các đơn chất mà thôi.
Tôi lặng người đi vì đối diện với thành quả khoa học, bài học phân tích và tổng hợp này có từ lâu mà không có dịp hiểu đến. Thời Hitler, khi đoàn quân bị bao vây trong rừng sâu, giữa thời tiết giá lạnh, họ đã dùng phương pháp phân tích các sản phẩm từ rừng cây để tìm ra chất tổng hợp như glucose, lacoz, cellulose để nuôi quân.
Tôi say mê nghe người khách chưa hề quen này, đôi mắt vẫn xuyên thủng màn đêm này để đưa đoàn người đến nơi an toàn. Người bạn bông đùa kiểu Tây phương:
-Anh giống như một vì sao của đêm tối.
Tuy biết tâm lý như để trân trọng sự cố gắng của tôi giữa đêm trường mưa gió nên chỉ biết cười xòa chối từ , tôi lái con tàu cập bờ làng Thuận Hòa, nơi có luồng lạch sâu hiểm, một vài phao tiêu chỉ chỉ lối màu đỏ thẳm lắc lư theo từng cơn sóng nhẹ. Bên bờ đối diện là làng Kim Bồng, nơi đây đất bồi, phù sa đắp thành một cái gò nổi, các đàn chim làm bờ bãi nghỉ, từng đàn thong thả rỉa cánh, rủ lông. Các đoàn ghe chèo đi mua phân mun về bón khoai, sắn, hoa màu, thường len theo cồn đất này, tránh luồng lạch sâu nơi có nhiều sóng và thuền bè qua lại. Đa số những người này xuất phát từ sông Bồ, Cây Số 23, Cù Bi, An Sĩ, Hiền Lương hay Bát Vọng.
Một đêm nọ, chiếc ghe nhôm cặp hông tàu tôi lúc về bến. Một người nông dân có gương mặt trí thức nhưng khắc khổ, bước lên ngôi nhà tôi ở ven sông để xin nước ngọt nấu cơm vì nguồn nước sông mặn. Tôi chú ý tác phong lịch sự và phong cách chững chạc của anh ta, đồng thời hỏi thăm vui vẻ về quá khứ. Anh cũng trả lời đơn sơ, cầm chừng hầu như muốn tránh những ngộ nhận về nhau vì chỗ chưa quen biết. Người nông dân rất khổ, nhiều khi mua được phân tro gặp bếp có đàn kiến lửa, khi bốc được gánh phân ra khỏi nhà thì chân tay đỏ phỏng vì kiến cắn, suốt đêm cơn đau nhức nầy vẫn chưa tha. Anh ta nói vừa ra trại cải tạo Hoàng Liên Sơn ngoài Bắc và về quê cũ sống nghề làm rẫy, trồng khoai, sắn. Sau này mới rõ anh là Sĩ Quan Khóa I Nguyễn Trãi,là người niên trưởng của chính tôi từ một quân trường.Tôi mến anh từ dạo đó và thật bất ngờ chứng kiến đời sống quá vất vả của anh.
Lành tiếc nuối đoạn đường gần đến mà câu chuyện chưa kết thúc, anh mới từ miền Bắc trở về Huế.Vẫn giọng nói đầy cảm xúc,anh kể con đường đến Tổng Trại Hoàng Liên Sơn dài, sâu và hiểm trở. Phải mất hai ngày và một đêm để đi từ Sài Gòn đến Hà Nội. Tại đây phải đổi tàu và thêm nửa ngày đi Yên Báy, sau đó qua phà sông Hồng và đáp xe trâu hướng về núi Nan Quạt, Ba Kha, Cửu Lộ. Qua khỏi dãy núi là thấy trại chè Vĩnh Phú, nay đổi tên là nông trường chè Trần Phú. Từ vùng này đến Tổng Trại Hoàng Liên Sơn chỉ duy nhất có xe trâu, những cổ xe thời trung cổ với hai bánh gỗ to tướng, được kéo bởi một con trâu hiền lành, xơ xác đói, từ từ từ từ trên con đường quanh triền núi đến cổng trại… được một cái là dân tình đơn sơ, chất phác. Người miền sơn cước với chiếc quần đùi đen đủi, chiếc áo vải thô sơ vá chằng chịt đã hết long phục vụ và rất hiếu khách. Họ giúp đỡ hết mình, chỉ khổ là âm sắc, giọng địa phương khó hiểu nên phải lập đi lập lại hoài mới rõ. Tất cả hành lý, quà thăm nuôi và đoàn người chúng tôi ngồi gọn trên xe và nôn nóng chờ đợi người thân. Quanh chúng tôi đồi núi chập chùng, chim reo vượn hú đằng sau những rặng cây có mây tỏa quanh năm. Xa xa trong các lưng đồi, những mái nhà tranh vách nứa lúp xúp nằm quay quần quanh nhau với lãng đãng mây khói của rừng tỏa rộng là chốn ăn ở của ba tôi và thấy những người đồng đội của người . Trong tiếng nấc nghẹn ngào, không một ngôn từ nào diễn tả hết sự xúc động này. Ôi! Những khuôn mặt già nua, những đôi vai tiều tụy, những làn da xanh xao! Và đôi mắt, đôi mắt sâu, thăm thẳm muôn trùng của bao nhiêu điều chất chứa. Bộ quần áo tù màu xanh có vạch trắng thật lạnh lùng và đôi dép lốp trơ trơ với năm tháng. Những ân cần vồn vã do nhớ thương chỉ nhường cho dòng nước mắt trào dâng. Mỗi tiếng nói phát ra đều uất nghẹn.
Trở lại Hà Nội với bước chân đi như lảo đảo. Tôi cố xua đuổi mọi hình ảnh làm bủn rủn hồn tôi, nhất là những ánh mắt của đồng đội ba tôi khi nhìn cha con chúng tôi gặp nhau mà xót xa cho họ. Trên cả ngàn người trong cảnh khốn cùng này từng là danh nhân tướng sĩ,những cột trụ chống đỡ miền Nam trước cơn nguy khốn của cuộc chiến đấu vì hiểm họa Cọng Sản… Tôi mãi ám ảnh câu chuyện ba tôi vừa kể về chiếc đuôi heo cứu sống một vị tuyên úy bị kiệt sức: một vị trong toán chăn nuôi táo bạo chặt đứt một cái đuôi heo, nấu cháo bồi dưỡng cho đồng đội mình đang thoi thóp…
Chính quyền Hà Nội đã tổ chức một buổi hội thảo bàn về vấn đề tu sửa chiếc cầu treo nổi tiếng gần thành phố đã bị thiệt hại thời chiến tranh. Theo nhân gian truyền khẩu, một kỹ sư thời Pháp đã vì thất bại, tuẫn tiết tại dòng nước chảy xiết này khi thả dầm cầu bất thành vì ụ bê tông không chịu lực do xi măng không nén kịp do dòng nước chảy mạnh quá. Sau này mới có người nghĩ ra cách làm cầu treo, xử dụng ngẫu lực và momen quán tính. Tôi ở trong toán thiện nguyện, xin được đóng góp tu sữa công trình, sẽ cùng các bạn từ châu Âu có dịp thi thố tài năng chính trên quê hương mình sau chiến tranh . Trường Đại Học Bách Khoa Tây Đức, khoa cơ khí ủng hộ việc làm này. Đây cũng là niềm sung sướng ứng dụng những gì mình thu nạp được và hạnh phúc nhìn những người dân Việt Nam mình được đi lại, giao thông trên chiếc cầu huyết mạch kinh tế này.
Câu nói cuối khi chia tay Mạnh đã làm tôi vui mừng cảm động: Xin chọn nơi này làm quê hương.!
Phải rồi, một nơi để về, một chỗ để nhớ, một chốn để thương. Ai chẳng phải chạnh long khi ở một nơi nào đó không phải là quê hương mình mà nghe được âm vang giọng nói nơi mình sinh ra và lớn lên,.Nỗi cảm xúc đó có phải là do từ trái tim và nhịp đập, khi ấy mới thấy tình quê hương thiêng liêng đến độ nào. Sự nghịch lý trở thành ngộ nghĩnh khi bản thân sinh ra và lớn lên tại đây, cớ sao không phải là quê hương mình mà phải chọn.
Cuối năm 1973, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị có tổ chức chương trình thăm viếng trên toàn miền Nam cho du học sinh về thăm quê hương. Mục đích sự tổ chức này là cho họ thấy cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam chỉ vì khát vọng Tự Do và Hòa Bình cho đất nước, xua đi những ảnh hưởng tuyên truyền bịp bợm của cọng sản ở hải ngoại. Hình ảnh người chiến sĩ ở chốn biên thùy, nơi đèo cao dốc núi, ngày đêm canh thức và chống trả sự rình rập của quân thù đã chinh phục giới trẻ Việt Nam hải ngoại. Từ việc lắng nghe, tìm hiểu, suy nghiệm thực hư đã giúp họ quay về cùng chiến tuyến.Nơi tận vùng giới tuyến Quảng Trị,họ được mục kích,quan sát đời sống khắc khổ của các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến khi những người trai nầy đang cùng trang lứa họ, đem tuổi trẻ đi canh thức từng giờ từng phút để gìn giữ và bảo vệ từng tấc đất cho miền Nam tự do.Một kỷ niệm vui làm cả hai phía chủ và khách cùng cười vang khi một chị trong đoàn du học sinh hỏi cái toa lét ở đâu ? Nơi cái hố đằng kia thôi hả? nhờ anh chỉ giùm… Bài ca Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương đã được các anh chị em tâm đắc ca vang với hùng khí rộn ràng. Lành cũng cùng tâm trạng niềm yêu quê hương đó khi tận mắt nhìn người dân làng giãi dầu mưa nắng trên những cánh đồng lúa cằn cỗi, yêu và bằng lòng cam chịu với nguyên lý tình yêu dân tộc, nơi có lũy tre xanh cùng con sông dài và mái nhà tranh, khu vườn nhỏ và nhất là lư hương bát nước – hình bóng tổ tiên bao đời khai phá và gầy dựng.
Người cha của kỹ sư cơ khí Nguyễn Thanh Lành được thả ra trại năm đó. Sự năng nổ của đứa con trai làm thiện nguyện nhằm phục hồi cầu treo huyết mạch phía bắc đã đưa đẩy Hà Nội cứu xét đặc biệt cho riêng ông.
Cuối năm 1991, trong đợt phỏng vấn chương trình định cư tỵ nạn H.O. 9 tại Sở Ngoại Vụ Sài Gòn, tôi được biết vị tướng lãnh này đã bị từ chối vì lý do đặc biệt. Ngoài việc được về sớm so với thâm niên và chức vụ, ông đã dính líu vào vụ tranh đấu củ a Phật Giáo miền Trung chống chính quyền năm 1966. Về lại quê cũ,ngày ngày ông cởi xe đạp đi quanh hay tay không bơi lội băng ngang khúc sông giữa hai làng Quy Lai-Thuận Hòa và qua đời lặng lẽ vài năm sau đó .Cùng số phận bị từ chối đi Mỹ có cả vị tướng lãnh vốn là người đầu đàn của ngành Lực Lượng Đặc Biệt. Ông là người quê Phú Thanh,có 13 năm tù cải tạo ở miền Bắc. Người chiến sĩ mũ xanh này từng là tư lệnh sư đoàn khinh chiến 16 Quảng Trị. Ngoài những chiến công oanh liệt lúc làm “anh cả Mũ Xanh”thời binh lửa, ông có một tiếng vang vì đánh cố vấn Mỹ khi ông này đi thanh tra trình khám vũ khí LIÊN ĐOÀN SINH VIEN SĨ QUAN THỦ ĐỨC vào thập niên 60 mà ông đương là chỉ huy trưởng. Vị cố vấn này đeo bao tay trắng, quyệt vào khối cơ bẩm khẩu Garant M1 của một quân nhân và bôi vết dầu dơ lên ve áo có mang cấp hiệu Alpha trên cầu vai . Ông tướng đã đánh một bạt tai và quát người cố vấn: “Đây là cấp bậc đầu đời của người chiến sĩ QLVNCH, anh không được làm thế.”
Trở lại với dòng sông cũ, lần lượt tôi cũng làm người khách ra đi. Trên con tàu cũ, cùng với gia đình cùng vợ và bốn đứa con, chúng tôi ngồi gọn gàng trong lòng thuyền, khởi đầu lại một chuyến đi tìm tương lai cuộc sống. Cái mốc thời gian dể nhớ, vì đúng ngày dân Hoa Kỳ làm lễ Tạ Ơn của nước Mỹ. Dân làng đứng hai bên bờ sông, nhìn con tàu nổ phì phạch cho đến khi mờ khuất: “Chú lái tàu ấy đi rồi, không nhờ đọc toa thuốc chữ tây, mua dùm trên phố bao xi măng, dạy bình dân học vụ cho người mù chữ và nhất là thanh thiếu niên vắng đi một người kể chuyện đông, tây, nam, bắc và những đó đây trong đời sống.”
Dòng sông quê mẹ vẫn hiền hòa như thuở nào, vẫn thả những nhịp sóng vô thường về biển cả mênh mông. Dân làng ăn hạt gạo nuôi từ phù sa mùa nước lũ dòng sông Hương thuở nào, uống nước nguồn từ thượng nguồn Vọng Cảnh đổ xuống. Chén cơm, bát nước này đã bơm những mạch máu về tim, để cho người dân tha phương viễn xứ vẫn thắp sáng trong lòng một niềm tin và sự thôi thúc hãy làm một cái gì đó, dù nhỏ, mà đem được niềm vui, sự an ủi đến người dân trên quê hương chúng ta.
HOA BIỂN
https://mxhoabien.wordpress.com/2010/07/23/ben-giong-song-cu/.
0 comments:
Post a Comment