SỰ THẬT VỀ ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO
Có phải là thuốc „cải lão hoàn đồng“?
Ngay tại Trung cộng, nhiều người vẫn lầm tưởng về bản chất và công dụng của đông trùng hạ thảo, tới mức các nhà khoa học nước này phải lên tiếng cảnh báo.
Tháng 1/2018, nhiều tờ báo lớn của Trung cộng như Sina, Sohu đồng loạt đăng tải nhiều bài viết về đông trùng hạ thảo, nhấn mạnh đây là “dược liệu”, không phải “vị thuốc” có thể ăn trực tiếp và mang lại nhiều hiệu quả như dân gian lầm tưởng. Không có kháng thể chống ung thư. Nhiều người cũng tưởng rằng, đây là loài sinh vật dị biệt: mùa đông là côn trùng (đông trùng), chui xuống đất tránh lạnh, còn mùa hè trở thành cây cỏ (hạ thảo).
Các tài liệu khoa học và y học Trung cộng ghi nhận đông trùng hạ thảo xuất hiện ở bốn tỉnh gồm Tứ Xuyên, Vân Nam, Thanh Hải, Cam Túc và Tây Tạng, tại các vùng núi có độ cao hơn 3.800 m so với mặt nước biển.
Trên thực tế, các nhà khoa học Trung cộng thống nhất rằng đông trùng hạ thảo là thể kể hợp giữa ấu trùng loài bướm dơi và nấm. Vào mùa hè, khi băng tuyết tan ra trên các cánh đồng cỏ ở độ cao 3.800 m so với mặt nước biển, bướm dơi đẻ trứng lên lá các loại hoa. Sau đó, trứng phát triển thành sâu nhỏ, dưới mặt đất ẩm ướt, hấp thụ chất dinh dưỡng từ rễ các loài thực vật, dần béo trắng lên. Thời điểm này, nang bào tử nấm hình cầu gặp ấu trùng sâu bướm, chúng sẽ khoan vào cơ thể ấu trùng, rút chất dinh dưỡng, tạo thành tơ nấm. Hoặc đông trùng hạ thảo cũng hình thành khi ấu trùng bướm ăn lá cây có nấm.
Như vậy, xét về mặt thực chất, đông trùng hạ thảo chính là hiện tượng nấm ký sinh vào cơ thể ấu trùng sâu bướm, dần ăn hết chất dinh dưỡng của vật chủ. Nấm lây nhiễm vào cơ thể ấu trùng, khiến ấu trùng cong mình lên cao lên 2 đến 3 cm so với mặt đất. Lúc này, ấu trùng sẽ chết dần từ đầu đến đuôi. Nấm vẫn tiếp tục phát triển cho tới khi xâm nhập hoàn toàn cơ thể ấu trùng. Đến cuối xuân đầu hạ, phần dầu của ấu trùng sẽ mọc lên một dạng thực vật giống như cỏ màu tím đỏ. Đây chính là lúc thu hoạch đông trùng hạ thảo tốt nhất.
Tuy nhiên, giới khoa học Trung cộng nhấn mạnh đây chỉ là “dược liệu”, chứ không phải thuốc tiên hay “dược phẩm”. Mặt khác, các chuyên gia y học cổ truyền Trung cộng cũng khẳng định đông trùng hạ thảo hoàn toàn không có kháng thể chống ung thư như đồn thổi.
“Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, một số gian thương đã tìm mọi cách tuyên truyền, ép giá khiến đông trùng hạ thảo đắt như vàng. Sự thực, loại dược phẩm này không có nhiều công hiệu đến vậy”, ông Vương Thành Thụ (Wang Chengshu), chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Sinh lý và Sinh thái thực vật, Thượng Hải, cho biết.
Cấm ăn trực tiếp
Tháng 12/2010, Tổng cục Giám định quốc gia Trung cộng, ra thông cáo về đông trùng hạ thảo, trong đó cấm sử dụng loại dược liệu này để làm thực phẩm hoặc chế biến nó thành thực phẩm.
Năm 2005, Tổng cục thực phẩm và y học Trung cộng, thuộc Bộ Y tế nước này, cũng đã ra lệnh buộc thay thế đông trùng hạ thảo trong các loại thực phẩm chức năng bằng các loại nấm khác được phép sử dụng.
Cuối năm 2017, khảo sát của tờ Time Weekly, nhận xét buôn bán đông trùng hạ thảo là ngành kinh doanh sinh lời ở Trung cộng trong nhiều năm. Theo báo này, giá của đông trùng hạ thảo đã tăng lên 10 lần từ năm 2003. Tại siêu thị bán lẻ, đông trùng hạ thảo chất lượng có thể lên tới giá 888 Nhân dân tệ (134 USD) mỗi gram, đắt gấp ba lần vàng.
Ngược lại, nấm Cordyceps militaris, thực thể có khả năng kháng ung thư, lại thường chỉ có giá 0,3 Nhân dân tệ (0,05 USD) mỗi gram. Trong khi đó, các nhà môi trường học cũng cảnh báo việc khai thác diện rộng với đông trùng hạ thảo ở Tây Tạng, về lâu dài có thể gây tổn hại nghiêm trọng với môi trường ở vùng cao nguyên này.
Năm 2016, Tổng cục thực phẩm và y học Trung cộng thậm chí còn cảnh báo lượng độc tố arsen có trong đông trùng hạ thảo được chế biến thành bột hay viên nén, ở mức cao hơn chuẩn cho phép. Hạn mức tiêu chuẩn quốc gia của Trung cộng về arsen, hóa chất độc hại, là 1 miligam/kg, nhưng mức tìm thấy trong các chế phẩm đông trùng hạ thảo dao động từ 4,4-9,9 miligam/kg.
Báo Trung cộng Chinanews cảnh báo người dân cần thận trọng với đông trùng hạ thảo, trong khi không ít người vẫn lấy chúng làm những món quà đắt tiền, thường tặng cho người già. Dân gian cho rằng loại dược liệu này giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của con người và hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư, điều chưa hề được khoa học chứng minh.
Tờ Sina từng đăng tải bài viết “Đông trùng hạ thảo: tiên dược hay cú lừa thế kỷ”, dẫn nghiên cứu của ông Vương Thành Thụ, khẳng định dược liệu này khi được chế biến, phối hợp với các loại dược liệu khác, có tác dụng bồi bổ một số bệnh.
Tuy nhiên, đông trùng hạ thảo không có tác dụng trực tiếp trong điều trị bệnh cho lục phủ ngũ tạng, thậm chí chữa được những trọng bệnh như một số phương tiện thông tin đã đồn thổi. “Đông trùng hạ thảo không thể chữa được ung thư, hen suyễn hay vô sinh như những lời quảng cáo”,
Người Việt Nam có tập quán cứ độ xuân về Tết đến là dịp để biếu tặng nhau những món quà của ngon vật lạ hiếm quý và hảo hạng để tỏ lòng biết ơn kèm với những điều chúc tụng tốt lành. Những gói quà tặng cao lương mỹ vị nào vi, nào yến, nào sâm, nhung, thần dược đủ loại được chiếu cố và trân trọng nhất.
Trong những năm gần đây, người ta thấy món quà tặng “thần dược” thật đắt tiền được khá nhiều người chiếu cố vì được truyền khẩu là môn thuốc đại bổ lục phủ ngũ tạng và trị được bá bệnh nan y; đó là vị thuốc đông y có tên “Đông Trùng Hạ Thảo”.
Vị thuốc này xuất xứ từ Trung cộng, được đưa vào Việt Nam và được quảng cáo ra rả trên các báo, đài hải ngoại cùng với loài nấm linh chi, coi như là thần dược quý hơn cả sâm, nhung, vi, yến. Khách quý bạn hiền tới nhà chúc Tết được chủ nhà lấy vài cọng “Đông Trùng Hạ Thảo” bỏ vào bình trà pha mời đãi khách uống để tỏ là thuộc giai cấp quý phái cao sang của thời đại đỉnh cao trí tuệ khoa học kỹ thuật nguyên tử ngày nay.
Chúng ta không phủ nhận được giá trị bổ dưỡng hay điều trị của đông y dược mấy ngàn năm xưa nay, đã chứng tỏ khả năng trước cả thời đại phát triển tây y. Chúng ta cũng không bàn tới óc mê tín vào khả năng “thần dược” của những người đang mắc phải những bệnh kinh niên, hiểm nghèo mà nền tây y hiện đại đã bó tay. Họ coi thần dược như là chiếc phao cuối cùng để bấu víu. Chúng ta cũng không bàn tới khía cạnh thương mại đem vị thuốc và khả năng trị bệnh lên màn quảng cáo rầm rộ ngoài đường phố vỉa hè. Chúng ta chỉ muốn nói ở đây những kiến thức khoa học để soi sáng câu chuyện về “Đông Trùng Hạ Thảo” đang là tề tài sôi sục khi đã có nhiều người chết và nhiều người phải khiêng đi bệnh viện vì đã ăn uống “đông trùng hạ thảo”.
Vậy đông trùng hạ thảo là cái gì? Nó là thức ăn hay vị thuốc bổ hay là vị thuốc trị bệnh hay là thuốc độc? Xin thưa ngay nó là cả 4 thứ đó tùy theo sự hiểu biết của mỗi người. Chúng ta nhớ lại câu chuyện trứng chim cút trước năm 1975 ở Sàigòn.
Thời đó, người Tàu Chợ Lớn bí mật nuôi chim cút trong nhà để lấy trứng cút đóng hộp đem bán rất đắt kèm truyền khẩu quảng cáo rầm rộ trứng cút là vị thuốc đại bổ hơn cả vi, yến, sâm, nhung… Khi việc nuôi chim cút trong nhà bị lộ thì nhiều người Việt Nam bắt chước đua nhau bỏ vốn nuôi chim cút. Khi đó ngưòi Tàu đem bán hết chim cút đắt như vàng. Tiếp theo đó, người ta lại truyền khẩu tung tin đăng báo rầm rộ rằng ăn trứng cút sẽ bị bệnh cùi. Thế là mọi người không ai mua trứng cút nữa và biết bao nhiêu người Việt Nam nuôi chim cút bị sạt nghiệp, mất hết vốn liếng nhà cửa. Còn người Tàu Chợ Lớn thì giàu sụ vì đã bán được hết trứng cút và chim cút giá đắt. Không ai biết trứng cút là thức ăn hay thuốc bổ hay thuốc trị bệnh hay thuốc độc!
Hiện nay, báo, đài đang quảng cáo rằng đông trùng hạ thảo là một loài rất đặc biệt không phải động vật mà cũng không phải là thực vật nên rất hiếm quý và rất có giá trị dùng trong đông y dược. Về mùa đông thì nó là động vật thuộc dòng côn trùng dưới đất, về mùa hạ thì nó lại hóa thân mọc thành một cây thực vật thuộc dòng cây thảo.
Mùa đông nó là loài côn trùng, mùa hạ là loài cây thảo; do đó phần gốc của nó có hình thù một con sâu mà phần thân ngọn của nó có hình một thân cây mềm nhỏ. Do đó, nó mang đủ vật liệu của hai loài động vật và thực vật nên rất bổ dưỡng và trị được bá bệnh.
Của lạ hiếm thường được coi là của quý. Việt Nam sau 1975, những người bị đi tù cải tạo không có đủ thức ăn nên trong trại tù bắt được con gì ăn con nấy, giun, dế, rắn, rít, bọ cạp… ăn hết ráo. Dân chúng thì bắt đầu ăn đủ loại côn trùng như dế, rít, bọ cạp, ấu trùng ve…Các món này hiện nay được bán trong nhiều quán nhậu khắp nước.
Rồi một hôm, người ta chở vào bệnh viện cấp cứu một nhóm người sau khi họ ăn nhậu món ấu trùng ve chiên bơ, có người lăn ra chết sau khi ăn xong, có người sùi bọt mép tê liệt, suy hô hấp, hôn mê chở vào bệnh viện cấp cứu. Chúng tôi bèn nhập cuộc nghiên cứu xem độc chất gì đã gây ra vụ ngộ độc sau khi ăn ấu trùng ve chiên bơ này. Chúng ta tự hỏi xưa nay người Việt Nam ta vẫn ăn ấu trùng tơ tằm (con nhộng) chiên bơ ngon bổ có sao đâu? Nhiều tiệm nhậu vẫn đang bán ấu trùng chiên bơ ăn có sao đâu?
Chúng tôi theo chân bệnh nhân sau khi xuất viện về tận miền lục tỉnh nơi họ đã đào đất bắt ấu trùng ve để chiên bơ nhậu. Chúng tôi chứng kiến họ đào được những ấu trùng ve có hình thù khác nhau tùy theo giai đoạn phát triển, có con chỉ như con sâu, có con có đủ chân râu. Con nào đã già và mạnh khỏe thì còn thấy nhúc nhích. Con nào quá non và yếu thì nằm im re.
Đồng bào miền tỉnh rủ nhau đi đào bắt ấu trùng bán cho các tiệm nhậu rất nhộn nhịp. Ấu trùng chiên bơ người ta ăn vẫn ngon lành hằng ngày ở tiệm nhậu như vậy không sao, nay có vụ ngộ độc thì ai cũng cho rằng do vấn đề vệ sinh quán ăn không bảo đảm gây nhiễm trùng thực phẩm mà thôi.
Nhưng dưới con mắt chuyên khoa nhiễm độc thì vấn đề không đơn giản như vậy, vì triệu chứng ăn xong lăn ra chết vì sùi bọt mép, phù phổi, suy hô hấp, hôn mê không phải là triệu chứng của nhiễm trùng thực phẩm. Họ bị đầu độc bởi độc chất lén bỏ vào ấu trùng chiên bơ chăng?
Nhưng ấu trùng đã ăn hết đâu còn dư để đem xét nghiệm tìm độc chất lạ bỏ vào đó! Chỉ còn một cách là chúng tôi theo bệnh nhân tới tận nơi họ đã đào bắt ấu trùng để ăn, chúng tôi chứng kiến họ đào bới nơi mảnh đất ven rừng cách nhà họ không xa lắm. Chúng tôi đem các con ấu trùng này về phòng thí nghiệm của trường đại học dùng kính hiển vi, cắt mỏng từng con ấu trùng ra để quan sát nội tạng của chúng xem có gì lạ không. Một kết quả thật bất ngờ làm chúng tôi ngạc nhiên là có con có đầy đủ nội tạng, có con nội tạng bị dị dạng, có con hoàn toàn không có nội tạng mà chỉ toàn là một mô đặc đồng nhất. Quan sát kỹ mô đặc đồng nhất này dưới kính hiển vi thì thấy cấu trúc là những mô sợi dài đồng nhất.
Chúng tôi nghỉ rằng đây là mô thực vật và loài thực vật dạng sợi thì chỉ có thể là loài nấm dạng sợi. Quả thật như vậy, chúng ta đã biết rằng nấm là loài thực vật có chu trình phát triển rất đặc biệt. Đơn vị căn bản gốc của loài nấm là bào tử nấm. Bào tử nấm là tế bào gốc của nấm. Khi điều kiện độ ẩm và nhiệt độ thích hợp thì bào tử nấm nẩy nở mọc ra thành sợi nấm. Các sợi nấm của nhiều bào tử mọc dài dần thành một mạng sợi hay bó sợi như một mớ tóc hay bó tóc.
Khi lật tảng đá hay thân cây mục lên khỏi mặt đất, chúng ta nhìn thấy ở mặt dưới tảng đá hay thân cây những sợi nhỏ li ti như tóc từng đám dính vào đá, vào thân cây. Đó là các mạng nấm dạng sợi. Những mạng sợi nấm này có thể sống dưới đất như vậy vài trăm năm hoặc ngàn năm. Trên nền tảng mạng nấm sợi đó, nếu có 2 bào tử nấm đực và cái gặp điều kiện độ ẩm và nhiệt độ thích hợp sẽ phối hợp nhau thành một bào tử nấm với 2 nhân và bào tử nấm 2 nhân này sẽ mọc thành một cây nấm con (Xin xem hình vẽ). Đầu thân cây nấm con sẽ phát triển thành nón nấm. Mặt dưới của nón nấm sẽ sinh sản ra các bào tử nấm mới. Trung bình một cây nấm sinh ra khoảng 15 tỷ bào tử nấm. Bào tử nấm khi bung ra khỏi nón nấm được gió thổi đi xa khắp bốn phương trời, rơi lại xuống đất rồi tiếp tục chu trình tạo mạng sợi nấm mới và cây nấm mới. Thông thường về mùa hạ, sau một cơn mưa là độ ẩm và nhiệt độ đất thích hợp nên nấm mọc lên ào ào trên mặt đất, trên thân cây mục, trên tảng đá phủ mùn thực vật. Chúng mọc rất nhanh, chỉ trong vài giờ đồng hồ thành cây nấm lớn. Nấm mọc rồi chỉ sống vài ngày là tàn lụn.
Nấm có rất nhiều loại. Có loại ăn rất ngon như nấm rơm, nấm mèo, nấm mối. Có loại ăn rất độc chết người như nấm Phalloid, Muscarina. Đến đây thì chúng ta đã thấy tia sáng lóe ra ở cuối đường hầm của cuộc nghiên cứu tìm độc chất trong ấu trùng ve chiên bơ: những con ấu trùng ve đã gây ngộ độc chết ngưòi chính là những con ấu trùng đã bị nhiễm bào tử nấm độc!
Thật vậy, trong mùa đông xuân, côn trùng ve còn ở dạng ấu trùng non sống dưới đất. Chúng bị nhiễm bào tử nấm từ mạng nấm sợi trong đất. Bào tử nấm xâm nhập vô ấu trùng và sẽ mọc thành mạng nấm sợi trong cơ thể ấu trùng. Mạng nấm sợi bị giới hạn bởi lớp da của ấu trùng nên phát triển thành một mô sợi đồng nhất khắp cơ thể ấu trùng, giết chết ấu trùng và biến con ấu trùng ve thành một mô thực vật có hình thù y nguyên hình thù của con ấu trùng. Qua mùa hạ, có mưa, tạo điều kiện độ ẩm và nhiệt độ thích hợp cho những bào tử nầm đực và cái phối hợp mọc thành sợi cây nấm chui ra bằng lỗ miệng, hốc mắt của xác con ấu trùng rồi phát triển thành cây nấm lớn mọc lên khỏi mặt đất. Cây nấm này có phần gốc rễ nấm mang hình thù của xác ấu trùng và phần thân nón mang hình dạng cây nấm của chủng loại nấm. Phần gốc là tàn tích của con ấu trùng mùa đông dưới đất nên gọi là ĐÔNG TRÙNG, phần thân ngọn là cây HẠ THẢO (Xin xem hình vẽ). Sản phẩm hóa kiếp nầy gọi là loài “Đông Trùng Hạ Thảo”.
Nếu bào tử nấm là thuộc loại nấm không độc thì chúng ta có thể ăn được loại đông trùng hạ thảo này vô hại. Nhưng nếu bào tử nấm thuộc loại nấm độc Phalloid hay Muscorina thì ăn loại đông trùng hạ thảo này, chúng ta sẽ bị ngộ độc chết dễ như chơi. Bệnh cảnh lâm sàng của các nạn nhân trong nhóm người ăn ấu trùng chiên bơ bị ngộ độc nhập bệnh viện có tất cả các triệu chứng của bệnh ngộ độc nấm Muscarina gây sùi bọt mép, phù phổi, hôm mê, suy hô hấp chết. Chẩn đoán của chúng tôi do đó có xác định rõ ràng là nhóm người này đã bị ngộ độc nấm Muscarina khi ăn ấu trùng ve vì cấu trúc của ấu trùng ve này dưới kính hiển vi là một cấu trúc mô sợi nấm chứ không phải cấu trúc của nội tạng của con ấu trùng ve. Chúng tôi đã xác nhận lại chẩn đoán bằng cách quay trở lại nơi đào bắt ấu trùng, sau khi có các cơn mưa hạ thì thấy tại đó mọc lên rất nhiều nấm mà phần gốc rễ nấm mang hình thù của ấu trùng ve. Khi đào bắt ấu trùng để ăn là mùa xuân chưa mưa, nấm chưa mọc nên còn ở dạng nấm mạng sợi trong cơ thể con ấu trùng, nhưng sự thật nó đã chết và chỉ còn là cái xác chứa đầy nấm sợi và bào tử nấm bên trong. Ăn phải tất nhiên chết vì nấm độc.
Chúng tôi không biết món ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO của người Tàu hiện nay, họ đào nhổ ở đâu hay nuôi trồng cách nào để sản xuất đại trà đem bán làm “thần dược”, nhưng chúng ta cần cảnh giác nếu có lẫn bào tử nấm độc thì tai nạn lăn ra chết vì ăn uống đông trùng hạ thảo là điều rất dễ hiểu. Bào tử của mọi loại nấm độc lẫn không độc đều sẵn có ở khắp mặt địa cầu nên cơ hội cho nấm độc mọc khi gặp đúng điều kiện độ ẩm và nhiệt độ không phải là hiếm khó. Khi bị ngộ độc không dễ gì tìm ra độc chất là gì nếu không gặp được bác sĩ chuyên khoa nhiễm độc, có kinh nghiệm để được chẩn đoán và điều trị chính xác.
Tham khảo „Cuộc nghiên cứu Đông Trùng Hạ Thảo“. Dr. Doãn Cao Trung.
Năm 2017 tôi gặp người bạn thương gia giàu tại Sài Gòn mua 1 lạng „ĐTH Thảo“ giá 5000 USD. Nhưng tôi thấy bạn ấy cũng già như những người bạn khác dù tiền xài không hết! Nên lưu ý chúng ta sống điều độ, tập thể dục giữ cho thân tâm an lạc, thì khoẻ mạnh. Người Đức họ sống thọ trên 80 tuổi khoẻ mạnh đâu cần “Đông Trùng Hạ Thảo”
https://hoamunich.wordpress.com/2022/04/02/su-that-ve-dong-trung-ha-thao/
0 comments:
Post a Comment