"Tôi xin hứa với anh em trong quân đội là ngày nào anh em còn chiến đấu, tôi luôn luôn đứng bên cạnh anh em và ngày nào, chẳng may, mà đất nước không còn nữa thì cái nắm xương khô của tôi sẽ nằm bên cạnh đống xương của tất cả anh em binh sĩ."
Ông Hương đã thực hiện lời hứa, từ chối lời mời di tản của người Mỹ và người Pháp, từ chối nhận “quyền công dân” dưới thể chế cộng sản, mất đi trong nghèo túng và bệnh hoạn.
Nhân dịp 30/4 năm nay xin được ôn lại lịch sử của Tổng thống Trần văn Hương một người quốc gia suốt cuộc đời vì nước vì dân.
Thời thuộc địa
Ông Trần Văn Hương sinh năm 1902 tại Vĩnh Long trong một gia đình nghèo nhờ học giỏi ông được ra Hà Nội học tiếp.
Ở Hà Nội ông Hương học cùng trường Cao đẳng Sư phạm, cùng thời với nhà cách mạng Nguyễn Thái Học người sáng lập Việt Nam Quốc Dân đảng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930.
Ông Hương không chọn con đường đấu tranh cách mạng mà tiếp tục con đường giáo dục khi tốt nghiệp ông về dạy môn văn chương và luận lý tại trường Collège Le Myre De Villers.
Trường này ông Hương cũng đã theo học và đã được thành lập từ năm 1879 là ngôi trường xưa nhất tại Việt Nam, năm 1953 được đổi tên thành trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu rất nổi tiếng nhờ đào tạo được nhiều nhân tài cho Việt Nam.
Bắt đầu tham chính
Tháng 3/1945, Nhật đảo chánh Pháp rồi trao trả độc lập cho Việt Nam, Vua Bảo Đại cho thành lập Chính phủ Trần trọng Kim và bổ nhiệm ông Trần Văn Hương làm Đốc Học lo việc giáo dục tại tỉnh Tây Ninh.
Đến tháng 8/1945, Việt Minh nổi dậy cướp chính quyền, Vua Bảo Đại thoái vị, ông Hương tham gia Việt Minh và được giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến tỉnh Tây Ninh.
Đến năm 1946, ông Hương thấy Việt Minh quy chụp cho nhiều trí thức là Việt gian rồi đem thủ tiêu, ông về quê tuyên bố bất hợp tác với Việt Minh rồi lên Sài Gòn làm cho một tiệm thuốc Tây.
Năm 1953, ông Hương cùng ông Trần Văn Văn và một số nhân sĩ quốc gia thành lập đảng Phục Hưng, ông Hương được cử làm chủ tịch đảng.
Đấu tranh cho dân chủ
Tháng 10/1954, ông Trần Văn Hương được bổ nhiệm làm Đô Trưởng thủ đô Sài Gòn nhưng chỉ được vài tháng ông xin từ chức không cho biết lý do.
Ngày 26/4/1960, ông Hương cùng 17 nhân sĩ quốc gia thành lập nhóm Tự Do Tiến Bộ, tổ chức họp báo công bố một bản tuyên cáo tại khách sạn Caravelle.
Nội dung Bản Tuyên Cáo rất ôn hòa chỉ yêu cầu Tổng thống Ngô Ðình Diệm mở rộng chính quyền để các nhà trí thức có thể hợp tác với chính phủ nếu được yêu cầu.
Ngày 11/11/1960, ông Hương ký tên ủng hộ cuộc đảo chánh do Đại tá Nguyễn Chánh Thi khởi xướng, ông bị bắt trong tù ông có viết một tập thơ lấy tên là “Lao trung lãnh vận” (Những vần thơ lạnh lẽo ở trong tù).
Dấn thân chính trị
Sau cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, ông Trần Văn Hương lại được bổ nhiệm làm Đô trưởng Sài Gòn, nhưng chỉ vài tháng ông được Quốc trưởng Phan Khắc Sửu mời ra làm Thủ tướng.
Ông làm thủ tướng được 84 ngày thì Trung tướng Nguyễn Khánh lật đổ Chính phủ dân sự và Quốc trưởng Phan Khắc Sửu bị truất phế.
Người con trai đầu của ông Hương tên là Trần Văn Dõi tự là Lưu Vĩnh Châu theo Việt Minh ra Bắc khi biết ông Hương làm Thủ tướng có viết một lá thư nhờ ông Ung Văn Khiêm là Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Bắc Việt trao cho ông Hương.
Ông Hương nhận thư, thảo luận với người con thứ tên là Trần Văn Ðính cả hai đồng ý chuyện quốc gia phải đặt trên chuyện gia đình, bởi thế ông đã từ chối không liên lạc với người con ở miền Bắc.
Năm 1967, ông Hương cùng ông Mai Thọ Truyền lập liên danh Người Gieo Mạ ra tranh cử Tổng thống nhưng chỉ được 10% phiếu cử tri ủng hộ đứng hàng thứ tư.
Cộng tác với ông Thiệu
Tháng 5/1968, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu mời ông Hương ra làm Thủ tướng nhưng cũng chỉ được 96 ngày thì ông xin từ chức cũng không cho biết lý do.
Việc ông Hương nhận lời ông Thiệu làm nhiều người ủng hộ ông thất vọng, vì trước đó liên danh Người Gieo Mạ đã cùng các liên danh thất cử khác họp báo tố cáo có gian lận bầu cử và yêu cầu Quốc Hội Lập Hiến hủy bỏ kết quả bầu cử để tổ chức một cuộc bầu cử khác.
Giáo sư Sử Địa Lâm Vĩnh Thế hỏi ông Hương vì sao ông đã nhận lời làm Thủ tướng được ông trả lời như sau:
“… Lúc đó chỉ có ông Thiệu là có khả năng chống cộng thật sự, lại nữa vụ Mậu Thân cho thấy Việt cộng đã mạnh lắm rồi, mà Hoà Kỳ thì lại có ý chủ hòa, ông Johnson thì ép mình phải đi hoà hội Paris… nên cần phải ủng hộ ông Thiệu.”
Giáo sư Thế nhận xét: ông Hương có lập trường chống cộng triệt để nhưng ông cũng là một người yêu nước chân chính để vì đại cuộc mà bỏ qua mâu thuẩn cá nhân.
Liên danh với ông Thiệu
Năm 1971, ông Hương đứng chung liên danh với ông Nguyễn Văn Thiệu ứng cử và đắc cử chức vụ Phó tổng thống.
Ông Hương rất liêm chính nên những kẻ tham nhũng rất sợ ông, miền Trung bị lụt ông tới ngay để thăm dân và cứu trợ, trong chiến dịch Hạ Lào khi Hoa Kỳ thất hứa không trợ giúp không quân cho miền Nam ông họp báo chỉ trích Mỹ…
Báo chí đặt cho ông danh hiệu “Cụ Già Gân” còn dân chúng miền Nam trân quý kêu ông bằng “Cụ Hương” vì là văn viết nên tôi xin phép gọi bằng ông Hương.
Trong việc điều hành đất nước ông Hương rất gắn bó với ông Nguyễn văn Thiệu cho đến khi ông Thiệu từ chức dựa trên Hiến Pháp chính thức trao quyền Tổng thống cho ông.
Từ chức tổng thống…
Trong bài diễn văn trước Lưỡng Viện Quốc Hội ngày 26/4/1975, Tổng Thống Trần Văn Hương cho biết đã tiếp xúc với Đại tướng Dương Văn Minh để mời ông Minh đảm nhiệm chức vụ Thủ Tướng, nhưng ông Minh không chịu mà đòi phải nhường cho ông Minh chức Tổng thống.
Ông trả lời ông Minh là không thể trao quyền cho ông ấy vì còn có Quốc Hội và phải tuân theo Hiến Pháp vì thế ông cho Quốc Hội biết để mọi người bàn tính và quyết định.
Ngay ngày hôm sau Quốc Hội họp, đồng ý sửa lại Hiến Pháp và trao quyền Tổng thống cho ông Dương Văn Minh để thương thuyết với phía cộng sản.
Sang ngày 28/4/1975, ông Hương chính thức từ chức và trao quyền Tổng thống cho ông Dương Văn Minh.
Từ chối di tản…
Ngày 29/4/1975, Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin có đến nhà gặp ông Hương vừa để từ giã về nước, vừa để gởi lời Chính Phủ Hoa Kỳ mời ông Hương sang Mỹ lánh nạn, ông trả lời:
“Thưa Đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm, đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó.
“Nay ông Đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn ông Đại sứ, nhưng tôi đã suy nghĩ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi.
“Tôi cũng dư biết cộng sản sẽ vào Sài Gòn, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam.
“Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với họ phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nổi thống khổ của người dân mất nước.
“Cám ơn ông Đại sứ đã đến viếng tôi.”
Trước đó, Tòa Đại Sứ Pháp cũng ngỏ lời sẵn sàng đưa ông rời khỏi Việt Nam để đi Pháp.
Nước mất nhà tan
Theo Hồi ký của bà Phan Cẩm Anh vào tối ngày 30/4/1975 hai vợ chồng cháu ông Hương là đại úy Phan Hữu Cương và trung úy Trần Mai Hương (là bạn thân của bà Phan Cẩm Anh) đã uống thuốc ngủ tuẩn tiết ngay tại nhà ông Hương.
Đại úy Phan Hữu Cương là cháu ruột kêu ông Hương bằng cậu và cũng là sĩ quan cận vệ cho ông Hương nên gia đình ở chung với ông Hương.
Họ để lại lời trăng trối: "…xin nhờ lòng tha thứ của cụ Hương và gia đình vì không thể sống khi đất nước rơi vào tay kẻ thù…", người nhà phát hiện nhưng chỉ cứu được người vợ.
Nghe tin buồn cháu tuẩn tiết ông Hương vào phòng đóng cửa im lặng, trầm mình trong nỗi đau của một người đã từng trên cương vị lãnh đạo đất nước, giờ đây bi phẩn chứng kiến cảnh quốc gia suy vong, gia đình tang chế, nỗi đau khổ của ông ở mức độ nào, chẳng ai trong nhà được ông hé môi thố lộ.
Từ chối “quyền công dân”
Theo hồi ký của Giáo sư Sử Địa Lâm Vĩnh Thế sau khi bỏ Việt Minh ông Hương lên Sài Gòn sống với gia đình bên vợ của ông Thế trong cả chục năm.
Bà Phan Cẩm Anh cho biết khi ông Hương từ chức Thủ tướng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu biết ông không có nhà riêng nên tỏ ý muốn cấp cho ông một căn nhà.
Ông Hương chọn một căn biệt thự nhỏ và cũ nằm ở cuối con hẻm đường Phan Thanh Giản. Ông Thiệu muốn sửa lại căn nhà nhưng ông Hương không đồng ý vì không muốn tốn hao ngân sách quốc gia.
Ngày 28/4/1975 sau khi từ chức tổng thống, ông Hương dọn về ngôi nhà này, vách tường của ngôi nhà đã có nhiều chỗ nứt nẻ, nền nhà nhiều chỗ gạch vỡ tung lên, màu vôi đã trải qua nhiều năm tháng vàng uế không được trùng tu sơn quét.
Giáo sư Lâm Vĩnh Thế cho biết sau Hội Nghị Hiệp Thương Thống Nhất Hai Miền Nam Bắc, nhà cầm quyền Hà Nội quyết định trao trả “quyền công dân” cho ông Hương tại ngôi nhà trước sự hiện diện của báo chí, các đài truyền thanh, truyền hình, nhằm tuyên truyền cho nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội.
Bà Phan Cẩm Anh cho biết khi một cán bộ cộng sản đọc "chính sách khoan hồng và rộng lượng" của nhà nước đối với những "thành phần" như ông Hương, ông trả lời:
“Tôi xin phép từ chối, không nhận cái quyền công dân này vì dù gì tôi cũng là người lãnh đạo miền Nam, trong khi binh sĩ, nhân viên các cấp chỉ vì thừa lịnh của chúng tôi mà giờ đây vẫn còn bị giam cầm trong các trại cải tạo.
“Tôi sẽ là người sau cùng nhận cái quyền công dân này, sau khi binh sĩ và nhân viên của chúng tôi đã được thả và nhận lại quyền công dân.”
Những năm tháng cuối đời
Vì từ chối nhận “quyền công dân” ông Hương không được cấp hộ khẩu, không được cấp phiếu mua lương thực, mà còn bị quản thúc ba năm không được bước ra khỏi nhà.
Ông Hương phải sống đạm bạc, thiếu thốn, ốm đau và cũng như những người miền Nam khác để có thể sống qua ngày ông phải bán dần đồ vật trong nhà từ bộ áo vest cũ đến những đồ kỷ niệm.
Bà Trần Văn Văn và bạn bè từ Pháp gởi thuốc về giúp ông chữa trị, thuốc không dùng hết cũng được mang ra chợ trời thêm chút gạo bó rau cho gia đình.
Có lần ông Hương bị té xỉu phải đưa vào bịnh viện cấp cứu, khi tỉnh dậy thấy bịnh viện chỉ dành cho cán bộ cộng sản ông nhứt định đòi phải đưa ngay về nhà.
Bà Phan Cẩm Anh bạn thân của cháu gái ông Hương có chồng là bác sĩ mới ra trường, khi biết ông Hương bệnh nặng cần người chăm sóc, ông chồng bác sĩ đã tình nguyện thường xuyên đến tận nhà để chăm sóc cho ông.
Muốn nằm cạnh anh em binh sĩ
Tổng thống Trần văn Hương mất ngày 27/1/1982, gia đình nghèo đến độ không còn tiền mua hòm, người tài xế cũ của ông xin được phúng điếu chiếc quan tài, người chủ trại hòm ở Chợ Lớn, một người Việt gốc Hoa, nghe nói mua cho ông Tổng thống xin chỉ lấy nửa giá tiền của chiếc quan tài.
Ông Hương có ước nguyện được chôn trong nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa để được nằm bên anh em binh sĩ nhưng không được cộng sản chấp nhận, nên người nhà đã quyết định hỏa táng ông tro cốt được rải trong khu vực.
Hơn 40 năm qua người Việt quốc gia vẫn trân quý công ơn của ông, ở hải ngoại nhiều cộng đồng đến ngày ông mất đã cử hành lễ giỗ để tri ân một người đã một lòng một dạ xây dựng Việt Nam Cộng Hòa.
Người Việt quốc gia tiêu biểu
Ôn lại cuộc đời Tổng thống Trần Văn Hương làm tôi nhớ lại một định nghĩa được học giả Phạm Quỳnh viết trong bài “Đi tìm một chủ nghĩa Quốc Gia” xuất bản năm 1938:
“Một người theo chủ nghĩa quốc gia là một người hết lòng gắn bó với đất nước và nòi giống mình, có một ý thức cao về tình đoàn kết quốc gia và truyền thống lịch sử; là một người yêu nước, nhưng yêu nước không chỉ bằng tình cảm mà còn bằng lý trí, một người muốn nâng mức độ yêu nước của mình lên thành một chủ thuyết đạo đức và chính trị.”
Ông Hương quả là một mẫu người tiêu biểu theo chủ nghĩa quốc gia, ở miền Nam có không ít những người như ông, nhưng dường như họ đã thất bại xây dựng được một chủ thuyết về đạo đức và chính trị chung cho cả nước, để cuối cùng bị chủ nghĩa (quốc tế) cộng sản xóa nhòa.
Thế kỷ thứ 21, người Việt lại phải đối đầu với chủ nghĩa (quốc tế) toàn cầu mà mục tiêu cũng là xóa bỏ văn hóa, đạo lý, truyền thống dân tộc và xóa nhòa mọi nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội và cả biên giới của mọi quốc gia.
Đã đến lúc người Việt cần tìm hiểu những điểm mạnh, điểm yếu, những thành công và thất bại của ông cha, để cùng nhau gìn giữ và phát triển những điều hay, lẽ phải, đồng thời bảo vệ được bờ cõi ông cha để lại.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
27/4/2021
0 comments:
Post a Comment