“Anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie
Anh! Anh! Hỡi anh giã từ vũ khí
Vâng, chính anh là ngôi sao mới Một lần này chợt sáng trưng
Là cánh dù đan bằng tiếc thương vô cùng”
Giọng hát trầm ấm của anh cùng giòng nhạc thiết tha và hào hùng đưa chiến hữu của mình trở về với thời trai trẻ và vùng kỷ niệm mênh mông. Kỷ niệm chan hòa nghĩa tình đồng đội, quân dân thiết tha. Về với thời trai trẻ xếp bút nghiên, khoát áo nhà binh; để biết xôn xao, ngậm ngùi, trong đêm hoang vu nghe tiếng thì thầm ngọt ngào: “Đây là chương trình Dạ Lan, tiếng nói của những người em gái hậu phương, gởi những anh trai tiền tuyến”.
Đêm nay, tiền tuyến và hậu phương về bên nhau. Người ta về đây, không vì ca sĩ danh tiếng với giọng hát đến từ nước ngoài, hay vì có ban nhạc hoặc ca sĩ ưa thích. Đêm nay chỉ có tiếng hát hậu phương, chỉ để lính hát lính nghe. Trăm con tim cùng bồi hồi như nghe Dạ Lan tâm tình, nghe cảm thương cho “Người để cho người nước mắt trên tay”:
“Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, người chiến sĩ anh hùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đã chiến đấu anh dũng cho sự sống còn của quê hương. Dấu giày botte de saut của anh và các chiến hữu đã in lại trên khắp các địa danh: Bình Giã, Đức Cơ, Pleime, Hạ Lào, Vùng Tam Giác Sắt ba biên giới. Mùa hè đỏ lửa năm 1972 anh đã tới cứ điểm Charlie để chặn sức tiến của hai sư đoàn địch. Nơi đây, anh đã giã từ vũ khí, cùng với các đồng đội hy sinh, để thân xác lại giữa núi rừng Komtum, Pleiku hoang lạnh. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, bạn thân của người anh hùng Nhảy Dù đó, đã viết ra những lời ca vô cùng cảm động, trong nhạc phẩm Tiếc Thương Ca Nguyễn Đình Bảo: Người Ở Lại Charlie”
“Này anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie
Anh! Vâng, chính anh là loài chim quý
Ôi, cánh chim trùng khơi vạn lý
Một lần dậy cánh bay
Người để cho người nước mắt trên tay
Ngày anh đi, anh đi
Anh đi từ tổ ấm
Anh ơi, địa danh nào thiếu dấu chân anh ?
Đợi anh về
Chỉ còn trên vầng trán đứa bé thơ,
tấm khăn sô bơ vơ
Người góa phụ cầu được sống trong mơ
Toumorong, Dakto, Krek, Snoul
Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu
Anh! Cũng anh vừa ở lại một mình,
vừa ở lại một mình
Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành.
Anh! Anh! Nhớ anh trời làm cơn bão
Anh! Anh! Tiếc anh chiều rừng thay áo
Ôi! Vết đau nào đưa anh đến
Ngàn đời của nhớ thương
Hỡi bức chân dung trên công viên buồn
Xin một lần thôi, một lần thôi
Vẫy tay tạ từ Charlie
Xin một lần nữa, một lần nữa
Vẫy tay chào buồn anh đi
Có nhiều nhạc sĩ sáng tác các bài hát về lính. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết nhiều ca khúc về người lính đã tử trận một cách hào hùng như Rừng Lá Thấp (TQLC Vũ Mạnh Hùng), Bắc Đẩu (Thiết Giáp Nguyễn Ngọc Bích), Người Ở Lại Charlie (Nhảy Dù Nguyễn Đình Bảo), Người Chết Trở Về (Biệt Động Quân Phạm Thái), “Anh Không Chết Đâu Anh” tưởng nhớ “người anh hùng mũ đỏ tên Đương”, tức cố Đại Úy Nguyễn Văn Đương của tiểu đoàn 3 Nhảy Dù đã hy sinh trên chiến trường Hạ Lào vào đầu năm 1971 ..v.v.
Trần Thiện Thanh ghi lại chân dung bi tráng hùng vĩ của Người Lính.
Qua ngôn ngữ, cấu nhạc bi hùng của từng bài hát, người ta cảm kích được cái tính quyết tử lẫm liệt hy sinh bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam, đậm nét bi tráng của cuộc chiến đấu bi hùng của toàn Quân-Dân Miền Nam.
– Anh cho tôi hỏi thăm!
– Chào chị! Chào anh!
Người lính dừng lại chào chị và anh, một đàn anh của mình. Anh chỉ ghế trống trong bàn, ân cần:
– Ngồi! ngồi nói chuyện chút đi!
Ánh mắt chị dừng nơi đôi giày của người lính:
– Giày này là của lính mình từ hồi trước mà?
– Chị nhận ra hay quá!
Chị nhìn qua chồng, trong nụ cười tươi vui có niềm hãnh diện của một người vợ lính:
– Một tay tôi lo cho ảnh từ đôi giày đến áo quần mà, nhìn qua là tôi biết ngay!
Anh và chị kể nhắc ngày anh còn áo trận, giày shaut…
Bồi hồi.
Xúc động.
Tuổi trẻ bất chợt trưởng thành để biết mất mát, biết thấm thía cho thân phận của người lính chiến bị thất trận và đã biết đến cái đau xót thật tột cùng khi bị mất cả Quê Hương.
Không phải chỉ có người lính trận hy sinh, bên cạnh anh còn có người tình, người vợ, còn có cả một hậu phương cảm thương lo lắng!
Nước mắt nào nghẹn ngào tảo tần nuôi con và thăm nuôi chồng trong tù đày của cộng sản bạo tàn, vẫn còn cay xót mãi khi nhắc nhớ.
Tùng! Tùng! Tùng! Tùng!… Tùng!
Hồi trống dạo khoan thai rồi chuyển sang nhịp đập dứt khoát, dũng mãnh khởi đầu cho giai điệu thật hào hùng quen thuộc của Hòn Vọng Phu 1, trong trường ca Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương. Anh cất cao giọng, như sống lại trong niềm tự hào của một kỵ binh Thiết Giáp: “Lệnh vua hành quân trống kêu dồn, quan với quân lên đường,
đoàn ngựa xe cuối cùng, vừa đuổi theo lối sông.
Phía cách quan xa trường, quan với quân lên đường,
hàng cờ theo trống dồn ngoài sườn non cuối thôn,
phất phơ ngậm ngùi bay…
Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn.
Vui ca vang rồi đi tiến binh ngoài ngàn.
Người đi ngoài vạn lý quan sang, người đứng chờ trong bóng cô đơn.
Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng.
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nuối ngàn trùng.
Người không rời khỏi kiếp gian nan,
người biến thành tượng đá ôm con…”
Đêm nay, người ta đã trở về đây hát cho nhau nghe; trở về trong tình tự quê hương với bài tình ca, với khúc nhạc hùng tráng. Người ta hát cho người nằm xuống, cho người ở lại nơi những địa danh bất tử; hát cho người còn trong lao tù của bạo quyền cộng sản bán nước.
Ngày anh đi, vui ra đi, không ước hẹn được ngày trở về!
Và người mong chờ vẫn nhớ nơi xa!
Cho ngày 19/6/2018 Bùi Đức Tính
0 comments:
Post a Comment