Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Monday 3 April 2017

Tháng Tư 1975:Những ngày cuối cùng ở Đà Nẵng và Cam Ranh

Tưởng niệm ngày Quốc Hận: Những ngày cuối cùng ở Đà Nẵng và Cam Ranh


Buổi sáng 29 tháng 3, tôi vẫn còn ở Tiểu Đoàn 3 Quân Y Sư Đoàn 3 Bộ Binh. Tìm Vũ Quốc Cường, cùng lớp Y Khoa Sài Gòn 1974 và cùng khóa Quân Y Hiện Dịch 21 (QYHD-21) thì được biết Cường được anh ruột Vũ Quốc Cương,  bác sĩ quân y chuyên khoa Gây Mê ở Tổng Y Viện Duy Tân, đón đi từ hôm qua, khi Tổng Y Viện Duy Tân “tan hàng”.
Tôi thật tình cũng không biết phải làm gì, vì không phương tiện di chuyển và cũng không biết đi đâu bây giờ! Tôi hoàn toàn không biết đường lối vì mới ra trường và đáo nhậm đơn vị mới có hai  tuần lễ!
Tình cờ gặp xe Jeep của Nguyễn Hữu Mãn (QYHD-20), lúc đó là y sĩ trưởng Thiết Kỵ của Sư Đoàn 3. Trên xe có 3 dược sĩ, Lê Văn Khoa (QYHD-18), Lê Tử Ý và Trần Văn Quang (QYHD-20). Họ rủ tôi cùng chạy ra Đà Nẵng. Đoán chừng là đến lúc phải đi, tôi vội vớ lấy cái đàn guitar và bốn quyển sách nhạc chép tay mà tôi rất quý, theo các bạn lên xe.
Thành phố Đà Nẵng lúc đó coi như thành phố chết, thỉnh thoảng có bóng người và tiếng súng nổ. Nhưng ra đến bến tàu sông Hàn thì đầy người. Lê Văn Khoa nhẩy xuống được và đứng ở mũi một chiếc ca nô. Khoa cầm súng M16 “giữ trật tự”, vì dân chúng muốn ùn vào ca nô có thể làm chìm. Lê Văn Khoa dục tôi nhẩy theo, nhưng không rõ vì lý do gì không nhớ được, tôi ở lại bến tàu! Tôi lại chạy ngược về Sư Đoàn 3, hình như cùng xe Jeep với Nguyễn Hữu Mãn. Trước khi chia tay, tôi có thẩy xuống ca nô cái đàn guitar và bốn quyển nhạc nhờ Khoa giữ.
Về đến Sư Đoàn 3, tôi gặp Lê Văn Thu, QYHD-20, đang chạy ra. Thu hỏi: “Cậu còn quay về lại đây làm gì? Đâu còn ai, còn gì nữa đâu!” Thu có hai xe gắn máy, Thu chạy bằng chiếc Honda do vợ để lại (vợ con Thu đã bay về Saigon trước đó một tuần), và đưa tôi cái xe Bridgestone bảo tôi chạy… ngược lại bến tàu. Thật là luẩn quẩn!
Đào Tư Huyền (y sĩ trưng tập, vừa được bổ nhiệm ra Thiết đoàn Kỵ Binh của SĐ3BB, chuẩn bị thay Nguyễn Hữu Mãn) lái cái xe gắn máy Yamaha chạy cùng lúc. Tôi lại chạy qua thành phố Đà Nẵng, tiện ghé phòng mạch Nha Khoa của anh Nha sĩ Nguyễn Nhật Thăng (QYHD-19) rủ cùng đi. Anh Thăng đã đi rồi, nhưng lại bất ngờ găp bạn thân Nguyễn Tiến Dũng, Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) QYHD-21, em ruột anh Thăng.
Đào Tư Huyền biết đường phóng Yamaha chạy đi trước dẫn đường, hai thằng Dũng chở nhau theo sau để ra bến tàu. Giữa đường xe Bridgestone chết máy. May sao Đào Tư Huyền quay lại tìm và thế là cả ba đèo nhau trên xe Yamaha ra được bãi biển Tiên Sa, ở bán đảo Sơn Trà.
Lúc đó coi như tuyệt vọng: Cả ngàn người chen nhau đứng trên xà lan thành không còn hy vọng gì. Ba thằng bèn đứng ở bến tàu nhìn …người.
Khoảng 3 giờ rưỡi chiều, sao tự nhiên có cái thuyền nhỏ xáp vào. Người chủ thuyền mời ai muốn đi ra khơi. Không ai dám theo, nhưng tôi bảo Dũng và Huyền: “Đằng nào mình cũng hết đường”.
Cả ba móc túi có bao nhiêu tiền đưa gần hết cho chủ thuyền. Thuyền ra sau một rặng núi bên bờ biển thì chúng tôi thấy một số tàu nhỏ há mồm (tàu đổ bộ-Landing craft LCU) đậu đợi đón đám quân Lôi Hổ. Một thiếu uý Lôi Hổ trên một tàu dơ tay, bàn tay chiến hữu, kéo chúng tôi từng người vào tàu.
Và vì vậy sau đó cả ba về được Cam Ranh.
Lê Văn Khoa rồi cũng về được Cam Ranh nhưng đàn và sách nhạc thất lạc hết trơn.
Xe tăng của Việt Cộng vào Đà Nẵng cũng buổi chiều cùng ngày 29 tháng 3 năm 1975.
 
Ngày 2 Tháng Tư 1975 ở Cam Ranh.
Sau mấy ngày đêm lênh đênh trên chiếc tàu đổ bộ nhỏ đi chậm từ Đà Nẵng đến được Cam Ranh. Nguyễn Tiến Dũng, Đào Tư Huyền và tôi được tầu cập bờ cho xuống. Ba thằng mệt nhoài sau những ngày đêm đói và khát, vì chỉ được cho chút nước uống cầm hơi.
Vừa lên bờ cả bọn tìm một quán ăn uống cho đỡ đói lòng. Ăn xong ra khỏi quán thì gặp một đám lính Thủy Quân Lục Chiến. Đó lại là quân của TĐ-TQLC 1 cũng thoát về đến Cam Ranh. Nguyễn Tiến Dũng, y sĩ trưởng TĐ1-TQLC, gia nhập lại đám lính của mình và theo họ đi với Tiểu Đoàn.
Tôi và Huyền đi loanh quanh.
Bến tàu đầy lính: Đa số là TQLC, rồi Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Bộ Binh…. Đủ mọi binh chủng Hải Lục Không quân từ vùng 1 và một số vùng 2 chiến thuật đã mất đổ về. Tôi và Huyền, hai y sĩ của Sư Đoàn 3, chỉ tìm được vài người lính ở Sư Đoàn 3. Hai đứa không biết phải làm gì bây giờ!
Tôi chợt nhớ ra đến Hải Quân Đại tá Bùi Cửu Viên. Anh Viên là chồng chị Hồng Thủy, bạn thân chị Nga, chị ruột tôi. Tìm gõ cửa và được anh cho vào nhà, “để anh sẽ tính sau”. Anh Viên lúc đó là Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân ở Cam Ranh.  Anh cho biết tình thế rất nghiêm trọng và anh đang tìm cách đưa “cả trường” về Nam. Huyền mệt lăn ra ngủ. Tôi không yên tâm, lại lẻn bỏ ra phố đi luẩn quẩn một mình.
Tình cờ có một xe đầy lính TQLC đậu trên đường. Trên xe, thấy có hai bạn QYHD-20 là Bùi Ngọc Bảng và Phạm Ngọc Trâm cùng vài Y Sĩ TQLC đàn anh khác. Tôi có vẫy tay chào để hỏi tin tức, nhưng cả hai đều không kịp nhìn ra tôi vì xe họ lại chạy ngay lúc đó.
Chỉ độ ba giờ đồng hồ quay lại mà thành phố đã đổi hẳn: Đông lính hơn và trật tự không còn nữa. Lai rai đã có súng nổ và lính cầm súng chạy vừa bắn mà không rõ bắn ai! Một người bị trúng đạn xuyên qua cánh tay chảy máu. Tôi phải xé tay áo rách của anh ta để chặn vết thương cầm máu. Ngồi cột vải cho vết thương mà thấy …lạnh ở lưng, vì súng vẫn nổ!
Tôi  gõ cửa một quán ăn, không phải để vào ăn mà để tìm chỗ … tránh đạn! Khi tiếng súng vừa ngưng tôi vội trở về nhà anh Viên. Anh Viên nổi giận “la” cho một trận bảo không được ra khỏi nhà nữa.
Ngày 3 tháng Tư 1975 ở Cam Ranh.
 
Sáng sớm, anh Viên đánh thức hai đứa dậy, cho biết Nha Trang đã mất ngày hôm trước. Anh không cho thì giờ đánh răng và rửa mặt. Anh chở thẳng hai đứa ra bến tàu, dẫn lên tàu HQ-802.Trên tàu gặp lại Nguyễn Tiến Dũng và thêm Nguyễn Bá Linh (TQLC, QYHD-21). Linh kể khi ở Đà Nẵng, suýt chết đuối trên biển khi ráng bơi ra tầu. Tôi cũng được kể bạn  thân Vũ Đức Giang (TQLC, QYHD-21) bị kẹt và bị bắt ở bãi biển Thuận An, Huế.
Hai đứa, Huyền và tôi, theo tàu HQ-802 chở đám còn lại của sư đoànTQLC (chắc chỉ hơn 1000 quân) về đến Vũng Tàu.
Anh Bùi Cửu Viên ở lại Cam Ranh lo cho các khóa sinh của Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân.
Ngày 4 tháng Tư 1975: mất Cam Ranh.
                                      Bến tàu Sông Hàn, Đà Nẵng khi dân chúng ùa nhau lên thuyền để ra khơi ngày 29 tháng 3 năm 1975
Bến tàu Sông Hàn, Đà Nẵng khi dân chúng ùa nhau lên thuyền để ra khơi ngày 29 tháng 3 năm 1975
                                     Bến tàu bãi biển Tiên Sa, Sơn Trà, Đà Nẵng khi các xà lan đã đầy nghẹt người chiều ngày 29 tháng 3 năm 1975
Bến tàu bãi biển Tiên Sa, Sơn Trà, Đà Nẵng khi các xà lan đã đầy nghẹt người chiều ngày 29 tháng 3 năm 1975
BS Phạm Anh Dũng

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.