Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Sunday, 16 April 2017

Dân Muốn Biết:Chủ thuyết Cộng Sản và sự chia rẽ tình người

Chủ thuyết Cộng Sản và sự chia rẽ tình người



Cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17, từng là lằn ranh chia đôi đất nước và chia rẽ tình người. (Hình: Wikipedia)


Trước khi có chủ thuyết Cộng Sản, loài người từ thủa ban sơ đã hình thành những mâu thuẫn, những định kiến, những giai cấp. Trong khi các tôn giáo và các chủ nghĩa nhân văn kêu gọi con người vượt qua định kiến, xóa bỏ lằn ranh giai cấp (chủng tộc) để hướng tới tình người, trong tình thương yêu của nhân loại thì khi chủ nghĩa Cộng Sản ra đời, lại khoét sâu vào vấn đề giai cấp, đề cao đấu tranh giai cấp để hướng tới một thế giới… đại đồng (không dựa trên tình thương, mà dựa trên bạo lực cách mạng với tên gọi là “chuyên chế vô sản” – chiến thắng toàn cục bằng bạo lực của một giai cấp).
Và chủ nghĩa Cộng Sản đã tạo ra những giới tuyến hữu hình và vô hình.
Tại Việt Nam (1954), ngăn sông Bến Hải theo Hiệp Ðịnh Genève. Miền Bắc theo Cộng Sản (dưới sự bảo trợ của Nga Cộng và Tàu Cộng), miền Nam theo chế độ tự do, dân chủ (dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ).
Tại bán đảo Triều Tiên (1953) lập khu phi quân sự Bàn-Môn-Ðiếm, ngăn cách hai miền Triều Tiên (Bắc Hàn và Nam Hàn).
Kể từ 1949, khi quân Cộng Sản của Mao chiếm được đại lục, đẩy phe Tưởng Giới Thạch ra đảo Ðài Loan. Thì eo biển Ðài Loan trở thành “giới tuyến” ngăn cách tình anh em – ruột thịt giữa những người Trung Hoa theo Cộng Sản và những người Quốc Dân Ðảng theo chủ nghĩa dân tộc-tự do.
Có thể kể thêm bức tường ô nhục ở Bá Linh, ngăn cách hai miền Ðông Ðức và Tây Ðức.
Ðằng sau những giới tuyến vô hình và hữu hình (ra đời bởi Cộng Sản) là những máu đổ, thịt rơi là nước mắt, là sự chia lìa vĩnh viễn của những đôi tình nhân tuổi trẻ. Là huynh đệ tương tàn, là cha con bắn vào nhau trong màn đêm giới tuyến. Là những người vợ, người mẹ đi tìm xác con, xác chồng, xác cha (không kể lằn ranh giới tuyến).
Về mặt chính sử (của Cộng Sản) chỉ ghi nhận việc xe tăng của Bắc Việt húc đổ cánh cửa cổng của dinh Ðộc Lập. Nhưng ít ai biết rằng, ngày mà Cộng Sản miền Bắc gọi là “giải phóng” miền Nam, đã có một người đàn ông nhảy lầu tự tử tại ngay Hà Nội.
Theo lời kể, người đàn ông đó tên là Bộ, là người miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp Ðịnh Genève. Với sự tin tưởng là sau 2 năm sẽ có hiệp thương, tổng tuyển cử cho cả hai miền để có thể trở về Nam. Nhưng cuộc chiến đã kéo dài, đến nỗi không biết bao giờ sẽ kết thúc. Thất vọng, người đàn ông miền Nam không vợ không con kia, bỏ nhà nước ra ngoài, hành nghề đạp xích-lô để kiếm sống. Chủ yếu là kiếm tiền mua rượu, uống để quên những tháng ngày… Nghe tin miền Nam được “giải phóng,” ông ta leo lên một tòa nhà tập thể để từ đó phóng mình xuống, trước khi gieo mình xuống, ông ta hét lớn: “Tao bay về Nam đây!”
Cái chết của người đàn ông kia, không phải là cái chết duy nhất. Vào năm 1956, nhà văn Vũ Anh Khanh là dân Phan Thiết, tập kết ra Bắc, đã liều mình vượt sông Bến Hải để trở lại miền Nam. Nhưng ông chưa kịp đặt chân lên bờ Nam thì đã bị biên phòng miền Bắc phát hiện, họ dùng tên tẩm độc bắn chết ông. Xác ông chôn ở đâu, cho tới nay không ai rõ, hoặc đã chìm sâu dưới dòng nước lạnh của dòng sông ngăn đôi bờ giới tuyến.
Vũ Anh Khanh là một người viết văn, làm thơ có tài, bài thơ của ông được phổ nhạc, được nhiều người biết đến là bài: “Tha La xóm đạo.”
Tình cờ, chúng tôi có dự một buổi sinh nhật mừng thọ trên 70 của một nhà báo ở Sài Gòn. Trong buổi hàn huyên với bằng hữu cũ, chúng tôi nghe nhà báo về từ hải ngoại này kể lại. Ông cũng đã từng được đưa ra Bắc, nhưng trước khi giới tuyến đóng cửa ông đã tìm cách trốn về Nam.
Bạn của ông nhà báo, kể thêm: “Lúc nghe tin mầy bỏ trốn, tao lấy xe đạp rượt theo. Nhưng không kịp, tới được sông Bến Hải thì giới tuyến đã đóng cửa, tao bị đuổi về!”
Dù sau đó, ông bạn của nhà báo kia là dân tập kết nên được ưu ái đưa qua Hungaria đào tạo thành bác sĩ. Nhưng kể lại chuyện xưa, vị bác sĩ được Ðông Âu đào tạo vẫn tỏ ra hối tiếc, vì chậm chân chút xíu mà không kịp quay về bờ Nam.
Khi những người miền Bắc vô Nam (sau 1975) để nhận họ (bà con), thì họ được quà tặng ( hàng hóa). Vậy mới có câu là: “Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng.” Nhưng sau 21 năm ngăn sông Bến Hải để “nội chiến” từng ngày, tâm tư tình cảm con người bị chia rẽ sâu sắc bởi ý thức hệ (dù là tự nguyện hay bị nhồi sọ), cũng đều trở nên nghi kỵ, dè dặt, xa lạ.
Bà N, di cư vô Nam từ năm 1954. Khi đi, bà bỏ lại người con gái lớn (cho người ta làm con nuôi, lúc đó cô này mới có 6 tuổi). Sau 1975, cô gái bị cho đi kia vô Nam tìm Mẹ. Nhưng bà N không muốn nhận con, vì bà đã có một gia đình khác. Hơn nữa, bà N không muốn cho cô con gái kia ở trong nhà, vì sợ dân “xã hội chủ nghĩa” nghèo ăn cắp đồ. Cô gái kia phải khóc tức tưởi mà trở về Bắc. Cuộc trùng phùng chỉ khiến cô thêm một lần tủi phận, và đó cũng là lần cuối cô gặp mẹ.
Bà Q di cư vô Nam bỏ lại hai người con trai sinh đôi ngoài Bắc. Hai anh này là con của người chồng trước (đã mất), bà tục huyền với người chồng sau là công chức cho Pháp nên bà theo chồng vô Nam. Vì ông sau có tính hay ghen, nên bà Q không dám dắt theo hai cậu con trai sinh đôi, lúc đó chừng hơn 10 tuổi.
Sau 1975, hai người con trai có vô tìm bà Q. Cuộc trùng phùng diễn ra khá khách sáo, dù bà Q từ ngày chồng mất cũng nghèo, không có gì để phải sợ hai cậu con ăn cắp. Hai người con cũng rất ý tứ, giúp gì cho mẹ được thì giúp, nhận họ chứ không nhận hàng và không bao giờ xin ngủ đêm lại trong nhà mẹ.
Trường họp của chú Hiệp thì khác. Cha của chú làm việc cho Pháp, sợ bị Việt Minh trả thù nên 1954 di cư vô Nam. Lúc đó chú Hiệp còn nhỏ, còn mẹ chú vẫn ở lại Hà Nội, vì mới sanh con gái được hơn tuần tuổi. Cha chú Hiệp thì nghĩ đơn giản là sau 2 năm “hiệp thương” là có thể trở về Hà Nội. Nhưng điều đó không diễn ra, cha chú Hiệp mất tại Sài Gòn, mẹ chú mất ngoài Hà Nội. Sau 1975, hai anh em chú Hiệp “côi cút” đi tìm nhau. Chú Hiệp rất thương em gái, một thứ tình cảm tự nhiên chứ chẳng hề “chính trị, chính em” gì ráo. Dù chú cũng từng mang “lon” hạ sĩ, trưởng xa thiết giáp của quân lực VNCH.
***
Dù cuộc trùng phùng sau 1975 là một cuộc trùng phùng đầy đau đớn. Nhiều người sống ở bờ Nam sông Bến Hải không muốn có cuộc trùng phùng (bị cưỡng bức) bằng bạo lực và nhiều thủ đoạn tinh vi.
Nhưng ngày nay, qua phương tiện truyền thông, nhìn cái cảnh hàng rào kẽm gai ngăn đôi bờ giới tuyến ở khu phi quân sự Bàn-Môn-Ðiếm gắn đầy những bức thư tay gởi cho người thân bên kia giới tuyến lòng người không khỏi xót xa. Và càng không cầm nổi nước mắt, khi thấy cảnh những người già thẫn thờ nhìn qua hàng rào ngăn cách vời vợi kia. Mấy chục năm xa cách rồi không được về cố quận, nắm bàn tay của người thân. Ai gây ra cuộc chia rẽ đau lòng dường này?

Người ta có thể chỉ thẳng vào chủ thuyết Cộng Sản mà nói rằng: “Ðây là thứ tà thuyết của quỷ dữ chống lại loài người!”
Văn Lang

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.