Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Friday 12 February 2016

Who‘s who 2016 :Sự khác biệt giữa tự do và dân chủ


Sự khác biệt giữa tự do và dân chủ
Trường Sơn chuyển ngữ
John T. Wenders
Chuỗi sự kiện chấn động ở Đông Âu trong vài tháng qua đã tạo ra những niềm kinh ngạc, cú sốc, niềm hy vọng, và sự tán thưởng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, kết quả quan trọng nhất của chuỗi diễn biến này, không phải là thời khắc cáo chung của chính phủ độc tài ở các nước xã hội chủ nghĩa, mà là động lực để chúng ta xem xét mối liên hệ giữa lĩnh vực chính sách công và tư ở mọi quốc gia.
Trái ngược với quan niệm thường được phổ biến bởi các phương tiện truyền thông rằng tự do đồng nghĩa với dân chủ, sự thay thế đơn thuần một nhà nước cộng sản bằng một nhà nước dân chủ, dẫu vẫn là một bước tiến, thực chất không thể một mình thúc đẩy diễn trình của tự do.
Tự do và dân chủ khác nhau. Một nền dân chủ luôn xem xét cách hiện thực hóa mọi vấn đề trong lĩnh vực quyền lợi công. Một nền dân chủ sẽ càng hùng mạnh khi công dân bỏ phiếu để xác định cách giải quyết những vấn đề thuộc lợi ích công. Mặt khác, tự do lại thiên về mối liên hệ giữa những chủ đề trong khu vực quyền lợi cá nhân. Tự do có nghĩa là con đường cá nhân có quyền lựa chọn để tương tác với xã hội trên cơ sở tự nguyện, bên ngoài phạm vi quản lý của nhà nước.
Tựu trung, dân chủ có nghĩa là bạn có thể bỏ phiếu trong lĩnh vực quyền lợi công; tự do có nghĩa là bạn có thể xác định cách thức tương tác với những người khác trong khu vực quyền lợi tư.
Làn sóng tin tức và tranh luận về quá trình cải cách ở Đông Âu chỉ tập trung vào khuynh hướng vận động hướng đến dân chủ trong lĩnh vực quyền lợi công, và bỏ qua những truy vấn còn quan trọng hơn về khả năng phân bố hành động của công dân giữa khu vực quyền lợi công và tư. Người ta hoàn toàn có thể hình dung đến một nhà nước độc tài, nhưng lĩnh vực quyền lợi công chỉ ở quy mô nhỏ, thực tế tự do cá nhân ở đó lại ở mức lớn hơn nhiều so với một nhà nước dân chủ, nhưng duy trì bộ máy quyền lợi công đồ sộ.
Điều cốt yếu là một bản hiến pháp xác lập ranh giới giữa quyền lợi công và tư, cũng như giữa dân chủ và tự do. Quan trọng hơn, vai trò của hiến pháp là để bảo vệ quyền tự do trước dân chủ và quyền của cá nhân trước đám đông.
Một số quyền tự do thuộc lĩnh vực dân sự, như tự do ngôn luận, tôn giáo, và lập hội. Tu chính thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ xác lập quy chế để khu biệt quyền ngôn luận, báo chí khỏi lĩnh vực quyền lợi công. Nếu bị bỏ mặc trong một tiến trình chính trị dân chủ, tự do ngôn luận sẽ bị hạn chế nghiêm trọng bởi chính các nhà lập pháp, nỗ lực phổ biến tự do ngôn luận sẽ bị ngăn chặn bởi các tòa án, và còn nhiều vấn đề hơn nữa sẽ bị hạn chế bởi những tiền lệ như vậy. Chính hiến pháp bảo vệ vị thế của quyền tự do ngôn luận trước dân chủ.
Trong lĩnh vực kinh tế, tự do có nghĩa là cá nhân có quyền sở hữu, mua, bán tài sản như ý muốn của họ trong thị trường tự do. Trong những thế kỷ trước, một cuộc xâm lược ổn định của hoạt động thị trường vào các tiến trình chính trị đã hiện diện ở khắp mọi nơi. Ngay cả ở các nước tư bản chủ nghĩa như Hoa Kỳ, lĩnh vực quyền lợi công đã không ngừng mở rộng. Khi hoạt động kinh tế được giải quyết bằng các quá trình chính trị, ngay lập tức nó trở thành đối tượng để bị thao túng bởi những kẻ – thường là thiểu số – dựa vào những thủ đoạn kinh tế – chính trị để trục lợi. Khi chính trị tìm cách kiểm soát thị trường, nó cũng bóp nghẹt cả quyền tự do ngôn luận, hiện tượng này được chứng thực bởi các tập thể báo chí thương mại, những hậu vệ tận tụy của quyền tự do ngôn luận đã nỗ lực thành công để ngăn chặn sự cạnh tranh từ các công ty điện thoại, những kẻ muốn lấn sân cả vào lĩnh vực xuất bản điện tử.
Sự sụp đổ của mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến biến động trong những năm qua. Tuy nhiên, quan niệm phổ biến về sự sụp đổ kinh tế này có thể được bổ sung bằng một tiến trình chính trị cải cách dân chủ.
Ngược lại, chúng ta có thể đạt được cải cách kinh tế chỉ bằng cách khu biệt kinh tế khỏi chính trị. Trừ khi quy mô và phạm vi của lĩnh vực quyền lợi công ở các nhà nước ở Đông Âu – giờ đã phì đại – được thu hẹp đáng kể, không thì sẽ có rất ít thay đổi. Sự khác biệt duy nhất là công dân có quyền bỏ phiếu để quyết định chính cách thức chính sách công khống chế quyền tự do của họ.
Những bài học từ quá khứ luôn sống động, miễn là Đông Âu chịu nhìn đến. Bất cứ nơi nào nền kinh tế bị kiểm soát chặt chẽ (như ở Đông Âu, Trung Quốc, Bắc Hàn Quốc, Ấn Độ, hầu hết khu vực châu Phi và Nam Mỹ), bởi xã hội chủ nghĩa hay không, thì nền kinh tế ấy đều bị bỏ xa bởi chính những nền kinh tế định hướng bởi thị trường trong cùng khu vực – như Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Chile, Hoa Kỳ, và các quốc gia thịnh vượng nói chung.
Cơ sở hiến pháp cho một nền kinh tế thị trường rất đơn giản: quyền sở hữu phải được trao cho các cá nhân hoặc các hiệp hội tự nguyện của cá nhân. Những quyền này, cũng như quyền tự do của chúng ta về tư tưởng và tôn giáo, phải được xác định rõ ràng và được bảo vệ thường xuyên (như quyền tự do ngôn luận) trước sự xâm lấn từ lĩnh vực quyền lợi công. Quyền sở hữu đối với tài sản và dịch vụ phải được tự do chuyển nhượng.
Có những người phản đối việc khu biệt lĩnh vực quyền lợi công khỏi hoạt động kinh tế tư nhân bởi họ cho rằng thị trường không phải lúc hào cũng vận hành suôn sẻ. Tuy nhiên, chính những kẻ chủ tâm lên án các thị trường không làm việc lý tưởng lại muốn để mặc nó trong vòng kiểm soát của một hệ thống chỉ đạo chính trị, một chu trình còn tồi tệ hơn. Lựa chọn hợp lý nhất là cân đối lợi ích và chi phí của mọi giải pháp. Chỉ có cá nhân trong cuộc mới hiểu rõ mọi giải pháp thay thế của họ, và chỉ những cá nhân trực tiếp gánh chịu hậu quả của sự lựa chọn mới có thể cân nhắc được những giải pháp đúng. Mọi lựa chọn được kiểm duyệt bởi chính trị và áp chế đảm bảo rằng người ta sẽ không bao giờ có thể biết đến hoặc xét đến mọi giải pháp thay thế khả dĩ. Thị trường tự do chắc chắn là không hoàn hảo, nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với thứ bị thao túng, kinh nghiệm xương máu từ Đông Âu đã khẳng định điều này.
Có một sự khác biệt giữa dân chủ và tự do. Tự do phải được bảo vệ trước dân chủ. Một hiến pháp chuẩn mực sẽ làm được điều đó. Chỉ khi các nước Đông Âu và mọi nơi khác thông qua và thực thi hiến pháp như vậy thì họ mới đạt được bước tiến chắc chắn trong kinh tế.
------------------------
Who‘s who 2016 - Tranh cử 2016: rơi như sung rụng

Nguyễn Văn Khanh
- Qua điện thoại, bà Becky Whitman cất tiếng cười còn vang hơn… pháo Tết.
“Có nhớ 2 tuần trước đây tôi nói gì không? Tôi đã bảo bất cứ cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang nào cũng quan trọng, nhưng trận chiến New Hampshire sẽ quyết định số phận chính trị của những ông bà đang nuôi mộng trở thành chủ nhân mới của Tòa Bạch Ốc”. Vẫn với giọng sang sảng, bà chiến lược gia độc lập đang làm việc tại North Carolina nói tiếp “tôi đã bảo sau New Hanpshire là rơi như sung rụng. Đúng không nào? Đúng không nào?”, lập đi lập lại nhiều lần câu nói đó trước khi cúp máy.
Điều bà Whitman nói quả đúng, không sai một mảy may nào cả.
Đầu tuần trước, chỉ vài giờ đồng hồ sau khi có kết quả ở Iowa, ông Martin O’Malley của đảng Dân Chủ loan báo chia tay với cuộc đua, nhường sân chơi lại cho 2 ứng cử nặng ký của đảng Dân Chủ là bà Cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton và ông Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders; ngay sau đó đến lượt ông Mike Huckabee -từng thắng Iowa hồi 2008- và ông Rick Santorum -từng thắng Iowa hồi 2012- cũng lên tiếng cám ơn người ủng hộ, chấp nhận bỏ dở ước mong trở thành người lãnh đạo quốc gia.
Đầu tuần này, sau khi kết quả cuộc bầu cử sơ bộ tại New Hampshire được công bố, đến lượt ông Thống Đốc Chris Christie và bà Carly Fiorina ngỏ lời cám ơn mọi người, kèm theo lời hứa dù không ở trong cương vị tổng thống “vẫn tiếp tục phục vụ quốc gia, tiếp tục góp phần xây dựng một xã hội Hoa Kỳ tốt đẹp hơn cho người dân”, như ông Christie nói, hoặc lời kêu gọi phụ nữ phải tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của tập thể và “phải chọn người lãnh đạo” như bà Fiorina viết trong lá thư ngỏ gửi mọi người.
Theo ông Robert Shrum, chiến lược gia từng tham gia trong ban tham mưu tranh cử cho một số ứng cử viên Dân Chủ ở cấp tiểu bang lẫn liên bang, chuyện có ứng cử viên bỏ cuộc sau Iowa và New Hampshire “là chuyện rất bình thường”. Ông lấy thí dụ Thống Đốc Chris Christie chỉ được 7% cử tri New Hampshire ủng hộ, bà Carly Fiorina chỉ được 3%, “cả 2 người không được chia một phiếu đại biểu nào cả thì làm sao có khí thế để đi tiếp?” Một yếu tố khác: “cả ông Christie và bà Fiorina đều trông chờ vào các nhà tài trợ, họ hiểu chẳng có nhà tài trợ nào bỏ tiền ủng hộ người thua cả, do đó, cách duy nhất là họ phải rút lui”.
“Trong số những người đã bỏ cuộc, tôi thấy tiếc cho ông Chris Christie”, là nhận xét của ông Steve Muller, người 4 năm trước đây từng lên tiếng thúc dục ông Thống Đốc tiểu bang New Jersey ra tranh cử. “Lúc đó, chúng tôi đã có sẵn một dàn tham mưu, chúng tôi có kế hoạch để thành công, đồng thời có cả những người đồng ý tài trợ cho cuộc vận động, nhưng rất tiếc ông Christie lắc đầu, nói với tôi rằng ông chưa sẵn sàng để dự cuộc đua tranh chức tổng thống. Ông ta bỏ lỡ cơ hội bằng vàng”.
Ông Muller trình bày thêm “thế trận 2012 khác xa 2016”, lúc đó “ông Christie được mọi người chú ý đến, không ít người xem ông là nhân vật tiêu biểu cho đảng, xem ông là chính trị gia điển hình của lực lượng bảo thủ Cộng Hòa, cho tới khi ông choàng vai bá cổ Tổng Thống Barack Obama, đồng thời lại còn ca ngợi ông Obama của đảng Dân Chủ là người có tài lãnh đạo, đã thế lại từ chối không tiếp tay tham gia vận động cho ông Mitt Romney vào tuần lễ cuối cùng”.
Những việc ông Chris Christie làm “khiến thành phần lãnh đạo lẫn cử tri Cộng Hòa bực bội, và họ bỏ rơi ông ta”, nhà phân tích Sandy Hines tiếp lời. “Đến giờ vẫn còn có người nhắc lại với tôi hình ảnh họ nhìn thấy trên TV hôm 31 tháng Mười 2012, thấy ông Christie ra tận sân bay đón Tổng Thống Dân Chủ Obama sau trận bão Sandy, thấy ông Christie tỏ cử chỉ thân thiết với ông Obama, từ đó họ đặt câu hỏi liệu có nên tiếp tục ủng hộ ông Christie của tiểu bang New Jersey hay không”. Vẫn theo nhà phân tích chính trị Sandy Hines, “số người tin rằng cử chỉ và lời ngợi khen của ông Christie là một trong những yếu tố giúp ông Obama tái đắc cử, vì thế, họ bực bội, không xem ông Thống Đốc Christie là người của đảng (Cộng Hòa) nữa”.
BOX BOX BOX BOX BOX
SỐ ĐẠI BIỂU CÁC ỨNG CỬ VIÊN ĐANG CÓ
Sau bầu cử sơ bộ tại Iowa và New Hamphshire, số đại biểu các ứng cử viên Cộng Hòa và Dân Chủ đang có như sau:
CỘNG HÒA (cần 1,327 đại biểu để đại diện đảng tranh cử tổng thống)
1-      Donald Trump: 17 đại biểu
2-      Ted Cruz: 11
3-      Marco Rubio: 10
4-      John Kasich: 5
5-      Jeb Bush: 4
6-      Ben Carson: 3
DÂN CHỦ (cần 2,382 đại biểu để đại diện đảng tranh cử tổng thống)
1-      Bernie Sanders: 36 đại biểu
2-      Hillary Clinton: 32
Ghi chú: con số nêu trên dựa vào tỷ lệ phiếu cử tri ông Sanders và bà Clinton có được sau vòng sơ bộ ở Iowa và New Hampshire. Tuy nhiên vì đảng Dân Chủ có quy định “super delagates” gồm những viên chức đã và đang giữ các chức vụ quan trọng cho đảng ở các cấp, và họ có quyển bỏ phiếu ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào “miễn là người của đảng”, do đó dù thắng vẻ vang ở New Hampshire nhưng ông Sanders vẫn có ít phiếu đại biểu hơn số đại biểu bà Clinton.
Xin nói rõ hơn: New Hampshire có 24 đại biểu cử tri và 8 super delegates. Với 60% phiếu ủng hộ, ông Sanders được chia 13 phiếu, bà Clinton được 9 phiếu, 2 phiếu còn lại đảng bộ tiểu bang chưa quyết định sẽ dành cho ai. Với 8 super delegates, chưa có ai ủng hộ ông Sanders (như vậy số phiếu đại biểu ông Sanders có tổng cộng vẫn là 13), nhưng đã có 6 người bỏ phiếu ủng hộ bà Clinton, cộng với 9 phiếu đại biểu cử tri, bà có tới 15 phiếu đại biểu.
Nếu tính cả số đại biểu cử tri lẫn super delegates, bà Clinton hiện đang dẫn đầu với 394 đại biểu, ông Sanders chỉ có 42 đại biểu, cho dù ông thắng rất lớn ở New Hampshire và thua thật khít khao ở Iowa.

 Nguyễn Văn Khanh

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.