Với tôi, Bành Thanh Bần và Thái Bá Tân là hai thi sĩ đang sống ở trong nước, viết về mảng thế sự, xã hội, mang lại nhiều xúc cảm cho người đọc. Tuy bút pháp, cũng như thể loại thơ hoàn toàn khác biệt, nhưng không ai có thể phủ nhận dũng khí của hai thi sĩ Thái Bá Tân và Bành Thanh Bần. Có lẽ, đây là hai cây bút hàng đầu của thi ca đất Việt dám đi đến tận cùng những vấn đề gai góc, nhức nhối nhất của đất nước, con người trong thời gian gần đây. Nếu như Thái Bá Tân, một trí thức được đào tạo cơ bản từ trong đến ngoài nước, dùng “Ngũ ngôn thơ” chọc thẳng vào những ung nhọt của xã hội, thì Bành Thanh Bần, chỉ có vốn liếng của một gã thợ cày, với những câu lục bát dân dã, đã lật ngược bộ mặt thật của chế độ.
Có thể nói, từ thi tập Chung Tình đến Những Bầy Sâu Cổ Đeo Cà Vạt Đỏ, Bành Thanh Bần đã có bước biến chuyển khá sâu sắc về tư tưởng, sự can trường cũng như nghệ thuật con chữ. Nhìn chung, lục bát trào phúng Bành Thanh Bần, ta thấy đậm chất phóng sự, bởi hồn thơ ông dường như đã hòa vào nỗi đau của đất nước, vận mệnh dân tộc cùng nỗi thống khổ của con người. Nhưng khi đến với thi tập Những Bầy Sâu Cổ Đeo Cà Vạt Đỏ, ông mới thực sự dấn thân, trực diện đối đầu với cường quyền, với cái ác, và sự nhiễu nhương, bất công của xã hội.
Từ bộ mặt đê hèn của đám tham quan, đến sự thối nát của xã hội đương thời.
Nếu thi tập Chung Tình trước đây chỉ mới dừng ở mức dự báo “Mai đây tòa án lương tri/ Sẽ kết tội lũ ngu si tham tàn” thì đến Những Bầy Sâu Cổ Đeo Cà Vạt Đỏ, nhà thơ đã gọi tên, điểm mặt, kết án dứt khoát, rõ ràng. Dưới ngòi bút của ông, Lãnh đạo đài truyền hình VN đã hiện nguyên hình một kẻ tay sai, dẫn sói vào nhà:
“Tiên sư bọn Trần Bình Minh.
Tri ân liệt sĩ, sao ‘rinh’ nhạc Tàu?
Nghe mà lộn cả phao câu
Mau mau phải chém rớt đầu bọn bay!
Nhục nào hơn cái nhục này
Ca ngợi giặc đã ra tay giết mình?
Bao nhiêu chiến sĩ hy sinh
Để cho đất nước hiển vinh…
Chúng mày:
Lợi dụng phương tiện trong tay
Phản dân hại nước trong ngày thiêng liêng!
Phát nhạc của lũ chó điên
Dã tâm cướp trọn giang biên Lạc Hồng!
Chúng mày còn trái tim không
Hay là chó đã đớp tong mất rồi?
Cam tâm khuyển mã cho người
Danh dự Tổ Quốc chôn vùi dưới chân…” (Cẩu Đầu Trảm)
Từ lòng tham ấy, dẫn đến bán biển, bán rừng là điều không thể tránh khỏi của những kẻ bán cả linh hồn. Và với Bành Thanh Bần sự bán mua đó không dừng ở Lãnh đạo đài truyền hình Việt Nam, mà chính Đảng mới là cơ nguyên của sự mất biển, mất rừng. “Máu xương thành ghế Đảng ngồi tót cao” một câu thơ đã được hình tượng hóa, đọc lên, ta cảm thấy quặn đắng trong lòng. Bởi, dải đất này, chiếc ghế đó, được đúc bằng xương máu và dòng nước mắt chảy dài mấy ngàn năm của cha ông, bị đánh đổi một cách nhục nhã, đớn đau: “Phồng mang bởi nuốt Dola/ Để họ sai khiến như là Khuyển Ưng”. Ta hãy đọc lại đoạn trích trong bài Ngài Ngự Ở Nơi Đâu để nhìn rõ bộ mặt thật đó:
“Ải Nam Quan giờ nơi đâu?
Lệ Nguyễn Trãi nhỏ địa đầu tiễn cha
Thác Bản Giốc, trước của ta
Giờ, thành của họ, xót xa lòng người
Rừng Vàng, biển Bạc đâu rồi?
Máu xương thành ghế Đảng ngồi tót cao
Đất Tây Nguyên thoả sức đào
Dự án Bau xít gây bao bất bình
Huỷ hoại sinh thái môi sinh
Coi rẻ sinh mạng dân mình thế a?
Phồng mang bởi nuốt Dola?
Để họ sai khiến như là Khuyển Ưng…”
Dường như, Bành Thanh Bần không chỉ chịu ảnh hưởng giọng điệu Tự trào từ các bậc tiền nhân như Nguyễn Khuyến, Tú Xương… mà ông còn mượn hay hóa thân vào nhân vật, để giãi bày, bộc lộ tâm trạng của mình. Với nghệ thuật sống này, gây cười là đấy, nhưng có tính tố cáo, phê phán vô cùng mạnh mẽ, và để lại nỗi buồn đau sâu sắc trong lòng người. “Đi Đi Mà Học Người Ta” là một bài thơ như vậy. Thi sĩ đã mượn lời người vợ Tổng Bí để vạch trần sự lưu manh, tráo trở của chế độ đương thời:
“…Đã cam kết với họ rồi
Ông đừng toan tính nước bài xù lơ?
Như hồi Vê kép tê ô (WTO)
Hứa rồi xù, để tiếng nhơ muôn đời!
Lần này không thể được rồi
Vẹm (1) mà vẹm nữa thì tôi nhảy lầu!
Tổng Bí chứ có đùa đâu?
Lại còn lũ lĩ một xâu tháp tùng
Trống giong cờ mở tưng bừng
Tiền hô hậu ủng lẫy lừng trời Tây…”
Không chỉ thơ tình, mà trong lục bát trào phúng, Bành Thanh Bần cũng hay sử dụng nghệ thuật so sánh, và ông đã sử dụng rất thành công. Với hình thức nghệ thuật này, hình ảnh ti tiện, rẻ tiền của ông Tổng Bí hiện lên một cách đậm nét thông qua tính cách cô gái làng chơi, trong bài Ông Là Ca Ve:
“ Với ai ông cũng mỉm cười
Với ai ông cũng nghiêng người làm duyên…
Ca ve nhìn bỗng phát thèm
- Tổng Bí cũng bắt chước em cơ à?”
Tuy lời thơ dân dã, nhưng lại rất thâm cay, hình ảnh quan tham hiện lên một cách nhục nhã, thật đáng khinh bỉ từ phép so sánh của nhà thơ, với những “gái đĩ già mồm”. Từ những hình ảnh cụ thể này, ta có thể thấy sự thối nát tận cùng của chế độ xã hội đương thời. Và “Vá Mồm” là một trong những bài thơ đã làm được điều đó:
“Gái đĩ lại hay già mồm
Tạo màng giả, cãi “Em còn rất zin"
Quan tham muốn được dân tin
Không tham ăn, cũng đến xin vá… mồm!”
Có lẽ, không ai không biết đổi mới, khoán mười trong nông nghiệp, hay mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân của Đảng là trở về cái cội nguồn, cái chính sách kinh tế, qui luật đúng đắn từ ngàn năm qua của cha ông ta. Tức là Đảng đang đổi về cái quan hệ sản xuất cũ. Cái mà Đảng đã tự tay bóp chết bằng cách, đánh tư sản và cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất, sau khi cướp được chính quyền. Cổ phần hóa doanh nghiệp, lại một lần nữa Đảng biến của công thành của riêng, cho những tên tư bản đỏ, một cách hợp pháp, nhưng rất bẩn thỉu. Cung cách trá hình, lưu manh ấy, đã được thi sĩ Bành Thanh Bần hóa giải trong bài “Cổ Phần”.Và tôi tin rằng, sự xúc động, phẫn uất không phải chỉ riêng tác giả, mà còn rất nhiều người, khi đọc bài thơ này:
“Năm trăm doanh nghiệp cổ phần?
Phen này “đầy tớ thằng bần” giàu to!
Tài sản to như con bò
Định giá bé tựa con mò li ti.
“Ông chủ” ngoài khố-còn gì
Mà cổ với kiếc mơ chi thêm gầy!
“Đầy tớ” nhung nhúc từng bầy
Năm trăm doanh nghiệp phen này: Nuốt phăng!...”
Tuy viết về đề tài mang tính thời sự xã hội, nhưng lời thơ Bành Thanh Bần rất sáng và mượt mà. Có thể nói, đến bài Chúc Mừng Tướng Cướp Ca Ca, thơ lục bát Bành Thanh Bần đã đạt đến độ chín. Đây là một bài thơ hay. Ngoài từ ngữ đẹp, trong sáng, nó còn lột trần sự lưu manh hóa của bè lũ cầm quyền, điển hình là Tướng Đỗ Hữu Ca, trong vụ cướp đầm tôm Tiên Lãng, Hải Phòng, dưới ngòi bút khí phách, can đảm Bành Thanh Bần:
“Chúc mừng đại tá Ca Ca
Quân hàm Thiếu tướng “người ta” thăng rồi!
Chiến thuật lấy thịt đè người
Trận đánh Tiên Lãng ngời ngời chiến công…
Công an, Quân đội, Biên phòng
Và lũ chó “cắn” hội đồng nhà Vươn!
Quyết tâm phải cướp đầm tôm
Nhà thành binh địa, ruộng vườn tan hoang…
Bao người đã phải tù oan
Gia đình ly tán tiếng than dậy trời!...”
Trong nghiệp viết lách của mình, dường như nhà văn, nhà thơ nào cũng có dăm, ba bài thơ thế sự trào phúng, để vơi vợi đi những uất ức, hay những ngang trái, bất công trong đời sống, xã hội. Nhưng viết thẳng tưng, không run sợ trước thế lực cường quyền như Bành Thanh Bần: “Mấy thằng ngồi ghế cao cao/Tai mắt đủ cả lẽ nào điếc, đui/Dola tọng kín miệng rồi?/Ú a ú ớ coi trời bằng vung?” thì quả thật không nhiều. Với chí khí của kẻ sĩ ấy, tôi tin thơ văn và con người ông sẽ in đậm mãi trong lòng người đọc.
Thân phận và sự giải thoát con người
Khi một xã hội, các đấng văn nhân chỉ còn biết cắm mặt xuống, rồi tụng lên lời ca lạc loài, thì có những thi nhân đứng hẳn về phía người dân, người cùng khổ để viết, quả thật may mắn, quí hiếm vô cùng. Và ta có thể thấy, nếu không có trái tim đa cảm sẻ chia với đời, với tha nhân, để cất lên tiếng nói của lương tri, thì chắc chắn Bành Thanh Bần không thể viết được những trang thơ thẳng thắn, mãnh liệt và đầy lòng nhân ái đến vậy.
“Kiếp Người” là một trong những bài thơ hay trong thi tập này. Lời thơ dân dã, nhẹ nhàng, tuy nhịp điệu chậm rãi, nhưng dường như vẫn không kéo nổi sức nặng của kiếp người. Vâng! Đó là sức nặng của sự lạc đường, tịt lối, với bảy mươi năm giành chính quyền, bốn mươi năm thống nhất. Sự hình tượng hóa trâu người, người trâu bị đóng trong cái ách (cái cùm) vô án hạn… của Đảng, nó làm bật lên sự dã man trong cái đắng cay của kiếp người:
“Trâu ơi, chầm chậm thôi mày
Quần tao sắp tụt đây này, trâu ơi!
Bừa xong thửa ruộng này rồi
Mày tưởng đã được nghỉ ngơi đấy à?
Đời ông cho chí đời cha
Chúng mình mong cởi ách mà được đâu
Kiếp người theo đít kiếp trâu
“Một thế kỉ nữa…” (1) chắc đâu đổi đời…?”
Có thể nói, Bành Thanh Bần khá dụng công tìm tòi, sáng tạo làm mới thơ lục bát, và luôn luôn gây bất ngờ cho người đọc. “Tiếng Kêu Của Một Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng” là một bài thơ điển hình như vậy. Tác giả đã sử dụng nghệ thuật ngắt nhịp, xuống dòng một cách đột ngột trong câu kết. Nó đã gây bất ngờ, và làm một câu thơ bật ra hai nghĩa chuyển tải, cũng như thông điệp cái kết trắng tay của một kiếp người cho cả bài thơ, một cách rõ ràng:
“Ới chồng, con hãy về ngay…
Hết rồi!”
Đây là một bài thơ hay, không chỉ về mặt hình thức, nghệ thuật, mà nó còn lột trần bộ mặt thật một thứ Âm Binh mới, bấy lâu nay chính quyền đã sử dụng đánh người, cướp đất, phá nhà của người dân cùng khổ. Chúng ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây, để nghe rõ tiếng kêu cứu cuả một Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, người đã hy sinh cả chồng con để dựng nên chế độ này:
“…Cướp thì hãy cướp đàng hoàng
Một tờ quyết định là “sang” tên rồi!?
Làm chi giở thói cao bồi
Đầu trâu mặt ngựa như sôi, ào ào
Linda bịt mặt xông vào
Bắt tôi nhốt chẳng khác nào phạm nhân!
Vì ai tôi mất người thân?
Vì ai tôi phải sa chân chốn này?
Ới trời cao, ới đất dày…
Ới chồng, con hãy về ngay…
Hết rồi!"
Trong cái kiếp cùm gông ấy, ở nơi đâu người thi sĩ cũng nghe thấy tiếng rên xiết của những linh hồn. Từ một bà mẹ Việt Nam bị cướp đất, phá nhà kêu cứu, đến một biểu tình viên bị đạp dập mặt, hay một nhạc sĩ già bị hành hung giữa phố… Và đến bài “Vợ Bọ Lập Dặn Công An” ta có thể thấy, cái ác và sự bóp nghẹt tư tưởng của chế độ đã lên đến đỉnh điểm, khi bắt bớ tống giam nhà văn Nguyễn Quang Lập. Nếu không có sự sẻ chia, cảm thông, chắc chắn người thi sĩ không thể rung động, viết được những câu thơ đau xé lòng đến vậy.
Thành thật mà nói, tôi chỉ là kẻ viết văn tép riu, thế mà ngày 7-3-2015 vừa rồi cũng bị an ninh bắt giữ mười tiếng và trục xuất ra khỏi Việt Nam, đã cảm thấy bị tổn thương nặng nề và nhục nhã thay cho một chế độ. Nên khi nhìn nhà văn Nguyễn Quang Lập tập tễnh bị dẫn giải vào nhà lao, tôi không kìm được những giọt nước mắt. Và điều này, có lẽ không chỉ riêng tôi.
Cảm ơn thi sĩ Bành Thanh Bần đã nói hộ thân phận rẻ mạt của văn nghệ sĩ, trí thức trong bài thơ này:
“Trí trá phòng cháy kiểm tra
Các anh đột nhập vô nhà chúng em!
Y như bọn Xã hội đen
Ới bà con, đến mà xem khám nhà:
“Bắt quả tang” Bọ Quê Choa
Đang viết văn…
Chết bỏ cha em rồi!
Chồng em đang liệt nửa người…”
Thi tập “Những Bầy Sâu Cổ Đeo Cà Vạt Đỏ” có một số bài viết theo thể lục ngôn, không phải sở trường viết của Bành Thanh Bần, nhưng đọc thấy lạ, mạnh mẽ và khá hay. Nếu lời thơ lục bát trào phúng Bành Thanh Bần mượt mà bao nhiêu, thì lời thơ lục ngôn trào phúng của ông lại xù xì thô ráp, gần với những câu khẩu ngữ thường nhật bấy nhiêu. Và có thể nói, Bành Thanh Bần có tài láy, ghép từ, hay các cụm từ gây tiếng cười cho người đọc như, Đảng Chuột, Lão Đáng… “Để cho dân chúng cạn tình/Gọi Đảng chúng mình: Đảng chuột, thì nguy…”. Đoạn trích trong bài “Thằng Cu Đái” dưới đây sẽ chứng minh thêm những điều đó:
“Xứ tao lão Đáng trên đầu
Tam quyền nằm dưới chân Đáng
Lão Đáng chính là ánh sáng
Đỉnh cao trí tuệ loài người!
Đáng tao độc quyền trên đời
Vạch chim-Đáng độc quyền đái…
Đái lên văn minh thời đại
Đái lên đầu lũ dân đen
Đái lên Tự do Dân chủ
Đái lên Chủ quyền thiêng liêng!”
Nếu như được phép lựa chọn, xin nói thẳng: Có hai nhà thơ lục bát trào phúng Dương Quân (1926-1985) trước đây và Bành Thanh Bần hiện nay tôi yêu thích. Dương Quân quê Nghệ An với nhiều bút danh khác nhau như: Chính Tâm, Thanh Điển, Tùng Tiết… Ông viết nhiều (có tới 500 bài trào phúng) và là nhà thơ khí phách và ngang tàng. Thơ trào phúng Dương Quân như những cái tát thẳng vào mặt lũ quan tham. Nhưng vì bối cảnh xã hội lúc đó, thơ ông mới chỉ dừng ở mức độ vạch trần, phê phán. Và đến nay, Bành Thanh Bần là người dường như, không chỉ dừng lại sự nối tiếp khí phách Dương Quân, mà ông còn mở ra một con đường, một lối thoát cho xã hội, con người. Lời thơ cảnh báo ấy của Bành Thanh Bần ngoài tính giải thoát, còn mang ý nghĩa nhân đạo cao cả:
“Coi mạng dân chúng nhỏ nhoi
Vùi dưới bánh xích như thời chiến tranh…
Hờn căm lại giục hờn căm
Vùng lên giành lấy non sông, đất trời!” (Lưỡi Không Xương)
Hè vừa rồi, đại hội Hội Văn Học Nghệ Thuật Người Việt Thành Phố Leipzig, tôi là khách được mời. Lúc ăn uống, ngồi cạnh một bác già và một bà khoảng tầm tuổi tôi. Trong câu chuyện, tôi mới biết họ là hai thày trò. Bác già nguyên là giảng viên khoa văn trường Đại học tổng hợp, sang thăm con. Các bác bàn luận khá sôi nổi về thơ, và cho rằng: Thơ thế sự dường như sẽ đánh mất tính nghệ thuật. Tôi ngồi nghe và tôn trọng ý nghĩ đó. Tuy nhiên, tôi không đồng ý như vậy. Bởi, ta có thể thấy, tài năng đến như đại thi hào Nguyễn Du, nếu như ngòi bút của cụ không chọc thẳng vào chế độ thối nát đương thời và nỗi đau cũng như thân phận con người, thì Truyện Kiều không thể sống đến hôm nay.
Do vậy, tôi tin cùng với thi tập Rượu Trời, lục bát trào phúng “Những Bầy Sâu Cổ Đeo Cà Vạt Đỏ” là tập thơ sống. Và chính nó làm nên chân dung người thi sĩ đích thực Bành Thanh Bần.
Leipzig ngày 25-12- 2015
Đỗ Trường
danlambaovn.blogspot.com
0 comments:
Post a Comment