Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Wednesday 14 October 2015

Nobel 2015 : Đối kháng Tunisie



http://images.indianexpress.com/2015/10/nobel-new.jpg
Giải Nobel Hoà bình năm nay về tay xứ Tunisie. Nói chung, quyết định trao giải không gây tranh cãi như trong trường hợp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, thậm chí gây chê bai như trong trường hợp Kissinger-Lê Đức Thọ. Bài viết này cố gắng phân tích sự kiện chính trị-văn hoá-xã hội liên hệ từ thế đứng của một người Việt Nam tỵ nạn cộng sản.
Nobel Hoà bình 2015 và Bộ bốn Tunisie

Ngày thứ sáu 09.10, Ủy ban Phát giải Nobel ở Oslo trao giải Nobel Hoà bình năm nay cho bốn tổ chức chính trị-xã hội Tunisie : UGTT (Union Générale Tunisienne du Travail, Tổng Liên Hiệp Lao động Tunisie), LTDH (Ligue Tunisienne des Droits de l'Homme, Hiệp hội Nhân quyền Tunisie), UTICA (Union Tunisienne de l'Industrie, du Commerce et de l'Artisanat; Liên Hội Kỹ nghệ, Thương mại và Thủ công Tunisie) và Luật sư đoàn Tunisie. UGTT xem như Tổng Công đoàn Tunisie và UTICA xem như Hiệp hội Chủ nhân Tunisie.
Thành tích của bốn tổ chức nhận giải là tạo điều kiện đối thoại giữa những thành phần khác chính kiến, chống lại bạo lực và khủng bố.
Tháng 12.2010, Mohamed Bouazizi, một tiểu thương buôn bán rau cải và hoa quả, tự thiêu ở thị xã Sidi Bouzid để phản đối chính quyền độc tài Ben Ali. Ngọn lửa châm ngòi cho cách mạng Tunisie bùng nổ để rồi cháy lan sang các quốc gia lân bang, tạo thành Mùa xuân Ả rập. Thoạt tiên là lãnh tụ độc tài ở Tunis, rồi đến ở Kairo và cuối cùng ở Tripolis bị lật nhào. Các thành viên trẻ của Nghiệp đoàn UGTT – UGTT được tổ chức rất chặt chẽ và được phân phối rất qui mô trên toàn quốc – là động lực chủ yếu của phong trào nổi dậy. Kết quả là vào tháng 01.2011, Tổng thống Ben Ali phải đào thoát ra nước ngoài sau 23 năm cầm quyền. Nhưng cục diện sau đó càng ngày càng tồi tệ vì chính phủ lâm thời mới thành lập qua bầu cử tự do vào tháng 10.2011 không tạo được đoàn kết dân tộc. Tháng 01.2012 bắt đầu có biểu tình tuần hành nhằm phản đối nhiều điều nhưng nhất là chống tình trạng kinh tế suy sụp. Tháng 02.2013, lãnh tụ đối lập Chokri Belaid bị bắn tử thương. Trong vòng hai tháng, lãnh tụ thứ hai, Mohamed Brahmi, một chính trị gia thiên tả, bị thanh toán. Tunisie lâm vào khủng hoảng toàn quốc.
Mùa hè 2013, tập hợp bốn tổ chức chủ trương Đối thoại Dân tộc ra đời, qui tụ các công đoàn, các chủ nhân, hiệp hội nhân quyền và giới luật sư. Bộ bốn này đạt được thành công lớn khi tạo cơ hội cho chính quyền và phe đối lập cùng với họ ngồi vào bàn hội nghị để tìm lối thoát cho tình huống hỗn loạn. Nội dung tranh cãi xoay quanh các khái niệm Dân chủ, quyền Công dân, Bình quyền và vai trò của Islam trong cộng đồng dân tộc và trong guồng máy quốc gia.
Cộng đồng lưu vong Tunisie
Tunisie cũng có một cộng đồng lưu vong như Việt Nam và nó cũng phân bố khắp thế giới, nhưng đông đúc nhất là ở Pháp vì Tunisie – lại vẫn giống Việt Nam – vốn là đất bảo hộ cũ của Pháp. Hơn sáu trăm ngàn người Tunisie hiện định cư tại Pháp còn trên khắp thế giới thì có trên một triệu hai trăm ngàn người. Chủ yếu họ thuộc hai thành phần : lực lượng di dân lao động tương đối trẻ trung và tập hợp các nhà tranh đấu chính trị tương đối lớn tuổi. Tuy khác nhau về gốc nguồn và địa vị nhưng người Tunisie sinh sống tha phương tại Pháp vẫn có chung một tiếng nói đối kháng bị đàn áp. Cách đây 34 năm, ATF ra đời. ATF là viết tắt ba chữ Association des Tunisiens en France, Liên Hiệp người Tunisie ở Pháp. Đứng đầu Liên Hiệp hiện nay là Mohamed Lakhdar Ellala, một chính trị gia hoạt động tích cực và bền bỉ từ đầu thập niên 60. Các thành phần đối lập lưu vong từng bị Cha già Độc lập Habib Bourguiba và Tổng thống bị truất phế Ben Ali hành hạ ngược đãi đủ đường, từ tịch thu giấy thông hành đến tống giam cách ly, không cho liên lạc với gia đình hằng hai chục năm. Sau cách mạng 2011 tước quyền Ben Ali, tiếng nói của diaspora Tunisie vẫn kiên trì vang lên mạnh mẽ và chăm chỉ, cảnh giác tai hoạ salafiste và biện pháp bắt giữ đối lập. Diaspora Tunisie đã xem giải Nobel như một đại lễ vinh danh thiên tài Tunisie.
Chiến lược đấu tranh của Tunisie
Tunisie bị Pháp bảo hộ năm 1881. Du kích chiến chống thực dân bùng nổ từ năm 1952 nhưng đến năm 1954 Tổng thống Pierre Mendès-France đã cho quốc gia này tự trị nội bộ và độc lập được trao trả năm 1956.
Cộng đồng lưu vong Tunisie hình thành qua chống đối những thể chế độc tài bản xứ. Nó tương đối thống nhất. Ngoài ra, các thành phần khác chính kiến quốc nội chọn quê hương làm địa bàn hoạt động. Dẫu là di dân hay tỵ nạn, dẫu là công nhân hay trí thức, họ đều cùng có một uớc vọng là xây dựng đất nước dân chủ, bình đẳng, phú cường. Họ phối hợp hành động trên cùng một chiến tuyến. Phương châm và kế hoạch có tính chất toàn cục được minh định rõ rệt. Mục tiêu chủ yếu được xác định rõ ràng và sự sắp xếp các lực lượng đấu tranh xã hội-chính trị cũng dần dà tiến được đến mức khá hợp lý.
Phía chính phủ dân cử trung ương thì biết cách hành xử có phần tự chế và biết lắng nghe tiếng nói đối lập. Bộ bốn nhận giải Nobel Hoà bình năm nay chủ động giữ vai trò chất xúc tác và chất keo gắn. Khởi đầu từ năm 2013, do Công đoàn UGTT thúc đẩy và được giới chủ nhân, giới luật sư và hiệp hội nhân quyền tiếp trợ, quá trình đối thoại trực tiếp đưa đất nước ra khỏi tình trạng phân liệt chính trị, chữa cho quốc gia khỏi bệnh bại liệt cơ chế qua bắt buộc giai cấp islamite cầm quyền phải nói chuyện xây dựng với tập thể chống báng.
Đối thoại thay vì Bạo lực là con đường Tunisie định đi tiếp trong tương lai. Đó là toa thuốc cải tổ chính trị. “Đó là sinh lộ thoả thuận“, theo lời Tổng thống tại chức Béji Caid Essebi khi tiếp nhận tin mừng về Giải Nobel Hoà bình.
*
Tunisie rất khác Việt Nam

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEif1-lHalXdqgcCytB99PmQo9dwCeZxdQNxE-wxB4LhxD2gLHZ-uJvQi0OWDXx7fUSDjbHnQi013I-XOLc1sF1cWqv4xsew-k3zZHGQxh_5EPPQvIwcVnyymX5z_rEbTinxBp3ZfNxLpjQ/s1600/Vao+sinh+ra+tu+.jpg
Tunisie chỉ chống Pháp có hai ba năm thì giành được độc lập. Không có đồng minh nào đứng sau lưng để cung cấp B40 hay Mig 21. Không có chủ thuyết chính trị ngoại lai nào được áp dụng.
Chế độ độc tài toàn trị hậu thực dân bị thanh toán qua một quá trình đấu tranh gian khổ và kiên cường, khởi thủy của một mùa cách mạng toàn vùng bắc Phi để rồi cuối cùng một chính phủ dân cử ra đời, một chính phủ biết chấp nhận đối lập và biết lắng nghe tiếng nói khác chính kiến.
Cộng đồng lưu vong Tunisie ước chừng đông bằng nửa cộng đồng tỵ nạn Việt Nam. Nó hợp tác với phong trào đối kháng quốc nội qua một chiến lược nhất quán. Nó có những lãnh tụ được tập thể tín nhiệm. Cho nên tiến trình dấn thân của bộ bốn Tunisie tuy chỉ kéo dài mới có hai năm mà đã được quốc tế đánh giá cao, mà có lẽ tuyệt đỉnh của sự đánh giá này là giải Nobel Hoà bình 2015.
Ủy ban phát giải nhấn mạnh Tunisie đã đi qua một đoạn đường thương khó gian truân để trở thành quốc gia duy nhất trong khối Mùa xuân Ả rập xây dựng thành công nền dân chủ. Ủy ban bày tỏ niềm hoài vọng rằng Tunisie sẽ tạo can trường cho các quốc gia khác. Ủy ban không nói ra nhưng không ai là không hiểu rằng trong số những quốc gia bất hạnh có Việt Nam. 
 BS.Trần Văn Tích
14.10.2015

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.