Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Saturday 22 November 2014

Những Linh Hồn Bị Lãng Quên (Forgotten Souls)

            
knast (Small) 
Bắt đầu vào tháng mười một, trời bên ngoài trở lạnh, không khí oi bức của mùa hè đã đi xa, còn lại chăng trước mặt những hình ảnh nơi phố chợ trưng bày hàng hoá chuẩn bị mùa lễ Tạ Ơn, Giáng sinh, rồi Tết. Trong những dịp nầy, con người có cảm giác muốn quay về với gia đình, với tổ ấm, với người thân, với tình người, để chan đầy khoảng lòng còn lưng cạn, tâm tư còn loang lỗ, ước vọng vẫn chưa tròn.
Giữa lúc đó, có ít nhất trên hai (2) triệu người hiện đang sống dằn vật, sống trong khao khát, sống trong giấc mơ, hơn là một sự thật; mơ về một mái ấm gia đình, một cuộc sống bình thường, hay đúng hơn, ước vọng được tiếp tục cuộc sống làm người, người được sống tự do, không bị ràng buộc bởi bốn bức tường lạnh, không bị rào cản bởi lớp lớp hàng rào kẻm gai, có điếm canh, có lính ôm súng tuần tra, quan sát từng phút.
Người viết muốn nói đến những linh hồn bị lãng quên trong [khám, tù,] những linh hồn với trái tim còn nhịp, còn hơi thở, nhưng đang sống dằn vật, đau khổ, trăn trở, sám hối; sống với những giờ phút đền tội (punishment,) sống với những tháng ngày ăn năn hối lỗ. Nhưng, những linh hồn nầy còn biết hy vọng vào một ngày mai, quay về lại căn nhà cũ, hội nhập lại xã hội mà họ đã đánh rơi, tình người mà đã vô tình đánh mất.
Chuyện thăm tù:
Bên trong bốn bức tường của nhà tù, những tù nhân gồm đàn ông, đàn bà, hoặc ngay cả những trẻ em vị thành niên dường như bị xã hội khước từ, lãng quên, không muốn nhắc đến, không muốn gần gũi, không muốn quan hệ hay liên lạc.
May mắn thay, trong số những tù nhân nầy, có nhiều người vẫn còn may mắn được người thân bền bĩ, âm thầm lặng lội đi thăm. Họ là những người cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị em, hoặc người thân. Và lạ thay, lại cũng có hàng ngàn người từ khắp nơi trên đất Mỹ, họ không quan hệ gì với tù nhân, có thể chưa giờ nghe biết đến danh tánh, lý lịch, hoặc ngay đến lý do tại sao họ đang bị giam hãm trong khung trời khe thắt, xa lià khối xã hội khổng lồ 300 triệu người đang lặng yên sống trên đất Mỹ, lại đi thăm, thăm trong âm thầm, với cả một trái tim con người. Trong bài nầy, người viết xin cô đọng lại góc độ, cái nhìn, cảm giác, cảm tưởng, suy tư và kinh nghiệm của những người thăm tù, nhưng không một chút quan hệ mật thiết, máu mủ hoặc tình thân ha gia đình, đó là những [Tuyên Úy Khám-Tù-Jail-Prison Chaplain.]
Nhiều người tranh luận rằng, nhốt tù nhân không giúp cải thiện xã hội gì hết, không khác gì vất một cái TV hư vào gara, rồi ít lâu sau đem vô nhà sử dụng lại. Tù nhân phải được thay đổi từ bên trong ý thức, tâm thức, cỏi lòng của họ.
Vài thống kê nho nhỏ như, hiện nay tại California, có ít nhất trên 165 ngàn tù nhân, giam trong 32 trại tù, trên 93 phần trăm là đàn ông và 7 phàn trăm là đàn bà/phụ nữ; tuổi trung bình là 36. Mức học vấn trung bình là lớp 7. Trên 30 ngàn người mang bảng án chung thân và trên 600 người lãnh án tử hình. Không phải chỉ có những tiểu bang lớn như Texas, hoặc New York mới đối diện những khủng hoảng về nơi ăn chốn ở cho can phạm nhưng chính ngay tiểu bang California cũng đang trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng vì không đủ chỗ chứa, không có giường cho tù nhân nằm.
Trung bình mỗi trại tù tốn khoảng 250 triệu đô la và trên 3 năm để xây dựng. Cái khó là trên 60 phần trăm những người được trả tự do, lại bị bắt, nhốt lại; có thể là chỉ do vị phạm án treo, luật quản chế, hoặc lại phạm những tội mới.
Tuy nhiên, có những điểm đáng chú ý là đại đa số những người được tiếp tục hướng dẫn, thăm viếng, cố vấn bởi những vị tuyên úy của các tôn giáo, thì rất ít vi phạm hoặc bị bắt nhốt lại. Văn phòng tuyên úy của tiểu bang than rằng, với số lượng hơn 4,700 tuyên úy tù, vẫn không đủ.
Có những tù nhân mắc phải những chứng bệnh nan y, chờ chết, Hội Hospice, gồm những bác sĩ, y tá, tuyên uý, xã hội viên, những người thiện nguyện, chuyên viên giúp giãm đau, được phép đến để giúp những tù nhân sống những giây phút cuối một cách có nhân phẩm và bớt đau đớn.
Tuy các giáo phái Kitô giáo như công giáo, tin lành hoặc Do thái giáo, Hồi Giáo, Ấn độ giáo luôn có tuyên uý trong các trung tâm tạm giam hoặc tù; nhưng hiện nay cũng có vài trung tâm Phật giáo của Mỹ, như Lama Yehse Wisdom Archive (www.lamayeshe.com,) thường luôn trao đổi thư từ, tiếp tay giúp những ai muốn nhận được sách vở, kinh nguyện miễn phí bằng tiếng anh, để họ có thể tiếp tục sống theo tín ngưởng tâm linh riêng của ho.
Ngoài ra cũng còn một vài nơi luôn quan tâm đến tù nhân, như:
The Liberation Prison Project: http://www.liberationprisonproject.org, hoặc một nơi khác có trang web: http://www.thubtenchodron.org .
Linh mục Sandro Sprino đã tuyên bố: “Tại Mỹ, ngục tù là nơi nơi chứa những kẻ nghèo!” Theo ông, Mỹ là nước bỏ tù người dân nhiều hơn bất cứ quốc gia văn minh tiến bộ ngang hàng nào khác. Vì cứ mỗi 150 người dân thì đã có một (1) người ngồi tù (theo thống kê của Bộ Tư Pháp.) Nhiều nhà xã hội học đồng ý rằng rất nhiều người nghèo phải vương vấn vào tù đày, và họ bị mang án phạt hơn là được cải huấn và chuẩn bị cho họ được hội nhập lại vào xã hội mà họ đã bị tách rời, sống cô lập từ 5, 10, 15 năm hoặc lâu hơn nữa.
Những tuyên úy tù có gia đình, có con cái, thực là những người có kiến thức và kinh nghiệm về phương cách giúp tù nhân làm thế nào để gìn giữ gia đình, giáo dục và bảo vệ con cái, hơn là những vị chân tu, không biết gì đền bụi trần. Nhiều tù nhân nhìn người tuyên úy có gia đình, như là những người đóng vai trò làm cha, làm mẹ, là anh hoặc chị, em của họ. Nói thế không có nghĩa là khước từ khả năng và chức quyền về mọi nghi thức tôn giáo của họ. Chẳng hạn như bên công giáo, chí có linh mục mới được cử hành thánh lễ, cho xưng tội, hoặc các mục vụ hay bí tích tôn giáo khác.
Những tuyên úy chưa hoặc không được huấn luyện thì thường khó lấy được lòng tin của cán bộ tù. Ðương nhiên là những người nầy ít khi nào được phép vào thăm tù trong những khu tuyệt đối an ninh, những nơi tù nhân bị nhốt riêng, 23 giờ mỗi ngày.
Theo lời của nhiều tù nhân, chương trình tuyên úy tù là nơi duy nhất để tù nhân tìm sự ủi an. Không phải chỉ về phần hồn, thiêng liêng, nhưng cả về đời sống nội tâm, và lắm khi cả thể lý nữa. Chỉ những lúc nguyện cầu, là lúc tù nhân cảm thấy được bình yên, không bị đe doạ, trấn lột. Chỉ nơi nầy, họ tìm thấy chút hy vọng, và con đường phục thiện. Ðan cử như đến cuối năm nay, có rất nhiều ngàn tù nhân trong các trại tù liên bang và tiểu bang được trả tự do. Nhưng rồi trên 60 phần trăm lại va vào vòng phạm pháp, rồi lại trở vào tù. Chình vì thế, vấn đề tuyên úy là một nhu cầu rất cấp bách và thiết thực.
Thế nhưng, vì sự thiếu hụt của giáo hội công giáo Hoa kỳ, thành ra những linh mục quản xứ phải lo gánh vác các bí tích, những mục vụ nhu lo cho người bệnh, kẻ liệt, kẻ qua đời, người nghèo, những người vô gia cư, dân tỵ nạn, tín đồ, với những khủng hoảng tinh thần, thành ra mục vụ chăm sóc linh hồn cho người tù trở thành xa xí và hạ tầng của trật tự ưu tiên.
Lời tự tình của một vị tuyên úy:
Tại bệnh xá của trại giam của quận (county jail), trước mặt tôi là một người trẻ, trạt khoảng 40, tên Hải. Trông anh khoẻ, nhưng trên mặt và đầu có nhiều vết thẹo; và đáng chú ý nhất là chiếc áo tù rộng thùng thình để lộ vết khâu vá để lại cái thẹo thật to, kéo dài từ trên cổ xuống bụng. Anh nhìn tôi với ánh mắt mừng rở. Anh nói tứ tung, đủ chuyện. Chuyện anh giết vợ, anh tự tử, rồi được cứu sống! Sau vài câu hỏi thăm bâng quơ về tông tích và hoàn cảnh gia đình, anh chợt khựng lại, ngồi khép nép, liếc mắt về hướng một anh cai tù vừa đi băng qua và đang đứng cuối hành lang.
Hải nói: “Anh thấy không, anh chàng đó là con quỉ, anh ta có hai cái sừng!”
Vừa nói, Hải vừa đưa hai tay lên đầu với hai ngón tay thò lên như hai cái sừng mà anh muốn ra dấu chia sẻ với tôi. Ai đi qua lại, Hải cũng vẫy tay chào hỏi thân thiện. Ðang lúc trao đổi, nhưng Hải vẫn không để mắt ra khỏi anh chàng Mỹ đen đang nằm rên xiết trước mặt. Khi Hải thấy anh ta gượng đứng lên ngồi sang xe lăn, Hải đứng vọt lên đỡ anh chàng bệnh nhân kia một cách ân cần. Hải nói, “Không biết tại sao người ta bảo anh lên bệnh xá gặp bác sĩ. Có lẽ tại mấy người bị nhốt chung phòng thấy Hải bị hôn mê cả đêm này qua đên khác, la hét, vun tay chân đấm đá suốt đêm. Ban ngày lại ôm đầu la đau, chui vào phòng tắm cả chục lần mỗi ngày.”
Hải tiếp chuyện, “Suốt ngày em cãi lộn với ông ta, ổng cứ nói em luôn hồi, bảo em giết người, bảo em tự tử. . Ổng bảo, nếu em muốn gặp mặt vợ em, em phải tự tử. ..Nhưng em cãi với ông ta, em nói, tôi đã tự tử rồi, đâu có chết. .” Hải muốn nói về những tiếng nói trong đầu lúc nào Hải cũng nghe khi thức giấc.
Thoạt nhiên, Hải thốt lên: “Em thích máu chi lạ. Khi nào mà em thấy ai ra máu, bị chảy máu là thấy say mê, thấy phát thèm. . .!” Tôi nghe rợn người.
Rồi Hải tiếp, “Ở trong nầy chẳng biết nói chuyện với ai, suốt ngày nằm ngồi một mình; nếu anh có sách báo gì tiếng Việt, xin cho em vài cuốn để đọc, sách kinh Phật càng tốt. Khi nào anh mời giùm em một thầy thật cao tay ấn, giúp em đuổi con quỉ ở trong em. Nhớ kiếm thầy nào cao tay ấn mới được, lơ tơ mơ là không xong đâu! Em nói với bác sĩ rồi, thuốc chỉ làm em buồn ngủ thôi. Khi nào tĩnh, em lại phải cải lộn với ông ta!”
Hải tiếp tục nói nhiều lắm. Khi nhắc về đời sống thường nhật, Hải quá là người tài giỏi trong công việc sinh nhai. Nhưng khi biến vào cái ảo ảnh, cái hư cấu, cái cơn bệnh thần kinh đang hoành hành dữ dội chế ngự con người thể lý của Hải, anh ta không còn là con người bình thường. Bác sĩ viết toa yêu cầu tôi đi tìm cho Hải một Thầy chùa và nhiều sách kinh để giúp anh ta đối phó với cơn bệnh.
Tôi ra về mà lòng thấy xót xa. Xót xa vì không phải Hải là người Việt mang bệnh tâm thần đầu tiên tôi gặp trong khám, tù, nhưng là Hải không có một người thân, bạn bè, ngay cả đến những người trong cùng tôn giáo, người đồng hương Việt cũng lãng quyên anh luôn. Xót xa vì không ai giúp anh để trao đổi với bác sĩ hay luật sư.
Trước mặt tôi, Hải không phải là một can phạm, một tù nhân, một người đáng oán phạt; nhưng Hải chỉ là bệnh nhân, một tù nhân của chính xác thịt mình, mà bên trong chất chứa đầy ắp những cơn bệnh; bệnh về thể lý, bệnh về tinh thần, bệnh về tâm thần, và những chứng bệnh khác mà Hải không tự mình chuốc vào thân, không tự do chọn căn bệnh khủng khiếp để rồi gây tử vong chính người vợ mà Hải đã yêu thương, gây tổn thương đến những đứa con đang sống chìm trong khủng hoảng vừa mất mẹ, lại vừa bị tướt đoạt cha. Họ hàng nội ngoại chia lìa chẳng còn nhìn mặt nhau.
Tâm tình người viết: Trong các trung tâm tạm giữ củng như tù, có khá nhiều đồng hương Việt không may mắn nói được tiếng Anh, không thường xuyên có họ hàng, bạn hữu thăm viếng, không có ai chịu khó tình nguyện viết thư thăm hỏi, thành ra hình phạt đối với họ chồng chất nặng nề gấp trăm lần những tù nhân Mỹ.
Những tù nhân Việt nầy đã phạm luật của chính quyền Mỹ, hay có tội với đất trời, hoặc có thể đáng bị luận phạt bởi những thiệt hại cho nạn nhân mà họ đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra. Ðối với chúng ta, không phải là chính quyền, công tố viện, không phải là nạn nhân; nhưng là những người không ít thì nhiều vẫn còn cơ hội sống đạo, đi chùa, nhà thờ hoặc tự do sống đời tín ngưỡng tâm linh trong mọi hoàn cảnh tiện nghi. Ước gì chúng ta biết dành lại đôi phút suy tư về thân phận khốn cùng của những người mang giòng máu Việt. Họ không mong chờ gì nơi chúng ta, ngoài tình người, ngoài sự chia sẻ những viếng thăm hoặc san sẻ những sách báo, kinh kệ hoặc bất cứ những gì trong tầm tay để giúp họ cải thiên. Rồi một ngày mai đây, họ sẽ quay về lại nơi cộng đồng của chúng ta đang sống, họ sẽ trở thành những công dân có ý thức, có trách nhiệm, và biết hội nhập một cách xuôi thuận vào nhịp sống tha hương của những người cùng màu da, cùng văn hoá, cùng ngôn ngữ, cùng tôn giáo, và trên hết mọi sự, cùng khát vọng làm người như chúng ta.
 Bernard Nguyên Ðăng    

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.