Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Tuesday 8 April 2014

Từ buổi hoàng hôn của Đất nước đến buổi bình minh của Dân tộc Phần I

Từ buổi hoàng hôn của Đất nước đến buổi bình minh của Dân tộc
(30/4/1975-2014)


Phần I b: Bối cảnh nào đưa Miền Nam tự do đến chỗ sụp đổ?
BlackApril30.jpg
Trước khi hội nghị Genève năm 1954 khai mạc, trưởng đoàn HK là Ngoại trưởng HK Foster Dulles chỉ chú tâm vào việc thành lập Hiệp ước phòng thủ Đông Nam Á. Ông nhấn mạnh: “Đông Nam Á là vùng then chốt trong chiến lược của các cường quốc Tây phương, đòi hỏi một sự hợp tác và hành động chung, chớ không thể giao trong tay một cường quốc nào. Trong trường hợp Pháp và Trung Cộng đi đến một thỏa thuận chia cắt Đông Dương thì Minh ước phòng thủ Đông Nam Á sẽ được thành lập”. Dulles hy vọng tổ chức quân sự này sẽ ngăn chận được mưu đồ bành trướng của Trung Cộng, bảo vệ hòa bình và an ninh ở ĐNÁ, vì mục tiêu của Mỹ là tránh tham chiến ở đây.
Bộ trưởng ngoại giao các cường quốc tham dự Hội nghị Genève 1954 gồm 4 thành viên thường trực Hội đồng Bảo An LHQ (Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô) và Trung Cộng đã quyết định chấm dứt chiến tranh Đông Dương bằng cách chia cắt ảnh hưởng 3 nước Đông Dương để bảo vệ hòa bình thế giới. Việt Nam sở dĩ bị chia đôi, xuất phát từ mối xung đột Quốc Cộng đã tạo ra chiến tranh. Hai bên đều được sự hậu thuẩn và yểm trợ của hai khối thù nghịch: Cộng sản và Thế giới tự do. Còn hai nước láng gìềng Lào và Cam Bốt không có xung đột nội bộ, nên đứng ngoài ảnh hưởng của hai thế giới thù địch, ở thế trung lập.
Hội nghị Genève 1954 sẽ đi đến quyết định chia đôi VN, nên Ngoại trưởng Foster Dulles không trực tiếp tham dự hội nghị như ngoại trưởng các nước Anh Pháp, LX và TC. Trưởng phái đoàn Mỹ là Thứ trưởng ngoại giao -Đại tướng Bedell Smith. Khi hội nghị kết thúc, HK tuyên bố sẽ không ký tên vào bản Tuyên bố bế mạc hội nghị. Vì hòa bình thế giới, HK chấp nhận giải pháp ngừng bắn tức khắc, chấm dứt chiến sự, nhưng HK không chấp nhận giải pháp chia cắt chỉ có nhằm xoa dịu các cường quốc. HK chỉ bằng lòng phổ biến một Tuyên bố riêng xác định: “Cam kết tôn trọng những điều khoản của hiệp định, hứa sẽ không dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực để làm thay đổi thỏa ước. Về vấn đề tuyển cử tự do, HK cho rằng nếu sự chia cắt lãnh thổ phản lại ý nguyện của người dân bản xứ thì HK sẽ tìm kiếm sự thống nhất lãnh thổ qua một cuộc tuyển cử tự do do LHQ giám sát, nhằm bảo đảm cho người dân được hành xử quyền chọn lựa của mình một cách trung thực”.
Vì HK từ chối không ký tên, nên các phái đoàn đồng ý xóa bỏ vấn đề chữ ký, chỉ kể ra trên những dòng đầu của Bản tuyên bố cuối cùng danh sách các nước tham dự hội nghị.
Sau HĐ Genève 1954, HK thúc hối Pháp thực hiện lời cam kết rút khỏi Đông Dương, đồng thời triệu tập hội nghị Manila tháng 9/1954 thành lập Liên Phòng Đông Nam Á (SEATO) gồm 8 nước Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Hồi Quốc, Thái Lan và Phi Luật Tân; đặt MNVN, Lào và Cam Bốt vào khu vực bảo hộ của tổ chức quốc tế này. Sau đó, HK mới chính thức cam kết với Nam Việt Nam qua bức thư đề ngày 23/10/1954 của Tổng thống Eisenhower gởi Thủ tướng Ngô Đình Diệm HK xác định mục tiêu của Mỹ là: “Giúp MNVN bằng viện trợ để duy trì và phát triển một nhà nước tự do có sức sống mạnh, có khả năng chống trả lại những mưu toan khởi loạn hoặc xâm lược bằng vũ lực”.
Cuối năm 1960, CSVN triệu tập Đại hội Đảng lần III, phát động chiến tranh giải phóng Miền Nam để tăng cường phe xã hội chủ nghĩa. Từ đó HK mới chính thức gởi cố vấn quân sự đến giúp VNCH. Đến đầu năm 1965, các cán bộ CS Việt Minh tập kết ra miền Bắc đã trở về Nam cộng với sự chi viện mạnh của Hà Nội về người và vũ khí, lực lượng vũ trang của MTGPMN trở nên hùng hậu. Tại trận Bình Giả (Phước Tuy) từ cuối tháng 12/1964 đến đầu tháng Giêng 1965, một bộ phận thuộc Sư đoàn Công trường 9 Việt Cộng tấn công vào một khu vực được xem là hậu cứ an toàn của quân chính phủ, liên tiếp xa luân chiến với 7, 8 tiểu đoàn TQLC, Nhảy Dù và Biệt Động Quân được thiết giáp và phi pháo yểm trợ.
Đến thời điểm này, như nhận xét của một ký giả Mỹ “thì chỉ còn một khả năng có thể ngăn chận sự sụp đổ của chế độ Sàigòn…đó là sự can thiệp trực tiếp của các lực lượng quân sự Hoa Kỳ. Một cuộc chiến tranh lớn trên bộ và trên không của Mỹ ở Việt Nam không thể nào tránh được” (Neil Sheehan, A Bright Shinning Lie, Picador, London, 1990, P.382)
Để cứu VNCH đang bên bờ vực sụp đổ, tháng Ba 1965, Mỹ cho đổ bộ lên Đà Nẳng hai tiểu đoàn TQLC. Từ đó HK dùng hai gọng kềm: tăng quân vào MN và dội bom Miền Bắc để áp lực Hà Nội ngồi vào bàn đàm phán, tìm giải pháp kết thúc chiến tranh. Cuối cùng HK đạt được mục tiêu. Mỹ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gặp nhau tại hội nghị Paris từ 13/5/1968. Đến đầu năm 1969, hội nghị hai bên được mở rộng có sự tham dự của chính phủ hai bên miền Nam Việt Nam. Đó là VNCH và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa MNVN (MTGPMN). Trong hội nghị bốn bên ở Paris hồi giữa tháng 5/1969, Trưởng đoàn MTGP là Trần Bửu Kiếm đưa ra đề nghị: “Công việc nội bộ miền Nam sẽ do nhân dân MNVN quyết định, không có sự can thiệp từ ngoài”. Do đó, từ tháng 8/1969 bắt đầu rút quân khỏi VN theo một lịch trình sắp sẳn.
HK cũng yêu cầu Hà Nội rút quân của họ trở về Bắc, theo kế hoạch song phương đồng rút quân…Nhưng Lê Đức Thọ luôn khước từ. Ông lập luận rằng: quân Mỹ thì rút về Mỹ, còn quân VN trú đóng ở VN, chớ rút về đâu? Nếu HK không chấp nhận, cứ tiếp tục chiến tranh, VN sẽ trường kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Hà Nội không chấp nhận ‘công việc nội bộ MN sẽ do nhân dân MN quyết định” nên chủ trương “vừa đánh, vừa đàm”. Họ chờ khi HK rút gần hết quân, sẽ mở cuộc tổng tấn công để giành chiến thắng. Cuối tháng 3/1972 CSBV huy động 14 sư đoàn, 26 trung đoàn độc lập và trên 700 xe tăng mở cuộc tấn công qui mô trong thời điểm quân Mỹ rút đi gần hết và tại HK đang chuẩn bị cuộc bầu cử tổng thống mà khuynh hướng chủ hòa đang bao trùm trong dư luận.
Sáng ngày 30/3/1972, ba sư đoàn Cộng quân BV được 200 chiến xa và các đơn vị pháo 130 ly yểm trợ vượt vĩ tuyến 17 tiến về phía Nam khu phi quân sự. Trước áp lực quá mạnh của cộng quân, tướng Vũ Văn Giai, tư lịnh Sư đoàn 3 bộ binh rút bộ tư lịnh Sư đoàn từ căn cứ Ái Tử về Cổ thành Quảng Trị để tử thủ. Tại chiến trường trọng điểm bao quanh Sàigòn, cộng quân điều động 3 sư đoàn bộ binh được 2 trung đoàn chiến xa phối hợp với 4 trung đoàn pháo và nhiều đơn vị đặc công đánh chiếm quận lỵ Lộc Ninh ngày 7/4/1972. Sau đó chúng tiến theo Quốc lộ 13 bao vây An Lộc tỉnh lỵ Bình Long. Tại Cao nguyên, Cộng quân tấn công Dakto, tràn ngập Bộ chỉ huy tiền phương Sư đoàn 22 bộ binh ở Tân Cảnh. Tại Bình Định, 3 sư đoàn chủ lực Quân khu 5 CS chiếm 3 quận dọc miền duyên hải.
Cuộc tấn công mùa Hè 1972 là cơ hội giúp TT Nixon mở lại các cuộc oanh kích miền Bắc đã được TT Johnson ra lịnh đình chỉ từ cuối tháng 10/1969 để khai thông cuộc đàm phán 4 bên ở Paris. Ngày 8/5/1972 TT Nixon ra lịnh phong tỏa, rải mìn xuống các hải lộ đi vào các cảng của BV ở Hà Nội và Hải Phòng nhằm ngăn cản việc tiếp liệu bằng đường biển của các nước CS giúp Hà Nội.
Trước áp lực mạnh của HK để kết thúc chiến tranh và do thúc ép của Trung Cộng cộng với tình hình chính trị tại Mỹ cho thấy Nixon đang dẫn đầu hơn ứng cử viên bồ câu McGovern hơn 30% phiếu thăm dò, chắc chắn ông ta sẽ tái đắc cử vào ngày 7/11/1972…nên hành động tốt nhất đối với BV là chấp nhận đàm phán trước với chính quyền Nixon hơn là đợi đến kết quả bầu cử. Do đó cuộc mật đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ tiếp tục trở lại. Lần này Hà Nội tỏ ra hòa hoãn với những đề nghị tiến bộ hơn nhiều, họ không còn đòi loại bỏ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.
Trong cuộc mật đàm lần thứ 19 hồi giữa tháng 9/1972 lần đầu tiên BV đồng ý một cuộc ngưng bắn tại chỗ với một giải pháp chính trị cho MN. Họ nhấn mạnh đến “nguyên tắc giải quyết vấn đề nội bộ miền Nam VN là phải xuất phát từ tình hình thực tế có hai chính quyền và các lực lượng chính trị khác. Do đó cần thành lập ở MNVN một chính phủ hòa hợp dân tộc lâm thời gồm 3 thành phần ngang nhau để đảm đang mọi công việc trong thời gian quá độ để tổ chức tổng tuyển cử thực sự tự do dân chủ”. Ngày 8/10/1972 Hà Nội đưa ra bản dự thảo hiệp định, gần như họ đồng ý tất cả các đề nghị của HK. Bản dự thảo hiệp định được Kissinger thông qua.
Vấn đề duy nhất mà Hà Nội không nhượng bộ là việc rút quân của họ khỏi MN. Nixon rằng “HK không có cách nào bắt buộc BV phải nhượng bộ điểm này”. Theo ông “dù VNCH có xoay ngược được thế cờ, tái chiếm Quảng Trị và cố thủ Bình Long nhưng BV vẫn còn chiếm đóng nhiều khu vực rộng lớn ở MN dọc theo khu phi quân sự và trên vùng cao nguyên. Nếu đi đến hòa giải lại đòi BV phải cho không những lãnh thổ mà VNCH không thể giành lại được, thì BV sẽ chọn con đường thà đừng đi tới hoà giải còn hơn”. Để giải quyết vấn đề này, HK chỉ đòi Hà Nội hứa sẽ không đưa quân vào MN nữa. Đòi hỏi của HK được Hà Nội đồng ý, họ sẽ phục viên tại chỗ số quân này sau chiến tranh.
Theo lịch trình, ngày 18/10/1972 Kissinger sẽ mang bản dự thảo hiệp định sang Sàigòn để tham khảo với chính phủ VNCH. Sau khi được Sàigòn chấp nhận, HK và BV sẽ phê chuẩn hiệp định. Sau 5 ngày không thuyết phục được Sàigòn vì TT Thiệu đòi thay đổi 69 điểm, sau bớt lại còn 23 điểm trong bản dự thảo. Kissinger gởi điện báo cho TT Phạm Văn Đồng là ông ta không thể đến Hà Nội vào cuối tháng 10/1972 để phê chuẩn hiệp định. Một số điểm trong bản dự thảo được sửa đổi theo yêu cầu của TT Thiệu, nhưng sau đó Hà Nội lại ngưng họp, HK phải dùng B52 oanh tạc Hải Phòng, Hà Nội 12 ngày đêm trong mùa Giáng sinh 1972. Hà Nội trở lại bàn phán và ký kết HĐ Paris ngày 27/1/1973.
Như đã trình bày ở trên, mục tiêu của HK là ngăn chận mưu đồ bành trướng của TC ở ĐNÁ. Nhờ chiến tranh VN, vào đầu thập niên 1970 HK đã hình thành xong vòng đai bao quanh TQ. Ngoại trừ Nhật, Singapore, Mã Lai, Úc và Tân Tây Lan vốn là đồng minh hay thân hữu của Mỹ các nước còn lại đều do các tướng lãnh thân Mỹ lãnh đạo như Đại Hàn (Trung tướng Pak Chung Hee), Đài Loan (Thống chế Tưởng Giới Thạch), Phi Luật Tân (Đại tướng Ferdinand Markos), Nam Dương (Đại tướng Suharto), Cam Bốt (Đại tướng Lon Nol) Thái Lan (Thống chế Kittykachorn) Việt Nam (Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu).
Tuy đã bao vây TC, song HK vẫn tìm cách nâng cao uy thế chính trị quốc gia này trên chính trường quốc tế. HK không dùng quyền phủ quyết giúp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gia nhập LHQ và trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo An (1971). Nhờ đó, cuối tháng Hai 1972 Nixon đến Bắc Kinh gặp Mao Trạch Đông và sau đó đến LX gặp Breznhev vào tháng 5/1972. HK đã mặc nhiên thừa nhận Bắc Kinh như là lãnh tụ Thế giới thứ ba mà Mao thường tự nhận, tạo thế “Ba chân vạc” để bảo vệ hòa bình thế giới. Từ tháng 6/1972 Kissinger đến Bắc Kinh thuyết phục TT Chu Ân Lai tán đồng HĐ Paris 1973 và áp lực Hà Nội ký kết.
TQ sẳn sàng giúp Mỹ kết thúc chiến tranh VN, vì điều này phù hợp với lợi ích của TQ. Chiến tranh VN chấm dứt, HK rút khỏi ĐNÁ. Và HĐ Paris 1973 sẽ dẫn đến một miền Nam VN trung lập như Lào và Cam Bốt. Như vậy mưu đồ của Lê Duẩn bành trướng ảnh hưởng của LX ở ĐNÁ sẽ bị phá sản.
TQ không mong muốn gì hơn, khi chiến tranh VN chấm dứt, ĐNÁ trung lập, không bị ảnh hưởng của HK lẫn LX. Sau khi HĐ Paris 1973 được ký kết, tháng 6/ 1973 đích thân Chu Ân Lai đến Hà Nội khuyến cáo VN nên thư giản, để MNVN, Lào và Kampuchia được hòa bình và trung lập trong một thời gian dài. Lê Duẩn trả lời “đây là âm mưu của Mỹ, như vậy đồng chí đã phản bội chúng tôi, nhưng chúng tôi không sợ, chúng tôi sẽ giải phóng miền Nam và thống nhất VN”.
Biết được ý định của Hà Nội trong khi Quốc hội Mỹ ngày càng giảm viện trợ cho VNCH để áp lực TT Thiệu thi hành hiệp định Paris, nhưng ông Thiệu sẽ không bao giờ thi hành. Theo chiều hướng này, Hà Nội sẽ chiến thắng.và LX sẽ chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa để khống chế biển Đông. Đó là nguy cơ lớn đối với TQ khi HK rút khỏi ĐNÁ. Vì thế TQ ra tay trước, tháng Giêng 1974 họ đánh chiếm Hoàng Sa.
Về phần HK, dù biết CSVN quyết tâm thôn tính MNVN, song chính quyền Nixon vẫn còn cố gắng giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình. Ngày 20/2/1974 Kissinger lại sang Paris gặp gỡ Lê Đức Thọ. Trong cuộc mật đàm lần này có sự hiện diện của Martin Đại sứ Mỹ ở Sàigòn, Kissinger yêu cầu Hà Nội hợp tác với Mỹ thúc đẩy hai bên MNVN ngồi lại với nhau. Ông đề nghị bước đầu Việt Cộng hãy ngưng bắn ở vùng 3 và 4. VNCH sẽ công nhận Việt Cộng kiểm soát ở vùng 1 và 2. Ý ông muốn nói ở hai vùng này Việt Cộng kiểm soát được nhiều đất thì sẽ nhường cho VC, chỉ trừ Huế và Đà Nẳng.
Trở lại Sàigòn, đại sứ Martin thúc hối TT Thiệu thành lập Hội đồng Quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc và thừa nhận việc phân chia lãnh thổ mà Kissinger đã đề nghị với Lê Đức Thọ. Ngoài ra được sự đồng ý của Tòa Bạch Ốc, Martin nhờ đại sứ Ba Lan trong Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát ngưng bắn chuyển đến Hà Nội một điệp văn, kêu gọi giới lãnh đạo BV hưởng ứng đề nghị của Kissinger để chấm dứt cuộc chiến ở Miền Nam VN. (Nguyễn Khắc Ngữ, Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, Nhóm nghiên cứu Sử Địa Việt Nam xuất bản, Gia Nã Đại, 1979, Tr. 161/2)
Việc rút bỏ Vùng 1 và 2 của TT Thiệu hồi giữa tháng 3/1975 nếu đáp ứng kế hoạch trên của HK, có thể lịch sử đã chuyển sang một hướng khác tốt đẹp hơn cho dân tộc. Nhưng vì “lập trường bốn không” (không thừa nhận cộng sản, không trung lập hóa miền Nam, không lập chính phủ liên hiệp, không nhượng đất cho cộng sản) vào giờ phút chót, TT Thiệu tìm cách “trả đũa” hành động phản bội đồng minh của Mỹ.
Từ 1968, HK đã công nhận MTGPMN, dàn xếp để VNCH ngang hàng với MTGP tại hội nghị Paris và La Celle Saint Cloud, và nay đề nghị VNCH nhường cho Mặt trận vùng 1 và 2 để tiến tới thành lập chính phủ liên hiệp và trung lập hóa Miền Nam. Vì thế, TT Thiệu chống lại đề nghị hòa bình của Mỹ, không giao một nữa lãnh thổ miền Nam cho Mặt trận GP, mà để cho CSBV thôn tính. Rồi ông trách khéo Mỹ: “viện trợ nhiều thì giữ nhiều, viện trợ ít thì giữ ít”. Sau đó, đến lượt Lê Duẩn “thách thức” đàn anh Chu Ân Lai “chúng tôi không sợ, chúng tôi sẽ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Hậu quả là hoàng hôn ảm đạm phủ trùm lên đất nước. Sau ngày 30/4/1975, trong cảnh màn đêm đen tối, những người ưu tư đến tiền đồ dân tộc luôn trăn trở vì vận nước. Không ngũ được vì mãi luận suy về lẽ thắng bại và sự tồn vong của đất nước, mới thấy đêm dài. Gần 40 năm sau, ánh bình minh ló dạng khi đồng bào và giới lãnh đạo ý thức được quyền lợi tối thượng của Dân tộc.
Lê Quế Lâm
Xin quý thân hữu đón đọc bài kế tiếp (11/4) “Từ buổi hoàng hôn của Đất nước đến buổi bình minh của Dân tộc (30/4/1975-2014) Phần II: Thắng Và Bại. Tiểu mục A: HK phản bội hay giúp đồng minh chiến thắng trong hòa bình? 

 Lê Quế Lâm

 (Tiếp theo và hết)
http://www.ukdautranh.com/2014/04/tu-buoi-hoang-hon-cua-at-nuoc-en-buoi.html

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.