Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Wednesday 30 April 2014

Ngày Tri ân thương phế binh: “Chúng tôi không bị bỏ quên”




Ngày Tri ân thương phế binh: “Chúng tôi không bị bỏ quên”


VRNs (28.4.2014) – Sài Gòn - Vào lúc 8 giờ, ngày 28.04.2014, Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Tu viện DCCT Sài Gòn (38 Kỳ Đồng, Quận 3 – Sài Gòn) đã tổ chức ngày “Tri Ân Quý Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa” cho khoảng 440 (danh sách chính thức 421) thương phế binh (TPB) VNCH.

Ngoài hơn 400 thương phế binh, buổi tri ân còn có sự hiện diện của cha Giám tỉnh Vinh Sơn Phạm Trung Thành, cha Giuse Hồ Đắc Tâm, Bề trên và Chánh xứ Gx. Đức Mẹ HCG Sài Gòn, Quý vị Chức sắc trong Hội đồng liên tôn, người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu và những người yêu mến Công lý và Hòa bình…

Khai mạc ngày tri ân, cha Giám tỉnh Vinh Sơn Phạm Trung Thành chia sẻ: “Quý TPB đã lớn lên trong chiến tranh và bị mất mát rất nhiều trong thời chiến. Những người bạn của tôi đã nằm xuống hoặc có những người bạn cũng khuyết tật như các anh. Gần 40 năm qua không phải chúng ta quên nhau nhưng hoàn cảnh đã không cho chúng ta có thể được gặp nhau. Người ta bảo rằng, tuổi chúng mình hay nghĩ về quá khứ, điều này không sai. Tất cả những gì của quá khứ, tuổi trẻ, đau thương, mất mát luôn ở mãi trong tâm hồn và trong cuộc đời mỗi người. Nhưng ngày hôm nay, Giáo hội Công giáo mừng ngày Đại lễ Chúa Phục Sinh, Chúa Giêsu đã đi qua đau khổ và cái chết, và Chúa đã phục sinh. Nơi thân xác Phục sinh của Chúa vẫn còn đó những dấu đinh, những vết hằn của đau khổ nhưng Ngài đã Phục sinh và mang niềm vui, niềm hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu đến cho nhân loại. Chúng tôi tổ chức ngày Đại lễ Phục sinh này như muốn chuyển đến các anh sứ điệp ấy. Chúng ta không thể xóa những ký ức của mình, nhưng hôm nay chúng ta gặp nhau trong niềm vui, hạnh phúc và bình an.”


Nhiều ông thương phế binh có mặt từ rất sớm


Tình nguyện viên giúp đỡ quý ông từ khu vực để xe vào trong sân tham dự Ngày tri ân


Khu vực sân Hiệp nhất, quý ông ngồi uống nước, trao đổi với nhau về kỷ niệm xưa


Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành chia sẻ với quý ông thương phế binh

Trong suốt 40 năm qua, quý TPB VNCH đã sống trong sự đau khổ và trong sự lãng quên, dĩ nhiên không phải tất cả mọi người nhưng một ít nào đó trong xã hội đã lãng quên họ. Dù bối cảnh xã hội này thế nào đi chăng nữa, thì tự đáy lòng họ rất tự hào là quân lực VNCH. Ông Tâm xúc động: “Tôi là TBP VNCH. Ba mươi mấy năm chúng tôi sống bên lề xã hội, nay được Dòng Chúa Cứu Thế và các ân nhân giúp cho chúng tôi hội tụ được gặp gỡ nhau. Tôi rất cảm động vì không ai nhớ chúng tôi mà quý vị lại nhớ đến chúng tôi, [vì thế] chúng tôi không bị bỏ quên. Tôi mong nhà nước đừng phân biệt [đối xử chúng tôi] và hãy nhớ rằng chúng tôi đã hy sinh một phần thân thể cho đất nước này. Tôi tự hào là một người lính VNCH.”

Suốt hơn 40 năm, Quý TPB sống trong sự què quặn, đui mù… nhưng họ vẫn vươn lên, để tiếp tục sống, không phải sống trong những ngày tháng dài đằng đẵng vô nghĩa nhưng họ đã xây dựng cho chính bản thân, cho gia đình họ trong những công việc hằng ngày như bán vé số, chạy xe ôm… để tìm kiếm mưu sinh. Một ý chí, một nghị lực sống trong một xã hội tưởng chừng như bị bỏ quên.

Điều này làm cho ông JB Nguyễn Hữu Cầu, người tù thế kỷ nhận định rằng, những ngày tháng ông sống trong tù không đáng gì so với những ngày tháng bạn bè ông, Quý TPB què quặn ấy đã bươn trải ngoài xã hội và ông khẳng định, họ không ăn bám xã hội. Ông JB Nguyễn Hữu Cầu nghẹn ngào nói: “Tôi ở tù 32 năm và 5 năm cải tạo. Sự nhục nhằn khốn khổ của tôi đôi khi tôi thấy nó lớn lao lắm. Bạn bè của tôi đã mất một phần thân thể hoặc vĩnh viễn thì ba mươi mấy năm tù của tôi mà thân xác tôi còn lằn lặn, thì so với mấy anh tôi là đàn thấp, đàn dưới vì những sự hy sinh của các anh. Chúng ta phải gạt bỏ tất cả để đến với nhau. Và chúng ta là những người còn sống ở hai phía phải kính phục những người TPB bất kể Miền Bắc hay Miền Nam vì họ đã bỏ thân xác vì đất nước này, nên chúng ta không được phân biệt đó là lính cộng sản hay lính quốc gia gì hết. Những người bạn của tôi bị cụt chân hay cụt tay không có ăn bám xã hội và đã đi bán từng tờ vé số, không tham ô tham nhũng… Dù cụt chân cụt tay nhưng những người bạn TPB của tôi vẫn ngẩng mắt nhìn trời vì tin có Đấng thiêng liêng phù hộ cho họ nên họ vững chắc [để] sống.”

Dù Quý TPB bị què quặn về thân xác nhưng các ông vẫn bước đi những bước chân hết sức vững chãi. Giọng nói của các ông vẫn dõng dạc và sang sảng khi cha Antôn Lê Ngọc Thanh mời từng người giới thiệu về tên, số quân, số KBC, binh chủng, trận đánh bị thương ngày tháng năm… Những chất giọng đầy cương quyết ấy khẳng định họ đã theo đuổi một lý tưởng đẹp phục vụ cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Ngài Chánh sự Kim Lân, thuộc đạo Cao Đài chân truyền tòa thánh Tây Ninh nhấn mạnh đến công lao hy sinh của Quý TPB VNCH. Ngài Chánh Trị Sự Kim Lân nói: “Sự hy sinh của quý ông TPB không bao giờ quên lãng trong quá khứ. Sự hy sinh này sẽ còn tồn tại mãi với thời gian. Vì đó là sự hy sinh chánh nghĩa [được] đặt trên nền tảng nhân bản, công lý và tinh thần cao thượng. Sự hy sinh của quý ông cho đất nước, cho dân tộc sẽ được lịch sử tôn vinh, vinh danh và sẽ đặt trong một vị trí xứng đáng trong lòng dân tộc VN.”

Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa tiếp lời: “Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã mấy ngàn năm. Dầu ở chế độ nào chúng ta cũng phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn vì đã thấm nhuần trong truyền thống đạo đức của dân tộc, và biết quý trọng bậc đàn anh, chú bác đã hy sinh một phần xương máu để gìn giữ đất nước cho dân tộc, cho Tổ Quốc.”

Trong tâm tình đó, ông Vũ Văn Phi từ Lâm Đồng vào Sài Gòn tham dự ngày Tri ân Quý TPB, ước ao: “Sau 39 năm, tôi ước ao nhà nước đừng chia rẽ lính VNCH và bộ đội vì chúng ta là công dân VN.”

Cha Giuse Hồ Đắc Tâm, Bề trên và Chánh xứ Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bộc bạch: “Chúng tôi tổ chức [buổi kỷ niệm này] làm cho nhiều người không thích. Họ chính trị hóa việc bác ái, lòng chia sẻ này nhưng chúng tôi không ngại và không sợ bị hiểu lầm, vì tôn chỉ của Dòng Chúa Cứu Thế là loan báo Tin mừng cho người nghèo, người bị bỏ rơi và loại trừ. Chúng tôi nghĩ, Quý TPB là những người đã bị bỏ rơi và bị loại trừ trong suốt gần 40 năm qua, bị bỏ rơi về mọi phương diện nên chúng tôi có bổn phận loan báo Tin Mừng, đem niềm vui, niềm an ủi đến cho quý TPB. Chúng tôi chỉ có tấm lòng, còn việc đóng góp của những người có lòng hảo tâm quan tâm đến số phận của quý TPB.”


Cha Giuse Hồ Đắc Tâm, Bề trên Tu viện, kiêm chánh xứ Gx. Đức Mẹ HCG Sài Gòn ngồi cùng với một số chức sắc tôn giáo bạn


Một cộng tác viên đeo huy hiệu với dòng chữ “Tri ân quý ông thương phế binh 2014″ cho một thương phế binh


Nhóm Thánh kinh cầu nguyện góp vui tiết mục văn nghệ

Trước khi tổ chức ngày kỷ niệm này, BTC rất lo lắng cho phần quà của mỗi người, những người đi xa sẽ hỗ trợ, cách tiếp đón ra sao… Cha Giuse Đinh Hữu Thoại, Chánh văn phòng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN, và là Ban tổ chức cho hay: “Kinh nghiệm năm ngoái, BTC đón nhận hơn 100 TPB nên năm nay ước chừng con số tiếp nhận sẽ hơn khoảng hơn 200. Nhưng chỉ trong vòng ghi danh từ ngày 15 – 22.04 thì con số bất ngờ lên đến 421 vị TPB. Chúng tôi khá lúng túng trong vấn đề kinh phí dự trù nên chúng tôi tiếp tục kêu gọi từ nguồn đóng góp hảo tâm của tất cả anh chị em sống ở VN và ở Hải ngoại. Chỉ một vài ngày sau, không ngờ sự quảng đại của quý vị ân nhân đã đáp ứng [được kinh phí] cho vấn đề tổ chức. Có thể nói ngày hôm nay, ngoài 422 vị ghi danh chính thức, còn có thêm 1o vị đến sau ghi danh chậm, do đó tổng cộng khoảng 423 vị. Mỗi quý thương phế binh có phần quà trị giá 1.000.000 VNĐ, những vị ở quá xa BTC sẽ hỗ trợ thêm một phần chi phí di chuyển. Tạ Ơn Chúa.”

Cha Giám tỉnh thốt lên: “Điều kỳ diệu đó do Chúa và Đức Mẹ phù hộ và lo lắng cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ biết cộng tác với ơn của Chúa. Chính Chúa đã dùng chúng tôi, để trao ban những món quà của Chúa cho anh em.”

Về khâu tiếp tân có hơn 60 các anh chị từ các Hội đoàn trong Giáo hội cũng như xã hội đảm nhiệm. Thời tiết ở Sài Gòn rất oi bức nhưng các anh chị rất quảng đại đã đến rất sớm để phục vụ mặc cho những giọt mồ hôi nhễ nhãi trên khuôn mặt. Mọi người trong ban tiếp tân không phải là những người chuyên nghiệp nhưng họ đã làm rất tốt và nhiệt tình. Tất cả mọi người trong BTC đã đón tiếp Quý TPB trong bầu khí trân quý, kính trọng, tôn trọng và trong tình yêu thương nên họ rất bình an và vui tươi… cho dù họ di chuyển đi lại rất khó khăn.

Niềm vui mừng ấy được Ông Lê Bững bày tỏ: “Sau thời gian bị thương ở chiến trường ở Quảng trị năm 1972. Đến năm 1975 đất nước xảy ra biến cố và cho đến ngày hôm nay đã 39 năm, nhưng đến hôm nay, tại Dòng Chúa Cứu Thế, anh em chúng tôi mới được nhắc đến và được thương yêu. Ngày hôm nay, tôi xin nhận nơi đây một sự kiêu hãnh và vinh dự trong buổi tri ân này.”

Chúng tôi quan sát thấy, nhiều Quý TPB hớn hở vui mừng vì họ nhận ra cùng đơn vị với nhau, ngồi cùng nhau và hàn huyên.

Trong phần giao lưu văn nghệ, các anh chị trong ban tiếp tân đã góp vui những bài hát như Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Việt Nam! Việt Nam!… Đặc biệt ông JB Nguyễn Hữu Cầu tặng cho Quý TPB bài hát “Bỏ quên thân xác” do ông sáng tác từ nhà tù khi nghĩ về Quý TPB VNCH.

Trước khi kết thúc ngày tri ân, BTC tiếp đón 2 nhân viên của Văn phòng Caritas Tổng Giáo phận Sài Gòn, và họ cho biết, Văn phòng có nhã ý hỗ trợ lắp chân giả miễn phí cho Quý ông TPB nào có nhu cầu.

Kết thúc ngày tri ân, cha Antôn Lê Ngọc Thanh đánh giá: “Mọi sự tốt sự rất tốt đẹp. Cám ơn Chúa vì sự quảng đại của Thiên Chúa lớn hơn sự lo lắng của con người. Những đóng góp của quý vị ân nhân ở xa cũng như ở trong đất nước VN đã làm cho buổi gặp mặt được thành công mỹ mãn. Mọi người rất vui. Điều chúng tôi ghi nhận được trong buổi này, thứ nhất, chính là Quý TPB được gần nhau hơn và, họ nhận ra họ được yêu thương và không bị bỏ rơi. Họ rất xúc động và muốn điều này được tiếp tục. Cha Chánh xứ Hồ Đắc Tâm đã hứa nếu không có gì trục trặc thì giờ này năm sau sẽ được tổ chức. Thứ hai, hơn 60 anh chị em trẻ như No-U, Văn phòng Công lý và Hòa bình, Giêsu yêu bạn… rất nhiệt tình, mỗi người một việc để công việc được trọn vẹn. Điều thứ ba, chúng tôi nhận thấy sự đóng góp của người Việt trong nước cũng khá, tuy chưa được một nửa của chương trình nhưng điều này cho thấy người Việt ở trong nước đã bắt đầu quan tâm tích cực đến các vấn đề xã hội. Và như cha Hồ Đắc Tâm nói, đây là một hoạt động nhắm đến người nghèo bị bỏ rơi hơn trong suốt gần 40 năm qua. Bây giờ chúng ta làm công việc này, còn ai ghép chúng ta làm chính trị chính em thì đó là của họ.”

Ông Hoàng văn Phong cám ơn: “Đây là dịp anh em lính VNCH chúng tôi có dịp quy tụ lại với nhau. Chúng tôi chân thành cảm ơn Quý cha DCCT và các mạnh thường quân đã cho chúng tôi buổi giao lưu rất là ý nghĩa này. Trong cuộc chiến nào cũng có thương tật dù là lính VNCH hay lính Cộng sản trong một thời cuộc bị chia đôi đất nước. Mong muốn chính quyền này đừng phân biệt [đối xử] chúng tôi bởi vì chúng ta là người VN.”

Được biết, có một vài trường hợp không phải là TPB nhưng họ đến ban tiếp tân để tìm cách bắt lỗi, họ muốn được vào tham dự, nhưng ban tiếp tân rất nghiêm minh và ôn hòa giải thích để từ chối sự hiện diện của họ.

Một thời binh lửa, một thời tan tác nhưng hôm nay quý TPB được gặp lại nhau trong niềm vui, trong sự an ủi. “Huynh đệ chí binh” những người lính xem nhau như anh em ruột thịt lại được gặp nhau. Một bữa cơm trưa, một món quà… không là gì cả, nhưng món quà lớn nhất mà quý TPB mong mỏi nhận được chính là sự trân trọng và sự bình an từ xã hội nơi mọi người.


Cha Antôn Lê Ngọc Thanh, người dẫn chương trình trong buổi Tri ân


Quý ông thương phế binh dùng cơm trưa với nhau


Các chức sắc tôn giáo đại diện trao cho mỗi ông thương phế binh một phần quà là 1 triệu đồng


và một cuốn sách nhỏ nói về Quyền con người

Anna Huyền Trang,

Hình, Đức Hiệp VRNs
---- 


Video clip phần 1.
Video clip phần 2:

-------------

Thư Không Niêm Gửi Bạn...
những “chiến hữu” mau quên.... 
“áo gấm về làng”, tủi nhục đồng đội...

(Thay lời một vị thương phế binh VNCH đang kẹt ở VN
gửi người bạn cũ ngày xưa đã vượt biên
nhưng nay lại viện dẫn đủ mọi lý do để về vui chơi)


Gửi nhờ tập vé số trên tay,
Chống nạng đến đây để gặp mày.
Hụt hẫng thấy mày ngồi giữa quán,
Đang cùng bầy cán bộ vui say.

Không muốn bị mang tiếng quấy rầy,
Khi lòng đang thất vọng chua cay,
Nên đành mượn tạm vài trang giấy,
Viết bậy đôi câu gửi tới mày.

Mày hãy cùng tao nhớ lại ngày,
Cùng mày trong bóng tối chia tay,
Mày thề rằng nếu Trời cho thoát,
Mày ắt không quên mối hận này.

Từ đó, trong đau đớn dập vùi,
Bọn tao mòn mỏi đợi tin vui.
Ngờ đâu hạnh phúc lùi xa mãi,
Nghĩ đến Quê Hương lại ngậm ngùi.

Mày trở về chơi đã lắm lần,
Lúc thì viện cớ gặp người thân,
Lúc theo “từ thiện” tìm danh vọng,
Hí hửng vô tròng bọn ác nhân.

Hàng vạn hàng trăm các hội đoàn,
Tranh đua làm thiện thật gian nan.
Hân hoan vì chút hào quang giả,
Họ đã an nhiên giúp bạo tàn.


Mày cũng lần theo đóm múa may,
Hết quà lại cáp phát rền tay.
Tiền Tây, tiền Mỹ xài như rác,
Lầu các thi nhau mọc dẫy đầy.

Mày biết dân đây được những gì,
Khi đoàn cứu trợ đã ra đi?
Đất đai ngập lụt, nhà tan nát,
Ngơ ngác trên tay một gói mì!

Biết chăng vì những đứa như mày,
Sự thật quê nhà chẳng chịu hay,
Hãnh diện ta đây về “cứu viện”,
Nên bầy quỷ đỏ hiện còn đây.

Mày có biết mày đã tiếp tay,
Nuôi dân cho chúng để rồi nay,
Chúng càng thêm có đầy phương tiện,
Để khiến dân ta mãi đọa đày.

Cả bầy chúng vẫn sống xa hoa,
Xuất ngoại đầu tư, sắm sửa nhà,
Con cái tiêu ra hàng bạc triệu,
Đồng tiền đó liệu lấy đâu ra?

Mày so với chúng được bao lăm,
Tỷ phú tiền Tây chúng cả trăm.
Của cải một thằng trong Bắc phủ,
Thừa nuôi dân sống đủ nhiều năm.

Phải chăng vì cật ấm cơm no,
Mày lại mơ màng chức vị to,
Nên mới trở cờ o bế giặc,
Qua sông ngoảnh mặt với con đò?

Tao xót xa nhìn lũ bạn thân,
Ngày xưa vượt biển lắm gian truân,
Nay khuân tiền bạc về quê cũ,
Góp sức nuôi bè lũ hại dân.

Bạn mình giờ lắm kẻ giàu sang,
Áo gấm xênh xang rộn xóm làng.
Có đứa vênh vang bằng cấp lớn,
Hùa theo lũ ngợm chống Cờ Vàng.

Có thằng may mắn lắm đồng ra,
Thơ thới về đây, bỏ vợ nhà.
Có đứa làm sui gia với giặc,
Ra ngoài trở mặt líu lo ca.

Thấy miệng mày thoa mỡ nói năng,
Lòng tao chua xót chợt hay rằng,
Xuống thuyền mấy đứa đêm hôm đó,
Giờ đã “vinh quy” đủ bấy thằng!

Tao tưởng bao năm ở nước ngoài,
Chúng mày phải biết rõ hơn ai,
Ngày ngày đọc thấy nhiều tin tức,
Sao lại vô tâm được thế này?

Lần cuối cho tao nói một lời:
Nếu còn người trở lại ăn chơi,
Đua đòi danh lợi, buôn “từ thiện”,
Thì chớ mơ chi chuyện vá trời.

Nắng chiều cuốn xác lá trôi,
Bóng đôi nạng gỗ đơn côi ngược dòng.


Trần Văn Lương


0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.