Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Saturday 17 August 2013

‘chửi xéo’ đảng?

Ông Trương Tấn Sang ‘chửi xéo’ đảng? 

Vài ý kiến về buổi họp Việt-Mỹ

***
Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của chủ tịch nhà nước Cộng Sản Việt Nam ngày 25 tháng 7 năm 2013 không đạt được mục đích mong muốn, vào các nước đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng cuộc gặp gỡ giữa ông Trương Tấn Sang và Tổng Thống Barack Obama vẫn còn để lại tiếng vang. Những tiếng vang của hơn hai ngàn người biểu tình ngoài Tòa Bạch Ốc gồm nhiều thành phần khác nhau, từ những người Việt hải ngoại cho đến các thành phần đối kháng tranh đấu cho nhân quyền bị đàn áp trong nước.

Khoảng cách giữa nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam và cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn là một hố thẳm khác biệt dù ông Trương Tấn Sang đã mở lời “đánh giá cao cộng đồng người Việt hải ngoại”. Cái khoảng cách ấy vẫn không khác gì khoảng cách sáu năm trước ngày người lãnh đạo Việt Nam đầu tiên Nguyễn Minh Triết qua gặp Tổng Thống George W. Bush. Chủ trương của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam năm 2013 làm tôi nhớ đến câu nói của ông Hồ Chí Minh khi gặp cộng đồng người Việt ở Pháp hơn 60 năm trước, trong hồi ký của Linh Mục Cao Văn Luận, xem cộng đồng người Việt nước ngoài và nước Việt Nam phải có hỗ trợ chặt chẽ, nước có mạnh thì cộng đồng người Việt nước ngoài mới mạnh và ngược lại, nghĩ thì đúng nhưng cộng sản luôn luôn làm sai. Sống trong cái không khí của ông Hồ Chí Minh năm 1946, đi ngược thời gian hơn nửa thế kỷ, ông Trương Tấn Sang đã mang bản sao lá thư của ông Hồ Chí Minh gởi Tổng Thống Hoa Kỳ Harry Truman năm 1946 “mong hợp tác đầy đủ” và lịch sử đã tái diễn, chính quyền Obama năm 2013 đã không cam kết “hợp tác đầy đủ” để Việt Nam vào TPP. Ngày 25 tháng 7, 2013 ở Tòa Bạch Ốc vì lịch sự ngoại giao Tổng Thống Barack Obama đã nói rằng “Ông Hồ Chí Minh có cảm hứng nhờ Tuyên Ngôn Ðộc Lập và Hiến Pháp Hoa Kỳ cùng lời nói của Tổng Thống Thomas Jefferson”. Ðài truyền hình Fox đã gọi Tổng Thống Obama là một người ngu dốt, thiếu hiểu biết lịch sử, không biết gì về con người nổi tiếng giết người trong cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam không khác gì các nhà độc tài khát máu Stalin ở Nga và Mao Trạch Ðông ở Trung Hoa và Tổng Thống Obama cũng quên rằng ông Hồ Chí Minh là đệ tử trung thành của chủ nghĩa Marxist Leninist.

Tội nghiệp Tổng Thống Obama, chuyến đi thăm của ông Trương Tấn Sang qua Hoa Kỳ do tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam dàn xếp, Ðại Sứ David Shear đã đón tiếp ông Trương Tấn Sang tại phi trường quân sự Andrew ở Hoa Thịnh Ðốn, nghi lễ khác hẳn nghi lễ dành cho ông Sang khi ông qua thăm Trung Cộng gặp chủ tịch Tập Cận Bình ngày 19 tháng 6 năm 2013 và những người Việt trẻ tuổi thế hệ thứ hai trong ban tổ chức đã không biết rõ tất cả văn hóa, lịch sử Việt Nam để cố vấn ông Obama.

Chủ Tịch Hồ Chí Minh khi được hỏi về tư tưởng chính trị, ông luôn luôn xác nhận ông “không có tư tưởng gì cả ngoại trừ tư tưởng Mác Lê Nin và Mao”. Câu đầu tiên trong bản tuyên ngôn độc lập Việt Nam Dân Chủ, Hồ Chí Minh đọc ở quảng trường Ba Ðình, Hà Nội, ngày 2 tháng 9 năm 1945: “Mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ có những quyền không ai có thể xâm phạm được, những quyền ấy, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” là câu trong bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Bản tuyên ngôn của nước Mỹ do Tổng Thống Thomas Jefferson là tác giả. Con người cộng sản Hồ Chí Minh vô thần lại dùng chữ tạo hóa trong tuyên ngôn Việt Nam Dân Chủ Cộng Sản, nó do bản tính của ông Hồ. Nếu ông Obama có học lịch sử Hồ Chí Minh như các sinh viên Ðại Học Houston thì ông sẽ biết ông Hồ Chí Minh dùng 15 biệt hiệu khác nhau để tự đánh bóng cho chính mình. Những điểm văn hóa rất khác biệt với Hoa Kỳ như tự đánh bóng mình bằng những bài viết hay “đạo văn” đối với văn học Hoa Kỳ là điều cấm kỵ. Văn sĩ “đạo văn” là điều sỉ nhục, học trò “đạo văn” bị đánh rớt. Ông Hồ Chí Minh với những vần thơ con cóc trong tù bắt chước Mao Trạch Ðông quen thói “đạo văn”, chợp những câu nói nổi tiếng thành những câu của mình không cần biết xuất xứ. Thế nên mới có câu của Jefferson và có lẽ ông cũng không biết là câu ấy của Jefferson. Thế nên, học sinh Việt Nam và đảng viên đảng CSVN vẫn phải học thuộc lòng những câu của người xưa, “vì lợi ích mười năm ta trồng cây, vì lợi ích trăm năm ta trồng người” của Quản Trọng và “lương y như từ mẫu” của người Trung Hoa trở thành tư tưởng và lời dạy của bác! (Nếu là người Việt thì bác phải dạy “thầy thuốc là mẹ hiền”.)

Chủ Tịch Trương Tấn Sang qua Tổng Thống Obama đã gửi lời “cám ơn sự chăm sóc hết sức chu đáo đối với người Mỹ gốc Việt hàng chục năm qua”. Cả hai nhà lãnh đạo đều thiếu cố vấn, ông Trương Tấn Sang muốn lấy lòng Mỹ hay muốn đoàn kết với người Việt hải ngoại?

Năm nay 2013 là 40 năm kỷ niệm hiệp định Paris 1973, một hiệp định ký kết do nhà đạo diễn thời cuộc Henry Kissinger để Hoa Kỳ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam sau 40 năm hô hào ủng hộ tiền đồn chống cộng VNCH với tinh thần hào hiệp của Tổng Thống John F. Kennedy “can thiệp bất cứ lúc nào, bất cứ khi nào” vào các quốc gia bị ức hiếp. Hiệp định Paris đã cho phép miền Bắc để lại quân trong Nam, dẫn đến sự cáo chung của miền Nam và ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã xảy ra. Hàng triệu người đã bỏ nước ra đi tìm tự do vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 hay sau đó trên biển cả, hàng triệu người bị mất tích, hàng triệu người thành nạn nhân cộng sản. Những người làm việc cho Hoa Kỳ và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa ở lại bị đày vào những trại tù được gọi là “trại học tập cải tạo” vì những người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam như ông Hồ Chí Minh xem “nhà tù là trường học tốt”. Ông Trương Tấn Sang đã “chửi xéo” chủ nhà. Năm 1975, phái đoàn VNCH trong đó có đại sứ Trần Kim Phượng và ông Nguyễn Xuân Phong đến Quốc Hội Hoa Kỳ theo lịnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu xin viện trợ quân sự theo đúng như lời hứa của chính quyền Hoa Kỳ qua hiệp định Paris. Hoa Kỳ đã từ chối, một trong những người ngồi trong tiểu ban Quốc Hội ngày hôm ấy là TNS Joe Biden! Ngày Hoa Kỳ mở trại Guam đón người tị nạn cũng chính ông TNS Joe Biden ấy nay là phó tổng thống của ông Obama đã có ý khinh miệt người Việt tị nạn “cho bọn chúng mỗi người $4,000 để về lại Việt Nam bọn ngu xuẩn không biết sẽ làm gì ở đất nước Hoa Kỳ!” Ông Trương Tấn Sang đã “chửi xéo” chính đảng Cộng Sản của ông, đảng và chính quyền cộng sản Việt Nam đã đuổi hàng triệu người Việt ra khỏi nước với “chiến tranh giải phóng”, danh từ mai mỉa nhơ nhuốc không rửa sạch trong lịch sử Việt Nam. Những người ấy không phải là công dân của ông và đảng cộng sản Việt Nam. Ông không có quyền cám ơn người Mỹ. Tổng Thống Obama đáng lẽ phải dạy cho ông Sang một bài học. Ông Sang phải thay mặt đảng CSVN xin lỗi và cám ơn những người Việt tị nạn sau năm 1975, chính những người Việt tị nạn đã nuôi sống thân nhân và những người Việt ở trong nước trong hơn hai mươi năm bi thảm của một nước Việt Nam cộng sản trong thời kỳ quá độ. Những người Việt này đã yêu quê hương, giúp Việt Nam không cần biết chính trị nhất là thời gian sau 1989 khi Cộng Sản Ðông Âu sụp đổ, thời kỳ mà Thủ Tướng Phan Văn Khải đã phải thú nhận khó khăn, kiệt quệ vì Việt Nam dựa vào buôn bán với các nước cộng sản nay đã bị cô lập cấm vận.

Tổng Thống Obama đáng lẽ trong dịp này phải cám ơn người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ. Trong mười, hai mươi năm đầu khi qua Mỹ, những người Việt tị nạn đã phấn đấu, tạo lập một cuộc đời mới không phải là ký sinh trùng như ông Joe Biden đã nghĩ. Trong những năm ấy người Việt tị nạn, bị chính quyền cộng sản ruồng đuổi, đã cám ơn chính phủ Hoa Kỳ giúp cho những cơ hội để làm lại cuộc đời. Nhưng những năm sau, chính quyền Hoa Kỳ phải cám ơn người Việt tị nạn, những người tị nạn thành công từ trong trường học ra đến trường đời, những người tị nạn đã đóng góp vào những ngành nghề, từ thương mại, y khoa, kỹ thuật đến quốc phòng, v.v. Chúng tôi những người Việt thành công ở Hoa Kỳ đã đóng thuế và nhiều người trẻ đã đóng góp vào quỹ tổng thống cho ứng cử viên Obama.

Năm 2005, khi Việt Nam được xem là cởi mở, tôi được tiếp xúc với những nhà báo ở Việt Nam qua Hoa Kỳ du học, một người đã hỏi tôi: “Tại sao cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ thành công anh ạ?” Tôi trả lời, theo ý tôi, “Người Việt đã thành công vì đất nước tự do này cho chúng tôi những cơ hội không có ở Việt Nam”. Nhà báo ấy sau thú nhận với tôi là “nhà nước không cho viết về những thành công của cộng đồng người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ anh ạ”. Cũng chính ông Trương Tấn Sang nằm trong ban lãnh đạo ấy nay lại ngỏ lời cám ơn Tổng Thống Obama!

Ðúng ra ông Sang phải cám ơn Hoa Kỳ đã chăm sóc các du sinh Việt Nam. Từ ngày Hoa Kỳ mở rộng bang giao với Việt Nam số du sinh ở Hoa Kỳ và số người đoàn tụ gia đình gia tăng. Nhiều người hiểu lầm cho rằng đây là chính sách của chính quyền cộng sản và cho họ công lớn. Sự thật là chính sách của Hoa Kỳ, năm 2007 khi ông Michael Michalak còn là phó đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, gặp gỡ báo Ngày Nay ở Houston đã cho biết “Chủ trương của chính phủ Hoa Kỳ là tăng số du sinh Việt Nam để trong tương lai sẽ có một nhà lãnh đạo Việt Nam được huấn luyện ở các trường đại học Hoa Kỳ”. Việt Nam đã phải dễ giãi trong vấn đề di dân, người Việt hiểu lầm Hoa Kỳ khó, chính quyền Việt Nam đã chấp thuận cho đi nhưng phải đợi Hoa Kỳ cho phép. Sự thật là các nước đã vào Liên Hiệp Quốc phải tôn trọng các quyền tự do của con người trong đó có quyền tự do cư trú, trên nguyên tắc muốn sống ở nước nào thì chính quyền địa phương phải cho phép chỉ chờ sự ưng thuận của chính quyền nước xin cư trú.

Hơn hai ngàn người Việt đã biểu tình trước Tòa Bạch Ốc để đòi nhân quyền. Từ thời chính quyền Clinton qua đến Bush, Hoa Kỳ vẫn chủ trương tự do mậu dịch đi đôi với nhân quyền. Việt Nam may mắn thoát khỏi danh sách CPC nhưng báo chí Hoa Kỳ đều ghi nhận: Chính quyền Cộng Sản Việt Nam đàn áp “khủng khiếp”, càng ngày càng dã man đối với những thành phần đối lập chính trị”. Trong khi ông Sang qua Mỹ, ở Việt Nam người viết Blog, Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải, tuyệt thực từ ngày 22 tháng 6 năm 2013 và còn hơn 150 tù chính trị vẫn bị giam. Việt Nam ký hiệp định nhân quyền nhưng bắt chước đàn anh Trung Cộng, khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Houston năm 2008, nói với ông Bush “Việt Nam chỉ bắt những người vi phạm pháp luật” thì chính quyền cộng sản đã dùng đòn phép ấy để buộc tội Ðiếu Cày tội trốn thuế như Trung Cộng bắt nghệ sĩ chống đối Ngải Vị Vị . Hoa Kỳ có bổn phận phải theo dõi nhân quyền ở Trung Cộng, Việt Nam và các nước, trái với sự tuyên truyền của cộng sản, Hoa Kỳ can thiệp vào nội bộ, vì điều luật HR19 vạch rõ, các nước ký kết phải có trách nhiệm thực hành và theo dõi tiến triển.

Trong đám người biểu tình có cựu Dân Biểu Cao Quang Ánh, ông tuyên bố chính quyền CS Việt Nam là chính quyền vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất ở vùng Ðông Nam Á. Ðiều tuyên bố này khác hẳn hồi hơn hai năm trước khi đến Hà Nội được ông thứ trưởng ngoại giao quàng vai, ông Ánh đã tuyên bố “chính quyền Hà Nội tôn trọng nhân quyền, tự do tôn giáo, chỉ có chính quyền địa phương làm sai luật”. Hết làm dân biểu ông Ánh đã học được bài học khác với đương kim nghị viên thành phố Houston Hoàng Duy Hùng vẫn còn chìm đắm trong “biển mê”.

Cũng người ôm vai cười hỉ hả với ông Ánh, ngày đi qua Mỹ với ông Sang, thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn không còn cười được, lên tiếng phỉ báng những người có ý kiến khác với chính quyền cộng sản Việt Nam “Vì hận thù cuối cùng...” “muốn có thêm thu nhập...” “ngăn cản con đường hội nhập, những người bạn Mỹ trong quá trình phát triển Mỹ-Việt”. Thứ trưởng đặc trách Việt kiều Nguyễn Thanh Sơn qua Mỹ nhiều lần muốn hòa hợp hòa giải, nay với những lời tuyên bố ngu xuẩn cần phải bị khiển trách hoặc cách chức. Người Việt ở Mỹ đã hội nhập thành công trong mấy mươi năm, chỉ có con đường hội nhập của các ông Việt Cộng vẫn còn bị cản trở, vi phạm nhân quyền của chính quyền Hà Nội đã ngăn cản tiến trình phát triển Mỹ-Việt. Ông Sơn gọi “những người bạn Mỹ” nhưng chúng tôi tiếp xúc với một người liên hệ trong chuyến đi trong Bộ Quốc Phòng thì họ vẫn xác định “Việt Nam chưa phải là bạn, chưa phải là đồng minh”. Tôi không dám tin vào người bạn Mỹ như những người Mỹ đã ký vào hiệp định Paris nhưng lời nói trên có phần nào đúng sự thật.

Hàng chục năm qua, người Việt đã giúp thân nhân và đồng bào trong nước, họ luôn luôn có ý thức phân biệt giữa dân và chính quyền, dân và đảng. Sau khi Hoa Kỳ chính thức bang giao với Việt Nam năm 1995, nhiều người Việt làm trong các cơ quan ngoại giao, IMF, quân đội, v.v... đã giúp Việt Nam. Những năm gần đây, tranh chấp biển Ðông giữa Trung Cộng và Việt Nam đã gây ra một vần đề nan giải. Quân đội Việt Nam phải mạnh để chống Trung Cộng nhưng giúp chính quyền và quân đội phục vụ cho đảng thì sự giúp đỡ ấy đi ngược với quyền lợi của dân nhất là chính quyền và đảng Cộng Sản Việt Nam đã đi đúng theo mô hình Trung Quốc, một mô hình tai hại nhất trong lịch sử nhân loại.

Thế giới trong hai thế kỷ vừa qua đã chứng kiến sự sụp đổ của các đế quốc từ đế quốc Anh đến đế quốc Nhật. Các đế quốc ấy dựa trên chính sách kinh tế mạnh, quân đội mạnh. Trung Cộng ngày nay áp dụng đúng một chính sách: Bành trướng đất, xây các hải cảng ở vùng Ðông Nam Á theo chính sách “vòng chuỗi ngọc”, dùng xe hỏa đem tài nguyên vơ vét từ các nước lân cận, chuyển dân đến các nước để giải tỏa nạn nhân mãn, v.v. Chính sách của chính quyền Cộng Sản Trung Quốc đã bóc lột, vơ vét tài nguyên thiên nhiên ở các nước thứ ba, Phi Châu, Trung Á, và Tây Tạng, xây hải cảng ở Pakistan, Miến Ðiện, Tích Lan, vơ vét hầm mỏ ở A Phú Hãn. Chính quyền Trung Cộng đem chính nhân công, dụng cụ, nhân viên an ninh đến các nước ấy mà không mướn những người bản xứ, không huấn luyện nhân công, không mua sản phẩm, thực phẩm địa phương, không đóng thuế. Họ mua đất và đưa hàng triệu di dân Trung Hoa qua ở. Chính sách thực dân mới của Trung Cộng khác với chính sách “Ðế Quốc Mỹ” mà Việt Nam thường phản đối. Trung Cộng cộng tác với các chính quyền độc tài tại các nước thứ ba, không yêu cầu tôn trọng nhân quyền, tài trợ các chính quyền tham nhũng vô điều kiện và lợi dụng sơ hở của chính sách chống khủng bố của Hoa Kỳ xem đối lập là khủng bố để tiêu diệt họ. Bản chất của mô hình Trung Quốc đã ảnh hưởng đến người dân. Gần đây với chiếc du thuyền đầu tiên của Trung Quốc, người dân Việt Nam ở Vịnh Hạ Long và Ðà Nẵng đã có dịp so sánh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ: Du khách Trung Quốc bần tiện, đem theo đồ ăn thức uống, không đổi tiền, không xài tiền, du khách cũng như chính quyền Trung Cộng không đem đến lợi ích gì cho các quốc gia láng giềng.

Nền kinh tế Trung Hoa đã qua mặt Nhật Bản, với tư bản Nhật con người đã hưởng được những phát minh và những tiến bộ khoa học, với mô hình Trung Quốc thế giới chỉ thấy chữ “Ăn”: Ăn gian nói dối, Ăn cắp phát minh, Ăn trộm tài sản trí thức, Ăn hiếp dân, Ăn giựt, Ăn chặn, con ông cháu cha Ăn trên ngồi trước.

Cựu Tổng Thống Tiệp Veclav Havel đã nói: “Cộng sản là con đường vòng dài nhất dẫn đến tư bản”. Chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã đi con đường vòng trong mấy chục năm, đến khi thấy ánh sáng văn minh bỗng thấy mình lỗi lạc như những lời tuyên bố của thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, không khác gì năm 1975 đảng tự cho là “đỉnh cao trí tuệ loài người”!

Ði vòng qua mô hình “Ăn” của Trung Quốc, chừng nào đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam bước về “Ăn năn” với dân tộc!
 Việt Nguyên

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.