Chiêm nghiệm về cuộc chiến đã qua, với hiện tình chính trị của Việt Nam, có thể nói rằng giấy bút ghi thành sử liệu được chất cao như núi, hay ghép dài như dòng Cửu Long. Nhưng nổi bật trong muôn triệu ngôn từ về lịch sử cận đại là hình ảnh lãnh tụ của hai miền Nam-Bắc, được nhắc đến nhiều nhất. Đó là hai nhân vật: ông Hồ Chí Minh và ông Ngô Đình Diệm.
Tuy khác nhau về chính kiến, nhưng hai ông đã gặp nhau trên cùng một điểm. Đó là các tranh luận của nhiều sử gia và ngay cả những mẫu chuyện về sự đời. May mắn hơn ông Ngô Đình Diệm, ông Hồ Chí Minh được cả một Ban Nghiên Cứu Đảng hay Học Viện Hàn Lâm và nhiều cơ quan ngôn luận viết về mình. Trong khi đó, ông Ngô Đình Diệm chỉ được một số sử gia chân chính sưu khảo và biên soạn để lưu lại cho hậu thế. Phần lớn sách viết về ông không mấy tốt đẹp dù đa số tác giả cho rằng họ là người từng thân cận làm việc với ông, hay nói đúng hơn là họ đã từng ăn bổng lộc, hoặc chính tay họ cầm lá phiếu đi bầu chọn ông.
Vậy, thế hệ mai sau biết tin ai đây? Lấy điểm tựa nào của lịch sử để bàn về các vị lãnh tụ nhắm so sánh và tìm ra người lãnh đạo chân chính cho tương lai Việt Nam?
Không. Không đến nổi phải quá thất vọng khi trả lời các câu hỏi nói trên. Bởi vì mọi nhân vật hay sự kiện đã được cô đọng thành hai chữ ''Lịch Sử'' thì, tự nó, lịch sử ấy đã có mặt phẳng. Hay nói đúng nghĩa hơn là thời gian và chứng cứ sử liệu đã trở thành hiển nhiên và rất công bằng vì ấy là sự thật của cả hai mặt tốt và xấu.
Bao sách vở, bao áng văn hay, bao thi phẩm tuyệt vời viết về ông Hồ Chí Minh. Bao lý luận sắc bén, bao cáo trạng hùng hồn, bao chỉ trích của miệng đời đối với ông Ngô Đình Diệm. Tất cả trở thành vô giá trị sau tiếng nổ… BÙM… của DVD nói lên ''SỰ THẬT VỀ HỒ CHÍ MINH''!!!
Trong chừng mực ngắn gọn của bài viết, tôi chỉ dựa vào tư liệu lịch sử để tổng hợp một số điểm cụ thể, tương đồng và dị biệt giữa hai nhân vật lịch sử này.
Xuất Xứ và Quan Điểm:
Điều giống nhau nơi hai nhân vật lịch sử là có nguồn gốc từ quê hương nghèo nàn, đất cày lên sỏi đá. Ông Hồ Chí Minh là người Nghệ An. Từ đây, tính theo hướng vào Nam không xa thì có tỉnh Quảng Bình là quê hương của ông Ngô Đình Diệm.
Cả hai ông đều xuất thân từ cửa con nhà Quan, đều mang hùng tâm, đại chí là: Cách Mạng. Cho nên, có thể nói trường hoạn lộ của cả hai ông đều phải trải qua sóng gió, lao đao. Nhưng, cuối cùng, cả hai đều toại thành chí nguyện và đạt được đỉnh cao chính trị.
Ông Hồ Chí Minh theo phe Cộng Sản và áp đặt thể chế này lên Miền Bắc, Việt Nam. Câu nói của ông và cũng là khẩu hiệu của đảng Cộng Sản Việt Nam do ông sáng lập là: ''Không Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do.''
Ông Ngô Đình Diệm thì khởi xướng và thành lập Chế Độ Cộng Hòa tại Miền Nam, Việt Nam. Câu nói mộc mạc, nhưng cũng là chủ trương đường lối và lập trường chính trị của ông trong công cuộc xây dựng Quốc Gia, đó là: ''Không Gì Quý Bằng Nồi Cơm Của Mình.''
Hoàng Đế và Mỹ Nhân:
Cả ông Hồ Chí Minh và ông Ngô Đình Diệm đều đạt đến đỉnh cao danh vọng và quyền lực. Nhưng, trên danh chánh, ngôn thuận, đến khi mất, hai ông đều sống độc thân, không vợ, không con. Tuy nhiên, tiếng sét ái tình, cũng như tiếng sét thiên nhiên, đánh vào đâu thì để lại dấu vết ở chỗ đó! Trường hợp ái tình của ông Hồ Chí Minh cũng vậy: Càng ngày, càng có nhiều sử gia Việt Nam và ngoại quốc, kể cả những đồng chí thân cận của ông, đã trưng ra được nhiều bằng chứng xác định rằng ông Hồ Chí Minh đã từng cưới vợ và có lắm nhân tình nên ''dân chơi'' mới tặng ông cái ái danh là ''sở khanh nhưng không hào hoa'' vì ông hay hát bài ''giết người trong mộng'' sau khi… cơm no, bò cưỡi! Chính vì điểm yếu là ''ăn vụng nhưng không biết chùi mép'' này của ông Hồ Chí Minh đã làm nổi bật tính bất nhân ngược với đức hạnh của ông Ngô Đình Diệm vốn là đối thủ của ông ta.
Mặc dầu có dư luận chỉ trích về đường lối của chế độ do ông Ngô Đình Diệm lãnh đạo, nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy một dòng sử nào phê phán về đức tính, đạo hạnh cũng như tình cảm riêng tư của ông Ngô Đình Diệm. Tất cả nhận xét của phía người bênh hay kẻ chống đều có chung một điểm là hết sức kính phục đức tính cá nhân của ông. Hay nói cách khác là anh hùng trong thiên hạ từ cổ chí kim chưa mấy ai vượt qua được câu: ''Anh Hùng Khó Qua Ải Mỹ Nhân.'' Ngoại trừ ông Ngô Đình Diệm vì ông đã bước qua được cái ải đầy mê hồn trận này! Nói như thế, rất dễ nhiều người cho rằng ông Ngô Đình Diệm là người khô queo về tình cảm? Không! Nếu chịu khó tìm trong sử lược nói về tâm tính, tình cảm của con người có ''quyền sinh quyền sát'' này, ta sẽ thấy ông Ngô Đình Diệm bị liệt vào dạng người ''keo'' vì không mấy khi ông dùng tiền để tưởng thưởng cho những người phục vụ mình. Ngoài ra, ông cũng có tính hay nổi giận, nhất là đối với những ai dám cắt ngang lời ông nói. Thái độ này đã khiến những chính khách dưới quyền ông, xếp ông vào loại độc tài. Còn với phái đẹp thì ông rất ''yếu kém'' nên phần lớn các tư liệu xếp ông vào loại: Nhát Gái! Vì người ta ít khi thấy ông Ngô Đình Diệm bắt tay phụ nữ, kể cả với những Bà Đầm trong các Ngoại Giao Đoàn Tây Phương đến thăm Miền Nam Việt Nam mặc dầu sức khỏe và tâm sinh lý của ông Tổng Thống hết sức bình thường.
Ai cũng biết mối tình lớn nhất trong con người của ông Ngô Đình Diệm là tình mẫu tử. Ông luôn tâm sự với mọi người về hiếu nguyện lớn nhất đời ông là: Sau khi không còn làm Tổng Thống, ông chỉ mong ước được về Huế để phụng dưỡng Mẹ già. Nếu Mẹ mất sớm thì ông tiếp tục đi tu Dòng Chúa Cứu Thế.
Thành Công Và Thất Bại:
Bằng mưu chước và thủ đoạn, ông Hồ Chí Minh đã biết lợi dụng cộng sản quốc tế để thành công trong việc nắm giữ độc quyền chiêu bài yêu nước. Nhưng trả giá cho nền độc lập như đảng phái của chính ông ca ngợi, thì sinh linh nước Việt phải mất đi quá nhiều, nhất là thành phần trí thức ái quốc thuần chính vì họ đã nghe theo lời ông kêu gọi yêu nước. Rà xét lại một số sự kiện đẫm máu dưới thời ông Hồ Chí Minh như: Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, Tết Mậu Thân, tôi thiển nghĩ rằng chế độ Miền Bắc lúc bấy giờ không cần tàn sát tập thể như đã nêu. Ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản không có chính sách nhân đạo bởi vì những thành phần bị họ giết là rường cột về mặt nhân văn và kinh tế trong việc xây dựng xã hội Miền Bắc vào lúc phôi thai. Hành động của ông Hồ Chí Minh chứng tỏ rằng ông là người quá mưu mô để giành giật ngôi vị, chứ hoàn toàn không có khả năng tất yếu của một chính trị gia thuần chính yêu nước. Chính những di hại mà ông Hồ Chí Minh để lại đã đánh mất hết tình tự Dân Tộc. Cho nên, mãi đến hôm nay, đảng của ông muốn kêu gọi tình đoàn kết cũng không tập hợp được lòng Dân!
Hậu quả lớn nhất và trách nhiệm lớn nhất mà cá nhân ông Hồ Chí Minh, dù đã chết, cũng phải gánh chịu trước lịch sử bởi vì ông đã cam tâm đồng thuận dâng nhượng Biển Đảo cho Trung Cộng qua Công Hàm năm 1958. Dù CSVN phản biện bằng lý luận nào đi nữa, nhà nước Trung Cộng vẫn dùng chứng cớ ấy để gọi là cơ sở pháp lý.
Còn tại Miền Nam, vào thập niên 1950, tình hình chính trị ngổn ngang trăm mối như hiện tình của đất nước Iraq hôm nay, cũng lắm phe, nhiều phái đến nổi Chính Phủ Hoa Kỳ phải tiêu tán đến ngàn tỷ đô la vẫn không bình định được. Nhưng, ngược lại, nhờ bản lĩnh chính trị cương quyết và khôn khéo, ông Ngô Đình Diệm đã nắm được quyền lực với cách xử sự khá ôn hòa, không đến nổi phải gây ra cảnh chết chóc, thương vong cho đồng bào, cũng như với đối thủ chính trị của ông!
Nhìn từ lịch sử, có thể nói Chính Thể Cộng Hòa do ông Ngô Đình Diệm thành lập và lãnh đạo, tuy chưa hoàn hảo về mọi mặt, nhưng đem so sánh với bất cứ quốc gia nào trên thế giới đã từng đối diện với hai mặt là xây dựng bên trong và chống đỡ bên ngoài, thì khó có chính khách nào bì sánh được với khả năng của ông Ngô Đình Diệm lãnh đạo Quốc Gia. Thời gian 9 năm là con số ít ỏi, chưa đủ để đào tạo thành công một con người, huống chi là tạo dựng một chế độ! Điều đáng kính trọng và cũng là điểm để cho bất cứ một lãnh tụ nào của Việt Nam trong tương lai cũng phải học hỏi ở ông đó là tinh thần Quốc Gia độc lập, là nhân tố cần thiết, tất yếu trong đường lối chủ trương giữ và xây dựng Đất Nước. Việt Nam nằm sát nách một nước khổng lồ, tham mộng bá quyền là Trung Cộng. Cho nên người lãnh đạo Quốc Gia phải biết vận dụng mọi phương diện để không rơi vào tình trạng phụ thuộc. Xin đưa ra chính sách mà ngay cả hai ông Ngô Đình Diệm và Hồ Chí Minh đã từng thực hiện, nhưng lại khác nhau. Chính sách ấy dưới đây là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam hiện nay vì nguy cơ mất nước đã hiện rõ, nhưng đảng cộng sản Việt Nam vẫn bất lực.
Chính sách của hai miền Nam-Bắc đối với người Hoa trong thời kỳ chiến tranh
Ngay sau khi thành công với cuộc cách mạng năm 1949, Mao Trạch Đông đã dõng dạc tuyên bố với thế giới là Trung Quốc có quyền can thiệp lên mọi quốc gia để bảo vệ công dân của mình. Thế giới đã đồng loạt phản đối lời tuyên bố ngạo ngược này, khiến giữa thập niên 1950 nhà nước Trung Cộng phải rút lại lời tuyên bố ấy.
Tại Miền Bắc Việt Nam, ông Hồ Chí Minh hết sức lỏng lẻo trong việc quản lý người Hoa. Vào năm 1955, giữa Hà Nội và Bắc Kinh, có sự thống nhất với nhau rằng người Hoa do nhà cầm quyền Hà Nội quản lý, và được hưởng mọi quyền lợi như người dân Việt, nhưng không phải làm nghĩa vụ quân sự.
Trái lại, tại Miền Nam, vào năm 1956, Chính Phủ Ngô Đình Diệm đã bắt buộc tất cả người Hoa phải nhập quốc tịch Việt Nam, bằng không, họ sẽ bị trục xuất. Chính sách quản lý chặt chẽ người Hoa như thế đã khiến giới cầm quyền Bắc Kinh phải lên tiếng phản đối vào năm 1957 vì họ cho rằng ''đó là sự xâm phạm các quyền hợp pháp của người Hoa.'' Tuy nhiên, Chính Phủ Đệ Nhất Cộng Hòa vẫn cứng rắn không thay đổi lập trường.
Rõ ràng việc quản lý người Hoa theo cách ''chặt chẽ hay lỏng lẻo'' là cả một bài học. Việc quản lý chặt chẽ không chỉ tạo điều kiện cho người Hoa hòa nhập, đồng nhất với người Việt để cùng nhau xây dựng xã hội, tuân thủ kỷ cương của chế độ, mà còn bảo đảm được mặt an ninh Quốc Phòng lâu dài cho Quốc Gia xã tắc. Đó là viễn kiến của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đối đầu với nước khổng lồ phương Bắc. Và mối lo ngại của ông đã thành sự thật cho 50 năm sau là khi Thủ Tướng cộng sản Việt Nam mở toang cửa khẩu để rước đại họa vào Việt Nam như hiện nay!!!
Trước hiện tình chính trị của Quốc Gia, một cận ảnh đen tối sẽ chụp lên đầu Dân Tộc Việt Nam, chưa ai có thể đứng ra cáng đáng công cuộc giữ Nước trước sự độc tài của giới đương quyền Việt Nam. Đồng thời, tinh thần đoàn kết Quốc Gia cũng bị xói mòn và tình tự Dân Tộc cũng bị mai một. Cho nên lịch sử minh chứng đứng đắn rằng ''Tinh thần lãnh đạo Quốc Gia độc lập của ông Ngô đình Diệm là Thượng Sách.''
Thật khó thay và biết đến bao giờ Người Việt, Nước Việt có được một vị lãnh đạo như Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã không bị một chút tỳ xước trong hạnh kiểm, hay trong chủ trương chính sách là không phụ thuộc ngoại bang. Đành rằng Chính Thể Cộng Hòa do ông Ngô Đình Diệm thành lập và lãnh đạo chưa hoàn chỉnh về mọi mặt. Nhưng Chính Thể ấy lại có nhiều ưu điểm để khẳng định rằng đó là Mô Hình, là Kiểu Mẫu xứng đáng cho đảng cộng sản Việt Nam phải noi theo nếu họ muốn mở ra một trang sử mới cho Dân Tộc Việt. Hay nói chính xác hơn là để Quốc Gia Việt Nam tránh được nguy cơ lọt vào tay phương Bắc thì cần phải có một con người đầy đủ uy tính và bản lĩnh chính trị như Ngô Đình Diệm và một ''bộ óc trăm năm'' như ông Ngô Đình Nhu.
Nhân Húy Nhật của Nhị Vị vì ái quốc mà vong thân, tôi xin kính cẩn nghiêng mình và Trọng Kính: Vĩnh Biệt Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu.
Tác giả : Nguyễn Duy Thành
http://www.quansuvn.info/D_1-2_2-177_4-2377_5-10_6-1_17-88_14-2_15-2/
0 comments:
Post a Comment