Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Wednesday, 6 March 2013

Thủ phạm của nghịch lý nguyên tắc và loạn quyền thực tế chính là Điều 4 Hiến Pháp.


Bài 04:
 
ĐIỀU 4:
NGHỊCH LÝ NGUYÊN TẮC
& LOẠN QUYỀN THỰC TẾ
 
 
         Đọc kỹ LÁ THƯ góp ý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Hiến Pháp, chúng tôi thấy nổi bật lên những điểm sau đây: (i) nghịch lý nguyên tắc; (ii) lọan quyền thực tế; (iii) thủ phạm của nghịch lý nguyên tắc và loạn quyền thực tế chính là Điều 4 Hiến Pháp.
Nhập đề cho LÁ THƯ, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nói rất rõ về lý do để viết đưa ý kiến về sửa đổi Hiến Pháp:
1)      Chính Nhà nước CHXHCN đã muốn lấy ý kiến của nhân dân. Hội Đồng Giám Mục khen ngợi và tán thành nhã ý này của Nhà nước vì Nhà nước CHXHCN đã hiểu rất đúng rằng “Hiến Pháp của một quốc gia trước hết và trên hết phải là của chính người dân “.
2)      Vì thấy đồng một nhận thức như vậy, nên Hội Đồng Giám Mục VN, ở tư cách là công dân của một nước, ý thức trách nhiệm phải đóng góp xây dựng cho Hiến Pháp được hiểu là “của chính người dân “. Những ý kiến đóng góp xây dựng Hiến Pháp được gửi đến Uûy Ban Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp, chứ không phải gửi lên Nhà nước hay đảng CSVN đang cầm quyền.  Hội Đồng Giám Mục VN viết LÁ THƯ cũng không phải là ở quan điểm đấu tranh cho Tôn Giáo. 
 
I.     Quyền con người
 
Hội Đồng Giám Mục VN cũng nhìn nhận rằng “Bản Dự thảo đã dành cả chương II (điều 15-52) để nói về quyền con người. Quyền con người đã được chính thức nhìn nhận trong Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người (10.12.1948), và Việt Nam cũng đã ký kết. Bản Dự thảo đã liệt kê khá đầy đủ những quyền căn bản của con người.“ 
         Nhưng đó chỉ là những liệt kê trên văn bản trên nguyên tắc. Những điều mà Hội Đồng Giám Mục muốn phân tích để từ đó góp ý kiến là trên thực tế những điều liệt kê ấy có được hiểu đúng, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo pháp luật hay không?
         Theo nguyên tắc, quyền bính Chính trị được nhân dân trao cho nhà cầm quyền là để tạo điều kiện pháp lý và môi trường thuận lợi cho việc thực thi quyền con người. Nhưng trên thực tế, những quyền của con người chỉ được ban phát cách tùy tiện do quyền bính Chính trị. Lý do chính yếu của việc những quyền con người liệt kê trên văn bản không được hiểu đúng, không được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo pháp luật trong thực tế là Hiến Pháp ngay từ đầu (Điều 4) đã dành quyền Chính trị cho độc đảng với độc tôn một  Chủ nghĩa riêng của đảng này: “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” (Điều 4)
         Thực vậy:
=>     Quyền tự do ngôn luận (điều 26), quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật (điều 43), quyền tự do tín nguỡng, tôn giáo (điều 25) không thể được thực hiện hay chỉ được tùy tiện ban phát khi mà Điều 4 độc tôn Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vốn từ bản chất là vô thần.   
=>     Thực tế từ bao chục năm trường, sự trói buộc tư tưởng vào một hệ ý thức duy nhất đã kìm hãm tư duy sáng tạo của người dân Việt Nam. Đây là một trong những lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về nhiều mặt: giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật.
         Điều 4 trong cùng một văn bản Hiến Pháp tự nó, theo nguyên tắc, là trái nghịch với những Điều khoản về những quyền của con người được liệt kê ra trong cùng văn bản; và trên thực tế là cho đảng độc quyền Chính trị tùy hứng ban phát cho dân mà thôi.
         Chính vì nhận định những nghịch lý trên nguyên tắc và những lạm quyền đối với những quyền căn bản của con người, nhất là những quyền chỉ được nhắc ra mà không khai triển cụ thể trên thực tế, mà Hội Đồng Giám Mục VN đề nghị:
l.       Hiến pháp cần xác định rõ: mọi người đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền. Quyền con người là những quyền gắn liền với phẩm giá làm người, và vì thế, là những quyền phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả nhượng.
2 .     Lấy truyền thống văn hóa dân tộc làm nền tảng tư tưởng cho việc tổ chức và điều hành xã hội Việt Nam.
3 .     Nêu rõ nội dung quyền được sống (đối chiếu với điều 21 Dự thảo): mọi người đều có quyền sống. Không ai được phép tước đoạt sự sống của người khác, từ khi thành thai đến khi chết. Nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ sự sống con người. Mọi người đều có quyền bảo vệ sự sống của mình, miễn là không làm tổn hại đến sự sống của người khác.
4 .     Nêu rõ quyền tự do ngôn luận (đối chiếu điều 26 Dự thảo): mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do trình bày quan điểm và niềm tin của mình.
5 .     Nêu rõ quyền tự do tôn giáo (đối chiếu điều 25 Dự thảo): mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền này bao hàm việc tự do theo hay không theo một tôn giáo nào, tự do thực hành các nghi lễ tôn giáo, cá nhân hoặc tập thể. Không tôn giáo nào hoặc chủ thuyết nào được coi là bó buộc đối với người dân Việt Nam. Nhà nước không tuyên truyền tiêu cực về tôn giáo, không can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo như: đào tạo, truyền chức, thuyên chuyển, chia tách sát nhập... Các tổ chức tôn giáo có quyền tự do hoạt động xã hội cộng đồng như giáo dục, y tế...
 
II.    Quyền làm chủ của nhân dân
 
Nhà nước CHXHCN tuyên bố rằng quyền lực tối cao là từ người dân. Hội Đồng Giám Mục VN cũng nhận định quyền làm chủ của nhân dân như sau đây. Theo nguyên tắc, chủ thể của quyền bính chính trị phải là chính nhân dân xét như một toàn thể trong đất nước. Nhân dân trao việc thi hành quyền bính ấy cho những người có năng lực và tâm huyết mà họ bầu làm đại diện cho họ, bất kể người đó thuộc đảng phái chính trị hoặc không thuộc đảng phái nào. Chỉ khi đó mới có Nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân” (Lời nói đầu). Vì thế việc tự do ứng cử của mỗi công dân là đòi hỏi tất yếu trong một xã hội dân chủ, văn minh và lành mạnh. Đồng thời việc bỏ phiếu công khai, khách quan và công bằng, là đòi hỏi cần thiết để người dân có được những đại diện mà họ tín nhiệm. Chính nhân dân có quyền đánh giá năng lực của những đại diện họ đã bầu, và khi cần, họ có quyền thay thế những đại diện đó. Tuy nhiên trong thực tế từ bao chục năm trường, Điều 4 Hiến Pháp khẳng định cách tiên thiên sự lãnh đạo quyền bính Chính trị dành cho đảng CSVN, nghĩa là chính Điều 4 phủ nhận chủ thể quyền bính phải là từ dân.
Chính vì để có sự thuần nhất nhận định về chủ quyền của người dân trong Hiến Pháp cả về nguyên tắc và thực tế mà Hội Đồng Giám Mục VN đề nghị những điểm sau đây:
l .      Hiến pháp cần phải làm nổi bật quyền làm chủ của nhân dân, không chỉ bằng một mệnh đề lý thuyết nhưng cần được thể hiện trong những điều khoản cụ thể của Hiến pháp, và có thể thi hành trong thực tế. Bản Dự thảo khẳng định: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (Ðiều 2). Nhưng trong thực tế, công nhân, nông dân và trí thức là những thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Thực tế đó cho thấy khẳng định về quyền làm chủ của nhân dân chỉ có trên giấy tờ và lý thuyết.
2.      Để tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, trong Hiến pháp không nên và không thể khẳng định cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phải chính trị nào (X. điều 4), vì chủ thể của quyền bính chính trị là chính nhân dân, và nhân dân trao quyền bính đó cho những người họ tín nhiệm qua việc bầu chọn. Những cá nhân được bầu phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc họ làm, chứ không thể là một tập thể mơ hồ rồi cuối cùng không ai chịu trách nhiệm cả.
3.      Hiến pháp hiện hành chỉ công nhận quyền sử dụng đất chứ không công nhận quyền sở hữu đất của công dân. Ðiều này đã gây ra nhiều lạm dụng và bất công nghiêm trọng. Vì thế, Hiến pháp mới cần công nhận quyền sở hữu đất đai của công dân và các tổ chức tư nhân như tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới.
4.      Hiến pháp phải tôn trọng quyền tham gia hệ thống công quyền ở mọi cấp, của mọi công dân, không phân biệt thành phần xã hội, sắc tộc, tôn giáo...
 
III. Thi hành quyền bính chính trị
 
Theo nguyên tắc, quyền bính chính trị mà nhân dân trao cho nhà cầm quyền được phân chia thành quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Để những quyền bính này được thi hành cách đúng đắn và hiệu quả, cần có sự độc lập chính đáng của mổi bên và vì công ích của toàn xã hội. Trong thực tế của Việt Nam nhiều năm qua, đã không có được sự độc lập này, dẫn đến tình trạng lạm quyền và lộng quyền, gây ra nhiều bất công, suy thoái về nhiều mặt: kinh tế, xã hội, đạo đức. Cuối cùng, người dân nghèo phải gánh chịu mọi hậu quả và Việt Nam, cho đến nay vẫn bị xem là một nước kém phát triển.
Nguyên nhân sâu xa là không có sự phân biệt giữa đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền. Điều này thể hiện ngay trong nội dung của Hiến pháp 1992, và Dự thảo vẫn tiếp tục đường lối như thế.
Một đàng, điều 74 khẳng định Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”; đàng khác, Điều 4 lại khẳng định đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Vậy, ai lãnh đạo ai? Phải chăng Quốc hội chỉ là công cụ của đảng cầm quyền? Nếu như thế, việc người dân đi bầu các đại biểu Quốc hội có ý nghĩa gì? Một sự chọn lựa thật sự tự do hay chỉ là thứ dân chủ hình thức?
Bản Dự thảo cũng dành nhiều chương dài để nói về Quốc Hội (điều 74-90), về Chủ tịch nước (điều 91-98), về Chính phủ và Thủ tướng (điều 99-106). Không có chương nào và điều nào nói về Tổng bí thư đảng cầm quyền. Đang khi đó, thực tế là Tổng bí thư nắm quyền hành cao nhất vì cũng theo Dự thảo, đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (điều 4)! Như thế phải chăng đảng ở trên luật pháp và ngoài luật pháp, chứ không lệ thuộc luật pháp? Nếu đảng cầm quyền đã lãnh đạo cả Nhà nước và xã hội, thì còn cần gì Quốc hội, cần gì đến Tòa án!
Những phân tích trên cho thấy sự mâu thuẫn và tính bất hợp lý ngay trong nội dung Hiến pháp. Sự bất hợp lý này dẫn đến tình trạng bất hợp lý trong thực tế cuộc sống, là nguồn gốc của những bất công, dẫn đến bất ổn xã hội, kìm hãm sự phát triển lành mạnh và bền vững của đất nước.
         Chính vì tính cách loạn quyền hành do Điều 4 sinh ra như trên đã trình bầy mà Hội Đồng Giám Mục VN đề nghị: 
l .      Phải vượt qua sự bất hợp lý từ trong cấu trúc Hiến pháp, bằng cách xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phải chính trị nào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”, do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân, chứ không phải là công cụ của một đảng cầm quyền nào.
2 .     Xác định tính độc lập của các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; cung cấp nền tảng pháp lý cho việc thi hành những quyền này cách độc lập và hiệu quả.
3.      Luật hóa sự kiểm soát của nhân dân đối với việc thi hành pháp luật bằng những quy định cụ thể.
 
Kết luận
 
         Đọc kỹ những phân tích của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong những phần trên đây, chúng tôi thấy rằng thủ phạm gây nghịch lý nguyên tắc chính trong nội tại Hiến Pháp và tạo lọan quyền thực tế đối với người dân chính là Điều 4 của Hiến Pháp. Những đề nghị của Hội Đồng Giám Mục VN, dù không minh nhiên nhắc đến thủ phạm ấy, nhưng đều quy tụ vào một điểm là phải loại Điều 4 hiện hành ra khỏi Hiến Pháp.
         Nếu đảng CSVN cố tình để Điều 4 trong Hiến Pháp thì đó là chỉ vì cố thủ dành lấy quyền hành độc đoán Chính trị trên Dân tộc mà thôi.
         Như trong phần mở đầu LÁ THƯ, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đứng về phía trách nhiệm người dân mà góp ý. Cuộc CÁCH MẠNG HIẾN PHÁP bất bạo động ngày nay đang mạnh dạn nổi dậy tại Quốc nội  là việc đối chọi quy tụ vào Điều 4 của Hiến Pháp giữa Dân và đảng CSVN:
1)      Một mặt, Dân chúng muốn xóa bỏ Điều 4 khỏi Hiến Pháp như loại trừ thủ phạm gây nghịch lý nguyên tắc trong văn bản Hiến Pháp và tránh đi cái nguồn gốc gây lọan quyền thực tế, lộng hành quyền bính trong thực tế đối với dân.
2)      Một mặt, đảng CSVN cố thủ giữ Điều 4 trong Hiến Pháp  bất chấp những nghịch lý nguyên tắc do Điều 4 này cho thấy tỏ tường, đồng thời đảng cần Điều 4 để dễ lọan quyền thực tế, lộng hành quyền lực mà hà hiếp, bóc lột Dân.
         Nếu xét về quyền lợi Dân tộc và Đất nước, thì Dân đứng về phía bảo vệ chính đáng, còn đảng CSVN đứng về phía tàn phá bất nhân !
 
Giáo sư Tiến sĩ NGUYỄN PHÚC LIÊN, Kinh tế
Geneva, 06.03.13
Web: http://VietTUDAN.net

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.