Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Sunday 3 February 2013

Dân Hồng Kông biểu lộ tâm trạng oán hờn chế độ Bắc Kinh


Biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông, ngày 01/01/2013 (REUTERS)
Biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông, ngày 01/01/2013 (REUTERS)

Tú Anh
Phong trào tranh đấu bảo vệ tự do dân chủ tại Hồng Kông sử dụng một biểu tượng « hoài cổ » không ngờ. Hình ảnh lá cờ Liên Hiệp Anh phất phới trong các cuộc xuống đường lên án lãnh đạo địa phương làm « tay sai » cho Bắc Kinh đã hiển thị tâm lý bất mãn cao độ của người dân đối với đảng Cộng sản Trung Quốc.

16 năm sau ngày Luân Đôn trao trả Hồng Kông cho Bắc Kinh, tình trạng « đồng sàng dị mộng » giữa người dân địa phương và chính quyền Hoa Lục ngày càng lộ rõ. Trong những tháng gần đây tại Hồng Kông thường xuyên xảy ra những cuộc biểu tình khổng lồ với hàng chục ngàn hay hàng trăm ngàn người tham dự chống chủ tịch hành pháp Lương Chấn Anh.
Nhân vật này bị xem là người của Bắc Kinh, được bầu lên hồi tháng 7 năm ngoái qua một hội đồng thân Trung Quốc gồm 1200 đại cử tri. Trong các cuộc biểu tình, lá cờ nền xanh dương trên góc có thêm hình quốc kỳ Liên Hiệp Anh chen vào các biểu ngữ đả kích Trung Quốc. Sáng kiến này xuất phát từ một nhóm trẻ mang cái tên rất biểu tượng : « Chúng tôi là người Hồng Kông, không phải là người Trung Quốc ».
Thật ra, từ khi Hồng Kông được trả về Trung Quốc, tất cả các lãnh đạo địa phương đều được « đèn xanh » của Bắc Kinh từ Đổng Kiến Hoa, Tăng Âm Quyền đến Lương Chấn Anh kể từ tháng 7/2012 .
Vấn đề là các ban lãnh đạo này thay vì bảo vệ quyền lợi công dân của mình thì họ lại đi phục vụ chính sách Trung Quốc. Vi phạm cam kết tôn trọng quy chế tự trị đặc biệt, chính quyền Trung Quốc liên tục đưa những biện pháp giới hạn quyền công dân và các quyền tự do cơ bản nhất trong một xã hội dân chủ nhưng lần nào cũng thất bại trước phản ứng mạnh của xã hội công dân.
Dưới thời Đổng Kiến Hoa, dự luật « chống khuynh đảo chính trị » giới hạn các quyền tự do báo chí, ngôn luận, hội họp mà người dân Hồng Kông được hưởng trong chế độ thuộc địa đã bị hơn 500.000 người xuống đường chống đối vào lúc phong trào lên cao điểm. Hai hôm sau, 05/09/2003, dự luật này bị rút lại.
Không riêng gì đối lập chính trị, các tầng lớp công dân Hồng Kông tố cáo điều mà họ gọi là « âm mưu áp đặt chế độ độc tài tại Hồng Kông theo khuôn khổ Hoa lục ».
Vào cuối nhiệm kỳ của Tăng Âm Quyền, Trung Quốc đưa ra một kế hoạch tinh vi hơn nhắm vào giới trẻ : đó là chương trình « công dân giáo dục » được nhà nước mô tả là hun đúc tinh thần yêu nước cho học sinh qua kiến thức lịch sử Trung Hoa.
Tuy nhiên người dân Hồng Kông tố cáo đây là một chương trình nhồi sọ chính trị trá hình nhằm vinh danh đảng Cộng sản Trung Quốc. Những giai đoạn đen tối nhất của chính quyền Mao Trạch Đông từ chính sách cải cách ruộng đất, đánh tư sản, cách mạng văn hóa xử tử, cải tạo tùy tiện, gây nạn đói làm hơn 30 triệu nạn nhân tử vong và gần nhất là vụ thảm sát Thiên An Môn đều không được đề cập đến.
Trước làn sóng biểu tình, tuyệt thực phản đối, trước ngày tựu trường niên khóa 2012-2013, tân lãnh đạo Lương Chấn Anh phải hủy bỏ dự án « công dân giáo dục » này.
Tuy nhiên giới phân tích đặt câu hỏi là tại sao người dân Hồng Kông mang cờ Anh trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ? Phải chăng đây là tín hiệu mang màu sắc « phản Thanh phục Minh » mà một bộ phận người Trung Hoa yêu nước trong « Thiên địa hội » đã sử dụng để huy động dân chúng chống lại chính quyền Mãn Thanh ?
Sáng lập viên nhóm « Chúng tôi là người Hồng Kông, không phải là người Trung Quốc », một thanh niên 26 tuổi tên Danny Chan giải thích : « tình hình Hồng Kông mỗi ngày mỗi xấu đi kể từ khi Trung Quốc can thiệp vào ». Chim đầu đàn của phong trào 30.000 thành viên trên mạng xã hội nhấn mạnh đến « tình trạng sinh hoạt kinh tế khó khăn, giá nhà đất đắt đỏ nhất thế giới, di dân Hoa Lục tràn ngập Hồng Kông để hưởng an sinh xã hội trong lúc phân hóa giàu nghèo càng ngày càng sâu đậm » là nguyên nhân làm dân Hồng Kông bất bình Trung Quốc chứ không phải vì muốn trở lại thời thuộc địa.
Sự kiện một phần công luận quay về quá khứ cho thấy người dân tuyệt vọng với chế độ hiện nay và không có niềm tin ở tương lai. Lãnh đạo Liên đoàn Dân chủ Xã hội Hông Kông, Lương Quốc Hùng, nhắc lại thời thuộc địa người dân Hông Kông cũng bị thiếu tự do, dân chủ.
Mãi đến thập niên 1980, khi Luân Đôn cải cách thật sự thì xã hội mới trong sạch và chinh phục được sự mến mộ của dân chúng . Nhà chính trị này cho rằng ông « hiểu tại sao công luận Hồng Kông ước mơ về quá khứ » nhưng tương lai của Hồng Kông là xây dựng một chế độ dân chủ đúng nghĩa để thay thế guồng máy thân Trung Quốc hiện nay.

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

Một biến thể phụ COVID-19 mới xuất hiện, mang tên Arcturus.

 Biến thể phụ Arcturus mới, lần đầu tiên được xác định “có mặt” và lây lan mạnh ở Ấn Độ hồi Tháng Ba. Tại Hoa Kỳ, Arcturus hiện chiếm khoảng 6% trong số ca nhiễm COVID-19.