Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa

Sunday 20 March 2022

Cận chiến “tay đôi” trong đô thị

 

Cận chiến “tay đôi” trong đô thị

Sẽ có nhiều xe tăng Nga nữa trở thành sắt vụn như thế này; Irpin, ngày 11 Tháng Ba (ảnh: Laurent Van der Stockt pour Le Monde/Getty Images)
Thời Sự

“Plan A” – tiến vào Kyiv như trở bàn tay với sứ mạng “giải phóng” và được người dân Ukraine đón chào – đã phá sản. Bây giờ là “Plan B”: Cận chiến trong đô thị. Với hỏa lực dồn dập của Nga, Kyiv sẽ thất thủ bất kỳ lúc nào nhưng điều đó không có nghĩa quân Nga có thể giương cờ chiến thắng.

Tháng Chín 1942, trong trận chiến lịch sử Stalingrad, trung sĩ Nga Yakov Pavlov cùng trung đội mình cố thủ trong một tòa nhà bốn tầng được xây dựng vuông góc với bờ kè sông Volga hướng ra một quảng trường lớn – sau này được giới quân sử gọi là “Nhà Pavlov – Дом Павлова”. Tòa nhà có tầm nhìn từ ba phía. Lính của Pavlov đặt dây thép gai, mìn sát thương và mìn chống tăng xung quanh. Họ khoét lỗ tường ăn thông và gác sẵn khẩu súng máy trong các góc tòa nhà, đồng thời đào rãnh nối liền với các vị trí của Liên Xô bên ngoài bờ sông Volga.

Thấm đòn cấm vận, Kremlin gõ cửa cầu viện Bắc Kinh

Khả năng Nga tấn công hóa học ở Ukraine là rất cao

Binh đoàn nước ngoài hỗ trợ Ukraine: Súng đã lên đạn

Không có hoa hồng cho Putin

Pháo đài Kyiv

Javelin – xịt đâu trúng đó!

Tiếp liệu được đưa đến qua chiến hào hoặc bằng thuyền. Ngày này qua ngày kia, quân Đức tấn công liên tục, có khi nhiều lần trong một ngày. Mỗi khi bộ binh hoặc xe tăng Đức băng qua quảng trường và áp sát ngôi nhà, các họng súng máy của trung đội Pavlov lại khạc đạn… Chỉ bằng cách ấy, Yakov Pavlov cầm cự được 58 ngày, cho đến khi được Hồng quân giải cứu. Vasily Chuikov, tướng chỉ huy của lực lượng Liên Xô tại Stalingrad, sau này nói đùa rằng khi cố đánh chiếm Nhà Pavlov, quân Đức thiệt mạng còn nhiều hơn cả chiến dịch chiếm thành Paris. Sau chiến tranh, Pavlov được phong Anh hùng; và “Nhà Pavlov” trở thành di tích lịch sử chiến tranh…

80 năm sau, quân Nga đang đối mặt những “Yakov Pavlov” và những “ngôi nhà Pavlov” tương tự. Với bất kỳ quân đội nào, urban warfare – đánh nhau trong đô thị, theo chiến tranh qui ước (không dùng vũ khí hóa học hoặc bất cứ vũ khí bất qui ước nào) – luôn là ác mộng. Một quân đội thiện chiến như Mỹ với hỗ trợ của nhiều vũ khí robot tự hành lẫn xe tăng đạn pháo hiện đại mà khi cận chiến tay đôi tại Iraq cũng chật vật. Trong cuộc giằng co kéo dài hơn chín tháng, từ năm 2016 đến năm 2017, Mỹ cùng quân đồng minh chỉ khống chế được “thành” Mosul sau khi thiệt mạng tổng cộng hơn 1,200 quân; 5,000 người bị thương; chưa kể 11,000 thường dân và 5,000 chiến binh Nhà nước Hồi giáo thiệt mạng.

Một tòa nhà tại quận Obolon bị quân Nga đánh phá; Kyiv ngày 14 Tháng Ba (ảnh: Mykhaylo Palinchak/SOPA Images/LightRocket via Getty Images

Kyiv có diện tích 323.9 dặm vuông (khoảng 838.8 km vuông) – so với 69.5 dặm vuông của Mosul. Quân Nga sẽ mất bao nhiêu thời gian để hạ gục hoàn toàn Kyiv, nơi người dân đang biến thành phố họ như một pháo đài? “Vào được” bên trong không có nghĩa là chiếm được thành. Vấn đề tiếp vận – từ súng ống đạn dược đến thực phẩm – sẽ được thực hiện như thế nào, trong khi quân Nga tiếp tục lúng túng và bộc lộ vô số điểm yếu trong tiếp vận quân sự.

Năm 1994, quân Nga từng nếm mùi chiến tranh đô thị khi xâm lược Grozny (Chechnya). Bằng chiến thuật sử dụng từng nhóm nhỏ, chỉ trang bị AK-47, lựu đạn, súng phóng lựu RPG-7 hoặc RPG-18, các tay súng ly khai Chechnya đã giao chiến với xe bọc thép của Nga từ tầng hầm hoặc tầng trên các tòa nhà. Khi quân Nga lọt vào bẫy, các toán phục kích cứ nhắm vào chiếc đầu và chiếc cuối mà nhả đạn; sau đó biến mất như những bóng ma rồi lại thình lình xuất hiện hai bên sườn để khạc tiếp vào hàng ngũ rối loạn của địch.

Dân Kyiv đang trong tư thế chiến đấu; Kyiv ngày 14 Tháng Ba (ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

Từ ngày 1 Tháng Một đến ngày 3 Tháng Một 1995, Lữ đoàn súng trường cơ giới số 131 của Nga đã mất 102 trong 120 xe bọc thép và 25 xe tăng. Trong 31 xe tăng T-80BV được đưa vào Grozny cùng với Tiểu đoàn xe tăng 3, Trung đoàn xe tăng 6, chỉ có một xe tăng sống sót nguyên vẹn! Kết quả, các tay súng ly khai Chechnya đã giết khoảng 2,000 binh sĩ Nga trong giai đoạn đầu của trận giao chiến kéo dài hai tháng. Cần biết trong 20 năm vật lộn ở Afghanistan, quân đội Mỹ thiệt mạng chỉ hơn 2,400 lính.

Trong bài viết trên military.com ngày 8 Tháng Ba 2022, tác giả Gary Anderson thuật rằng, từ năm 1994, Thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu nghiên cứu kỹ chiến thuật tác chiến trong môi trường đô thị. Năm 1998, Tướng Tư lệnh Charles Krulak yêu cầu thành lập “Cơ sở thí nghiệm Chiến đấu của Thủy quân lục chiến (Marine Corps Warfighting Lab) với việc thực hiện loạt tập trận thử nghiệm chiến tranh đô thị trong dự án gọi là “Chiến binh Đô thị” (Urban Warrior).

Những kết quả ban đầu cực kỳ thảm hại. Trong một cuộc thử nghiệm ở Oakland, California, lực lượng màu xanh lam (đại diện cho Mỹ) đã bị tổn thất đến 75%. Sáu năm sau, quân đội Mỹ có dịp thử nghiệm trong lò lửa thật: Fallujah, Iraq. Chiến dịch Fallujah khó khăn đến mức Mỹ và đồng minh phải đánh hai lần. Lần thứ nhất kéo dài gần một tháng (4 Tháng Tư đến 1 Tháng Năm 2004); lần thứ nhì kéo dài hơn một tháng rưỡi (7 Tháng Mười Một đến 23 Tháng Mười Hai 2004). Trận Fallujah thứ nhì được xem trận đẫm máu và khốc liệt nhất đối với lịch sử quân đội Mỹ kể từ cuộc giao tranh tại Huế-Việt Nam năm 1968.

Nhắc đến Tết 1968 cũng gợi nhớ cuộc đọ súng trong môi trường đô thị đầy khốc liệt và đẫm máu. Khi cuộc giao tranh kết thúc, phe Bắc Việt thiệt mạng khoảng 60,000 quân (trong số 80,000 quân tham chiến) và Mỹ lẫn lính VNCH thiệt mạng 12,727 người. Thất bại của chiến dịch Mậu Thân là thất bại cay đắng không chỉ bởi khả năng giao chiến trong môi trường đô thị mà còn xuất phát từ sự lượng định sai của Lê Duẩn cùng bộ máy chiến tranh của ông ta – hệt như Putin ngày nay: Không có sự nổi dậy hưởng ứng nào của người dân dành cho những người “giải phóng”.

Chia tay con, bố ra tiền tuyến; Bucha, gần Kyiv, ngày 13 Tháng Ba (ảnh: Emin Sansar/Anadolu Agency via Getty Images)

Đến nay, sau 18 ngày kéo quân vào Ukraine (kể từ ngày 24 Tháng Hai 2022), khoảng 1,300 lính Ukraine đã thiệt mạng – theo Tổng thống Volodymyr Zelensky. Phần Nga, Bộ Quốc phòng nước này nói rằng họ mất 498 lính; trong khi đó, Ukraine cho biết số lính Nga bỏ mạng tại chiến trường Ukraine là khoảng 12,000. CBS News (ngày 10 Tháng Ba) dẫn lại từ một viên chức Mỹ ước tính số lính Nga tử trận là từ 5,000-6,000; và quân đội Ukraine thiệt mạng từ 2,000-4,000. Ở thời điểm này, khó có thể kiểm chứng con số chính xác tổn thất của hai bên nhưng có một thứ rất khó “đếm” nhưng vẫn “đo lường” được: Tinh thần chiến đấu.

Kyiv đang có nhiều “ngôi nhà Pavlov” cũng như nhiều tay súng thậm chí gan lỳ hơn Yakov Pavlov. Càng oanh kích dữ dội vào các mục tiêu dân sự như trường học và bệnh viện càng khiến người dân phẫn nộ dẫn đến cầm súng một mất một còn. Năm 2011,  ba nhà nghiên cứu Mỹ đã kết luận sau khi nghiên cứu dữ liệu về chiến dịch ném bom của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam:

Những khu vực dân cư bị thả nhiều bom nhất (vào năm 1969) là những nơi có nhiều khả năng Việt Cộng sau đó nổi dậy kiểm soát nhất. Giáo sư Thomas Pepinsky thuộc Đại học Cornell nhận định rằng việc tấn công thường dân (như cách Nga đang thực hiện) là một chiến lược tồi. Nhà sử học Richard Overy cũng đưa ra kết luận tương tự: Việc nhắm mục tiêu thường dân tại các thành phố châu Âu trong Thế chiến thứ hai là một thất bại quân sự, khi tỉ lệ người dân châu Âu sau đó cầm súng sống mái với quân Đức tăng đáng kể…

Tổng thống Volodymyr Zelensky thăm thương binh; Kyiv ngày 13 Tháng Ba (ảnh: Ukrainian Presidency/Anadolu Agency via Getty Images)

Cuộc thăm dò của Info Sapiens (được thực hiện cho British Research Agency ORB International) vào ngày 3 và 4 Tháng Ba 2022 cho thấy có đến 78% nam giới và 59% phụ nữ Ukraine sẵn sàng cầm súng kháng chiến nếu xảy ra cuộc chiếm đóng lâu dài. Binh đoàn người nước ngoài, khoảng 16,000 người, cũng đang được điểm danh ở Ukraine. Tất cả đều là cựu binh trong đó có những tay súng từng lăn lộn ở Iraq và Afghanistan và có nhiều kinh nghiệm trong cận chiến đô thị. Họ đều là chí nguyện quân. Nga cũng đang tuyển lính Syria cho chiến trường Ukraine. Theo nguồn từ Deir Ezzor (Syria, dẫn lại từ Wall Street Journal 6 Tháng Ba), Nga đang “ra giá” $200-300 cho những người “tình nguyện” sang Ukraine làm “vệ binh” trong sáu tháng…

Bẫy xe tăng (“tank trap”) thời Thế chiến thứ hai trong Viện bảo tăng Kyiv được mang ra làm chướng ngại vật tại một góc Kyiv (ảnh: Emin Sansar/Anadolu Agency via Getty Images)

Với người Ukraine, họ đang chuẩn bị tất cả những gì có thể. Một phóng sự ảnh của Washington Post vào hôm nay (14 Tháng Ba) cho thấy người dân Kyiv không chỉ đang chặn hàng rào khắp các ngã đường mà còn chèn bao cát bịt kín những tượng đài ở thủ đô vì sợ bị bom đạn làm hỏng. Họ bọc chằng chịt đệm xốp những di tích ngoài trời và gỡ những bức tranh trong viện bảo tàng cất vào hầm…

Với người Nga, họ có “Plan C”? Và nó là gì? Vũ khí hóa học? Khó có thể biết những ngày, thậm chí những giờ sắp tới, chuyện gì xảy ra. Dù kết quả ra sao, châu Âu nói riêng, thế giới nói chung, sau cuộc chiến của Putin, sẽ không còn là thế giới như trước đó. Putin cũng chẳng còn là một Putin trước đó

 Mạnh Kim

 https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/can-chien-tay-doi-trong-do-thi/

0 comments:

Post a Comment

Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!

.

.