Dòng Máu Việt Nam Cộng Hòa
Thursday 22 September 2016
Home »
Chuyện Đời Lính
» Cuộc di tản đầy máu và nước mắt
Cuộc di tản đầy máu và nước mắt
Thursday, September 22, 2016
No comments
Không phải mãi hai ngày sau người Mỹ mới biết lý do đằng sau vụ di tản rút quân bỏ miền Trung. Vào buổi tối ngày 17.3.1975, tại bữa cơm đãi một số Viên Chức cao cấp Mỹ và Việt Nam tại nhà ông Thomas Polgar, Trưởng CIA, ở Sài Gòn, Tướng Ðặng Văn Quang Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Thiệu, đã lật trang sử khi giải thích quyết định của ông Thiệu. Rất giống người Nga tiêu diệt đội quân của Nã Phá Luân vào năm 1812 bằng cách bỏ đất để câu giờ hầu chấn chỉnh tổ chức quật ngược thế cờ, Tướng Quang cho rằng quyết định của ông Thiệu đi theo chiến lược đó sẽ đánh bại quân Bắc Việt. Tướng Quang nói ‘’Có thể mùa mưa sẽ giúp chúng tôi như thể Ðại Tướng mùa Đông đã giúp người Nga’’.
Tại Cao Nguyên Trung Phần, dân chúng không chờ giải thích. Họ thấy rõ quá rồi nên tự lo lấy.Khi quân Bắc Việt pháo kích Kontum, con đường dẫn xuống Pleiku tràn ngập dân di tản chạy trốn pháo kích. Trong khi các Ðơn Vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu rời các vị trí ở Pleiku và các phi cơ vận tải bay lên bay xuống phi trường suốt ngày đêm, người dân biết ngay đến lúc chạy theo Quân Ðội.
Vào đêm Chủ Nhật, một đoàn xe vận tải dài thòng âm thầm rời khỏi Pleiku từng cái một đèn sáng choang. Phóng viên Nguyễn Tư nghĩ nó ‘’giống như một đoàn xe đi chơi cuối tuần trở về nhà’’. Phía sau, những tiếng nổ lớn phát ra từ các kho đạn bị phá và bầu trời đen nghịt khói từ các bồn xăng đốt cháy.
Trong khi đoàn xe tiến về hướng Nam tung lên những đám bụi đỏ mờ mịt, từng đoàn người dân đi bộ dài như rắn bò hai bên Ðường Quốc Lộ song song với đoàn quân xa. Một vị Nữ Tu Công Giáo nhớ lại ‘’trẻ thơ và trẻ em được chất lên xe bò và người kéo đi. Mọi người đều hoảng hốt. Người ta cố thuê mướn xe bằng mọi giá’’. Trong ba ngày 16, 17, 18, tháng ba, cuộc di tản di chuyển êm thắm khỏi Pleiku và giữa các đoàn quân xa là hàng trăm dân sự đi theo cuộc di tản. Và cũng từ đó bắt đầu một đoàn công voa di tản đầy máu và nước mắt.
Ði được nửa đường tiến ra Duyên Hải, đoàn xe bị khựng lại để cho Công Binh Quân Ðoàn II cố làm xong chiếc cầu nổi ngang qua sông Ea Pa cách đèo Cheo Reo (Phú bổn) vài cây số. Tướng Phạm Văn Phú tiên liệu hai ngày sẽ sửa xong con Ðường số 7 nhưng mãi ba ngày vẫn chưa sửa xong cây cầu. Ðến chiều tối ngày 18.3, xe cộ và lính tráng đã đi được ba ngày và một đám dân tỵ nạn khổng lồ bị khựng lại dọc theo con đường và dồn cục tạm nghỉ ở chung quanh châu thành Tỉnh Phú Bổn. Cái châu thành nhỏ bé cheo leo này làm sao cung cấp đủ nhu cầu cho đoàn di tản này, nhiều người bỏ nhà ra đi chỉ có bộ đồ trên người. Vì hoảng sợ, địch đe dọa phía sau, đói khát và có những băng lính không còn Cấp Chỉ Huy nữa sanh đạo tặc, đoàn người đòi cứ tiến đi không cần biết hậu quả ra sao. Trước tình thế hỗn quân hỗn quan này, các giới chức lãnh đạo không thể nào thuyết phục dân chúng và điều động xe cộ vũ khí thành một phòng tuyến phòng thủ.
Và y như xảy ra khi quân Ðức bao vây khóa chặt Paris năm 1940, dân châu thành cũng chạy trốn, làm tắc nghẽn mọi con đường, Quân Ðội không thể nào di chuyển để bảo vệ họ trước kẻ địch. Tình hình đe dọa hỗn loạn. Cần phải có những bàn tay tổ chức. Nhưng Tướng Lê Duy Tất vẫn còn ở Pleiku với đoàn hậu vệ Biệt Ðộng Quân, trong khi Ðại Tá Lý bị kẹt ở giữa đoàn xe, đã phải bỏ xe đi bộ đến Bộ Chỉ Huy ở Cheo Reo.
Khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu di chuyển xuống Quốc Lộ số 7, Tướng cộng sản Văn tiến Dũng cũng đã bị đánh lừa theo kế hoạch của Tướng Phú. Trước khi khởi sự chiến dịch 275, Dũng đã chỉ vẽ nhiều lần cho tư lệnh sư đoàn 320 về những con Ðường Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không thể nào dùng nó như là lối thoát sau cùng. Tuy nhiên, sau khi nghe tin Tây Phương nói dân chúng đang bỏ Pleiku, các chuyến bay từ Pleiku về Nha Trang tấp nập và Hà Nội đánh tín hiệu ngày 16.3 báo cho biết Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II đã di tản về Nha Trang, Dũng mới bắt đầu nghĩ lại xem có con đường nào khác cho địch quân rút được không. Ðến 4 giờ chiều cùng ngày, công điện của Hà Nội đến báo, tình báo Bắc Việt báo một đoàn xe dài từ Pleiku tiến về phía Nam xuống Ban Mê Thuột. Tin này làm cho Tướng cộng sản bối rối. Phải chăng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phản công hay là chạy trốn?
Tình báo của Dũng cho ông ta câu trả lời ngay sau đó, đúng như tình hình diễn biến ở trên. Ðến lúc này bộ chỉ huy cộng sản mới dở bản đồ ra, chiếu đèn pin và dùng kiếng phóng đại dò tìm địch quân. Kiểm điểm lại, Tướng Dũng và Tướng Kim Tuấn, tư lệnh sư đoàn 320, mới biết bị Tướng Phú lừa ngay trước mắt, Tướng Dũng khiển trách Tướng Kim Tuấn, đồng thời phối trí các đơn vị di chuyển về tụ điểm Quốc Lộ 7 để tiêu diệt đoàn công voa di tản về Tuy Hòa.
Ðoàn xe Quân Dân miền Nam cầu mong sao cho thời gian chậm lại để đi kịp về miền biển không bị cộng sản tấn công. Nhưng không kịp nữa, khi màn đêm buông xuống ngày 18.3 lúc đoàn xe kẹt ở Cheo Reo, quân cộng sản bắt đầu pháo kích vào đám đông dân di tản. Họ hết còn bí mật nữa và kẻ thù ở trong tầm tay. Ðêm ngày 18.3, những đơn vị tiền phong của sư đoàn 302 đụng độ với đoàn xe Quân Ðoàn II ở Cheo Reo. Cùng lúc các đơn vị khác đụng độ với Ðoàn Quân hậu bị Liên Ðoàn 6 Biệt Ðộng Quân ở Thị Trấn Thành An ngã tư Quốc Lộ 14 và Quốc Lộ 7. Ðại Tá Lý đi bộ mãi rồi cũng tới Bộ Chỉ Huy Cheo Reo kịp lúc để giúp điều động Tiểu Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân vào vị trí phòng thủ chống các cuộc xung phong của quân Bắc Việt ở lối vào Thị Trấn phía Tây. Ðồng thời, pháo binh Bắc Việt rót vào. Ðoàn xe cái đầu ở Cheo Reo nhưng cái đuôi vẫn còn ở Pleiku. Việt cộng tha hồ pháo kích. Sáng hôm sau, xác chết và xác bị thương lính tráng và dân nằm la liệt trên Ðường Phố Cheo Reo (Phú Bổn) cùng với hàng trăm xe cộ bị phá hủy hoặc bỏ rơi. Một phi công trực thăng Không Quân Việt Nam báo cáo: ‘’Khi tôi bay thấp, tôi có thể nhìn thấy hàng trăm xác chết nằm rải rác dọc theo con đường cạnh các xe còn cháy’’.
Mặc dù lực lượng cộng sản đã chiếm được Phi Trường Phú Bổn, Tiểu Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân vẫn còn giữ được lối vào châu thành và cây cầu phía Nam sửa xong. Ðây là một cú cải tử hoàn sinh, Ðại Tá Lý và các Cấp Chỉ Huy của ông có cơ hội ra lệnh cho đoàn xe lên đường trở lại với 2.000 xe nổ máy ầm ầm lăn bánh.
Nhưng đoàn xe di chuyển không bao lâu, Tướng Phú cho trực thăng đến đón Ðại Tá Lý ra khỏi Cheo Reo. Thế là đầu không còn ai Chỉ Huy chỉ có Tướng Tất Chỉ Huy ở phía sau. Từ ngày 19 trở đi, Chỉ Huy đầu đoàn công voa là những Ðơn Vị Trưởng cấp Tiểu Ðoàn, Ðại Ðội mạnh ai lấy ra lệnh.
Bất kể hỏa lực của cộng sản, trực thăng của Không Quân Việt Nam bắt đầu đáp xuống bốc những người Lính và dân bị thương dọc theo con đường. Khi những người di tản được trực thăng chở đến Phi Trường Tuy Hòa, họ kể những chuyện khủng khiếp xảy ra cho họ. Ngày 19.3, đầu đoàn xe đã đến Sông Côn chỉ còn cách Tuy Hòa 40 km. Nhưng ở đoạn đuôi nửa đường giữa Cheo Reo và Sông Côn, quân Bắc Việt lại đánh ngang hông đoàn xe, lần này ở khoảng Thị Trấn Phú Túc. Không Quân Việt Nam được gọi đến oanh kích chặn tiến quân của địch nhưng đã nhầm lẫn bỏ bom xuống Liên Ðoàn 7 Biệt Ðộng Quân (Làm tổn thất gần 1 Tiểu Ðoàn). Nhưng Liên Ðoàn này vẫn tiếp tục chiến đấu giữ cho con đường mở.
Ðoàn xe chạy qua Cheo Reo cho đến ngày 21.3 thì quân Bắc Việt chọc thủng các vị trí cố thủ của Tiểu Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân, vượt qua chiếm châu thành và cắt đứt con đường. Trong số khoảng 160.000 người của đoàn xe di tản, nhiều người dân bị cô lập với Lính của Ba Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân. Theo lệnh Tướng Phú, Tướng Tất, vẫn còn ở phía sau đoàn xe, phải bỏ mọi vũ khí và quân trang nặng để chạy khỏi Phú Bổn càng nhanh càng tốt. Hàng ngàn người chạy vào rừng. Lính tráng với vợ con bên cạnh bị rượt bắt và tấn công nhiều lần.
Một số ít giơ cờ lên được trực thăng đáp xuống bốc. Nhưng đa số cầm chắc bị đói và bị bắt.
Những người may mắn, các bà mẹ trẻ dính máu, các cụ già và phụ nữ người mặc áo dính bùn, và những người lính gào khóc, chân không, bước xuống trực thăng trước khi các phóng viên bủa ra hỏi thăm tin tức tại phi đạo Tuy Hòa. Các trực thăng bắt đầu chở thực phẩm và nước cho đoàn xe vẫn còn dài thòng di chuyển như con rắn vì đã có nhiều người đói.
Trong khi ở đuôi đoàn xe bị tấn công dữ dội và Tướng Tất cùng các Ðơn Vị còn lại cố chống trả bọc hậu, các Ðơn Vị đầu đoàn xe đã tiến vào ranh giới Tuy Hòa, trên con Sông Ba, cách Thị Trấn 20 cây số. Chiếc cầu nổi mà Tướng Cao Văn Viên hứa cũng đến kịp lúc, nhưng không kịp với lực lượng cộng sản đã đắp mô các ngã đường nằm giữa Sông và Tuy Hòa. Chiếc cầu không thể nào chở xe nổi đến chỗ Bắc nên phải mượn 4 phi cơ C-47 của Quân Ðoàn IV chở từng khúc đến.
Ngày 22.3, đúng một tuần sau khi đoàn xe di tản đầy máu và nước mắt rời Pleiku, chiếc cầu được bắc xong, đầu đoàn xe vội vã vượt qua con sông quá nặng làm chiếc cầu phao lật, người trong xe cộ phải lội sông. Nhưng đến cuối ngày, đoàn xe vẫn tiếp tục vượt qua khi chiếc cầu được sửa lật lại. Ngay cả đến thời thiết cũng tiếp tay cho cộng sản để làm cho đoạn cuối đoàn xe đến Tuy Hòa chưa hết nạn.
Trời nắng đột nhiên trở thành mưa gió lạnh lẽo cho người di tản. Không những thời tiết thay đổi xấu gây ra bệnh tật mà nó còn làm cho phi cơ quân sự không bay lên yểm trợ, chống trả những cuộc tấn công dưới đất của việt cộng. Từ ngày 22.3, Liên Ðoàn 6 Biệt Ðộng Quân bị kẹt đánh trong một trận đánh bọc hậu vừa đánh vừa lui trước nỗ lực rượt theo rất rát của quân cộng sản. Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân đã thu góp xe tăng và pháo binh để bảo vệ con đường ở khúc quẹo thung lũng gần cầu nổi. Họ đánh câu giờ để cho người di tản và Lính kịp vượt qua sông.
Ðồng thời, những Ðơn Vị đi đầu đã vượt qua Sông Ba rồi phải phá mô việt Cộng để tiến vào Tuy Hòa. Liên Ðoàn 7 Biệt Ðộng Quân chỉ còn ít quân sống sót đã gom góp được hơn chục thiết giáp M-113 vừa đánh vừa ủi các mô tiêu diệt các vị trí cộng sản. Ðến ngày 25.3, vị trí cuối cùng của quân Bắc Việt bị tiêu diệt nốt, Biệt Ðộng Quân bắt tay được với Lực Lượng Ðịa Phương Quân ở phía Ðông Tuy Hòa.
Ðoàn xe khập khễnh tiến vào Tuy Hòa như một đoàn xe ma. Xấp xỉ 60.000 người dân đến đích, hai phần ba hay hơn 100.000 người bị bỏ lại dọc đường, chết sống không ai biết. Về phía Quân Ðội, 20.000 quân tiếp vận và yểm trợ, chỉ còn 5.000 người đến nơi. Sáu Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân 7.000 người, chỉ còn 900 đến Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Ðoàn II ở Nha Trang và đóng chốt bảo vệ Thành Phố.
Một vị Tướng ở Bộ Tham Mưu đã buồn bã nói: ‘’70% lực lượng tác chiến của Quân Ðoàn II gồm Sư Ðoàn 23 Bộ Binh, Biệt Ðộng Quân, Pháo Binh, Thiết Giáp, Công Binh Chiến Ðấu và các Ðơn Vị Truyền Tin đã bị tan rã từ ngày 10 đến 25.3’’. Vì thế chuyện phản công tái chiếm Ban Mê Thuột không thể giao phó cho Quân Ðoàn II.
Canh bạc Tướng Phú chọn Quốc Lộ 7 có thể đã an toàn nếu các cầu nổi được bắc kịp thời và Tướng Viên đổ lỗi cho vị Tư Lệnh Quân Ðoàn II. Tướng Viên tin rằng Tướng Phú phải hoãn cuộc di tản ít ngày để cho các Kỹ Sư Công Binh kịp bắc cầu. Tướng Viên cũng tin rằng hoãn lại cho phép điều động sắp xếp kỹ hơn nhất là kiểm soát dân chúng. Theo một vị Tướng Mỹ thông thạo các Sĩ Quan cao cấp Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, lỗi lầm không những ở kế hoạch di tản của Tướng Phú mà ở ngay chính Tướng Phú và lỗi lầm đầu tiên và quan trọng nhất là để mất Ban Mê Thuột. Một vị Tư Lệnh Quân Ðoàn cương quyết hơn không cần phải rút quân như vậy. Một Sĩ Quan Tùy Viên Mỹ tuyên bố: ‘’Một vị Tư Lệnh mạnh như Tướng Toàn (Trước đó là Tư Lệnh Quân Ðoàn II) có thể phản công tái chiếm Ban Mê Thuột, sử dụng toàn bộ Hải, Lục, Không Quân có trong tay đã có thể kềm hãm quân Bắc Việt, cố thủ thêm một năm nữa’’.
Nhưng ngày 25.3.1975,không còn cơ hội đó. Cuộc di tản tự làm cho mình thất bại đau đớn, như lời Tướng Viên mô tả, hoàn tất, gây một cơn ác mộng tâm lý và chính trị to lớn cho ông Thiệu, cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và cho dân chúng Việt Nam Cộng Hòa. Một dư luận đồn thổi khắp nước và cả ở những viên chức dân sự và quân sự cao cấp nói rằng: Tổng Thống Thiệu và người Mỹ, trong một thỏa hiệp mật của Hiệp Định Paris, đã cố kết với nhau cho cộng sản chiếm một phần lớn lãnh thổ Nam Việt Nam. Tại sao Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu can trường suốt hai mươi năm không thua đột nhiên bị ra lệnh rút khỏi Cao Nguyên, bỏ Pleiku và Kontum không một tiếng súng giao tranh ?
Tinh thần đổ vỡ vì mất bốn Tỉnh trong ba tháng và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh nặng và vô ích không tái chiếm nổi Ban Mê Thuột đã làm cho dân chúng Nam Việt Nam hết còn tin tưởng Tổng Thống Thiệu có thể bảo vệ họ. Vậy ai khác có thể làm được? Phe đối lập ông Thiệu vô tổ chức, đứng ngoài chờ thời cơ và người Mỹ tiếp tục làm ngơ. Chỉ có ông Thiệu là người phải tìm ra cách nào để lấy lại tinh thần cho Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng trước khi ông tìm ra hướng đi hợp tình thế thì tin xấu từ Quân Ðoàn I bay về. Cũng lại di tản và cuộc di tản Quân Ðoàn I bi thảm không kém để kết thúc ngày 30.4.1975.
Đại Tá Trịnh Tiếu
Di sản VNCH: Nền văn minh đã thắng “chế độ man rợ”!
.
.
0 comments:
Post a Comment