Quân y viện Qui Nhơn là một trong những bệnh viện quân y quan trọng nằm ở vùng 2 chiến thuật, vì thường phải đón nhận các thương bệnh binh từ 2 tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên và luôn cả phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi.
Ðúng vào ngày tôi trực, buổi tối đêm 8 tháng 3, 1975, rạng sáng ngày 9 tháng 3, 1975, chúng tôi đã nhận một số lớn bệnh binh và đồng bào ở trại gia binh bị thương vì đạn pháo kích của việt cộng ở đèo Cù Mông. Như thường lệ sau ngay trực buổi sáng, chúng tôi phải họp giao ban ở phòng khách của quân y viện, để báo cáo với bộ chỉ huy của bệnh viện, tình hình bệnh nhân trước khi ra trực. Phòng khách của bệnh viện trong buổi giao ban lúc nào cũng đông người và náo nhiệt, nhưng hôm đó lại vắng vẻ và thưa thớt. Chúng tôi đợi hơn nửa giờ nhưng không thấy chỉ huy trưởng Trung Tá Nguyễn Xuân Cẩm cùng các bác sĩ của bệnh viện có mặt.
Sau đó sĩ quan trực đến báo cáo, là toàn bộ các bác sĩ của quân y viện cùng gia quyến của họ, các viên chức tòa hành chính tỉnh và bộ chỉ huy cảnh sát ở thị xã đã tháo chạy trong đêm. Thị xã Qui Nhơn hiện nay như rắn không đầu. Giặc chưa đến mà đã mở cửa đầu hang vô điều kiện, dân chúng trong thị xã hoang mang và hoảng sợ, cũng vội vàng thu dọn đồ đạc và tư trang, cùng với gia đình di chuyển vào trong Nam, nơi mà họ tin tưởng sẽ là chỗ an toàn cho chính bản thân và gia đình của họ. Ðiều mỉa mai là trong thành phố hoàn toàn bỏ trống, quân đội nằm ở ngoại ô, thành phần chủ lực sư đoàn 22, vẫn còn tiếp tục trấn thủ các vùng ngoại ô và bảo vệ thành phố. Cuộc chiến tàn khốc vẫn diễn ra ác liệt với nhiều thương vong. Thiếu Tá Sự, sĩ quan quản lý ở phiên trực của tôi, đến tham khảo và hỏi ý kiến của tôi nên phải làm sao. Tôi đưa ý kiến, nên gọi cho cục quân y, báo cáo khẩn cấp tình hình và xin thêm người ra tiếp viện. Thiếu tá Sự còn hỏi tôi về tình trạng và số phận của các nhân viên hiện đang làm việc trong quân y viện thì sao. Theo ý kiến của tôi, muốn bệnh viện hoạt động hữu hiệu, chúng tôi rất cần sự cộng tác và giúp đỡ của các anh em. Trong buổi sắng giao ban, bệnh viện vẫn còn có khoảng 200 nhân viên đến làm việc. Cách đây vài ngày tôi đã nghe tin đồn, sẽ có cuộc đình chiến giữa Việt Cộng và chính phủ miền Nam, và đèo Cù Mông sẽ là ranh giới, sự thật ra sao thì chúng tôi không biết, nhưng cuộc chiến vẫn diễn ra ác liệt, bằng cớ là trong đêm, chúng tôi đã nhận một số lớn thương bệnh binh từ chiến trường gửi về.
Tin đồn nhảm đó đã làm suy giảm tinh thần chiến đấu của các anh em binh sĩ ngoài chiến trường, làm giao động tinh thần và cuộc sống của nhân dân địa phương. Trong ngày hôm đó, trong bệnh viện chỉ có phòng cấp cứu, phòng mổ, phòng hồi sức, phòng hậu giải phẫu là còn làm việc. Còn các doanh trại khác, công việc phục vụ bệnh nhân rất là lơ là. Tôi cũng hiểu được tâm trạng của các anh em nhân viên trong bệnh viện, phần lớn ai cũng có gia đình và trong tình hình chiến tranh hiện nay, gia đình của họ đang chờ đợi sự quyết định của họ là di tản hay ở lại. Trong lúc giải lao giữa hai cuộc giải phẫu, tôi họp ban chỉ huy của bệnh viện, trong đó Thiếu Tá Sự là người có chức vụ cao nhất. Tôi nghĩ là trong hoàn cảnh khó khăn này, tôi không thể ép buộc các anh em phải ở lại làm việc, vì ai cũng có gia đình và có trách nhiệm lo cho người thân của mình. Hơn nữa ngay chính bản thân của tôi cũng không biết được ngày mai sẽ ra sao, thì sao tôi có thể bảo vệ, che chở sự an toàn cho các anh em cùng với gia đình. Ai cũng muốn có đất lành để nương tựa và bảo vệ hạnh phúc an vui cho gia đình. Tôi đề nghị nên để họ tự quyết định. Sau cùng Thiếu Tá Sự và thành phần còn lại của bộ chỉ huy quân y viện, quyết định tạm thời để cho các anh em tự quyết định lấy số phận của mình là đi hay ở lại, vì đó là quyền sống của các anh em. Thiếu Tá Sự sẽ báo cáo với Cục Quân Y, để họ tạm thời rời khỏi nhiệm chức, và sẽ trở lại bệnh viện sau khi tình hình an ninh đã ổn định và an toàn hơn. Sau khi anh em chia tay, thành phần y tá xung phong tình nguyện ở lại bệnh viện còn khoảng vài chục người. Ða số là những người độc thân chưa lập gia đình, cuộc chiến vẫn diễn ra ác liệt, thương binh và gia đình binh sĩ bị thương vẫn tiếp tục đưa về bệnh viện. Tôi và các anh em y tá trong phòng mổ, phòng hồi sức và cấp cứu, vẫn làm việc ngày đêm liên tục.
Các anh em y tá trẻ tình nguyện ở lại bệnh viện nhìn tôi bằng con mắt ái ngại. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, không biết chúng tôi sẽ chịu đựng được bao lâu, vì sức người có giới hạn. Tôi cố gắng trấn tĩnh anh em, vì cục quân y hứa sẽ tăng viện khẩn cấp cho chúng ta thuốc men và nhân lực, một vài anh em trong khi giải lao đã chuyện trò với tôi. Theo họ những người sinh ra và lớn lên ở vùng đất. (Nam, Ngãi, Bình, Phú). Họ đã quá biết sự tàn ác và dã man của Việt Cộng, vì họ đã chứng kiến tận mắt những hành động tra khảo và khủng bố của đối phương đối với tù binh địch, trong các vùng địch tạm chiếm. Nếu một ngày nào đó rơi vào tay của đối phương, tôi cũng sẽ phải chịu những cực hình đó. Tham sống và sợ chết, lo sợ sống cho một ngày mai bất ổn, không có tương lai, nhiều lúc làm cho tinh thần tôi giao động, mất đi ý chí sáng suốt và làm cho tôi ngã lòng. Nhưng rồi nhìn các anh em bệnh binh, những người bạn đồng đội mà tôi chưa bao giờ quen biết, đang nằm la liệt ngoài phòng cấp cứu chờ đến phiên mình giải phẫu, nhìn những ánh mắt và nụ cười của các anh em y tá trẻ, xung phong làm việc không biết mệt để phục vụ bệnh binh, tình người và tình huynh đệ chi binh, đã trấn áp được những tư tưởng yếu hèn và ích kỷ của tôi. Ðời người quá ngắn ngủi, sống chết đều có mạng, chủ yếu cuộc sống của chúng tôi và các anh em y tá trẻ là phục vụ cho quần chúng, xã hội và đất nước. Tuy rằng chúng tôi chỉ là một thành phần nhỏ bé trong guồng máy xã hội, không thể làm xoay trở được ván cờ, nhưng chúng tôi đã làm được một cái gì đó cho tổ quốc, dân tộc chúng ta trong lúc đất nước đang gặp cơn nguy biến. Tôi cười và động viên tinh thần của các anh em. (Ðâu cần thì thanh niên có, việc gì khó có thanh niên đi đầu).
Ngày 10 tháng 3, 1975
Cục Quân Y điện khẩn cho chúng tôi, khuyên chúng tôi phải cố gắng kiên trì, chúng tôi sẽ nhận được thuốc men và nhân lực tăng cường cho bệnh viện trong một thời gian ngắn, thời gian thì không nói rõ là khi nào đến, nhưng đã ủng hộ được tinh thần chiến đấu của các anh em y tá bệnh viện, chúng tôi làm việc có hậu phương hậu thuẫn và yểm trợ. Buổi chiều cùng ngày, Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông, chỉ huy trưởng Tiểu Ðoàn 42, thuộc Sư Ðoàn 22, đến thăm bệnh viện. Sau khi nghe tôi báo cáo về tình hình thương bệnh binh, thuốc men và nhân viên của bệnh viện, tôi đã đưa đại tá đi tham quan phòng cấp cứu đầy người không có chỗ nằm, phòng mổ, phòng hồi sức và phòng hậu phẫu. Trước khi rời khỏi bệnh viện, tôi đã cố gắng cầm nước mắt, có hứa với đại tá, chúng tôi không vì quyền lợi cá nhân mà phản bội lại các chiến hữu bệnh binh, những người đã hy sinh cho tổ quốc, cho màu cờ, để bảo vệ sự an toàn cho đồng bào và đất nước.
Ngày 11 tháng 3, 1975
Chúng tôi rất phấn khởi và vui mừng, vì Cục Quân Y đã giữ lời hứa, chúng tôi nhận được điện khẩn từ trung ương sẽ có máy bay mang đồ tiếp liệu cho chúng tôi ngay trong ngày, tôi cùng với các anh em đã chuẩn bị di chuyển các bệnh nhân ở phòng cấp cứu, phòng hồi sức, và hậu phẫu ra phi trường dân sự, đồng thời tôi cũng không quên nghĩ đến sự an toàn của các mẹ người Pháp ở trong trại cùi, các tu sĩ và các em bé ở cô nhi viện Gềnh Ráng, tôi cho người đến nói với họ rằng, nếu muốn di tản, họ sẽ được chấp nhận tháp tùng theo các bệnh binh về một nơi an toàn hơn. Tất cả mọi người đều nghĩ là tôi sẽ cùng với các bệnh binh có mặt trong cuộc hành trình này. Các mẹ người pháp trước khi chia tay có hứa với tôi là về đến Sài Gòn sẽ tùy cơ ứng biến, nếu có chuyện gì xảy ra, các mẹ sẽ giúp đỡ tôi giấy tờ đi định cư ở Pháp. Nhưng trong giờ phút cuối, trước khi máy bay cất cánh, tôi đã quyết định ở lại nơi mảnh đất cằn cỗi này, giữ đúng lời hứa với các chiến sĩ hiện còn đang chiến đấu để bảo vệ cho sự tự do và quyền sống làm người. Về lại bệnh viện, tôi nhờ các anh em di chuyển số bệnh binh còn lại về một trại lớn để dễ bề chăm sóc. Một điều không may cho tôi là các anh em đã quên ghé nhà tạm giam, trong đó có một người bộ đội bị thương đang điều trị. Người này vì lý do an ninh, nên chân của anh ta vẫn còn bị xích vô giường bệnh, vì không ai để ý đến, nên khi bộ đội vào tiếp thu bệnh viện, người thanh niên này đã bị đói lả người, vì không được ăn uống trong suốt cả tuần lễ trước khi được tiếp cứu. Dựa vào sự kiện trên, họ đã mạnh miệng kết tội tôi, trong giờ phút cuối cùng vẫn còn ngang bướng, cố chấp, cố tình chống đối lại nhà nước và nhân dân.
Cũng trong ngày, một số các anh em y tá sau khi đưa gia đình về đến Nha Trang, nơi mà họ nghĩ là sẽ an toàn, sau khi trình diện với chính quyền sở tại, họ đã trở lại quân y viện, phụ giúp chúng tôi trong công cuộc điều trị bệnh binh. Theo lời kể lại, hiện nay toàn bộ Bộ Chỉ Huy của quân y viện cũng đang có mặt ở Nha Trang để chờ lệnh, trong đó có cả trung tá chỉ huy trưởng quân y viện. Những người này thay vì ủng hộ tôi trong việc làm chính đáng, đã kết tội tôi là nằm vùng cho đối phương, và họ còn cười mỉa mai là ở quân y viện gần 2 năm nằm vùng cho Việt Cộng, mà tình báo an ninh đã quá dở không khám phá ra được. Những hành động tôi làm trong quá khứ chỉ là để che mắt thế nhân. Ngẫm nghĩ lại, số phận của tôi hiện giờ đang bị trên đe dưới búa. Nếu phe quốc gia trở lại quân y viện, tôi sẽ bị kết tội nằm vùng phản quốc, nếu kẻ địch là người thắng cuộc, tôi sẽ là Việt gian bán nước. Niềm oan ức đó chỉ có trời cao mới hiẻu được, nhưng tôi vẫn làm việc mà không hối hận với lương tâm.
Buổi chiều! Thình lình chúng tôi nghe có tiếng súng nổ ở ngoài bãi biển Qui Nhơn. Chúng tôi nghi Việt Cộng đã vào thành phố. Nhưng sự thật là khác hẳn, trung đoàn 42 đang trấn thủ, bảo vệ các vùng ngoại ô của tỉnh Bình Ðịnh, được lịnh rút khỏi tỉnh bằng tàu hải quân sẽ cập bến Qui Nhơn. Theo lời kể lại của các anh em, theo dự tính tàu hải quân sẽ cập bến ở bãi biển Qui Nhơn và sẽ đảm trách công cuộc rút lui của trung đoàn, dưới sự chỉ huy của Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông. Không may cuộc tính toán bị thất bại, vì trung đoàn đã đến chỗ hẹn sớm hơn lúc nước thủy triều đang rút, nên tàu hải quân không thể cập bến được và sự triệt thoái của trung đoàn đã gặp nhiều trở ngại. Những người lên tàu đã chen lấn làm mất trật tự, sau cùng vì sự an toàn, tàu hải quân đã phải rút lui. Trung Ðoàn 42 đã tan hàng trên bãi biển Qui Nhơn, chưa đánh đã tan, quá xấu hổ và nhục nhã nên Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông đã tuẫn tiết ở bãi biển Qui Nhơn. Thi hài của ông được đồng đội đưa đến quân y viện và quàn ở nhà xác bệnh viện, binh lính bị thương ở bãi biển trên con đường triệt thoái, đã được chở đến bệnh viện để chăm sóc. Chúng tôi đã phải làm việc liên tục suốt đêm trong công cuộc cứu chữa cho các bệnh binh.
Ngày 12 tháng 3, 1975
Tờ mờ sáng, thình lình chúng tôi nghe tiếng đại bác nổ vang dội, đó là đạn pháo từ các tàu hải quân được lệnh bắn lên phá đài rađa nằm bên hông quân y viện trên đèo Qui Hòa, và phá hủy các kho tiếp trữ xăng dầu và y cụ sau quân y viện. Anh em y tá vào báo cho tôi và suy nghĩ, có lẽ tất cả chúng tôi sẽ phải bỏ mạng trong cuộc phá hủy này. Một anh y tá có ý kiến hay, đề nghị treo cờ trắng có chữ thập đỏ ở cột cờ lớn trước quân y viện, báo hiệu có nhiều người đang ẩn trú nơi đây. Quả thật như vậy, khi cờ hồng thập tự được treo lên, tàu hải quân ngưng bắn phá và rút đi. Một lần nữa, chúng tôi và toàn thể các anh em thương bệnh binh đã được cứu mạng.
Gần trưa các anh em vào báo cáo, kho thuốc và kho lương thực của quân y viện, vì không được canh giữ cẩn thận đã bị dân địa phương vào ăn cắp trong đêm, làm sao để phục vụ các bệnh binh nặng khi không có thuốc men và lương thực cho bệnh binh cùng nhân viên cấp dưỡng. Ðó là một câu hỏi đã làm cho tôi phải suy nghĩ nát óc không trả lời được, tôi nhờ các anh em đi xuống từng kho thuốc ở các trại gia binh bỏ trống, thu nhặt tất cả những thuốc men còn bỏ sót lại để tiếp tục cứu chữa bệnh binh, về lương thực tôi đề nghị các anh em cố gắng duy trì khẩu phần ăn cho các bệnh binh được lúc nào hay lúc đó, và cắt giảm một chút lương thực của các anh em cấp dưỡng trong đó có cả tôi, có sướng cùng chia, có cực cùng chịu. Một điều may mắn cho quân y viện là sau khi Trung Ðoàn 42 triệt thoái đi, số bệnh binh đến quân y viện điều trị đã giảm nhiều. Một điều may mắn nửa là máy điện chạy cho phòng mổ và phòng hồi sức vẫn còn đủ nhiên liệu dùng trong một thời gian.
Quân y viện vì thiếu người dọn dẹp trong một thời gian ngắn, nên rác rến tràn ngập khắp mọi nơi, mùi hôi thối của các tử thi sau nhà xác xông lên, đã làm cho mọi người khó thở và buồn nôn. Tôi cùng một số các anh em đi vòng bệnh viện đến nhà xác, nhìn thấy một cảnh tượng hãi hùng, tử thi của các anh hùng tử sĩ trong những ngày gần đây không người coi sóc, bị bỏ nằm la liệt trong và ngoài nhà xác, heo và chó đã lợi dụng đến xé xác tranh ăn. Vì vấn đề vệ sinh chung cho quân y viện, và tránh bệnh truyền nhiễm, tôi đề nghị các anh em cùng tôi xây một nấm mồ tập thể để chôn cất những anh em này. Nấm mộ tập thể này được xây dựng trước cột cờ Tổ quốc mà cách đây vài tuần, lúc nào cũng có một toán anh em chiến sĩ hằng ngày đứng dàn chào và đưa tiễn các anh hùng tử sĩ đã bỏ thân vì đại cuộc, có khoảng 41 anh em tử sĩ đã được an nghỉ trong nấm mộ tập thể này, trong đó có cả Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông, vị chỉ huy đã tuẫn tiết ở bãi biển Qui Nhơn. Trong lúc phụ an táng các anh em, tôi đã không cầm được nước mắt và khấn nguyện cùng các anh em tử sĩ. Trong mọi hoàn cảnh, tôi cũng sẽ không quên các anh em và một ngày nào đó, khi tôi về với cát bụi, một phần thân xác của tôi sẽ trở về đây để gặp lại các anh em.
Ngày 13 tháng 3, 1975
Một nhóm nhỏ các người lạ có trang bị vũ khí, tự xưng là bộ đội miền bắc đến để tiếp thu bệnh viện. Họ ra lệnh cho anh em chúng tôi ra trình diện trước sân cờ quân y viện với tay không vũ khí. Lá cờ quốc gia (Cờ vàng 3 sọc đỏ) và lá cờ hồng thập tự đã được hạ xuống và thay thế bằng lá cờ đỏ sao vàng của miền Bắc. Trong buổi lễ chuyển giao bệnh viện, lúc đó tôi vẫn mặc áo quần lính trận, thình lình có một người phụ nữ bên phe đối phương với tóc dài đuôi ngựa, nhảy xô tới và đạp tôi té xuống đất, súng AK chỉa thẳng vào ngực và quát mắng rằng, đúng là dân khốn kiếp, đến giờ này vẫn còn ngang bướng, vô liêm sỉ, vô nhân đạo, đã gông cùm một người bạn chiến hữu trên giường bệnh và bỏ đói, bỏ khát. Quá thình lình, các anh em có người muốn nhảy vô tiếp cứu, nhưng tôi đã trấn tĩnh lại và ngăn cản. Bạo động vào lúc này chỉ đưa đến sự khổ đau và chết chóc, chứ không giải quyết gì tốt hơn. Trong buổi lễ tiếp giao, các anh em y tá tình nguyện ở lại bệnh viện, sẽ được trả về nguyên quán cùng ngày, sau đó số phận của họ sẽ do địa phương xét xử, còn các bệnh binh, những người nào cứng cáp có thể xuất viện được sẽ cho xuất viện. Những người nào cần phải điều trị thì được gởi qua dân y viện cạnh bên để tiếp tục điều trị, còn số phận của tôi thì sao? Căn cứ vào quá khứ, bắt tay với đế quốc Mỹ và Tây, chống lại nhà nước và nhân dân, tôi bị kết án là Việt gian phản quốc, sau này sẽ được xét xử công minh. Nay nhà nước đang cần người nên tôi tạm thời được chuyển sang dân y viện, để tiếp tục phục vụ và điều trị cho các bệnh binh. Nhìn các anh em đã cùng tôi làm việc trong thời gian ngắn ngủi đó, vì tình nhân loại và huynh đệ chi binh, đã phải hy sinh sự an toàn của mình, và gia đình cho Tổ quốc, cho tự do, đã lặng lẽ âm thầm ra cổng bệnh viện, tôi nhìn theo và cố cầm nước mắt. Tôi phải cám ơn đến sự hy sinh cao cả đó của các anh em. Họ xứng đáng được vinh danh là những anh hùng của quốc gia và dân tộc. Tôi xin ơn trên và các vong hồn anh hùng tử sĩ hãy nâng đỡ và hỗ trợ tinh thần cho các anh em trong công cuộc sống còn, giúp họ vượt qua mọi khó khăn của một tương lai bất ổn và không biết đến ngày mai.
Tác giả: Nguyễn Công Trứ - BS
http://hung-viet.org/blog1/author/nguyencongtrubs/
Tân Sơn Hòa chuyển
(Trích “Vượt Qua Gian Khổ” hồi ký của Quân Y Sĩ Nguyễn Công Trứ, người y sĩ duy nhất ở lại với QYV Quy Nhơn để săn sóc cho thương binh và chôn cất 47 tử sĩ tại sân cờ QYV, trong đó có Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông, trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 42 BB. Buổi giới thiệu cuốn sách này sẽ được tổ chức vào chiều ngày Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014, tại phòng hội VNCR.)
0 comments:
Post a Comment